Viện Nghiên Cứu Phật Học

I. ĐẠI PHM

(MAHĀVAGGO)

 

1. Khi ấy, đức Vua Milinda  đã đi đến gặp Đại đức Nāgasena, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với Đại đức Nāgasena, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống một bên. Đại đức Nāgasena cũng đã tỏ bày vẻ thân thiện, chính vì thế đã làm hài lòng tâm ý của đức Vua Milinda.

Khi ấy, đức Vua Milinda đã nói với Đại đức Nāgasena điều này:

Ngài Đại đức được nhận biết bằng cách nào? Thưa Ngài, Ngài tên gì?

− Tâu Đại vương, tôi được nhận biết là “Nāgasena”. Tâu Đại vương, các vị đồng Phạm hạnh gọi tôi là “Nāgasena”. Hơn nữa, mẹ cha đặt tên là “Nāgasena”, hoặc là “Sūrasena”, hoặc là “Vīrasena”, hoặc là “Sīhasena”. Tâu Đại vương, vả lại “Nāgasena” cũng chỉ là từ phân biệt, là tên thừa nhận, là tên quy định, là tên gọi thông thường, bởi vì không người nào được tìm thấy ở đây.

Khi ấy, đức Vua Milinda đã nói với như vầy:

− Xin quý vị năm trăm người xứ Yonaka và tám mươi ngàn vị Tỳ-khưu hãy lắng nghe trẫm. Vị Nāgasena này đã nói như vầy: “Bởi vì không người nào được tìm thấy ở đây.” Vậy có hợp lý để chấp nhận điều ấy không?

Khi ấy, đức Vua Milinda đã nói với Đại đức Nāgasena điều này:

− Thưa Ngài Nāgasena, nếu không người nào được tìm thấy, vậy thì ai bố thí y phục vật thực chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh cho Ngài? Ai thọ dụng vật ấy? Ai trì giới? Ai gắn bó với sự tu tập? Ai chứng ngộ Đạo, Quả và Niết-bàn? Ai sát hại mạng sống? Ai lấy vật không được cho? Ai tà hạnh trong các dục? Ai nói dối? Ai uống chất lên men? Ai gây nên năm nghiệp vô gián? Như thế thì không có thiện, không có bất thiện, không có người làm hoặc người sai bảo làm đối với các nghiệp thiện và bất thiện. Không có sự thành tựu quả đối với các nghiệp đã được làm tốt hoặc đã được làm xấu. Thưa Ngài Nāgasena, nếu có người giết chết Ngài thì người ấy cũng không có tội giết hại mạng sống. Thưa Ngài Nāgasena, Ngài cũng không có thầy dạy học, không có thầy tế độ, không có sự tu lên bậc trên, điều Ngài nói rằng: “Tâu Đại vương, các vị đồng Phạm hạnh gọi tôi là Nāgasena”, vậy ở đây cái gì là Nāgasena? Thưa Ngài, có phải các sợi tóc là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Có phải các sợi lông là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Có phải các móng (tay chân)… (nt)… các răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, thực phẩm chưa tiêu, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, bộ não ở đầu là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Thưa Ngài, có phải sắc là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Có phải thọ là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Có phải tưởng là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Có phải các hành là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Có phải thức là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Thưa Ngài, vậy thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Thưa Ngài, vậy thì trừ ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Nāgasena?

− Tâu Đại vương, không phải.

− Thưa Ngài, trong khi lần lượt hỏi về điều ấy mà trẫm vẫn không thấy ra được Nāgasena. Thưa Ngài, chẳng lẽ âm thanh lại là Nāgasena? Vậy thì ở đây, người nào là Nāgasena? Thưa Ngài, Ngài nói không có Nāgasena là điều không thật, là lời dối trá.

Khi ấy, Đại đức Nāgasena đã nói với đức Vua Milinda điều này:

− Tâu Đại vương, Đại vương quả là có sự thanh lịch của dòng dõi Sát-đế-lỵ, có sự thanh lịch tột bực. Tâu Đại vương, đối với Bệ hạ đây trong lúc dẫm đạp lên các miểng chai, đá, cát sần sùi ở lớp cát nóng của mặt đất hừng hực và đi bộ vào lúc giữa trưa, hẳn nhiên các bàn chân đau nhức, thân mệt nhọc, tâm bị lui sụt, thân thức gắn liền với khổ sanh khởi. Vậy thì Bệ hạ đi đến bằng chân, hay bằng xe cộ?

− Thưa Ngài, trẫm không đi đến bằng chân, trẫm đi đến bằng cỗ xe.

− Tâu Đại vương, nếu Bệ hạ đi đến bằng cỗ xe, xin Bệ hạ hãy chỉ cỗ xe cho tôi. Tâu Đại vương, có phải cái gọng là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Có phải cái trục là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Có phải các bánh xe là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Có phải thùng xe là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Có phải thanh chống là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Có phải cái ách là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Có phải dây cương là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Có phải gậy thúc là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Tâu Đại vương, vậy có phải gọng, trục, bánh xe, thùng xe, thanh chống, ách, dây cương, gậy thúc là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Tâu Đại vương, vậy thì trừ ra gọng, trục, bánh xe, thùng xe, thanh chống, ách, dây cương, gậy thúc là cỗ xe?

− Thưa Ngài, không phải.

− Tâu Đại vương, trong khi lần lượt hỏi về điều ấy mà tôi vẫn không thấy ra được cỗ xe. Tâu Đại vương, chẳng lẽ âm thanh lại là cỗ xe? Vậy thì ở đây cái gì là cỗ xe? Tâu Đại vương, Đại vương nói không có cỗ xe là điều không thật, là lời dối trá. Tâu Đại vương, Đại vương là vị vua tối cao của toàn cõi xứ Jambudīpa, tại sao Đại vương lại sợ hãi và nói lời dối trá? Xin quý vị năm trăm người xứ Yonaka và tám mươi ngàn vị Tỳ-khưu hãy lắng nghe tôi. Đức Vua Milinda này đã nói như vầy: “Trẫm đi đến bằng cỗ xe.” Trong khi được nói rằng: “Tâu Đại vương, nếu Bệ hạ đi đến bằng cỗ xe, xin Bệ hạ hãy chỉ cỗ xe cho tôi” thì không trình ra được cỗ xe. Vậy có hợp lý để chấp nhận điều ấy không?

Khi được nói như vậy, năm trăm người xứ Yonaka đã tán thưởng Đại đức Nāgasena bằng tiếng: “Lành thay!”, rồi đã nói với đức Vua Milinda điều này: “Tâu Đại vương, lúc này trong khi Đại vương có khả năng, xin Đại vương hãy nói.”

Khi ấy, đức Vua Milinda đã nói với Đại đức Nāgasena điều này:

− Thưa Ngài Nāgasena, trẫm không nói lời dối trá. Do cái gọng, do cái trục, do các bánh xe, do thùng xe, do thanh chống mà có được từ phân biệt, tên thừa nhận, tên quy định, tên gọi thông thường là “cỗ xe”.

− Tâu Đại vương, thật tốt đẹp thay, Đại vương nhận ra được cỗ xe. Tâu Đại vương, cũng tương tợ y như thế đối với tôi, do các sợi tóc, do các sợi lông,… (nt)… do bộ não, do sắc, do thọ, do tưởng, do các hành, do thức mà có được từ phân biệt, tên thừa nhận, tên quy định, tên thông thường là “Nāgasena”. Tuy nhiên, theo ý nghĩa rốt ráo thì không người nào được tìm thấy ở đây. Tâu Đại vương, điều này cũng đã được Tỳ-khưu-ni Vajirā nói lên trong sự hiện diện của đức Thế Tôn rằng:

Giống y như việc ráp chung lại các bộ phận thì có tiếng gọi là cỗ xe, tương tợ như vậy khi các uẩn hiện diện thì có sự công nhận là con người.

− Thưa Ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa Ngài Nāgasena, thật là phi thường! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày. Nếu đức Phật còn tại tiền thì Ngài cũng tán thưởng bằng tiếng: “Lành thay!” Này Nāgasena, thật tốt đẹp thay, thật tốt đẹp thay! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày.

2. Thưa Ngài Nāgasena, Ngài được bao nhiêu năm tu?

− Tâu Đại vương, tôi được bảy năm tu.

− Thưa Ngài, bảy đó là gì? Ngài là bảy hay sự tính đếm là bảy?

Vào lúc bấy giờ, đức Vua Milinda đã được chưng diện với mọi thứ trang sức, đã được trang điểm và phục sức, có bóng (chiếu xuống) được nhìn thấy ở mặt đất, có bóng (chiếu xuống) được nhìn thấy ở chậu nước nữa. Khi ấy, Đại đức Nāgasena đã nói với đức Vua Milinda điều này:

− Tâu Đại vương, cái bóng này của Đại vương được nhìn thấy ở mặt đất và ở chậu nước. Tâu Đại vương, thế thì Đại vương [đây] là đức vua hay cái bóng là đức vua?

− Thưa Ngài Nāgasena, trẫm [đây] là đức vua, cái bóng này không phải là đức vua. Tuy nhiên, nương vào trẫm [đây] mà có được cái bóng.

− Tâu Đại vương, tương tợ y như thế, việc tính đếm các năm tu là bảy, tôi [đây] không phải là bảy. Tuy nhiên, nương vào tôi [đây] mà có được con số bảy. Tâu Đại vương, Đại vương hãy hiểu như ví dụ về cái bóng.

− Thưa Ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa Ngài Nāgasena, thật là phi thường! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày.

3. Đức Vua đã nói rằng:

Thưa Ngài Nāgasena, Ngài sẽ trò chuyện với trẫm phải không?

− Tâu Đại vương, nếu Đại vương trò chuyện theo lối nói của bậc trí thì tôi sẽ trò chuyện. Tuy nhiên, nếu Đại vương trò chuyện theo lối nói của vị vua thì tôi sẽ không trò chuyện.

− Thưa Ngài Nāgasena, các bậc trí trò chuyện như thế nào?

− Tâu Đại vương, trong cuộc trò chuyện của các bậc trí thì việc gây rối cũng được làm, việc tháo gỡ cũng được làm, việc phê bình cũng được làm, việc công kích cũng được làm, nói khác đi cũng được làm, nói trái ngược cũng được làm, và không vì thế mà các bậc trí bực bội. Tâu Đại vương, các bậc trí trò chuyện là như vậy.

− Thưa Ngài Nāgasena, thế còn các vị vua trò chuyện như thế nào?

− Tâu Đại vương, trong cuộc trò chuyện các vị vua thông báo một sự việc. Ai không ưng thuận sự việc ấy, các vị vua ra lệnh hình phạt người ấy: “Các khanh hãy ban hình phạt cho kẻ này.” Tâu Đại vương, các vị vua trò chuyện là như vậy.

− Thưa Ngài, trẫm sẽ trò chuyện theo lối nói của bậc trí, không theo lối nói của vị vua. Xin Ngài Đại đức hãy yên tâm trò chuyện. Ngài trò chuyện với Tỳ-khưu, với Sa-di, với nam cư sĩ, hoặc với người hộ tự như thế nào, xin Ngài Đại đức hãy yên tâm trò chuyện như thế, chớ lo sợ.

− Tâu Đại vương, thật tốt lắm.

Vị Trưởng lão đã tán thành.

Đức Vua đã nói rằng:

− Thưa Ngài Nāgasena, trẫm sẽ hỏi.

− Tâu Đại vương, xin hãy hỏi.

− Thưa Ngài, Ngài đã được trẫm hỏi rồi.

− Tâu Đại vương, đã được trả lời rồi.

− Thưa Ngài, vậy chớ điều gì đã được Ngài trả lời?

− Tâu Đại vương, vậy chớ điều gì đã được Đại vương hỏi?

4. Khi ấy, đức Vua Milinda đã khởi ý điều này: “Vị Tỳ-khưu này quả là sáng trí, có năng lực để trò chuyện với ta, và ta có nhiều sự việc cần phải hỏi. Cho đến khi các sự việc ấy còn chưa được hỏi xong thì mặt trời sẽ lặn, có lẽ ta nên trò chuyện vào ngày mai ở nội cung.”

Khi ấy, đức vua đã nói với Devamantiya điều này: “Này Devamantiya, như vậy thì khanh có thể thông báo cho Ngài Đại đức rằng: ‘Ngày mai sẽ có cuộc trò chuyện với đức vua ở nội cung.’” Nói xong điều này, đức Vua Milinda đã rời chỗ ngồi đứng dậy, chào hỏi Nāgasena, leo lên ngựa, rồi ra đi trong khi còn đang lẩm nhẩm “Nāgasena, Nāgasena”.

Sau đó, Devamantiya đã nói với Đại đức Nāgasena điều này:

− Thưa Ngài, đức Vua Milinda đã nói như vầy: “Ngày mai sẽ có cuộc trò chuyện ở nội cung.”

− Thật tốt lắm.

Vị Trưởng lão đã tán thành.

Sau đó, vào cuối đêm ấy, Devamantiya, Anantakāya, Maṅkura và Sabbadinna đã đi đến gặp đức Vua Milinda, sau khi đến đã nói với đức Vua Milinda điều này:

− Tâu Đại vương, có phải Ngài Đại đức Nāgasena sẽ đến?

− Đúng vậy, hãy để Ngài đến.

− Hãy để Ngài đến cùng với bao nhiêu vị Tỳ-khưu?

− Ngài muốn bao nhiêu vị Tỳ-khưu thì hãy để Ngài đến cùng với bấy nhiêu vị Tỳ-khưu.

Khi ấy, Sabbadinna đã nói rằng:

− Tâu Đại vương, hãy để Ngài đến cùng với mười vị Tỳ-khưu.

Đến lần thứ nhì, đức Vua Milinda đã nói rằng:

− Ngài muốn bao nhiêu vị Tỳ-khưu thì hãy để Ngài đến cùng với bấy nhiêu vị Tỳ-khưu.

Đến lần thứ nhì, Sabbadinna đã nói rằng:

− Tâu Đại vương, hãy để Ngài đến cùng với mười vị Tỳ-khưu.

Đến lần thứ ba, đức Vua Milinda đã nói rằng:

− Ngài muốn bao nhiêu vị Tỳ-khưu thì hãy để Ngài đến cùng với bấy nhiêu vị Tỳ-khưu.

Đến lần thứ ba, Sabbadinna đã nói rằng:

− Tâu Đại vương, hãy để Ngài đến cùng với mười vị Tỳ-khưu.

− Tất cả việc tôn vinh này đã được chuẩn bị nên trẫm nói rằng: “Ngài muốn bao nhiêu vị Tỳ-khưu thì hãy để Ngài đến cùng với bấy nhiêu vị Tỳ-khưu.” Này các khanh, Sabbadinna này lại nói khác đi. Chẳng lẽ chúng ta không có khả năng để dâng cơm đến các Tỳ-khưu?

Khi được nói như vậy, Sabbadinna đã xấu hổ. Sau đó, Devamantiya, Anantakāya và Maṅkura đã đi đến gặp Đại đức Nāgasena, sau khi đến đã nói với Đại đức Nāgasena điều này:

− Thưa Ngài, đức Vua Milinda đã nói như vầy: “Ngài muốn bao nhiêu vị Tỳ-khưu thì hãy để Ngài đến cùng với bấy nhiêu vị Tỳ-khưu.”

Sau đó, Đại đức Nāgasena vào buổi sáng sớm đã mặc y, cầm lấy bình bát và y rồi cùng với tám mươi ngàn vị Tỳ-khưu đã đi vào thành Sāgala. Lúc ấy, Anantakāya khi đang đi gần Đại đức Nāgasena đã nói với Đại đức Nāgasena điều này:

− Thưa Ngài Nāgasena, điều mà tôi gọi là “Nāgasena”, ở đây cái gì là Nāgasena?

Vị Trưởng lão đã nói rằng:

− Ngươi suy nghĩ xem “ở đây ai là Nāgasena?”

− Thưa Ngài, sự sống, tức là gió ở bên trong, đi vào rồi đi ra, tôi nghĩ rằng “cái ấy là Nāgasena.”

− Vậy nếu gió ấy đi ra rồi không đi vào, hoặc đi vào rồi không đi ra, thì người ấy còn sống không?

− Thưa Ngài, không.

− Những người thổi tù và vỏ ốc, khi thổi tù và vỏ ốc thì gió của họ có đi vào lại không?

− Thưa Ngài, không.

− Những người thổi sáo, khi thổi sáo thì gió của họ có đi vào lại không?

− Thưa Ngài, không.

− Những người thổi tù và sừng trâu, khi thổi tù và sừng trâu thì gió của họ có đi vào lại không?

− Thưa Ngài, không.

− Thế thì tại sao họ lại không chết đi?

− Thưa Ngài, tôi không có khả năng để trò chuyện với nhà diễn thuyết như Ngài. Thưa Ngài, lành thay xin Ngài nói về ý nghĩa.

− Cái ấy không phải là sự sống. Hơi thở vào hơi thở ra, những cái này gọi là thân hành.

Vị Trưởng lão đã thuyết giảng về Vi diệu pháp, rồi Anantakāya đã tuyên bố mình trở thành người cận sự nam.

5. Sau đó, Đại đức Nāgasena đã đi đến nơi trú ngụ của đức Vua Milinda, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Khi ấy, đức Vua Milinda đã tự tay làm hài lòng, toại ý Đại đức Nāgasena và hội chúng với thức ăn hảo hạng loại cứng, loại mềm, rồi đã dâng mỗi một vị Tỳ-khưu mỗi một xấp vải đôi, đã dâng Đại đức Nāgasena với ba y, rồi đã nói với Đại đức Nāgasena điều này:

− Thưa Ngài Nāgasena, xin Ngài hãy ngồi lại đây cùng với mười vị Tỳ-khưu, hãy cho các vị còn lại đi về.

Sau đó, biết được Đại đức Nāgasena đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, đức Vua Milinda đã cầm lấy một chiếc ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức Vua Milinda đã nói với Đại đức Nāgasena điều này:

− Thưa Ngài Nāgasena, cuộc trao đổi trò chuyện là về điều gì?

− Tâu Đại vương, chúng ta là những người có sự mong cầu về mục đích, vậy hãy là cuộc trao đổi trò chuyện thuần về mục đích.

Đức Vua đã nói rằng:

Thưa Ngài Nāgasena, sự xuất gia của Ngài là với mục đích gì? Và mục đích tối hậu của Ngài là gì?

Vị Trưởng lão đã nói rằng:

− Tâu Đại vương, làm cách nào để cho khổ này diệt và khổ khác không thể sanh lên? Tâu Đại vương, sự xuất gia của chúng tôi là với mục đích ấy. Còn mục đích tối hậu của chúng tôi là Niết-bàn không còn chấp thủ.

− Thưa Ngài Nāgasena, có phải tất cả đều xuất gia với mục đích này?

− Tâu Đại vương, không hẳn. Một số xuất gia với mục đích này. Một số xuất gia vì sợ hãi đức vua. Một số xuất gia vì sợ hãi kẻ đạo tặc. Một số xuất gia vì bị hành hạ bởi nợ nần. Một số xuất gia vì mục đích nuôi mạng. Những người nào xuất gia chân chánh, những người ấy xuất gia với mục đích này.

− Thưa Ngài, có phải Ngài đã xuất gia với mục đích này?

− Tâu Đại vương, tôi đã xuất gia khi còn là một cậu bé. Tôi không biết là “tôi xuất gia với mục đích này.” Tuy nhiên, tôi đã khởi ý như vầy: “Các vị Sa-môn Thích tử này là các bậc trí. Các vị sẽ cho ta học tập.” Tôi đây đã được học tập với họ, tôi biết và nhận thức rằng: “Sự xuất gia là với mục đích này.”

− Thưa Ngài Nāgasena, Ngài thật khôn khéo.

6. Đức Vua đã nói rằng:

Thưa Ngài Nāgasena, có người nào chết mà không tái sanh?

Vị Trưởng lão đã nói rằng:

− Tâu Đại vương, có người tái sanh, có người không tái sanh.

− Người nào tái sanh? Người nào không tái sanh?

− Tâu Đại vương, người còn phiền não tái sanh. Người không còn phiền não không tái sanh.

− Thưa Ngài, có phải Ngài sẽ tái sanh?

− Tâu Đại vương, nếu tôi còn chấp thủ, tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ, tôi sẽ không tái sanh.

− Thưa Ngài Nāgasena, Ngài thật khôn khéo.

7. Đức Vua đã nói rằng:

Thưa Ngài Nāgasena, người nào không tái sanh, chẳng lẽ người ấy không tái sanh do tác ý đúng đường lối?

− Tâu Đại vương, do tác ý đúng đường lối, do tuệ và do các thiện pháp khác.

− Thưa Ngài, chẳng lẽ tác ý đúng đường lối chính là tuệ?

− Tâu Đại vương, không phải. Tác ý đúng đường lối là cái khác, tuệ là cái khác. Tâu Đại vương, đối với hai pháp này, thì các loài dê, cừu, bò, trâu, lạc đà, lừa có sự tác ý, tuy nhiên chúng không có tuệ.

− Thưa Ngài Nāgasena, Ngài thật khôn khéo.

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.