Tam tạng Thánh điển PGVN 09 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 09»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 5
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
1. Vào thuở bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp,[1] có thành phố tên Amara là đáng nhìn, xinh xắn.
2. [Thành phố này] dồi dào thức ăn nước uống và nhộn nhịp với mười loại âm thanh như tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng trống, tiếng tù và vỏ ốc, tiếng xe cộ, và còn được giới thiệu về thức ăn nước uống: “Xin hãy nhai, xin hãy uống.”
3. Thành phố được đầy đủ về mọi yếu tố và thành tựu tất cả hoạt động về nghề nghiệp, có đầy đủ bảy loại châu báu, đông đảo với đủ hạng người, thịnh vượng tợ như thành phố của chư thiên, là nơi cư ngụ của những người có được thiện nghiệp.
4. Vị Bà-la-môn tên Sumedha ở thành phố Amaravatī là có được nhiều koṭi tiền tích lũy, có dồi dào về tài sản và lúa gạo.
5. Là vị chuyên về phúng tụng, nắm vững chú thuật, thông thạo ba bộ Vệ-đà, đã đạt đến sự toàn hảo về khoa tướng số, về truyền thuyết và về phận sự chánh yếu.
6. Khi ấy, sau khi ngồi xuống ở nơi thanh vắng Ta đã suy nghĩ như vầy: “Sự tái sanh, sự tiêu hoại của xác thân là khổ. Sự mê mờ, sự chết, sự đày đọa của sự già là khổ.
7. Và trong khi luôn có trạng thái sanh, trạng thái già, trạng thái bệnh hoạn, Ta sẽ tầm cầu sự không già, sự không chết, sự an ổn, Niết-bàn.
8. Hay là Ta nên từ bỏ tấm thân hôi thối chất chứa đầy các loại chất phế thải này và trở thành người không vướng bận, không mong cầu?
9. Đạo lộ ấy là có và sẽ xuất hiện. Đạo lộ ấy không thể không có gốc gác. Ta sẽ tầm cầu đạo lộ ấy để hoàn toàn giải thoát khỏi hữu.
10. Cũng giống như khi khổ đau được tìm thấy thì điều gọi là an lạc cũng được tìm thấy, tương tợ như thế khi hữu được tìm thấy thì phi hữu cũng là điều nên được mong mỏi.
11. Cũng giống như khi sự nóng được tìm thấy thì điều khác là sự lạnh cũng được tìm thấy, tương tợ như thế khi ba loại lửa [tham, sân, si] được tìm thấy thì Niết-bàn cũng là điều nên được mong mỏi.
12. Cũng giống như khi điều ác được tìm thấy thì điều thiện cũng được tìm thấy, tương tợ y như thế khi sanh được tìm thấy thì vô sanh cũng là điều nên được mong mỏi.
13. Giống như người bị dính phẩn nhìn thấy hồ nước đầy mà không tìm đến hồ nước ấy thì việc sai trái ấy không phải là của hồ nước.
14. Tương tợ như vậy, khi hồ nước bất tử được tìm thấy cho việc gột rửa bợn nhơ phiền não, người không tìm đến hồ nước ấy thì điều sai trái không phải là của hồ nước bất tử.
15. Giống như người bị vây hãm xung quanh bởi những kẻ đối nghịch, khi con đường thoát ra được tìm thấy, người ấy không tẩu thoát thì việc sai trái ấy không phải là của con đường.
16. Tương tợ như vậy, người bị vây hãm toàn diện bởi phiền não, khi đạo lộ Thánh thiện được tìm thấy, người không chịu tìm đến đạo lộ ấy thì điều sai trái không phải là của đạo lộ Thánh thiện.
17. Cũng giống như người bị bệnh, khi vị thầy thuốc được tìm thấy, người không để cho [vị thầy thuốc] chữa trị căn bệnh ấy thì việc sai trái ấy không phải là của vị thầy thuốc.
18. Tương tợ như vậy, người bị khổ đau, bị hành hạ toàn diện bởi những căn bệnh phiền não [nhưng] không chịu tìm đến vị thầy thì điều sai trái ấy không phải là của vị thầy hướng dẫn.
19. Cũng giống như người sau khi rũ bỏ thây chết ghê tởm vướng ở cổ có thể đạt đến an lạc, sống tự tại, theo ý muốn.
20. Tương tợ y như thế, sau khi từ bỏ tấm thân hôi thối tập hợp đủ loại chất phế thải này, Ta có thể trở thành người không vướng bận, không mong cầu.
21. Giống như những người nam hoặc nữ sau khi thải bỏ phẩn ở nhà tiêu rồi ra đi không vướng bận, không mong cầu.
22. Tương tợ y như thế, sau khi từ bỏ tấm thân được chất chứa đủ loại phế thải này, Ta sẽ ra đi giống như người sau khi đã đi tiêu thì [rời khỏi] nhà xí.
23. Cũng giống như những chủ nhân sau khi quăng bỏ con thuyền cũ kỹ, rã rời, có sự rò rỉ nước thì ra đi không còn vướng bận, không mong cầu.
24. Tương tợ y như thế, sau khi từ bỏ tấm thân có chín khiếu thường xuyên tiết ra chất dơ này, Ta sẽ ra đi giống như những chủ nhân quăng bỏ con thuyền đã bị vỡ tan.
25. Giống như người mang theo hàng hóa đi cùng bọn trộm cướp, sau khi nhận thấy nỗi lo sợ bởi việc cướp giật hàng hóa, liền tách biệt ra đi.
26. Tương tợ y như thế, thân này được ví tương đương với kẻ cướp lớn, Ta sẽ chối bỏ thân này và ra đi, thoát khỏi nỗi sợ hãi về việc bị cướp đoạt thiện pháp.”
27. Sau khi suy nghĩ như thế, Ta đã bố thí của cải hàng trăm koṭi[2] đến những người có nơi nương tựa lẫn những người không nơi nương tựa rồi đã đi đến Hy-mã-lạp sơn.
28. Ở không xa Hy-mã-lạp sơn, có ngọn núi tên Dhammaka là khu ẩn cư khéo được tạo lập dành cho Ta có ngôi nhà lá khéo được xây dựng.[3]
29. Nơi ấy Ta đã tạo ra đường kinh hành không phạm vào năm điều sai trái.[4] Ta đã đạt được năng lực của thắng trí hội đủ tám đức tính.[5]
30. Ở nơi ấy Ta đã quăng bỏ tấm vải choàng liên quan đến chín điều sai trái.[6] Ta đã mặc y phục vỏ cây có được mười hai đức tính.[7]
31. Ta đã từ bỏ ngôi nhà lá dính líu tám điều sai trái.[8] Ta đi đến ngụ ở gốc cây có được mười đức tính.[9]
32. Ta đã hoàn toàn từ bỏ mễ cốc đã được gieo, đã được trồng. Ta đã thọ dụng trái cây rơi rụng được hội đủ vô số đức tính.
33. Tại nơi ấy Ta đã ra sức nỗ lực trong việc ngồi, đứng, đi kinh hành. Ta đã đạt được năng lực của thắng trí trong thời gian bảy ngày.
34. Như thế, khi Ta đạt được sự thành tựu [năm thắng trí, ngũ thông] và trở nên tự tại trong pháp tu tập [của đạo sĩ] thì đấng Chiến Thắng tên Dīpaṅkara, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đã hiện khởi.
35. Đắm chìm trong sự thỏa thích của thiền, Ta đã không chứng kiến bốn điều báo hiệu về sự nhập thai, đản sanh, giác ngộ và thuyết giảng giáo pháp.
36. [Những người dân] ở khu vực biên địa, sau khi thỉnh mời đức Như Lai, đã dọn sạch sẽ con đường ngự đến của Ngài với tâm trí hớn hở.
37. Vào lúc bấy giờ, sau khi rời khỏi khu ẩn cư của bản thân, Ta khi ấy, vừa đi ở trên không trung vừa chỉnh lại bộ y phục bằng vỏ cây.
38. Nhìn thấy dân chúng tràn ngập niềm phấn khởi, hớn hở, mừng rỡ, vui sướng, Ta đã từ không trung đáp xuống rồi lập tức hỏi mọi người rằng:
39. “Đông đảo dân chúng được hớn hở, mừng rỡ, vui sướng, tràn ngập niềm phấn khởi. Đạo lộ, con đường, lối đi, ngõ vào được dọn sạch sẽ cho ai vậy?”
40. Được Ta hỏi, họ đã đáp rằng: “Đức Phật, bậc Tối Thượng Ở Thế Gian, đấng Chiến Thắng, vị Lãnh Đạo Thế Gian tên là Dīpaṅkara đã hiện khởi. Đạo lộ, con đường, lối đi, ngõ vào được dọn sạch sẽ cho vị ấy.”
41. Khi nghe rằng: “Đức Phật”, pháp hỷ đã sanh khởi đến Ta ngay lập tức. Ta đã bày tỏ tâm hoan hỷ, thốt lên rằng: “Đức Phật! Đức Phật!”
42. Đứng tại nơi ấy, với tâm trí phấn chấn, hớn hở, Ta đã suy nghĩ: “Ta sẽ gieo các nhân lành ở nơi đây [đức Phật]. Đương nhiên chớ để thời khắc trôi đi”, [rồi nói rằng]:
43. “Nếu các người dọn sạch sẽ vì đức Phật, xin các người hãy nhường cho tôi một khu vực. Tôi cũng sẽ dọn sạch sẽ con đường, lối đi, ngõ vào.”
44. Rồi họ đã nhường cho Ta dọn sạch sẽ con đường ở một khu vực. Khi ấy, Ta làm sạch sẽ con đường trong lúc nghĩ tưởng đến “Đức Phật! Đức Phật!”
45. Khi khu vực của Ta còn chưa hoàn tất, bậc Đại Hiền Triết, đấng Chiến Thắng Dīpaṅkara, cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu tận, không còn ô nhiễm, có sáu thắng trí (lục thông) như thế ấy đã bước lên con đường.
46. Nhiều người di chuyển từ phía đối diện, họ vỗ kêu những chiếc trống. Chư thiên và nhân loại vui mừng đã thốt lên tiếng: “Lành thay!”
47. Chư thiên ngắm nhìn loài người và loài người cũng nhìn ngắm chư thiên. Cả hai nhóm ấy cũng đã chắp tay lên đi theo sau đức Như Lai.
48. Chư thiên với nhạc khí cõi trời, loài người với nhạc khí của nhân gian, cả hai nhóm ấy vừa trình tấu vừa đi theo sau đức Như Lai.
49. Chư thiên di chuyển trên bầu trời ở trong không gian rải rắc hoa Mạn-đà-la, hoa Sen, hoa San Hô của cõi trời xuống hướng này hướng nọ.
50. Loài người di chuyển ở trên bề mặt trái đất ném các bông hoa Chăm-pa, bông hoa Salala, bông hoa Nīpa, bông hoa Nāga, Punnāga và Ketaka tỏa khắp các phương.
51. Tại nơi ấy, sau khi xõa tóc, Ta đã trải ra bộ y phục vỏ cây và da thú ở trên bãi bùn lầy, rồi Ta đã nằm sấp xuống [nói rằng]:
52. “Xin đức Phật hãy bước lên [người] con. Xin Ngài cùng các đệ tử hãy tiến bước. Xin các vị chớ bước đi ở chỗ ấy trong bùn lầy; [việc này] sẽ đem lại sự lợi ích cho con.”
53. Khi đang nằm ở trên mặt đất, tư tưởng như vầy đã khởi đến Ta: “[Nếu] mong muốn, Ta có thể thiêu đốt các phiền não của Ta trong ngày hôm nay.
54. Ta có được gì ở đây khi chứng đắc giáo pháp theo phương thức không được tiếng tăm? Ta nên thành tựu quả vị Toàn tri và trở thành đức Phật ở thế gian có cả chư thiên.
55. Ta có được gì khi là người biết được sức mạnh [của bản thân] lại vượt qua chỉ một mình? Ta nên thành tựu quả vị Toàn tri và giúp cho thế gian luôn cả chư thiên vượt qua.
56. Với hành động hướng thượng này của Ta đã được thực hiện đến bậc Tối Thượng Nhân, Ta sẽ thành tựu quả vị Toàn tri và sẽ giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
57. Sau khi cắt đứt dòng chảy luân hồi và phá hủy ba cõi [tái sanh], Ta sẽ ngự lên con thuyền Chánh pháp và sẽ giúp cho thế gian luôn cả chư thiên vượt qua.”
58. Sự phát nguyện được thành tựu nhờ vào sự tổng hợp của tám pháp: Bản thân là loài người, thành tựu nam căn, có chủng tử, nhìn thấy bậc Đạo Sư, là vị xuất gia, hội đủ đức hạnh, có hành động hướng thượng và lòng ước muốn.[10]
59. Đấng Thông Suốt Thế Gian Dīpaṅkara, vị Thọ Nhận Các Vật Cúng Dường đã đứng kề cận đỉnh đầu của Ta và đã nói lời này:
60. “Các ngươi hãy nhìn người đạo sĩ tóc bện có khổ hạnh cao tột này. Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, [người này] sẽ trở thành vị Phật ở thế gian.
61. Sau khi rời khỏi [thành phố] xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được [khổ hạnh].
62. Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
63. Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy thọ thực món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ-đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
64. Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ-đề, bậc Vô Thượng, vị Có Danh Tiếng Vĩ Đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.[11]
65. Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
66. Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh, sẽ là [hai vị] Thinh văn hàng đầu.
67. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng ấy. Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là [hai vị] nữ Thinh văn hàng đầu.
68. [Hai vị] không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh. Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha’.
69. Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là [hai] nam thí chủ hộ độ hàng đầu. Uttarā và Nandamātā sẽ là [hai] nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ [vào thời] của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”[12]
70. Sau khi nghe được lời nói này của vị Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại vui mừng [nghĩ rằng]: “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
71. Họ thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay và nở nụ cười. Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên chắp tay cúi lạy [nói rằng]:
72. “Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
73. Giống như những người băng ngang dòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua dòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
74. Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
75. Đấng Thông Suốt Thế Gian Dīpaṅkara, vị Thọ Nhận Các Vật Cúng Dường đã công bố về hành động của Ta rồi đã đi nhiễu quanh Ta.[13]
76. Các vị Thích tử hiện diện ở tại nơi ấy đã đi nhiễu quanh [Ta]. Chư thiên, nhân loại và các a-tu-la đã đảnh lễ [Ta] rồi ra đi.
77. Khi vị Lãnh Đạo Thế Gian cùng hội chúng đã đi khỏi tầm nhìn của Ta, khi ấy Ta đã từ chỗ nằm vươn dậy rồi xếp vào thế kiết-già.
78. Khi ấy, Ta được an lạc với sự an lạc, được vui sướng với sự vui sướng, và trong khi được tràn ngập với pháp hỷ, Ta đã xếp vào tư thế kiết-già.
79. Sau khi ngồi xuống với tư thế kiết-già, khi ấy Ta đã suy nghĩ như vầy: “Được tự tại trong pháp thiền, Ta đã đạt đến sự toàn hảo về thắng trí.
80. Ở trong mười ngàn thế giới, các ẩn sĩ ngang bằng với Ta là không có. Không có vị nào bằng về các phép thần thông. Ta đã đạt được sự an lạc như thế ấy.”
81. Với tư thế kiết-già của Ta, cư dân ở mười ngàn thế giới đã phát ra lời nói vang dội rằng: “Chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
82. Trước đây, những điềm báo hiệu nào đã được thể hiện khi các vị Bồ-tát xếp vào tư thế kiết-già cao quý, những điều ấy được thể hiện ngày hôm nay.
83. Sự lạnh lẽo được biến đi và sự nóng nảy được lắng dịu. Những điều ấy được thể hiện ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
84. Mười ngàn thế giới không có tiếng động và không bị chộn rộn. Những điều ấy được thể hiện ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
85. Các cơn gió lớn ngừng thổi, các dòng nước ngừng chảy. Những điều ấy được thể hiện ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
86. Các bông hoa mọc ở trên đất và mọc ở trong nước, tất cả lập tức nở hoa. Tất cả những bông hoa ấy cũng được nở ra ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
87. Và nếu là những dây leo hay là những cây cối thì lập tức trở thành trĩu nặng những quả. Tất cả các cây ấy cũng được kết trái ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
88. Ở trên không trung và ở đất liền, các châu báu lập tức rực sáng. Các châu báu ấy cũng rực sáng ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
89. Các loại nhạc cụ của loài người và của cõi trời lập tức tấu nhạc. Cả hai loại nhạc cụ ấy cũng trình tấu ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
90. Những bông hoa các loại đã lập tức rơi xuống từ bầu trời. Chúng cũng được thể hiện ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
91. Đại dương lùi ra xa, mười thế giới rúng động. Cả hai việc ấy cũng ầm ĩ ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
92. Mười ngàn ngọn lửa ở các địa ngục lập tức được dập tắt. Các ngọn lửa ấy cũng được dập tắt ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
93. Mặt trời không bị u ám, tất cả các ngôi sao được nhìn thấy. Các việc ấy cũng được thể hiện ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
94. Dầu không có mưa nhưng nước lập tức được phun lên từ mặt đất. Nước ấy cũng được phun lên từ mặt đất ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
95. Các chòm sao, các vì tinh tú chiếu sáng ở trên vòm trời. Chòm sao Visākhā được liên kết với mặt trăng; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
96. Các loài thú ở hang, các loài thú ở hốc rời khỏi chỗ ngụ của chúng. Chúng cũng chối từ chỗ ngụ ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
97. Không có sự không vui thích ở các chúng sanh, họ lập tức trở nên hớn hở. Tất cả bọn họ cũng hớn hở ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
98. Tật bệnh được giảm thiểu và nạn đói được tiêu trừ. Các điều ấy cũng được thể hiện ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
99. Khi ấy, tham dục trở nên nhỏ nhoi, sân hận si mê được tiêu trừ. Tất cả các điều ấy cũng đã biến mất ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
100. Khi ấy, nỗi sợ hãi không hiện diện. Điều ấy cũng được thể hiện ngày hôm nay. Với hiện tướng ấy, chúng tôi biết được chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
101. Bụi bặm không bốc lên phía bên trên. Điều ấy cũng được thể hiện ngày hôm nay. Với hiện tướng ấy, chúng tôi biết được chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
102. Mùi khó chịu biến đi. Mùi hương của cõi trời tỏa đến. Hương thơm ấy cũng tỏa ra ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
103. Tất cả chư thiên đều hiện ra ngoại trừ các vị ở cõi vô sắc. Tất cả các vị ấy cũng được nhìn thấy ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
104. Cho đến các nơi gọi là địa ngục, toàn bộ lập tức được nhìn thấy. Tất cả các nơi ấy cũng được nhìn thấy ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
105. Khi ấy, các bức tường thành, các cánh cửa và các tảng đá không còn là các vật chướng ngại. Ngày hôm nay, chúng cũng đều trở thành những khoảng không; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
106. Sự chết và sự tái sanh không xảy ra vào thời khắc ấy. Chúng không được nhìn thấy ngày hôm nay; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.
107. Hãy nỗ lực tinh tấn một cách bền bỉ. Chớ có quay lui, hãy tiến bước. Chúng tôi cũng biết rõ điều này; chắc chắn Ngài sẽ trở thành đức Phật.”
108. Nghe được lời nói của cả hai là của đức Phật và của [chư thiên] mười ngàn thế giới, khi ấy Ta trở nên hớn hở, mừng rỡ, vui sướng và đã suy nghĩ như vầy:
109. “Chư Phật, các đấng Chiến Thắng không có nói hai lời, không có lời nói rồ dại. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn Ta sẽ trở thành vị Phật.
110. Giống như cục đất được ném ở khoảng không thì chắc chắn rơi xuống đất, tương tợ y như thế, lời nói của chư Phật là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn Ta sẽ trở thành vị Phật.
111. Cũng giống như sự chết của tất cả chúng sanh là chắc chắn và có cơ sở, tương tợ y như thế, lời nói của chư Phật tối thượng là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn Ta sẽ trở thành vị Phật.
112. Giống như khi đêm tàn đã đến thì có sự mọc lên của mặt trời là điều chắc chắn, tương tợ y như thế, lời nói của chư Phật tối thượng là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn Ta sẽ trở thành vị Phật.
113. Giống như tiếng rống của con sư tử khi rời khỏi chỗ nằm là điều chắc chắn, tương tợ y như thế, lời nói của chư Phật tối thượng là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn Ta sẽ trở thành vị Phật.
114. Giống như việc hạ sanh của các sản phụ là điều chắc chắn, tương tợ y như thế, lời nói của chư Phật tối thượng là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn Ta sẽ trở thành vị Phật.
115. Vậy, Ta hãy xem xét các pháp tạo thành quả vị Phật từ nơi này và từ nơi này, ở bên trên [cõi trời], ở bên dưới [cõi nhân loại], và các phương hướng cho đến tận bản thể của các pháp ấy.”
116. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ nhất là sự toàn hảo về bố thí (bố thí ba-la-mật), là đạo lộ thênh thang đã được thực hành bởi các vị Đại ẩn sĩ tiền bối.
117. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ nhất này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về bố thí nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác ngộ.
118. Cũng giống như cái chum được chứa đầy đã bị úp ngược lại bởi bất cứ người nào thì tuôn nước ra không còn dư sót, hoàn toàn không giữ lại ở trong đó.
119. Tương tợ y như thế, khi nhìn thấy những người cầu xin dầu hèn, sang, hay trung bình, ngươi hãy cho ra vật thí không chừa lại ví như cái chum đã được úp ngược.
120. Nhưng các pháp tu thành Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác cũng là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
121. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ nhì là sự toàn hảo về giới đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
122. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ nhì này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về giới nếu ngươi muốn đạt được giác ngộ.
123. Cũng giống như con bò mộng có cái đuôi bị vướng vào bất cứ vật gì thà chấp nhận cái chết ở tại nơi ấy chứ không làm đứt cái đuôi.
124. Tương tợ y như thế, ngươi hãy làm tròn đủ các giới luật trong bốn lãnh vực,[14] hãy luôn luôn gìn giữ vẹn toàn giới luật giống như là con bò mộng hộ trì cái đuôi vậy.
125. Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác nữa cũng là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
126. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ ba là sự toàn hảo về xuất ly đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
127. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ ba này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về xuất ly nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác ngộ.
128. Giống như người sống đã lâu ở trong nhà tù, bị hành hạ khổ sở, không khởi lên lòng ái luyến đối với nơi ấy mà tầm cầu chỉ mỗi sự tự do.
129. Tương tợ y như thế, ngươi hãy nhìn tất cả các cõi tái sanh [dục giới, sắc giới, vô sắc giới] như là các nhà tù. Hãy hướng về xuất ly nhắm đến sự hoàn toàn giải thoát khỏi các cõi.
130. Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác nữa cũng là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
131. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ tư là sự toàn hảo về trí tuệ đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
132. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ tư này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về trí tuệ nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác ngộ.
133. Cũng giống như vị Tỳ-khưu trong khi đi khất thực không bỏ qua các gia đình dầu hèn, sang, hay trung lưu, và đạt được phương tiện sinh sống như thế ấy.
134. Tương tợ y như thế, trong khi vấn hỏi người có trí tuệ vào mọi thời điểm, ngươi sẽ đạt đến sự toàn hảo về trí tuệ và sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
135. Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác nữa cũng là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
136. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ năm là sự toàn hảo về tinh tấn đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
137. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ năm này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về tinh tấn nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác ngộ.
138. Cũng giống như con sư tử, vua các loài thú, trong khi ngồi, đứng, đi tới lui, có sự tinh tấn không uể oải và có tâm cảnh giác vào khi ấy.
139. Tương tợ y như thế, ở tại tất cả các cõi tái sanh ngươi hãy nỗ lực sự tinh tấn bền vững, sau khi đạt đến sự toàn hảo về tinh tấn ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
140. Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác nữa cũng là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
141. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ sáu là sự toàn hảo về nhẫn nại đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
142. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ sáu này. Với tâm trí không chao động ở trong pháp ấy, ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
143. Cũng giống như trái đất chịu đựng tất cả các vật quăng bỏ, cả sạch sẽ lẫn dơ dáy, không tỏ ra bực bội hay thích thú.
144. Tương tợ y như thế, ngươi cũng hãy chấp nhận sự trọng vọng hoặc khinh khi của tất cả, sau khi đạt đến sự toàn hảo về nhẫn nại ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
145. Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác nữa cũng là các pháp làm chín muồi quả vị Giác ngộ.
146. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ bảy là sự toàn hảo về chân thật đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
147. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ bảy này. Không có nói hai lời trong pháp này [thì] ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
148. Cũng giống như [ngôi sao] osadhī, có trạng thái cân bằng ở tại thế gian luôn cả các cõi trời, không đi lệch ra ngoài quỹ đạo vào thời điểm trong năm hoặc mùa tiết.
149. Tương tợ y như thế, chớ đi lệch ra khỏi đường lối của các sự thật, sau khi đạt đến sự toàn hảo về chân thật ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
150. Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác nữa cũng là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
151. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ tám là sự toàn hảo về quyết định đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
152. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ tám này. Sau khi trở nên không còn dao động trong pháp này ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
153. Cũng giống như hòn núi đá bền vững, khéo được kết cấu, đứng yên tại chính vị trí của nó, không rung động vì những cơn gió dữ dội.
154. Tương tợ y như thế, ngươi cũng hãy luôn luôn không chao đảo trong sự quyết định, sau khi đạt được sự toàn hảo về quyết định ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
155. Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác nữa cũng là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
156. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ chín là sự toàn hảo về từ ái đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
157. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ chín này. Hãy là người không ai sánh bằng về lòng từ ái nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác ngộ.
158. Cũng giống như nước tẩy sạch bụi bặm cáu ghét, và đem lại sự mát mẻ cho những người hiền và những kẻ ác một cách bình đẳng.
159. Tương tợ y như thế, ngươi hãy phát triển tâm từ ái một cách bình đẳng đối với người thân hay kẻ nghịch. Sau khi đạt được sự toàn hảo về từ ái ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
160. Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, Ta sẽ xem xét các điều khác nữa cũng là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
161. Khi ấy, trong lúc xem xét Ta đã nhận ra pháp thứ mười là sự toàn hảo về hành xả đã được các vị Đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
162. Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ mười này. Được cân bằng và trở nên vững chãi, ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
163. Cũng giống như trái đất bình thản đối với vật dơ vật sạch đã được ném xuống, không phạm vào cả hai điều là giận dữ hay ưu đãi ấy.
164. Tương tợ y như thế, ngươi hãy luôn luôn giữ trạng thái cân bằng đối với lạc và khổ, sau khi đạt đến sự toàn hảo về hành xả ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn giác.
165. Các pháp làm chín muồi sự giác ngộ ở thế gian chỉ có chừng ấy, không có pháp nào khác hơn thế nữa. Ngươi hãy thiết lập bền vững trong các pháp ấy.
166. Trong khi Ta đang suy nghiệm các pháp này về bản thể, tính chất và đặc điểm, do oai lực của các pháp quả đất và mười ngàn thế giới đã rúng động.
167. Quả đất lay động gào thét như là máy ép mía bị khuấy rối. Máy ép dầu có bánh xe rung chuyển như thế nào thì trái đất rung động như thế ấy.
168. Cho đến nhóm người ở tại nơi dâng cúng vật thực đến đức Phật, trong lúc run rẩy họ bị choáng váng rồi nằm dài trên mặt đất tại nơi ấy.
169. Hàng ngàn hũ đựng nước và nhiều trăm chiếc lu va chạm lẫn nhau bị vỡ tan, bị nghiền nát ở tại nơi ấy.
170. Với tâm trí lo âu, sợ hãi, hoảng hốt, hồi hộp, bối rối, dân chúng đã tụ hội lại rồi đi đến gặp [đức Phật] Dīpaṅkara [hỏi rằng]:
171. “Điều gì sẽ xảy ra ở thế gian? Là điều tốt hay điều xấu? Toàn bộ thế gian bị khuấy động, xin bậc Hữu Nhãn hãy xua tan điều ấy.”
172. Khi ấy, bậc Đại Hiền Triết Dīpaṅkara đã giải thích rõ cho họ rằng: “Hãy yên tâm. Chớ có hoảng hốt về việc động đất này.
173. Người mà hôm nay Ta đã công bố sẽ trở thành vị Phật ở thế gian, người ấy suy nghiệm về pháp đã được thực hành bởi các đấng Chiến Thắng thời quá khứ.
174. Trong khi vị ấy đang suy nghiệm về pháp là nền tảng của chư Phật không có thiếu sót, vì thế trái đất này với mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên đã rúng động.”
175. Sau khi lắng nghe lời nói của đức Phật, lập tức tâm [mọi người] được lắng dịu. Tất cả đã đến gần Ta rồi cũng đã đảnh lễ lần nữa.
176. Sau khi đã thọ trì đức hạnh của chư Phật và lập tâm kiên cố, khi ấy Ta đã cúi lạy [đức Phật] Dīpaṅkara và đã từ chỗ ngồi đứng dậy.
177. Với những bông hoa, cả hai hạng chư thiên và nhân loại rải rắc bông hoa của cõi trời và của loài người xuống Sumedha đang từ chỗ ngồi đứng dậy.
178. Và cả hai hạng chư thiên và nhân loại ấy phát biểu lời chúc tốt lành rằng: “Lời phát nguyện của Ngài thật vĩ đại. Mong rằng Ngài sẽ đạt được điều ấy theo như ước muốn.
179. Mong rằng tất cả các điều rủi ro được xa lánh. Mong rằng sầu não, bệnh tật được tiêu trừ. Mong rằng sự nguy hiểm đừng xảy đến cho Ngài. Ngài hãy mau mau đạt đến quả vị Giác ngộ tối thượng.
180. Cũng giống như cây cho hoa nở hoa khi đến mùa, tương tợ y như thế, hỡi đức Phật Anh Hùng, xin Ngài hãy trổ hoa với trí tuệ của vị Phật.
181. Giống như bất cứ những vị nào là Toàn Giác đều đã làm tròn đủ sự toàn hảo của mười pháp, tương tợ y như thế, hỡi đấng Đại Hùng, xin Ngài hãy làm tròn đủ sự toàn hảo của mười pháp.
182. Giống như bất cứ những vị nào là Toàn Giác đã giác ngộ ở khuôn viên cội Bồ-đề, tương tợ y như thế, hỡi đấng Đại Hùng, xin Ngài hãy giác ngộ ở cội Bồ-đề của đấng Chiến Thắng.
183. Giống như bất cứ những vị nào là Toàn Giác đã chuyển vận bánh xe Chánh pháp, tương tợ y như thế, hỡi đấng Đại Hùng, xin Ngài hãy chuyển vận bánh xe Chánh pháp.
184. Giống như mặt trăng vào ngày rằm là thanh khiết và chiếu sáng, tương tợ y như thế, Ngài đã được vẹn toàn, xin Ngài hãy chiếu sáng mười ngàn thế giới.
185. Giống như mặt trời được thoát khỏi thần Rāhu[15] thì vô cùng rạng rỡ với nguồn năng lượng, tương tợ y như thế sau khi thoát ra khỏi thế gian xin Ngài hãy tỏa sáng với sự vinh quang.
186. Giống như mọi con sông đều chảy xuôi về biển cả, tương tợ như thế các thế gian luôn cả chư thiên xuôi dòng trong sự hiện diện của Ngài.”
187. Khi ấy, được họ tán dương và ca ngợi, vị ấy đã thọ trì mười pháp. Và trong khi làm tròn đủ các pháp ấy, vị ấy đã tiến vào khu rừng thẳm.
Dứt phần nói về Sumedha.
[1] Bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp (kappe ca satasahasse ca caturo ca asaṅkhiye): Về định nghĩa của từ a-tăng-kỳ (asaṅkheyya), đa số các tài liệu giải thích đều cho trích dẫn ở Aṅguttaranikāya (Kinh Tăng chi bộ): “Này các Tỷ-kheo, có bốn vô lượng của kiếp (kappassa asaṅkheyyāni) này. Thế nào là bốn? 1/- Khi kiếp chuyển thành, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì để ước tính có bao nhiêu năm như vậy, có nhiều trăm năm như vậy, có nhiều ngàn năm như vậy, có nhiều trăm ngàn năm như vậy. 2/- Khi kiếp đã chuyển thành và dừng lại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính như vậy. 3/- Khi kiếp chuyển hoại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính có nhiều năm như vậy... như vậy. 4/- Khi kiếp đã chuyển hoại và dừng lại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính... như vậy. Này các Tỷ-kheo, có bốn vô lượng của kiếp này” (A. II. 142).
Theo định nghĩa này, asaṅkheyya (a-tăngkỳ) là một đơn vị đo thời gian và bốn asaṅkheyya (a-tăng-kỳ) thành, trụ, hoại, không sẽ tạo thành một kappa (kiếp). Theo ngữ cảnh của Buddhavaṃsa, định nghĩa asaṅkheyya (a-tăng-kỳ) như trên xem không được thích hợp lắm. Trong ngữ cảnh này, bản thân chúng tôi nghĩ rằng asaṅkheyya có thể là con số đếm theo nghĩa đơn thuần của asaṅkheyya là một con số rất lớn không thể đếm được. (Concise Pāli-English Dictionary của Ngài A. P. Buddhadatta ghi là “không thể đếm được, là con số đếm lớn nhất được ghi với 141 con số không” (tr. 37)). Và lời giải thích chúng tôi tìm thấy không phải ở BvsA. mà ở CpA. Với lời giải thích của Chú giải sư Dhammapāla: “Ở đây, asaṅkheyya là không có khả năng để đếm, không thể tính đếm được, có ý nghĩa là vượt quá sự tính đếm.” Ngài Dhammapāla còn giải thích rõ thêm: “Ý nghĩa ở đây là bốn lần không thể đếm được (bốn a-tăng-kỳ) của các đại kiếp cộng thêm một trăm ngàn đại kiếp” (tr. 12). Như vậy, “bốn a-tăng-kỳ cộng thêm một trăm ngàn” là một con số có giá trị vô cùng lớn.
Kiếp (kappa) là đơn vị tính thời gian, là đại kiếp (mahākappa), không phải kiếp của tuổi thọ (āyukappa) (BvsA. 65). Như thế, thời gian kéo dài của một kiếp sẽ là bao lâu? Chú giải sư Dhammapāla trích dẫn lời đức Phật giải thích cho các Tỳ-khưu rằng: “Một kiếp (kappa) là không thể tính chừng ấy năm, hoặc chừng ấy trăm năm, hoặc chừng ấy ngàn năm, hoặc chừng ấy trăm ngàn năm (CpA. 11). Trong Samyuttanikāya, đức Phật đã cho ví dụ khi giải thích vấn đề này: “Ví như, này Tỷ-kheo, có một hòn núi đá lớn, một do-tuần bề dài, một do-tuần bề rộng, một do-tuần bề cao, không có khe hở, không có lỗ hổng, một tảng đá thuần đặc. Rồi một người đến, cứ sau một trăm năm lại lau hòn đá ấy một lần với tấm vải kāsi. Này Tỷ-kheo, hòn núi đá lớn ấy được làm như vậy có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.” Hoặc “Ví như, này Tỷ-kheo, có một thành bằng sắt, dài một do-tuần, rộng một do-tuần, cao một do-tuần, chứa đầy hột cải cao như chóp khăn đầu. Một người từ nơi chỗ ấy, sau mỗi trăm năm lấy ra một hột cải. Này Tỷ-kheo, đống hột cải ấy được làm như vậy, có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp” (S. II. 181-82). Như vậy, khoảng thời gian kéo dài chỉ riêng của một kiếp thôi cũng đã vượt quá khả năng suy nghĩ của con người.
Chú thích
[2] 1 koṭi = 10 triệu, 100 koṭi = 1 tỷ, hàng trăm koṭi = nhiều tỷ.
[3] Do Thiên tử Vissakamma thực hiện theo lệnh của Chúa trời Sakka (BvsA. 75).
[4] Năm điều sai trái của đường kinh hành là: Cứng không bằng phẳng, cây mọc ở bên trong, lợp dày, quá chật hẹp, quá rộng. Đường kinh hành nên dài 60 ratana, rộng 1.5 ratana (15 mét và 37.5 cm) (BvsA. 75-6).
[5] Tám đức tính của thắng trí là: Tâm được định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không bợn nhơ, dứt khỏi tùy phiền não, trạng thái nhu nhuyến thích hợp cho hành động, vững vàng, bất động (BvsA. 76).
[6] Chín điều sai trái của việc sử dụng tấm vải choàng là: Có giá trị, trạng thái phụ thuộc vào người khác, mau dơ khi sử dụng và khi bị dơ phải giặt rồi nhuộm màu lại, trạng thái sờn cũ do sử dụng và khi bị sờn cũ phải mạng vá lại, khó đạt được khi tầm cầu, không thích hợp cho vị xuất gia làm ẩn sĩ, được phổ biến đối với các kẻ thù nghịch và phải lo gìn giữ để khỏi bị trộm cắp, là đồ trang sức khi mặc vào, có dục vọng lớn lao khi mặc đi đường (BvsA. 76).
[7] Mười hai đức tính của việc mặc y phục vỏ cây là: Có giá trị thấp, không phụ thuộc vào người khác, có thể tự tay làm lấy, khi bị sờn cũ do sử dụng không cần phải may vá, không phải sợ trộm cắp, dễ dàng thực hiện khi có nhu cầu, thích hợp cho vị xuất gia làm ẩn sĩ, không được xem là vật trang sức, có ước muốn nhỏ nhoi về y phục, trạng thái thoải mái lúc sử dụng, vỏ cây đạt được dễ dàng, trạng thái thản nhiên khi y phục vỏ cây bị mất (BvsA. 76-7).
[8] Tám điều sai trái của việc cư ngụ ở ngôi nhà là: Thành tựu do nhiều công sức, việc thường xuyên quan tâm đến, cỏ, lá, đất sét, v.v..., thức giấc vào ban đêm nghĩ rằng: “Chỗ ngụ bị cũ kỹ” khiến tâm không định, cơ thể yếu đuối vì được ngăn cách với thời tiết nóng lạnh, nguyên nhân của việc che giấu điều bị chê trách (vì nghĩ rằng): “Đi vào nhà rồi có thể làm bất cứ điều gì xấu xa”, việc gìn giữ của cải (nghĩ rằng): “Cái này là của ta”, có người cùng sống chung trong nhà, có nhiều sự chung đụng với các loài rận rệp, bọ chét, thằn lằn, v.v... (BvsA. 77).
[9] Mười đức tính của việc ngụ ở cội cây là: Ít bị bận rộn, (nghĩ rằng): “Chỉ việc đi đến rồi cư ngụ”, không phạm tội lỗi do dễ dàng đạt được, thường xuyên sanh khởi sự nghĩ tưởng về vô thường khi nhìn sự biến đổi hình thức của lá cây, không bỏn xẻn về chỗ ngụ, không thuận tiện làm việc xấu xa (nghĩ rằng): “Bị xấu hổ trong khi làm điều xấu xa ở nơi ấy”, không phải gìn giữ, sống chung với chư thiên, việc từ bỏ mái che, an lạc trong việc thọ dụng, không lo lắng khi đi đến mọi nơi vì việc dễ dàng có được chỗ ngụ ở gốc cây (BvsA. 77).
[10] Đây là lời giải bày cụ thể về những điều kiện đầu tiên cần phải có của một vị Bồ-tát để đạt được sự chú nguyện (vyākaraṇa) về việc chắc chắn được thành tựu quả vị Phật Toàn Giác trong ngày vị lai: Trước hết, vị Bồ-tát phải có sự phát nguyện ban đầu (abhinīhāra), và lời phát nguyện ban đầu chỉ có hiệu quả khi nào vị Bồ-tát hội đủ tám điều kiện: 1) Bản thân là loài người; 2) Là người nam thành tựu nam căn; 3) Có chủng tử (có khả năng chứng đắc quả vị A-la-hán trong kiếp sống ấy); 4) Nhìn thấy bậc Đạo Sư (phải sanh vào lúc vị Phật đang còn tại tiền); 5) Là vị xuất gia (sống đời ẩn sĩ); 6) Hội đủ đức hạnh (chứng đắc về thiền và thần thông); 7) Có hành động hướng thượng (đến vị Phật đương thời); 8) Và có lòng ước muốn theo đuổi thực hành hạnh nguyện (Chương I, câu kệ 58). Vị Bồ-tát cần phải thể hiện hành động hướng thượng (adhikāra) đến đức Phật đương thời và được vị Phật ấy chú nguyện (I: 59-69). Kế đến, vị Bồ-tát cần quán xét về bản thân (I: 79-80) và các pháp tu tập cần phải thực hành để đạt đến quả vị Phật cao quý (I: 115-165) là: Trong thời gian dài đăng đẳng kế tiếp, trải qua không biết là bao nhiêu kiếp sống trôi nổi luân hồi, vị Bồ-tát cần phải đạt đến sự toàn hảo về mười pháp (10 pháp Ba-la-mật) là: Bố thí, trì giới, xuất ly, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ ái và hành xả. Hơn nữa, mức độ của sự thực hành mười pháp này là vị Bồ-tát phải đạt đến sự toàn hảo tối thượng (paramatthapāramī) là sẵn sàng hy sinh mạng sống bản thân để hoàn thành pháp toàn hảo ấy.
Từ câu kệ 60-69 là lời chú nguyện của đức Phật Dīpaṅkara cho Bồ-tát Sumedha. Lời chú nguyện này sẽ được 23 vị Phật kế tiếp lặp lại để chú nguyện cho vị Bồ-tát tiền thân của đức Phật Gotama.
[11] Các vị Phật đã giác ngộ ở tại gốc cây nào, giống cây ấy được gọi là cây Bồ-đề (bodhirukkha), nghĩa là cây của sự giác ngộ (Bồ-đề là từ dịch âm của bodhi có nghĩa là trí giác ngộ). Như vậy, nên hiểu rằng tên gọi cây Bồ-đề là tên gọi chung, còn mỗi cội cây Bồ-đề của từng vị Phật đều có tên gọi riêng. Ví dụ đức Phật Thích-ca đã chứng ngộ Phật quả ở dưới cội cây có tên là Assattha, đức Phật Dīpaṅkara là cội cây tên Pipphalī, đức Phật Koṇḍañña là cội cây Sāla, v.v...
[12] Dịch theo từ sẽ là: “Tuổi thọ của vị Gotama có danh tiếng ấy là 100 năm.” Vì tuổi thọ của đức Phật Gotama chỉ là 80 năm nên đã được dịch như trên.
[13] Dịch theo từ sẽ là “rồi đã nâng bàn chân phải lên” thay vì “đã hướng vai phải nhiễu quanh”. Chú giải đề cập cả hai cách dịch (BvsA. 99).
[14] Bốn lãnh vực của giới là: Thu thúc trong Giới bổn (Pātimokkha), thu thúc các giác quan, nuôi mạng thanh tịnh và liên quan đến các vật dụng (BvsA. 106).
[15] Hiện tượng nhật thực được giải thích theo truyền thuyết Ấn Độ là mặt trời bị thần Rāhu nuốt lấy. (ND)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.