Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ KINH PHẬT TỰ THUYẾT/ IV. PHẨM MEGHIYA (MEGHIYAVAGGA)

§1. KINH MEGHIYA (Meghiyasutta)61 (Ud. 34)

31. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Cālikā, tại núi Cālikā. Lúc bấy giờ, Tôn giả Meghiya là thị giả Thế Tôn. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con muốn vào làng Jantu để khất thực.

– Này Meghiya, hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời!

Rồi Tôn giả Meghiya, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở làng Jantu xong, sau bữa ăn, trở về, đi đến bờ sông Kimikāḷā; sau khi đến, bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikāḷā, thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái; thấy vậy, Tôn giả Meghiya suy nghĩ: “Thật tươi đẹp thay, khả ái thay rừng xoài này! Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần. Nếu Thế Tôn cho phép ta, ta sẽ đến rừng xoài này để tinh cần hành trì.” Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở làng Jantu xong, sau bữa ăn, trở về, con đi đến bờ sông Kimikāḷā; sau khi đến, con bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikāḷā, con thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái; thấy vậy, con suy nghĩ: “Thật tươi đẹp thay, khả ái thay rừng xoài này! Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần.” Nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần hành trì.

Nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:

– Hãy chờ đợi, này Meghiya! Ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỷ-kheo khác đến!

Lần thứ hai, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm. Nhưng đối với con, bạch Thế Tôn, có việc cần phải làm thêm nữa, có việc cộng thêm vào việc đã làm. Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần tu hành.

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:

– Hãy chờ đợi, này Meghiya! Ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỷ-kheo khác đến!

Lần thứ ba, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm... con sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần tu hành.

– Này Meghiya, khi ông nói tinh cần, thời Ta có thể nói gì được! Này Meghiya, nay ông hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời!

Rồi Tôn giả Meghiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài đi đến rừng xoài ấy; sau khi đến, đi sâu vào rừng xoài và ngồi trú ban ngày dưới một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tầm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm.

Rồi Tôn giả Meghiya suy nghĩ như sau: “Thật kỳ lạ thay, thật hy hữu thay! Ta vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại bị ba tầm ác, không thiện này xâm nhập, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm.” Rồi Tôn giả Meghiya, vào buổi chiều từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con sống trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tầm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Bạch Thế Tôn rồi con suy nghĩ như sau: “Thật kỳ lạ thay... hại tầm.”

– Này Meghiya, có năm pháp đưa đến sự thuần thục cho tâm giải thoát chưa thuần thục. Thế nào là năm?

Ở đây, thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu; đây là pháp thứ nhất, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.

Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn (Pātimokkha), đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu tập trong các học pháp; đây là pháp thứ hai, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.

Lại nữa, này Meghiya, phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng khai mở tâm, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn như: Câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không kết giao, câu chuyện về khởi tâm tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến; những câu chuyện như vậy có được như ý muốn, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc; đây là pháp thứ ba, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.

Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện; đây là pháp thứ tư, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.

Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ, đi đến thẩm sát sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau; đây là pháp thứ năm, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Này Meghiya, đây là năm pháp khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.

Này Meghiya, với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu tập trong các học pháp.

Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng khai mở tâm đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niếtbàn như: Câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không kết giao, câu chuyện về khởi tâm tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ,62 câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến; những câu chuyện như vậy có được như ý muốn, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc.

Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sống tinh cần, tinh tấn để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện.

Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị Tỷ-kheo sẽ có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ, đi đến thẩm sát sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau.

Lại nữa, này Meghiya, với vị Tỷ-kheo khéo an trú trong năm pháp này, bốn pháp cần phải tu tập thêm: Bất tịnh, cần phải tu tập để đoạn tận tham; từ, cần phải tu tập để đoạn tận sân; niệm hơi thở vô hơi thở ra, cần phải tu tập để trừ khử tầm tư; vô thường tưởng, cần phải tu tập để nhổ lên kiêu mạn: “Tôi là.” Này Meghiya, với ai có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú; với ai có tưởng vô ngã, vị ấy đạt được sự nhổ lên kiêu mạn: “Tôi là.” Niết-bàn ngay trong hiện tại.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:

Các tầm nhỏ tế nhị,
Do không biết đến chúng,
Nếu biết chúng tầm tư,
Chế ngự được tư tưởng,
Bậc Chánh Giác bỏ chúng,

Hiện hành ý hoan hỷ,
Tâm động, chạy nhiều đời,
Nhiệt tâm và chánh niệm,
Khi ý không hoan hỷ,
Không còn chút dư tàn.

Tham khảo:

61 Tham chiếu: A. IV. 354; Di-ê kinh 彌醯經 (T.01. 0026.56. 0491a14); Xuất diệu kinh “Tâm ý phẩm” 出曜經心意品 (T.04. 0212.32. 0758c12); Pháp tập yếu tụng kinh “Hộ tâm phẩm” 法集要頌經護心品 (T.04. 0213.31. 0795b06).

62 Xem A. III. 117.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.