Tam tạng Thánh điển PGVN 05 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ/ CHƯƠNG XVI. HAI MƯƠI KỆ (VĪSATINIPĀTA)
(Anuruddhattheragāthā)16 (Thag. 83; ThagA. III. 64)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong hoàng tộc Sakya Amitodana và được đặt tên là Anuruddha. Anh của ngài là Sakya Mahānāma, con người cậu của đức Phật. Ngài được nuôi dưỡng một cách tinh tế và sang trọng nhất, mỗi mùa ở mỗi lầu các khác nhau, có các vũ nữ, vũ sư đoanh vây, thọ hưởng sự giàu sang thần tiên. Khi được gọi làm người bảo vệ cho bậc Ðạo sư, ngài đi đến đức Phật trong rừng xoài ở Anupiya, xuất gia, thọ giới và trong khi an cư mùa mưa, ngài chứng được Thiên nhãn. Nhận được đề mục thiền quán từ Trưởng lão Sāriputta, ngài đi đến Rừng Trúc phía Đông, thực hành thiền quán và chứng được bảy tư duy của một vị Ðại nhân, nhưng chưa chứng được tư duy thứ tám.17 Bậc Ðạo sư quán chiếu liền dạy cho ngài quá trình tu chứng của bậc Thánh.18 Ghi nhớ lời dạy này, Anuruddha phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán cùng với thắng trí và vô ngại giải thù thắng. Ngài được Thế Tôn ấn chứng là bậc Thiên nhãn đệ nhất. Ngài sống trong an lạc giải thoát, một hôm, quán chiếu quá trình tu chứng của mình, ngài hoan hỷ nói lên bài kệ sau đây:
892.
Bỏ cha mẹ, bà con,
Bỏ anh em, chị em,
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
A-na-luật tu thiền.
893.
Sống hệ lụy múa ca,
Thức dậy, tiếng xập xõa,
Sống vậy không đạt được,
Cảnh giới đạo thanh tịnh,
Vì rằng ta ưa thích,
Trong giới vức của ma.
894.
Và ta vượt tất cả,
Vui thích lời Phật dạy,
Vượt mọi loại bộc lưu,
A-na-luật tu thiền.
895.
Sắc, thanh, vị, hương, xúc,
Hấp dẫn, rất thích ý,
Vượt qua tất cả chúng,
A-na-luật tu thiền.
896.
Ði khất thực trở về,
Ðơn độc, vị ẩn sĩ,
Tìm vải từ đống rác,
A-na-luật đạt được,
Không còn các lậu hoặc.
897.
Ẩn sĩ thâu lượm lấy,
Giặt, nhuộm và đắp mặc,
Các vải từ đống rác,
Sáng suốt A-na-luật,
Không còn các lậu hoặc.
898.
Nhiều dục, không biết đủ,
Ưa giao du, tháo động,19
Những pháp này có mặt,
Thuộc tà ác, uế nhiễm.
899.
Chánh niệm và ít dục,
Biết đủ không não loạn,
Thích viễn ly, hân hoan,
Thường tinh cần tinh tấn.
900.
Những pháp này có mặt,
Thuần thiện Bồ-đề phần,
Vị ấy không lậu hoặc,
Bậc Ðại Tiên nói vậy.
901.
Biết tâm tư ta vậy,
Thế gian Vô Thượng Sư,
Với thân do ý tạo,
Thần thông đến với ta.
902.
Tùy theo ta nghĩ gì,
Ngài thuyết rõ tất cả,
Phật không ưa hý luận,
Ngài thuyết không hý luận.
903.
Ngộ pháp ta hoan hỷ,
Trú trong giáo pháp Ngài,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
904.
Suốt năm mươi lăm năm,
Ta không bao giờ nằm,
Trong hai mươi lăm năm,
Ðoạn dứt được ngủ nghỉ.
905.
Không thở vô thở ra,
Bậc như vậy trú tâm,
Không tham dục, tịch tịnh,
Bậc Có Mắt Niết-bàn.
906.
Với tâm không dao động,
Sống cảm thọ cuối cùng,
Như ngọn lửa diệt tắt,
Tâm Ngài được giải thoát.
907.
Nay chính những pháp này,
Là những pháp cuối cùng,
Những cảm xúc thứ năm,
Của bậc Ðại Mâu-ni,
Sẽ không còn pháp khác,
Bậc Chánh Giác Niết-bàn.
Rồi một thiên nhân, trước kia là người hầu cận ngài, thấy ngài già và ốm, vì lòng thương, thỉnh cầu ngài tái sanh ở cõi chư thiên. Ngài trả lời như sau:
908.
Nay không còn tái sanh,
Trong thế giới chư thiên,
Này kẻ gieo cạm bẫy,
Dòng sanh tử đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
Có vị Tỷ-kheo khác không thấy vị thiên nhân, không hiểu bậc Trưởng lão nói với ai. Ðể nói lên thần thông của mình, ngài nói câu kệ:
909.
Ai trong thời gian ngắn,
Biết thế giới ngàn cõi,
Vị ấy thật xứng đáng,
Ðược sống giới Phạm thiên,
Nhưng nay Tỷ-kheo ấy,
Ðầy đủ thần thông lực,
Thấy được thời gian nào,
Chư thiên chết và sanh.
Rồi ngài nói lên nghiệp trước của mình:
910.
Ðời trước ta đã sống,
Tên Annabhāra,
Bần cùng phải làm lụng,
Lo nuôi sống tự thân,
Rồi ta đến cúng dường,
Bậc Sa-môn danh tiếng,
Sa-môn với xưng danh,
Ngài Upariṭṭha.
911.
Rồi ta được sanh trưởng,
Trong dòng họ Thích-ca,
Ta được biết với tên,
Là Anuruddha,
Sống hệ lụy múa ca,
Thức dậy, tiếng xập xõa.
912.
Ta thấy bậc Chánh Giác,
Bậc Ðạo sư vô úy,
Tín tâm khởi nơi Ngài,
Ta xuất gia, không nhà.
913.
Ta biết các đời trước,
Trước ta sống chỗ nào,
Giữa cõi Ba Mươi Ba,
Ta sanh làm Ðế-thích.
914.
Bảy lần làm Nhân chủ,20
Ta trị vì quốc độ,
Ta chinh phục bốn phương,
Làm chúa châu Diêm-phù,
Không dùng gậy, dùng gươm,
Trị vì với Chánh pháp.
915.
Từ đây hai lần bảy,
Mười bốn lần luân hồi,
Ta biết được đời sống,
Khi ta trú thiên giới.
916.
Trong thiền định năm chi,21
Tâm an tịnh nhất tâm,
Tâm ta được khinh an,
Thiên nhãn ta thanh tịnh.
917.
Ta biết sanh và chết,
Chỗ đến đi hữu tình,
Ðời này và đời khác,
Ta trú thiền năm chi.
918.
Ta hầu hạ Ðạo sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.22
919.
Tại làng Veḷuva,
Giữa dân tộc Vajjī,
Ta đi đến đoạn diệt,
Chấm dứt dòng sanh tử,
Dưới bóng của khóm trúc,
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Không còn có lậu hoặc.
Tham khảo:
16 Xem D. II. 72, Mahāparinibbānasutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn), số 16; D. II. 200, Janavasabhasutta (Kinh Xà-ni-sa), số 21; S. I. 157, Parinibbānasutta (Kinh Bát-niết-bàn); A. IV. 228, Anuruddhamahāvitakkasutta (Kinh Đại tư niệm của Tôn giả Anuruddha).
17 Tám tư duy của bậc đại nhân (A. IV. 228) là Chánh pháp dành cho những ai: Ít dục, biết đủ, sống nhàn tịnh, tinh tấn, nội tâm chánh niệm, thiền định, có trí tuệ, thích thú giải thoát khỏi các hý luận.
18 A. II. 26 viết là biết đủ với ba vật dụng cần thiết của Tỷ-kheo (y, đồ ăn khất thực, sàng tọa) với tu tập và đoạn trừ.
19 Thiếu thăng bằng và tự cao tự đại.
20 Bảy lần giữa chư thiên, 7 lần giữa loài người.
21 Theo Chú giải, đây không phải chỉ cho 5 thiền (với sơ thiền chia thành 2) mà chỉ cho một phần loại khác, chia thành: Hỷ, lạc, tâm, ánh sáng và tướng.
22 Xem Thag. v. 604, 656, 687, 792, 891, 1015, 1053, 1091, 1194.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.