Tam tạng Thánh điển PGVN 05 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ KINH PHẬT TỰ THUYẾT/ V. PHẨM TRƯỞNG LÃO SOṆA (SOṆAVAGGA)
§3. KINH NGƯỜI HỦI SUPPABUDDHA (Suppabuddhakuṭṭhisutta)79 (Ud. 48)
43. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Rājagaha, tại Veḷuvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, một người bị bệnh hủi tên là Suppabuddha, nghèo đói, ăn xin, khốn cùng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn với đại chúng đoanh vây, đang ngồi thuyết pháp. Người hủi Suppabuddha thấy từ đàng xa đại chúng đang tụ hội, thấy vậy liền suy nghĩ: “Không nghi ngờ gì nữa, ở đấy, có thể có chia phần cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm. Vậy ta hãy đi đến đại chúng ấy, mong rằng ta sẽ được chút gì ăn được, loại cứng hay loại mềm.” Rồi người hủi Suppabuddha đi đến đại chúng ấy.
Người hủi Suppabuddha thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng đang đoanh vây, thấy vậy liền suy nghĩ: “Ở đây không có cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm để chia phần. Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho hội chúng.Vậy ta hãy nghe pháp.” Tại đấy, người hủi ngồi xuống và nghĩ: “Ta sẽ nghe pháp.”
Rồi Thế Tôn, với tâm của mình duyên với tâm của toàn thể hội chúng, tác ý rằng: “Ở đây, ai có thể hiểu được pháp.” Thế Tôn thấy người hủi Suppabuddha đang ngồi trong hội chúng, thấy vậy liền suy nghĩ: “Ở đây, người này có thể hiểu pháp.”
Vì người hủi Suppabuddha, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp, tức là thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về thiên giới, thuyết về sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của người hủi Suppabuddha đã sẵn sàng, đã nhu thuận không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là khổ, tập, diệt, đạo.
Cũng như tấm vải thuần bạch được gột rửa các vết đen sẽ rất dễ thấm màu nhuộm. Cũng vậy, chính tại chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm người hủi Suppabuddha: “Phàm cái gì được khởi lên, tất cả đều bị đoạn diệt.” Khi ấy, người hủi Suppabuddha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với lời dạy của đức Bổn sư, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người hủi Supabuddha bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thưa Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo, mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
Rồi người hủi Suppabuddha được Thế Tôn chấp thuận với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ; sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Sau đó, một con bò húc vào người hủi Suppabuddha và đoạt mạng sống. Nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, người hủi tên Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, đã mạng chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Tương lai của vị ấy thế nào?
– Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là người hủi Suppabuddha đã thực hành tùy pháp, đúng pháp, không có làm phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Người hủi Suppabuddha, sau khi đoạn tận ba kiết sử, đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn đạt được Chánh giác.
Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn do nhân gì, do duyên gì, người hủi Suppabuddha lại là người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng?
– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, người hủi Suppabuddha là con của một nhà triệu phú ở Rājagaha, khi đi ngang qua một khu vườn, vị ấy thấy đức Phật Ðộc Giác Tagarasikhi đang đi vào thành khất thực. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ: “Ai là người hủi này mang y của người hủi đi lang thang?” Vị ấy nhổ nước miếng và xoay lưng phía trái rồi bỏ đi. Do quả của nghiệp này mà nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, vị ấy bị nấu trong địa ngục. Do quả còn lại của nghiệp ấy, chính tại Rājagaha này, vị ấy là một người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng. Nay vị ấy do y cứ vào Pháp, Luật được Như Lai thuyết giảng, vị ấy được lòng tin, vị ấy được giới, vị ấy được nghe pháp, vị ấy được từ bỏ, vị ấy được trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này, được cộng trú với chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba. Tại đấy, vị ấy chói sáng hơn các chư thiên khác về dung sắc và danh xưng.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
Như người có mắt nhìn, |
Cố gắng tránh lồi lõm, |
Tham khảo:
79 Tham chiếu: Netti. 5; Xuất diệu kinh “Ác hành phẩm” 出曜經惡行品 (T.04. 0212.29. 0741b24); Pháp tập yếu tụng kinh “Tội chướng phẩm” 法集要頌經罪障品 (T.04. 0213.28. 0792a17).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.