Tam tạng Thánh điển PGVN 05 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ KINH PHẬT TỰ THUYẾT/ V. PHẨM TRƯỞNG LÃO SOṆA (SOṆAVAGGA)
§5. KINH NGÀY TRAI GIỚI (Uposathasutta)81 (Ud. 51)
45. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Pubbārāma, trong lâu đài của mẹ Migāra. Lúc bấy giờ, Thế Tôn, vào ngày trai giới, đang ngồi có chúng Tỷ-kheo đoanh vây.
Rồi Tôn giả Ānanda, sau khi đêm đã khuya, canh một sắp qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đêm đã khuya, canh một đã sắp qua, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết Giới bổn (Pātimokkha) cho chúng Tỷ-kheo!
Khi được nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.
Lần thứ hai, Tôn giả Ānanda, khi đêm đã khuya, canh giữa đã sắp qua... chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết Giới bổn cho chúng Tỷ-kheo!
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng.
Lần thứ ba, Tôn giả Ānanda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã nở nụ cười, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã nở nụ cười, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết Giới bổn cho chúng Tỷ-kheo!
– Này Ānanda, hội chúng này không thanh tịnh.
Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna suy nghĩ: “Vì người nào mà Thế Tôn nói: ‘Này Ānanda, hội chúng này không thanh tịnh’?” Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna với tâm của mình tác ý đến tâm toàn thể chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Mahāmoggallāna thấy một người không giữ giới, theo ác pháp, không thanh tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành động được che đậy, không phải Sa-môn tự xưng là Sa-môn, không theo Phạm hạnh tự xưng là Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, đầy ứ dục vọng, bản chất ô uế, đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo; thấy vậy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy; sau khi đến, nói với người ấy:
– Hiền giả, hãy đứng dậy! Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Người ấy giữ im lặng.
Lần thứ hai, Tôn giả Moggallāna nói với người ấy:
– Hiền giả, hãy đứng dậy! Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, người ấy im lặng.
Lần thứ ba, Tôn giả Mahāmoggallāna... Lần thứ ba, người ấy im lặng.
Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna nắm tay người ấy, dắt tay ra khỏi cửa, gài then cửa lại rồi đi đến Thế Tôn; sau khi đến, bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Hiền giả ấy đã bị con đưa ra ngoài rồi. Hội chúng nay thanh tịnh, bạch Thế Tôn. Thế Tôn hãy thuyết Giới bổn (Pātimokkha) cho chúng Tỷ-kheo!
– Thật lạ lùng thay, Moggallāna! Thật dị thường thay, Moggallāna! Người ngu si ấy chờ đợi cho đến khi bị cầm tay.
Rồi Thế Tôn, bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, bắt đầu từ nay, Ta sẽ không làm Bố-tát (Uposatha) nữa, Ta sẽ không tụng đọc Giới bổn (Pātimokkha) nữa. Bắt đầu từ nay, các ông hãy làm Bố-tát, các ông hãy tụng đọc Giới bổn. Sự kiện không có được, này các Tỷ-kheo, cơ hội không có được, là Như Lai có thể làm Bố-tát, có thể đọc Giới bổn với hội chúng không thanh tịnh.
Này các Tỷ-kheo, biển lớn có tám pháp vi diệu hy hữu này, do thấy vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự nghiêng xuôi, tuần tự thấp dần, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự nghiêng xuôi, tuần tự thấp dần, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm; này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu thứ nhất chưa từng có của biển lớn. Do thấy vậy, biết vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ; này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu thứ hai chưa từng có của biển lớn. Do thấy vậy, biết vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết, nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết, nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền; này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu thứ ba chưa từng có của biển lớn. Do thấy vậy, biết vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên trước, trở thành biển lớn. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, phàm có con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên trước, trở thành biển lớn; này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu thứ tư chưa từng có của biển lớn. Do thấy vậy, biết vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trên trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn được thấy có giảm, tăng. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, phàm có dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có nước mưa từ trên trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn được thấy có giảm, tăng; này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu thứ năm chưa từng có của biển lớn. Do thấy vậy, biết vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Này các Tỷ kheo, đây là sự vi diệu thứ sáu chưa từng có của biển lớn. Do thấy vậy, biết vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy, có những châu báu này, như: Trân châu, ma-ni châu, lưu ly, xà cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy, có những loại châu báu này, như: Trân châu, ma-ni châu, lưu ly, xà cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não; này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu thứ bảy chưa từng có của biển lớn. Do thấy vậy, biết vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ của các loài sinh vật lớn, tại đây có những sinh vật này, như các con timi, timiṅgala, timitimiṅgala, các loài a-tu-la, các loài nāga, các loài gandhabba; trong biển lớn có các loài hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ của các loài sinh vật lớn, tại đây có những sinh vật này, như các con cá khổng lồ timi, timiṅgala, timitimiṅgala, các loài a-tu-la, các loài nāga, các loài gandhabba; trong biển lớn có các loài hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần; này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu thứ tám chưa từng có của biển lớn. Do thấy vậy, biết vậy, các a-tu-la thích thú biển lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có tám pháp vi diệu chưa từng có trong Pháp, Luật này. Do thấy vậy, biết vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự nghiêng xuôi, tuần tự thấp dần, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm; cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong Pháp, Luật này, các học pháp là tuần tự, các bước thực hành là tuần tự, các bước tiến bộ là tuần tự, không có sự thể nhập Chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, vì rằng trong Pháp, Luật này, các học pháp là tuần tự, các bước thực hành là tuần tự, các bước tiến bộ là tuần tự, không có sự thể nhập Chánh trí thình lình, này các Tỷ-kheo, đây là pháp vi diệu thứ nhất chưa từng có trong Pháp, Luật. Do thấy vậy, biết vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ không có vượt qua bờ, cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các học pháp được Ta tuyên dạy cho các đệ tử, các đệ tử của Ta dầu cho vì sinh mạng cũng không vượt qua. Này các Tỷ-kheo, vì rằng trong Pháp, Luật này, các học pháp được Ta tuyên dạy cho các đệ tử, các đệ tử của Ta dầu cho vì sinh mạng cũng không vượt qua; này các Tỷ-kheo, đây là pháp vi diệu thứ hai chưa từng có trong Pháp, Luật. Do thấy vậy, biết vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết, nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người nào không giữ giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là có Phạm hạnh, nội tâm hủ hóa, ứ đầy tham dục, bản chất ô uế, chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo-tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Này các Tỷ-kheo, vì rằng trong Pháp, Luật này, người ấy không giữ giới, theo ác pháp... bản chất ô uế... và chúng Tăng sống xa vị ấy; này các Tỷ-kheo, đây là pháp vi diệu thứ ba chưa từng có trong Pháp, Luật. Do thấy vậy, biết vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī; các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp, Luật được Như Lai tuyên bố sau này; họ từ bỏ tên họ của mình từ trước và trở thành những Sa-môn Thích tử. Này các Tỷ-kheo, vì rằng trong Pháp, Luật này, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ... trở thành những Sa-môn Thích tử; này các Tỷ-kheo, đây là pháp vi diệu thứ tư chưa từng có trong Pháp, Luật. Do thấy vậy, biết vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trên trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn có giảm, tăng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu có nhiều vị Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có giảm, tăng. Này các Tỷ-kheo, vì rằng nếu có nhiều vị Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới... cũng không vì vậy được thấy có giảm, tăng; này các Tỷ-kheo, đây là pháp vi diệu thứ năm chưa từng có trong Pháp, Luật. Do thấy vậy, biết vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này các Tỷ kheo, vì rằng Pháp và Luật này, Pháp này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát; này các Tỷ-kheo, đây là pháp vi diệu thứ sáu chưa từng có trong Pháp, Luật. Do thấy vậy, biết vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, ở đấy, có những châu báu này, như: Trân châu, ma-ni châu, lưu ly, xà cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp, Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy, có những loại châu báu này, như: Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp, Luật này có nhiều châu báu, như: Bốn niệm xứ... Thánh đạo tám ngành; này các Tỷ-kheo, đây là pháp vi diệu thứ bảy chưa từng có trong Pháp, Luật. Do thấy vậy, biết vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ của các loài sinh vật lớn, tại đấy có những sinh vật như các con cá khổng lồ timi, timiṅgala, timitimiṅgala, các loài asura, các loài nāga, các loài gandhabba; trong biển lớn có các loài hữu tình dài một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này là trú xứ của các loài sinh vật lớn. Ở đấy, có những sinh vật này: Bậc Dự lưu, bậc đang hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả; bậc Nhất lai, bậc đang hướng đến chứng Nhất lai quả; bậc Bất lai, bậc đang hướng đến chứng Bất lai quả; bậc A-la-hán, bậc đang hướng đến chứng ngộ A-la-hán quả. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các sinh vật lớn; ở đấy, có những sinh vật này... A-la-hán quả; này các Tỷ-kheo, đây là pháp vi diệu thứ tám chưa từng có trong Pháp, Luật. Do thấy vậy, biết vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám pháp vi diệu chưa từng có trong Pháp và Luật này. Do thấy vậy, biết vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp, Luật này.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong khi ấy, nói lên lời cảm hứng:
Mưa rơi trên mái che, |
Không rơi trên khoảng trống, |
Tham khảo:
81 Tham chiếu: A. IV. 197, 204; Thag. v. 447; Vin. II. 236; Xuất diệu kinh “Giới phẩm” 出曜經戒品 (T.04. 0212.7. 0654c18); Pháp tập yếu tụng kinh “Trì giới phẩm” 法集要頌經持戒品 (T.04. 0213.6. 0780b16).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.