Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§10. CHUYỆN TRƯỞNG LÃO SUKHAVIHĀRI (Sukhavihārijātaka)[14] (J. I. 140)
Người không được bảo vệ...
Câu chuyện này, khi ở tại rừng xoài Anūpiya, bậc Ðạo sư đã kể về Trưởng lão Bhaddiya Sukhavihāri. Trưởng lão Bhaddiya Sukhavihāri đã xuất gia cùng với sáu vị trong hoàng tộc, cùng với Upāli là người thứ bảy. Trưởng lão Bhaddiya, Trưởng lão Kimbila, Trưởng lão Bhagu và Trưởng lão Upāli chứng quả A-la-hán, Trưởng lão Ānanda chứng quả Dự lưu, Trưởng lão Anuruddha chứng được Thiên nhãn, Devadatta chứng được Thiền định. Câu chuyện của sáu vị trong hoàng tộc này dẫn đến sự kiện ở Anūpiya, sẽ được trình bày trong Chuyện Tế sư Khaṇḍahāla.[15]
Trong thời kỳ làm vua, Tôn giả Bhaddiya tự bảo vệ mình như một vị thiên sắp đặt sự bảo vệ, nay nghĩ đến tâm trạng sợ hãi mà vị ấy đã sống, dầu được bảo vệ với nhiều sự bảo vệ, vẫn nằm lăn qua trở lại trên đại sàng tọa đặt trên lầu cao. Vị ấy so sánh sự sợ hãi ấy với trạng thái không sợ hãi, vì nay vị ấy đã chứng quả A-la-hán khi đi lang thang đây đó trong các khu rừng, v.v... Khi nghĩ vậy, vị ấy nói lên lời cảm hứng:
– Ôi hạnh phúc thay! Ôi hạnh phúc thay!
Các Tỷ-kheo nghĩ rằng Tôn giả Bhaddiya nói lên chánh trí của mình, nên trình lên Thế Tôn. Thế Tôn nói:
– Này các Tỷ-kheo, Bhaddiya không phải chỉ nay mới sống hạnh phúc mà thuở trước, vị ấy cũng đã sống hạnh phúc.
Các Tỷ-kheo thỉnh cầu Thế Tôn trình bày rõ ý nghĩa này. Thế Tôn làm sáng tỏ ý nghĩa qua câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, ở Ba-la-nại, trong khi Vua Brahmadatta đang trị vì vương quốc, Bồ-tát sinh làm một vị Bà-la-môn giàu có ở phương Bắc. Thấy nguy hiểm trong các dục, lợi ích trong xuất ly, ngài từ bỏ các dục vào Tuyết Sơn xuất gia làm ẩn sĩ, đạt được tám thiền chứng. Số tùy tùng của ngài lên đến năm trăm vị khổ hạnh.
Khi mùa mưa đến, ngài rời Tuyết Sơn với chúng khổ hạnh vây quanh, đi bộ qua làng, qua thị trấn, đến Ba-la-nại; ngài trú ở ngôi vườn của vua, nương tựa nhà vua. Tại đấy, sau khi sống bốn tháng trong mùa mưa, ngài đến từ biệt nhà vua. Nhà vua nói:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả đã lớn tuổi, Tôn giả sống ở Tuyết Sơn làm gì? Hãy để các đệ tử đến Tuyết Sơn, còn Tôn giả ở lại đây.
Bồ-tát giao năm trăm vị khổ hạnh cho đệ tử trưởng và nói:
– Con hãy đi sống ở Tuyết Sơn với những người này, còn ta sẽ sống ở đây.
Vị đệ tử trưởng ấy, trước kia làm vua, sau từ bỏ vương quốc lớn, xuất gia, lấy đề tài thiền quán, chứng được tám thiền chứng. Vị ấy sống ở Tuyết Sơn với các vị khổ hạnh.
Một hôm, muốn yết kiến Bổn sư, vị ấy gọi các vị khổ hạnh kia và bảo:
– Hãy sống thoải mái ở đây, ta đi đảnh lễ Bổn sư rồi lại về.
Vị ấy đi đến Bổn sư, đảnh lễ ngài, chào mừng ngài rất chân tình, rồi trải tấm thảm, nằm xuống bên cạnh Bổn sư. Lúc bấy giờ, nhà vua đi đến ngôi vườn để yết kiến vị khổ hạnh, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Vị đệ tử khổ hạnh thấy vua đến nhưng không đứng dậy, vẫn nằm dài và nói lời cảm hứng:
– Ôi hạnh phúc thay! Ôi hạnh phúc thay!
Nhà vua không hoan hỷ với vị khổ hạnh thấy vua mà không đứng dậy, nên nói với Bồ-tát:
– Thưa Tôn giả, người khổ hạnh này có lẽ đã ăn quá đầy đủ nên nằm sung sướng, nói lên lời cảm hứng.
– Thưa Ðại vương, người khổ hạnh này trước cũng làm vua như ngài. Vị ấy suy nghĩ: “Trước kia ta còn là cư sĩ, đầy đủ uy quyền của nhà vua, được bảo vệ bởi nhiều người có binh khí cầm tay nhưng không được hạnh phúc như thế này. Nay do tự mình được hạnh phúc xuất gia, được hạnh phúc thiền định”, nên nói lên lời cảm hứng như vậy.
Ðể giảng pháp thoại cho nhà vua, Bồ-tát đọc bài kệ này:
10. Người không được bảo vệ, Không bảo vệ người khác,
Thưa Ðại vương, người ấy, Thật sự được an lạc,
Vì không chờ đợi gì, Ðối với các dục vọng.
Nhà vua nghe pháp thoại xong, cảm thấy thoải mái, đảnh lễ rồi đi về cung. Vị đảnh lễ Bổn sư rồi đi về Tuyết Sơn. Bồ-tát tiếp tục sống tại đấy, thiền định không gián đoạn và khi mạng chung, sanh lên Phạm thiên giới.
***
Bậc Ðạo sư kể lại hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau rồi nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc ấy, vị đệ tử là Tôn giả Bhaddiya, còn vị Bổn sư chính là Ta vậy.
Chỉ cho các trường phái, các dị giáo thời bấy giờ, gồm có 6 trường phái lớn của 6 đạo sư: Purāṇa Kassapa, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambala, Kakudha Kaccāyana, Sañjaya Belaṭṭhiputta và Nigaṇṭha Nāthaputta. Xem D. I. 47, Sāmaññaphalasutta (Kinh Sa-môn quả), số 2. ↑
Xem Dh. v. 188-92. ↑
Xem Cp. 98, Vaṭṭapotakacariya (Hạnh của chim cút con); J. I. 212, Vaṭṭakajātaka (Chuyện chim cút), số §35. ↑
Xem Mv. I. 77ff. ↑
Jīvaka là một cư sĩ nổi tiếng thời đức Phật và là một y sĩ giỏi của Vua Seniya Bimbisāra, xứ Magadha. Xem AA. I. 216; Vin. I. 268-81. ↑
Đây là pháp quán 32 phần bất tịnh trong thân. Xem J. I. 145, Nigrodhamigajātaka (Chuyện con nai Nigrodha), số §12; Sn. 34, Vijayasutta (Kinh Thắng trận). ↑
Xem Thag. v. 563. ↑
Xem Vin. III. 158. ↑
Xem Vin. II. 167. ↑
Xem J. I. 327, Rukkhadhammajātaka (Chuyện luật cây rừng), số §74. ↑
Xem J. IV. 144, Bhaddasālajātaka (Chuyện cổ thụ Cát Tường Sāla), số §465. ↑
Xem J. IV. 130, Saṁvarajātaka (Chuyện Vương tử Saṁvara), số §462. ↑
Bản CST, Thái Lan viết Maghadeva. Bản Tích Lan viết Makhādeva. Tham chiếu: J. VI. 95, Nimijātaka (Chuyện Đại vương Nimi), số §541; M. II. 74, Maghadevasutta (Kinh Maghadeva), số 83; Cp. 76, Nimirājacariya (Hạnh của đức Vua Nimi); Đại Thiên nại lâm kinh 大天奈林經 (T.01. 0026.67. 0511c21); Tăng. 增 (T.02. 0125.1.1. 0549b09); Tăng. 增 (T.02. 0125.50.4. 0806c21); Ma- điều vương kinh 摩調王經 (T.03. 0152.87. 0048b25); Pháp cú kinh “Đao-lợi phẩm” 法句經道利品 (T.04. 0210.38. 0574b16); Pháp cú thí dụ kinh “Đao-lợi phẩm” 法句譬喻經道利品 (T.04. 0211.38. 0606b16); Phật thuyết Trừ khủng tai hoạn kinh 佛說除恐災患經 (T.17. 0744. 0533b01). ↑
Sukhavihāri: Sống An Lạc, tên gọi của vị Trưởng lão. Xem Thag. v. 597, Saṅkiccattheragāthā (Kệ ngôn của Trưởng lão Saṅkicca). ↑
Bản Tích Lan viết Khaṇḍahālajātaka, số 542. Bản CST viết Candakumārajātaka, số 544; xem J. VI. 129, Khaṇḍahālajātaka (Chuyện Tế sư Khaṇḍahāla). ↑
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.