Viện Nghiên Cứu Phật Học

1. LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT DĪPAṄKARA

(DĪPAṄKARABUDDHAVAṂSO)

 

1. Lúc bấy giờ, sau khi đã dâng vật thực đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng [Tỳ-khưu], họ đã đi đến nương nhờ [quy y] bậc Đạo Sư Dīpaṅkara ấy.

2. Đức Như Lai đã an trú người này vào việc đi đến nương nhờ [quy y], người kia vào năm giới, người khác vào mười giới.

3. Ngài ban cho vị này tư cách Sa-môn trong bốn quả vị tối thượng. Ngài ban cho vị kia tuệ phân tích thuộc về các pháp không gì sánh kịp.

4. Đấng Nhân Ngưu ban cho người này tám tầng thiền quý báu, ban tặng cho người kia ba minh, sáu thắng trí (lục thông).

5. Bậc Đại Hiền Triết ấy đã giáo huấn đám đông bằng phương thức ấy. Nhờ vậy, giáo pháp của đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã được phổ biến rộng rãi.

6. Vị có tên Dīpaṅkara, có quai hàm lớn vai rộng, giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua, giúp cho họ hoàn toàn thoát khỏi khổ cảnh.

7. Sau khi nhìn thấy chúng sanh có thể giác ngộ dầu ở cách trăm ngàn do-tuần, bậc Đại Hiền Triết đi đến trong khoảnh khắc và giác ngộ người ấy.

8. Trong sự lãnh hội lần thứ nhất, đức Phật đã giác ngộ một trăm koṭi (một tỷ) vị. Trong sự lãnh hội lần thứ nhì, bậc Lãnh Đạo đã giác ngộ chín mươi koṭi (chín trăm triệu) vị.

9. Và khi đức Phật thuyết giảng giáo pháp ở tại cung trời, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của chín mươi ngàn koṭi (chín trăm tỷ) vị.

10. Bậc Đạo Sư Dīpaṅkara có ba lần tụ hội. Cuộc tụ hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi (một ngàn tỷ, một triệu triệu) vị.

11. Hơn nữa, khi đấng Chiến Thắng sống biệt cư tại đỉnh núi Nārada, một trăm koṭi bậc Lậu tận không còn ô nhiễm đã tụ hội lại.

12. Vào thời gian đấng Đại Hùng ngự ở ngọn núi Sudassana, bậc Đại Hiền Triết đã hành lễ Pavāraṇā[1] với chín mươi ngàn koṭi vị.

13. Vào lúc bấy giờ, Ta là đạo sĩ bện tóc có khổ hạnh cao tột, đi lại ở trên không trung, toàn hảo về năm thắng trí.

14. Đã có sự lãnh hội giáo pháp của mười ngàn, hai mươi ngàn vị. Sự lãnh hội của một hai vị là không kể đến theo cách thức tính toán.

15. Khi ấy, giáo pháp vô cùng thanh tịnh của đức Thế Tôn Dīpaṅkara đã được phát triển, thành công, và phổ biến rộng rãi đến số đông người.

16. Bốn trăm ngàn vị Lục thông có đại thần lực luôn luôn tề tựu xung quanh bậc Thông Suốt Thế Gian Dīpaṅkara.

17. Vào lúc bấy giờ, những ai từ bỏ bản thể nhân loại còn là những bậc Hữu học có tâm trí chưa được thành đạt, những người ấy bị chê trách.

18. Nhờ vào các vị A-la-hán có các lậu hoặc đã tận không còn ô nhiễm như thế ấy, lời tuyên thuyết được khéo léo đơm hoa luôn luôn sáng chói.

19. Thành phố có tên là Rammavatī, vị vua dòng Sát-đế-lỵ tên là Sudeva, người mẹ của đấng Đạo sư Dīpaṅkara tên là Sumedhā.

20. Đấng Chiến Thắng đã ở giữa gia đình trong mười ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời gọi tên là Haṃsā, Koñcā và Mayūrā.

21. Có ba trăm ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy [người vợ] tên là Padumā. Con trai tên là Usabhakkhandha.

22. Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện voi và đã ra sức nỗ lực mười tháng không thiếu sót.

23. Sau khi thực hành hạnh nỗ lực, bậc Hiền Triết đã giác ngộ bằng tâm. Bậc Đại Hiền Triết Dīpaṅkara đã được đấng Phạm thiên thỉnh cầu.

24. Bậc Đại Hùng, đấng Chiến Thắng Oai Lực có bánh xe [Chánh pháp] được chuyển vận tại tu viện Nandā. Ngồi ở gốc cây sirisa, Ngài đã khuất phục hàng ngoại đạo.

25. Sumaṅgala và Tissa đã là [hai vị] Thinh văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đạo Sư Dīpaṅkara tên là Sāgata.

26. Nandā và luôn cả Sunandā đã là [hai vị] nữ Thinh văn hàng đầu. Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Pipphalī”.

27. Tapussa và Bhallika đã là [hai] thí chủ hộ độ hàng đầu. Sirimā và Soṇā đã là [hai] nữ thí chủ hộ độ của bậc Đạo Sư Dīpaṅkara.

28. Cao tám mươi cánh tay,[2] vị Đại Hiền Triết Dīpaṅkara sáng ngời như cây cột đèn, như là cây sāla chúa đã được trổ hoa.

29. Tuổi thọ của vị Đại Ẩn Sĩ ấy là một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.

30. Ngài đã làm rạng rỡ Chánh pháp và đã giúp cho dân chúng vượt qua. Sau khi rực cháy như là khối lửa, Ngài cùng với các vị Thinh văn đã Niết-bàn.

31. Thần thông ấy, danh tiếng ấy và các bánh xe châu báu ấy ở hai bàn chân, tất cả đều hoàn toàn biết mất; phải chăng tất cả các hành là trống không?

32. Đấng Chiến Thắng, bậc Đạo Sư Dīpaṅkara đã Niết-bàn tại tu viện Nandā. Bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy có chiều cao ba mươi sáu do-tuần là ở ngay tại nơi ấy.

“Lịch sử đức Phật Dīpaṅkara” là phần thứ nhất.

 

Chú thích

[1] Lễ Pavāraṇā thường được tiến hành vào ngày rằm tháng 9 âm lịch sau khi đã hoàn tất ba tháng an cư mùa mưa. Các vị Tỳ-khưu tụ hội lại và thỉnh cầu hội chúng chỉ dạy về những điều giới luật mà các thành viên của hội chúng đã nhận thấy, nghe được, hoặc có hoài nghi về bản thân vị thỉnh cầu đã vi phạm trong thời gian qua.

[2] 80 hattha (cánh tay) = 40 mét (1 hattha = 0.50 mét). (ND)

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.