Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ KINH PHẬT TỰ THUYẾT/ V. PHẨM TRƯỞNG LÃO SOṆA (SOṆAVAGGA)

§6. KINH SOṆA (Soṇasutta)82 (Ud. 57)

46. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahākaccāna trú ở giữa dân chúng xứ Avanti, gần thành Kuraraghara, trên ngọn núi tên Pavatta. Lúc bấy giờ, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa là thị giả của Tôn giả Mahākaccāna. Rồi nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong khi độc cư thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi lên: “Như Tôn giả Mahākaccāna thuyết pháp, thật không dễ dàng cho một người sống trong gia đình có thể thực hành một cách viên mãn Phạm hạnh thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đi đến Tôn giả Mahākaccāna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa thưa Tôn giả Mahākaccāna:

– Thưa Tôn giả, ở đây, trong khi con độc cư thiền tịnh... sống không gia đình. Thưa Tôn giả, Tôn giả hãy cho con xuất gia!

Nghe nói vậy, Tôn giả Mahākaccāna nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa:

– Này Soṇa, thật khó thay đời sống Phạm hạnh, ăn một ngày một bữa, nằm ngủ một mình cho đến trọn đời! Này Soṇa, cứ ở nhà, sống trong gia đình, chú tâm vào lời dạy của chư Phật, tạm thời hiện tại sống Phạm hạnh, ăn một ngày một bữa, nằm ngủ một mình. Lúc đó, lòng ham muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa được giảm nhẹ bớt.

Lần thứ hai, nam cư sĩ Soṇa Koṭikaṇṇa trong khi độc cư thiền tịnh... “… sống không gia đình. Lần thứ hai, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đi đến Tôn giả Mahākaccāna... Hãy cho con xuất gia!” Lần thứ hai, Tôn giả Mahākaccāna nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa:

– Này Soṇa, thật khó thay... được giảm nhẹ bớt.

Lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Koṭikaṇṇa trong khi độc cư thiền tịnh... “… sống không gia đình. Lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đi đến Tôn giả Mahākaccāna và thưa... Hãy cho con xuất gia!” Rồi Tôn giả Mahākaccāna cho nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa xuất gia. Lúc bấy giờ, tại vùng phía Nam của xứ Avanti có ít Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Mahākaccāna, sau ba kỳ an cư mùa mưa, một cách khó khăn, một cách mệt nhọc, tụ tập từ chỗ này chỗ nọ được một nhóm mười Tỷ-kheo và trao Ðại giới cho Tôn giả Soṇa.

Tôn giả Soṇa sau khi an cư mùa mưa độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Ta chưa được thấy tận mặt Thế Tôn, tuy rằng ta có nghe Thế Tôn là vị như vậy, như vậy. Nếu vị Giáo thọ sư của ta cho phép, ta sẽ đi đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác.” Rồi Tôn giả Soṇa vào buổi chiều, từ độc cư thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahākaccāna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahākaccāna rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Soṇa thưa với Tôn giả Mahākaccāna:

– Thưa Tôn giả, trong khi con độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Ta chưa được thấy tận mặt Thế Tôn... Chánh Ðẳng Giác.”

– Lành thay, lành thay, Soṇa! Hãy đi, này Soṇa, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này Soṇa, người sẽ thấy Thế Tôn khả ái, khơi dậy lòng tin, các căn an tịnh, tâm ý thanh tịnh, đã đạt được an chỉ chế ngự tối thượng, bậc Long tượng được điều phục, hộ trì, các căn nhiếp phục. Sau khi thấy, hãy nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, khỏe mạnh, an ổn không, thưa rằng: “Bạch Ngài, Giáo thọ sư của con là Tôn giả Mahākaccāna cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Ngài có ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, an ổn không?”

– Thưa vâng, Tôn giả.

Tôn giả Soṇa hoan hỷ tín thọ lời dạy của Tôn giả Mahākaccāna, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Mahākaccāna, thân bên hữu hướng về Tôn giả, dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, bộ hành hướng về Sāvatthi; cứ đi như vậy cuối cùng thì đến Sāvatthi, Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika, đến chỗ Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Soṇa bạch Thế Tôn:

– Bạch Ngài, Giáo thọ sư của con là Tôn giả Mahākaccāna cúi đầu đảnh lễ, hỏi thăm... có an ổn không?

– Này Tỷ-kheo, ông có kham nhẫn được không? Ông có sống dễ dàng không? Ði đường đến đây không có mệt nhọc, khất thực không có mệt nhọc chứ?

– Bạch Thế Tôn, con có thể kham nhẫn. Bạch Thế Tôn, con có thể sống dễ dàng. Bạch Ngài, con đi đường không có mệt nhọc, khất thực không có mệt nhọc.

Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda:

– Này Ānanda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này!

Tôn giả Ānanda suy nghĩ: “Thế Tôn bảo ta: ‘Này Ānanda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này!’ Như vậy, Thế Tôn muốn ở chung một chỗ với Tỷ-kheo ấy. Như vậy, Thế Tôn muốn ở chung với Tôn giả Soṇa ấy.” Nên chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy, Tôn giả Ānanda sửa soạn sàng tọa cho Tôn giả Soṇa. Rồi Thế Tôn, sau khi ngồi ở ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào tinh xá. Tôn giả Soṇa, sau khi ngồi ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào tinh xá. Rồi Thế Tôn, khi đêm đã gần sáng, thức dậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Soṇa:

– Hãy nói pháp cho các Tỷ-kheo!

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Soṇa vâng đáp Thế Tôn, đọc thuộc lòng mười sáu phần của phẩm thứ tám83 một cách đầy đủ. Sau khi Tôn giả Soṇa chấm dứt tụng đọc của mình, Thế Tôn nói:

– Lành thay, lành thay Tỷ-kheo! Tỷ-kheo đã khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì toàn bộ mười sáu phần trong phẩm thứ tám. Người được đầy đủ thiện ngôn,84 minh bạch, phát ngôn rõ ràng, ý nghĩa minh xác. Này Tỷ-kheo, ông có bao nhiêu tuổi an cư mùa mưa?

– Bạch Thế Tôn, con có một tuổi an cư mùa mưa.

– Này Tỷ-kheo, vì sao ông lại để chậm như thế?

– Bạch Thế Tôn, đã lâu con thấy sự nguy hại trong các dục, nhưng sự bó buộc của đời sống gia đình, nhiều phận sự, nhiều công việc phải làm.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:

Thấy nguy hại ở đời,
Bậc Thánh không ưa ác,

Biết pháp không sanh y,
Bậc tịnh không ưa ác.

Tham khảo:

82 Tham chiếu: Vin. I. 179; Sn. 151-63, 166, 168, 171, 174, 179, 182, 185; Xuất diệu kinh “Ác hành phẩm” 出曜經惡行品 (T.04. 0212.29. 0741b24); Pháp tập yếu tụng kinh “Tội chướng phẩm” 法集要 頌經罪障品 (T.04. 0213.28. 0792a17).

83 Chỉ cho chương IV của Suttanipāta, bắt đầu từ Kāmasutta (Kinh về dục) gồm có 209 bài kệ.

84 Câu này được tìm thấy trong A. II. 50, 96; S. I. 240; II. 280.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.