Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ/ CHƯƠNG V NĂM KỆ (PAÑCAKANIPĀTA)

§205. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO VAKKALI (Vakkalittheragāthā)8 (Thag. 39; ThagA. II. 147)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sāvatthi, trong một dòng họ Bà- la-môn và được gọi tên Vakkali. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài học xong ba tập Vệ-đà, trở thành thuần thục trong những thành tích của Bà-la-môn. Khi thấy bậc Ðạo sư, ngài nhìn mãi không chán thân tướng tuyệt hảo của đức Phật và đi theo bậc Ðạo sư. Khi trở về nhà, ngài nghĩ rằng nếu ở lại nhà, sẽ không có dịp được luôn thấy đức Phật, do vậy, ngài xuất gia. Chỉ trừ khi ăn uống và tắm rửa, ngài để toàn thì giờ chiêm ngưỡng đức Phật.

Bậc Ðạo sư chờ đợi nhân duyên giác ngộ của ngài chín muồi nên trong một thời gian dài không nói gì. Một hôm, đức Phật hỏi: “Này Vakkali, thân bất tịnh mà ông thấy này, đối với ông như thế nào? Người nào thấy pháp, tức người ấy thấy Ta. Vì rằng thấy pháp tức là thấy Ta và thấy Ta tức là thấy pháp.” Nghe lời dạy của đức Phật, ngài không chiêm ngưỡng thân đức Phật nữa, nhưng vẫn chưa bỏ đi xa được. Bậc Ðạo sư nghĩ: “Tỷ-kheo này, nếu không được chấn động mạnh sẽ không thức tỉnh”, nên vào cuối mùa an cư, đức Phật nói: “Này Vakkali, hãy đi đi!” Nghe bậc Ðạo sư nói vậy, ngài tự nghĩ ngài phải đi, nhưng tự nhủ đời ngài còn có ý nghĩa gì nếu không được gặp bậc Ðạo sư, nên ngài có ý định leo lên núi Linh Thứu để gieo mình xuống vực tự tử. Ðức Phật biết được Vakkali có ý định như vậy và nghĩ: “Tỷ-kheo này bất an khi rời xa Ta, sẽ làm mất đi những nhân duyên thành tựu quả vị cao nhất” và rồi Ngài phóng quang hiện ra và đọc lên bài kệ:

Tỷ-kheo nhiều hân hoan,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,

Tịnh tín giáo pháp Phật,
Các hạnh an tịnh lạc.

Ðức Phật đưa tay và nói: “Hãy đến, này Tỷ-kheo!” Vakkali rất lấy làm sung sướng và suy nghĩ: “Mình được thấy bậc Đạo sư với mười lực, mình được Ngài gọi đến bên cạnh và thấy được điều gì Ngài đang làm.” Đứng giữa hư không trên đỉnh đồi, ngài suy tư về bài kệ của bậc Đạo sư và chú tâm thiền định, chứng quả vị A-la-hán với pháp tín thọ và nghĩa tín thọ. (Ðây là những điều được ghi lại trong Chú giải Kinh Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya Aṭṭhakathā) và Chú giải Kinh Pháp cú (Dhammapada Aṭṭhakathā)).

Theo những tài liệu khác, Vakkali chưa chứng quả A-la-hán sau khi nghe lời dạy của bậc Ðạo sư, ngài ở trên núi Linh Thứu, phát triển thiền quán. Thế Tôn cho ngài một đề mục tu tập, nhưng vì quá đói và bị tê liệt nên ngài không chứng quả được. Biết vậy, Thế Tôn nói với ngài như sau:

350.

Bị bệnh gió chi phối,
Chỗ khất thực hạn chế,
Tỷ-kheo sẽ làm gì?

Ông sống trong rừng sâu,
Thân gầy mòn ốm yếu,
Với thân thể như vậy?

Vị Trưởng lão trả lời đồng thời nói lên tâm thường an trú hỷ lạc của mình nhờ lạc siêu thế:

351.

Thân con được tràn ngập,
Dầu có bị gầy ốm,

Với hỷ lạc tỏa rộng,
Con sẽ sống trong rừng.

352.

Tu tập bốn niệm xứ,
Tu tập các giác chi,

Năm căn và năm lực,
Con sẽ sống trong rừng.

353.

Con thấy bạn đồng tu,
Luôn kiên trì tinh tấn,

Sống hòa hiệp, dõng mãnh,
Con sẽ sống trong rừng.

354.

Tùy niệm Phật, thiền định,
Ngày đêm không biếng nhác,

Bậc Tối Thượng Ðiều Ngự,
Con sẽ sống trong rừng.

Khi nói vậy, ngài phát triển thiền quán và ngay khi ấy chứng quả A-la-hán.

Tham khảo:

8 Xem Thīg. v. 157, Mahāpajāpatigotamītherīgāthā (Kệ ngôn của Trưởng lão Ni Mahāpajāpatī Gotamī).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.