Tam tạng Thánh điển PGVN 09 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 09»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 5
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
Chú giải của tập Cariyāpiṭaka (Hạnh tạng) có tên là Paramatthadīpanī do công của Ngài Dhammapāla. Tập Chú giải đã được thực hiện vào khoảng cuối thế kỷ V Tây lịch.
Tập Cariyāpiṭaka có tựa đề nêu bật được nội dung chứa đựng ở bên trong. Cụ thể tập này trình bày về 35 câu chuyện các tiền thân của đức Bồ-tát đã chuyên tâm thực hành các đức hạnh để đạt đến sự toàn hảo (pāramitā) của các đức hạnh ấy trong thời gian bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nhằm làm chín muồi quả vị Giác ngộ. Nói về mười sự toàn hảo này, các dịch giả tiền bối đã dịch là mười pháp ba-la-mật hay thập độ. Điều đáng ngạc nhiên trong tập này là chỉ có bảy sự toàn hảo được đề cập đến thay vì mười, và số lượng các câu chuyện cho mỗi đức hạnh lại không thống nhất, không rõ do bị thất thoát trong việc truyền thừa hay là việc thực hiện tập này chưa được hoàn tất. Sở dĩ chúng tôi có nhận xét như vậy vì tập này được chia làm ba chương: Chương I nói về bố thí có 10 chuyện, chương II nói về trì giới có 10 chuyện, và chương III bao gồm 15 chuyện còn lại, xuất ly 5 chuyện, quyết định 1 chuyện, chân thật 6 chuyện, từ ái 2 chuyện và hành xả 1 chuyện. Muốn tìm hiểu rõ hơn về điểm này, chúng ta có thể tham khảo chương Pakiṇṇakakathā thuộc Chú giải của tập Cariyāpiṭaka này, vì có giảng đầy đủ về mười đức hạnh đồng thời có đầy đủ những chi tiết liên quan đến vị mong mỏi việc thực hành hạnh nguyện Bồ-tát (CpA. 276-332).
Xét về hình thức, tập Cariyāpiṭaka được thực hiện dựa theo lối trường thi (tương tợ như thể Mahākāvya của ngôn ngữ Sanskrit) gồm nhiều câu kệ (gāthā) hợp thành. Mỗi câu kệ được ghi thành 2 dòng và được chia làm 4 pāda; thông thường mỗi câu kệ như vậy là một câu văn hoàn chỉnh về phương diện văn phạm.
Về khía cạnh dịch thuật, cũng có một số điểm cần được nêu lên như sau: Về các thì của động từ, trong nguyên tác có nhiều hành động ở vào thời quá khứ nhưng lại được trình bày ở thì hiện tại và một vài hành động ở vào thời vị lai lại được trình bày ở thì quá khứ. Chúng tôi ghi lại các thì theo sát văn bản nghĩ rằng những điểm này dễ dàng nhận diện qua ngữ cảnh và không làm xáo trộn ý nghĩa. Bản tiếng Việt chúng tôi đã được phiên dịch trực tiếp từ nguyên bản Pāḷi. Một số từ dịch đã được dựa theo lời giải thích ở bản Chú giải Pāḷi là Paramatthadīpanī. Tuy có tham khảo bản dịch tiếng Anh của cô I. B. Horner và bản dịch tiếng Sinhala ở Tam tạng song ngữ của nước Sri Lanka nhưng lời dịch Việt này được ghi lại theo sự xét đoán của chúng tôi và không thể hiện quan điểm của bản dịch nói trên. Chúng tôi ghi lại lời dịch Việt theo tinh thần “hiểu văn bản như thế nào thì cố gắng ghi lại đúng như thế ấy”. Đối với các bản văn cổ, chúng tôi không có tham vọng vươn đến các tiêu chuẩn phiên dịch cao hơn. Các sự sai sót trong phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo và ấn tống tập này được thành tựu đến tất cả chúng sanh. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
Đêm rằm tháng Bảy
Ngày 08 tháng 8 năm 2006
Tỳ-khưu Indacanda (Trương Đình Dũng)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.