Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§12. CHUYỆN CON NAI NIGRODHA (Nigrodhamigajātaka)[5] (J. I. 144)
Sống với Nigrodha...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về mẹ của Trưởng lão Kumāra Kassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp). Tục truyền rằng, thuở còn là con gái một triệu phú giàu có ở thành Vương Xá, nàng đầy thiện căn để chấm dứt các hành, sống đời cuối cùng như cây đèn trong ghè, nội tâm nàng sáng chói niềm hy vọng chứng quả A-la-hán. Từ khi hiểu biết về mình, nàng không vui trong đời sống gia đình và muốn xuất gia. Nàng thưa với cha mẹ:
– Thưa cha mẹ thân, tâm con không vui với đời sống gia đình, con muốn xuất gia trong giáo pháp giải thoát của đức Phật. Hãy cho phép con xuất gia.
– Này con, con nói gì vậy? Gia đình này rất giàu có. Con là con gái độc nhất của chúng ta. Con không được xuất gia!
Nàng tiếp tục xin, không được cha mẹ cho xuất gia, nàng nghĩ: “Thôi, hãy chấp nhận là vậy. Khi nào về nhà chồng, được chồng bằng lòng, ta sẽ xuất gia.”
Nàng lớn lên, đi về nhà chồng, trở thành người vợ trung thành, sống trong gia đình có giới hạnh và theo thiện pháp. Khi nàng sống trong gia đình, nàng thụ thai nhưng không biết mình đã thụ thai.
Một ngày hội lớn được tuyên bố trong thành ấy và mọi người trong thành phố vui chơi hội lớn. Thành phố được trang hoàng như thành phố chư thiên. Nhưng trong khi lễ hội lớn đạt đến cao độ, nàng vẫn không thoa phấn son, không đeo đồ trang sức, ăn mặc như ngày thường. Chồng nàng nói với nàng:
– Này hiền thê, toàn thành phố vui chơi hội lớn, còn em thì không săn sóc gì cho thân mình.
– Thưa hiền phu, thân này của em đầy ba mươi hai bộ phận của thân xác, trang điểm thân này làm gì? Thân này không do chư thiên hóa sanh, không do Phạm thiên hóa sanh; không làm bằng vàng, không làm bằng châu báu, không làm bằng gỗ chiên-đàn vàng; không sanh từ đài sen trắng, sen hồng hay sen xanh; không đựng đầy thuốc trường sanh. Thân này uế nhiễm do cha mẹ sanh, bị vô thường hủy diệt, băng hoại tan nát, làm nghĩa địa tăng trưởng, bị ái chấp thủ; là nhân của sầu ưu, là căn cứ địa của than khóc, là kho tàng của mọi bệnh tật, là chỗ dung nạp của nghiệp lực; nội bộ ô uế, ngoại bộ thường bài tiết. Thật vậy, như toàn thế giới có thể thấy cứu cánh của nó là chết, đi đến nghĩa địa, là chỗ tụ hội của các côn trùng. Và nàng nói lên lời cảm thán:
Ràng buộc bởi gân xương, Dính lại với da thịt,
Thân bị da bao trùm, Không thấy được như thật.
Trong một bụng chứa đầy, Cục gan và bọng đái,
Quả tim và buồng phổi, Cả thận và tỳ tạng.
Nước mũi và nước miếng, Mồ hôi và nước mỡ,
Máu và nước khớp xương, Mật và bạch huyết cầu.
Từ chín nguồn nước này, Bất tịnh luôn luôn chảy,
Từ mắt, đồ bẩn chảy, Từ tai, đồ bẩn chảy.
Nước mũi từ lỗ mũi, Từ miệng, có khi mửa,
Mửa mật và đàm dãi, Từ thân, mồ hôi bẩn.
Và trong đầu trống rỗng, Chứa đầy những óc, não.
Bị vô minh dắt dẫn, Kẻ ngu nghĩ tịnh sạch.
Thân nguy hiểm vô cùng, Như loài cây có độc,
Nơi trú các bệnh tật, Cả một khối khổ đau.
Nếu những gì trong thân, Bỗng tuôn hết ra ngoài,
Người ta sẽ cầm roi, Ðuổi xua như chó, quạ.
Thân xác thối, dơ nầy, Như phân, như tử thi,
Bậc chánh trí xem thường, Kẻ ngu lại vui thích.
Vết thương lớn chín lỗ, Bọc trong lớp da sống,
Rỉ bất tịnh mọi chỗ, Mùi uế trược bay xa.
– Kính thưa hiền phu, em trang điểm thân này làm gì? Có phải chăng trang điểm thân này chẳng khác gì trang điểm bề ngoài một cái bình đựng đầy phân?
Người triệu phú nghe nàng nói như vậy, bèn hỏi:
– Nếu hiền thê thấy thân này tội lỗi như vậy, sao hiền thê không xuất gia?
– Thưa hiền phu, nếu em được phép xuất gia, em sẽ xuất gia ngay hôm nay!
Nói xong, sau khi tổ chức bố thí lớn và tỏ lòng hết sức kính trọng Giáo hội, người triệu phú cùng với một số tùy tùng lớn đưa nàng xuất gia; và nàng được xuất gia với chúng Tỷ-kheo-ni thuộc phái Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa). Sau khi xuất gia, nàng sống hoan hỷ với tâm tư viên mãn.
Khi cái thai của nàng đã thuần thục, các Tỷ-kheo-ni nhận thấy các căn của nàng đổi khác, tay chân và lưng lớn lên, màn da bụng to lên, hỏi nàng:
– Này hiền muội, hình như hiền muội có thai. Sự việc này thế nào?
– Thưa các hiền tỷ, tôi không biết sự việc này. Giới hạnh tôi đầy đủ.
Rồi các Tỷ-kheo-ni đưa nàng đến Devadatta và hỏi Devadatta:
– Thưa Tôn giả, thiện nữ nhân này, với sự chấp nhận khó khăn của người chồng, đã được xuất gia. Nay nàng có thai, chúng tôi không biết nàng thọ thai nhi khi còn là cư sĩ hay khi đã xuất gia. Nay chúng tôi phải làm gì?
Devadatta tự mình chưa phải là bậc Giác ngộ nên không có lòng kham nhẫn, từ bi, từ mẫn và suy nghĩ: “Một Tỷ-kheo-ni thuộc phái Devadatta nay đã có thai và Devadatta lại hỷ xả. Ta sẽ bị chỉ trích như vậy. Ta phải đuổi người này.” Rồi không điều tra, như xô đẩy một tảng đá, Devadatta lập tức khẳng định và nói:
– Hãy đi ngay và tẩn xuất người này!
Chúng Tỷ-kheo-ni ấy nghe nói vậy, đứng dậy đảnh lễ rồi đi về trú xứ. Nàng thiếu phụ thưa với các Tỷ-kheo-ni ấy:
– Thưa các nữ Tôn giả, Trưởng lão Devadatta không phải đức Phật! Con xuất gia không phải với Devadatta, con xuất gia với bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc Tối Thượng ở đời. Chớ làm mất nơi con điều mà con đã được một cách khó khăn! Hãy đưa con đi đến Kỳ Viên, gặp bậc Ðạo sư!
Chúng Tỷ-kheo-ni ấy đưa nàng đi, vừa qua con đường dài bốn mươi lăm do-tuần, từ Vương Xá dần dần đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo sư và tường trình sự việc. Bậc Ðạo sư suy nghĩ: “Dầu thai của nàng ấy được tượng hình khi còn là gia chủ, đây cũng là một dịp để ngoại đạo nói rằng Sa-môn Gotama đã nhận lấy một Tỷ-kheo-ni bị Devadatta loại bỏ. Ðể chấm dứt câu chuyện, vấn đề này cần được giải quyết trước mặt vua và tùy tùng của vua.”
Ngày hôm sau, Thế Tôn cho mời Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala, ông Cấp Cô Ðộc lớn, Cấp Cô Độc nhỏ, nữ cư sĩ Visākhā và các nhân vật có tiếng khác. Rồi vào buổi chiều, giữa bốn chúng đã tụ họp, Thế Tôn bảo Trưởng lão Upāli:
– Hãy đi làm cho sáng tỏ sự việc của Tỷ-kheo-ni trẻ này giữa bốn chúng!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Vị Trưởng lão đi đến giữa hội chúng, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cho mình, cho gọi nữ cư sĩ Visākhā trước mặt nhà vua và giao việc điều tra này:
– Hãy đi, này Visākhā, trước hết hãy xác định ngày xuất gia, tháng xuất gia của người thiếu phụ này. Sau khi biết rõ rồi, hãy tìm hiểu nàng thụ thai trước đây hay sau thời gian ấy.
Nữ cư sĩ chấp nhận lời dạy, cho treo một cái màn. Sau cái màn ấy, nữ cư sĩ quan sát tay, chân, lỗ rún, bụng, các phần thân khác của Tỷ-kheo-ni trẻ. Sau khi tính ngày tháng, biết được nàng thụ thai trong thời kỳ còn là gia chủ, nữ cư sĩ đi đến vị Trưởng lão và báo cáo kết quả.
Vị Trưởng lão ở giữa bốn chúng, tuyên bố Tỷ-kheo-ni ấy là thanh tịnh. Bấy giờ, nàng được xác nhận là thanh tịnh, liền đến đảnh lễ chúng Tỷ-kheo và bậc Ðạo sư rồi đi về trú xứ với các Tỷ-kheo-ni. Khi bào thai đã thuần thục, nàng sanh được một bé trai có uy lực lớn, do nàng cầu nguyện dưới chân đức Phật Padumuttara cách đây nhiều kiếp.
Nhà vua, một hôm đi đến gần trú xứ của Tỷ-kheo-ni, nghe tiếng khóc của đứa trẻ và hỏi các triều thần. Các triều thần biết câu chuyện, thưa lại với vua:
– Tâu Ðại vương, vị Tỷ-kheo-ni trẻ ấy sanh được một đứa con trai. Ðây là tiếng khóc của đứa trẻ.
– Này các khanh, nuôi con là một chướng ngại cho các Tỷ-kheo-ni. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng nó.
Vua giao đứa trẻ cho các thiếu phụ bà con và bảo nuôi dưỡng nó lớn như một hoàng tử. Ðến ngày đặt tên, nó được đặt tên là Kassapa nhưng được biệt danh là “Kumāra Kassapa”, vì được nuôi dưỡng như một hoàng tử. Khi lên bảy tuổi, Kassapa xuất gia với bậc Ðạo sư và khi đầy đủ tuổi, được thọ Ðại giới. Thời gian đi qua, vị ấy trở thành một nhà thuyết pháp tài giỏi giữa các nhà thuyết pháp. Rồi bậc Ðạo sư ấn chứng cho vị ấy:
– Này các Tỷ-kheo, vị này là đệ nhất trong các đệ tử thuyết pháp của Ta, tức là Kumāra Kassapa. Vị ấy nhờ Kinh Gò mối[6] đã chứng quả A-la-hán. Tỷ-kheo-ni, mẹ vị ấy, nhờ phát triển thiền quán chứng quả cao nhất. Trưởng lão Kumāra Kassapa, giữa giáo pháp đức Phật, sáng chói như mặt trăng rằm giữa hư không.
Một hôm, sau khi đi khất thực, ăn xong và trở về, đức Như Lai khuyến giáo các Tỷ-kheo xong, đi vào hương phòng. Sau khi được lời khuyến giáo, Tăng chúng sinh hoạt trong các gian phòng ban ngày hay gian phòng ban đêm của họ. Vào buổi chiều, họ hội họp tại pháp đường và tán thán đức hạnh của đức Phật:
– Này các Hiền giả, Devadatta tự mình không phải là Phật, lại không có kham nhẫn, lòng từ bi, lòng từ mẫn, đã khiến cho Trưởng lão Kumāra Kassapa và Trưởng lão Ni gần bị hại. Nhưng bậc Chánh Ðẳng Giác tự mình là bậc Pháp Vương, lại thành tựu kham nhẫn, lòng từ bi, lòng từ mẫn, đã trở thành chỗ nương tựa cho hai vị ấy.
Bậc Ðạo sư, với uy nghi của đức Phật, đi vào pháp đường, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi luận bàn chuyện gì?
Các Tỷ-kheo thưa:
– Bạch Thế Tôn, chúng con bàn đến công đức của Thế Tôn.
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới trở thành chỗ nương tựa cho hai người ấy, trong quá khứ cũng vậy.
Các Tỷ-kheo thỉnh cầu Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề này. Thế Tôn trình bày rõ câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một con nai. Khi từ bụng mẹ sanh ra, con nai có màu sắc vàng, mắt của nó giống như hòn châu báu, sừng màu trắng bạc, miệng đỏ như tấm màn nhung, móng chân láng trơn như màu sơn mài, đuôi giống như đuôi con trâu rừng, thân to lớn bằng con nghé. Nó sống trong rừng, được vây quanh với năm trăm con nai và được gọi là “nai chúa Nigrodha.” Không xa bao nhiêu, có một con nai khác với năm trăm con nai tùy tùng và được gọi là nai Sākha, nai này cũng màu sắc vàng.
Lúc bấy giờ, vua xứ Ba-la-nại thường hay săn bắn nai, không có thịt nai thì không ăn cơm. Hàng ngày, vua triệu tập tất cả dân chúng từ thành thị đến nông thôn lại, đình chỉ công việc của mọi người vì khoanh vùng cho vua đi săn bắn. Mọi người suy nghĩ: “Nay vua đình chỉ công việc của chúng ta; chúng ta hãy gieo bẫy mồi và đặt nước uống cho các con nai trong vườn, đuổi nhiều nai vào trong ấy, đóng cửa lại và bắt dẫn chúng đến vua.”
Như vậy, họ gieo cỏ làm bẫy mồi, đặt nước uống khắp vườn, cho sắp đặt cửa, đem theo những người trong thành, tay cầm côn, gậy và các loại binh khí khác đi vào rừng tìm nai; họ bao một vòng vây khoảng độ một do-tuần để bắt đàn nai bị vây ở giữa, và như vậy, họ vây quanh chỗ ở của đàn nai Nigrodha và đàn nai Sākha.
Khi thấy đàn nai, họ bắt đầu lấy gậy đập cây, đập bụi, đập đất đuổi đàn nai ra khỏi chỗ ở của chúng, khua động các loại vũ khí như gươm, giáo, cung, la hét và đuổi đàn nai vào khu vườn. Rồi họ đóng cửa lại, đi đến gặp vua và thưa:
– Thưa Ðại vương, vì luôn luôn đi săn nai, Ðại vương phá hoại công việc của thần dân. Nay chúng thần đã dẫn đàn nai rừng vào đầy cả khu vườn của Ðại vương. Từ nay trở đi, Ðại vương có thể ăn thịt chúng.
Sau khi thưa như vậy, dân chúng bỏ đi. Nhà vua nghe họ nói, đi đến khu vườn, nhìn các con nai, thấy hai con nai vàng, liền tha chết cho chúng. Từ đấy về sau, có khi nhà vua tự đi bắn một con nai rồi đem về, có khi người đầu bếp đi đến bắn nai rồi đem về. Các con nai thấy cây cung liền run rẩy vì sợ chết nên bỏ chạy. Nhưng khi bị hai, ba vết thương, chúng mệt mỏi, bị bệnh và bị giết. Ðàn nai báo sự việc như vậy lên Bồ-tát. Bồ-tát cho gọi Sākha và nói:
– Này bạn, nhiều con nai bị hại, dầu thế nào chúng cũng phải chết. Bắt đầu từ nay trở đi, chớ để các con nai bị tên bắn một cách vô ích. Hãy để các con nai thay phiên nhau đi đến chỗ phải chết.[7] Một ngày là phiên đàn nai của tôi, một ngày là phiên đàn nai của bạn. Con nai nào đến phiên của mình cứ đi đến, nằm xuống, đặt đầu vào chỗ phải chết. Làm vậy, các con nai khác khỏi bị thương.
Con nai Sākha chấp thuận. Từ đấy trở đi, theo phiên mình, một con nai đi đến, nằm xuống đặt cổ vào chỗ bị giết. Người đầu bếp đến, bắt con nai nằm đấy rồi đem đi.
Một hôm, đến phiên một con nai cái có mang ở trong đàn nai Sākha. Con nai cái đến gặp Sākha và thưa:
– Thưa chúa tể, tôi có thai, sắp sanh con, như vậy đàn có hai mạng sống đến phiên, hãy cho qua phiên của tôi!
Nai Sākha nói:
– Không thể bảo những con nai khác thế phiên cho ngươi được. Ngươi hãy chịu những gì sẽ đến với ngươi, hãy đi đi!
Con nai cái ấy không được nai Sākha chấp thuận, liền đi đến Bồ-tát và trình bày sự việc. Bồ-tát nghe xong liền nói:
– Ðược, hãy đi đi! Ta sẽ bỏ qua phiên của ngươi.
Rồi nai chúa tự mình đi đến, đặt đầu vào chỗ chết nằm chờ. Người đầu bếp thấy vậy liền nói:
– Con nai chúa đã được tha khỏi chết, nay lại nằm ở chỗ chết này. Sự việc này là cớ sao?
Rồi kẻ ấy đi báo cho vua hay. Nhà vua lập tức ngự lên xe, đi đến với đoàn tùy tùng đông đảo, thấy Bồ-tát liền nói:
– Này bạn nai chúa, ta đã tha khỏi chết cho ngươi. Sao nay ngươi nằm ở đây?
– Thưa Ðại vương, một con nai cái đến gặp tôi, yêu cầu một con khác thay phiên cho nó. Tôi không có thể bắt một con nào khác chịu đau đớn vì bị chết được. Tôi quyết định cho con nai cái ấy mạng sống của tôi, nhận lấy cái chết thay cho con nai cái nên nằm ở đây, Ðại vương chớ có nghi ngờ gì khác!
Vua nói:
– Hỡi nai chúa sắc vàng, từ trước, ta chưa bao giờ thấy giữa loài người, có ai đầy đủ kham nhẫn, hòa ái, từ bi như ngươi. Do vậy, ta thật bằng lòng với ngươi. Hãy đứng dậy, ta sẽ cho ngươi và con nai cái ấy thoát khỏi sợ hãi!
– Thưa bậc Nhân chủ, có hai con nai được thoát khỏi sợ hãi, đàn nai còn lại thì thế nào?
– Này nai chúa, ta sẽ cho đàn nai còn lại thoát khỏi sợ hãi.
– Thưa Ðại vương, như vậy, các con nai trong khu vườn này được thoát khỏi sự sợ hãi nhưng các con nai khác thì sao?
– Này nai chúa, ta cũng cho chúng thoát khỏi sợ hãi.
– Thưa Đại vương, các con nai được thoát khỏi sự sợ hãi nhưng các loài sinh vật bốn chân khác thì sao?
– Này nai chúa, ta cũng cho chúng thoát khỏi sợ hãi.
– Thưa Ðại vương, các loài bốn chân được thoát khỏi sợ hãi nhưng các đàn chim thì thế nào?
– Này nai chúa, ta cũng sẽ cho chúng thoát khỏi sợ hãi.
– Thưa Ðại vương, các loài chim như vậy được thoát khỏi sợ hãi nhưng còn đàn cá sống ở trong nước thì thế nào?
– Này nai chúa, ta cũng sẽ cho chúng thoát khỏi sợ hãi.
Như vậy, con nai chúa đã xin vua cho tất cả chúng sanh được thoát khỏi sợ hãi; đứng dậy, khuyên nhà vua thọ năm giới và nói:
– Thưa Ðại vương, hãy sống theo Chánh pháp! Hãy xử sự đúng Chánh pháp đối với cha mẹ, đối với con trai, con gái; đối với Bà-la-môn, gia chủ; đối với dân chúng thành thị và nông thôn. Hãy tự mình sống đúng Chánh pháp, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
Sau khi thuyết pháp cho vua với uy lực kỳ diệu của vị Phật, Bồ-tát sống tại khu vườn trong một vài ngày để khuyến giáo vua, rồi cùng với đàn nai vây quanh đi vào rừng. Con nai cái đẻ ra một con nai đực đẹp như một nụ hoa. Nai con này đi chơi với đàn nai Sākha. Thấy nai mình đi chơi với đàn nai Sākha, nai mẹ khuyên con mình, bắt đầu từ nay chớ đi tới Sākha, nên đi tới Nigrodha và nói lên bài kệ:
12. Sống với Nigrodha, Chớ sống với Sākha.
Chết với Nigrodha, Hơn sống với Sākha.
Từ đấy trở đi, các con nai thoát khỏi sợ hãi khi ăn lúa của dân chúng. Và dân chúng nhớ rằng, các con nai được thoát khỏi sợ hãi, nên không dám đánh đập hay đuổi chúng đi. Họ tụ họp tại sân vua và báo lên vua biết. Vua nói:
– Do ta bằng lòng, ta đã cho nai Nigrodha một đặc ân. Ta thà mất nước chớ không bỏ lời đã hứa. Hãy đi đi, trong quốc độ của ta, không con nai nào bị đánh cả!
Nai Nigrodha nghe tin này, liền họp đàn nai lại và bảo:
– Bắt đầu từ nay, chớ ăn lúa của người khác!
Sau khi bảo chúng hứa như vậy, nai Nigrodha báo tin cho dân chúng biết:
– Bắt đầu từ nay, những người trồng lúa chớ rào ruộng lại để bảo vệ lúa, chỉ làm dấu bằng cách cột lá lúa lại.
Bắt đầu từ đấy, theo tin đồn, khởi lên tục lệ cột lá lúa lại giữa các đồng ruộng. Bắt đầu từ đấy, các con nai không vượt qua đồng ruộng có lá lúa cột lại. Ðây là nhờ Bồ-tát khuyến giáo chúng như vậy. Sau khi khuyến giáo đàn nai, Bồ-tát sống ở đấy cho hết tuổi thọ, rồi cùng với đàn nai đi theo nghiệp của mình. Còn nhà vua nghe lời khuyến giáo của Bồ-tát, suốt đời làm các công đức, rồi sau đó mạng chung đi theo nghiệp của mình.
***
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới bảo vệ Trưởng lão Ni và Kumāra Kassapa mà thuở trước Ta cũng bảo vệ như vậy.
Rồi Ngài thuyết giảng bốn sự thật, nêu sự liên hệ giữa hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau và kết luận bằng cách nhận diện tiền thân như sau:
– Thời ấy, con nai Sākha là Devadatta, đàn nai là tùy tùng của Devadatta, nai cái là Trưởng lão Ni, nai con là Kumāra Kassapa, vua là Ānanda, còn nai chúa Nigrodha là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.