Tam tạng Thánh điển PGVN 09 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 09»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 5
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
VI. PHẨM NHỆN (MAKKAṬAKAVAGGO)
1. − Thưa Ngài Nāgasena, điều mà Ngài nói là: “Ba tính chất của cây cối nên được hành trì”, ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?
− Tâu Đại vương, giống như cây cối có sự đơm hoa kết trái. Tâu Đại vương, tương tợ y như thế, vị hành giả thiết tha tu tập có sự đơm hoa là sự giải thoát và kết trái là bản thể Sa-môn. Tâu Đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của cây cối nên được hành trì.
2. Tâu Đại vương, còn có điều khác nữa, cây cối cung cấp bóng che cho những người đã đi đến và đã tiến vào. Tâu Đại vương, tương tợ y như thế, vị hành giả thiết tha tu tập nên tiếp đón với sự tiếp đón về vật chất hoặc là với sự tiếp đón về giáo pháp đối với những cá nhân đã đi đến và đã tiến vào. Tâu Đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của cây cối nên được hành trì.
3. Tâu Đại vương, còn có điều khác nữa, cây cối không làm sự phân biệt về bóng che. Tâu Đại vương, tương tợ y như thế, vị hành giả thiết tha tu tập không nên làm sự phân biệt đối với tất cả chúng sanh, nên thể hiện sự tu tập về từ ái thật sự bình đẳng đối với những kẻ trộm cướp, những kẻ phá hoại, những kẻ đối nghịch, cũng như đối với bản thân rằng: “Làm cách nào để các chúng sanh này có thể gìn giữ bản thân, không có thù oán, không có hãm hại, không có phiền phức, có sự an vui.” Tâu Đại vương, điều này là tính chất thứ ba của cây cối nên được hành trì. Tâu Đại vương, điều này cũng đã được Trưởng lão Sāriputta, vị Tướng quân Chánh pháp nói đến:
“Trong trường hợp kẻ phá hoại Devadatta, kẻ cướp có xâu chuỗi bằng ngón tay, con voi Dhanapāla và luôn cả [người con trai] Rāhula, bậc Hiền trí là bình đẳng trong mọi trường hợp.”
“Câu hỏi về tính chất của cây cối” là thứ năm.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.