Tam tạng Thánh điển PGVN 09 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 09»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 5
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
Chú giải của tập Buddhavaṃsa (Phật sử) có tên là Madhuratthavilāsinī được thực hiện do công của Ngài Buddhadatta vào khoảng cuối thế kỷ V Tây lịch.
Về nội dung, tập Buddhavaṃsa trình bày quá trình tu tập và chứng đạt quả vị Toàn giác của đức Phật Gotama (Cồ-đàm), tức là đức Phật Thích-ca đang được chúng ta thờ phượng hiện nay. Duyên khởi của tập này bắt đầu với việc đấng Phạm thiên thỉnh cầu đức Phật Gotama thuyết pháp, qua đó giới thiệu sơ lược về quá trình tế độ chúng sanh của Ngài từ lúc chuyển vận pháp luân cho đến lúc quay trở về thành Kapilavatthu để tế độ đức Vua cha Suddhodana (Tịnh Phạn). Lúc ấy, ở bờ sông Rohiṇī Ngài đã sử dụng thần thông làm hiện ra con đường kinh hành được trang hoàng bằng châu báu ở trên không trung. Cũng vào lúc đó, Ngài Sāriputta đang đứng ở Gijjhakūṭa (núi Linh Thứu) tại thành Rājagaha (Vương Xá), tuy khoảng cách xa đến hàng trăm cây số nhưng Ngài Sāriputta vẫn có thể chiêm ngưỡng được đức Phật. Kế đó, Ngài Sāriputta cùng năm trăm vị A-la-hán trong đó có các Ngài Moggallāna, Mahākassapa, Anuruddha, Upāli, Puṇṇa đã dùng thần thông bay đến bên đức Phật để hỏi đức Phật về công hạnh nào đã được thực hiện trong quá khứ khiến Ngài có được oai lực cao quý như thế. Bằng trí tuệ hướng về các kiếp sống trước đây, đức Phật đã giảng giải về lịch sử của chư Phật nhằm mục đích đem lại điều lợi ích cho chư thiên và nhân loại.
Trong tập này, tên của 28 vị Phật Toàn Giác thuộc thời quá khứ đã được đề cập đến nhưng chỉ trình bày sử liệu của 25 vị từ đức Phật Dīpaṅkara, là vị đầu tiên đã ban lời chú nguyện cho đức Bồ-tát Sumedha, cho đến đức Phật Gotama tức là Phật Thích-ca thời hiện tại gồm các chi tiết như sau: Thời điểm của vị Phật tính theo kiếp (kappa), tên của vị Phật, số lần của sự lãnh hội (abhisamaya), số lần của các cuộc hội tụ (samāgama), tên của thành phố, cha và mẹ, thời gian sống tại gia, tên của ba tòa lâu đài, số lượng người nữ hầu hạ, tên vợ, tên con trai, bốn điều báo hiệu, phương tiện di chuyển lúc ra đi, thời gian hành khổ hạnh, Phạm thiên thỉnh cầu, địa điểm chuyển vận pháp luân, tên hai vị Tỳ-khưu Thinh văn hàng đầu, tên vị thị giả, tên hai vị Tỳ-khưu-ni Thinh văn hàng đầu, tên cội Bồ-đề, tên hai vị nam thí chủ hộ độ hàng đầu, tên hai vị nữ thí chủ hộ độ hàng đầu, chiều cao của đức Phật, hào quang, tuổi thọ của Ngài, việc tịch diệt Niết-bàn, bảo tháp và Xá-lợi. Về phần bản thân đức Bồ-tát trong thời vị Phật ấy, có các sử liệu về nguồn gốc xuất thân, danh tánh, phẩm hạnh, hành động thù thắng đã được thực hiện và lời chú nguyện của vị Phật đương thời.
Qua tập này, có một số điểm đáng được lưu ý như sau: Các vị Phật đều hiện khởi ở Jambudīpa (Ấn Độ). Đức Phật Gotama (Thích-ca) của chúng ta có nhiều điểm thua sút so với các vị Phật khác: Tuổi thọ ngắn nhất (80 năm), dài nhất là 100.000 năm của các vị Dīpaṅkara, Koṇḍañña, Anomadassī, Paduma, Padumuttara, Atthadassī, Dhammadassī, Siddhattha, Tissa. Thời gian hành khổ hạnh dài nhất (6 năm), ngắn nhất là 7 ngày của các vị Sobhita, Nārada, Padumuttara, Dhammadassī, Kassapa. Chiều cao, tuổi thọ, thời gian sống tại gia, hào quang phát ra đều thua sút tất cả các vị Phật khác. Về sự ra đi vĩ đại, trong số 25 vị Phật đã được trình bày chi tiết, có sáu vị sử dụng phương tiện voi, sáu vị khác sử dụng phương tiện cỗ xe, năm vị có cả đức Phật Gotama sử dụng phương tiện ngựa, bốn vị sử dụng phương tiện là tòa lâu đài, ba vị sử dụng phương tiện kiệu khiêng, và một vị đi bộ. Về xuất thân, chỉ có ba vị Phật xuất thân dòng Bà-la-môn là Kakusandha, Konāgamana, Kassapa, các vị còn lại đều xuất thân dòng Sát-đế-lỵ. Các yếu tố khác như là cội cây Bồ-đề, hành động thù thắng, số lần của các cuộc hội tụ, v.v... đều có sự khác biệt. Đặc biệt, chương cuối cùng về việc phân chia Xá-lợi của đức Phật Thích-ca, chắc chắn là đã được thêm vào sau này, đặc biệt có nội dung phong phú hơn nếu so sánh với bài kinh Mahāparinibbānasutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn) ở Trường bộ.
Xét về hình thức, Buddhavaṃsa được thực hiện dựa theo lối trường thi (tương tợ như thể Mahākāvya của ngôn ngữ Sanskrit) gồm nhiều câu kệ (gāthā) hợp thành. Mỗi câu kệ được ghi thành 2 dòng và được chia làm 4 pāda; thông thường mỗi câu kệ như vậy là một câu văn hoàn chỉnh về phương diện văn phạm.
Về khía cạnh dịch thuật, cũng có một số điểm cần được nêu lên như sau: Về các thì của động từ, trong nguyên tác có nhiều hành động ở vào thời quá khứ nhưng lại được trình bày ở thì hiện tại và một vài hành động ở vào thời vị lai lại được trình bày ở thì quá khứ. Chúng tôi ghi lại các thì theo sát văn bản nghĩ rằng những điểm này dễ dàng nhận diện qua ngữ cảnh và không làm xáo trộn ý nghĩa. Bản tiếng Việt chúng tôi đã được phiên dịch trực tiếp từ nguyên bản Pāḷi, một số từ dịch đã được dựa theo lời giải thích bản Chú giải Pāḷi là Madhuratthavilāsinī. Tuy có tham khảo bản dịch tiếng Anh của cô I. B. Horner và bản dịch tiếng Sinhala ở Tam tạng song ngữ của nước Sri Lanka nhưng lời dịch Việt này được ghi lại theo sự xét đoán của chúng tôi và không thể hiện quan điểm của bản dịch nói trên. Chúng tôi ghi lại lời dịch Việt theo tinh thần “hiểu văn bản như thế nào thì cố gắng ghi lại đúng như thế ấy.” Đối với các bản văn cổ, chúng tôi không có tham vọng vươn đến các tiêu chuẩn phiên dịch cao hơn. Các sự sai sót trong phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo và ấn tống tập Phật sử này được thành tựu đến tất cả chúng sanh. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
Đêm rằm tháng Bảy
Ngày 08 tháng 8 năm 2006
Tỳ-khưu Indacanda (Trương Đình Dũng)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.