Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ CHUYỆN THIÊN CUNG/ B. LÂU ĐÀI NAM GIỚI / VII. PHẨM DO KHÉO SẮP BÀY (SUNIKKHITTAVAGGA)


§84. CHUYỆN LÂU ĐÀI CỦA SERISSAKA (Serissakavimānavatthu)36 (Vv. 77; VvA. 331)

Sau khi đức Thế Tôn đã diệt độ, Tôn giả Kumāra Kassapa (Cưu-ma-la Cadiếp) cùng với năm trăm Tỷ-kheo đến thành Setavyā. Tại đó, Tôn giả thuyết phục Vua Pāyāsi (Tệ-túc) từ bỏ các tà kiến, và an trú vua vào chánh kiến.

Từ đó về sau, nhà vua thích làm công đức, cúng dường các Sa-môn, Bàla- môn, song không được chu đáo vì trước kia chưa quen việc ấy; nên sau khi từ trần, vua được tái sanh vào một lâu đài ở nơi hoang vắng trong rừng cây Sirīsa thuộc trú xứ của Tứ Ðại Thiên Vương. Tục truyền rằng, ngày xưa một số thương nhân nước Aṅga-Magadha đi đến xứ Sindhu và Sovīra, thường du hành ban đêm vì sợ cơn nóng ban ngày nên đã đi lạc đường. Trong số ấy, có một đệ tử cư sĩ đầy đủ mọi khả năng chứng đắc quả A-la-hán, và đã tham gia đoàn lữ hành để kiếm tiền cấp dưỡng cha mẹ.
Muốn giúp đỡ vị ấy, Thiên tử Serissaka xuất hiện cùng lâu đài của mình rồi hỏi đoàn thương nhân đã đến vùng sa mạc hoang vu không cây cỏ nước non này bằng cách nào. Bọn họ trả lời chàng.
Ðể giải thích chuyện này, các vị kết tập kinh điển đưa vào các vần kệ đầu tiên:

1228. Hãy lắng nghe câu chuyện dạ-xoa,
Và thương nhân gặp gỡ đường xa,
Chuyện hay khéo kể cho nhau rõ,
Vậy hãy lắng nghe cả chúng ta.

1229. Pāyāsi, chính hiệu nhà vua,
Bạn của địa thần, danh tiếng xa,
Ðang hưởng lạc trong lầu các ấy,
Vị thiên thần hỏi đoàn thương gia:

1230. “Trong rừng hiểm trở vắng phàm nhân,
Sa mạc khô cằn, chẳng có ăn,
Thật khó đi vào vùng cát trắng,
Nhiều người mất trí sợ nguy nan.

1231. Không có cây hay trái ở đây,
Cũng không nhiên liệu, thức ăn này,
Không gì ngoài bụi mù và cát,
Sức nóng đang thiêu đốt đọa đày.

1232. Hoang mạc cằn như ấm sắt nung,
Không gì lợi lạc, tựa âm cung,
Xưa là trang trại quân ăn cướp,
Ðáng rủa nguyền thay cả một vùng.

1233. Vậy các ngươi do động lực nào,
Cớ gì ước muốn đến đây sao,
Các ngươi vội vã cùng nhau đến,
Vì sợ, tham lam, lạc lối vào?”

Các thương nhân liền đáp:

1234. “Lữ khách Aṅga, Magadha,
Đang đi Sindhu, Sovīra,

Các đoàn xe chất nhiều hàng hóa,
Mong muốn giàu sang, kiếm lợi mà.

1235. Không sao chịu được khát ban ngày,
Cùng xót thương bò, ngựa cả bầy,
Ðến bước này đây, đoàn lữ khách,
Gặp ban đêm giữa lúc canh chầy.

1236. Khốn khổ chúng tôi phải lạc đường,
Rối như mù, lạc lối rừng hoang,
Giữa vùng cát khó du hành quá,

Tâm trí hoang mang chẳng biết phương.

1237. Ðang lúc này đây được thấy ngài,
Dạ-xoa thần lạc trú lâu đài,
Những điều chưa thấy bao giờ cả,
Hy vọng khởi lên với chúng tôi,
Vì chúng tôi vừa nhìn thấy thế,
Chúng tôi đều hạnh phúc, mừng vui.”

Vị thiên tử lại hỏi:

1238. “Sa mạc hoang vu, vượt đại dương,
Con đường khúc khuỷu phải đi ngang,
Cần dùng gậy gộc làm cây chống,
Lại có nhiều sông, núi khó băng,
Thật hiểm nguy vào vùng khác biệt,
Các ngươi lặn lội kiếm giàu sang.

1239. Khi vào lãnh thổ các vua kia,
Nhìn mọi người trong xứ khác xa,
Những việc các ngươi nghe thấy đó,
Có gì kỳ thú kể cho ta.”

Bọn thương nhân nghe vị thiên tử hỏi, liền đáp:

1240. “Việc chúng tôi nghe thấy trước đây,
Không gì kỳ thú sánh nơi này,
Siêu phàm thiên tử, không hề chán,
Khi ngắm mỹ quan tuyệt hảo vầy.

1241. Các hồ sen trải giữa trời cao,
Phong phú hoa nở đẹp biết bao,
Sen trắng cùng cây luôn kết trái,
Tỏa làn hương tuyệt diệu dường nào.

1242. Một trăm trụ ngọc lam cao xanh,
Các đế san hô kết thủy tinh,

Các ngọc mắt mèo, hồng ngọc thắm,
Trụ toàn ngọc sáng kết thành hình.

1243. Lâu đài tráng lệ ở trên đầu,
Ngàn trụ oai nghi tuyệt mỹ sao!
Hành lang vàng với tường đầy ngọc,
Có mái dát vàng khéo lợp cao.

1244. Lâu đài sáng rực tựa vàng ròng,
Ở tại Jambu, một lạch sông,
Sáng loáng cầu thang, sân thượng, bệ,
Oai hùng, cân xứng, đẹp vô ngần.

1245. Trong điện ngọc đầy thức uống ăn,
Một đàn tiên nữ đứng quây quần,
Ngân vang kèn trống và đàn địch,
Ngài được cung nghênh với tán xưng.

1246. Ngài được đàn tiên tạo lạc an,
Thượng lầu kỳ thú của thiên đàng,
Ngài oai nghi hưởng đầy ân phước,
Lộng lẫy cao sang chẳng nghĩ bàn,
Như Ðại Thiên vương Tỳ-xá ngự,
Naḷinī thượng uyển vinh quang.

1247. Ngài là thiên tử, dạ-xoa thần,
Thiên chủ mang hình dáng thế nhân,
Lữ khách cả đoàn nay kính hỏi,
Xin ngài cho biết rõ danh xưng?”

Bấy giờ, vị thiên tử nói rõ về bản thân mình:

1248. “Ta là thiên tử Serissaka,
Ta giữ vùng sa mạc thật xa,
Cai quản miền này và xứ nọ,
Tuân hành thiên lệnh Vessava.”

Bấy giờ, các thương nhân hỏi về hạnh nghiệp của chàng:

1249. “Ngài hưởng lạc này bởi ngẫu nhiên,
Hay ngài được tặng bởi chư thiên,
Do ngài xây dựng, do thành tựu,
Lữ khách thương nhân muốn hỏi xem,
Bằng cách nào đây ngài hưởng được,
Lâu đài lạc thú giữa quần tiên?”

Vị thiên tử lại ngâm kệ bác bỏ bốn sự phỏng đoán này và nêu rõ đó chính là do công đức:

1250. “Chẳng phải do ta được ngẫu nhiên,
Hoặc ta được tặng bởi chư thiên,
Do ta xây dựng, do thành tựu,
Mà chính do công đức tạo nên.”

Các thương nhân liền hỏi về bản chất công đức ấy:

1251. “Phạm hạnh nào hay bởi nguyện cầu,
Quả này do pháp thiện hành sao,
Thương nhân lữ khách này xin hỏi,
Ngài được lâu đài bởi tại đâu?”

Vị thiên tử lại bác bỏ cả bốn điều phỏng đoán trên và trình bày công hạnh do mình đã tích trữ trước kia:

1252. “Pāyāsi thuở trước là ta,
Cai trị thần dân Kiều-tát-la,
Keo kiệt, xan tham, tin đoạn diệt,
Không tin nhân quả, lạc đường tà.

1253. Thế rồi có một vị Sa-môn,
Cưu-ma Ca-diếp,37 bậc Đa văn,
Biện tài tuyệt diệu, nhiều phương tiện,
Thuyết pháp xua tà kiến khỏi tâm.

1254. Khi nghe lời thuyết pháp từ Ngài,
Ta nguyện làm cư sĩ suốt đời,
Không sát sanh và không trộm cắp,
Cũng không uống rượu, nói sai lời,
Cũng không tà dục và tri túc,
Với vợ mình, không muốn vợ ai.

1255. Ðó là lời nguyện sống trong lành,
Kết quả đây là của thiện hành,
Chính bởi các hành vi phước đức,
Lâu đài này được hưởng phần mình.”

Khi ấy, các thương nhân đã thấy vị thiên tử cùng lâu đài của chàng, liền khởi lòng tin vào nghiệp quả, và ngâm hai vần kệ nêu rõ niềm tin của họ vào nghiệp quả:

1256. “Quả thật, Trí nhân nói thật chơn,
Không hề nói khác các Hiền nhân,
Nơi nào người thiện làm công đức,
Nơi ấy người an hưởng thỏa lòng.

1257. Nơi nào có khổ não, kêu thương,
Chết chóc, nhiều ràng buộc, khổ buồn,

Nơi ấy các người làm ác nghiệp,
Khó lòng thoát khỏi cảnh thê lương.”

Trong khi họ ngâm kệ, một trái sirīsa chín rụng từ cây xuống cổng lâu đài và vị thiên tử có vẻ buồn. Các thương nhân thấy thế, liền ngâm kệ khác:

1258. “Giờ đây thiên chúng vẻ bồn chồn,
Lúng túng như đang dính vũng bùn,
Thiên tử, vì đâu ngài bất mãn,
Vì đâu hội chúng chẳng vui lòng?”
Khi nghe hỏi, vị thiên tử đáp lại:

1259. “Bạn này, các khóm Sirīsa,
Thoang thoảng thiên hương lan tỏa ra,
Vào tận lâu đài, hương phảng phất,
Ngày đêm xua đuổi bóng âm u.

1260. Khóm này, sau mỗi một trăm niên,
Một trái nở ra, chín rụng liền,
Một trăm năm đã qua từ lúc,
Ta hiện lên đây giữa chúng thiên.

1261. Biết rằng ta sống giữa thiên cung,
Ngũ bách niên trường, sẽ mạng chung,
Khi thọ mạng tàn, công đức tận,
Cho nên ta hoảng sợ buồn lòng.”

Lúc ấy, các thương nhân liền an ủi chàng:

1262. “Thiên tử làm sao phải muộn phiền,
Khi ngài ngự ngũ bách chu niên,
Lâu đài tuyệt mỹ vô song địch,
Chắc chắn những ai phước đức hèn,
Chỉ được sinh vào nơi thấp kém,
Là người phải chịu khổ triền miên.”

Vị thiên tử chấp nhận lời nói của họ, cảm thấy được an ủi, bèn ngâm kệ:

1263. “Những lời khích lệ đẹp lòng sao,
Bạn nói những lời khen ngợi nhau,
Song bạn hỡi, giờ ta bảo hộ,
Cất bước bình an thỏa ước ao!”

Các thương nhân muốn bày tỏ lòng biết ơn, lại ngâm kệ:

1264. “Khi nào đi đến Sovīra,
Và đến Sindhu kiếm lợi to,
Cùng với biết bao quà tặng quý,
Chúng tôi dâng lễ Serissaka.”

Nhưng vị thiên tử từ chối lễ vật hào phóng và muốn khuyên nhủ họ những việc cần làm, liền ngâm kệ:

1265. “Chớ nên dâng lễ Serissaka,
Còn mọi việc kia sẽ xảy ra,
Song phải kiên tâm hành Chánh pháp,
Và cần tránh các nghiệp gian tà.

Vị ấy lại ngâm kệ để nêu gương tốt cho họ theo và tán thán các đức tính của người cư sĩ mà vị ấy mong muốn bảo vệ an toàn:

1266. Có vị tại gia của lữ đoàn,
Học nhiều, giữ giới, tín, chuyên cần,
Cúng dường hào phóng, đầy thân ái,
Tri túc, khôn ngoan, đúng Trí nhân.

1267. Chàng không cố ý nói sai lời,
Cũng chẳng chuyên tâm hại đến ai,
Không thốt lời phân ly, phỉ báng,
Nói lời tử tế, thật êm tai.

1268. Biết vâng lời, kính trọng, tu thân,
Tẩy sạch mình theo giới hạnh luôn,
Người ấy sống đời cao thượng lắm,
Nương nhờ Chánh pháp, dưỡng song thân.

1269. Ta chắc chàng đi kiếm bạc vàng,
Chỉ vì muốn phụng dưỡng song thân,
Chứ không phải chính vì mình vậy,
Bởi thế khi cha mẹ mãn phần,
Chàng sẽ hành trì đời Phạm hạnh,
Hướng về xuất thế, thoát ly trần.

1270. Thẳng ngay, không hóc hiểm, mưu mô,
Thiện sự thành công, chẳng dối lừa,
Giải quyết việc gì, không kiếm cớ,
Vững trong pháp vậy, sao ưu tư?

1271. Vì lý do này ta hiện thân,
Hãy quy ngưỡng Pháp, hỡi thương nhân,
Giá không chàng, bạn thành tro bụi,
Hoảng sợ như mù lạc lối hoang,
Chỉ trích chàng là điều thật dễ,
Phúc thay gặp gỡ bậc Hiền lương!”

Ðám thương nhân muốn biết rõ chi tiết về người đang được nói đến một cách tổng quát như vậy, liền hỏi:

1272. “Người ấy là ai tự bấy nay,
Tên chàng, bộ tộc, thợ hay thầy?
Chúng tôi mong muốn nhìn người ấy,
Ngài đã xót thương xuất hiện đây,
Quả thật phần chàng nhiều lợi lạc,
Nhờ ngài mến chuộng đến như vầy.”

Bấy giờ, vị thiên tử nêu tên họ và bộ tộc chàng kia:

1273. “Người này tên gọi Sambhava,
Hớt tóc, người tu tập tại gia,
Kiếm sống bằng dao, bàn chải tóc,
Cả đoàn biết thị giả này mà!
Vì chàng là một người lương thiện,
Các bạn đừng nhạo báng chàng ta.”

Sau đó, đoàn thương nhân nhận ra chàng kia, liền nói:

1274. “Chúng tôi đều biết rõ người này,
Nhưng chẳng biết chàng đức hạnh thay,
Nay chúng tôi cùng xin đảnh lễ,
Khi nghe ngài nói quý cao vầy!”

Bấy giờ, sau khi mời mọi người bước vào lâu đài của mình, vị thiên tử ngâm kệ khích lệ họ:

1275. “Bất cứ ai trong đoàn lữ hành,
Trung niên, trưởng lão, hoặc xuân xanh,
Xin mời tất cả lên lầu thượng,
Ðể bọn xan tham ngắm phước lành.”

Trong phần kết thúc, chư vị kết tập kinh điển ngâm sáu vần kệ:

1276. Mọi người tại đó nói to lên,
Khi đặt chàng cư sĩ trước tiên:
“Tôi thứ nhất”, rồi lên điện ngọc,
Như cung Đế-thích của chư thiên.

1277. Cả đoàn lữ khách nói như vầy:
“Tôi trước tiên” nhận ngũ giới này,
Từ bỏ sát sanh loài thú vật,
Cũng không trộm cắp, rượu nồng say,
Cũng không nói dối và tri túc,
Với vợ mình, không muốn vợ ai.

1278. Cả đoàn lữ khách nói đồng thanh:
“Tôi trước tiên” trì giới, khởi hành,
Hoan hỷ ngập tràn nhờ đại lực,
Dạ-xoa thần hỗ trợ đồng tình.

1279. Ði vào Sindhu, Sovīra,
Vì muốn bạc vàng, kiếm lợi to,
Khi việc làm xong, tròn phận sự,
Trở về an ổn phố Pāṭa.38

1280. Tất cả bình yên trở lại nhà,
Trùng phùng thê tử cả toàn gia,
Mừng vui, hạnh phúc, đầy hoan lạc,
Làm lễ tôn vinh thiên tử kia,
Lễ hội tưng bừng và rộn rã,
Cùng xây trú xứ Serissaka.

1281. Như vậy là bầu bạn thiện nhân,
Ðược nhiều lợi lạc lớn vô ngần,
Kết giao các thiện nhân trong pháp,
Nhờ một người, toàn thể hưởng ân.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.