Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§114. CHUYỆN CON CÁ NGHĨ VỪA (Mitacintijātaka) (J. I. 426)

Nghĩ Nhiều và Nghĩ Ít...

Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về hai Trưởng lão lớn tuổi. Nghe nói, hai Trưởng lão ấy, sau khi an cư mùa mưa tại một làng thôn quê, đã quyết định đi đến yết kiến bậc Ðạo sư, và chuẩn bị lương thực để lên đường. Nhưng họ hoãn ngày này qua ngày khác, cho đến một tháng trôi qua. Rồi họ chuẩn bị lương thực mới, và cũng như lần trước, trì hoãn tháng này qua tháng khác. Như vậy, vì sự biếng nhác, tham đắm trú xứ của họ, ba tháng trôi qua, họ mới lên đường đi đến Kỳ Viên. Sau khi cất đặt y, bát tại phòng chung, họ đến yết kiến bậc Ðạo sư. Khi các Tỷ-kheo hỏi vì sao lâu ngày họ không đến hầu đức Phật và nguyên nhân của sự chậm trễ, họ báo cáo về sự biếng nhác của mình.

Tại pháp đường, câu chuyện về sự biếng nhác của các Tỷ-kheo ấy được Tăng chúng đề cập. Bậc Ðạo sư đến, hỏi về vấn đề đang được bàn luận và khi được báo cáo vấn đề ấy, bậc Ðạo sư cho gọi hai Tỷ-kheo ấy và hỏi có đúng như vậy không. Khi được họ xác nhận sự thật là vậy, bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay họ mới biếng nhác; thuở trước, họ cũng đã biếng nhác và tham đắm trú xứ như vậy rồi.

Sau khi nói xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, có ba con cá sống ở sông Ba-la-nại, một con tên Nghĩ Nhiều, một con tên Nghĩ Ít, một con tên Nghĩ Vừa. Chúng từ rừng đi đến cảnh giới loài người. Tại đấy, Nghĩ Vừa nói với hai con kia:

– Cảnh giới loài người này thật nguy hiểm và dễ sợ. Các người đánh cá quăng lưới, đặt bẫy và bắt cá. Chúng ta hãy đi về nguồn lại!

Hai con cá vì biếng nhác, vì tham mồi, trì hoãn lên đường cho đến ba tháng trôi qua. Rồi những người đánh cá quăng lưới xuống sông. Nghĩ Nhiều và Nghĩ Ít tìm mồi đi trước, vì mù quáng ngu si, chúng không đề phòng lưới giăng nên đi vào trong mạng lưới. Nghĩ Vừa đi sau cẩn trọng đề phòng. Biết được hai con kia đã sa vào mạng lưới, nó suy nghĩ: “Ta sẽ cứu sống những con cá biếng nhác, mù quáng, ngu si này.”

Nó bơi đến phía ngoài lưới giăng, làm vùng vẫy mắt lưới như đã được thoát ra và làm tung tóe nước như đã lặn về phía trước lưới. Rồi nó đi vào mạng lưới. Các người đánh cá nghĩ rằng, các con cá đã vùng vẫy ra khỏi lưới và đã trốn đi rồi nên nắm một góc lưới và kéo lên. Hai con cá ấy thoát khỏi lưới và lặn xuống nước. Như vậy, nhờ Nghĩ Vừa, mạng sống của chúng đã được cứu thoát.

***

Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ này:

114. Nghĩ Nhiều và Nghĩ Ít, Cả hai đều mắc lưới,

Chỉ có cá Nghĩ Vừa, Giải thoát cho bọn chúng,

Cả ba đã gặp nhau, Chính tại con sông này.

Như vậy, sau khi kể pháp thoại này xong, Bậc Ðạo sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, hai Tỷ-kheo Trưởng lão chứng được quả Dự lưu. Bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Thời ấy, Nghĩ Nhiều và Nghĩ Ít là hai Tỷ-kheo Trưởng lão này, còn Nghĩ Vừa là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.