Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ CHUYỆN THIÊN CUNG/ A. LÂU ĐÀI NỮ GIỚI (ITTHIVIMĀNA) / I. PHẨM SÀNG TỌA (PĪṬHAVAGGA)

§17. CHUYỆN LÂU ĐÀI CỦA KESAKĀRĪ (Kesakārīvimānavatthu) (Vv. 14; VvA. 86)

Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ba-la-nại, trong Vườn Nai, ở trú xứ chư tiên (Isipatana). Buổi sáng, các Tỷ-kheo đắp y, cầm y bát và đi vào Ba-la-nại. Chư vị đến gần cửa nhà một Bà-la-môn.

Trong nhà ấy, có con gái vị Bà-la-môn, tên Kesakārī đang bắt chí (chấy) trên đầu mẹ nàng gần cửa, thấy các Tỷ-kheo đi ngang qua, bèn hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, các vị này từ giã đời thế tục hình như còn ở độ tuổi xuân xanh, thanh lịch, đẹp trai, dáng ưa nhìn, không gặp tai họa khổ đau nào cả. Thế tại sao chư vị xuất gia ở tuổi này?

Mẹ nàng đáp:

– Này con, có vị Thích tử xuất gia từ dòng họ Thích-ca đã hiện ra ở đời làm bậc Ðạo sư được gọi là đức Phật. Ngài thuyết pháp, hoàn thiện ở phần đầu, phần giữa và phần cuối cả về ý nghĩa lẫn ngôn từ. Ngài tuyên bố đời Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ và thanh tịnh. Chư vị này đã xuất gia vì nghe pháp ấy.

Bấy giờ, có một cư sĩ tại gia đã đắc Sơ quả và hiểu pháp, nghe được câu chuyện khi đi ngang qua đường ấy và đến gần hai mẹ con. Vị nữ nhân Bà-lamôn hỏi vị ấy:

– Này cư sĩ, nhiều thiện nam tử từ bỏ tài sản quý giá và đại gia tộc thân quyến để xuất gia trong dòng họ Thích-ca. Vì cớ gì họ xuất gia như vậy?

Vị cư sĩ nghe bà nói liền đáp:

– Vì thấy sự nguy hiểm trong dục lạc và lợi ích của xuất gia.

Vị ấy giải thích đầy đủ chi tiết về động lực ấy theo khả năng hiểu biết cao nhất của mình, vừa nêu rõ các đức tính của Tam bảo, vừa thuyết giảng sự hữu ích tiện lợi của ngũ giới liên hệ đến đời nay và đời sau.

Sau đó, thiếu nữ Bà-la-môn hỏi vị ấy:

– Thế chúng tôi có thể hưởng phần hữu ích tiện lợi mà Tôn giả vừa nói qua sự quy y Tam bảo và giữ ngũ giới chăng?

Vị ấy đáp:

– Tại sao lại không? Những điều được đức Thế Tôn thuyết giảng cần được mọi loài hưởng phần đều nhau.

Rồi vị ấy cho nàng thọ tam quy và ngũ giới. Khi nàng đã chấp nhận tam quy và hành trì ngũ giới, nàng hỏi:

– Thế còn phải làm gì nữa ngoài việc này?

Thấy nàng có trí thông tuệ, người ấy nghĩ thầm: “Chắc hẳn nàng là một trong số người hội đủ khả năng điều kiện.” Và khi giảng giải bản chất của thân thể, vị ấy nói đến đối tượng của thiền quán là ba mươi hai phần của thân, vị ấy gợi lên cho nàng sự nhàm chán sắc thân. Và ngoài ra, sau khi làm cho nàng xúc động với một bài pháp thoại liên hệ đến vô thường, khổ, vô ngã, vị ấy chỉ con đường đưa đến tuệ quán và từ giã nàng.

Nàng ghi nhớ mọi sự mà vị ấy nói và với niềm suy tư do nhận thức sự bất tịnh của thân, nàng phát triển tuệ quán và chẳng bao lâu nàng chứng đắc Sơ quả Dự lưu vì nàng thành tựu đủ mọi điều kiện.

Về sau, nàng từ trần và được tái sanh làm thiên nữ hầu cận Thiên chủ Sakka. Ðoàn tùy tùng của nàng gồm một trăm ngàn tiên nữ. Khi Thiên chủ Sakka thấy nàng, ngài kinh ngạc và ái mộ nàng, bèn hỏi các công đức nàng đã làm trước kia:

150.




 

Cung điện này nơi ta trú an,
Trụ bằng lam ngọc sáng huy hoàng,
Khéo xây dựng để trường tồn mãi,
Mọi phía cây vàng tỏa bóng râm,
Ðã được tạo nên do kết quả,
Của công đức thiện nghiệp ta làm.

151.




 

Ai đã từng sanh trưởng ở đây,
Ðều là ngọc nữ cõi trời này,
Một trăm ngàn chẵn đàn tiên nữ,
Vì thiện nghiệp nàng đã đến đây,
Nàng thật vinh quang đầy ánh sáng,
Ðứng kia thiên nữ vẻ vang thay!

152.


 

Như vầng trăng, chúa tể muôn sao,
Chiếu sáng hơn tinh tú biết bao,
Cũng vậy nàng sáng ngời rực rỡ,
Giữa đàn tiên nữ đẹp dường nào.

153.




 

Nàng đã từ đâu xuất hiện đây,
Hỡi nàng tuyệt sắc đến trời này?
Indra Thiên chủ cùng thiên chúng,
Tam Thập Tam thiên giới hiện nay,
Ngưỡng mộ Phạm thiên và bởi thế,
Chẳng ai nhàm chán ngắm nàng vầy.

154.




 

Đế-thích ân cần đã hỏi han:
“Nàng từ đâu đến chốn trần gian?”
Xưa kia thành phố Kāsi ấy,
Tên gọi Ba-la-nại lừng vang,
Tại đó, ngay trong thành phố nọ,
Kesakāri ấy chính tiền thân.

Khi được Thiên chủ Sakka hỏi thế, vị thiên nữ đáp hai vần kệ sau:

155.




 

Con có lòng thành tín Phật-đà,
Chuyên tâm quy ngưỡng Pháp, Tăng-già,
Ðoạn nghi trọn vẹn con trì giới,
Ðạt thành các quả vị vừa qua,
Giáo pháp vững tin, đường giác ngộ,
Thân thường không tật bệnh chi mà

Sau đó, Thiên chủ Sakka hoan hỷ vì thành tựu công đức của nàng và cảnh vinh hiển trên thiên giới của nàng, bèn ngâm kệ đáp lại:

156.





 

Chúng ta hoan hỷ đón mừng nàng,
Nhờ giáo pháp, nàng chiếu ánh quang,
Phật-đà, Giáo pháp, với chư Tăng,
Ðoạn nghi, trọn vẹn tu trì giới,
Ðạt đến các thành quả vẻ vang,
Giáo pháp vững tin, đường Giác ngộ,
Thân thường vô bệnh, được khang an.

Sau đó, Thiên chủ Sakka kể cho Tôn giả Trưởng lão Mahāmoggallāna về sự kiện này, Tôn giả lại trình với đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy đề tài ấy làm dịp thuyết pháp thoại cho hội chúng. Bài pháp ấy có ích lợi cho thế giới bao gồm cả thiên giới nữa.

TỔNG KẾT

– Năm lâu đài có sàng tọa (bốn lâu đài có sàng tọa và lâu đài có con voi).

– Ba lâu đài có chiếc thuyền, lâu đài có ngọn đèn, lâu đài do cúng mè.

– Hai lâu đài trinh phụ, hai lâu đài nàng dâu, lâu đài Uttarā, lâu đài Sirimā, lâu đài Kesakārī.

Phẩm này được biết qua các chuyện trên.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.