Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§25. CHUYỆN BẾN TẮM (Titthajātaka) (J. I. 182)
Hãy thay bến nước khác...
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về một Tỷ-kheo đệ tử của vị Tướng quân Chánh pháp, trước kia làm thợ vàng. Chỉ các đức Phật mới có trí biết được tâm hướng của chúng sanh, chớ không ai khác. Do vậy, vị Tướng quân Chánh pháp tự mình không biết tâm hướng của người đệ tử, đã cho một đề tài thiền quán về bất tịnh. Ðề tài ấy không thích hợp với người đệ tử. Vì sao?
Theo truyền thuyết, người đệ tử ấy trải năm trăm năm liên tục sanh ra trong gia đình thợ vàng, tích lũy lâu ngày chỉ thấy vàng thanh tịnh nên không hợp với đề tài bất tịnh. Trải qua bốn tháng, người đệ tử không thể làm khởi lên một tư tưởng nào của thiền quán. Vị Tướng quân Chánh pháp không thể đem lại quả A-la-hán cho đệ tử của mình, tự nghĩ: “Người này chỉ có đức Phật mới nhiếp phục được, ta sẽ đưa vị ấy đến gặp Như Lai.”
Vào buổi sáng sớm, vị Tướng quân Chánh pháp đem người đệ tử đi đến gặp bậc Ðạo sư. Ngài hỏi:
– Này Sāriputta (Xá-lợi-phất), vì sao ông đến đây lại đem theo một Tỷ-kheo?
– Bạch Thế Tôn, con cho đệ tử con một đề tài thiền quán, nhưng sau bốn tháng, vị ấy không phát khởi lên một chút tư tưởng nào của thiền quán. Nghĩ rằng người này chỉ có đức Phật mới giáo hóa được, nên con đưa đến gặp Thế Tôn.
– Này Sāriputta, ông dạy đề tài thiền quán nào cho đệ tử?
– Bạch Thế Tôn, con dạy đề tài thiền quán về bất tịnh.
– Này Sāriputta, ông không hiểu biết tâm hướng của đệ tử. Hãy về đi và để đệ tử ở lại đây, chiều trở lại và đem đệ tử của ông về.
Sau khi bảo Trưởng lão đi về, bậc Ðạo sư cho Tỷ-kheo ấy mặc hạ y và thượng y tốt đẹp, đem Tỷ-kheo ấy đi theo Ngài vào làng khất thực, khiến Tỷ-kheo ấy nhận được đồ ăn tuyệt hảo, đủ loại cứng và loại mềm. Ði về tinh xá một lần nữa với các Tỷ-kheo vây quanh, ban ngày bậc Ðạo sư vào nghỉ trong hương phòng và buổi chiều đem Tỷ-kheo ấy đi theo. Ngài đi dạo trong tinh xá, hóa hiện một hồ nước trong vườn xoài, có nhiều hoa sen và một hoa sen lớn hiện ra. Thế Tôn bảo Tỷ-kheo ấy ngồi quán sát hoa sen rồi Ngài đi vào hương phòng.
Tỷ-kheo ấy liên tục quán sát hoa sen. Thế Tôn khiến cho bông hoa ấy héo tàn. Trong khi Tỷ-kheo ấy đang quán sát, hoa sen ấy tàn dần, héo dần và mất màu sắc. Bắt đầu từ vòng ngoài cùng, các cánh hoa rơi xuống và trong một thời gian ngắn, tất cả cánh hoa đều rơi hết. Rồi đến các nhụy hoa rơi, rơi dần chỉ còn lại gương sen. Tỷ-kheo ấy thấy vậy, liền suy nghĩ: “Hoa sen này xinh đẹp như vậy nhưng chẳng mấy chốc màu sắc hoa tàn phai, các cánh hoa, nhụy hoa rụng xuống chỉ còn lại gương sen. Hoa sen như vậy đã đi đến héo tàn. Thân ta rồi cũng đi đến cảnh như vậy. Các hành là vô thường!”
Với tư tưởng ấy, Tỷ-kheo đạt được thiền quán. Bậc Ðạo sư biết tâm Tỷ-kheo ấy đã đạt thiền quán, vẫn ngồi trong hương phòng, phóng hào quang từ kim thân và nói lên bài kệ này:
Tự cắt dây ái dục, Như tay bẻ sen thu,
Hãy tu đạo tịch tịnh, Niết-bàn, Thiện Thệ dạy.[4]
Cuối bài kệ này, Tỷ-kheo ấy chứng quả A-la-hán. Với ý nghĩ: “Ta đã thoát mọi sanh hữu”, vị ấy nói lên lời cảm hứng với các bài kệ:
Ai đã sống cuộc đời, Tâm tư được viên mãn,
Các lậu hoặc đã đoạn, Mang nhục thân cuối cùng,
Giới hạnh thật thanh tịnh, Các căn khéo định tĩnh,
Như mặt trăng được thoát, Khỏi miệng thần Rāhu.[5]
Ngu si hắc ám lớn, Bao phủ trùm khắp ta,
Ta gột sạch, trừ sạch, Mọi cấu uế không còn.
Ta rực sáng, chói sáng, Sáng chói ánh quang minh,
Như mặt trời trên không, Chiếu ngàn tia ánh sáng.
Sau khi nói lời cảm hứng, Tỷ-kheo ấy đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Vị Trưởng lão cũng đến đảnh lễ bậc Ðạo sư và đem đệ tử của mình về. Khi tin tức này lan truyền giữa các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ngồi họp tại pháp đường, tán thán những đức tính của bậc Pháp Vương:
– Này các Hiền giả, Trưởng lão Sāriputta vì không hiểu biết tâm hướng của chúng sanh nên không hiểu biết tâm hướng đệ tử mình. Còn bậc Ðạo sư biết được nên chỉ trong một ngày, đã đem lại quả A-la-hán với những vô ngại biện tài. Ôi, lớn lao thay uy đức của đức Phật!
Rồi bậc Ðạo sư đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi ở đây bàn chuyện gì?
– Không có gì khác, bạch Thế Tôn, ngoài câu chuyện chỉ Thế Tôn mới có trí hiểu biết tâm hướng đệ tử của vị Tướng quân Chánh pháp.
Bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là kỳ diệu gì. Không phải nay Ta là Phật mới biết tâm hướng của Tỷ-kheo ấy. Thuở trước, Ta cũng đã biết tâm hướng của vị ấy rồi.
Nói xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát làm người chỉ đạo cho vua về thế sự và thánh sự. Lúc bấy giờ, tại bến nước, chỗ tắm thường ngày của con ngựa báu, người ta đang tắm một con ngựa tầm thường yếu hèn. Khi người giữ dẫn con ngựa báu đến bến tắm, nó ghê tởm con ngựa tầm thường nên không chịu đi xuống. Người giữ ngựa trình lên vua:
– Tâu Thiên tử, con ngựa báu không chịu xuống bến nước.
Vua cho gọi Bồ-tát:
– Này bậc Hiền trí, hãy đi ra tìm hiểu lý do gì khi con ngựa đi đến bến nước lại không chịu xuống.
Vâng lệnh Thiên tử, Bồ-tát đi đến bờ sông, nhìn con ngựa, biết con ngựa không bị bệnh, ngài cố gắng tìm hiểu lý do gì con ngựa này không đi xuống bến nước. Bồ-tát suy nghĩ: “Có lẽ một con ngựa khác được tắm trước ở đây, vì ghê tởm con ngựa ấy nên nó không đi xuống bến nước.” Nghĩ vậy, Bồ-tát liền hỏi người giữ ngựa:
– Có con ngựa nào khác được tắm trước ở bến nước này không?
– Thưa ngài, có một con ngựa tầm thường khác.
Bồ-tát nghĩ: “Con ngựa này vì lòng tự ái thương tổn, không muốn tắm tại đây. Vậy đem nó đến tắm tại một bến nước khác.” Biết tâm hướng của nó, Bồ-tát nói:
– Này bạn giữ ngựa, một người ăn đi ăn lại các món ngon như cơm, sữa, bơ, mật, đường, v.v... lâu ngày rồi cũng phát ngán. Con ngựa này đã tắm nhiều lần tại bến nước ở đây. Hãy đưa nó xuống một bến nước khác, cho nó tắm và uống nước.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
25. Hãy thay bến nước khác, Hỡi này người đánh xe,
Hãy cho ngựa uống nước, Khi bến này, bến khác.
Người quá gần cơm, sữa, Cũng chán món ăn ấy.
Sau khi nghe lời Bồ-tát, họ dắt ngựa xuống một bến nước khác, cho nó uống nước và tắm. Trong khi ấy, Bồ-tát liền đi đến yết kiến vua. Vua hỏi:
– Này khanh, con ngựa được tắm và được uống nước rồi phải không?
– Thưa rồi, tâu Thiên tử.
– Vì lý do gì, trước nó không muốn làm như vậy?
– Do lý do này...
Bồ-tát báo sự việc lên vua và vua nói:
– Ôi, thật là sáng suốt, khanh biết được tâm hướng của cả con vật này!
Vua thưởng cho Bồ-tát danh vọng lớn. Và khi mạng chung, Bồ-tát và vua đi theo nghiệp của mình.
***
Bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới biết tâm hướng của vị ấy, quá khứ Ta cũng biết rồi.
Sau khi thuyết pháp thoại này xong và kết hợp hai câu chuyện với nhau, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Thời ấy, con ngựa báu là vị Tỷ-kheo này, vua là Ānanda và vị đại thần Hiền trí chính là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.