Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§64. CHUYỆN NGƯỜI VỢ KHÓ HIỂU (Durājānajātaka) (J. I. 299)

Chàng tưởng má hồng yêu mến chăng...

Câu chuyện này do bậc Ðạo sư kể về một nam cư sĩ trong lúc trú tại Kỳ Viên. Chuyện kể rằng, thời ấy, tại Xá-vệ có một nam cư sĩ thọ tam quy và ngũ giới, là một đệ tử thuần thành của Phật, Pháp, Tăng. Nhưng vợ người này là một nữ nhân độc ác, nham hiểm. Vào những ngày người vợ ấy phạm lỗi lầm, nàng nhu mì nhẫn nhục như một nữ tỳ được mua về với giá một trăm đồng tiền, còn những ngày nàng không phạm tội gì thì nàng lên mặt bà chủ nhà hay giận dữ và khắc nghiệt. Người chồng không sao hiểu nổi nàng. Nàng cứ làm khổ người chồng đến độ chàng không đến yết kiến đức Phật được.

Một ngày kia, chàng mang hương hoa đến, sau khi kính cẩn đảnh lễ xong, chàng ngồi xuống thì bậc Ðạo sư bảo:

– Này nam cư sĩ, làm sao đã bảy, tám ngày qua ông không đến hội kiến Như Lai?

– Bạch Thế Tôn, vợ con có ngày thì dễ bảo như một tỳ nữ được mua về với giá một trăm đồng tiền, vào ngày khác thì hay giận dữ khắt khe như một bà chủ. Con không làm sao hiểu vợ con được. Chính vì vợ con làm phiền lòng, lâu nay con không đến hầu đức Thế Tôn.

Khi nghe người ấy nói vậy, bậc Ðạo sư bảo:

– Này cư sĩ, ông đã được các bậc Hiền trí thời xưa nói cho biết rằng, thật khó hiểu được bản tính nữ nhân.

Và Ngài nói thêm:

– Nhưng vì các tiền kiếp đã trở nên lẫn lộn trong trí ông nên ông không nhớ nổi.

Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

***

Một thuở nọ, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát làm một vị giáo sư danh tiếng lừng lẫy khắp nơi, với năm trăm thanh niên Bà-la-môn thọ giáo với ngài. Trong số đó, có một thanh niên từ phương xa đến, chàng đã yêu một thiếu nữ và cưới người đó làm vợ.

Dù chàng đang sống tại Ba-la-nại, chàng vẫn không thể nào đến hầu Sư phụ trong hai, ba lần liền, vì vợ chàng là người đàn bà độc ác; hễ ngày nào phạm lỗi lầm thì nàng ra vẻ nhu mì như một tỳ nữ, còn ngày nào không làm gì sai trái thì nàng lên mặt một bà chủ, hay nóng giận, khắc nghiệt. Chồng nàng không thể nào hiểu nổi tính nàng ra sao cả, và quá chán, bực mình, khổ sở vì nàng đến độ chàng không đến hầu hạ sư phụ. Bấy giờ, bảy, tám ngày sau, chàng lại đến hội kiến ngài, và được Bồ-tát hỏi tại sao lâu nay vắng mặt.

Chàng đáp:

– Bạch Sư phụ, nguyên nhân là tại vợ con.

Rồi chàng kể cho Bồ-tát nghe, nàng đã nhu mì ra sao trong lúc làm vẻ như một tỳ nữ, lúc khác lại khắt khe chuyên quyền khiến chàng không sao hiểu nàng được. Và chàng quá phiền muộn khổ sở vì tánh tình thất thường của nàng nên đã vắng mặt như thế.

– Này cậu trai Bà-la-môn, rõ ràng như vậy, vào ngày lầm lỗi, đàn bà tỏ ra khúm núm trước mặt chồng mình và nhẫn nhục như bọn tỳ nữ; còn ngày nào không lầm lỗi, họ tỏ ra cứng đầu, bướng bỉnh với cả phu quân. Ðàn bà độc ác nham hiểm như thế đấy, khó mà biết được bụng dạ họ ra sao. Vậy cậu không nên quan tâm đến những sở trường, sở đoản của họ làm gì.

Nói vậy xong, Bồ-tát ngâm kệ này để khích lệ đệ tử ngài:

64. Chàng tưởng má hồng yêu mến chăng?

Này chàng trai hỡi, chớ vui mừng!

Tưởng là nàng chẳng yêu chàng nữa?

Nhẫn nại mà thôi, chớ oán hờn.

Lòng dạ đàn bà ai hiểu được,

Như bầy cá lội nước tung tăng.

Ðó là lời khuyến cáo của Bồ-tát đối với đệ tử ngài, nên từ đó, chàng chẳng còn quan tâm đến tính thất thường của nàng nữa. Còn nàng khi nghe nói nết hạnh kém cỏi của mình đã đến tai Bồ-tát thì nàng bỏ ngay thói hư tật xấu kia, không còn tái phạm.

Phần người vợ của nam cư sĩ này tự nhủ: “Người ta bảo là đức Phật đã hiểu rõ thói hư tật xấu của mình rồi!” Từ đó, nàng không còn sai phạm lỗi lầm như trước kia.

***

Khi chấm dứt pháp thoại, bậc Ðạo sư thuyết giảng các sự thật. Đến lúc kết thúc bài giảng, vị nam cư sĩ đắc quả Dự lưu. Sau đó, bậc Ðạo sư nêu mối liên hệ giữa hai câu chuyện và nhận diện tiền thân như sau:

– Vào thời ấy, hai vợ chồng kia là hai vợ chồng ngày nay và Ta chính là vị giáo sư ấy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.