Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§113. CHUYỆN CON CHÓ RỪNG (Sigālajātaka)[4] (J. I. 424)

Ông tin chó rừng say...

Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Ðạo sư đã kể về Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa). Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo ngồi họp tại pháp đường, bàn đến những việc làm tổn đức của Devadatta.

– Thưa các Hiền giả, Devadatta đem theo năm trăm Tỷ-kheo đi đến Gayāsīsa và nói: “Sa-môn Gotama làm không đúng pháp, điều ta làm mới đúng pháp.” Các Tỷ-kheo ấy bị đưa vào đường sai lạc bởi những lời nói dối như vậy, kẻ ấy đã phá hòa hợp Tăng và tổ chức hai lễ Bố-tát trong một tuần.

Bậc Ðạo sư đến, hỏi vấn đề gì đang được bàn luận, và khi được biết vấn đề ấy, Ngài nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Devadatta mới nói láo, lúc trước kẻ ấy cũng đã nói láo rồi.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một thần cây ở một khu rừng có nghĩa địa. Lúc bấy giờ, ở Ba-la-nại có lễ hội cúng sao. Các người tổ chức cúng lễ các quỷ dạ-xoa. Họ rải khắp các công viên, các ngã tư đường... nhiều cá thịt và sắp đặt nhiều bát rượu.

Lúc ấy, có con chó rừng, vào nửa đêm, chui từ lỗ cống đi vào thành ăn cá thịt, uống rượu, rồi chui vào trong một bụi cây nằm ngủ đến sáng. Khi nó thức dậy, thấy ánh sáng, biết rằng nay không thể trở ra được. Nó đi đến gần đường, nằm xuống một chỗ mà người ta không thấy nó được nhưng nó thấy người ta và nằm im không nói gì.

Rồi một Bà-la-môn đang đi đến rửa mặt, thấy người ấy, con chó rừng suy nghĩ: “Các Bà-la-môn hay tham tiền, ta phải đánh trúng vào tánh tham lam ấy để họ giấu ta giữa nách, che ta với áo ngoài và đưa ta ra ngoài thành.” Với giọng người, nó nói:

– Này Bà-la-môn!

Vị Bà-la-môn quay lại hỏi:

– Ai kêu ta đó?

– Chính là tôi, Bà-la-môn.

– Có chuyện gì vậy?

– Này Bà-la-môn, tôi có hai trăm đồng tiền vàng. Nếu bạn giấu tôi giữa nách, che tôi với áo ngoài, không cho một ai thấy và có thể đưa tôi ra ngoài thành, tôi sẽ cho bạn hai trăm đồng tiền vàng ấy.

Bà-la-môn vì tham tiền nên nhận lời, làm đúng như lời dặn, đưa con chó rừng ra ngoài thành. Ði được một lát, con chó rừng hỏi:

– Này Bà-la-môn, đây là chỗ nào?

– Chỗ ấy, chỗ ấy.

– Hãy đi thêm một lát nữa!

Như vậy, nó thúc đẩy vị Bà-la-môn nhiều lần, cho đến khi ra nghĩa địa lớn. Khi ấy, con chó rừng nói:

– Hãy thả tôi xuống đây!

Vị Bà-la-môn thả nó xuống, chó rừng nói:

– Này Bà-la-môn, hãy trải cái áo ngoài ra!

Vì lòng tham, kẻ ấy trải áo ngoài ra. Chó rừng lại nói:

– Này Bà-la-môn, hãy đào gốc cây này!

Và khi Bà-la-môn đang đào đất, con chó rừng leo lên cái áo ngoài, đi đại tiện trên năm chỗ, bốn góc và chính giữa bôi phân cho nhớp rồi tiểu tiện cho ướt và bỏ đi vào rừng.

Bồ-tát đứng trên chỗ chĩa ba của cây đọc bài kệ này:

113. Ông tin chó rừng say, Hỡi Bà-la-môn ơi!

Trăm tiền ốc chả có, Ðâu có hai trăm vàng?

Sau đó, Bồ-tát nói với vị Bà-la-môn:

– Này Bà-la-môn, hãy đi tắm và giặt áo ngoài của ông!

Nói xong, Bồ-tát biến mất. Vị Bà-la-môn nghe vậy, biết mình đã bị lừa và sầu muộn bỏ đi.

***

Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Thời ấy, con chó rừng là Devadatta, còn vị thần cây là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.