Viện Nghiên Cứu Phật Học

PHẨM THỨ NHÌ
(DUTIYO VAGGO)

 

1.           Nếu có thể đạt được người bạn chín chắn,

Người đồng hành sáng trí, có sự an trú tốt đẹp,

Sau khi đã khắc phục mọi hiểm họa,

Nên du hành với vị ấy, có sự hoan hỷ, có niệm.

Nếu có thể đạt được người bạn chín chắn: Nếu có thể đạt được, có thể tiếp nhận, có thể đạt đến, có thể tìm thấy người bạn chín chắn, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh

“Nếu có thể đạt được người bạn chín chắn” là như thế.

Người đồng hành sáng trí, có sự an trú tốt đẹp.

Người đồng hành: Người cùng đi chung.

Có sự an trú tốt đẹp: Có sự an trú tốt đẹp với Sơ thiền,… với Nhị thiền,… với Tam thiền, có sự an trú tốt đẹp với Tứ thiền, có sự an trú tốt đẹp với sự giải thoát của tâm thông qua Từ,… thông qua Bi,… thông qua Hỷ, có sự an trú tốt đẹp với sự giải thoát của tâm thông qua Xả, có sự an trú tốt đẹp với sự chứng đạt Không vô biên xứ,… với sự chứng đạt Thức vô biên xứ,… với sự chứng đạt Vô sở hữu xứ, có sự an trú tốt đẹp với sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ, có sự an trú tốt đẹp với sự chứng đạt Diệt [thọ tưởng định], có sự an trú tốt đẹp với sự chứng đạt quả vị.

Sáng trí: Sáng trí là sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

“Người đồng hành sáng trí, có sự an trú tốt đẹp” là như thế.

Sau khi đã khắc phục mọi hiểm họa.

Hiểm họa: Có hai loại hiểm họa: Hiểm họa hiển hiện và hiểm họa khuất lấp. ... (nt)… các điều này được gọi là hiểm họa hiển hiện. ... (nt)… các điều này được gọi là hiểm họa khuất lấp. ... (nt)… Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” còn là như vậy.

Sau khi đã khắc phục mọi hiểm họa: Sau khi đã khắc phục, sau khi đã thống trị, sau khi đã đè bẹp, sau khi đã trấn áp, sau khi đã nghiền nát tất cả các hiểm họa.

“Sau khi đã khắc phục mọi hiểm họa” là như thế.

Nên du hành với vị ấy, có sự hoan hỷ, có niệm: vị Phật Độc Giác ấy, có sự hoan hỷ, có ý vui vẻ, có ý vui thích, có ý thích thú, có ý phấn khởi, có ý vui mừng với vị chín chắn, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh ấy, nên du hành, nên trú ngụ, nên sinh hoạt, nên vận hành, nên bảo hộ, nên nuôi dưỡng, nên bảo dưỡng. “Nên du hành với vị ấy, có sự hoan hỷ, có niệm” là như thế.

Có niệm: vị Phật Độc Giác ấy là vị có niệm, được thành tựu niệm và sự cẩn thận tuyệt đối, là vị nhớ đến, vị nhớ lại thậm chí việc làm đã lâu, lời nói đã lâu.

“Nên du hành với vị ấy, có sự hoan hỷ, có niệm” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Nếu có thể đạt được người bạn chín chắn,

Người đồng hành sáng trí, có sự an trú tốt đẹp,

Sau khi đã khắc phục mọi hiểm họa,

Nên du hành với vị ấy, có sự hoan hỷ, có niệm.”

2.           Nếu không thể đạt được người bạn chín chắn,

Người đồng hành sáng trí, có sự an trú tốt đẹp,

Tương tự như vị vua dứt bỏ lãnh địa đã xâm chiếm được,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Nếu không thể đạt được người bạn chín chắn: Nếu không thể đạt được, không thể tiếp nhận, không thể đạt đến, không thể tìm thấy người bạn chín chắn, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

“Nếu không thể đạt được người bạn chín chắn” là như thế.

Người đồng hành sáng trí, có sự an trú tốt đẹp.

Người đồng hành: Người cùng đi chung.

Có sự an trú tốt đẹp: Có sự an trú tốt đẹp với sơ thiền,… (nt)… có sự an trú tốt đẹp với sự chứng đạt Diệt [thọ tưởng định], có sự an trú tốt đẹp với sự chứng đạt quả vị.

Sáng trí: Sáng trí là sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

“Người đồng hành sáng trí, có sự an trú tốt đẹp” là như thế.

Tương tự như vị vua dứt bỏ lãnh địa đã xâm chiếm được: Giống như vị vua dòng Sát-đế-lỵ đã được làm lễ phong vương ở đầu, đã chiến thắng trận đấu, đã giết chết đối thủ, đã đạt được ý định, có khu trại và nhà kho đầy ắp, sau khi buông bỏ quốc độ, xứ sở, khu trại, nhà kho và thành phố có vô số vàng bạc, sau khi cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, rời nhà xuất gia, sống không nhà, sau khi đi đến trạng thái không có gì, một mình sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng; tương tự như vậy, vị Phật Độc Giác, sau khi cắt đứt mọi sự vướng bận của đời sống tại gia, sau khi cắt đứt sự vướng bận về vợ con, sau khi cắt đứt sự vướng bận về thân quyến, sau khi cắt đứt sự vướng bận về bạn bè và thân hữu, sau khi cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, rời nhà xuất gia, sống không nhà, sau khi đi đến trạng thái không có gì, một mình sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng.

“Tương tự như vị vua dứt bỏ lãnh địa đã xâm chiếm được, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Nếu không thể đạt được người bạn chín chắn,

Người đồng hành sáng trí, có sự an trú tốt đẹp,

Tương tự như vị vua dứt bỏ lãnh địa đã xâm chiếm được,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

3. Đương nhiên, chúng ta ca ngợi sự thành tựu về bạn hữu. Những bạn hữu vượt trội [hoặc] tương đương là nên giao thiệp. Không đạt được những vị này, [nên] là người thọ dụng không bị chê trách, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Đương nhiên, chúng ta ca ngợi sự thành tựu về bạn hữu.

Đương nhiên: Từ “addhā” này là lời nói nhất định, lời nói không ngờ vực, lời nói không nghi ngờ, lời nói không hai nghĩa, lời nói không gây ra sự lưỡng lự, lời nói bảo đảm, lời nói không sai trái, lời nói không đối chọi, lời nói khẳng định.

Sự thành tựu về bạn hữu: Sự thành tựu về bạn hữu nói đến vị bạn hữu đã thành tựu về giới uẩn của bậc Vô học… về định uẩn của bậc Vô học… về tuệ uẩn của bậc Vô học… về giải thoát uẩn của bậc Vô học, đã thành tựu về giải thoát tri kiến uẩn[1] của bậc Vô học.

Đương nhiên, chúng ta ca ngợi sự thành tựu về bạn hữu: Chúng ta ca ngợi, chúng ta khen ngợi, chúng ta tán dương, chúng ta ca tụng sự thành tựu về bạn hữu.

“Đương nhiên, chúng ta ca ngợi sự thành tựu về bạn hữu” là như thế.

Những bạn hữu vượt trội [hoặc] tương đương là nên giao thiệp: Những bạn hữu là vượt trội về giới, về định, về tuệ, về giải thoát, về sự biết và thấy về giải thoát; những bạn hữu là tương đương, ngang bằng về giới, về định, về tuệ, về giải thoát, về sự biết và thấy về giải thoát. Những bạn hữu vượt trội hoặc những bạn hữu ngang bằng thì nên được giao thiệp, nên được thân cận, nên được gần gũi, nên được vấn, nên được hỏi.

“Những bạn hữu vượt trội [hoặc] tương đương là nên giao thiệp” là như thế.

Không đạt được những vị này, [nên] là người thọ dụng không bị chê trách: Có người là vị có sự thọ dụng bị chê trách, có người là vị có sự thọ dụng không bị chê trách.

Người nào là vị có sự thọ dụng bị chê trách? Ở đây, một người nào đó sau khi nhận được, sau khi đạt được, sau khi đạt đến, sau khi tìm thấy, sau khi tiếp nhận không đúng theo pháp, một cách không ngay thẳng, “bằng cách gạt gẫm, bằng cách tán phét, bằng cách gợi ý, bằng cách lừa bịp, bằng cách thèm muốn lợi lộc bằng lợi lộc, bằng cách cho củi [gỗ], bằng cách cho tre, bằng cách cho lá, bằng cách cho bông hoa, bằng cách cho trái cây, bằng cách cho cây cọ rửa, bằng cách cho bột tắm, bằng cách cho đất sét, bằng cách cho gỗ chà răng, bằng cách cho nước súc miệng, bằng cách nịnh hót, bằng cách tâng bốc, bằng cách chiều chuộng, bằng cách nói lén sau lưng, nhờ vào khoa địa lý, nhờ vào kiến thức thế tục, nhờ vào khoa bói tướng, nhờ vào khoa chiêm tinh, bằng cách đi làm sứ giả, bằng cách đi theo sự sai bảo, bằng cách chuyển tin bằng đôi chân, bằng công việc thầy thuốc, bằng cách thức ăn đổi thức ăn, do phát sanh bởi quà cáp”, rồi duy trì mạng sống. Người này được gọi là vị có sự thọ dụng bị chê trách.

Người nào là vị có sự thọ dụng không bị chê trách? Ở đây, một người nào đó sau khi nhận được, sau khi đạt được, sau khi đạt đến, sau khi tìm thấy, sau khi tiếp nhận đúng theo pháp, một cách ngay thẳng, “không do gạt gẫm, không do tán phét, không do gợi ý, không do lừa bịp, không do việc thèm muốn lợi lộc bằng lợi lộc, không do việc cho củi [gỗ], không do việc cho tre, không do việc cho lá, không do việc cho bông hoa, không do việc cho trái cây, không do việc cho cây cọ rửa, không do việc cho bột tắm, không do việc cho đất sét, không do việc cho gỗ chà răng, không do việc cho nước súc miệng, không do việc nịnh hót, không do việc tâng bốc, không do việc chiều chuộng, không do việc nói lén sau lưng, không nhờ vào khoa địa lý, không nhờ vào kiến thức thế tục, không nhờ vào khoa bói tướng, không nhờ vào khoa chiêm tinh, không do việc đi làm sứ giả, không do việc đi theo sự sai bảo, không do việc chuyển tin bằng đôi chân, không do công việc thầy thuốc, không do thức ăn đổi thức ăn, không do phát sanh bởi quà cáp”, rồi duy trì mạng sống. Người này được gọi là vị có sự thọ dụng không bị chê trách.

Không đạt được những vị này, [nên] là người thọ dụng không bị chê trách: Sau khi không đạt được những vị này, sau khi không nhận được, sau khi không đạt đến, sau khi không tìm thấy, sau khi không tiếp nhận, [nên] là người có sự thọ dụng không bị chê trách.

“Không đạt được những vị này, [nên] là người thọ dụng không bị chê trách, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Đương nhiên, chúng ta ca ngợi sự thành tựu về bạn hữu. Những bạn hữu vượt trội [hoặc] tương đương là nên giao thiệp. Không đạt được những vị này, [nên] là người thọ dụng không bị chê trách, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

4.           Sau khi nhìn thấy những [vòng] vàng sáng chói

Khéo được hoàn thành bởi con trai người thợ kim hoàn,

Hai vòng ở trên cùng cánh tay đang va chạm vào nhau,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Sau khi nhìn thấy những [vòng] vàng sáng chói.

Sau khi nhìn thấy: Sau khi nhìn thấy là sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt.

[Vòng] vàng: Vòng bạc.

Sáng chói: Thuần tịnh, tinh khiết.

“Sau khi nhìn thấy những [vòng] vàng sáng chói” là như thế.

Khéo được hoàn thành bởi con trai người thợ kim hoàn: Con trai người thợ kim hoàn nói đến người thợ vàng.

Khéo được hoàn thành bởi con trai người thợ kim hoàn: Đã khéo được hoàn thành, đã khéo được làm ra, đã được thực hiện việc xếp đặt khéo léo bởi con trai người thợ kim hoàn.

“Khéo được hoàn thành bởi con trai người thợ kim hoàn” là như thế.

Hai vòng ở trên cùng cánh tay đang va chạm vào nhau: Cánh tay nói đến bàn tay. Giống như hai vòng kiềng ở trên một bàn tay đụng chạm nhau; tương tự như thế, chúng sanh, do tác động của tham ái, do tác động của tà kiến, chúng đụng chạm nhau ở địa ngục, chúng đụng chạm nhau ở loài thú, chúng đụng chạm nhau ở thân phận ngạ quỷ, chúng đụng chạm nhau ở thế giới loài người, chúng đụng chạm nhau ở thế giới chư thiên về cảnh giới tái sanh với cảnh giới tái sanh, về sự tái sanh với sự tái sanh, về sự nối liền tái sanh với sự nối liền tái sanh, về cõi hiện hữu với cõi hiện hữu, về sự luân hồi với sự luân hồi, về sự luân chuyển với sự luân chuyển, chúng đụng chạm nhau, chúng va chạm vào nhau; trong khi va chạm vào nhau, chúng sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng.

“Hai vòng ở trên cùng cánh tay đang va chạm vào nhau, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Sau khi nhìn thấy những [vòng] vàng sáng chói

Khéo được hoàn thành bởi con trai người thợ kim hoàn,

Hai vòng ở trên cùng cánh tay đang va chạm vào nhau,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

5.           Tương tự như thế, cùng với bạn lữ, có thể xảy đến cho ta

Sự chuyện vãn bằng lời nói, hoặc sự quyến luyến sâu đậm.

Trong khi xét thấy nỗi sợ hãi này trong tương lai,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Tương tự như thế, cùng với bạn lữ, có thể xảy đến cho ta: Hoặc là có tham ái là bạn lữ, hoặc là có người là bạn lữ. Có tham ái là bạn lữ nghĩa là thế nào? Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp. Đối với vị nào, các tham ái này là chưa được dứt bỏ, vị ấy được gọi là có tham ái là bạn lữ.

“Có tham ái là bạn lữ, trong khi luân chuyển một thời gian dài đến sự hiện hữu này và sự hiện hữu khác, con người không vượt qua được luân hồi.”

Có tham ái là bạn lữ nghĩa là như vậy.

Có người là bạn lữ nghĩa là thế nào? Ở đây, một người nào đó không phải vì sự lợi ích là nguyên nhân,[2] không phải vì công việc là nguyên nhân, bị phóng túng, có tâm không được vắng lặng, trở thành người thứ hai của một vị, trở thành người thứ ba của hai vị, trở thành người thứ tư của ba vị, tại đó nói huyên thuyên, việc nói nhảm nhí như là: Nói về chuyện về vua chúa, chuyện về trộm cướp, chuyện về đại thần, chuyện về binh lính, chuyện hãi hùng, chuyện về chiến tranh, chuyện về thức ăn, chuyện về thức uống, chuyện về vải vóc, chuyện về xe cộ, chuyện về giường nằm, chuyện về vòng hoa, chuyện về hương liệu, chuyện về thân quyến, chuyện về làng xóm, chuyện về thị tứ, chuyện về thành phố, chuyện về quốc độ, chuyện về đàn bà, chuyện về đàn ông, chuyện về vị anh hùng, chuyện về đường xá, chuyện tại chỗ lấy nước, chuyện về người đã chết, các chuyện tạp thoại nói về hiện trạng của thế giới, nói về hiện trạng của đại dương, chuyện về sự hiện hữu và không hiện hữu. Có người là bạn lữ nghĩa là như vậy.

“Tương tự như thế, cùng với bạn lữ, có thể xảy đến cho ta” là như thế.

Sự chuyện vãn bằng lời nói, hoặc sự quyến luyến sâu đậm: Sự chuyện vãn bằng lời nói, nói đến ba mươi hai việc nói phù phiếm như là chuyện về vua chúa,… (nt)… chuyện về sự hiện hữu và không hiện hữu.

Hoặc sự quyến luyến sâu đậm: Có hai sự quyến luyến: Sự quyến luyến do tham ái và sự quyến luyến do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự quyến luyến do tham ái. ... (nt)… điều này là sự quyến luyến do tà kiến.

“Sự chuyện vãn bằng lời nói, hoặc sự quyến luyến sâu đậm” là như thế.

Trong khi xét thấy nỗi sợ hãi này trong tương lai.

Sợ hãi: Sợ hãi sự sanh, sợ hãi sự già, sợ hãi sự bệnh, sợ hãi sự chết, sợ hãi vua chúa, sợ hãi kẻ trộm, sợ hãi lửa, sợ hãi nước, sợ hãi sự chỉ trích của bản thân, sợ hãi sự chỉ trích của người khác, sợ hãi hình phạt, sợ hãi khổ cảnh, sợ hãi sóng nước, sợ hãi cá sấu, sợ hãi xoáy nước, sợ hãi cá dữ, sợ hãi về sinh kế, sợ hãi sự quở trách, sợ hãi do sự nhút nhát ở tập thể, sợ hãi do sự say sưa, trạng thái sợ hãi, trạng thái kinh hãi, sự rởn lông, sự hốt hoảng, sự khiếp sợ của tâm.

Trong khi xét thấy nỗi sợ hãi này trong tương lai: Trong khi xét thấy, trong khi nhận thấy, trong khi quan sát, trong khi suy xét, trong khi khảo sát nỗi sợ hãi này trong tương lai.

“Trong khi xét thấy nỗi sợ hãi này trong tương lai, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Tương tự như thế, cùng với bạn lữ, có thể xảy đến cho ta

Sự chuyện vãn bằng lời nói, hoặc sự quyến luyến sâu đậm.

Trong khi xét thấy nỗi sợ hãi này trong tương lai,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

6.           Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý,

Chúng khuấy động tâm bằng nhiều hình thức khác nhau.

Sau khi nhìn thấy điều bất lợi ở các loại dục,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý.

Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục.

Đa dạng: Các sắc có nhiều loại, các thinh có nhiều loại, các hương có nhiều loại, các vị có nhiều loại, các xúc có nhiều loại là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình.

Ngọt ngào: Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, đây là năm loại dục. Năm loại nào? Các sắc được nhận thức bởi mắt là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình; các thinh được nhận thức bởi tai… các hương được nhận thức bởi mũi… các vị được nhận thức bởi lưỡi… các xúc được nhận thức bởi thân là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình. Này các Tỳ-khưu, đây là năm loại dục. Này các Tỳ-khưu, thật vậy, tùy thuộc vào năm loại dục này, lạc và hỷ tâm sanh khởi; điều này được gọi là lạc của dục, lạc của phẩn, lạc của phàm phu, lạc không thuộc về bậc Thánh, không nên phục vụ, không nên phát triển, không nên thực hành thường xuyên, Ta nói rằng: ‘Nên sợ hãi đối với lạc này.’” “Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào” là như thế.

Làm thích ý.

Ý: Tức là tâm,… (nt)… từ đó ý thức giới sanh lên. Chúng làm cho tâm vui thích, chúng tâng bốc tâm, làm cho tâm hài lòng, làm cho tâm vui vẻ.

“Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý” là như thế.

Chúng khuấy động tâm bằng nhiều hình thức khác nhau: Chúng khuấy động tâm, làm hài lòng, làm vui vẻ với các sắc có nhiều loại,… (nt)… với các xúc có nhiều loại.

“Chúng khuấy động tâm bằng nhiều hình thức khác nhau” là như thế.

Sau khi nhìn thấy điều bất lợi ở các loại dục: Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, cái gì là điều bất lợi của các dục? Ở đây, này các Tỳ-khưu, người con trai gia đình danh giá duy trì mạng sống bằng ngành nghề nào: Giả dụ bằng việc đếm ngón tay, bằng việc kiểm kê, bằng việc tính toán, bằng việc cày bừa, bằng việc buôn bán, bằng việc nuôi bò, bằng việc bắn cung, bằng việc hầu hạ vua chúa, bằng bất cứ nghề nào khác, mà phải đương đầu với lạnh, đương đầu với nóng, bị khổ sở bởi các xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát, bị chết bởi các cơn đói khát. Này các Tỳ-khưu, việc này là điều bất lợi của các dục, có thể thấy được bởi tự thân, là khổ uẩn, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục.

Này các Tỳ-khưu, nếu trong khi người con trai gia đình danh giá ấy đang nỗ lực, đang ráng sức, đang tinh tấn, mà các của cải không thành tựu cho người ấy, [người ấy] sầu muộn, than vãn, rên rỉ, đấm ngực khóc lóc, rơi vào mê muội [nói rằng]: “Sự nỗ lực của ta quả thật vô ích! Sự tinh tấn của ta quả thật không có kết quả!” Này các Tỳ-khưu, việc này cũng là điều bất lợi của các dục, có thể thấy được bởi tự thân, là khổ uẩn, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục.

Này các Tỳ-khưu, nếu trong khi người con trai gia đình danh giá ấy đang nỗ lực, đang ráng sức, đang tinh tấn, mà các của cải thành tựu cho người ấy; bởi lý do bảo vệ các của cải ấy, người ấy cảm thọ khổ ưu [nghĩ rằng]: “Làm cách nào để các vị vua không có thể lấy đi, các kẻ trộm cướp không thể mang đi, lửa không thể thiêu cháy, nước không thể cuốn đi, những kẻ thừa tự không được yêu mến không thể lấy đi các của cải của ta?” Trong khi được người ấy bảo vệ, gìn giữ như vậy, các vị vua lấy đi, hoặc các kẻ trộm cướp mang đi, hoặc lửa thiêu cháy, hoặc nước cuốn đi, hoặc những kẻ thừa tự không được yêu mến lấy đi các của cải ấy, người ấy sầu muộn,… (nt)… rơi vào mê muội [nói rằng]: “Ngay cả vật đã thuộc về tôi, giờ cũng không còn cho chúng tôi!” Này các Tỳ-khưu, việc này cũng là điều bất lợi của các dục, có thể thấy được bởi tự thân, là khổ uẩn, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục.

Thêm nữa, này các Tỳ-khưu, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục, các vị vua tranh cãi với các vị vua, các Sát-đế-lỵ tranh cãi với các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn tranh cãi với các Bà-la-môn, các gia chủ tranh cãi với các gia chủ, mẹ tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với mẹ, cha tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với cha, anh [em] trai tranh cãi với chị [em] gái, chị [em] gái tranh cãi với anh [em] trai, bạn bè tranh cãi với bạn bè. Tại nơi ấy, chúng đạt đến sự cãi cọ, sự cãi vã, sự tranh cãi, rồi công kích lẫn nhau bằng những bàn tay, công kích lẫn nhau bằng những cục đất, công kích lẫn nhau bằng những gậy gộc, công kích lẫn nhau bằng những thanh gươm. Tại nơi ấy, chúng đi đến cái chết, thậm chí sự khổ đau kề cận cái chết. Này các Tỳ-khưu, việc này cũng là điều bất lợi của các dục, có thể thấy được bởi tự thân, là khổ uẩn, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục.

Thêm nữa, này các Tỳ-khưu, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục, chúng nắm lấy gươm và tấm khiêng, nai nịt cung và bó tên, rồi lao vào cuộc chiến đấu được quy tụ đông đảo ở cả hai bên trong khi các mũi tên đang được phóng ra, trong khi các cây giáo đang được phóng ra, trong khi các thanh gươm đang lấp lánh. Tại nơi ấy, chúng đâm nhau bằng những mũi tên, chúng đâm nhau bằng những cây giáo, chúng còn chặt đầu bằng thanh gươm. Tại nơi ấy, chúng đi đến cái chết, thậm chí sự khổ đau kề cận cái chết. Này các Tỳ-khưu, việc này cũng là điều bất lợi của các dục, có thể thấy được bởi tự thân, là khổ uẩn, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục.

Thêm nữa, này các Tỳ-khưu, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục, chúng nắm lấy gươm và tấm khiêng, nai nịt cung và bó tên, rồi lao vào các thành trì được tô trét bùn ướt trong khi các mũi tên đang được phóng ra, trong khi các cây giáo đang được phóng ra, trong khi các thanh gươm đang lấp lánh. Tại nơi ấy, chúng đâm nhau bằng những mũi tên, chúng đâm nhau bằng những cây giáo, chúng rưới xuống bằng dịch chất đã được đun nóng, chúng đè nát bằng vật nặng, chúng còn chặt đầu bằng thanh gươm. Tại nơi ấy, chúng đi đến cái chết, thậm chí sự khổ đau kề cận cái chết. Này các Tỳ-khưu, việc này cũng là điều bất lợi của các dục, có thể thấy được bởi tự thân, là khổ uẩn, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục.

Thêm nữa, này các Tỳ-khưu, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục, chúng đột nhập gia cư, mang đi vật cướp được, làm kẻ đạo tặc, đứng cướp dọc đường, đi đến với vợ người khác. Các vị vua sau khi bắt giữ chính kẻ ấy rồi cho áp dụng các hình phạt nhiều loại: Họ đánh đập bằng những cây roi, họ đánh đập bằng các dây mây, họ đánh đập bằng các gậy ngắn, họ chặt bàn tay,… (nt)… họ còn chặt đầu bằng thanh gươm. Tại nơi ấy, chúng đi đến cái chết, thậm chí sự khổ đau kề cận cái chết. Này các Tỳ-khưu, việc này cũng là điều bất lợi của các dục, có thể thấy được bởi tự thân, là khổ uẩn, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục.

Thêm nữa, này các Tỳ-khưu, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục, chúng làm hành động xấu xa bằng thân, làm hành động xấu xa bằng khẩu, làm hành động xấu xa bằng ý. Sau khi làm hành động xấu xa bằng thân, sau khi làm hành động xấu xa bằng khẩu, sau khi làm hành động xấu xa bằng ý, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, chúng bị sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Này các Tỳ-khưu, việc này cũng là điều bất lợi của các dục, có thể thấy được bởi tự thân, là khổ uẩn, có dục là nguyên nhân, có dục là căn nguyên, có dục là cớ sự, từ nguyên nhân thuộc về chính các dục.

Sau khi nhìn thấy điều bất lợi ở các loại dục: Sau khi nhìn thấy, sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt điều bất lợi ở các loại dục.

“Sau khi nhìn thấy điều bất lợi ở các loại dục, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý,

Chúng khuấy động tâm bằng nhiều hình thức khác nhau.

Sau khi nhìn thấy điều bất lợi ở các loại dục,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

7. Điều này là tai họa, là ung nhọt, là bất hạnh, là tật bệnh, là mũi tên và là sự nguy hiểm cho ta. Sau khi nhìn thấy mối nguy hiểm này ở các loại dục, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Điều này là tai họa, là ung nhọt, là bất hạnh, là tật bệnh, là mũi tên và là sự nguy hiểm cho ta: Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “‘Sợ hãi’, này các Tỳ-khưu, từ này là tên gọi dành cho các dục. ‘Khổ đau’, này các Tỳ-khưu, từ này là tên gọi dành cho các dục. ‘Tật bệnh’, này các Tỳ-khưu, từ này là tên gọi dành cho các dục. ‘Ung nhọt’, này các Tỳ-khưu, từ này là tên gọi dành cho các dục. ‘Mũi tên’, này các Tỳ-khưu, từ này là tên gọi dành cho các dục. ‘Quyến luyến’, này các Tỳ-khưu, từ này là tên gọi dành cho các dục. ‘Đắm nhiễm’, này các Tỳ-khưu, từ này là tên gọi dành cho các dục. ‘Bào thai’, này các Tỳ-khưu, từ này là tên gọi dành cho các dục. Và này các Tỳ-khưu, vì sao từ ‘sợ hãi’ này là tên gọi dành cho các dục? Bởi vì, này các Tỳ-khưu, bị luyến ái bởi sự luyến ái về dục, bị trói buộc bởi mong muốn và luyến ái, người này không hoàn toàn thoát khỏi sự sợ hãi ở đời này, không hoàn toàn thoát khỏi sự sợ hãi ở đời sau; vì thế, từ ‘sợ hãi’ này là tên gọi dành cho các dục. Và này các Tỳ-khưu, vì sao từ ‘khổ đau’… ‘tật bệnh’… ‘ung nhọt’… ‘mũi tên’… ‘quyến luyến’… ‘đắm nhiễm’… ‘bào thai’ này là tên gọi dành cho các dục? Bởi vì, này các Tỳ-khưu, bị luyến ái bởi sự luyến ái về dục, bị trói buộc bởi mong muốn và luyến ái, người này không hoàn toàn thoát khỏi bào thai ở đời này, không hoàn toàn thoát khỏi bào thai ở đời sau; vì thế, từ ‘bào thai’ này là tên gọi dành cho các dục.”

1. “Sợ hãi, khổ đau, tật bệnh và ung nhọt, mũi tên và sự quyến luyến, đắm nhiễm và bào thai, theo từng đôi một.

2. Các từ này nói về các dục, là nơi kẻ phàm phu bị dính mắc, bị đi xuống bởi hình thức lạc thú, rồi đi đến ở bào thai lần nữa.

3. Và khi nào vị Tỳ-khưu đã được kiềm chế, có nhiệt tâm, không bỏ bê sự nhận biết rõ, vị như thế ấy vượt qua con đường lầy lội khó đi này và xem xét loài người đang run rẩy đi đến sanh và già.”

“Điều này là tai họa, là ung nhọt, là bất hạnh, là tật bệnh, là mũi tên và là sự nguy hiểm cho ta” là như thế.

Sau khi nhìn thấy mối nguy hiểm này ở các loại dục: Sau khi nhìn thấy, sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt mối nguy hiểm này ở các loại dục.

“Sau khi nhìn thấy mối nguy hiểm này ở các loại dục, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Điều này là tai họa, là ung nhọt, là bất hạnh, là tật bệnh, là mũi tên và là sự nguy hiểm cho ta. Sau khi nhìn thấy mối nguy hiểm này ở các loại dục, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

8.           Lạnh, nóng, đói và khát,

Gió và sức nóng, muỗi mòng và loài bò sát,

Sau khi đã khắc phục tất cả những điều này,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Lạnh, nóng, đói và khát.

Lạnh: Lạnh là vì hai lý do: Lạnh là do tác động bởi sự rối loạn của các tố chất ở bên trong, hoặc lạnh là do tác động của thời tiết ở bên ngoài.

Nóng: Nóng là vì hai lý do: Nóng là do tác động bởi sự rối loạn của các tố chất ở bên trong, hoặc nóng là do tác động của thời tiết ở bên ngoài.

Đói: Nói đến đói ăn.

Khát: Nói đến khát nước.

“Lạnh, nóng, đói và khát” là như thế.

Gió và sức nóng, muỗi mòng và loài bò sát.

Gió: Gió hướng Đông, gió hướng Tây, gió hướng Bắc, gió hướng Nam, gió có bụi, gió không có bụi, gió mát, gió nóng, gió ít, gió nhiều, hắc phong, gió ở thượng tầng khí quyển, gió do cánh chim, gió của loài linh điểu, gió do lá thốt nốt, gió từ cây quạt.

Sức nóng: Nói đến sức nóng của mặt trời.

Muỗi mòng: Nói đến loài ruồi màu vàng nâu.

Loài bò sát: Nói đến loài rắn. “Gió và sức nóng, muỗi mòng và loài bò sát” là như thế.

Sau khi đã khắc phục tất cả những điều này: Sau khi khắc phục, sau khi đè bẹp, sau khi trấn áp, sau khi nghiền nát.

“Sau khi đã khắc phục tất cả những điều này, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Lạnh, nóng, đói và khát,

Gió và sức nóng, muỗi mòng và loài bò sát,

Sau khi đã khắc phục tất cả những điều này,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

9.           Tựa như con long tượng đã lìa bỏ các bầy đàn,

Có thân hình đã được phát triển, có đốm hoa sen, cao thượng,

Đang cư ngụ trong rừng theo như ý thích,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Tựa như con long tượng đã lìa bỏ các bầy đàn.

Con long tượng: Nói đến loài voi khổng lồ. Vị Phật Độc Giác cũng là bậc Long Tượng. Vì lý do gì vị Phật Độc Giác [được gọi] là bậc Long Tượng? “Vị không làm điều tội lỗi” là bậc Long Tượng, “vị không đi đến” là bậc Long Tượng, “vị không trở về” là bậc Long Tượng. “Vị Phật Độc Giác ấy không làm điều tội lỗi” là bậc Long Tượng nghĩa là thế nào? Điều tội lỗi nói đến các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai.

[Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya] vị không làm bất cứ điều tội lỗi nào ở thế gian, sau khi tháo gỡ tất cả các sự ràng buộc [và] các sự trói buộc, không bám víu vào bất cứ nơi đâu, đã được giải thoát, bậc Long Tượng, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc Tự Tại’.”[3]

“Vị Phật Độc Giác ấy không làm điều tội lỗi” là bậc Long Tượng nghĩa là như vậy.

“Vị Phật Độc Giác ấy không đi đến” là bậc Long Tượng nghĩa là thế nào? Vị Phật Độc Giác ấy không đi đến sự thiên vị vì mong muốn, không đi đến sự thiên vị vì sân hận, không đi đến sự thiên vị vì si mê, không đi đến sự thiên vị vì sợ hãi, không đi đến do tác động của luyến ái, không đi đến do tác động của sân hận, không đi đến do tác động của si mê, không đi đến do tác động của ngã mạn, không đi đến do tác động của tà kiến, không đi đến do tác động của phóng dật, không đi đến do tác động của hoài nghi, không đi đến do tác động của pháp tiềm ẩn, không bị đưa đi, không bị dẫn đi, không bị lôi đi, không bị mang đi bởi các pháp có tính chất phe nhóm. “Vị Phật Độc Giác ấy không đi đến” là bậc Long Tượng nghĩa là như vậy.

“Vị Phật Độc Giác ấy không trở về” là bậc Long Tượng nghĩa là thế nào? Các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Nhập lưu, các ô nhiễm ấy không đi về lại, không quay trở lại, không quay về lại. Các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Nhất lai…  bởi đạo Bất lai… bởi đạo A-la-hán, các ô nhiễm ấy không đi về lại, không quay trở lại, không quay về lại. “Vị Phật Độc Giác ấy không trở về” là bậc Long Tượng nghĩa là như vậy.

Tựa như con long tượng đã lìa bỏ các bầy đàn: Giống như con long tượng ấy, sau khi lìa bỏ, sau khi lánh xa, sau khi tránh né các bầy đàn, một mình đi sâu vào khu rừng, chòm cây rồi sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng; vị Phật Độc Giác cũng vậy, sau khi lìa bỏ, sau khi lánh xa, sau khi tránh né hội chúng, một mình thân cận các khu rừng, các nơi heo hút, các chỗ trú ngụ xa vắng có ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh. Vị ấy đi một mình, đứng một mình, ngồi một mình, nằm một mình, đi vào làng để khất thực một mình, đi trở về một mình, ngồi nơi vắng vẻ một mình, quyết định kinh hành một mình; một mình sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng.

“Tựa như con long tượng đã lìa bỏ các bầy đàn” là như thế.

Có thân hình đã được phát triển, có đốm hoa sen, cao thượng: Giống như con long tượng ấy có tổng thể [thân hình] đã được phát triển, cao bảy ratana[4] hoặc tám ratana, vị Phật Độc Giác cũng có tổng thể [đức hạnh] đã được phát triển với giới uẩn của bậc Vô học, với định uẩn của bậc Vô học, với tuệ uẩn của bậc Vô học, với giải thoát uẩn của bậc Vô học, với giải thoát tri kiến uẩn[5] của bậc Vô học. Giống như con long tượng ấy có đốm hoa sen, vị Phật Độc Giác cũng có chùm hoa sen với bảy đóa hoa giác chi: Đóa hoa niệm giác chi, đóa hoa trạch pháp giác chi, đóa hoa cần giác chi, đóa hoa hỷ giác chi, đóa hoa tịnh giác chi, đóa hoa định giác chi, đóa hoa xả giác chi. Giống như con long tượng ấy cao thượng với sức mạnh, với năng lực, với tốc độ, với sự dũng cảm, vị Phật Độc Giác cũng cao thượng với giới, với định, với tuệ, với giải thoát, với sự biết và thấy về giải thoát.

“Có thân hình đã được phát triển, có đốm hoa sen, cao thượng” là như thế.

Đang cư ngụ trong rừng theo như ý thích: Giống như con long tượng ấy cư ngụ trong rừng theo như ý thích, vị Phật Độc Giác cũng cư ngụ trong rừng theo như ý thích. Ngài cư ngụ trong rừng theo như ý thích với Sơ thiền,… với Nhị thiền,… với Tam thiền, cư ngụ trong rừng theo như ý thích với Tứ thiền, cư ngụ trong rừng theo như ý thích với sự giải thoát của tâm thông qua Từ,… với sự giải thoát của tâm thông qua Bi,… với sự giải thoát của tâm thông qua Hỷ, cư ngụ trong rừng theo như ý thích với sự giải thoát của tâm thông qua Xả, cư ngụ trong rừng theo như ý thích với sự chứng đạt Không vô biên xứ,… với sự chứng đạt Thức vô biên xứ,… với sự chứng đạt Vô sở hữu xứ,… với sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ,… với sự chứng đạt Diệt [thọ tưởng định], cư ngụ trong rừng theo như ý thích với sự chứng đạt quả vị.

“Đang cư ngụ trong rừng theo như ý thích, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Tựa như con long tượng đã lìa bỏ các bầy đàn,

Có thân hình đã được phát triển, có đốm hoa sen, cao thượng,

Đang cư ngụ trong rừng theo như ý thích,

Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

10. Người ưa thích đồ chúng có thể chạm đến sự giải thoát tạm thời[6] là điều không có cơ sở. Sau khi cân nhắc lời nói của đấng Quyến Thuộc Mặt Trời, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].

Người ưa thích đồ chúng có thể chạm đến sự giải thoát tạm thời là điều không có cơ sở: Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Thật vậy, này Ānanda, vị Tỳ-khưu ấy có sự thỏa thích đồ chúng, thích thú đồ chúng, gắn bó với việc thỏa thích đồ chúng, có sự thỏa thích đám đông, thích thú đám đông, vui thích đám đông, gắn bó với việc thỏa thích đám đông, sẽ là vị có sự đạt được theo ước muốn, có sự đạt được không khó khăn, có sự đạt được không khó nhọc đối với lạc của sự xuất gia, đối với lạc của sự ẩn cư, đối với lạc của sự yên tịnh, đối với lạc của sự giác ngộ; sự việc ấy không được biết đến. Nhưng này Ānanda, vị Tỳ-khưu nào, một mình sống tách riêng khỏi đám đông, đối với vị Tỳ-khưu ấy, điều này là được chờ đợi: Là vị sẽ có sự đạt được theo ước muốn, có sự đạt được không khó khăn, có sự đạt được không khó nhọc đối với lạc của sự xuất gia, đối với lạc của sự ẩn cư, đối với lạc của sự yên tịnh, đối với lạc của sự giác ngộ; sự việc ấy được biết đến. Thật vậy, này Ānanda, vị Tỳ-khưu ấy có sự thỏa thích với đồ chúng, thích thú đồ chúng, gắn bó với việc thỏa thích đồ chúng, có sự thỏa thích với đám đông, thích thú đám đông, vui thích đám đông, gắn bó với việc thỏa thích đám đông sẽ đạt đến và an trú vào sự an tịnh, sự giải thoát của tâm có tính chất tạm thời, hoặc là có tính chất dài hạn và không thể thay đổi; sự việc ấy không được biết đến. Nhưng này Ānanda, vị Tỳ-khưu nào, một mình sống tách riêng khỏi đám đông, đối với vị Tỳ-khưu ấy, điều này là được chờ đợi: Là vị sẽ đạt đến và an trú vào sự an tịnh, sự giải thoát của tâm có tính chất tạm thời, hoặc là có tính chất dài hạn và không thể thay đổi; sự việc ấy được biết đến.”

“Người ưa thích đồ chúng có thể chạm đến sự giải thoát tạm thời là điều không có cơ sở” là như thế.

Sau khi cân nhắc lời nói của đấng Quyến Thuộc Mặt Trời.

Mặt trời: Nói đến Thái Dương. Thái Dương là Gotama theo dòng tộc, vị Phật Độc Giác cũng là Gotama theo dòng tộc. Vị Phật Độc Giác ấy là bà con trong dòng tộc, là quyến thuộc trong dòng tộc của Thái Dương; vì thế, vị Phật Độc Giác là quyến thuộc của mặt trời.

Sau khi cân nhắc lời nói của đấng Quyến Thuộc Mặt Trời: Sau khi lắng nghe, sau khi nghe được, sau khi tiếp thu, sau khi tiếp nhận, sau khi suy xét lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời khuyên bảo của đấng Quyến Thuộc Mặt Trời.

“Sau khi cân nhắc lời nói của đấng Quyến Thuộc Mặt Trời, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.

Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:

“Người ưa thích đồ chúng có thể chạm đến sự giải thoát tạm thời là điều không có cơ sở. Sau khi cân nhắc lời nói của đấng Quyến Thuộc Mặt Trời, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”

Dứt phẩm thứ nhì.

 

Chú thích:

[1] Xem chú thích 6 ở trang 23. (ND)

[2] “Không phải vì sự lợi ích là nguyên nhân” được dịch từ “na atthahetu” theo văn bản của Miến Điện. Trong khi đó, “na ahetu” có nghĩa Việt là “Không phải không có nguyên nhân” xét thấy không phù hợp. Văn bản của Thái Lan và PTS ghi là “na attahetu” được dịch Việt là “Không phải vì bản thân là nguyên nhân”. (ND)

[3] Suttanipātapāḷi (Kinh tập), TTPV, tập 29, trang 159, câu kệ 525. (ND)

[4] Một ratana bằng 0.25 mét, đơn vị đo chiều dài. (ND)

[5] Xem chú thích 6 ở trang 23. (ND)

[6] Sāmayikaṃ vimuttinti lokiyasamāpattiṃ: Sự giải thoát tạm thời là sự thể nhập hiệp thế, tức là các tầng thiền và ngũ thông (SnA. I. 105).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.