Viện Nghiên Cứu Phật Học

I. SỰ TOÀN HẢO VỀ BỐ THÍ
(DĀNAPĀRAMITĀ)

 

3. HẠNH CỦA [ĐỨC BỒ-TÁT] KURUDHAMMA (Kurudhammacariyaṃ)[1]

 

20. Vào một thời điểm khác nữa, khi Ta là vị vua tên Dhanañjaya ở tại kinh thành Indapattha và được thuần thục về mười thiện nghiệp.

21. Những người Bà-la-môn từ lãnh thổ vương quốc Kaliṅga đã đi đến gặp Ta. Họ đã cầu xin Ta con long tượng được xem là biểu hiện của sự thịnh vượng và may mắn.

22. [Họ đã nói rằng:] “Xứ sở chúng tôi không có mưa, thức ăn hiếm hoi, đói kém trầm trọng. Xin Ngài hãy ban cho con hắc long tượng cao quý có tên là Añjana.”

23. [Ta nghĩ rằng:] “Đối với Ta, khi có được người cầu xin thì sự từ chối là điều không đúng đắn. Sự thọ trì của Ta chớ có bị đổ vỡ. Ta sẽ bố thí con voi vĩ đại.”

24. Sau khi nắm lấy con voi ở chiếc ngà và rưới nước từ chiếc bình làm bằng ngọc quý lên bàn tay, Ta đã cho con voi đến các vị Bà-la-môn.

25. Khi con voi ấy đã được cho đi, các quan đại thần đã nói điều này: “Sao Ngài lại cho con voi quý báu của Ngài đến những kẻ cầu xin?

26. Con voi là tối ưu trong việc chiến thắng ở trận tiền, được thành tựu sự thịnh vượng và may mắn. Khi con voi ấy đã được cho đi thì cái gì sẽ vận hành vương quốc của Ngài?”

27. Ta có thể bố thí luôn cả toàn bộ vương quốc của Ta. Ta có thể bố thí cả thân mạng của mình. Ðối với Ta, quả vị Toàn tri là yêu quý; vì thế Ta đã bố thí con long tượng.

 

“Hạnh của [đức Bồ-tát] Kurudhamma” là phần thứ ba.

 

Chú thích :

[1] Bổn sanh “Tập quán xứ Kuru” (Kurudhammajātakaṃ), số 276, TTPV, tập 32. (ND)

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.