Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ KINH PHẬT TỰ THUYẾT/ DẪN LUẬN KINH PHẬT TỰ THUYẾT

DẪN LUẬN KINH PHẬT TỰ THUYẾT (UDĀNA)

1. Về từ ngữ

Tự thuyết hay Tự thuyết kinh (自說經, Exclamations, Uplifting Verses) viết đầy đủ là Kinh Phật tự thuyết, được dịch âm trong chữ Hán là “Ưu-đà-na” (優陀那)1 và được dịch nghĩa là “Lời cảm hứng” (感興語, cảm hứng ngữ, an emotional utterance, inspired utterances)2 là tuyển tập 80 bài thi kệ cảm hứng (感興) hay “Vô vấn tự thuyết” (無問自說) được đức Phật nói lên (Buddha’s utterances) trong 80 tình huống, bối cảnh rất tự nhiên, không có người đại diện thưa hỏi hay thỉnh cầu trong pháp hội.3

Theo Pāli - Hán từ điển (巴漢詞典) của Bhikkhu Mahāñāṇo, Udāna là “cảm hứng được khởi lên, một loại phát biểu bằng tình cảm” (有感而發表,一種情緒地發表). Trong Từ điển Pāli - Việt, Hòa thượng Bửu Chơn có cùng cách định nghĩa này: “Sự phát biểu bằng tình cảm hay xúc động.”

Trong văn học Ấn Độ giáo, chữ “udāna” có nghĩa là “sự thở ra” (breathing out), ở đây được hiểu là sự phát ngôn dưới hình thức thi ca, được cảm hứng từ cảm xúc mãnh liệt, đặc biệt.4

2. Về niên đại và bản dịch tiếng Anh

Phần lớn các học giả thống nhất khi cho rằng Kinh Phật tự thuyết là một trong các bản văn Phật giáo có niên đại ra đời sớm nhất, đang khi cũng có học giả cho rằng kinh này ra đời muộn hơn.5 Khi đối chiếu văn bản, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng có nhiều bài kinh trong Kinh Phật tự thuyết trùng lặp với các đoạn kinh trong Kinh Trường bộ, Kinh Trung bộ, Kinh Tăng chi bộ, Kinh Tương ưng bộ; cũng có các bài kinh do các vị đệ tử Thánh nói. Do đó, niên đại của 80 bài kinh ngắn này thuộc hai nhóm niên đại: Giai đoạn đầu và giai đoạn phát triển về sau.

Một số bản dịch tiếng Anh chọn lọc được sử dụng tham khảo cho bài viết này như:

- Ānandajoti, Bhikkhu, (tr.), Udāna Exalted Utterances (Udāna - Lời cảm hứng). Third revised version, November 2011, with notes.6

- Ānandajoti, Bhikkhu, A Comparison of the Pāli Udānas and the Buddhist Hybrid Sanskrit Udānavarga (So sánh Kinh Phật tự thuyết bản Pāli và Phẩm Cảm hứng ngữ bản Sanskrit hỗn hợp Phật giáo), 2003.7

- Dewarakkhita, Bihalpola Siri Thera (ed.), Paramatthadīpanī or the Commentary to the Udāna (Chú giải Kinh Phật tự thuyết), (Colombo, 1920, reprinted Colombo, 1990).

- Ireland, John D., (tr.), The Udāna: Inspired Utterances of the Buddha (Kinh Phật tự thuyết: Lời cảm hứng của đức Phật), (Kandy, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 1990).

- The Udānapāli (Kinh Phật tự thuyết bản Pāli), ed. by Belideniye Siridhamma Thero (Colombo, 1983).

3. Sự trùng lặp của Kinh Phật tự thuyết trong Kinh tạng và Luật tạng

Dưới đây, tôi trích dẫn 2 bảng đối chiếu các bài kinh trong Udāna trùng lặp với các kinh khác thuộc Tam tạng Pāli, được Bhikkhu Ānandajoti dịch ra tiếng Anh, in trong quyển “Udāna Exalted Utterances” vào năm 2008.8 Lưu ý rằng, 2 bảng này, Bhikkhu Ānandajoti sử dụng trên bản Pāli Tích Lan.

Hai bảng đối chiếu dưới đây cung cấp cho chúng ta dữ liệu về sự trùng lặp giữa Kinh Phật tự thuyết với các bài kinh trong Kinh tạng và Luật tạng Pāli. Điều này cho thấy Kinh Phật tự thuyết thuộc dạng tuyển chọn các bài kinh ngắn trong Kinh tạng và Luật tạng, ở chừng mực tương đối giống với Kinh Pháp cú vốn là tập đại thành nhiều thi kệ trong 4 bộ kinh Pāli.

Bảng 1 (Văn xuôi và thi kệ)

Kinh Phật tự thuyết:

Tương ứng với:

Paṭhamabodhisuttaṁ 1-1

Vinaya Mahāvagga: Bodhikathā

Dutiyabodhisuttaṁ 1-2

Vinaya Mahāvagga: Bodhikathā

Tatiyabodhisuttaṁ 1-3

Vinaya Mahāvagga: Bodhikathā

Nigrodhasuttaṁ 1-4

Vinaya Mahāvagga: Ajapālakathā

Mucalindasuttaṁ 2-1

Vinaya Mahāvagga: Mucalindakathā

Bhaddiyasuttaṁ 2.10

Saṅghabhedakkhandhakaṁ: ChaSakyapabbajjākathā

Nāgasuttaṁ 4.5

Kosambakakkhandhakaṁ: Pālileyyakagamanakathā

Rājasuttaṁ 5-1

Mallikāsuttaṁ, Kosalasaṁyuttaṁ, SN. 3.8

Uposathasuttaṁ 5-5

Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhakaṁ: Imasmiṁdhammavinaye-aṭṭhacchariyaṁ

Soṇasuttaṁ 5-6

Cammakkhandhakaṁ:Mahākaccānassa Pañcavaraparidassanā

Ānandasuttaṁ 5-8

Saṅghabhedakkhandhakaṁ: Pañcavatthuyācanakathā

Āyusaṅkhāravossajanasuttaṁ 6-1

Mahāparinibbānasuttaṁ, DN.16

Iddhipādasaṁyuttaṁ, SN. 51.10

AN. VIII.vii.10

Cundasuttaṁ 8-5

Mahāparinibbānasuttaṁ, DN.16

Pāṭaligāmiyasuttaṁ 8-6

Mahāparinibbānasuttaṁ, DN.16

Bhesajjakkhandhakaṁ: Sunidhavassakāravatthu

 

Bảng 2 (Thi kệ)

Kinh Phật tự thuyết:

Tương ứng với:

Kassapasuttaṁ 1-6

Nid. II chú giải về Sn. 65

Jaṭilasuttaṁ 1-9 cd

Dhp. 393cd

Bāhiyasuttaṁ 1-10

Bāhiyattherassāpadānaṁ

Mucalindasuttaṁ 2-1

Kathāvatthu: Hevatthikathā, Dutiyavaggo 1

Daṇḍasuttaṁ 2-3

Dhp. 131-132

Sāriputtasuttaṁ 3-4

Th. 651 (Revata), Th. 999 (Sāriputta)

Pilindivacchasuttaṁ 3-6a-c

Sn. 473a-c

Lokavolokanasuttaṁ 3-10

Sn. 593ab;

cf. Saḷāyatanavibhaṅgasuttaṁ, MN. 149;

cf. Saḷāyatanasaṁyuttaṁ, SN. 35.31;

cf. Khandhasaṁyuttaṁ, SN. 22.41;

Gopālasuttaṁ 4-3

Dhp. 42

Juṇhasuttaṁ 4-4

Th. 192 (Khitaka)

Piṇḍolasuttaṁ 4-6

Mahāpadānasuttaṁ (DN. 14), Cārikā-anujānanaṁ

Dhp. 185

Sāriputtasuttaṁ 4-7

Th. 68 (Ekuddāniya);

Pācittiyakaṇḍaṁ, Atthaṅgatasikkhāpadaṁ

Upasenasuttaṁ 4-9 vs.2

Sn. 751

Kumārakasuttaṁ 5-4c-h

Dhanapālaseṭṭhipetavatthu Pv. 243cd, 244

Uposathasuttaṁ 5-5

Th. 447 (Sirimaṇḍa);

Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhakaṁ:

Imasmiṁdhammavinaye-aṭṭhacchariyaṁ

Parivārapāḷi: Gāthāsaṅgaṇikaṁ

Revatasuttaṁ 5-7

 

Kaṅkhārevatattherassāpadānaṁ

Kathāvatthu: Kaṅkhākathā

Saddhāyamānasuttaṁ 5-9

MN. 128;

Kosambiyajātakaṁ Ja. 428;

Kosambakakkhandhakaṁ: Dīghāvuvatthu

Panthakasuttaṁ 5-10d-f

Sarabhaṅgajātakaṁ, Ja. 522

Subhūtisuttaṁ 6-7ab

Sn. 7ab

Dutiyasattasuttaṁ 7-4a-d

Th. 297a-d (Rāhula)

Lakuṇṭakabhaddiyasuttaṁ 7-5

Cittasaṁyuttaṁ SN. 41.5

Taṇhākkhayasuttaṁ 7-6d-f

Dhp. 230b-d;

AN. IV.i.6d-f;

AN. IV.i.8d-f;

AN. V.v.2h-j 9

Papañcakkhayasuttaṁ 7-8cd

Các dòng cd xuất hiện theo thể văn xuôi trong Āneñjasappāyasuttaṁ (MN. 106);

AN. VII.vi.2

Tatiyanibbānasuttaṁ 8-3

Iti. 43

Catutthanibbānasuttaṁ 8-4

Channovādasuttaṁ (MN. 144);

Saḷāyatanasaṁyuttaṁ SN. 35.87; 7

Dutiyadabbasuttaṁ 8-10

Mahāpajāpatigotamītherī-apadānaṁ, vss. 286-287

4. Về cấu trúc và nội dung

Kinh Phật tự thuyết có 8 phẩm gồm 80 bài kinh, mỗi phẩm có 10 bài kinh ngắn. Mỗi bài kinh được cấu tạo gồm 2 phần: Phần đầu là văn xuôi, mô tả bối cảnh bài kinh, khái quát nội dung; phần hai là thi kệ trùng tụng ý nghĩa đoạn văn xuôi, thỉnh thoảng có những bài kệ độc lập. Chỉ có vài bài kinh là văn xuôi. Về mặc định thứ tự các bài kinh trong tuyển tập này được viết tắt bằng ký hiệu Ud. theo sau là con số thứ tự của phẩm, tiếp theo là số thứ tự của bài kinh. Ví dụ, Ud. I. §1-3 được hiểu là các bài kinh từ thứ tự 1-3 thuộc phẩm I của Kinh Phật tự thuyết.

Phẩm thứ nhất có tựa đề là “Giác ngộ” (Bodhivagga, 菩提品, Enlightenment chapter), nói về sự giác ngộ của đức Phật dưới cội Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng. Tại đây, đức Phật hình thành thuyết tương quan, tương thuộc (duyên khởi) của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ theo chiều thuận và chiều nghịch (Kinh thứ nhất về cội Bồ-đề (Paṭhamabodhisutta), Kinh thứ hai về cội Bồ-đề (Dutiyabodhisutta), Kinh thứ ba về cội Bồ-đề (Tatiyabodhisutta), Ud. I. §1-3). Đức Phật đưa ra quan điểm của Ngài về tiêu chuẩn đạo đức và trí tuệ đối với các đạo sĩ Bà-la-môn (Brāhmaṇa), mà theo đạo Ấn Độ, họ chỉ chú trọng việc học thuộc thần chú, tu khổ hạnh, tín ngưỡng thần linh (Kinh Huhuṅka (Huhuṅkasutta), Kinh Bà-la-môn (Brāhmaṇasutta), Kinh Mahākassapa (Mahākassapasutta), Kinh Ajakalāpaka (Ajakalāpakasutta), Kinh Saṅgāmaji (Saṅgāmajisutta), Kinh Kẻ bện tóc (Jaṭilasutta), Ud. I. §4-9). Đức Phật tiếp nhận đạo sĩ Bāhiya làm đệ tử xuất gia, dạy kỹ năng làm chủ các nhận thức giác quan: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái ngửi, nếm, xúc chạm sẽ chỉ là cái ngửi, nếm, xúc chạm; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”, không có sự can thiệp cảm xúc và thái độ chủ quan vào tiến trình nhận thức các sự vật như thật, nhờ đó, người tu tập được giải thoát (Kinh Bāhiya (Bāhiyasutta), Ud. I. §10).

Phẩm thứ hai có tựa đề là “Mucalinda” (Mucalindavagga, 目真鄰陀品, Mucalinda chapter). Đức Phật kể lại tuần lễ thứ 6 sau khi giác ngộ tại Bồ-đề đạo tràng, Ngài được thần rắn Mucalinda dùng thân to lớn bảo vệ Ngài trong giông to bão lớn (Kinh Mucalinda (Mucalindasutta), Ud. II. §1). Giá trị của an lạc do kết thúc tham ái, vượt lên trên các khoái lạc của cõi trời và cõi người (Kinh Vua (Rājasutta), Kinh Cây gậy (Daṇḍasutta), Ud. II. §2-3). Phân tích duyên khởi và cách làm chủ cảm xúc (Kinh Tôn kính (Sakkārasutta), Ud. II. §4). Ud. II. §5 (Kinh Cư sĩ nam (Upāsakasutta)) nói về tác hại của việc chấp vào sở hữu, tài sản, đang khi Ud. II. §6-7 (Kinh Phụ nữ có thai (Gabbhinīsutta), Kinh Con trai độc nhất (Ekaputtakasutta)) nói về lợi ích của người buông bỏ sự chấp thủ vào sở hữu, vào những điều khả ái. Đức Phật nói về tình trạng trớ trêu của người tại gia muốn có con trai, con gái như ý nguyện của mình, nhưng trên thực tế thường ngược lại, họ phải sống giả vờ như vui vẻ, hài lòng (Kinh Suppavāsā (Suppavāsāsutta), Ud. II. §8). Phật dạy cách vượt qua sự tùy thuộc, cũng như hữu và phi hữu để sống an lạc và thong dong (Kinh Visākhā (Visākhāsutta), Kinh Bhaddiya (Bhaddiyasutta), Ud. II. §9-10).

Phẩm thứ ba có tựa đề “Nanda” (Nandavagga, 難陀品, Nanda chapter). Đức Phật nói về nghiệp quá khứ tạo ra quả khổ đau ở hiện tại (Kinh Kết quả của nghiệp (Kammavipākajasutta), Ud. III. §1). Phật khéo dẫn dụ nhằm giúp em trai là Nanda giữ vững lý tưởng xuất gia, trở thành bậc Thánh nhân (Kinh Nanda (Nandasutta), Ud. III. §2). Giá trị an lạc của thực tập thiền bất động, không dính chấp vào thời gian (Kinh Yasoja (Yasojasutta), Ud. III. §3). Thực tập chánh niệm với thân thể vững như núi đá (Kinh Sāriputta (Sāriputtasutta), Kinh Mahāmoggallāna (Mahāmoggallānasutta), Ud. III. §4-5). Vượt qua tâm cao ngạo, sống tương kính, gọi nhau bằng “Hiền giả” (Kinh Pilindavaccha (Pilindavacchasutta), Ud. III. §6). Giá trị phước báu của bố thí, cúng dường (Kinh Cảm hứng của Thiên chủ Sakka (Sakkudānasutta), Ud. III. §7). Nói pháp đúng với chân lý và im lặng như bậc Thánh (Kinh Người có hạnh khất thực (Piṇḍapātikasutta), Ud. III. §8). Giới hạn của các nghề thế gian chỉ đáp ứng cho việc mưu sinh, vốn thấp hơn giá trị của việc xuất gia với lý tưởng độ sinh, đạt giác ngộ, giải thoát (Kinh Nghề nghiệp (Sippasutta), Ud. III. §9). Tác hại của vô minh và tham ái trong sự hiện hữu và giá trị của sự nhiếp phục tâm tham ái (Kinh Thế giới (Lokasutta), Ud. III. §10).

Phẩm thứ tư có tựa đề “Meghiya” (Meghiyavagga, 彌醯品, Meghiya chapter). Đức Phật khuyên tu tập năm điều để đạt tâm giải thoát: Kết giao bạn lành; giữ giới hạnh; thảo luận về ít muốn biết đủ, xa lìa, hòa hợp, tinh cần tinh tấn, giữ giới, tu thiền, đa văn, giải thoát và giải thoát tri kiến; tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện và làm sanh khởi các pháp thiện; tu trí tuệ kết thúc khổ đau (Kinh Meghiya (Meghiyasutta), Ud. IV. §1). Khiêm tốn, tỉnh giác và thận trọng trong phát ngôn (Kinh Tháo động (Uddhatasutta), Ud. IV. §2). Sự nguy hiểm của tâm hướng tà (Kinh Người chăn bò (Gopālakasutta), Ud. IV. §3). Giá trị của tâm bất động trước nghịch cảnh, không phẫn nộ, hận thù (Kinh Cái đánh của dạ-xoa (Yakkhapahārasutta), Ud. IV. §4). Lợi ích của việc làm chủ tâm khi đối diện với nghịch cảnh (Kinh Con voi (Nāgasutta), Ud. IV. §5). Lợi ích của hạnh xa lìa, khất thực, hài lòng, biết đủ, tinh tấn, tu thiền với tâm tăng thượng và an tịnh (Kinh Piṇḍola (Piṇḍolasutta), Kinh Sāriputta (Sāriputtasutta), Ud. IV. §6-7). Cách vượt qua lời phỉ báng, xúc phạm danh dự, hậu quả của lời nói ác độc và hành vi sai trái (Kinh Sundarī (Sundarīsutta), Ud. IV. §8). Giá trị của đời sống đạo đức, tu thiền và sự chấm dứt sanh tử, kết thúc khổ đau (Kinh Upasena (Upasenasutta), Kinh sự an tịnh của Sāriputta (Sāriputtaupasamasutta), Ud. IV. §9-10).

Phẩm thứ năm có tựa đề “Trưởng lão Soṇa” (Soṇavagga, 蘇那長老品, The Elder Soṇa chapter). Đức Phật nói về việc con người chấp vào tự ngã của mình nhiều hơn tình thương, tình thân đối với tha nhân (Kinh Thân ái hơn (Piyatarasutta), Ud. V. §1). Hoàng hậu Māyā sanh lên cõi trời sau bảy ngày sanh ra Thái tử Siddhattha (Kinh Thọ mạng ngắn (Appāyukasutta), Ud. V. §2). Người hủi chứng được quả Dự lưu, và quả báo bị hủi là do tiền thân khinh thường đức Phật Độc Giác (Kinh Người hủi Suppabuddha (Suppabuddhakuṭṭhisutta), Ud. V. §3). Khuyên từ bỏ các điều bất thiện, dù trước mặt mọi người hay lúc ở một mình (Kinh Thiếu niên (Kumārakasutta), Ud. V. §4). Như biển có tám đặc điểm, người xuất gia phải có đủ tám đức hạnh cao quý (Kinh Ngày trai giới (Uposathasutta), Ud. V. §5). Lối sống thanh cao và cách tu trì của người xuất gia (Kinh Soṇa (Soṇasutta), Ud. V. §6). Từ bỏ nghi ngờ để tâm bình an (Kinh Kaṅkhārevata (Kaṅkhārevatasutta), Ud. V. §7). Người hiền thiện không thể nói ác và làm ác (Kinh Chia rẽ Tăng chúng (Saṅghabhedasutta), Ud. V. §8). Khuyên không nên mắng nhiếc người khác (Kinh Lời nhiếc mắng (Sadhāyamānasutta), Ud. V. §9). Phương pháp tu thiền, đạt chánh niệm hiện tiền (Kinh Cūḷapanthaka (Cūḷapanthakasutta), Ud. V. §10).

Phẩm thứ sáu có tựa đề “Sanh ra đã mù” (Jaccandhavagga, 生盲品, Jaccandha chapter). Đức Phật hứa sẽ nhập Niết-bàn khi các đệ tử có đủ tài năng được huấn luyện, tự tin, nghe nhiều, thực hành Phật pháp, được an lạc, có khả năng thuyết giảng, có thể trả lời các thắc mắc, hướng dẫn mọi người tu tập (Kinh Từ bỏ thọ hành (Āyusaṅkhārossajjanasutta), Ud. VI. §1). Phải sống chung, tương tác và đàm luận bằng trí tuệ mới hiểu được người khác (Kinh Bảy vị bện tóc (Sattajaṭilasutta), Ud. VI. §2). Tu đúng sẽ trừ diệt được những pháp bất thiện và tăng trưởng hạnh lành (Kinh Quán sát (Paccavekkhaṇasutta), Ud. VI. §3). Qua điển tích người mù rờ voi, đức Phật nhắc nhở mọi người phải có cái nhìn toàn diện, không nên mất thời gian vào các luận bàn về những câu hỏi siêu hình (Kinh thứ nhất về ngoại đạo (Paṭhamanānātitthiyasutta), Kinh thứ hai về ngoại đạo (Dutiyanānātitthiyasutta), Ud. VI. §4-5). Không chấp vào mình, không chấp người khác, không cao ngạo, không chấp học thuyết (Kinh thứ ba về ngoại đạo (Tatiyanānātitthiyasutta), Ud. V. §6). Trải nghiệm tâm không tầm cầu (Kinh Subhūti (Subhūtisutta), Ud. VI. §7). Từ bỏ các cực đoan, đắm nhiễm do tà kiến, để sống không nhiễm đắm dục trần (Kinh Người kỹ nữ (Gaṇikāsutta), Ud. VI. §8). Bị dính mắc vào cái thấy và cái nghe, giống như những con thiêu thân (Kinh Lao vào (Upātidhāvantisutta), Ud. VI. §9). Giá trị trí tuệ của đạo Phật như vầng thái dương, vượt xa các học thuyết và tôn giáo khác vốn chỉ như ánh sáng của con đom đóm (Kinh Xuất hiện (Uppajjantisutta), Ud. VI. §10).

Phẩm thứ bảy có tựa đề “Nhỏ” (Cūḷavagga, 小品, The Little chapter). Đức Phật khuyên vượt qua cái tôi, để vượt qua dòng đời (Kinh thứ nhất về Lakuṇḍaka Bhaddiya (Paṭhamalakuṇḍakabhaddiyasutta), Ud. VII. §1). Vượt qua các ham muốn, cắt đứt sự luân chuyển là giải thoát mọi khổ đau (Kinh thứ hai về Lakuṇḍaka Bhaddiya (Dutiyalakuṇḍakabhaddiyasutta), Ud. VII. §2). Chúng sanh tham đắm trong ái dục và phiền não (Kinh thứ nhất về chúng sanh (Paṭhamasattasutta), Ud. VII. §3). Các dục trói buộc lấy con người như cá mắc lưới và như bê bú sữa mẹ (Kinh thứ hai về chúng sanh (Dutiyasattasuta), Ud. VII. §4). Sự vượt trội của vị Tỳ-kheo có ngoại hình xấu nhưng tu tập hạnh Thánh rất thành công (Kinh Lakuṇḍaka Bhaddiya khác (Aparalakuṇḍakabhaddiyasutta), Ud. VII. §5). Thoát khỏi tham ái như rễ không bám đất (Kinh Ái được diệt (Taṇhāsaṅkhayasutta), Ud. VII. §6). Từ bỏ các hý luận, vượt qua tham ái (Kinh Đoạn diệt chướng ngại (Papañcakhayasutta), Ud. VII. §7). An trú chánh niệm vào thân hành (Kinh Kaccāna (Kaccānasutta), Ud. VII. §8). Như nước giếng tràn đầy, hãy chuyển hóa tham ái thì tu hành thành công (Kinh Giếng nước (Udapānasutta), Ud. VII. §9). Đời sống thiện lành sẽ được tái sanh vào cảnh giới an lành (Kinh Utena (Utenasutta), Ud. VII. §10).

Phẩm thứ tám có tựa đề “Dân làng Pāṭali” (Pāṭaligāmiyavagga, 波吒離村人品, Pāṭaligāma chapter). Đức Phật phân tích bản chất an lạc tuyệt đối của Niếtbàn, vốn “không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có Hư không vô biên xứ, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có đời này, không có đời sau, không có cả mặt trăng và mặt trời.” Niết-bàn là “không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên” (Kinh thứ nhất liên hệ đến Niết-bàn (Paṭhamanibbānapaṭisaṃyuttasutta), Kinh thứ ba liên hệ đến Niết-bàn (Tatiyanibbānapaṭisaṃyuttasutta), Ud. VIII. §1, §3). Người trí sẽ thấy được vô ngã và chân lý (Kinh thứ hai liên hệ đến Niếtbàn (Dutiyanibbānapaṭisaṃyuttasutta), Ud. VIII. §2). Niết-bàn không có đến- đi, diệt-sanh; không có đời này, đời sau, khoảng giữa của hai đời (Kinh thứ tư liên hệ đến Niết-bàn (Catutthanibbānapaṭisaṃyuttasutta), Ud. VIII. §4). Ca ngợi giá trị của sự cúng dường đức Phật trước lúc Ngài giác ngộ và trước khi nhập Niết-bàn tối hậu (Kinh Cunda (Cundasutta), Ud. VIII. §5). Năm tác hại của người không giữ giới hạnh (Kinh Dân làng Pāṭali (Pāṭaligāmiyasutta), Ud. VIII. §6). Đi sai đường sẽ gặp nhiều hậu quả xấu, cũng như không nên kết giao với bạn xấu ác (Kinh Con đường rẽ (Dvidhāpathasutta), Ud. VIII. §7). Còn thân ái thì còn ái nhiễm, còn ái nhiễm thì còn đau khổ (Kinh Visākhā (Visākhāsutta), Ud. VIII. §8). Dùng định hỏa giới để nhập định, đốt thân, các hành được lắng dịu, nhập Niết-bàn (Kinh thứ nhất về Dabba (Paṭhamadabbasutta), Ud. VIII. §9) và vượt qua thác tham ái để giải thoát khỏi mọi trói buộc (Kinh thứ hai về Dabba (Dutiyadabbasutta), Ud. VIII. §10).

Nói tóm lại, Kinh Phật tự thuyết là một tuyển tập các bài kinh do chính đức Phật tuyên thuyết trong một số thời điểm thích hợp từ lúc Ngài vừa chứng đắc đạo quả và trong suốt 45 năm hoằng pháp, với nhiều chủ đề khác nhau như đã trình bày ở trên. Học hỏi, suy tư và ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày đem lại lợi ích rất lớn, như thành tựu về giới đức, thiền định và tuệ giác, nhờ đó đem lại an lạc và hạnh phúc ngay trong kiếp sống này.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21/2/2021

TT.TS. Thích Nhật Từ

(Đồng Tổng Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam)

Tham khảo:

1 Thể loại này thỉnh thoảng xuất hiện trong Khởi thế kinh 起世經 (T.01. 0024.7. 0345c17); Tạp. 雜(T.02. 0099.64. 0016c04); Phật bổn hạnh tập kinh 佛本行集經 (T.03. 0190.4. 0672a04).

2 Tham chiếu Concise Pali-English Dictionary của A. P. Buddhadatta Mahāthera.

3 Tham chiếu: Mục từ “Vô vấn tự thuyết” trong tự điển Buddhist Door online (https://www.buddhistdoor. net/dictionary/details): “Spoken voluntarily and not in reply to questions or appeals.” (truy cập ngày 14/1/2021).

4 Tham chiếu từ điển Pali-English Dictionary của Pali Text Society: “An utterance mostly in metrical form, inspired by a particularly intense emotion.”

5 Tham chiếu: L. S. Cousins trong quyển Buddhist Studies in Honour of Hammalawa Saddhatissa, do Dhammapala, Gombrich & Norman biên tập, University of Jayawardenepura, 1984, p. 56.

6 http://www.ancient-buddhist-texts.net/Texts-andTranslations/Udana/index.htm/ (truy cập ngày 13/2/2021).

7 Xem http://www.ancient-buddhist-texts.net/BuddhistTexts/C2-Udana-Parallels/index.htm/ (truy cập ngày 13/2/2021).

8 Các chữ viết tắt vẫn giữ nguyên như trong quyển Udāna Exalted Utterances.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.