Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§30. CHUYỆN CON HEO MUṆIKA (Muṇikajātaka) (J. I. 196)

Chớ ham Muṇika...

Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã kể về sự cám dỗ của một phụ nữ béo phệ. Câu chuyện này sẽ được trình bày ở chương XIII, Chuyện tiểu đạo sĩ Nārada.[9] Bậc Ðạo sư hỏi Tỷ-kheo ấy:

– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông đang bị tham dục chi phối?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Vì nhân duyên gì?

– Bạch Thế Tôn, vì sự cám dỗ của một phụ nữ béo phệ.

Bậc Ðạo sư nói:

– Này Tỷ-kheo, thiếu nữ này tạo bất hạnh cho ông. Thời quá khứ, trong ngày đám cưới của nàng, ông đã bị mạng chung và trở thành món ăn ngon cho số đông người.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, tại một làng nọ, Bồ-tát sanh làm con bò tên Mahālohita (Ðỏ Lớn) trong nhà một người có gia sản. Bồ-tát có một em trai tên là Cullalohita (Ðỏ Nhỏ). Trong gia đình, hai con bò này làm tất cả công việc chuyên chở.

Gia đình đó có một cô con gái. Cô ta đã đính hôn với người con trai cùng làng. Với mục đích dọn món ngon đãi khách đến dự đám cưới của con gái mình, cha mẹ cô gái nuôi một con heo tên là Muṇika và cho nó ăn toàn cháo cơm. Thấy vậy, Lohita em nói với con bò anh:

– Trong gia đình này, đồ nặng do hai anh em mình chở hết, nhưng họ chỉ cho chúng ta ăn cỏ, lá, v.v... còn họ nuôi con heo với cháo và cơm. Vì lý do gì nó lại được như vậy?

Bồ-tát nói:

– Này Lohita em thân, chớ có ham đồ ăn ấy! Con heo này ăn đồ ăn ngon để chờ chết. Với mục đích dọn món ngon đãi khách đến dự ngày đám cưới của cô gái, nên họ mới nuôi con heo này. Vài ngày nữa, những người ấy sẽ đến, họ cột chân con heo, kéo nó ra khỏi chuồng, chấm dứt mạng sống của nó và sẽ làm thành món cà-ri đãi khách.

Nói xong, Bồ-tát đọc kệ này:

30. Chớ ham Muṇika, Nó ăn để chờ chết.

Ít dục, hãy ăn rơm, Do vậy thọ mạng dài.

Rồi không bao lâu, những người ấy đến. Họ giết Muṇika và nấu nó thành nhiều món ăn. Bồ-tát nói với Lohita em:

– Này em thân, hãy xem Muṇika!

– Thưa anh, em đã thấy kết quả món ăn của Muṇika. Trăm lần, ngàn lần tốt hơn là món rơm của chúng ta, món ăn tối thượng; không có tai hại là tướng của mạng sống lâu dài.

***

Bậc Ðạo sư nói:

– Này Tỷ-kheo, như vậy, trong thời quá khứ, vì thiếu nữ này, ông đã mạng chung và làm thành món ăn cho nhiều người!

Sau khi nói lên pháp thoại này, bậc Ðạo sư giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo bị tham dục chi phối chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo sư kết hợp hai câu chuyện với nhau và nhận diện tiền thân như sau:

– Khi ấy, con heo Muṇika là Tỷ-kheo bị tham dục chi phối, người thiếu nữ trong hai mẩu chuyện là một. Lohita em là Ānanda, Lohita anh là Ta vậy.

  1. Xem Cv. VII. 188.

  2. Xem J. IV. 144, Bhaddasālajātaka (Chuyện cổ thụ Cát Tường Sāla), số §465.

  3. Xem J. V. 109, Tesakuṇajātaka (Chuyện ba con chim), số §521.

  4. Xem Dh. v. 285.

  5. Thần Rāhu là vua a-tu-la. Hiện tượng nguyệt thực hay nhật thực theo truyền thuyết được cho rằng là do thần Rāhu tạm thời nuốt chửng mặt trăng hay mặt trời.

  6. Xem Vin. IV. 5.

  7. Xem J. IV. 263, Sarabhamigajātaka (Chuyện lộc vương Sarabha), số §483.

  8. Lễ Tự tứ được tổ chức vào cuối mùa an cư. Xem Mv. IV. 1.

  9. Xem J. IV. 219, Cullanāradajātaka (Chuyện tiểu đạo sĩ Nārada), số §477.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.