Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§20. CHUYỆN UỐNG NƯỚC BẰNG CỌNG LAU (Naḷapānajātaka) (J. I. 169)

Thấy dấu chân đi xuống...

Trong khi du hành ở Kosala, đi đến làng Naḷakapāna, sống ở rừng Ketaka, gần hồ Naḷakapāna, bậc Ðạo sư kể câu chuyện này về cọng lau. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo, sau khi tắm tại hồ Naḷakapāna, bảo các Sa-di đi lấy những cọng lau để làm ống kim.[16] Họ thấy các cọng lau đều trống rỗng hoàn toàn, liền đến hỏi Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, chúng con cho lấy các cọng lau để làm ống kim. Nhưng từ gốc cho đến ngọn, các cọng lau ấy đều trống rỗng hoàn toàn. Vì sao lại như vậy?

Bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, đây là do đại nguyện xưa của Ta vậy.

Nói xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, theo truyền thuyết, tại đây có cái hồ trong khu rừng rậm. Trong hồ ấy, có một con quỷ la-sát ăn thịt những ai xuống nước. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm khỉ chúa, to lớn như một con nai màu đỏ, được vây quanh với độ tám mươi ngàn con khỉ, Bồ-tát che chở đàn khỉ sống ở trong rừng. Bồ-tát thường khuyên đàn khỉ:

– Này các con thân, trong rừng này có những cây độc và có những hồ chết, tại đấy các loài phi nhân đang sống. Khi các con ăn những trái cây trước kia chưa ăn và uống nước trước kia chưa uống, hãy hỏi ta trước đã.

Ðàn khỉ vâng lời. Một hôm, đi đến một chỗ trước kia chưa từng đến, sau nhiều ngày, chúng tìm nước uống và thấy một cái hồ. Nhưng chúng không uống nước, cứ ngồi chờ Bồ-tát. Ngài đến và nói:

– Các con thân, sao các con không uống nước?

– Chúng con chờ ngài đến.

– Tốt lắm, các con thân!

Bồ-tát đi vòng hồ thấy có dấu chân đi xuống, không có đi lên và suy nghĩ: “Không còn gì nghi ngờ nữa, hồ này có phi nhân ẩn trú.” Bồ-tát nói với đàn khỉ:

– Này các con thân, việc các con làm tốt lắm, vì đã không uống nước. Hồ này có phi nhân ẩn trú.

Con quỷ la-sát dưới nước biết được chúng không uống nước, liền hiện ra hình thù ghê rợn với bụng xanh, mặt trắng vàng, tay chân màu đỏ, rẽ nước đi lên và nói:

– Sao lại ngồi đây, hãy xuống uống nước!

Bồ-tát hỏi:

– Có phải ngươi là la-sát ở trong nước không?

– Phải.

– Có phải ngươi bắt những ai xuống uống nước ở đây?

– Phải. Ta bắt từ con chim nhỏ xuống nước trở lên; ở tại đây, ta không tha một ai. Ta sẽ ăn tất cả các ngươi.

– Chúng tôi sẽ không để ngươi ăn chúng tôi.

– Nhưng hãy uống nước đi.

– Ðược, chúng tôi sẽ uống nước. Nhưng chúng tôi sẽ không rơi vào quyền lực của ngươi.

– Làm sao các ngươi uống nước được?

– Sao ngươi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đi xuống rồi uống nước à? Không đi xuống nước, tám mươi ngàn chúng tôi mỗi ngày lấy một cành lau; như uống nước ngang qua một cành sen xanh, chúng tôi sẽ uống nước hồ của ngươi. Như vậy, ngươi sẽ không thể ăn thịt chúng tôi được!

***

Biết được ý nghĩa này, bậc Ðạo sư đọc câu kệ:

20. Thấy dấu chân đi xuống, Không thấy dấu chân lên,

Uống nước với cọng lau, Ngươi không giết ta được!

Nói vậy xong, Bồ-tát cho đem lại một cọng lau, hồi tưởng lại mười hạnh Ba-la-mật,[17] phát lời chân ngôn, lấy miệng thổi cọng lau. Cọng lau trở thành trống rỗng hoàn toàn, không một khúc, mắt nào còn lại ở trong. Với cách thức này, Bồ-tát cho đem lại ống lau khác rồi ống lau khác và thổi. Nhưng nếu làm vậy, Bồ-tát không thể thổi hết được. Do đó, Bồ-tát không làm như vậy nữa. Rồi Bồ-tát đi vòng quanh hồ và ra lệnh:

– Tất cả cọng lau đều trống rỗng hết!

Do lợi hành rộng lớn của các vị Bồ-tát, mệnh lệnh ấy được thành tựu. Từ đấy trở đi, tất cả cọng lau ở xung quanh hồ trở thành trống rỗng.

Trong kiếp này, có bốn thần thông tồn tại suốt kiếp. Thế nào là bốn?

1. Tướng con thỏ trong mặt trăng,[18] sẽ tồn tại trong suốt kiếp này.

2. Ðịa điểm mà lửa được dập tắt, như đã được kể ở Chuyện chim cút,[19] địa điểm ấy sẽ không bị lửa chạm đến trong suốt kiếp này.

3. Tại chỗ có ngôi nhà của người làm đồ gốm Ghaṭīkāra, không bao giờ mưa rơi xuống trong suốt kiếp này.[20]

4. Các cây lau mọc xung quanh hồ này sẽ hoàn toàn trống rỗng trong suốt kiếp này.

Ðây là bốn thần thông sẽ tồn tại trong suốt kiếp này.

Bồ-tát ra lệnh như vậy và lấy một cọng lau rồi ngồi xuống. Tám vạn con khỉ ấy, mỗi con cầm lấy một cọng lau, đều ngồi xuống vòng quanh hồ. Và trong khi Bồ-tát hút nước vào qua ống lau, tất cả chúng đều ngồi trên bờ uống nước. Chúng uống nước như vậy, con quỷ la-sát dưới nước không bắt được một ai nên không hoan hỷ, bỏ đi về trú xứ của nó. Còn Bồ-tát với tùy tùng vây quanh, trở về sống ở trong rừng.

***

Bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, những cây lau này hoàn toàn trống rỗng chính do lời phát nguyện xưa của Ta.

Sau khi thuyết pháp thoại này xong, Ngài kết hợp hai câu chuyện và kết luận với sự nhận diện tiền thân như sau:

– Thời ấy, con quỷ la-sát nước là Devadatta, tám vạn con khỉ là hội chúng của Như Lai, còn khỉ chúa khéo dùng phương tiện là Ta vậy.

  1. Bản Tích Lan viết Khaṇḍahālajātaka, số 542. Bản CST viết Candakumārajātaka, số 544; Xem J. VI. 129, Khaṇḍahālajātaka (Chuyện Tế sư Khaṇḍahāla).

  2. Xem J. IV. 423, Haṁsajātaka (Chuyện thiên nga chúa), số §502; J. V. 333, Cullahaṁsajātaka (Chuyện tiểu thiên nga), số §533.

  3. Xem J. VI. 158, Samuddavāṇijajātaka (Chuyện thương nhân trên biển cả), số §466.

  4. Chỉ cho Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) còn được gọi là “Tướng quân Chánh pháp” và Tôn giả Moggallāna (Mục-kiền-liên). Xem Vin. I. 23.

  5. Xem J. IV. 43, Nigrodhajātaka (Chuyện Vua Nigrodha), số §445; Ap. II. 473, Kumārakassapattherāpadāna (Ký sự về Trưởng lão Kumārakassapa).

  6. Xem M. 23, Vammikasutta (Kinh Gò mối).

  7. Dhammagaṇḍikā. Xem J. II. 124; III. 41.

  8. Bản Tích Lan viết Kaṇḍinajātaka. Bản CST viết Kaṇḍijātaka.

  9. Xem J. III. 461, Indriyajātaka (Chuyện các căn), số §423.

  10. Xem M. 82, Raṭṭhapālasutta (Kinh Raṭṭhapāla); Vin. III. 13, 148.

  11. Xem J. I. 123, Taṇḍulanālijātaka (Chuyện đấu gạo), số §5.

  12. Aṭṭhakkhuranti ekekasmiṃ pāde dvinnaṃ dvinnaṃ vasena aṭṭhakkhuraṃ. 8 móng: Do mỗi bàn chân có 2 móng, nên [4 chân] có 8 móng.

  13. Hay còn được hiểu là 3 tư thế nằm.

  14. Ba-dật-đề: Tội phải sám hối trước Tăng chúng.

  15. Bhavasaṁkhepagatattā. Xem J. I. 463; II. 137. 

  16. Xem Cv. V. 115.

  17. Xem J. I. 212, Vaṭṭakajātaka (Chuyện chim cút), số §35.

  18. Xem J. III. 51, Sasajātaka (Chuyện con thỏ), số §316; Cp. 82, Sasapaṇḍitacariya (Hạnh của con thỏ hiền trí).

  19. Xem J. I. 212, Vaṭṭakajātaka (Chuyện chim cút), số §35.

  20. Xem J. I. 212, Vaṭṭakajātaka (Chuyện chim cút), số §35; M. 81, Ghaṭikārasutta (Kinh Ghaṭikāra); Miln. 222.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.