Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§7. CHUYỆN NÀNG LƯỢM CỦI (Kaṭṭhahārijātaka) (J. I. 133)

Kính thưa bậc Ðại vương...

Câu chuyện này được bậc Ðạo sư kể khi ở Kỳ Viên về nàng Vāsabhakhattiyā. Câu chuyện sẽ được tìm thấy trong chương XII, Chuyện cổ thụ Cát Tường Sāla.[11] Truyền thuyết kể rằng, nàng là con gái của vị Thích-ca tên Mahānāma với một nữ tỳ tên là Nāgamuṇḍā, về sau trở thành hoàng hậu của vua nước Kosala. Nàng sanh một con trai cho vua. Về sau, vua biết được dòng họ nữ tỳ của nàng, liền truất phế địa vị của nàng và truất phế luôn người con trai là Viḍūḍabha. Cả hai chỉ sống ở trong nội cung. Thế Tôn biết được sự việc này, vào buổi sáng, với năm trăm Tỷ-kheo vây quanh, đi đến trú xứ của vua, ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn và nói:

– Thưa Ðại vương, Vāsabhakhattiyā ở đâu?

Vua kể lại câu chuyện ấy.

– Thưa Ðại vương, Vāsabhakhattiyā là con gái của ai?

– Bạch Thế Tôn, của Mahānāma.

– Khi nàng đến, nàng là vợ của ai?

– Bạch Thế Tôn, của tôi.

– Thưa Ðại vương, nàng là con gái của vua. Nàng đến làm vợ vua. Nàng sanh đứa con trai cho vua. Ðứa con trai ấy, do lý do gì lại không làm chủ vương quốc thuộc sở hữu của người cha? Thuở xưa, một vị vua có đứa con trai từ một người con gái đi lượm củi và một cuộc gặp gỡ tình cờ đã cho người con trai ấy vương quốc.

Vua thỉnh cầu Thế Tôn làm sáng tỏ ý nghĩa câu chuyện. Thế Tôn liền kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, ở Ba-la-nại, Vua Brahmadatta đi vào ngự uyển với uy nghi lớn của nhà vua. Ðang đi qua lại để tìm trái cây và bông hoa, vua gặp một thiếu nữ đang lượm củi, vừa lượm vừa hát. Vua đắm say nàng và ăn ở với nàng. Bồ-tát được thụ thai trong bụng nàng. Nàng cảm thấy bụng nàng nặng nề như mang lưỡi tầm sét [lưỡi búa] của Ðế-thích. Biết rằng mình đã có thai, nàng tâu nhà vua việc ấy. Vua đưa cho nàng một chiếc nhẫn và nói:

– Nếu sanh con gái, hãy giữ chiếc nhẫn này để lấy tiền nuôi dưỡng nó. Nếu sanh con trai, hãy đem nó đến cho ta với chiếc nhẫn này!

Nói xong, vua ra đi. Khi bào thai đúng thời, nàng sanh Bồ-tát. Ðến tuổi Bồ-tát đi được, chạy được; trong khi chơi ở sân chơi, có tiếng la:

– Ta bị đứa không có cha đánh.

Nghe vậy, Bồ-tát đi đến mẹ và hỏi:

– Ai là cha con?

– Này con thân, con là con vua xứ Ba-la-nại.

– Thưa mẹ, có cái gì làm chứng?

– Này con thân, vua có cho chiếc nhẫn này và nói: “Nếu sanh con gái thì giữ chiếc nhẫn này để nuôi dưỡng nó. Nếu sanh con trai, hãy đem nó đến cho ta với chiếc nhẫn này!”.

– Thưa mẹ, sự tình là như vậy, sao mẹ không đưa con đến gặp cha?

Nàng biết ý định của con nên đem con đến cửa cung điện và xin yết kiến vua. Khi được gọi vào, nàng đảnh lễ vua và tâu:

– Thưa Ðại vương, đây là con của Ðại vương.

Vua biết vậy, nhưng cảm thấy xấu hổ trước đông đảo quần chúng nên nói:

– Nó không phải con của ta.

– Tâu Ðại vương, đây là chiếc nhẫn của Ngài. Chắc Ngài nhận ra được chiếc nhẫn này?

– Ðây không phải là chiếc nhẫn của ta.

– Tâu Ðại vương, tôi không có vật gì khác để bảo chứng cho sự thật. Nếu đứa trẻ này là con Ngài, nó sẽ đứng trên hư không. Nếu không phải, nó sẽ rơi xuống đất và chết!

Rồi nàng cầm chân Bồ-tát quăng lên hư không. Bồ-tát ngồi kiết-già trên hư không và với âm thanh dịu ngọt, tuyên bố pháp cho phụ vương, đọc bài kệ này:

7. Kính thưa bậc Ðại vương, Tôi là con trai ngài.

Kính thưa bậc Nhân chủ, Hãy nuôi dưỡng con lớn!

Vua nuôi dưỡng người khác, Không nuôi con mình sao?

Nghe Bồ-tát ngồi trên hư không thuyết pháp như vậy, vua bèn nói:

– Hãy đến, này con thân, ta sẽ nuôi con! Ta sẽ nuôi con!

Và vua đưa hai tay lên. Một ngàn bàn tay đưa lên để đón Bồ-tát, nhưng Bồ-tát không xuống bàn tay nào khác, chỉ xuống vào bàn tay nhà vua và ngồi trên bắp vế vua. Vua phong cho con làm Phó vương, phong cho mẹ làm Hoàng hậu. Sau khi vua mạng chung, Bồ-tát lên làm vua có tên là Kaṭṭhavāhana (Vua Con Của Người Lượm Củi), trị vì vương quốc bằng Chánh pháp và khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.

***

Sau khi kể pháp thoại này cho vua nước Kosala, trình bày hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, bậc Ðạo sư kết luận với sự nhận diện tiền thân như sau:

– Thời ấy, người mẹ là Mahāmāyā, người cha là Vua Suddhodana (Tịnh Phạn vương) và Vua Kaṭṭhavāhana là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.