Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
Không nuôi dưỡng kẻ khác, đi khất thực theo tuần tự từng nhà,
Có tâm không bị ràng buộc vào nhà này nhà nọ,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Không tạo sự thèm khát ở các vị nếm, không tham lam.
Vị nếm: Vị của rễ củ, vị của thân cây, vị của vỏ cây, vị của lá cây, vị của hoa, vị của trái, chua, ngọt, đắng, cay, mặn, lạt, gắt, chát, dễ chịu, khó chịu, lạnh, nóng. Có một số Sa-môn và Bà-la-môn thèm khát vị nếm, họ lang thang đó đây tầm cầu các vị nếm tuyệt vời bằng đầu lưỡi. Đạt được vị chua, họ tầm cầu vị không chua; đạt được vị không chua, họ tầm cầu vị chua. Đạt được vị ngọt, họ tầm cầu vị không ngọt; đạt được vị không ngọt, họ tầm cầu vị ngọt. Đạt được vị đắng, họ tầm cầu vị không đắng; đạt được vị không đắng, họ tầm cầu vị đắng. Đạt được vị cay, họ tầm cầu vị không cay; đạt được vị không cay, họ tầm cầu vị cay. Đạt được vị mặn, họ tầm cầu vị không mặn; đạt được vị không mặn, họ tầm cầu vị mặn. Đạt được vị lạt, họ tầm cầu vị không lạt; đạt được vị không lạt, họ tầm cầu vị lạt. Đạt được vị chát, họ tầm cầu vị không chát; đạt được vị không chát, họ tầm cầu vị chát. Đạt được vị gắt, họ tầm cầu vị không gắt; đạt được vị không gắt, họ tầm cầu vị gắt. Đạt được vị dễ chịu, họ tầm cầu vị khó chịu; đạt được vị khó chịu, họ tầm cầu vị dễ chịu. Đạt được vị lạnh, họ tầm cầu vị nóng; đạt được vị nóng, họ tầm cầu vị lạnh. Mỗi một vị nếm nào mà họ đạt được thì họ lại không vừa lòng với vị nếm ấy, và họ tiếp tục tầm cầu; họ bị luyến ái ở các vị nếm hợp ý, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại. Đối với vị Phật Độc Giác ấy, tham ái ấy ở vị nếm đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai. Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy suy xét đúng đắn rồi mới thọ dụng vật thực: “Không vì vui đùa, không vì đam mê, không vì việc trang sức, không vì việc điểm tô, mà chỉ để duy trì thân này, để nuôi sống, để ngăn sự hư hoại, để nâng đỡ Phạm hạnh, như thế ta diệt trừ cảm thọ cũ và không làm sanh khởi cảm thọ mới. Ta sẽ có được sự tồn tại, sự không lầm lỗi và sự sống được thoải mái.”
Giống như người bôi thuốc ở vết thương chỉ nhắm đến mục đích làm cho lành lặn, hoặc giống như người nhỏ dầu ở trục xe chỉ nhắm đến mục đích chuyên chở khối hàng, hoặc giống như người thọ dụng thức ăn là thịt của đứa con trai chỉ nhắm đến mục đích thoát khỏi bãi sa mạc, tương tự y như thế, vị Phật Độc Giác ấy suy xét đúng đắn rồi mới thọ dụng vật thực: “Không vì vui đùa, không vì đam mê, không vì việc trang sức, không vì việc điểm tô, mà chỉ để duy trì thân này, để nuôi sống, để ngăn sự hư hoại, để nâng đỡ Phạm hạnh, như thế ta diệt trừ cảm thọ cũ và không làm sanh khởi cảm thọ mới. Ta sẽ có được sự tồn tại, sự không lầm lỗi, và sự sống được thoải mái”, rồi dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu tham ái ở vị nếm. Vị ấy đã tránh khỏi, đã xa lánh, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã rời ra, đã thoát khỏi, không bị ràng buộc với tham ái ở vị nếm, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn. “Thèm khát ở các vị nếm” là như thế.
Không tham lam: Tham lam nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với vị Phật Độc Giác ấy, sự tham lam, tham ái ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, vị Phật Độc Giác là không tham lam.
“Không tạo sự thèm khát ở các vị nếm, không tham lam” là như thế.
Không nuôi dưỡng kẻ khác, đi khất thực theo tuần tự từng nhà.
Không nuôi dưỡng kẻ khác: Vị Phật Độc Giác ấy chỉ nuôi dưỡng bản thân, không nuôi dưỡng kẻ khác.
“Vị không nuôi dưỡng kẻ khác, đã được biết tiếng, đã được rèn luyện, đã đứng vững ở cốt lõi, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, có sân hận đã được tẩy trừ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”[1]
Không nuôi dưỡng kẻ khác, đi khất thực theo tuần tự từng nhà: Vị Phật Độc Giác ấy vào buổi sáng quấn y [nội], rồi cầm lấy bình bát và y đi vào làng hoặc thị trấn để khất thực, với thân được hộ trì, với khẩu được hộ trì, với tâm được hộ trì, với niệm được thiết lập, với các giác quan được thu thúc, có mắt nhìn xuống, đầy đủ oai nghi, đi khất thực không bỏ sót ngôi nhà nào.
“Không nuôi dưỡng kẻ khác, đi khất thực theo tuần tự từng nhà” là như thế.
Có tâm không bị ràng buộc vào nhà này nhà nọ: Có tâm bị ràng buộc là bởi hai lý do: Trong khi hạ thấp bản thân và trong khi nâng cao người khác là có tâm bị ràng buộc, hoặc là trong khi nâng cao bản thân và trong khi hạ thấp người khác là có tâm bị ràng buộc.
Trong khi hạ thấp bản thân và trong khi nâng cao người khác là có tâm bị ràng buộc nghĩa là thế nào? [Nói rằng:] “Các người có nhiều sự hỗ trợ cho tôi. Nương vào các người, tôi nhận được y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi và vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Có những người khác nương theo các người, trong khi nhìn thấy các người, cũng suy nghĩ để bố thí hoặc làm cho tôi. Ngay cả tên họ trước đây của mẹ cha đặt, tên ấy của tôi cũng không còn. Nhờ vào các người, tôi được biết là vị thường tới lui với gia đình của người nam nọ, là vị thường tới lui với gia đình của người nữ kia.” Trong khi hạ thấp bản thân và trong khi nâng cao người khác là có tâm bị ràng buộc nghĩa là như vậy.
Trong khi nâng cao bản thân và trong khi hạ thấp người khác là có tâm bị ràng buộc nghĩa là thế nào? [Nói rằng:] “Tôi có nhiều sự hỗ trợ cho các người. Nhờ vào tôi, các người đã đi đến nương nhờ đức Phật, đã đi đến nương nhờ Giáo pháp, đã đi đến nương nhờ chúng Tăng, đã tránh xa việc giết hại sinh mạng, đã tránh xa việc lấy vật chưa được cho, đã tránh xa hành vi sai trái trong các dục, đã tránh xa việc nói dối, đã tránh xa trường hợp dể duôi uống chất say là rượu và chất lên men. Tôi ban bố việc chỉ bảo cho các người, tôi ban bố sự hỏi han, tôi nói về ngày trai giới, tôi chú nguyện việc xây dựng. Vậy mà ngược lại, các người lại bỏ rơi tôi, các người trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường các vị khác.” Trong khi nâng cao bản thân và trong khi hạ thấp người khác là có tâm bị ràng buộc nghĩa là như vậy.
Có tâm không bị ràng buộc vào nhà này nhà nọ: Vị Phật Độc Giác ấy có tâm không bị ràng buộc bởi sự vướng bận về gia tộc, có tâm không bị ràng buộc bởi sự vướng bận về đồ chúng, có tâm không bị ràng buộc bởi sự vướng bận về chỗ ngụ, có tâm không bị ràng buộc bởi sự vướng bận về y phục, có tâm không bị ràng buộc bởi sự vướng bận về đồ ăn khất thực, có tâm không bị ràng buộc bởi sự vướng bận về chỗ nằm ngồi, có tâm không bị ràng buộc bởi sự vướng bận về vật dụng là thuốc men chữa bệnh.
“Có tâm không bị ràng buộc vào nhà này nhà nọ, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Không tạo sự thèm khát ở các vị nếm, không tham lam,
Không nuôi dưỡng kẻ khác, đi khất thực theo tuần tự từng nhà,
Có tâm không bị ràng buộc vào nhà này nhà nọ,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
2. Sau khi dứt bỏ năm pháp ngăn trở đối với tâm,
Sau khi xua đuổi hẳn tất cả các tùy phiền não,
Không nương tựa, sau khi cắt đứt thương yêu và sân hận,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Sau khi dứt bỏ năm pháp ngăn trở đối với tâm: Vị Phật Độc Giác ấy sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu pháp che lấp “mong muốn về dục”, sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu pháp che lấp “sân hận”,… pháp che lấp “dã dượi buồn ngủ”,… pháp che lấp “phóng dật và hối hận”,… pháp che lấp “hoài nghi”, ngay sau khi tách ly khỏi các dục, tách ly khỏi các bất thiện pháp, đạt đến và trú thiền thứ nhất, có tầm có tứ, có hỷ lạc sanh lên do sự tách ly.
“Sau khi dứt bỏ năm pháp ngăn trở đối với tâm” là như thế.
Sau khi xua đuổi hẳn tất cả các tùy phiền não: Sự luyến ái là tùy phiền não của tâm, sân hận là tùy phiền não của tâm, si mê là tùy phiền não của tâm, giận dữ… thù hằn… (nt)… tất cả các pháp tạo tác bất thiện là các tùy phiền não của tâm.
Sau khi xua đuổi hẳn tất cả các tùy phiền não: Sau khi xua đuổi hẳn, sau khi đuổi đi, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu tất cả các tùy phiền não của tâm.
“Sau khi xua đuổi hẳn tất cả các tùy phiền não” là như thế.
Không nương tựa, sau khi cắt đứt thương yêu và sân hận.
Không nương tựa: Có hai sự nương tựa: Sự nương tựa vào tham ái và sự nương tựa vào tà kiến. ... (nt)… điều này là sự nương tựa vào tham ái. ... (nt)… điều này là sự nương tựa vào tà kiến.
Thương yêu: Có hai sự thương yêu: Sự thương yêu do tham ái và sự thương yêu do tà kiến. ... (nt)… Việc này là sự thương yêu do tham ái. ... (nt)… Việc này là sự thương yêu do tà kiến.
Sân hận: Là sự tức tối của tâm, sự tức giận, sự thù hận, sự đối chọi, sự căm giận, sự căm hờn, sự căm ghét, sự sân hận, sự khởi sân, sự sân nộ, sự độc ác của tâm, sự khởi sân của ý, sự giận dữ, biểu hiện giận dữ, trạng thái giận dữ, sự sân hận, biểu hiện sân hận, trạng thái sân hận, sự độc ác, biểu hiện độc ác, trạng thái độc ác, sự chống đối, sự đối chọi, sự tàn nhẫn, sự lỗ mãng, trạng thái không hoan hỷ của tâm.
Không nương tựa, sau khi cắt đứt thương yêu và sân hận: Vị Phật Độc Giác ấy sau khi cắt đứt, sau khi cắt lìa, sau khi cắt lìa hoàn toàn, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu sự thương yêu do tham ái, sự thương yêu do tà kiến, và sự sân hận, không nương tựa vào mắt, không nương tựa vào tai,… (nt)… không nương tựa vào các pháp đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, không bám vào, không đến gần, không bám chặt, không hướng đến, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.
“Không nương tựa, sau khi cắt đứt thương yêu và sân hận, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Sau khi dứt bỏ năm pháp ngăn trở đối với tâm,
Sau khi xua đuổi hẳn tất cả các tùy phiền não,
Không nương tựa, sau khi cắt đứt thương yêu và sân hận,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
3. Sau khi đã bỏ lại sau lưng lạc và khổ,
Cùng với hỷ và ưu ngay trước đây,
Sau khi đạt được xả và sự vắng lặng thanh tịnh,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Sau khi đã bỏ lại sau lưng lạc và khổ, cùng với hỷ và ưu ngay trước đây: Vị Phật Độc Giác ấy, do sự dứt bỏ lạc, do sự dứt bỏ khổ [ở thân], do sự biến mất của hỷ tâm và ưu phiền [đã có] ngay trước đó, đạt đến và trú thiền thứ tư, có sự thanh tịnh của xả và niệm, không khổ không lạc.
“Sau khi đã bỏ lại sau lưng lạc và khổ, cùng với hỷ và ưu ngay trước đây” là như thế.
Sau khi đạt được xả và sự vắng lặng thanh tịnh.
Xả: Là sự hành xả, biểu hiện của hành xả, biểu hiện của hành xả vượt trội, trạng thái vắng lặng của tâm, trạng thái an tịnh của tâm, trạng thái trung dung của tâm ở tứ thiền.
Sự vắng lặng: Là sự ổn định, sự đứng vững, sự kiên định, sự không rối loạn, sự không tán loạn, trạng thái tâm ý không bị phân tán, sự vắng lặng, định quyền, định lực, chánh định của tâm. Ở tứ thiền, xả và sự vắng lặng là trong sạch, thanh tịnh, tinh khiết, không bợn nhơ, lìa khỏi phiền não, nhu thuận, có thể sử dụng, ổn định, đã đạt đến trạng thái vững chắc.
Sau khi đạt được xả và sự vắng lặng thanh tịnh: Sau khi nhận được, sau khi đạt được, sau khi tìm thấy, sau khi tiếp nhận xả và sự vắng lặng ở tứ thiền.
“Sau khi đạt được xả và sự vắng lặng thanh tịnh, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Sau khi đã bỏ lại sau lưng lạc và khổ,
Cùng với hỷ và ưu ngay trước đây,
Sau khi đạt được xả và sự vắng lặng thanh tịnh,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
4. Có sự ra sức tinh tấn để đạt đến lợi ích tối thượng,
Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác,
Có sự cố gắng bền bỉ, có được sức mạnh và năng lực,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Có sự ra sức tinh tấn để đạt đến lợi ích tối thượng: Lợi ích tối thượng nói đến bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn. [Vị ấy] sống có sự ra sức tinh tấn để đạt đến, để có được, để tiếp nhận, để chứng đắc, để chạm đến, để chứng ngộ lợi ích tối thượng, có sự dõng mãnh, có sự nỗ lực vững chãi, không buông bỏ bổn phận trong các thiện pháp nhằm dứt bỏ các bất thiện pháp, nhằm đạt được các thiện pháp.
“Có sự ra sức tinh tấn để đạt đến lợi ích tối thượng” là như thế.
Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác: Vị Phật Độc Giác ấy làm sanh khởi sự mong muốn, rồi gắng sức, khởi sự tinh tấn, ra sức và xác định tâm về việc không sanh khởi của các ác bất thiện pháp chưa được sanh khởi,… (nt)… về việc dứt bỏ các ác bất thiện pháp đã được sanh khởi,… (nt)… về việc sanh khởi của các thiện pháp chưa được sanh khởi, làm sanh khởi sự mong muốn, rồi gắng sức, khởi sự tinh tấn, ra sức và xác định tâm về việc duy trì, về việc không lẫn lộn, về việc gia tăng, về việc lớn mạnh, về việc phát triển, về việc làm cho đầy đủ các thiện pháp đã được sanh khởi. “Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác” là như vậy.
Hoặc là, ra sức và xác định tâm rằng: “Hãy sẵn lòng để cho còn lại chỉ da, gân, xương; hãy để cho thịt và máu ở thân xác khô cạn. Việc nào có thể đạt được với sức mạnh của người nam, với sức lực của người nam, với sự tinh tấn của người nam, với sự nỗ lực của người nam, khi còn chưa đạt được việc ấy thì sẽ không có ngừng lại sự tinh tấn.” “Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác” còn là như vậy.
Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Khi mũi tên tham ái chưa được nhổ lên, ta sẽ không ăn, ta sẽ không uống, ta sẽ không đi ra khỏi trú xá, ta cũng sẽ không nằm xuống một bên hông.”[2] “Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác” còn là như vậy.
Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ không lìa khỏi tư thế kiết-già này cho đến khi nào tâm của ta còn chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ.” “Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác” còn là như vậy.
Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ không đứng dậy khỏi chỗ ngồi này cho đến khi nào tâm của ta còn chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ.” “Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác” còn là như vậy.
Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ không bước khỏi đường kinh hành này… “Ta sẽ không rời khỏi trú xá… “Ta sẽ không rời khỏi nhà một mái… “Ta sẽ không rời khỏi tòa lâu đài… “Ta sẽ không rời khỏi tòa nhà dài… “Ta sẽ không rời khỏi hang động… “Ta sẽ không rời khỏi thạch thất… “Ta sẽ không rời khỏi cốc liêu… “Ta sẽ không rời khỏi nhà mái nhọn… “Ta sẽ không rời khỏi chòi canh… “Ta sẽ không rời khỏi ngôi nhà tròn… “Ta sẽ không rời khỏi căn lều… “Ta sẽ không rời khỏi hội trường… “Ta sẽ không rời khỏi mái che… “Ta sẽ không rời khỏi gốc cây này cho đến khi nào tâm của ta còn chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ.” “Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác” còn là như vậy.
Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ đem lại, ta sẽ hoàn tất, ta sẽ chứng đắc, ta sẽ chạm đến, ta sẽ chứng ngộ Thánh pháp ngay trong buổi sáng này.” “Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác” còn là như vậy. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ đem lại, ta sẽ hoàn tất, ta sẽ chứng đắc, ta sẽ chạm đến, ta sẽ chứng ngộ Thánh pháp ngay trong buổi trưa này… (nt)… trong buổi chiều… trước bữa ăn… sau bữa ăn… vào canh đầu… vào canh giữa… vào canh cuối… vào hậu bán nguyệt… vào tiền bán nguyệt… vào mùa mưa… vào mùa lạnh… vào mùa nóng… ở chặng đầu của tuổi thọ… ở chặng giữa của tuổi thọ… ở chặng cuối của tuổi thọ này.”
“Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác” còn là như vậy.
Có sự cố gắng bền bỉ, có được sức mạnh và năng lực.
Có sự cố gắng bền bỉ: Vị Phật Độc Giác ấy đã có sự thọ trì vững chãi, có sự thọ trì kiên định trong các thiện pháp, ở thiện hạnh về thân, ở thiện hạnh về khẩu, ở thiện hạnh về ý, ở sự phân phát vật thí, ở sự thọ trì giới, ở việc thực hành ngày trai giới, ở việc phục vụ mẹ, ở việc phục vụ cha, ở việc phục vụ Sa-môn, ở việc phục vụ Bà-la-môn, ở việc cung kính các bậc trưởng thượng trong gia tộc, ở các thiện pháp cao cả khác nào đó nữa. “Có sự cố gắng bền bỉ” là như thế.
Có được sức mạnh và năng lực: Vị Phật Độc Giác ấy đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã đạt đến, đã đầy đủ, đã thành tựu về sức mạnh, về năng lực, về sự tinh tấn, về sự nỗ lực và về tuệ.
“Có sự cố gắng bền bỉ, có được sức mạnh và năng lực, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Có sự ra sức tinh tấn để đạt đến lợi ích tối thượng,
Có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác,
Có sự cố gắng bền bỉ, có được sức mạnh và năng lực,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
5. Trong khi không bỏ phế việc thiền tịnh, việc tham thiền,
Là người thường xuyên thực hành thuận pháp đối với các pháp,[3]
Là người nhận chân được sự bất lợi ở các hữu,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Trong khi không bỏ phế việc thiền tịnh, việc tham thiền: Vị Phật Độc Giác ấy có sự thích thú trong việc thiền tịnh, được thích thú trong việc thiền tịnh, gắn bó với sự vắng lặng của tâm thuộc nội phần, có thiền không bị xa rời, thành tựu minh sát, là người gia tăng việc ngụ ở các ngôi nhà trống vắng, chứng thiền, thích thú với thiền, gắn bó với trạng thái đơn độc, chú trọng mục đích của mình. “Việc thiền tịnh” là như thế.
Trong khi không bỏ phế việc tham thiền: Vị Phật Độc Giác ấy không bỏ phế việc tham thiền bởi hai lý do: Vị ấy gắn bó, gắn vào, gắn chặt, gắn liền với việc sanh khởi của sơ thiền chưa được sanh khởi,… hoặc của nhị thiền chưa được sanh khởi,… hoặc của tam thiền chưa được sanh khởi,… hoặc gắn bó, gắn vào, gắn chặt, gắn liền với việc sanh khởi của tứ thiền chưa được sanh khởi. “Không bỏ phế việc tham thiền” là như vậy. Hoặc là, vị ấy luyện tập, tu tập, thực hành thường xuyên sơ thiền đã được sanh khởi,… hoặc nhị thiền đã được sanh khởi… hoặc tam thiền đã được sanh khởi… hoặc vị ấy luyện tập, tu tập, thực hành thường xuyên tứ thiền đã được sanh khởi. “Không bỏ phế việc tham thiền” còn là như vậy.
“Trong khi không bỏ phế việc thiền tịnh, việc tham thiền” là như thế.
Là người thường xuyên thực hành thuận pháp đối với các pháp: Các pháp nói đến bốn sự thiết lập niệm… (nt)… đạo lộ Thánh thiện tám chi phần. Các việc nào là sự thực hành thuận pháp? Sự thực hành đúng đắn, sự thực hành phù hợp, sự thực hành không trái ngược, sự thực hành đưa đến lợi ích, sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, việc làm đầy đủ các giới, việc phòng vệ các giác quan, việc biết chừng mực về vật thực, sự luyện tập về tỉnh thức, niệm và sự nhận biết rõ; các việc này là sự thực hành thuận pháp.
Là người thường xuyên thực hành thuận pháp đối với các pháp: Là người thực hành, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng đối với các pháp một cách thường tồn, luôn khi, thường xuyên, liên tục, không gián đoạn, tiếp nối liên tục, sanh lên tuần tự [như sóng nước], không lưa thưa, không đứt khoảng, không ngừng lại, được liền lặn, trước bữa ăn, sau bữa ăn, vào canh đầu, vào canh giữa, vào canh cuối, vào hậu bán nguyệt, vào tiền bán nguyệt, vào mùa mưa, vào mùa lạnh, vào mùa nóng, ở chặng đầu của tuổi thọ, ở chặng giữa của tuổi thọ, ở chặng cuối của tuổi thọ.
“Là người thường xuyên thực hành thuận pháp đối với các pháp” là như thế.
Là người nhận chân được sự bất lợi ở các hữu: Là người nhận chân được sự bất lợi ở các hữu rằng: “Tất cả các hành là vô thường”;… “Tất cả các hành là khổ”;… “Tất cả các pháp là vô ngã”; là người nhận chân được sự bất lợi ở các hữu rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
“Là người nhận chân được sự bất lợi ở các hữu, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Trong khi không bỏ phế việc thiền tịnh, việc tham thiền,
Là người thường xuyên thực hành thuận pháp đối với các pháp,
Là người nhận chân được sự bất lợi ở các hữu,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
6. Trong khi ước nguyện sự diệt trừ tham ái, không xao lãng,
Không ngây ngô khờ khạo, có sự nghe nhiều, có niệm,
Đã hiểu rõ giáo pháp, đã được kiên cố, có sự nỗ lực,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Trong khi ước nguyện sự diệt trừ tham ái, không xao lãng.
Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp.
Trong khi ước nguyện sự diệt trừ tham ái: Trong khi ước nguyện, trong khi ước muốn, trong khi ưng thuận, trong khi mong cầu, trong khi nguyện cầu sự diệt trừ luyến ái, sự diệt trừ sân hận, sự diệt trừ si mê, sự diệt trừ cảnh giới tái sanh, sự diệt trừ việc tái sanh, sự diệt trừ việc nối liền tái sanh, sự diệt trừ hữu, sự diệt trừ luân hồi, sự diệt trừ việc luân chuyển. “Trong khi ước nguyện sự diệt trừ tham ái” là như thế.
Không xao lãng: Vị Phật Độc Giác ấy có sự thực hành nghiêm trang, có sự thực hành liên tục… (nt)… không bị xao lãng trong các thiện pháp.
“Trong khi ước nguyện sự diệt trừ tham ái, không xao lãng” là như thế.
Không ngây ngô khờ khạo, có sự nghe nhiều, có niệm.
Không ngây ngô khờ khạo: Vị Phật Độc Giác ấy là bậc sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.
Có sự nghe nhiều: Vị Phật Độc Giác ấy là vị nghe nhiều, có sự ghi nhớ điều đã được nghe, có sự tích lũy điều đã được nghe về những pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, tuyên thuyết về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Đối với vị này, các pháp có hình thức như thế là được nghe nhiều, được ghi nhớ, được tích lũy bằng khẩu, được suy nghĩ chín chắn bằng ý, được thấu triệt tốt đẹp bằng kiến thức.
Có niệm: Vị Phật Độc Giác ấy là vị có niệm, bản thân đã được thành tựu niệm và sự thận trọng tuyệt đối, là vị nhớ đến, vị nhớ lại thậm chí việc làm đã lâu, lời nói đã lâu.
“Không ngây ngô khờ khạo, có sự nghe nhiều, có niệm” là như thế.
Đã hiểu rõ giáo pháp, đã được kiên cố, có sự nỗ lực: Đã hiểu rõ giáo pháp nói đến trí, tức là tuệ, là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến.
Đã hiểu rõ giáo pháp: Vị Phật Độc Giác ấy đã hiểu rõ giáo pháp, đã biết giáo pháp, đã cân nhắc giáo pháp, đã xác định giáo pháp, đã rõ rệt giáo pháp, đã minh định giáo pháp; đã hiểu rõ giáo pháp… (nt)… rằng: “Tất cả các hành là vô thường”;… (nt)… đã hiểu rõ giáo pháp, đã biết giáo pháp, đã cân nhắc giáo pháp, đã xác định giáo pháp, đã rõ rệt giáo pháp, đã minh định giáo pháp rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Hoặc là, đối với vị Phật Độc Giác ấy, các uẩn đã được hiểu rõ, các giới đã được hiểu rõ, các xứ đã được hiểu rõ, các cảnh giới tái sanh đã được hiểu rõ, các sự tái sanh đã được hiểu rõ, sự nối liền tái sanh đã được hiểu rõ, các hữu đã được hiểu rõ, sự luân hồi đã được hiểu rõ, sự luân chuyển đã được hiểu rõ. Hoặc là, vị Phật Độc Giác ấy tồn tại trong giai đoạn cuối của các uẩn, tồn tại trong giai đoạn cuối của các giới, tồn tại trong giai đoạn cuối của các xứ, tồn tại trong giai đoạn cuối của cảnh giới tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự nối liền tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của hữu, tồn tại trong giai đoạn cuối của luân hồi, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự luân chuyển, tồn tại trong kiếp sống cuối cùng, tồn tại trong thân xác cuối cùng, là vị Phật Độc Giác với việc duy trì thân xác cuối cùng.
“Đối với vị ấy, đây là lần cuối cùng, thân xác này là sau chót, việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với các vị ấy.”
Vì lý do ấy, vị Phật Độc Giác là vị đã hiểu rõ giáo pháp.
Đã được kiên cố: Pháp kiên cố nói đến bốn Thánh đạo; “vị đã được thành tựu bốn Thánh đạo” là vị đã được kiên cố, là vị đã đạt đến, đã đạt được, đã chứng đắc, đã chạm đến, đã chứng ngộ pháp kiên cố. “Đã được kiên cố” là như thế.
Có sự nỗ lực: Sự nỗ lực nói đến sự tinh tấn, là pháp thuộc về tâm, là sự ra sức tinh tấn, sự cố gắng, sự nỗ lực, sự siêng năng, sự tinh tấn, sự gắng sức, sự ráng sức, sự dõng mãnh, nghị lực, trạng thái không lơi lỏng sự nỗ lực, trạng thái không buông bỏ sự mong muốn, trạng thái không buông bỏ trách nhiệm, sự đề cao trách nhiệm, sự tinh tấn, tấn quyền, tấn lực, chánh tinh tấn. Vị Phật Độc Giác ấy đã tiến đến, đã tiến gần, đã đến gần, đã tiến vào, đã đạt đến, đã đầy đủ, đã thành tựu sự nỗ lực này; vì thế, vị Phật Độc Giác ấy là vị có sự nỗ lực.
“Đã hiểu rõ giáo pháp, đã được kiên cố, có sự nỗ lực, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Trong khi ước nguyện sự diệt trừ tham ái, không xao lãng,
Không ngây ngô khờ khạo, có sự nghe nhiều, có niệm,
Đã hiểu rõ giáo pháp, đã được kiên cố, có sự nỗ lực,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
7. Không kinh sợ tựa như con sư tử không kinh sợ các tiếng động,
Không dính mắc tựa như làn gió không bị dính mắc ở mạng lưới,
Không bị lấm nhơ tựa như đóa sen không bị lấm nhơ bởi nước,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Không kinh sợ tựa như con sư tử không kinh sợ các tiếng động: Giống như con sư tử, chúa của loài thú, không có sự kinh sợ, không có sự sợ sệt, không có sự khiếp sợ các tiếng động, không kinh hoàng, không có sự hoảng sợ, không sợ sệt, không nhút nhát, không có sự kinh hãi, không có sự sợ sệt, không có sự trốn chạy; vị Phật Độc Giác sống cũng không có sự kinh sợ, không có sự sợ sệt, không có sự khiếp sợ các tiếng động, không kinh hoàng, không có sự hoảng sợ, không sợ sệt, không nhút nhát, không có sự kinh hãi, không có sự sợ sệt, không có sự trốn chạy, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa.
“Không kinh sợ tựa như con sư tử không kinh sợ các tiếng động” là như thế.
Không dính mắc tựa như làn gió không bị dính mắc ở mạng lưới.
Làn gió: Gió hướng Đông, gió hướng Tây, gió hướng Bắc, gió hướng Nam, gió có bụi, gió không có bụi, gió mát, gió nóng, gió ít, gió nhiều, hắc phong, gió ở thượng tầng khí quyển, gió do cánh chim, gió của loài linh điểu, gió do lá thốt nốt, gió từ cây quạt.
Mạng lưới: Nói đến mạng lưới bằng chỉ sợi. Giống như làn gió không dính mắc ở mạng lưới, không nắm giữ, không bị trói buộc, không bị giữ lại, tương tự y như vậy, có hai mạng lưới: Mạng lưới tham ái và mạng lưới tà kiến… (nt)… điều này là mạng lưới tham ái… (nt)… điều này là mạng lưới tà kiến. Đối với vị Phật Độc Giác ấy, mạng lưới tham ái đã được dứt bỏ, mạng lưới tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với mạng lưới tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với mạng lưới tà kiến, vị Phật Độc Giác ấy không dính mắc ở sắc, không dính mắc ở thinh,… (nt)… không dính mắc ở các pháp đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, [vị ấy] không nắm giữ, không bị trói buộc, không bị giữ lại, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.
“Không dính mắc tựa như làn gió không bị dính mắc ở mạng lưới” là như thế.
Không bị lấm nhơ tựa như đóa sen không bị lấm nhơ bởi nước.
Đóa sen: Nói đến bông sen trắng.
Nước: Nói đến nước [thông thường].[4] Giống như đóa sen trắng không bị lấm nhơ bởi nước, không bị nhiễm bẩn, không bị vấy bẩn, [là đóa hoa] đã không bị lấm nhơ, đã không bị nhiễm bẩn, đã không bị vấy bẩn, tương tự y như vậy, có hai sự lấm nhơ: Lấm nhơ do tham ái và lấm nhơ do tà kiến. ... (nt)… điều này là lấm nhơ do tham ái. ... (nt)… điều này là lấm nhơ do tà kiến. Đối với vị Phật Độc Giác ấy, sự lấm nhơ do tham ái đã được dứt bỏ, sự lấm nhơ do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự lấm nhơ do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự lấm nhơ do tà kiến, vị Phật Độc Giác ấy không bị lấm nhơ ở sắc, không bị lấm nhơ ở thinh,… (nt)… không bị lấm nhơ ở các pháp đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, không bị nhiễm bẩn, không bị vấy bẩn, [là người] đã không bị lấm nhơ, đã không bị nhiễm bẩn, đã không bị vấy bẩn, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.
“Không bị lấm nhơ tựa như đóa sen không bị lấm nhơ bởi nước, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Không kinh sợ tựa như con sư tử không kinh sợ các tiếng động,
Không dính mắc tựa như làn gió không bị dính mắc ở mạng lưới,
Không bị lấm nhơ tựa như đóa sen không bị lấm nhơ bởi nước,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
8. Tựa như con sư tử, có sức mạnh của các răng nanh, vua của các loài thú, có cuộc sống thiên về khuất phục và thống trị [các con thú khác], nên lai vãng các trú xứ xa vắng, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Tựa như con sư tử, có sức mạnh của các răng nanh, vua của các loài thú, có cuộc sống thiên về khuất phục và thống trị [các con thú khác]: Giống như con sư tử, chúa của loài thú có sức mạnh của các răng nanh, có vũ khí là các răng nanh, sau khi khuất phục, sau khi thống trị, sau khi đè bẹp, sau khi trấn áp, sau khi dẫm đạp tất cả các loài thú, các sinh mạng, nó sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng; vị Phật Độc Giác cũng có sức mạnh của tuệ, có vũ khí là tuệ, sau khi khuất phục, sau khi thống trị, sau khi đè bẹp, sau khi trấn áp, sau khi dẫm đạp tất cả các sanh linh, các hạng chúng sanh bằng tuệ, vị ấy sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng.
“Tựa như con sư tử có sức mạnh của các răng nanh, vua của các loài thú có cuộc sống thiên về khuất phục và thống trị [các con thú khác]” là như thế.
Nên lai vãng các trú xứ xa vắng: Giống như con sư tử, chúa của loài thú, đi sâu vào các khu rừng, chòm cây, rồi sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng; vị Phật Độc Giác cũng thân cận các khu rừng, các nơi heo hút, các chỗ trú ngụ xa vắng có ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh. Vị ấy sống một mình, đi một mình, đứng một mình, ngồi một mình, nằm một mình, đi vào làng để khất thực một mình, đi trở về một mình, ngồi nơi vắng vẻ một mình, quyết định kinh hành một mình, một mình sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng một mình.
“Nên lai vãng các trú xứ xa vắng, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Tựa như con sư tử, có sức mạnh của các răng nanh, vua của các loài thú, có cuộc sống thiên về khuất phục và thống trị [các con thú khác], nên lai vãng các trú xứ xa vắng, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
9. Trong khi đang rèn luyện từ, bi, hỷ, xả, và giải thoát vào thời điểm thuận tiện, trong khi không bị chống đối bởi tất cả thế gian, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Trong khi đang rèn luyện từ, bi, hỷ, xả, và giải thoát vào thời điểm thuận tiện: Vị Phật Độc Giác ấy lan tỏa một phương bằng tâm đồng hành với từ, rồi an trú, tương tự như vậy phương thứ nhì, tương tự như vậy phương thứ ba, tương tự như vậy phương thứ tư, như thế ở phương trên, phương dưới, phương ngang, khắp mọi nơi, cho đến tất cả các chúng sanh luôn cả bản thân, vị ấy lan tỏa toàn thể thế giới chúng sanh bằng tâm đồng hành với từ, bao la, quảng đại, không đo lường được, không thù oán, không sân hận, rồi an trú. Vị ấy lan tỏa một phương bằng tâm đồng hành với bi… (nt)… bằng tâm đồng hành với hỷ… (nt)… bằng tâm đồng hành với xả, bao la, quảng đại, không đo lường được, không thù oán, không sân hận, rồi an trú.
“Trong khi đang rèn luyện từ, bi, hỷ, xả, và giải thoát vào thời điểm thuận tiện” là như thế.
Trong khi không bị chống đối bởi tất cả thế gian: Nhờ trạng thái phát triển của tâm từ, các chúng sanh ở hướng Đông là không chán ghét, các chúng sanh ở hướng Tây… các chúng sanh ở hướng Bắc… các chúng sanh ở hướng Nam… các chúng sanh ở hướng Đông Nam… các chúng sanh ở hướng Tây Nam… các chúng sanh ở hướng Tây Bắc… các chúng sanh ở hướng Đông Bắc… các chúng sanh ở hướng dưới… các chúng sanh ở hướng trên… các chúng sanh ở mười phương là không chán ghét. Nhờ trạng thái phát triển của tâm bi… (nt)… nhờ trạng thái phát triển của tâm hỷ… (nt)… nhờ trạng thái phát triển của tâm xả, các chúng sanh ở hướng Đông… (nt)… các chúng sanh ở mười phương là không chán ghét.
Trong khi không bị chống đối bởi tất cả thế gian: Trong khi không bị chống đối, trong khi không bị chống báng, trong khi không bị đụng chạm, trong khi không bị công kích bởi tất cả thế gian.
“Trong khi không bị chống đối bởi tất cả thế gian, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Trong khi đang rèn luyện từ, bi, hỷ, xả, và giải thoát vào thời điểm thuận tiện, trong khi không bị chống đối bởi tất cả thế gian, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
10. Sau khi dứt bỏ luyến ái, sân hận và si mê,
Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc,
Người không kinh sợ về chặng cuối cùng của mạng sống,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Sau khi dứt bỏ luyến ái, sân hận và si mê.
Luyến ái: Là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.
Sân hận: Là sự tức tối của tâm… (nt)… sự tàn nhẫn, sự lỗ mãng, trạng thái không hoan hỷ của tâm.
Si mê: Là sự không biết về khổ,… (nt)… sự ngăn trở của vô minh, si mê là gốc rễ của bất thiện.
Sau khi dứt bỏ luyến ái, sân hận và si mê: Vị Phật Độc Giác ấy sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu luyến ái, sân hận, và si mê.
“Sau khi dứt bỏ luyến ái, sân hận và si mê” là như thế.
Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc: Có mười sự ràng buộc: Sự ràng buộc của ái dục, sự ràng buộc của bất bình,… (nt)… sự ràng buộc của vô minh.
Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc: Sau khi bứt lìa, sau khi bứt lìa hẳn, sau khi bứt lìa hoàn toàn, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu các sự ràng buộc.
“Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc” là như thế.
Người không kinh sợ về chặng cuối cùng của mạng sống: Vị Phật Độc Giác ấy không có sự kinh sợ, không có sự sợ sệt về chặng cuối cùng của mạng sống, không kinh hoàng, không có sự hoảng sợ, không sợ sệt, không nhút nhát, không có sự kinh hãi, không có sự sợ sệt, không có sự trốn chạy, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa.
“Người không kinh sợ về chặng cuối cùng của mạng sống, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Sau khi dứt bỏ luyến ái, sân hận và si mê,
Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc,
Người không kinh sợ về chặng cuối cùng của mạng sống,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
11. Người ta thân cận và phục vụ có động cơ là sự lợi ích,
Ngày nay những người bạn không có động cơ [lợi ích] là khó đạt được,
Những người [chỉ] biết đến lợi ích của bản thân thì không trong sạch,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Người ta thân cận và phục vụ có động cơ là sự lợi ích: Người ta thân cận, gần gũi, phục vụ, phục dịch, kề cận, hầu cận có động cơ là lợi ích của bản thân, có động cơ là lợi ích của người khác, có động cơ là lợi ích của cả hai, có động cơ là lợi ích trong đời này, có động cơ là lợi ích trong đời sau, [có động cơ là lợi ích tối thượng].
“Người ta thân cận và phục vụ có động cơ là sự lợi ích” là như thế.
Ngày nay những người bạn không có động cơ [lợi ích] là khó đạt được: Có hai loại bạn bè: Bạn bè tại gia và bạn bè xuất gia. ... (nt)… Người này là bạn bè tại gia. ... (nt)… Người này là bạn bè xuất gia.
Ngày nay những người bạn không có động cơ [lợi ích] là khó đạt được: Hai loại bạn bè này [nếu] không có lý do, không có động cơ, không có nguyên nhân, không có duyên cớ thì khó đạt được, khó nhận được, vô cùng khó nhận được.
“Ngày nay những người bạn không có động cơ [lợi ích] là khó đạt được” là như thế.
Những người [chỉ] biết đến lợi ích của bản thân thì không trong sạch.
Những người [chỉ] biết đến lợi ích của bản thân: Là những người thân cận, gần gũi, phục vụ, phục dịch, kề cận, hầu cận, hành xử, hành theo, ngồi gần, chất vấn, hỏi han vì lợi ích của bản thân, vì nguyên nhân của bản thân, vì duyên cớ của bản thân, vì lý do của bản thân. “[Chỉ] biết đến lợi ích của bản thân” là như thế.
Những người không trong sạch: “‘Những người có thân nghiệp không trong sạch’ là những người không trong sạch, ‘những người có khẩu nghiệp không trong sạch’ là những người không trong sạch, ‘những người có ý nghiệp không trong sạch’ là những người không trong sạch, ‘những người có sự giết hại mạng sống không trong sạch’… sự trộm cắp không trong sạch… tà hạnh không trong sạch trong các dục… nói dối không trong sạch… ‘những người có lời nói nói đâm thọc không trong sạch’… ‘những người có lời nói thô lỗ không trong sạch’… ‘những người nói nhảm nhí không trong sạch’… ‘những người có sự tham đắm không trong sạch’… ‘những người có sự sân hận không trong sạch’ là những người không trong sạch, ‘những người có tà kiến không trong sạch’ là những người không trong sạch, ‘những người có ý định không trong sạch’ là những người không trong sạch, ‘những người có ước nguyện không trong sạch’ là những người không trong sạch, ‘những người có nguyện vọng không trong sạch’ là những người không trong sạch”; không trong sạch là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.
“Những người [chỉ] biết đến lợi ích của bản thân thì không trong sạch” là như thế.
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Một mình: Vị Phật Độc Giác ấy là một mình theo quy định của đời sống xuất gia,… (nt)…
Nên sống: Có tám sự thực hành:… (nt)…
Tựa như sừng của loài tê ngưu: Giống như tên gọi của loài tê ngưu, sừng của nó chỉ có một, không có cái thứ hai,… (nt)…
“Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Người ta thân cận và phục vụ có động cơ là sự lợi ích,
Ngày nay những người bạn không có động cơ [lợi ích] là khó đạt được,
Những người [chỉ] biết đến lợi ích của bản thân thì không trong sạch,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
Dứt phẩm thứ tư.
Và “Diễn giải kinh sừng tê ngưu” được chấm dứt.
1. “Ajita, Tissametteyya, Puṇṇaka, rồi Mettagū, Dhotaka và Upasīva, Nanda, rồi Hemaka.
2. Hai vị Todeyya và Kappa và vị sáng suốt Jatukaṇṇī, Bhadrāvudha và Udaya, luôn cả Bà-la-môn Posāla.
3. Vị thông minh Mogharāja và vị Đại Ẩn sĩ Piṅgiya. Hơn nữa, lời giảng dạy đến chính mười sáu vị Bà-la-môn ấy, các lời diễn giải về những con đường đi đến bờ kia là chỉ có chừng ấy.
4. Và các lời diễn giải của những bài Kinh Sừng tê ngưu là đúng y như thế. Các lời diễn giải gồm hai phần cần được biết; chúng được đầy đủ, được khéo làm nổi bật.”
TIỂU DIỄN GIẢI ĐƯỢC HOÀN TẤT.
[1] Phật tự thuyết, Phẩm Giác ngộ thứ nhất, Kinh Kassapa, TTPV, tập 28, trang 141. (ND)
[2] Trưởng lão kệ, “Kệ ngôn của Trưởng lão Paccaya”, TTPV, tập 31, tr. 83; “Kệ ngôn của Trưởng lão Mudita”, tr. 103. (ND)
[3] Thực hành thuận pháp đối với các pháp (dhammesu anudhammacārī): Thực hành pháp minh sát tùy thuận theo sự diễn biến của các pháp như là ngũ uẩn, v.v... hoặc là hành tuần tự theo 9 pháp siêu thế là 4 Đạo, 4 Quả và Niết-bàn (SnA. I. 123). (ND)
[4] Toyaṃ và udakaṃ có chung ý nghĩa là “nước.”
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.