Tam tạng Thánh điển PGVN 09 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 09»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 5
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
1. Sau khi ra sức nỗ lực, Ta đã đạt được quả vị Toàn giác tối thượng trở thành đấng Toàn Giác Gotama trong thời hiện tại và là sự vinh hiển của dòng họ Sākya (Thích-ca).
2. Được đấng Phạm thiên thỉnh cầu, Ta đã chuyển vận bánh xe Chánh pháp. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là mười tám koṭi (một trăm tám chục triệu) vị.
3. Sau đó vào dịp khác, trong khi đang thuyết giảng ở cuộc tụ hội của loài người và chư thiên, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là không thể nói được bằng cách tính đếm.
4. Trong thời hiện tại, Ta đã giáo giới người con trai của Ta ngay ở nơi đây; đã có sự lãnh hội lần thứ ba là không thể nói được bằng cách tính đếm.
5. Ta đã có một lần tụ hội gồm các vị Thinh văn đại ẩn sĩ. Đã có cuộc hội tụ của một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-khưu.
6. Sáng chói không ô nhiễm ở giữa hội chúng Tỳ-khưu, Ta đã ban phát tất cả các điều đã được mong mỏi,[1] tương tợ như ngọc ma-ni ban cho mọi điều ước muốn.
7. Vì lòng thương tưởng chúng sanh, Ta đã giảng giải bốn chân lý đến những người tầm cầu sự dứt bỏ lòng mong muốn tái sanh và đang ước ao [Thánh] quả.
8. Đã có sự lãnh hội giáo pháp của mười ngàn, hai mươi ngàn. Sự lãnh hội của một hoặc hai người là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
9. Ở đây, giáo lý của Ta, của đấng Hiền Triết dòng Sākya, là khéo được thanh lọc, phổ biến đến nhiều người, có kết quả, phong phú, đã được nở rộ bông hoa.
10. Hàng trăm vị Tỳ-khưu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm thanh tịnh, định tĩnh; tất cả luôn quây quần xung quanh Ta.
11. Giờ đây trong thời hiện tại, những vị nào buông bỏ sự tái sanh trong cõi người [nhưng] tâm ý chưa đạt,[2] [còn] là các bậc Hữu học, những vị Tỳ-khưu ấy bị bậc trí chê trách.
12. Những người ca ngợi đạo lộ của các bậc Thánh nhân, luôn luôn thỏa thích trong giáo pháp, có niệm, là những người sẽ được giác ngộ dầu còn bị xuôi dòng chảy luân hồi.
13. Thành phố của Ta là Kapilavatthu, người cha là đức Vua Suddhodana, người mẹ sanh ra Ta gọi là Hoàng hậu Māyā.
14. Ta đã sống đời sống gia đình trong hai mươi chín năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Ramma, Suramma, Subhaka.
15. Có bốn mươi ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Bhaddakaccānā. Con trai tên là Rāhula.
16. Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, Ta đã ra đi bằng phương tiện ngựa và đã thực hành hạnh nỗ lực trong sáu năm là việc khó thực hành được.
17. Ta là bậc Toàn Giác Gotama, đấng Chiến Chắng đã chuyển vận bánh xe [Chánh pháp] tại Isipatana, thành Bārāṇasī và là nơi nương nhờ của tất cả chúng sanh.
18. Hai vị Tỳ-khưu Kolita và Upatissa là [hai vị] Thinh văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda luôn hiện diện bên cạnh Ta.
19. Tỳ-khưu-ni Khemā và Uppalavaṇṇā là [hai vị] nữ Thinh văn hàng đầu. Citta và Haṭṭhāḷavaka là [hai] nam cư sĩ thí chủ hộ độ hàng đầu.
20. Nandamātā và Uttarā là [hai] nữ cư sĩ thí chủ hộ độ hàng đầu. Ta đã đạt đến quả vị Toàn giác tối thượng ở cội cây Assattha.
21. Ánh sáng hào quang của Ta luôn luôn vươn cao mười sáu cánh tay (tám mét). Vào thời hiện tại của Ta lúc bấy giờ, tuổi thọ được biết là ít ỏi [chỉ] một trăm năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, Ta đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
22. Sau khi thiết lập ngọn đuốc Chánh pháp và sự giác ngộ cho chúng sanh sau này, cũng chẳng bao lâu nữa Ta cùng với hội chúng Thinh văn sẽ viên tịch Niết-bàn ở ngay tại nơi này, như là ngọn lửa cạn nguồn nhiên liệu.
23. Các oai lực vô song ấy,[3] mười lực và các thần thông này, và đây là cơ thể chứa đựng các đức hạnh được tô điểm với ba hai tướng trạng cao quý.
24. Sau khi chiếu sáng khắp mười phương tợ như mặt trời với các hào quang sáu loại, tất cả sẽ hoàn toàn biến mất; phải chăng tất cả các hành là trống không?
“Lịch sử đức Phật Gotama” là phần thứ hai mươi lăm.
Chú thích
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.