Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§69. CHUYỆN CON RẮN PHUN NỌC ÐỘC (Visavantajātaka) (J. I. 310)

Ðáng rủa thay nọc độc...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về vị Tướng quân Chánh pháp. Theo truyền thuyết, trong một thời gian Trưởng lão ấy thường ăn các món làm bằng bột do các thiện nam tín nữ đem đến tinh xá cúng dường. Khi chúng Tỷ-kheo đã ăn đầy đủ, số bánh còn lại rất nhiều. Các vị thiện tín thưa:

– Thưa các Tôn giả, hãy lấy phần cho những vị đi vắng.

Trong lúc ấy, đệ tử cộng trú với Trưởng lão đã đi vào trong làng. Sau khi lấy phần cho người ấy, người ấy vẫn chưa về và thời gian đã quá trễ, người ta cúng dường phần ấy cho Trưởng lão. Khi Trưởng lão đang ăn thì vị Tỷ-kheo trẻ trở về. Trưởng lão nói với Tỷ-kheo trẻ ấy:

– Này Hiền giả, chúng tôi đã ăn phần của Hiền giả.

Vị ấy nói:

– Thưa Tôn giả, chúng ta đều thích đồ ngọt cả.

Bậc Đại Trưởng lão cảm thấy xúc động, phiền lòng và quyết định từ lúc ấy trở đi không ăn bánh làm bằng bột nữa. Bắt đầu từ đấy, người ta đồn Trưởng lão Sāriputta (Xá-lợi-phất) không ăn bánh làm bằng bột như trước nữa. Sự không ăn bánh ấy của Trưởng lão được chúng Tỷ-kheo biết rõ. Các Tỷ-kheo nói về vấn đề này trong khi ngồi họp ở pháp đường. Rồi bậc Ðạo sư hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi bàn tán về vấn đề gì?

Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, khi Sāriputta đã từ bỏ vật gì thì dù mất thân mạng, cũng không chấp nhận lại vật ấy.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình thầy thuốc chữa nọc độc rắn và làm nghề thầy thuốc ấy để sinh sống. Bấy giờ, một con rắn cắn một người dân quê. Bà con kẻ ấy lập tức đưa anh ta đến thầy thuốc, thầy thuốc hỏi:

– Bà con muốn chữa trị với dược liệu và rút nọc độc ra hay là bắt con rắn đã cắn và bảo nó hút nọc độc ra?

Theo yêu cầu, thầy thuốc cho bắt con rắn. Khi hỏi có phải nó cắn người ấy không, con rắn xác nhận chính nó cắn, thầy thuốc bảo:

– Ngươi hãy lấy miệng hút nọc độc của ngươi ra tại chỗ bị cắn.

Con rắn kêu:

– Từ trước tới nay, chưa có một lần nào ta lại hút nọc độc mà ta đã phun ra. Ta không hút nọc độc ấy đâu.

Thầy thuốc bảo đem củi lại, nhen lửa lên và nói:

– Nếu ngươi không hút nọc độc ra, ngươi phải bò vào lửa này.

Con rắn nói:

– Thà ta bò vào lửa chịu chết, chứ ta sẽ không hút nọc độc mà ta đã một lần phun ra.

Rồi nó đọc bài kệ này:

69. Ðáng rủa thay nọc độc, Một lần đã phun ra,

Nay lại vì mạng sống, Ta phải hút trở vào,

Thà ta chết tốt hơn, Là sống phải làm vậy.

Nói vậy xong, con rắn bò vào lửa. Thầy thuốc ngăn chặn nó lại, rút nọc độc cho người bị nạn bằng thuốc và bùa chú, trao giới cho con rắn, rồi thả rắn ra và nói:

– Bắt đầu từ nay, chớ làm hại một ai!

***

Bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Sāriputta mới từ bỏ vật gì một lần rồi, dầu phải mất thân mạng cũng không chấp nhận lại vật ấy. Thuở trước, Sāriputta cũng đã như vậy.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư kết hợp các câu chuyện và nhận diện tiền thân như sau:

– Thuở ấy, con rắn là Sāriputta, còn thầy thuốc là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.