Tam tạng Thánh điển PGVN 09 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 09»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 5
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
XLII. PHẨM BHADDĀLI(BHADDĀLIVAGGO)
4373. Tôi đã là người bán thịt heo ở thành phố Bandhumatī. Sau khi nấu chín phổi và lòng, tôi trộn chung vào món thịt ngọt.
4374. Tôi đã đi đến nơi tụ hội [của các vị Tỳ-khưu] và đã nhận lấy một bình bát. Sau khi chứa đầy bình bát ấy, tôi đã dâng lên hội chúng Tỳ-khưu.
4375. Khi ấy, vị Tỳ-khưu trưởng lão lớn nhất tại nơi ấy đã chúc phúc cho tôi rằng: “Với sự đầy đặn của bình bát này, mong rằng, con sẽ đạt được sự an lạc sung mãn.
4376. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, con sẽ thọ hưởng hai sự thành tựu [trời, người], trong khi kiếp cuối cùng đang hiện hữu, con sẽ thiêu đốt các phiền não.”
4377. Tại đó, sau khi làm cho tâm được tịnh tín, tôi đã đi đến cõi trời Đạo-lợi. Tại nơi ấy, tôi có thức ăn, tôi có nước uống và tôi đạt được sự an lạc sung mãn.
4378. Khi ở mái che hoặc ở gốc cây, tôi đã nhớ lại việc làm trước đây. Ngay lập tức có trận mưa về cơm ăn và nước uống đổ xuống cho tôi.
4379. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Ngay cả ở đây, cơm ăn và nước uống đổ mưa xuống cho tôi trong mọi thời điểm.
4380. Do chính sự dâng cúng thịt ấy, sau khi trải qua các kiếp sống, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
4381. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báo của việc dâng cúng thịt ngọt.
4382. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc, như là con voi đực [đã được cởi trói], tôi sống không còn lậu hoặc.
4383. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4384. Bốn [tuệ] phân tích, tám giải thoát và sáu thắng trí đã được [tôi] đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức Trưởng lão Madhumaṃsadāyaka[1] đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
“Ký sự về Trưởng lão Madhumaṃsadāyaka” là phần thứ tư.
[1]Madhumaṃsadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) thịt (maṃsa) ngọt (madhu).”
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.