Viện Nghiên Cứu Phật Học

TỔNG QUAN KINH TIỂU BỘ

 

 

1. Khái niệm “Kinh Tiểu bộ

Kinh Tiểu bộ” (Khuddaka Nikāya, 小部經) dịch sát nghĩaHợp tuyển các tập kinh ngắn” (The Collection of Little Texts, Minor Collection), là tuyển tập (nikāya) điển tịch thứ năm trong năm bộ kinh thuộc kho tàng kinh điển Pāli (Sutta Piṭaka, 巴利文大藏經) của Phật giáo Thượng Tọa bộ (上座部佛教), còn gọi là Phật giáo Nam truyền (南傳佛教) hoặc Phật giáo Thượng Tọa bộ Nam truyền (南傳上座部佛教). Bộ này gồm 16 tập kinh chứa đựng nhiều bài kinh lẻ, thi kệ, đoạn kinh ngắn về chân lý, lộ trình tu tập, đạo đức sống và tư liệu lịch sử, phần lớn do đức Phật giảng và một số do các Thánh Tăng A-la-hán giảng hay biên tập.

Từ “Khuddaka” trong tiếng Pāli có nghĩa là “tiểu” (小) hay “tạp” (雜), tương đương trong tiếng Sanskrit là “Kṣudraka.” Trong văn học Hán tạng, chữ “Nikāya” thường được phiên âm là “Ni-kha-da” (尼柯耶), tương đương với từ “Āgama” trong tiếng Sanskrit mà Phật giáo Đại thừa thường sử dụng và được phiên âm trong Hán ngữ là “A-hàm” (阿含) hoặc “A-cấp-ma” (阿笈摩).

Cụm từ “Khuddaka Nikāya” (小部經) được phiên âm trong Hán ngữ là “Khuất-đà-ca Ni-kha-da” (屈陀迦尼柯耶). Thiện Kiến luật Tỳ-bà-sa (善見律毘婆沙) gọi Tiểu bộ kinh là “Khuất-đà-ca kinh” (屈陀迦經).3 Bộ tương đương với Khuất-đà-ca kinh gọi là “Khuất-đà-già A-hàm” (屈陀伽阿含). Tổng hợp vừa dịch nghĩa vừa phiên âm, “Khuddaka Nikāya” trong tiếng Pāli và từ tương đương “Kṣudraka Āgama” trong tiếng Sanskrit thường được dịch trong tiếng Hán là “Tiểu Ni-kha-da” (小尼柯耶), trong đó “tiểu” có nghĩa là nhỏ, “Ni-kha-da” là từ phiên âm Hán Việt. Phật-đà-thập (Buddhajīva) và Trúc Đạo Sinh trong Ngũ phần luật (五分律) gọi là “Tạp tạng” (雜藏),4 còn Ngài Huyền Trang dịch là “Tạp loại A-cấp-ma” (雜類阿笈摩).5

Về từ nguyên, “Nikāya” có nghĩa là: (i) Giáo phái (教派, school), bộ phái (部派, sect), (ii) Đoàn thể (團體, body, assembly), nhóm (部類, group),6 (iii) Bộ sưu tập hay tuyển tập các bài kinh (收集, collection).7 Trong ngữ cảnh văn học Pāli, “Nikāya” được hiểu là tuyển tập các bài kinh Phật (collection of Buddhist suttas). Theo từ điển Pāli-English Dictionary, tựa đề Kinh Tiểu bộ phát xuất từ thực tế rằng đây là tuyển tập các bài kinh ngắn so với bốn bộ kinh Pāli.8 Theo tác phẩm Chú giải Tiểu tụng (Paramatthajotikā), tựa đề Kinh Tiểu bộ là do 15 bản văn của tuyển tập kinh điển này, chứa đựng nhiều chủ đề và sắc thái Phật học khác nhau.9

Phật Quang đại từ điển cho rằng: “Sở dĩ bộ kinh này có tên gọi là Kinh Tiểu bộ vì tuyển tập này tập hợp các truyền thuyết, kệ tụng và cách ngôn trong bốn bộ kinh Pāli gồm Kinh Trường bộ, Kinh Trung bộ, Kinh Tương ưng bộ Kinh Tăng chi bộ thành các bài kinh ngắn.”10 Quan điểm này chỉ đúng một phần, vì trên thực tế có nhiều bài kinh, chương, đoạn và thi kệ trong Kinh Tiểu bộ hoàn toàn độc lập với bốn bộ kinh nêu trên. Từ góc độ nội dung, 15 bản văn kết hợp với bản Milinda vấn đạo (trong ấn bản TTTĐPGVN này) của Kinh Tiểu bộ là kho tàng văn học Phật giáo về những gì chưa được đề cập hoặc đã đề cập một phần trong bốn bộ kinh Pāli, chứa đựng các bản văn giai đoạn đầu và giai đoạn sau.11 Đây chính là một trong những đóng góp quan trọng của Kinh Tiểu bộ trong văn học Kinh tạng Pāli.

2. Thể tài văn học của Kinh Tiểu bộ

Về thể loại, Kinh Tiểu bộ là tuyển tập hỗn hợp hay tạp kinh (雜文, miscellaneous collection) gồm thể tài văn xuôi và phần lớn là thi kệ (gāthā, 偈頌, verse). Bên cạnh một số chương và phẩm được thể hiện dưới dạng văn xuôi, nhiều nội dung của 16 tập kinh này là thi kệ, bao hàm các bài kệ thơ ngắn gọn, đa dạng, đặc sắc, thể hiện tính văn học và triết học Phật giáo sâu sắc.

Các tập kinh trong Kinh Tiểu bộ có độ dài ngắn không đồng nhất. Ngắn nhất là Tiểu tụng, chưa đầy 10 trang Pāli trong ấn bản của PTS, trong khi Chuyện Tiền thân với 547 câu chuyện có số trang lên đến cả ngàn. Trong mỗi tập kinh, có những bài kinh vài trang, nhưng cũng có những bài kinh rất ngắn với 4-5 hàng Pāli, chứa đựng những lời dạy minh triết mang tính trị liệu cao.

3. Vị trí của Kinh Tiểu bộ trong các thể tài kinh

Tam tạng Pāli (Tipiṭaka) phân loại 9 thể tài kinh,12 vốn được Thượng Tọa bộ chủ trương và được sự chấp nhận cao trong Phật giáo bộ phái. Tam tạng Phật giáo Đại thừa phân loại thành 12 thể tài kinh (S. dvādaśāṅga-dharma-pravacana),13 vốn bắt nguồn từ Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事)14 và được chấp nhận trong Pháp Tạng bộ (法藏部, S. Dharmaguptaka, P. Dhammaguptaka), Hóa Địa bộ (化地部, S. Mahīśāsaka, P. Mahisāsaka) và Đại Chúng bộ (大眾部, S. Mahāsaṁghika, P. Mahāsaṅghika).

Thứ tự về 9 thể tài kinh15 và 12 thể tài kinh16 được tìm thấy khác nhau trong văn học Kinh tạng chữ Hán như sau:

1. Kinh (經, S. Sūtra, P. Sutta) hoặc Khế kinh (契經), hay Trường hàng (長行), phiên âm là Tu-đa-la (修多羅), chỉ chung các bài kinh do Phật thuyết giảng.

2. Trùng tụng (重頌, S. Geya, P. Geyya) còn dịch là Ứng tụng (應頌), phiên âm là Kỳ-dạ (祇夜), loại kệ tụng có nhiều câu được lặp lại.

3. Ký thuyết (記說, S. Vyākaraṇa, P. Veyyākaraṇa) còn gọi là Thọ ký (受記), phiên âm là Hoa-già-la-na (華遮羅那) hay Hòa-già-la-na (和伽羅那), bao gồm lời Phật chứng nhận cho các đệ tử sẽ thành Phật trong tương lai.

4. Kệ-đà (偈陀, S=P. Gāthā) thường dịch là Phúng tụng (諷頌) hay Ký chú (記註), gồm những bài thi kệ không có văn xuôi ở trước.

5. Tự thuyết (自說, S=P. Udāna) còn gọi là Vô vấn tự thuyết (無問自說) hoặc Tán thán kinh (讚歎經), phiên âm là Ưu-đà-na (憂陀那), gồm những bài kinh đức Phật giảng do cảm hứng tự nhiên, không có người thỉnh cầu.

6. Nhân duyên (因緣, S. Nidāna) còn dịch là Quảng thuyết (廣說), phiên âm là Ni-đà-na (尼陀那), gồm những bài kinh giảng về nhân duyên thuyết pháp.

7. Thí dụ (譬喻, S. Avadāna) còn gọi là Diễn thuyết giải ngộ kinh (演說解悟經), phiên âm là A-ba-đà-na (阿波陀那), gồm những kinh chứa nhiều thí dụ, ẩn dụ, ngụ ngôn để giải thích chân lý cho dễ hiểu hơn.

8. Như thị ngữ (如是語, S. Itivṛttaka, P. Itivuttaka) còn gọi là Bổn sự kinh (本事經), phiên âm là Y-đế-mục-đa-già (醫帝目多伽), gồm những bài kinh nói pháp tu tập của các đệ tử Thánh trong quá khứ và vị lai.

9. Bổn sanh kinh (本生經, S=P. Jātaka), phiên âm là Xà-đà-già (闍陀伽) gồm các bài kinh nói về tiền thân của đức Phật Thích-ca.

10. Phương quảng (方廣) còn gọi là Phương đẳng (方等, S. Vaipulya, P. Vedalla) hoặc Quảng kinh (廣經), phiên âm là Tỳ-phật-lược (毗佛略), gồm các bài kinh do đức Phật hay các đệ tử Thánh trao đổi, giảng giải, triển khai sâu rộng với các vị Tăng, Ni hay cư sĩ.

11. Vị tằng hữu (未曾有, S. Adbhutadharma, P. Abbhutadhamma) còn gọi là Hy pháp (希法), phiên âm là A-phù-đà-đạt-ma (阿浮陀達磨), gồm các kinh nói về thần lực siêu phàm của đức Phật mà người đời khó hiểu được.

12. Luận nghị (論議, S. Upadeśa) còn gọi là Cận sự thỉnh vấn kinh (近事請問經), phiên âm là Ưu-ba-đề-xá (優波提舍), gồm các bài kinh thiên nặng về lý luận và phân tích chi tiết các khái niệm Phật học.

Danh mục 9 thể tài kinh trong văn học Pāli gồm có: 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9, 10, 11, tức không bao gồm ba thể loại “Nhân duyên” (thứ 6), “Thí dụ” (thứ 7) và “Luận nghị” (thứ 12) như trong văn học Phật giáo Đại thừa. Kinh Ví dụ con rắn”, số 22, trong Trung bộ và một số kinh khác trong Tăng chi bộ, Luật tạngLuận tạng đều thống nhất một danh sách 9 thể loại văn học: Kinh (Sutta), Ứng tụng (Geyya), Ký thuyết (Veyyākaraṇa), Kệ tụng (Gāthā), Cảm hứng ngữ (Udāna), Như thị ngữ (Itivuttaka), Bổn sanh (Jātaka), Vị tằng hữu pháp (Abbhutadhamma), Phương quảng (Vedalla).17

Có thể nói, văn học Kinh Tiểu bộ bao gồm tất cả 9 thể tài văn học này. Các thể tài văn học “Nhân duyên”, “Thí dụ” và “Luận nghị” tuy không được đề cập trong văn học Thượng Tọa bộ, nhưng trên thực tế, văn học Kinh tạng Pāli đều có các nội dung này. Do đó, có thể khẳng định rằng 16 tập trong Kinh Tiểu bộ có mối quan hệ mật thiết với hai hệ thống thể tài văn học của Thượng Tọa bộ và Đại thừa.

4. Niên đại và tác giả của Kinh Tiểu bộ

Đại Chúng bộ, Hóa Địa bộ và Pháp Tạng bộ chấp nhận đưa Kinh Tiểu bộ vào danh mục Kinh tạng của mình, đang khi một số bộ phái chỉ chấp nhận bốn bộ kinh Pāli. Ở chừng mực nào đó, Kinh Tiểu bộ của Phật giáo Thượng Tọa bộ là ví dụ mở rộng của Tiểu tạng (Khuddaka Piṭaka).18

Dựa vào văn bản học, chúng ta có thể truy nguyên niên đại của Kinh Tiểu bộ gồm giai đoạn đầu và giai đoạn sau khác nhau.19 Sáu tuyển tập của Kinh Tiểu bộ được ra đời trong giai đoạn đầu gồm Kinh Pháp cú, Kinh Phật tự thuyết, Kinh Phật thuyết như vậy, Kinh tập, Trưởng lão Tăng kệ Trưởng lão Ni kệ. Tuyển tập ra đời trong giai đoạn sau gồm Chuyện Thiên cung, Chuyện Ngạ quỷ, Diễn giải (Nghĩa thích), Phân tích đạo (Vô ngại giải đạo), Thánh nhân ký sự, Phật sử, Hạnh tạng, Tiểu tụng và sau nhất là Milinda vấn đạo. Riêng Chuyện Tiền thân có hơn 500 câu chuyện ra đời trong giai đoạn đầu và một số câu chuyện được bổ sung trong giai đoạn sau.

Về niên đại ra đời, Giáo sư Oliver Abeynayaka cho rằng Kinh Tiểu bộ được ra đời gần với giai đoạn hình thành văn học A-tỳ-đạt-ma.20 Kinh Tiểu bộ được hình thành và phát triển trong khoảng thời gian dài, bắt đầu từ thời đức Phật qua hình thức khẩu truyền cho đến Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ 3 (The Third Buddhist Council) vào thế kỷ III TTL tại Pāṭaliputta, thủ phủ của Đại đế Asoka.21 Giáo sư Rhys Davids dựa vào việc sử dụng khái niệm “người thông suốt năm bộ kinh Pāli” (pañcanekāyika) trên các chỉ dụ vào thế kỷ III TTL, gián tiếp chứng minh rằng Kinh Tiểu bộ ra đời vào thế kỷ III TTL.22

Về tác giả, phần lớn các học giả Phật giáo Nam truyền đều cho rằng đức Phật và một số vị A-la-hán là tác giả truyền miệng của 15 tập kinh đầu, đang khi hai tập 16-17 do Ngài Kaccāna (Ca-chiên-diên) làm tác giả, và tập 1823 do Ngài Nāgasena trước tác. Bằng phương pháp phân tích văn bản học, Giáo sư Oliver Abeynayaka chứng minh rằng nếu bốn bộ kinh điển Pāli là do đức Phật thuyết giảng thì các bản văn thuộc Kinh Tiểu bộ do các vị đệ tử Thánh của đức Phật thuyết giảng hoặc biên tập.24 Giáo sư A. K. Warder cho rằng tính tác giả của Kinh Tiểu bộ rất khó chứng minh rõ ràng. Có nhiều bài kinh do đức Phật giảng, đang khi nhiều bài kinh khác có thể do các vị đệ tử Thánh thuyết giảng hoặc biên tập.25

5. Phân loại và số lượng bản văn thuộc Kinh Tiểu bộ

Có bốn phân loại chính về Kinh Tiểu bộ: Bộ 14 tập, 15 tập, 17 tập và 18 tập. Theo Thiện Kiến luật Tỳ-bà-sa (善見律毘婆沙) quyển 1, Kinh Tiểu bộ chỉ có 14 tập, không bao gồm Tiểu tụng (Khuddakapāṭha, 小誦).26

Căn cứ theo Chú giải Luật tạng (Samantapāsādikā) bản Pāli, cũng như lời tựa của bản Chú giải Kinh Trường bộ (Sumaṅgalavilāsinī) bản Pāli, do có bổ sung Tiểu tụng nên Kinh Tiểu bộ gồm có 15 tập.27 Số lượng tuyển tập này tương ứng với phân loại Tam tạng Phật giáo Thái Lan (泰國所傳巴利三藏). Theo Étienne Lamotte, Kinh Tiểu bộ gồm 15 tập kinh thuộc Phật giáo Thượng Tọa bộ, trường phái Phật giáo duy nhất có đầy đủ Kinh Tiểu bộ.28

Căn cứ vào Lời tựa của ấn bản đầu trong Chú giải Kinh Trường bộ do Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) biên soạn vào thế kỷ V, các nhà đọc tụng Kinh Trường bộ (Dīgha-bhāṇaka, 長部誦者, 長部誦師) chỉ liệt dẫn ra các tập 2-12 trong Kinh Tiểu bộ, trong khi các nhà đọc tụng Kinh Trung bộ (Majjhima-bhāṇaka, 中部誦者, 中部誦師) liệt dẫn ra 14 tập gồm 2-15 trong Kinh Tiểu bộ. Bản Chú giải Luật tạng (Samantapāsādikā)29 giới thiệu Kinh Tiểu bộ gồm tập 1-15 như ấn bản chúng ta có hiện nay, đang khi tác phẩm Chú giải bộ Pháp tụ (Aṭṭhasālinī)30 đề cập chỉ có 14 bản văn, không có Tiểu tụng (Khuddakapāṭha).31

Chú giải về Lời tựa Kinh Trường bộ bằng tiếng Pāli cho rằng chỉ có sự khác biệt về cách phân loại số lượng các tập kinh trực thuộc, hoàn toàn không khác biệt về nội dung của Kinh Tiểu bộ. Sở dĩ có sự khác biệt về số lượng các tập kinh trong Kinh Tiểu bộ là do tình trạng gộp lại của một số tập kinh, trong khi một số nhà đọc tụng Kinh Trường bộ Kinh Trung bộ có khuynh hướng tách lập các bộ kinh riêng biệt. Chẳng hạn các nhà đọc tụng Kinh Trường bộ đề cập đến việc trùng tuyên 11 bản văn (ngoại trừ Tiểu tụng, Thánh nhân ký sự, Phật sử Hạnh tạng). Trên thực tế, các bản văn này đã được gộp vào trong ấn bản của 11 bản văn trước.32

Theo phân loại của Tam tạng Phật giáo Tích Lan, Kinh Tiểu bộ có 17 tập kinh do bổ sung hai tuyển tập gồm “Chỉ đạo luận” hay còn gọi là “Cẩm nang học Phật” (Nettippakaraṇa, 指導論) và “Tạng thích” hay “Giải thích kinh” (Peṭakopadesa, 藏釋). Tam tạng Phật giáo Miến Điện bổ sung tập Milindapañha (Milinda vấn đạo), tức bản tiếng Hán “Di-lan vương vấn” (彌蘭王問) hay Di-lan-đà vấn (彌蘭陀問) nên Kinh Tiểu bộ của Miến Điện gồm 18 tập.33

Ấn bản Kinh Tiểu bộ gồm 18 tập của Phật giáo Miến Điện được biên tập trong Đại hội Kết tập Tam tạng Phật giáo lần thứ 5 (Pañcamasaṃgāyanā, The Fifth Buddhist Council) tại thành phố Mandalay, Miến Điện vào năm 1871, dưới sự bảo trợ của Vua Mindon.34 Tại Đại hội Kết tập Tam tạng Phật giáo lần thứ 6 (Chaṭṭha Saṅgāyana, The Sixth Buddhist Council) vào năm 1954 tại chùa Kaba Aye, thành phố Yangon, Miến Điện, nhân dịp nước này kỷ niệm 2500 năm đức Phật nhập Niết-bàn, Tam tạng Thánh điển Pāli được thống nhất một lần nữa, từ đó Chaṭṭha Saṅgāyana Tipiṭaka (CST) chính thức ra đời, và Kinh Tiểu bộ cũng có 18 tập.

Tựa tiếng Việt, Pāli, Hán

Tiếng Anh

Ấn bản

(1) Tiểu tụng (Khuddakapāṭha, 小誦)

The Short Passages

PTS, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, CST, CBETA

(2) Kinh Pháp cú (Dhammapada, 法句)

Verses on Dhamma

- nt -

(3) Kinh Phật tự thuyết (Udāna, 自說)

Inspired Utterances

- nt -

(4) Kinh Phật thuyết như vậy

(Itivuttaka, 如是語)

Thus It Was Said

- nt -

(5) Kinh tập (Suttanipāta, 經集)

Group of Discourses

- nt -

(6) Chuyện Thiên cung

(Vimānavatthu, 天宫事)

Stories of Heavenly Abodes

- nt -

(7) Chuyện Ngạ quỷ (Petavatthu, 餓鬼事)

Stories of Hungry Ghosts

- nt -

(8) Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā, 長老偈)

Verses of the Male Elders

- nt -

(9) Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā, 長老尼偈)

Verses of the Female Elders

- nt -

(10) Chuyện Tiền thân (Jātaka, 本生)

Birth Stories

- nt -

(11) Diễn giải (Niddesa, 義釋)

Exposition

- nt -

(12) Phân tích đạo

(Paṭisambhidāmagga, 無礙解道)

Way of Analysis

- nt -

(13) Thánh nhân ký sự (Apadāna, 譬喻)

Legends

- nt -

(14) Phật sử (Buddhavaṃsa, 佛種姓)

Lineage of the Buddhas

- nt -

(15) Hạnh tạng (Cariyāpiṭaka, 行藏)

Basket of Conduct

- nt -

(16) Chỉ đạo luận (Nettipakaraṇa, 指導論)

The Guide

PTS, Tích Lan, Miến Điện và CST

(17) Tạng thích (Peṭakopadesa, 藏釋)

Piṭaka Disclosure

PTS, Tích Lan, Miến Điện và CST

(18) Milinda vấn đạo

(Milindapañha, 彌蘭王問)

Questions of Milinda

PTS, Miến Điện và CST

 

Kế thừa việc bổ sung và chọn lọc ấn bản Kinh Tiểu bộ của các nước Phật giáo Nam truyền, Ban Biên tập đã thống nhất ấn bản Kinh Tiểu bộ thuộc Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam có 16 tập, gồm 15 tập đầu theo truyền thống chú giải của Phật giáo Thượng Tọa bộ từ thời Ngài Buddhaghosa và thêm tập thứ 18 như ấn bản PTS, Miến Điện và Ấn Độ (CST) ngày nay.

6. Dịch giả, bản dịch nguyên tác Kinh Tiểu bộ

Trong bộ này có tất cả 16 tuyển tập, với ba dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu, cư sĩ Nguyên Tâm – Trần Phương Lan và Tỳ-khưu Indacanda.

(1) Hòa thượng Thích Minh Châu dịch 7 tập, gồm: Tiểu tụng, Kinh Pháp cú, Kinh Phật tự thuyết, Kinh Phật thuyết như vậy, Kinh tập, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ và 120 câu chuyện đầu của Chuyện Tiền thân.

Đối với Trưởng lão Tăng kệTrưởng lão Ni kệ, Hòa thượng dựa vào bản Chú giải (Aṭṭhakathā) của hai bản kinh này để dịch và có tham khảo bản tiếng Anh “Psalms of the Early Buddhist” do Bà Rhys Davids dịch, PTS xuất bản năm 1909 (Psalms of the Sisters) và 1913 (Psalms of the Brethren).

(2) Cư sĩ Nguyên Tâm – Trần Phương Lan đã tham gia công tác phiên dịch cao quý này với hai tuyển tập Chuyện Thiên cung (Thiên cung sự), Chuyện Ngạ quỷ (Ngạ quỷ sự) và 427 câu chuyện tiền thân còn lại từ nguyên tác tiếng Anh, vốn được dịch từ Chú giải.

Về bản dịch Chuyện Thiên cung Chuyện Ngạ quỷ, dịch giả dựa vào bản dịch tiếng Anh: The Minor Anthologies of the Pali Canon (Part IV) - Vimāna Vatthu: Stories of Mansion, Peta Vatthu: Stories of the Departed của Jean Kennedy và Henry S. Gehman, do Bà Rhys Davids biên tập và viết lời giới thiệu, PTS xuất bản năm 1942. 

Tập Chuyện Tiền thân đức Phật (Bổn sanh) gồm 547 câu chuyện, được Robert Chalmers, W. H. D. Rouse, H. T. Francis, R. A. Neil, E. B. Cowell dịch sang Anh ngữ và được E. B. Cowell biên tập thành 6 tập, do PTS xuất bản năm 1895.

Điểm lưu ý khác, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu và cư sĩ Nguyên Tâm – Trần Phương Lan dựa vào nguyên tác Pāli của Hội PTS ấn hành. Ban Biên tập đã đánh số bản dịch Việt theo CST, đồng bộ với 4 bộ đã ấn hành để tiện việc tra cứu. Nhiều thi kệ trong tập Chuyện Tiền thân của ấn bản trước bị tỉnh lược và dịch ra Việt văn bằng văn xuôi, Ban Biên tập thống nhất dịch đủ và đúng theo thể văn vần như trong nguyên tác vốn có, để giữ được tính thi ca trong văn học Pāli, đồng thời bổ sung thêm những câu, đoạn bị thiếu, hoặc đánh máy nhầm, sai sót.

(3) Vị thứ ba đóng vai trò khá quan trọng trong việc hoàn thiện Tam tạng Thánh điển Pāli này là Tỳ-khưu Indacanda. Với sự nhẫn nại, kiên trì và hoài bão đóng góp cho kho tàng Pháp bảo Phật giáo Việt Nam, Tỳ-khưu Indacanda đã và đang dịch các kinh, luật, luận, chú giải chưa được dịch sang tiếng Việt.35 Đối với Kinh tạng của bộ TTTĐPGVN này, có 6 dịch phẩm của Tỳ-khưu Indacanda được đưa vào: Diễn giải (Đại diễn giảiTiểu diễn giải), Phân tích đạo, Thánh nhân ký sự, Phật sử, Hạnh tạng Milinda vấn đạo. Trong 6 bản dịch này, với tính đặc thù của nguyên tác Pāli Tích Lan, Ban Biên tập giữ nguyên theo cách chữ đậm, chữ nghiêng, đánh số bản dịch của dịch giả.  

Nội dung khái lược của từng tập trong bộ này được giới thiệu trước mỗi tập trong Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam.

Cẩn chí,

Mùa An cư PL. 2565 – DL. 2021

TT.TS. Thích Nhật Từ

(Đồng Tổng Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam)

Chú thích:

3 Xem T.24. 1462.1. 0675b19-20: 何謂為五部?答曰:長阿鋡經, 中阿鋡經, 僧述多經, 殃堀多羅經, 屈陀迦經。

4 Di-sa-tắc bộ Hòa-hê Ngũ phần luật (彌沙塞部和醯五分律) (T.22. 1421.30. 0191a24) ghi: 此是長經, 今集為一部, 名長阿含; 此是不長, 不短, 今集為一部, 名為中阿含; 此是雜說, 為比丘, 比丘尼, 優婆塞, 優婆夷, 天子, 天女說, 今集為一部, 名雜阿含; 此是從一法, 增至十一法, 今集為一部, 名增一阿含;自餘雜說, 今集為一部, 名為雜藏, 合名為修多羅藏。

5 Xem Đại A-la-hán Nan-đề Mật-đa-la sở thuyết pháp trụ ký 大阿羅漢難提蜜多羅所說法住記 (T.49. 2030. 0014b06): 有五阿笈摩, 謂長阿笈摩, 中阿笈摩, 增一阿笈摩, 相應阿笈摩, 雜類阿笈摩。

6 Xem mục từ “Nikāya” trong Pāli - Hán từ điển (巴漢詞典) của Bhikkhu Mahāñāṇo, cũng như ấn bản tương tự do Tôn giả Minh Pháp (明法尊者) hiệu đính.

7 Xem mục từ “Nikāya” trong từ điển Pāli-English Dictionary của Hội Thánh điển Pāli (Pali Text Society) và tương tự mục từ “Nikāya” trong từ điển Concise Pāli-English Dictionary của A. P. Buddhadatta Mahāthera, tr. 170.

8 Nguyên tác: “The name Khuddaka Nikāya is taken from the fact that it is a collection of books-short, that is as compared with the Four Nikāyas.” The Anagatavaṃsa (JPTS. 1886), p. 35; The Gandhavaṃsa (JPTS. 1886), p. 57.

Xem H. Smith, (ed.), The Khuddaka-Pāṭha Together with Its Commentary Paramatthajotikā I (London: PTS, 1915), p. 12.

10 Nguyên tác: 係集輯長, 中, 相應, 增支等四尼迦耶之傳說, 偈頌, 格言等而成, 概為短篇, 故稱小部。

11 Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism, tr. and ed. by Paul Groner (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1993), p. 128: “It has been suggested that the Khuddaka Nikāya was the repository for materials that were left out of the four Nikāyas (the Dīgha Nikāya, Majjhima Nikāya, Saṃyutta Nikāya and Aṅguttara Nikāya) and thus included both early and late texts.”

12 Còn gọi là 9 phần giáo (九分教), 9 bộ kinh (九部經), 9 bộ pháp (九部法), 9 kinh (九經). Tham chiếu danh mục chín thể tài kinh trong Phật Quang đại từ điển: https://www.fgs.org.tw/fgs_book/fgs_drser.aspx/ (truy cập ngày 11/02/2021).

13 Còn gọi là thập nhị bộ kinh (十二部經), thập nhị phần giáo (十二分教), thập nhị phần Thánh giáo (十二分聖教), thập nhị phần kinh (十二分經). Tham chiếu danh mục 12 thể tài kinh trong Phật Quang đại từ điển: https://www.fgs.org.tw/fgs_book/fgs_drser.aspx/ (truy cập ngày 11/02/2021). Tham chiếu: Thanh tịnh kinh 清淨經 (T.01. 0001.17. 0074b19-23); Tăng. 增 (T.02. 0125.49.1. 0794b14); Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.33. 0306c17-19): 修多羅, 祇夜, 受記經, 伽陀, 優陀那, 因緣經, 阿波陀那, 如是語經, 本生經, 廣經, 未曾有經, 論議經。 Cách dụng ngữ không chính xác trong cước chú trên và trong cước chú này đã gây ngộ nhận cho nhiều độc giả khi chưa hiểu bản chất của 9 hoặc 12 thể loại văn học.

14 (T.24. 1451.38. 0398c25-27): 契經, 應頌, 記別, 諷頌, 自說, 因緣, 本事, 本生, 方廣, 希有, 譬喻, 論議。

15 Ma-ha-tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.1. 0227b11): 爾時佛告舍利弗, 有如來不為弟子廣說修多羅, 祇夜, 授記, 伽陀, 憂陀那, 如是語, 本生, 方廣, 未曾有經。舍利弗, 諸佛如來不為聲聞制戒, 不立說波羅提木叉法, 是故如來滅度之後法不久住。Trật tự trong Luật tạng Pāli như sau: (巴利律藏): 舍利弗!拘樓孫佛, 拘那含牟尼佛, 迦葉佛, 不疲厭為聲聞弟子廣說正法, 多為彼等說契經, 祇夜經, 授記經, 偈經, 自說經, 因緣經, 本生經, 未曾有經, 方等經, 為弟子制立學處, 教示波羅提木叉。

16 Tạp. 雜 (T.02. 0099.1138. 0300c05): 佛告二比丘。汝等持我所說修多羅, 祇夜, 受記, 伽陀, 優陀那, 尼陀那, 阿波陀那, 伊帝目多伽, 闍多伽, 毘富羅, 阿浮多達摩, 優波提舍等法。Trật tự trong Tứ phần luật (四分律 (T.22. 1428.1. 0569b03): 佛告舍利弗。拘那含牟尼佛, 隨葉佛。不廣為諸弟子說法。契經, 祇夜經, 授記經, 偈經, 句經, 因緣經, 本生經, 善道經, 方等經, 未曾有經, 譬喻經, 優波提舍經。 如是生經, 本經, 善因緣經, 方等經, 未曾有經, 譬喻經, 優婆提舍經, 句義經, 法句經, 波羅延經, 雜難經, 聖偈經, 如是集為雜藏。Trong Ngũ phần luật 五分律 (T.22. 1421.1. 0001b25): 舍利弗。拘樓孫佛, 拘那含牟尼佛, 迦葉佛, 廣為弟子說法。無有疲厭所謂修多羅, 祇夜, 受記, 伽陀, 憂陀那, 尼陀那, 育多伽婆, 本生, 毘富羅, 未曾有, 阿婆陀那, 憂波提舍, 自餘雜說今集為一部, 名為雜藏。

17 Xem A. II. 6, 103, 177; Vin. III. 8; Pug. 43.

18 Xem chi tiết trong Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism, tr. and ed. by Paul Groner (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1993), p. 128: “Though Buddhist schools such as the Mahisāsaka, Dharmaguptaka and Mahāsaṁghika included a Khuddaka Piṭaka in their canons, the Khuddaka Nikāya of the Theravāda school is the only extant example of such a Khuddaka Piṭaka.”

19 Giáo sư Oliver Abeynayake, “A Textual and Historical Analysis of the Khuddaka Nikāya” (Phân tích phương diện lịch sử và văn bản của Kinh Tiểu bộ) (Colombo: Tisara Press, 1984), p. 113, đưa ra luận điểm này với nhiều dẫn chứng thuyết phục: “The Khuddaka Nikāya can easily be divided into two strata, one being early and the other late. The texts Sutta Nipāta, Itivuttaka, Dhammapada, Therīgāthā, Theragāthā, Udāna and Jātaka belong to the early stratum and the texts Khuddakapāṭha, Vimānavatthu, Petavatthu, Niddesa, Paṭisambhida, Apadāna, Buddhavaṃsa and Cariyapiṭaka can be categorized in the later stratum.”

20 Xem Oliver Abeynayaka, A Textual and Historical Analysis of the Khuddaka Nikāya (Colombo: Tisara Press, 1984), p. 116.

21 Xem chi tiết tại sách, Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox, Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism (Handbuch Der Orientalistik) (Leiden: Brill, 1998), p. 45.

22 Xem T. W. Rhys Davids, Buddhist India (London: G. P. Putnam’s Sons, 1903), p. 168.

23 Theo cách phân loại Tam tạng của Phật giáo Miến Điện, Tiểu bộ có tất cả 18 tập, trong đó tập 16 là Chỉ đạo luận hay còn gọi là Cẩm nang học Phật (Nettipakaraṇa) và tập 17 là Tạng thích hay còn gọi là Chú thích Kinh tạng (Peṭakopadesa).

24 Xem Oliver Abeynayaka, A Textual and Historical Analysis of the Khuddaka Nikāya (Colombo: Tisara Press, 1984), p. 16: “It is believed that the first four Nikāyas contain discourses preached by the Buddha, whereas the texts of the Khuddaka Nikāya are compositions of the disciples.”

25 Xem A. K. Warder, Indian Buddhism (Delhi: Motilal Banarsidass, 2000), p. 202-03.

26 Thiện Kiến luật Tỳ-bà-sa 善見律毘婆沙 (T.04. 1462.1 0676a07-10): 法句, 喻, 軀陀那, 伊諦佛多伽, 尼波多, 毘摩那卑, 多涕羅, 涕利, 伽陀, 本生, 尼涕婆波, 致參毘陀, 佛種性經, 若用藏者, 悉入屈陀迦。

27 Tác phẩm Samantapāsādikā, còn có tên khác là Pārājikakaṇḍa-aṭṭhakathā (paṭhamo bhāgo). Chú giải chương Ba-la-di, phần mở đầu đã nêu: “Khuddakapāṭha-dhammapada-udāna-itivuttaka-suttanipāta-vimānavatthu-petavatthu-theragāthā-therīgāthā-jātaka-niddesa-paṭisambhidā-apadāna-buddhavaṃsa-cariyāpiṭakavasena pannarasappabhedo khuddakanikāyoti.” Bản Hán dịch tác phẩm này cũng ghi nhận tương tự như vậy. Xem Nhất thiết Thiện Kiến luật chú tự 一切善見律註序 (N.70. 0036.1. 0019a06-08): 由小誦經, 法句經, 自說經, 如是語經, 小經, 集經, 天宮事經, 餓鬼事經, 長老長老尼偈經, 本生經, 義釋經, 無礙解道經, 譬喻經, 佛種姓經, 所行藏經, 之十五分為小部。 Trong đoạn này cũng có sự nhầm lẫn nhỏ, dịch giả xưa đã thêm “Tiểu kinh” (小經) vào danh sách Kinh Tiểu bộ này, và gộp “Trưởng lão Tăng kệ” và “Trưởng lão Ni kệ” thành một. 

28 Étienne Lamotte, (1956) “Problèmes Concernant les Textes Canoniques Mineurs”, Journal Asiatique, số 244, tr. 249-64.

29 J. Takakusu and M. Nagai (eds.), Samantapāsādikā: Buddhaghosa’s Commentary on the Vinaya Piṭaka, 8 vols, (London: PTS, 1947-75), p. 12-15.

30 Edward Müller (ed.), The Aṭṭhasālinī: Buddhaghosa’s Commentary on the Dhammasaṅginī (London: PTS, 1979), p. 26.

31 Xem Oskar von Hinüber, A Handbook of Pāli Literature (New Delhi: Munshiram Manoharlal, 1997), p. 42.

32 Tham chiếu: T. W. Rhys Davids, J. E. Carpenter and W. Stede (eds.), The Sumaṅgalavilāsinī: Buddhaghosa’s Commentary on the Dīgha Nikāya, vol. I. (London: PTS, 1886-1932), p. 15.

33 Trong tác phẩm An Introduction to Pāli Literature (Calcutta, India: Punthi Pustak, 1964), p. 43, S. C. Banerji cho rằng: “Kinh Tiểu bộ theo truyền thống Miến Điện có tất cả 19 tập, bao gồm 15 tập trên và các tập sau: 1) Milindapañha, 2) Suttasaṃgaha, 3) Peṭakopadesa, 4) Netti hay Nettipakaraṇa.Phật Quang đại từ điển cũng cho rằng ấn bản Kinh Tiểu bộ của Phật giáo Miến Điện gồm có 19 tập (十九部), tức là tính thêm bộ Suttasaṃgaha (經集). Tham chiếu tại đường dẫn: http://buddhaspace.org/dict/fk/data/ (truy cập ngày 13/01/2021).

34 Xem thông tin chi tiết trong sách: Mendelson, Sangha and State in Burma (Tăng đoàn và Nhà nước tại Miến Điện), (Ithaca, New York: Cornell University Press, 1975), pp. 276ff.

35 Xem các bản dịch Tam tạng Pāḷi-Việt của Tỳ-khưu Indacanda (Sri Lanka: Buddhist Cultural Center), xuất bản từ năm 2007-2018, hoặc https://www.tamtangpaliviet.net/.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.