Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ/ CHƯƠNG I. MỘT KỆ (EKAKANIPĀTA)/ I. PHẨM THỨ NHẤT (PAṬHAMAVAGGA)

§1. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SUBHŪTI (Subhūtittheragāthā) (Thag. 1; ThagA. I. 20)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sāvatthi, trong gia đình vị cố vấn Sumana, em trai ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc), được đặt tên là Subhūti. Trong ngày ông Cấp Cô Ðộc dâng cúng Kỳ Viên cho đức Phật, ngài có chứng kiến. Sau khi nghe pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Thọ Ðại giới xong, ngài thâm hiểu hai loại giới luật. Ðược Thế Tôn cho một đề mục để thiền quán, ngài đi vào rừng để hành thiền. Sau khi triển khai thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài bắt đầu thuyết pháp, không phân biệt giới hạn, trở thành vị Tỷ-kheo đệ nhất về hạnh từ vô lượng. Khi ngài đi khất thực, ngài vẫn hành thiền và khi xuất thiền ngài mới nhận đồ ăn, nhờ vậy đem lại công đức lớn cho thí chủ và ngài trở thành vị xứng đáng được bố thí đệ nhất. Do vậy, Thế Tôn có nói: “Này các Tỷ-kheo, Subhūti được xem là vị Tỷ-kheo Đệ nhất về hạnh từ vô lượng, xứng đáng được cúng dường.”

Bậc Ðại đệ tử này, trong khi đi khất thực đến Vương Xá, Vua Bimbisāra (Bình-sa) nghe ngài đến, liền đến kính chào và xin dựng một chỗ ở cho ngài; nhưng rồi vua quên, ngài không nhận được chỗ ở nên hành thiền ngoài trời. Vì thái độ nghiêm túc của ngài nên trời không mưa; và do vậy, nạn hạn hán đe dọa dân chúng. Quần chúng tụ họp than phiền ồn ào trước hoàng cung. Vua tìm hiểu nguyên nhân vì sao trời không mưa và nghĩ rằng có lẽ vì ngài Subhūti hành thiền ngoài trời. Vua cho làm cái am thất bằng lá cho ngài. Và khi ngài vào ngồi thiền trong am thất ấy, trời bắt đầu mưa từng hột một chớ không mưa ào ào. Ngài muốn quần chúng khỏi sợ hạn hán, tuyên bố rằng không có sự sợ hãi gì đe dọa ngài dù từ phía ngoài hay từ phía trong với những bài kệ như sau:

1.

Am thất ta khéo lợp,
Thần mưa, hãy mưa đi,
Tâm ta khéo định tĩnh,
Thần mưa, hãy mưa đi!

An lạc ngăn chặn gió,
Mưa như ý ngươi muốn!
Giải thoát, sống tinh cần,
Thần mưa, hãy mưa đi!

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.