Tam tạng Thánh điển PGVN 05 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ Trưởng Lão Tăng Kệ/ Chương Xvi - Hai Mươi Kệ
Ðời sống của ngài được ghi trong kệ ngôn ở trên10 khi bậc Trưởng lão đã chứng quả A-la-hán, nói lên bài kệ để dạy cho các bà con về con đường. Nhưng trong những bài kệ này, bậc Trưởng lão chưa chứng quả A-la-hán, hỏi Thế Tôn về giáo lý vắn tắt và được Thế Tôn trả lời:
– Này Māluṅkyāputta, ông nghĩ thế nào về những pháp mà ông chưa bao giờ thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm xúc và nhận thức; hiện tại ông không có lãnh thọ đối với chúng, ông cũng không muốn có cảm thọ và suy tưởng; vậy ông có ước muốn tha thiết được chúng hay không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Ở đây, này Māluṅkyāputta, khi ông không có cảm thọ, cảm tưởng chúng, ông chỉ có thọ và tưởng thuần túy; nếu là như vậy, thời ông không có tham, sân, si. Do vậy, ở đây hay tại chỗ nào hay đời sau, chính như vậy, như vậy là sự chấm dứt đau khổ.
Rồi Māluṅkyāputta cho biết ngài đã hiểu rõ tường tận giáo pháp và diễn đạt trong những bài kệ như sau:
794.
Thấy sắc niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tâm nhập và an trú.
795.
Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do sắc sanh,
Tham hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.
796.
Nghe tiếng niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.
797.
Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do tiếng sanh,
Tham hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.
798.
Ngửi hương niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.
799.
Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do hương sanh,
Tham hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.
800.
Nếm vị niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.
801.
Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do vị sanh,
Tham hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.
802.
Cảm xúc niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.
803.
Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do xúc sanh,
Tham hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.
804.
Biết pháp niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.
805.
Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do ý sanh,
Tham hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.
806.
Không tham nhiễm các sắc,
Thấy sắc giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.
807.
Thấy sắc như thế nào,
Như vậy có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm hành trì vậy,
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi “gần Niết-bàn”,
808.
Không tham nhiễm các tiếng,
Nghe tiếng giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.
809.
Nghe tiếng như thế nào,
Như vậy có cảm thọ,
Từ bỏ không tích lũy,
Chánh niệm hành trì vậy,
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi “gần Niết-bàn.”
810.
Không tham nhiễm các hương,
Ngửi hương giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.
811.
Ngửi hương như thế nào,
Như vậy có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm hành trì vậy,
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi “gần Niết-bàn.”
812.
Không tham nhiễm các vị,
Nếm vị giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.
813.
Nếm vị như thế nào,
Như vậy có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm hành trì vậy,
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi “gần Niết-bàn.”
814.
Không tham nhiễm các xúc,
Cảm xúc giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.
815.
Cảm xúc như thế nào,
Như vậy có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm hành trì vậy,
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi “gần Niết-bàn.”
816.
Không tham nhiễm các pháp,
Biết pháp giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.
817.
Cảm xúc như thế nào,
Như vậy có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm hành trì vậy,
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi “gần Niết-bàn.”
Rồi vị Trưởng lão đứng dậy, đảnh lễ bậc Ðạo sư rồi ra đi; không bao lâu sau, phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán.
Chú thích:
9 Bản PTS, Tích Lan, Thái Lan, Campuchia và PTS viết Māluṅkyaputta. Bản CST viết Mālukyaputta. Xem S. IV. 72, Māluṅkyaputtasutta (Kinh Māluṅkyaputta).
10 Xem Thag. v. 214, Māluṅkyaputtattheragāthā (Kệ ngôn của Trưởng lão Māluṅkyaputta).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.