Tam tạng Thánh điển PGVN 05 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ/ CHƯƠNG XVI. HAI MƯƠI KỆ (VĪSATINIPĀTA)
(Aṅgulimālattheragāthā)14 (Thag. 80; ThagA. III. 55)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con của một Bà-la-môn tên Bhaggava, giữ chức cố vấn tế tự cho vua nước Kosala. Trong đêm ngài ra đời, các binh khí trong thành phố rực sáng, các binh giáp của vua cũng rực sáng, làm cho vua đang nằm trên giường thấy như vậy không thể ngủ được, thao thức và sợ hãi. Vị cố vấn tế tự tìm hiểu các vì sao và kết luận con mình đã sanh trúng chòm sao ăn trộm. Sáng sớm, ông đến chầu vua và hỏi vua ngủ có an giấc không? Vua trả lời rằng vua ngủ không an giấc, vì cả đêm thấy áo giáp chói sáng và hỏi điềm ấy là điềm gì? Vị cố vấn trả lời là do mình sanh đứa con mà áo giáp cả thành phố đều chói sáng và khi được biết đứa con sau này có thể trở thành tên tướng cướp độc thân nhưng có thể chế ngự được, nên vua tha cho khỏi bị giết.
Vì ngài ra đời làm tâm vua phiền muộn nên được gọi là Hiṃsaka nhưng về sau không thấy làm hại ai nên được gọi là Ahiṃsaka. Do nghiệp đời trước, ngài có sức mạnh của bảy con voi. Khi học với vị giáo sư đầu tiên ở Takkasilā, ngài hầu hạ rất thành kính vị giáo sư và bà vợ, nên thường thấy ngài bên cạnh vị giáo sư và bà vợ trong những bữa ăn. Điều này khiến các thanh niên Bà-la-môn khác ganh ghét và xúi giục vị giáo sư chống lại Ahiṃsaka. Vì học trò mình có sức mạnh phi thường, vị giáo sư tìm một kế để ám hại bằng cách bảo Ahiṃsaka trả tiền học phí cho mình bằng một ngàn ngón tay phải. Ông biết rõ rằng nếu Ahiṃsaka đem lại chỉ một ngón tay thời cũng đủ làm hại đệ tử mình rồi. Lòng hung ác chồng chất trong Ahiṃsaka trỗi dậy, ngài mặc áo giáp đi vào rừng Jālinī ở Kosala, nấp trên một đồi núi, theo dõi người đi đường và khi nào thấy người đi qua, liền chạy xuống chặt ngón tay họ, treo lên cây cho đến khi các loài diều hâu rỉa ăn hết thịt rồi lấy các ngón tay làm thành một vòng hoa, đeo nơi cổ nên từ đó, ngài được gọi là Aṅgulimāla (kẻ đeo vòng hoa bằng ngón tay). Vì hành động ấy, đường sá trở nên vắng tanh; ngài đi vào trong làng thì làng trở thành trống không. Vua bèn sai một lực lượng quân đội đi bắt Aṅgulimāla. Mẹ của Aṅgulimāla khuyên chồng nên đi tìm Aṅgulimāla để bảo chấm dứt hành động như vậy, nhưng người chồng từ chối, vì không muốn liên hệ với một người con như vậy nên để mặc nhà vua làm gì tùy ý. Bà mẹ vì thương con, khi thấy chồng từ chối liền soạn đồ, lương thực và đi tìm Aṅgulimāla để ngăn chặn không cho làm điều ác.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn suy nghĩ: “Nếu Aṅgulimāla gặp mẹ, sẽ giết mẹ cho đủ một ngàn ngón tay. Đây là đời sống cuối cùng của Aṅgulimāla, nếu Ta không can thiệp thời sẽ có thiệt hại lớn. Ta sẽ đi nói với người ấy.” Sau bữa ăn, đức Phật đi trên con đường dẫn đến rừng Jālinī dầu có nhiều người ngăn cản. Khi ấy, Aṅgulimāla thấy mẹ, ngài tính lấy ngón tay của mẹ cho đủ số một ngàn, thời đức Phật đến, đi giữa Aṅgulimāla và người mẹ, Aṅgulimāla liền bỏ ý định giết mẹ và quyết định giết vị Sa-môn cho đủ túc số ngón tay. Aṅgulimāla liền rút gươm đuổi theo đức Phật, nhưng dầu ngài cố gắng thế nào cũng không sao đuổi kịp, đức Phật vẫn đi khoan thai, nhẹ nhàng. Aṅgulimāla yêu cầu đức Phật đứng lại, đức Phật trả lời Ngài đã đứng rồi, chính Aṅgulimāla cần phải đứng lại. Câu trả lời làm Aṅgulimāla khó hiểu, ngài tin rằng các Sa-môn bao giờ cũng nói thật nên hỏi đức Phật:
866.
Này Sa-môn, Ngài đi,
Lại nói: “Ta đứng rồi.”
Ta đứng, Ngài lại nói:
“Sao nhà ngươi chưa đứng?”
Sa-môn, ta hỏi Ngài,
Về ý nghĩa việc này,
Sao Ngài đã đứng lại,
Còn ta lại còn đi.
Thế Tôn trả lời:
867.
Aṅgulimāla,
Ta luôn luôn đã đứng,
Với tất cả chúng sanh,
Ta từ bỏ gậy trượng,
Còn ông đối hữu tình,
Chưa có tự chế ngự,
Do vậy Ta đã đứng,
Còn ông thời chưa đứng.
Trong khi đức Phật đứng như vậy, chói sáng đức hạnh của mình, Aṅgulimāla nhớ lại những gì mình được nghe về đức Phật, tuệ quán đạt đến mức thuần thục, hoan hỷ thấm nhuần toàn thân như một làn nước dâng trào toàn thế giới. Tự nói với mình: “Thật lớn thay, tiếng rống sư tử này. Chắc đây là Sa-môn Gotama đã đến đây để cứu độ ta.” Ngài nói:
868.
Ðã lâu con tôn kính,
Bậc Vĩ Đại Tiên Nhân,
Nay bậc Sa-môn này,
Ðã bước vào Đại Lâm,
Con nay sẽ sẵn sàng,
Từ bỏ ngàn điều ác,
Sau khi nghe kệ Ngài,
Liên hệ đến Chánh pháp.
869.
Nói xong tên tướng cướp,
Liền quăng bỏ cây kiếm,
Quăng bỏ cả khí giới,
Xuống vực núi thâm sâu.
Tên tướng cướp đảnh lễ,
Dưới chân bậc Thiện Thệ,
Chính ngay tại chỗ ấy,
Xin đức Phật xuất gia.
870.
Ðức Phật đại từ bi,
Là bậc Đại Tiên Nhân,
Ðạo sư cả nhân giới,
Cùng với cả thiên giới,
Nói lên những lời này:
“Hãy đến, thiện Tỷ-kheo!”
Như vậy đối vị ấy,
Thành tựu Tỷ-kheo tánh.
Aṅgulimāla sau khi xuất gia tu hành, chứng quả và nói lên quả chứng của mình:
871.
Ai trước sống phóng dật,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.
872.
Ai trước làm nghiệp ác,
Nay lấy thiện chặn lại,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.
873.
Ai Tỷ-kheo còn trẻ,
Chuyên tâm hành Phật dạy,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.
Như vậy, sống trong lạc giải thoát, ngài đi vào thành khất thực. Có người ném đá vào ngài, có người lấy gậy đánh vào đầu và ngài về tinh xá với bình bát bị bể. Ðức Phật khuyên ngài nên nhẫn nại chịu khổ, vì nghiệp quả của ngài đáng phải thiêu sống ở địa ngục, nhưng nay chỉ chịu khổ như vậy thôi. Rồi ngài phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh:
874.
Mong rằng kẻ thù ta,
Ðược nghe lời Chánh pháp,
Mong rằng kẻ thù ta,
Chuyên tâm lời Phật dạy,
Mong rằng kẻ thù ta,
Thân cận với những người,
Ðã đạt được an tịnh,
Sống thọ trì Chánh pháp.
875.
Mong rằng kẻ thù ta,
Thời thời được nghe pháp,
Thuyết giảng về nhẫn nhục,
Tán thán về nhu hòa,
Và sở hành của họ,
Phù hợp với Chánh pháp.
876.
Vì chúng sanh như vậy,
Không có ám hại ta,
Hay cũng không ám hại,
Một người khác nào hết,
Người ấy sẽ đạt được,
Sự an tịnh tối thượng,
Sẽ bảo vệ hộ trì,
Người mạnh và kẻ yếu.
877.
Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.15
878.
Có kẻ được điều phục,
Bởi gậy, móc và roi,
Vị ấy điều phục ta,
Không dùng gậy, dùng kiếm.
879.
Ta được tên Vô Hại,
Trước có tên Làm Hại,
Nay ta tên Chơn Thật,
Ta không hại một ai.
880.
Trước ta là tên cướp,
Lừng danh “Vòng ngón tay”,
Chìm đắm dòng nước lớn,
Cho đến khi quy Phật.
881.
Trước tay ta lấm máu,
Lừng danh “Vòng ngón tay”,
Hãy xem, ta quy y,
Nhổ lên gốc tái sanh.
882.
Làm xong nhiều nghiệp vậy,
Dẫn đến sanh ác thú,
Cảm thọ nghiệp dị thục,
Thoát nợ, ta thọ thực.
883.
Những kẻ ngu vô trí,
Ðam mê sống phóng dật,
Người trí không phóng dật,
Như bảo vệ vật báu.
884.
Chớ đam mê phóng dật,
Chớ say đắm dục lạc,
Không phóng dật, thiền tư,
Ðạt được lạc tối thượng.
885.
Ðến ta điều tốt đẹp,
Không tốt đẹp không đến,
Lời khuyên bảo cho ta,
Không có gì không tốt,
Trong các pháp phân biệt,
Có mặt ở trên đời,
Pháp gì tối thượng nhất,
Ta chọn, ta chứng đạt.
886.
Ðến ta điều tốt đẹp,
Không tốt đẹp không đến,
Lời khuyên bảo cho ta,
Không có gì không tốt,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
887.
Trong rừng, dưới gốc cây,
Hay trên núi, trong hang,
Tại chỗ ấy ta trú,
Tâm tư thật hứng khởi.
888.
Thật an lạc, ta nằm,
Thật an lạc, ta dậy,
Tâm tư thuần an lạc,
Là nếp sống của ta,
Thoát khỏi cạm bẫy ma,
Ôi, Ðạo sư từ mẫn!
889.
Trước ta sanh Phạm chí,
Hai hệ, dòng họ cao,
Nay ta con Thiện Thệ,
Ðạo sư, bậc Pháp Vương.
890. Ái ly không chấp thủ,
Căn hộ trì, chế ngự,
Ðoạn bỏ gốc tà ác,
Ta đạt lậu hoặc diệt.
891.
Ta hầu hạ Ðạo sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
Tham khảo:
14 Tham chiếu: Thag. v. 19, 203, 547; M. II. 97, Aṅgulimālasutta (Kinh Aṅgulimāla), số 86; S. I. 25, Saddhāsutta (Kinh Lòng tin); Dh. v. 26, 27, 80, 145, 172, 173, 382; Vin. II. 180; Phật thuyết Nguyệt dụ kinh 佛說月喻經 (T.02. 0121. 0544b12); Pháp cú kinh “Phóng dật phẩm” 法句經放逸品 (T.04. 0210.10. 0562b19); Pháp cú kinh “Minh triết phẩm” 法句經明哲品 (T.04. 0210.14. 0563c24); Pháp cú kinh “Sa-môn phẩm” 法句經沙門品 (T.04. 0210.34. 0571c29); Pháp cú thí dụ kinh “Phóng dật phẩm” 法句譬喻經放逸品 (T.04. 0211.10. 0584a05); Pháp cú thí dụ kinh “Minh triết phẩm” 法句譬喻經明哲品 (T.04. 0211.14. 0587a21); Xuất diệu kinh “Vô phóng dật phẩm” 出曜經無放逸品 (T.04. 0212.4. 0636c29); Xuất diệu kinh “Tạp phẩm” 出曜經雜品 (T.04. 0212.17. 0702b08); Xuất diệu kinh “Thủy phẩm” 出曜經水品 (T.04. 0212.18. 0706c07); Pháp tập yếu tụng kinh “Phóng dật phẩm” 法集要頌經放逸品 (T.04. 0213.4. 0779a01); Pháp tập yếu tụng kinh “Thanh tịnh phẩm” 法集要頌經清淨品 (T.04. 0213.16. 0785a15); Pháp tập yếu tụng kinh “Thủy dụ phẩm” 法集要頌經水喻品 (T.04. 0213.17. 0785c02).
15 Xem Thag. v. 19; Dh. v. 80.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.