Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§3. CHUYỆN NGƯỜI BUÔN GHÈ SERIVA (Serivāṇijajātaka) (J. I. 110)

Nếu đây ông thối thất...

Thế Tôn thuyết pháp thoại này khi ở Xá-vệ, cũng liên hệ đến một Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn. Khi vị ấy được các Tỷ-kheo đưa đến bậc Ðạo sư, trong trường hợp giống như câu chuyện trước, bậc Ðạo sư nói:

– Này Tỷ-kheo, ông xuất gia trong giáo pháp đem lại Đạo và Quả như vậy, lại từ bỏ tinh tấn, ông sẽ sầu muộn lâu dài như người lái buôn Seriva đã mất một cái bát bằng vàng trị giá trăm ngàn đồng tiền vàng.

Các Tỷ-kheo thỉnh cầu Thế Tôn phân tích sự việc này. Thế Tôn làm sáng tỏ ý nghĩa qua câu chuyện quá khứ sau đây.

***

Thuở xưa, năm kiếp về trước, Bồ-tát ở trong nước Seri làm nghề đi buôn ghè bát và được gọi là Seriva. Seriva cùng với một người lái buôn bán ghè bát tham lam khác, vượt qua con sông Talavāha đi vào thành Andhapura, phân chia những con đường trong thành và bán hàng hóa của mình tại con đường đã được phân chia, còn người kia nhận con đường phần mình. Trong thành ấy, có một gia đình triệu phú bị sa sút. Tất cả con trai, anh, em và tài sản đều bị mất sạch. Những người sống sót là một người con gái và bà nội, cả hai bà cháu sống bằng nghề làm thuê cho các người khác. Trong nhà có một cái bát bằng vàng, xưa kia người đại triệu phú dùng để ăn cơm. Bát ấy lâu ngày bị quăng vào giữa các chén bát khác không được dùng đến và bụi nhớp dính đầy. Họ không biết cái bát ấy bằng vàng. Lúc bấy giờ, người lái buôn tham lam kia đang vừa đi vừa rao:

– Hãy lấy ghè nước, hãy lấy ghè nước!

Và đến cửa ngôi nhà. Người con gái thấy kẻ ấy liền nói với bà nội:

– Thưa bà, hãy lấy cho con một đồ trang sức.

– Này con thân, chúng ta rất nghèo, đem đổi cái gì để lấy ghè nước?

– Có một cái bát không giúp ích gì cho chúng ta. Hãy đem cái này đổi lấy ghè!

Bà cho gọi người lái buôn, lấy ghế mời ngồi, đưa cái bát cho kẻ ấy và nói:

– Này ông, hãy lấy vật này và đổi cho chị một chút gì.

Người lái buôn cầm bát suy nghĩ: “Bát này có thể bằng vàng”, xoay bát trên tay, cạo một đường với một cây kim sau lưng bát, biết được bát bằng vàng, kẻ ấy nghĩ: “Không cần cho những người này một cái gì cả, ta sẽ lấy cái bát”, bèn nói:

– Vật này mà giá bao nhiêu, giá của nó không đáng nửa đồng xu.

Kẻ ấy quăng bát xuống đất, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bỏ đi. Bấy giờ, giữa hai người lái buôn có sự thỏa thuận rằng: Khi một người đã vào con đường rồi bỏ đi, người kia có thể vào con đường ấy được. Vì thế, Bồ-tát đi vào con đường ấy rao hàng:

– Ai lấy ghè nước không?

Và đi đến cửa ngôi nhà ấy. Cô con gái nói với bà nội như trước. Bà nội nói với cô:

– Này con thân, người lái buôn đến trước đã quăng bát xuống đất và bỏ đi, nay chúng ta có thể cho cái gì để lấy được?

– Thưa bà, người lái buôn kia ăn nói thô ác. Còn người này có dáng mặt dễ thương, ăn nói dịu dàng. Rất có thể người này nhận lấy.

– Vậy hãy gọi họ lại.

Cô gái gọi người này lại. Khi vị này vào nhà và ngồi, họ đưa cái bát cho xem. Vị này biết cái bát bằng vàng, liền nói:

– Thưa mẹ, cái bát này đáng giá trăm ngàn đồng tiền vàng. Tôi không có trong tay hàng hóa giá trị bằng cái bát này.

– Này ông, người lái buôn đi đến trước nói rằng cái bát này không đáng giá nửa đồng xu, đã quăng bát xuống đất bỏ đi. Nay bát này nhờ công đức của ông, trở thành bằng vàng. Vậy chúng tôi cho ông cái bát này. Hãy cho chúng tôi một chút ít thứ gì để đổi lấy cái bát.

Lúc đó, Bồ-tát có trong tay tám trăm đồng tiền vàng và hàng hóa trị giá năm trăm đồng tiền vàng, liền đem cho tất cả và nói:

– Hãy cho tôi giữ lại cái cân, cái giỏ và tám đồng tiền vàng.

Sau khi xin như vậy rồi, ngài cầm lấy cái bát và ra đi. Ngài đi mau đến bờ sông, cho người chủ thuyền tám đồng tiền và leo lên thuyền. Khi ấy, người lái buôn tham lam trở lại và nói:

– Hãy đem cái bát ra đây, ta sẽ cho các người một ít thứ gì.

Nhưng bà già mắng lại kẻ ấy:

– Ngươi cho rằng cái bát bằng vàng của chúng tôi trị giá một trăm ngàn đồng lại không đáng giá nửa đồng xu, nhưng một người lái buôn chơn chánh giống như thầy của ngươi đã cho chúng tôi một ngàn đồng vàng, lấy cái bát và ra đi rồi.

Nghe nói như vậy, kẻ ấy than:

– Ta đã mất đi cái bát bằng vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng rồi. Nó thật là tên ăn cướp đã hại ta.

Người lái buôn tham lam ấy sanh khởi ưu tư sầu muộn, không thể tập trung tâm trí, trở thành điên loạn, tự tay vung vãi đồng tiền vàng và hàng hóa trước cửa nhà ấy, quăng bỏ áo mặc, áo choàng, và tay cầm cán cân như cái gậy đi theo con đường của Bồ-tát, đến bờ sông. Thấy Bồ-tát đã đi qua sông, kẻ ấy liền kêu:

– Hỡi bạn lái đò, hãy quay lại!

Nhưng Bồ-tát ngăn chặn và nói:

– Ðừng quay lại!

Thấy Bồ-tát dần dần đi xa, sầu muộn ưu tư của kẻ ấy khởi lên, quả tim nóng ran, máu nóng trào ra miệng và quả tim của kẻ ấy bị nứt ra như bùn dưới đáy của một bể nước. Do hận tâm chống Bồ-tát, kẻ ấy mạng chung ngay tại chỗ. Ðây là lần đầu tiên Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) có hận tâm chống Bồ-tát. Còn Bồ-tát, trọn đời làm các công đức như bố thí... rồi mạng chung đi theo nghiệp của mình.

***

Sau khi thuyết pháp thoại này xong, bậc Chánh Giác đọc bài kệ:

3. Nếu đây ông thối thất, Không hướng đích Diệu pháp,

Ông sẽ khổ lâu dài, Như người buôn Seri.

Như vậy, sau khi bậc Ðạo sư thuyết pháp thoại này đưa đến tột đỉnh A-la-hán, Ngài giảng bốn sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn chứng quả A-la-hán tối cao.

Sau khi kể hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Thời ấy, người lái buôn ngu si là Devadatta, còn người lái buôn Hiền trí là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.