Viện Nghiên Cứu Phật Học

VII. SỰ TOÀN HẢO VỀ HÀNH XẢ

(UPEKKHĀPĀRAMITĀ)

15. HẠNH CỦA [ĐỨC BỒ-TÁT] MAHĀLOMAHAṂSA (Mahālomahaṃsacariyaṃ)[1]

359. Ta nằm ở trong bãi tha ma tựa vào bộ xương người chết. Đám trẻ con nhà quê đã đi đến và đã phô diễn hình thức [khuấy rối] không phải là ít.

360. Các đứa khác mừng rỡ, với tâm trí phấn chấn, mang lại các quà tặng là hương thơm, vòng hoa và vô số thực phẩm các loại.

361. Ta đều bình đẳng đối với tất cả những ai gây ra khổ đau cho Ta cũng như những ai đem lại cho Ta an lạc; thương và giận đều không được biết đến.

362. Là thăng bằng giữa an lạc và khổ đau, giữa các danh thơm và những tiếng xấu, Ta đều bình đẳng trong mọi trường hợp; điều này là sự toàn hảo về hành xả của Ta.

“Hạnh của [đức Bồ-tát] Mahālomahaṃsa” là phần thứ mười lăm.

Dứt phần sự toàn hảo về hành xả.

BÀI KỆ TÓM TẮT

363. Chuyện Yudhañjaya, chuyện Somanassa, chuyện Ayoghara [ngôi nhà sắt], chuyện Bhisa, chuyện Soṇa và Nanda, chuyện Mūgapakkha [Temiya], chuyện con khỉ chúa và chuyện vị [đạo sĩ] tên Sacca.

364. Chuyện chim cút con, chuyện vua cá, chuyện ẩn sĩ Kaṇhadīpāyana, lại nữa Ta đã là Sutasoma, Sāma, và Ekarājā, và đã có sự toàn hảo về hành xả; như thế đã được thuyết giảng bởi vị Đại Ẩn Sĩ.

365. Sau khi kinh nghiệm khổ đau dưới nhiều hình thức và thành công với nhiều thể loại ở lần tái sanh này đến lần tái sanh khác như thế, Ta đã đạt đến quả vị Toàn giác tối thượng.

366. Sau khi bố thí những gì cần được bố thí, sau khi làm viên mãn giới hạnh không thiếu sót, sau khi đạt đến sự toàn hảo về xuất ly, Ta đã đạt đến quả vị Toàn giác tối thượng.

367. Sau khi đã vấn hỏi các bậc hiền trí, sau khi đã thể hiện sự tinh tấn tối thượng, sau khi đã đạt đến sự toàn hảo về nhẫn nại, Ta đã đạt đến quả vị Toàn giác tối thượng.

368. Sau khi đã thực hành sự quyết định vững chắc, sau khi đã hộ trì lời nói chân thật, sau khi đã đạt đến sự toàn hảo về từ ái, Ta đã đạt đến quả vị Toàn giác tối thượng.

369. Ðối với lợi lộc và không lợi lộc, đối với danh thơm và tiếng xấu, đối với sự kính trọng và chê bai, sau khi đã là bình đẳng trong mọi trường hợp, Ta đã đạt đến quả vị Toàn giác tối thượng.

370. Sau khi thấy được sự biếng nhác là nguy hiểm và việc khởi sự tinh tấn là an toàn, hãy nỗ lực tinh tấn; đây là lời giáo huấn của chư Phật.

371. Sau khi thấy được sự tranh cãi là nguy hiểm và sự không tranh cãi là an toàn, hãy hợp nhất, thân thiện; đây là lời giáo huấn của chư Phật.

372. Sau khi thấy được sự dể duôi là nguy hiểm và sự không dể duôi là an toàn, hãy tu tập đạo lộ tám chi phần; đây là lời giáo huấn của chư Phật.[2]

Phẩm Yudhañjaya là thứ ba.

Ở đây, trong khi trình bày về phẩm hạnh quá khứ của bản thân, đức Thế Tôn đã thuyết giảng về bản thể của giáo pháp có tên là Buddhāpadāniyaṃ.[3]

HẠNH TẠNG ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ.

 

[1] Có thể liên quan đến Bổn sanh “Rởn lông” (Lomahaṃsajātakaṃ), số 94, TTPV, tập 32. (ND)

[2] Câu kệ 372 không có ở tạng Tích Lan, nhưng được thấy ở tạng Thái Lan, Miến Điện, PTS:

Pamādaṃ bhayato disvā, appamādañca khemato

bhāvethaṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ esā buddhānusāsanī.

[3] Buddhāpadāniyaṃ là đề tài được thuyết giảng, là đề tài được trình bày có liên quan đến công hạnh khó làm thuộc thời xa xưa, nghĩa là việc làm quá khứ của chư Phật (CpA. 335).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.