Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§15. CHUYỆN CON NAI KHARĀDIYĀ (Kharādiyajātaka) (J. I. 158)

Khi nai có tám móng[12]...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Theo truyền thuyết, vị Tỷ-kheo khó bảo không chấp nhận lời khuyến giáo. Vì thế, bậc Ðạo sư hỏi:

– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông khó bảo, không chấp nhận lời khuyến giáo?

– Thưa thật vậy, bạch Thế Tôn!

Thế Tôn nói:

– Thuở xưa, vì khó bảo, ông không chấp nhận lời khuyến giáo của bậc Hiền trí nên bị bắt trong bẫy sập và mạng sống bị diệt vong.

Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con nai, với đàn nai vây quanh sống ở trong rừng. Một con nai chị đưa đến một nai con và nói:

– Này em, đây là cháu của em. Hãy dạy nó học những sự khôn ngoan của loài nai!

Bồ-tát nói với con nai cháu:

– Vào giờ ấy, hãy đến học.

Nhưng con nai cháu không đến vào giờ hẹn. Một ngày như vậy, bảy ngày cũng như vậy, bỏ qua bảy lời khuyến giáo, nó không đến học sự khôn ngoan của loài nai; và cuối cùng, khi đi lang thang đây đó, nó bị bắt trong một cái bẫy.

Mẹ nó đến hỏi Bồ-tát:

– Này em, em có dạy cho cháu những sự khôn ngoan của loài nai không?

Bồ-tát nói:

– Ðừng nghĩ đến con nai không chấp nhận khuyến giáo ấy nữa. Con của chị không học những sự khôn ngoan của loài nai. Nay em không còn muốn khuyến giáo nó nữa.

Bồ-tát đọc bài kệ này:

15. Khi nai có tám móng, Với sừng chĩa nhiều nhánh,

Lại có bảy mưu chước, Ðể tự cứu lấy mình,

Ta không dạy nó nữa, Hỡi Kharādiyā.

Rồi người thợ săn giết con nai bị bắt trong bẫy ấy và mang thịt về.

***

Bậc Ðạo sư nói:

– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo, thuở trước ông cũng khó bảo như vậy.

Thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư kết hợp hai câu chuyện và kết luận với sự hiện diện tiền thân:

– Thời ấy, con nai cháu là Tỷ-kheo khó bảo, con nai chị là Uppalavaṇṇā (Liên Hoa Sắc), còn con nai khuyến giáo là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.