Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§85. CHUYỆN TRÁI CÂY KIMPAKKA (Kimpakkajātaka)[3] (J. I. 367)
Không biết hại tương lai...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về một Tỷ-kheo có tâm luyến ái. Tương truyền, có một thiện nam tử đặt lòng tin vào giáo pháp Phật và xuất gia. Một hôm, trong khi đi khất thực ở Xá-vệ, thấy một thiếu nữ trang sức đẹp đẽ, Tỷ-kheo ấy khởi tâm luyến ái. Vị Sư trưởng và Giáo thọ sư đưa Tỷ-kheo ấy đến gặp bậc Ðạo sư. Bậc Ðạo sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông bị luyến ái?
Khi được đáp có thật vậy, bậc Ðạo sư nói:
– Này Tỷ-kheo, năm dục này khi được thọ dụng, thật là khả ái, nhưng thọ dụng nhiều, tạo thành nghiệp và sẽ sanh vào địa ngục, v.v... Cũng như ăn trái cây kimpakka (cây có trái độc), trái cây kimpakka có sắc, có hương, có vị, nhưng khi ăn, nó phá vỡ nội tạng đưa đến mạng chung. Thuở trước, nhiều người không thấy sự tác hại của nó, đã tham đắm sắc, hương, vị, đã ăn trái ấy và đi đến mạng chung.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là người lãnh đạo một đoàn lữ hành, đang đi với năm trăm cỗ xe từ Đông sang Tây. Bồ-tát đến đầu của khu rừng, họp các người tùy tùng lại và khuyên như sau:
– Tại khu rừng này có những cây độc, các bạn chớ ăn trái cây trước đây chưa từng ăn mà không hỏi ta.
Khi họ đã vượt qua khu rừng, đến biên địa của rừng bên kia, họ thấy một cây kimpakka với cành cây cong xuống vì mang nặng trái. Về hình dáng, màu sắc, vị và hương, thân cây, cành cây, lá và trái cây ấy giống như cây xoài. Một số người lầm về màu sắc, hương vị của những trái cây ấy, tưởng chúng là những trái xoài nên đã ăn những trái ấy. Một số người đứng lại, hái và đứng chờ, chỉ quyết định ăn sau khi hỏi vị lãnh đạo đoàn lữ hành.
Bồ-tát đến chỗ ấy, bảo quăng các trái cây đã hái. Những ai đã ăn, Bồ-tát làm cho họ nôn ra và cho uống thuốc. Một số người trong họ khỏi bệnh, nhưng những ai đã ăn trước tiên đều mạng chung.
Sau đó, Bồ-tát đã đi đến chỗ mình muốn, thâu hoạch lợi tức rồi đi về trú xứ của mình. Trọn đời Bồ-tát làm các công đức như bố thí rồi đi theo nghiệp của mình khi mạng chung.
***
Kể xong câu chuyện, bậc Ðạo sư nói lên bài kệ này:
85. Không biết hại tương lai, Ai thọ dụng các dục,
Quả chín, chúng khổ não, Như ăn kimpakka.
Sau khi nêu rõ ràng các dục, khi thọ dụng đem lại thích thú và khi chín muồi đem lại khổ não, bậc Ðạo sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo có tâm luyến ái chứng được quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, một số chứng quả A-la-hán.
Pháp thoại kết thúc, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Hội chúng thời ấy là hội chúng của Như Lai và vị lãnh đạo đoàn lữ hành là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.