Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
Niddesa là tựa đề của tập thứ 11 trong số 15 tập kinh thuộc Khuddakanikāya (Tiểu bộ). Niddesa được chia làm hai tập: Mahāniddesapāḷi (Đại diễn giải) và Cullaniddesapāḷi (Tiểu diễn giải). Tập kinh Mahāniddesapāḷi là tài liệu giải thích về phẩm 4, Aṭṭhakavagga (Phẩm Nhóm tám), còn Cullaniddesapāḷi giải thích tiếp phẩm 5, tức là phẩm cuối, Pārāyanavagga (Phẩm Đường đi đến bờ kia), cộng thêm bài kinh Khaggavisāṇasutta (Kinh Sừng tê ngưu) thuộc phẩm 1, Uragavagga (Phẩm Rắn); tất cả đều được trích ra từ tập Suttanipātapāḷi (Kinh tập), thuộc Tiểu bộ, tạng Kinh. Chúng tôi không nghiệm ra được lý do vì sao tác giả lại chọn lọc và diễn giải hai phẩm trên cộng thêm chỉ một bài kinh Khaggavisāṇasutta (Kinh Sừng tê ngưu) của tập Suttanipātapāḷi mà bỏ qua các phẩm và các bài kinh còn lại. Phần nói về văn bản Chú giải của tập kinh này đã được trình bày trước đây ở tập kinh Mahāniddesapāḷi nên sẽ không trình bày lại ở đây.
Nội dung của Pārāyanavagganiddeso (Diễn giải phẩm đường đi đến bờ kia) mở đầu với phần trình bày lại đầy đủ các kệ ngôn của Pārāyanavagga (Phẩm Đường đi đến bờ kia) gồm có ba phần:
- Phần mở đầu, Vatthugāthā (Kệ ngôn dẫn chuyện), giới thiệu câu chuyện của vị Bà-la-môn Bāvari và lý do vị này phái các đệ tử của mình đi đến gặp đức Phật (56 kệ ngôn).
- Phần giữa ghi lại các câu hỏi và đáp diễn ra giữa 16 đệ tử của vị Bà-la-môn Bāvari và đức Phật, bắt đầu với các câu hỏi của thanh niên Bà-la-môn Ajita, v.v... (93 kệ ngôn).
- Và phần kết, Pārāyanānugīti (Phần tường thuật về đường đi đến bờ kia), kể lại việc thanh niên Bà-la-môn Piṅgiya, cháu gọi Bà-la-môn Bāvari bằng cậu, đã trở về để gặp lại và tường thuật mọi chuyện cho Bà-la-môn Bāvari, đồng thời cũng đã tạo duyên cho vị này đạt đến quả vị A-la-hán (26 kệ ngôn).
Tác giả đã không giải thích 56 kệ ngôn của phần mở đầu, có lẽ ý nghĩa của câu chuyện dẫn nhập ở phần này không có gì khó hiểu, mà chỉ thực hiện việc diễn giải cho hai phần sau: Phần các câu hỏi gồm 93 kệ ngôn, được chia làm 16 phần nhỏ tương xứng với 16 vị đệ tử của Bà-la-môn Bāvari với số lượng câu hỏi ít hay nhiều tùy theo mỗi vị. Thanh niên Bà-la-môn Tissametteyya hỏi ít nhất với 3 câu hỏi, thanh niên Bà-la-môn Mettagū hỏi nhiều nhất với 12 câu hỏi, các vị khác thì tùy duyên sự với 4, 5, 6, 7, hoặc 8 câu hỏi. Với mỗi câu hỏi của các vị ấy thì có câu trả lời của đức Thế Tôn kế liền đó. Và phần kết gồm có 26 kệ ngôn cũng đã được giải thích đầy đủ. Tổng cộng các kệ ngôn đã được diễn giải gồm có 119 câu. Các vị đệ tử của Bà-la-môn Bāvari đã luân phiên hỏi đức Phật theo thứ tự được trình bày như sau:
Ajitasuttaniddeso (Diễn giải kinh Ajita)
Tissametteyyasuttaniddeso (Diễn giải kinh Tissametteyya)
Puṇṇakasuttaniddeso (Diễn giải kinh Puṇṇaka)
Mettagūsuttaniddeso (Diễn giải kinh Mettagū)
Dhotakasuttaniddeso (Diễn giải kinh Dhotaka)
Upasīvasuttaniddeso (Diễn giải kinh Upasīva)
Nandasuttaniddeso (Diễn giải kinh Nanda)
Hemakasuttaniddeso (Diễn giải kinh Hemaka)
Todeyyasuttaniddeso (Diễn giải kinh Todeyya)
Kappasuttaniddeso (Diễn giải kinh Kappa)
Jatukaṇṇīsuttaniddeso (Diễn giải kinh Jatukaṇṇī)
Bhadrāvudhasuttaniddeso (Diễn giải kinh Bhadrāvudha)
Udayasuttaniddeso (Diễn giải kinh Udaya)
Posālasuttaniddeso (Diễn giải kinh Posāla)
Mogharājasuttaniddeso (Diễn giải kinh Mogharāja)
Piṅgiyasuttaniddeso (Diễn giải kinh Piṅgiya)
Pārāyanānugītiniddeso (Diễn giải phần tường thuật về đường đi đến bờ kia)
Nội dung của Khaggavisāṇasuttaniddeso (Diễn giải kinh sừng tê ngưu) được chia làm bốn vagga (phẩm), tổng cộng gồm có 41 kệ ngôn được phân chia ra như sau:
Paṭhamo vaggo (Phẩm thứ nhất), 10 kệ ngôn
Dutiyo vaggo (Phẩm thứ nhì), 10 kệ ngôn
Tatiyo vaggo (Phẩm thứ ba), 10 kệ ngôn
Catuttho vaggo (Phẩm thứ tư), 11 kệ ngôn
Cách thức diễn giải ở tập kinh này, Cullaniddesapāḷi (Tiểu diễn giải), cũng tương tự như ở, Mahāniddesapāḷi (Đại diễn giải), nghĩa là chú trọng vào việc giải thích các từ đơn và các lời giải thích này được lặp lại mỗi khi những từ ấy xuất hiện ở các kệ ngôn khác, thêm vào đó là các phần giải thích cho các nhóm từ hoặc một phần của câu kệ ngôn; đôi lúc lời giải thích chỉ là sự sắp xếp lại thứ tự của các từ ở câu văn giúp cho việc xác định ý nghĩa được dễ dàng hơn.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập kinh này được thành tựu đến Thầy Tổ, song thân và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
Ngày 08 tháng 6 năm 2018
Tỳ-khưu Indacanda (Trương Đình Dũng)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.