Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
1. [Biết rằng:] “Ta đã vượt lên trên các sự trái khuấy của tà kiến,
Đã đạt đến pháp bền vững, có đạo đã được tiếp nhận,
Có trí đã được sanh khởi, không cần người khác dẫn dắt”,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Đã vượt lên trên các sự trái khuấy của tà kiến.
Các sự trái khuấy của tà kiến: Nói đến các thân kiến với hai mươi nền tảng. Ở đây, kẻ phàm phu không lắng nghe, không có sự trông thấy các bậc Thánh, không rành rẽ Thánh pháp, không được huấn luyện về Thánh pháp, không có sự trông thấy các bậc chân nhân, không rành rẽ pháp chân nhân, không được huấn luyện về pháp chân nhân; nhận thấy sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc; nhận thấy thọ… tưởng… các hành… thức là tự ngã, hoặc tự ngã có thức, hoặc thức ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong thức. Quan điểm nào có hình thức như vậy là sự đi đến tà kiến, có sự nắm giữ của tà kiến, có sự hiểm trở của tà kiến, có sự bóp méo của tà kiến, có sự xáo động của tà kiến, có sự ràng buộc của tà kiến, là sự nắm lấy, sự chấp nhận, sự chấp chặt, sự bám víu, con đường xấu, con đường sai trái, bản thể sai trái, ngoại giáo, sự nắm lấy đường lối trái nghịch, sự nắm lấy điều sai lệch, sự nắm lấy điều trái khuấy, sự nắm lấy điều sai trái, sự nắm lấy điều không xác đáng cho là xác đáng, cho đến sáu mươi hai tà kiến; các điều này là các sự trái khuấy của tà kiến.
Đã vượt lên trên các sự trái khuấy của tà kiến: Đã vượt lên trên, đã vượt quá, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi các sự trái khuấy của tà kiến.
“Đã vượt lên trên các sự trái khuấy của tà kiến” là như thế.
Đã đạt đến pháp bền vững, có đạo đã được tiếp nhận.
Pháp bền vững: Nói đến bốn đạo, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Vị thành tựu bốn Thánh đạo này là đã đạt đến, đã đạt được, đã chứng đắc, đã chạm đến, đã chứng ngộ pháp không thối đọa. “Đã đạt đến pháp bền vững” là như thế.
Có đạo đã được tiếp nhận: Có đạo đã được nhận lãnh, có đạo đã được tiếp nhận, có đạo đã được chứng đắc, có đạo đã được chạm đến, có đạo đã được chứng ngộ.
“Đã đạt đến pháp bền vững, có đạo đã được tiếp nhận” là như thế.
Ta có trí đã được sanh khởi, không cần người khác dẫn dắt: Đối với vị Phật Độc Giác ấy, trí đã được sanh khởi, đã được sanh lên, đã được hạ sanh, đã được phát sanh, đã được xuất hiện; trí đã được sanh khởi, đã được sanh lên, đã được hạ sanh, đã được phát sanh, đã được xuất hiện rằng: “Tất cả các hành là vô thường”,… (nt)… “Tất cả các hành là khổ”… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”, trí đã được sanh khởi, đã được sanh lên, đã được hạ sanh, đã được phát sanh, đã được xuất hiện rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh diệt tận.” “Ta có trí đã được sanh khởi” là như thế.
Không cần người khác dẫn dắt: Vị Phật Độc Giác ấy không cần được hướng dẫn bởi người khác, không phụ thuộc người khác, không trông cậy người khác, không đi đến sự bị trói buộc với người khác, biết, thấy đúng theo thực thể, không bị mê muội, có sự nhận biết rõ, có niệm; không cần được hướng dẫn bởi người khác, không phụ thuộc người khác, không trông cậy người khác, không đi đến sự bị trói buộc với người khác, biết, thấy đúng theo thực thể, không bị mê muội, có sự nhận biết rõ, có niệm rằng: “Tất cả các hành là vô thường”,… (nt)… “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”, không cần được hướng dẫn bởi người khác, không phụ thuộc người khác, không trông cậy người khác, không đi đến sự bị trói buộc với người khác, biết, thấy đúng theo thực thể, không bị mê muội, có sự nhận biết rõ, có niệm rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh diệt tận.”
“Có trí đã được sanh khởi, không cần người khác dẫn dắt, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“[Biết rằng:] ‘Ta đã vượt lên trên các sự trái khuấy của tà kiến,
Đã đạt đến pháp bền vững, có đạo đã được tiếp nhận,
Có trí đã được sanh khởi, không cần người khác dẫn dắt’,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
2. Không tham lam, không gạt gẫm, không khao khát,
Không gièm pha, đã dứt trừ các khuyết tật và sự si mê,
Sau khi đã trở nên không còn ước ao [tham vọng] về tất cả thế gian,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Không tham lam, không gạt gẫm, không khao khát.
Tham lam: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với vị Phật Độc Giác, sự tham lam, tham ái ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, vị Phật Độc Giác là không tham lam.
Không gạt gẫm: Ba kiểu cách gạt gẫm: Kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc sử dụng [bốn món] vật dụng, kiểu cách gạt gẫm liên quan đến các oai nghi, kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc nói gần nói xa.
Kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc sử dụng [bốn món] vật dụng là kiểu cách nào? Ở đây, các gia chủ thỉnh mời vị Tỳ-khưu về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Vị ấy có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, có sự tầm cầu, do sự mong muốn được nhiều hơn về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh, rồi từ chối y phục, từ chối đồ ăn khất thực, từ chối chỗ nằm ngồi, từ chối vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Vị ấy nói như sau: “Lợi ích gì cho vị Sa-môn với y phục đắt giá? Điều đúng đắn là vị Sa-môn nên nhặt các mảnh vải từ bãi tha ma, hoặc từ đống rác, hoặc từ vải bỏ của tiệm vải, rồi làm y hai lớp và mặc vào. Lợi ích gì cho vị Sa-môn với đồ ăn khất thực đắt giá? Điều đúng đắn là vị Sa-môn nên duy trì mạng sống bằng việc đi khất thực, nhận ở mỗi nhà một chút thức ăn. Lợi ích gì cho vị Sa-môn với chỗ nằm ngồi đắt giá? Điều đúng đắn là vị Sa-môn nên ngụ ở gốc cây, hoặc là ngụ ở mộ địa, hoặc là ngụ ở ngoài trời. Lợi ích gì cho vị Sa-môn với vật dụng là thuốc men chữa bệnh đắt giá? Điều đúng đắn là vị Sa-môn nên chế tạo thuốc men với nước tiểu bò hoặc với mẩu cây harītakī.” Từ đó trở đi, vị ấy mặc y thô tệ, ăn đồ ăn khất thực thô tệ, sử dụng chỗ nằm ngồi thô tệ, sử dụng vật dụng là thuốc men chữa bệnh thô tệ. Các gia chủ biết về vị ấy như vầy: “Vị Sa-môn này ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách biệt, không giao du, có sự ra sức tinh tấn, thuyết về hạnh từ khước”, rồi thỉnh mời [vị ấy] về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh nhiều hơn nữa. Vị ấy nói như sau: “Do sự hiện diện của ba pháp, người thiện tín tạo ra nhiều phước báu: Do sự hiện diện của đức tin, người thiện tín tạo ra nhiều phước báu; do sự hiện diện của vật thí, người thiện tín tạo ra nhiều phước báu; do sự hiện diện của các bậc xứng đáng được cúng dường, người thiện tín tạo ra nhiều phước báu. Chính các người là có đức tin, và vật thí được tìm thấy, còn tôi là người thọ nhận. Nếu tôi không thọ nhận, như vậy các người sẽ mất phần phước báu. Không có lợi ích gì cho tôi với việc này, nhưng vì lòng thương tưởng đến các người mà tôi thọ nhận.” Từ đó trở đi, vị ấy thọ nhận nhiều y phục, thọ nhận nhiều đồ ăn khất thực, thọ nhận nhiều chỗ nằm ngồi, thọ nhận nhiều vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Những sự nhíu mày nào có hình thức như vậy là trạng thái nhíu mày, sự gạt gẫm, thái độ gạt gẫm, trạng thái gạt gẫm; đây là kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc sử dụng [bốn món] vật dụng.
Kiểu cách gạt gẫm liên quan đến các oai nghi là kiểu cách nào? Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, mong muốn sự tôn kính [nghĩ rằng]: “Như vầy mọi người sẽ tôn kính ta”, rồi tạo dáng đi, tạo dáng đứng, tạo dáng ngồi, tạo dáng nằm, lập nguyện rồi mới đi, lập nguyện rồi mới đứng, lập nguyện rồi mới ngồi, lập nguyện rồi mới nằm, đi như là đã đắc định, đứng như là đã đắc định, ngồi như là đã đắc định, nằm như là đã đắc định, là người tham thiền giữa công chúng. Những việc tạo dáng ra vẻ nghiêm trang của các oai nghi có hình thức như vậy là biểu hiện tạo dáng, việc tạo dáng, sự nhíu mày, trạng thái nhíu mày, sự gạt gẫm, thái độ gạt gẫm, trạng thái gạt gẫm; đây là kiểu cách gạt gẫm liên quan đến các oai nghi.
Kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc nói gần nói xa là kiểu cách nào? Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, mong muốn sự tôn kính [nghĩ rằng]: “Như vầy mọi người sẽ tôn kính ta”, rồi nói lời liên quan đến Thánh pháp. Nói rằng: “Vị nào mặc y như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào mang bình bát như vầy, mang bát nhỏ bằng đồng, mang bình nước, mang đồ lọc nước, mang chìa khóa, mang dép, mang dây thắt lưng, mang dây buộc, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào có thầy tế độ như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào có thầy dạy học như vầy, có các vị đồng thầy tế độ, có các vị đồng thầy dạy học, có các bạn bè, có các vị đồng quan điểm, có các vị thân thiết, có các vị thân hữu như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào ngụ ở trú xá… ngụ ở nhà một mái… ngụ ở tòa lâu đài… ngụ ở tòa nhà dài… ngụ ở hang động… ngụ ở thạch thất… ngụ ở cốc liêu… ngụ ở nhà mái nhọn… ngụ ở chòi canh… ngụ ở ngôi nhà tròn… ngụ ở căn lều… ngụ ở hội trường… ngụ ở mái che… ngụ ở gốc cây như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Hoặc là, vị giả nhân giả nghĩa, vị nhíu mặt nhăn mày, vị gạt gẫm lừa dối, vị tỉ tê nài nỉ, thể hiện ở khuôn mặt [để người khác hiểu lầm rằng]: “Vị Sa-môn này đã đạt được các sự thể nhập an tịnh có hình thức như thế này”, rồi thuyết bài giảng thâm sâu, bí hiểm, vi tế, ẩn tàng, vô thượng ở thế gian, gắn liền với không tánh, tương đương với điều ấy. Những sự nhíu mày có hình thức như vậy là trạng thái nhíu mày, sự gạt gẫm, thái độ gạt gẫm, trạng thái gạt gẫm; đây là kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc nói gần nói xa.
Đối với vị nào, ba kiểu cách gạt gẫm này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; vì thế, vị Phật Độc Giác ấy được gọi là không gạt gẫm.
Không khao khát: Khao khát nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với vị Phật Độc Giác, sự khao khát, tham ái ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, vị Phật Độc Giác ấy là không còn khao khát.
“Không tham lam, không gạt gẫm, không khao khát” là như thế.
Không gièm pha, đã dứt trừ các khuyết tật và sự si mê.
Gièm pha: Gièm pha, biểu hiện gièm pha, trạng thái gièm pha, sự ganh ghét, việc làm do ganh ghét.
Khuyết tật: Luyến ái là khuyết tật, sân hận là khuyết tật, si mê là khuyết tật, giận dữ là khuyết tật, thù hằn… gièm pha… ác ý… tất cả các pháp tạo tác bất thiện là các khuyết tật.
Sự si mê: Là sự không biết về khổ, sự không biết về nhân sanh khổ, sự không biết về sự diệt tận khổ, sự không biết về sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ, sự không biết về điểm khởi đầu, sự không biết về điểm kết thúc, sự không biết về điểm khởi đầu và điểm kết thúc, sự không biết về các pháp tùy thuận duyên khởi này; sự không biết nào với hình thức như vậy là sự không nhìn thấy, không chứng ngộ, không thấu hiểu, không thấu triệt, không thu thập, không thâm nhập, không xem xét, không quán xét lại, không làm cho thấy rõ, không trong sáng, trạng thái ngu si, sự không nhận biết rõ, sự si mê, sự mê ám, sự mê muội, vô minh, sự lôi cuốn vào vô minh, sự gắn bó với vô minh, sự tiềm ẩn của vô minh, sự ngự trị của vô minh, sự ngăn trở của vô minh, si mê là gốc rễ của bất thiện. Đối với vị Phật Độc Giác ấy, sự gièm pha và sự si mê đã được tẩy trừ, đã được tẩy sạch, đã được tống ra, đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai.
Vị Phật Độc Giác ấy “không gièm pha, đã dứt trừ các khuyết tật và sự si mê” là như thế.
Sau khi đã trở nên không còn ước ao [tham vọng] về tất cả thế gian.
Ước ao: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.
Tất cả thế gian: Tất cả thế gian của khổ cảnh, tất cả thế gian của loài người, tất cả thế gian của chư thiên, tất cả thế gian của các uẩn, tất cả thế gian của các giới, tất cả thế gian của các xứ.
Sau khi đã trở nên không còn ước ao [tham vọng] về tất cả thế gian: Sau khi đã trở nên không còn ước ao [tham vọng], sau khi đã trở nên không còn tham ái, sau khi đã trở nên không còn khao khát về tất cả thế gian.
“Sau khi đã trở nên không còn ước ao [tham vọng] về tất cả thế gian” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Không tham lam, không gạt gẫm, không khao khát, không gièm pha, đã dứt trừ các khuyết tật và sự si mê, sau khi đã trở nên không còn ước ao [tham vọng] về tất cả thế gian, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
3. Nên lánh xa hẳn người bạn ác xấu,
Kẻ không nhìn thấy mục đích, đã lún sâu vào [sở hành] sai trái.
Bản thân không nên phục vụ kẻ bị đeo níu [ở các dục], bị xao lãng,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Nên lánh xa hẳn người bạn ác xấu.
Người bạn ác xấu: Nói đến người bạn có tà kiến về mười sự việc là: Không có bố thí, không có dâng hiến, không có cúng tế, không có kết quả và sự thành tựu quả của các nghiệp đã được làm tốt hoặc được làm xấu, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các chúng sanh thuộc loại hóa sanh, không có ở thế gian các vị Sa-môn và Bà-la-môn sống chân chánh, thực hành đúng đắn là những vị với thắng trí của mình chứng ngộ và công bố về thế giới này và thế giới khác”; đây là người bạn ác xấu.
Nên lánh xa hẳn người bạn ác xấu: Nên lánh xa, nên lánh xa hẳn người bạn ác xấu.
“Nên lánh xa hẳn người bạn ác xấu” là như thế.
Kẻ không nhìn thấy mục đích, đã lún sâu vào [sở hành] sai trái.
Kẻ không nhìn thấy mục đích: Nói đến người bạn có tà kiến về mười sự việc là: “Không có bố thí,… (nt)… là những vị với thắng trí của mình chứng ngộ và công bố về thế giới này và thế giới khác.”
Đã lún sâu vào [sở hành] sai trái: Đã lún sâu vào thân nghiệp sai trái, đã lún sâu vào khẩu nghiệp sai trái, đã lún sâu vào ý nghiệp sai trái, đã lún sâu vào việc giết hại sinh mạng sai trái, đã lún sâu vào việc trộm cắp sai trái, đã lún sâu vào tà hạnh trong các dục sai trái, đã lún sâu vào việc nói dối sai trái, đã lún sâu vào việc nói đâm thọc sai trái, đã lún sâu vào việc nói thô lỗ sai trái, đã lún sâu vào việc nói nhảm nhí sai trái, đã lún sâu vào tham đắm sai trái, đã lún sâu vào sân hận sai trái, đã lún sâu vào tà kiến sai trái, đã lún sâu vào các pháp tạo tác sai trái, đã lún sâu vào năm loại dục sai trái, đã lún sâu vào năm pháp che lấp sai trái, đã đi theo vào, bị dính mắc, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến.
“Kẻ không nhìn thấy mục đích, đã lún sâu vào [sở hành] sai trái” là như thế.
Bản thân không nên phục vụ kẻ bị đeo níu [ở các dục], bị xao lãng.
Kẻ bị đeo níu [ở các dục]: Kẻ nào tìm kiếm, tìm tòi, tầm cầu các dục, rồi đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo, kẻ ấy là bị đeo níu ở các dục. Kẻ nào, do tác động của tham ái, tầm cầu các sắc… (nt)… các thinh… (nt)… các hương… (nt)… các vị… (nt)… tầm cầu các xúc, rồi đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo, kẻ ấy là bị đeo níu ở các dục. Kẻ nào, do tác động của tham ái, tiếp nhận các sắc… (nt)… các thinh… (nt)… các hương… (nt)… các vị… (nt)… tiếp nhận các xúc, rồi đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo, kẻ ấy là bị đeo níu ở các dục. Kẻ nào, do tác động của tham ái, thọ hưởng các sắc… (nt)… các thinh… (nt)… các hương… (nt)… các vị… (nt)… thọ hưởng các xúc, rồi đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo, kẻ ấy là bị đeo níu ở các dục. Giống như người gây nên sự cãi cọ thì bị đeo níu ở sự cãi cọ, người làm công việc thì bị đeo níu ở công việc, người đang sống ở nơi sinh sống thì bị đeo níu ở nơi sinh sống, người có thiền thì bị đeo níu bởi thiền; tương tự như thế, kẻ nào tìm kiếm, tìm tòi, tầm cầu các dục, rồi đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo, kẻ ấy là bị đeo níu ở các dục. Kẻ nào, do tác động của tham ái, tầm cầu các sắc… (nt)… Kẻ nào, do tác động của tham ái, tiếp nhận các sắc… (nt)… Kẻ nào, do tác động của tham ái, thọ hưởng các sắc… (nt)… các thinh… (nt)… các hương… (nt)… các vị… (nt)… thọ hưởng các xúc, rồi đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo, kẻ ấy là bị đeo níu ở các dục.
Bị xao lãng: Sự xao lãng cần được nói đến: Sự buông thả hoặc sự buông xuôi trong việc buông thả của tâm ở uế hạnh về thân, ở uế hạnh về khẩu, ở uế hạnh về ý, hoặc ở năm loại dục, là trạng thái thực hành không nghiêm trang, trạng thái thực hành không liên tục, trạng thái thực hành không kiên định, có thói quen biếng nhác, trạng thái buông bỏ mong muốn, trạng thái buông bỏ bổn phận, sự không tập luyện, sự không tu tập, sự không làm thường xuyên, sự không quyết tâm, sự không chuyên cần, sự xao lãng trong việc tu tập các thiện pháp; sự xao lãng nào với hình thức như vậy là biểu hiện xao lãng, trạng thái xao lãng; việc này gọi là sự xao lãng.
Bản thân không nên phục vụ kẻ bị đeo níu [ở các dục], bị xao lãng: Không nên phục vụ kẻ bị đeo níu và bị xao lãng, bản thân không nên phục vụ, tự mình không nên phục vụ, không nên phục dịch, không nên kề cận, không nên hầu cận, không nên hành xử, không nên hành theo, không nên thọ trì và vận dụng.
“Bản thân không nên phục vụ kẻ bị đeo níu [ở các dục], bị xao lãng, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Nên lánh xa hẳn người bạn ác xấu,
Kẻ không nhìn thấy mục đích, đã lún sâu vào [sở hành] sai trái.
Bản thân không nên phục vụ kẻ bị đeo níu [ở các dục], bị xao lãng,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
4. Nên thân cận với vị nghe nhiều [học rộng], vị nắm giữ giáo pháp,
Người bạn cao thượng, có tài biện giải.
Sau khi hiểu thông về các lợi ích, nên dẹp bỏ sự nghi hoặc,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Nên thân cận với vị nghe nhiều [học rộng], vị nắm giữ giáo pháp: Người bạn nghe nhiều là vị có sự ghi nhớ điều đã được nghe, có sự tích lũy điều đã được nghe về những pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, tuyên thuyết về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Đối với vị này, các pháp có hình thức như thế là được nghe nhiều, được ghi nhớ, được tích lũy bằng khẩu, được suy nghĩ chín chắn bằng ý, được thấu triệt tốt đẹp bằng kiến thức.
Vị nắm giữ giáo pháp: Vị đang nắm giữ giáo pháp [gồm có chín thể loại]: Sutta, Geyya, Veyyākaraṇa, Gāthā, Udāna, Itivuttaka, Jātaka, Abbhutadhamma, Vedalla.
Nên thân cận với vị nghe nhiều [học rộng], vị nắm giữ giáo pháp: Nên thân cận, nên gần gũi, nên phục vụ, nên phục dịch, nên kề cận, nên hầu cận người bạn là vị nghe nhiều và là vị nắm giữ giáo pháp.
“Nên thân cận với vị nghe nhiều [học rộng], vị nắm giữ giáo pháp” là như thế.
Người bạn cao thượng, có tài biện giải: Người bạn là cao thượng với giới, với định, với tuệ, với giải thoát và với tri kiến về giải thoát.
Có tài biện giải: Có ba hạng người có tài biện giải: Có tài biện giải do pháp học, có tài biện giải do vấn hỏi, có tài biện giải do chứng đắc. Có tài biện giải do pháp học là thế nào? Ở đây, một vị nào đó được học tinh thông về lời dạy của đức Phật [gồm có chín thể loại] là: Sutta, Geyya, Veyyākaraṇa, Gāthā, Udāna, Itivuttaka, Jātaka, Abbhutadhamma, Vedalla;[1] nhờ vào pháp học, vấn đề được sáng tỏ đối với vị ấy. Đây là hạng người có tài biện giải do pháp học.
Có tài biện giải do vấn hỏi là thế nào? Ở đây, một vị nào đó là người vấn hỏi về mục đích, về cách thức, về tướng trạng, về nguyên nhân và về tính chất hợp lý hay không hợp lý; nhờ vào việc vấn hỏi, điều ấy được sáng tỏ đối với vị ấy. Đây là hạng người có tài biện giải do vấn hỏi.
Có tài biện giải do chứng đắc là thế nào? Ở đây, một vị nào đó đạt đến bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, bốn Thánh đạo, bốn quả vị Sa-môn, bốn tuệ phân tích, sáu thắng trí; đối với vị ấy, ý nghĩa đã được biết, pháp đã được biết, ngôn từ đã được biết. Khi ý nghĩa đã được biết thì ý nghĩa được sáng tỏ, khi pháp đã được biết thì pháp được sáng tỏ, khi ngôn từ đã được biết thì ngôn từ được sáng tỏ; trí ở ba sự nhận biết này là tuệ phân tích về phép biện giải. Vị Phật Độc Giác ấy đã tiến đến, đã tiến gần, đã đến gần, đã tiến vào, đã đạt đến, đã tròn đủ, đã thành tựu tuệ phân tích về phép biện giải này; vì thế, vị Phật Độc Giác là người có tài biện giải. Đối với kẻ nào, pháp học không có, vấn hỏi không có, chứng đắc không có, đối với kẻ ấy, cái gì sẽ được sáng tỏ?
“Người bạn cao thượng, có tài biện giải” là như thế.
Sau khi hiểu thông về các lợi ích, nên dẹp bỏ sự nghi hoặc: Sau khi hiểu thông về lợi ích của bản thân, sau khi hiểu thông về lợi ích của người khác, sau khi hiểu thông về lợi ích của cả hai, sau khi hiểu thông về lợi ích trong đời này, sau khi hiểu thông về lợi ích trong đời sau, sau khi hiểu thông về lợi ích của lợi ích tối thượng, sau khi biết rõ, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt, nên dẹp bỏ, nên dẹp hẳn, nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên khiến cho không còn hiện hữu sự nghi hoặc.
“Sau khi hiểu thông về các lợi ích, nên dẹp bỏ sự nghi hoặc, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Nên thân cận với vị nghe nhiều [học rộng], vị nắm giữ giáo pháp,
Người bạn cao thượng, có tài biện giải.
Sau khi hiểu thông về các lợi ích, nên dẹp bỏ sự nghi hoặc,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
5. Người không trông ngóng và không mong mỏi
Sự đùa giỡn, sự vui thích và khoái lạc ngũ dục ở thế gian,
Đã xa lánh hẳn việc trang điểm, có lời nói chân thật,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Sự đùa giỡn, sự vui thích và khoái lạc ngũ dục ở thế gian.
Sự đùa giỡn: Có hai sự đùa giỡn: Sự đùa giỡn về thân và sự đùa giỡn về khẩu. ... (nt)… đây là sự đùa giỡn về thân. ... (nt)… đây là sự đùa giỡn về khẩu.
Sự vui thích: Từ “rati” này là diễn tả trạng thái không bị thất vọng.
Khoái lạc ngũ dục: Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, đây là năm loại dục. Năm loại nào? Các sắc được nhận thức bởi mắt là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình; các thinh được nhận thức bởi tai… (nt)… các hương được nhận thức bởi mũi… (nt)… các vị được nhận thức bởi lưỡi… (nt)… các xúc được nhận thức bởi thân là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình. Này các Tỳ-khưu, đây là năm loại dục. Này các Tỳ-khưu, thật vậy, tùy thuộc vào năm loại dục này, lạc và hỷ tâm sanh khởi; điều này được gọi là khoái lạc của dục.”
Ở thế gian: Ở thế gian của loài người.
“Sự đùa giỡn, sự vui thích và khoái lạc ngũ dục ở thế gian” là như thế.
Người không trông ngóng và không mong mỏi: Sau khi trở thành người không trông ngóng và không mong mỏi sự đùa giỡn, sự vui thích và khoái lạc ngũ dục ở thế gian, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi khiến cho không còn hiện hữu.
“Người không trông ngóng và không mong mỏi” là như thế.
Đã xa lánh hẳn việc trang điểm, có lời nói chân thật.
Việc trang điểm: Có hai sự trang điểm: Có sự trang điểm của người tại gia, có sự trang điểm của bậc xuất gia. Việc trang điểm của người tại gia là các việc nào? Đầu tóc, bộ râu, tràng hoa, vật thơm, vật thoa, đồ trang sức, vật tô điểm, vải vóc, áo khoác, khăn đội đầu, việc kỳ cọ, việc đấm bóp, việc cho người tắm rửa, vật đập vỗ, gương soi, việc tô mắt, vật tẩm hoa thơm, phấn thoa ở mặt, việc bôi dầu ở mặt, vật buộc cánh tay, nơ thắt ở đầu, gậy chống, ống cây, thanh gươm, dù che, giày dép sặc sỡ, khăn bịt đầu, ngọc ma-ni, cây phất trần, [quấn] các tấm vải trắng có đường biên rộng, hoặc là như thế; điều này là việc trang điểm của người tại gia.
Việc trang điểm của bậc xuất gia là các việc nào? Việc trang hoàng y phục, việc trang hoàng bình bát, việc trang hoàng chỗ nằm ngồi, việc trang hoàng, trang điểm, tiêu khiển, giải trí, trạng thái mong muốn, bản tính mong muốn, hành động tô điểm, trạng thái tô điểm đối với các phần bên ngoài của cơ thể hôi thối này hoặc các vật dụng; điều này là việc trang điểm của người xuất gia.
Có lời nói chân thật: Vị Phật Độc Giác ấy có lời nói chân thật, liên quan đến sự thật, chắc chắn, đáng tin, không lường gạt thế gian. Đã xa lánh hẳn việc trang điểm, đã tránh khỏi, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.
“Đã xa lánh hẳn việc trang điểm, có lời nói chân thật, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Người không trông ngóng và không mong mỏi
Sự đùa giỡn, sự vui thích và khoái lạc ngũ dục ở thế gian,
Đã xa lánh hẳn việc trang điểm, có lời nói chân thật,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
6. Sau khi từ bỏ con và vợ, cha và mẹ, các tài sản và lúa đậu, các quyến thuộc, và các dục theo mức độ [của chúng], nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Con và vợ, cha và mẹ.
Con: Có bốn loại con: Con ruột là con, con nhặt được là con, con nuôi là con, học trò là con.
Vợ: Nói đến những người vợ.
Cha: Là người nam có liên quan đến việc sanh sản.
Mẹ: Là người nữ sanh con.
“Con và vợ, cha và mẹ” là như thế.
Các tài sản và lúa đậu, các quyến thuộc.
Các tài sản: Nói đến vàng khối, vàng ròng, ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ruby, ngọc mắt mèo.
Lúa đậu: Nói đến thực phẩm chính, thực phẩm phụ. Thực phẩm chính có tên gọi là: Lúa sāli, lúa mùa, lúa mạch, lúa mì, kê, đậu varaka, bắp. Thực phẩm phụ có tên gọi là vật để nấu súp.
Các quyến thuộc: Có bốn hạng quyến thuộc: Quyến thuộc về bà con là thân quyến, quyến thuộc về dòng họ là thân quyến, quyến thuộc về bạn bè là thân quyến, quyến thuộc về nghề nghiệp là thân quyến.
“Các tài sản và lúa đậu, các quyến thuộc” là như thế.
Sau khi từ bỏ các dục theo mức độ [của chúng].
Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục.
Sau khi từ bỏ các dục: Sau khi biết toàn diện về các vật dục, sau khi dứt bỏ các ô nhiễm dục, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu.
Sau khi từ bỏ các dục theo mức độ [của chúng]: Các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Nhập lưu, các ô nhiễm ấy không đi về lại, không quay trở lại, không quay về lại. Các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Nhất lai… Các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Bất lai… Các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo A-la-hán, các ô nhiễm ấy không đi về lại, không quay trở lại, không quay về lại.
“Sau khi từ bỏ các dục theo mức độ [của chúng]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Sau khi từ bỏ con và vợ, cha và mẹ, các tài sản và lúa đậu, các quyến thuộc, và các dục theo mức độ [của chúng], nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
7. Điều này [ngũ dục] là sự quyến luyến, hạnh phúc ở đây là nhỏ nhoi,
Ít khoái lạc, sự khổ đau ở đây là nhiều hơn.
Người có sự nhận thức, sau khi biết được “điều này là móc câu”,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Điều này [ngũ dục] là sự quyến luyến, hạnh phúc ở đây là nhỏ nhoi: “Sự quyến luyến”, hoặc “lưỡi câu”, hoặc “miếng mồi”, hoặc “sự dính mắc”, hoặc “sự vướng bận”, tên gọi này là dành cho năm loại dục.
Hạnh phúc ở đây là nhỏ nhoi: Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:
“Này các Tỳ-khưu, đây là năm loại dục. Năm loại nào? Các sắc được nhận thức bởi mắt là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình;… (nt)… các xúc được nhận thức bởi thân là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình. Này các Tỳ-khưu, đây là năm loại dục. Này các Tỳ-khưu, thật vậy, tùy thuộc vào năm loại dục này, lạc và hỷ tâm sanh khởi; điều này được gọi là khoái lạc của dục.” Hạnh phúc này là ít ỏi, hạnh phúc này là thấp kém, hạnh phúc này là chút ít, hạnh phúc này là thấp thỏi, hạnh phúc này là tồi tệ, hạnh phúc này là nhỏ nhoi.
“Điều này [ngũ dục] là sự quyến luyến, hạnh phúc ở đây là nhỏ nhoi” là như thế.
Ít khoái lạc, sự khổ đau ở đây là nhiều hơn: Đức Thế Tôn đã giảng giải rằng các dục có ít ỏi khoái lạc, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn. Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là khúc xương,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là miếng thịt,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là cây đuốc cỏ,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là hố than cháy rực,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là giấc mơ,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là vật vay mượn,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là trái trên cây,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là lò sát sanh,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là mũi lao nhọn,… (nt)… Các dục đã được đức Thế Tôn giảng giải như là đầu rắn độc, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền, ở đó điều bất lợi còn nhiều hơn.”
“Ít khoái lạc, sự khổ đau ở đây là nhiều hơn” là như thế.
Người có sự nhận thức, sau khi biết được “điều này là móc câu”: “Móc câu”, hoặc “lưỡi câu”, hoặc “miếng mồi”, hoặc “sự dính mắc”, hoặc “sự cột trói”, hoặc “sự vướng bận”, tên gọi này là dành cho năm loại dục.
Iti: Từ “iti” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.
Người có sự nhận thức: Là người sáng trí, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.
Người có sự nhận thức, sau khi biết được “điều này là móc câu”: Người có sự nhận thức sau khi biết là: “Móc câu”, sau khi biết là: “Lưỡi câu”, sau khi biết là: “Miếng mồi”, sau khi biết là: “Sự dính mắc”, sau khi biết là: “Sự cột trói”, sau khi biết là: “Sự vướng bận”, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt.
“Người có sự nhận thức, sau khi biết được ‘điều này là móc câu’, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Điều này [ngũ dục] là sự quyến luyến, hạnh phúc ở đây là nhỏ nhoi,
Ít khoái lạc, sự khổ đau ở đây là nhiều hơn.
Người có sự nhận thức, sau khi biết được ‘điều này là móc câu’,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
8. Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc,
Tựa như loài thủy tộc ở trong nước đã phá tan chiếc lưới,
Tựa như ngọn lửa không quay lại nơi đã bị đốt cháy,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc: Có mười sự ràng buộc: Sự ràng buộc của ái dục, sự ràng buộc của bất bình, sự ràng buộc của ngã mạn, sự ràng buộc của tà kiến, sự ràng buộc của hoài nghi, sự ràng buộc do việc bám víu vào giới và phận sự, sự ràng buộc do sự luyến ái vào hữu, sự ràng buộc của ganh tỵ, sự ràng buộc của bỏn xẻn, sự ràng buộc của vô minh.
Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc: Sau khi bứt lìa, sau khi bứt lìa hoàn toàn, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu mười sự ràng buộc.
“Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc” là như thế.
Tựa như loài thủy tộc ở trong nước đã phá tan chiếc lưới.
Chiếc lưới: Nói đến chiếc lưới bằng chỉ sợi.
Nước: Nói đến nước [thông thường].[2]
Loài thủy tộc: Nói đến loài cá. Giống như con cá sau khi phá vỡ, sau khi phá vỡ hoàn toàn, sau khi bứt lìa, sau khi bứt lìa hẳn, sau khi bứt lìa hoàn toàn cái lưới, rồi lội đi, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng, tương tự y như vậy, có hai mạng lưới: Mạng lưới tham ái và mạng lưới tà kiến… (nt)… điều này là mạng lưới tham ái… (nt)… điều này là mạng lưới tà kiến. Đối với vị Phật Độc Giác ấy, mạng lưới tham ái đã được dứt bỏ, mạng lưới tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với mạng lưới tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với mạng lưới tà kiến, vị Phật Độc Giác ấy không dính mắc ở sắc, không dính mắc ở thinh, không dính mắc ở hương,… (nt)… không dính mắc ở các pháp đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, [vị ấy] không nắm giữ, không bị trói buộc, không bị giữ lại, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn. “Tựa như loài thủy tộc ở trong nước đã phá tan chiếc lưới” là như thế.
Tựa như ngọn lửa không quay lại nơi đã bị đốt cháy: Giống như ngọn lửa, có nhiên liệu là cỏ và củi, trong khi đang thiêu đốt, nó đi tới không quay trở lại; tương tự y như vậy, đối với vị Phật Độc Giác ấy, các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Nhập lưu, các ô nhiễm ấy không đi về lại, không quay trở lại, không quay về lại; các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Nhất lai… (nt)… bởi đạo Bất lai… (nt)… bởi đạo A-la-hán, các ô nhiễm ấy không đi về lại, không quay trở lại, không quay về lại.
“Tựa như ngọn lửa không quay lại nơi đã bị đốt cháy, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Sau khi bứt lìa hoàn toàn các sự ràng buộc,
Tựa như loài thủy tộc ở trong nước đã phá tan chiếc lưới,
Tựa như ngọn lửa không quay lại nơi đã bị đốt cháy,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
9. Có mắt nhìn xuống, và không buông thả bàn chân [đi đó đây],
Có giác quan được bảo vệ, có tâm ý được hộ trì,
Không bị nhiễm dục vọng, không bị thiêu đốt [bởi phiền não],
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân [đi đó đây]: Có mắt buông lung là thế nào? Ở đây, một vị Tỳ-khưu nào đó buông thả con mắt, có trạng thái buông thả ở mắt [nghĩ rằng]: “Nên thấy điều chưa thấy, nên bỏ qua điều đã thấy”, rồi từ tu viện này đến tu viện khác, từ vườn hoa này đến vườn hoa khác, từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, từ thị trấn này đến thị trấn khác, từ thành phố này đến thành phố khác, từ quốc độ này đến quốc độ khác, từ xứ sở này đến xứ sở khác, đeo đuổi cuộc du hành lâu dài, cuộc du hành bất định để nhìn ngắm cảnh sắc; có mắt buông lung là như vậy.
Hoặc là, vị Tỳ-khưu, khi đã vào đến xóm nhà, khi đi dọc theo con đường thì đi không thu thúc: Vị ấy vừa đi vừa nhìn voi, nhìn ngựa, nhìn xe, nhìn người đi bộ, nhìn các phụ nữ, nhìn các nam nhân, nhìn các cậu trai, nhìn các cô gái, nhìn các cửa tiệm, nhìn mặt tiền của các căn nhà, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn xem hướng chính hướng phụ; có mắt buông lung còn là như vậy.
Hoặc là, vị Tỳ-khưu, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, có sự nắm giữ hình tướng, có sự nắm giữ chi tiết. Do nguyên nhân nào mà vị ấy, trong khi sống, có nhãn quyền không được thu thúc, khiến các sự tham đắm, ưu phiền, các ác bất thiện pháp có thể xâm nhập, vị ấy không thực hành sự thu thúc đối với nguyên nhân ấy, không hộ trì nhãn quyền, không tiến hành sự thu thúc ở nhãn quyền; có mắt buông lung còn là như vậy.
Hoặc hơn nữa, giống như một số Tôn giả Sa-môn và Bà-la-môn, sau khi thọ thực các bữa ăn được bố thí do đức tin, các vị ấy lại sống, đeo đuổi việc xem trình diễn có hình thức như vầy: Tức là múa, hát, đờn, vũ hội, nghe kể chuyện, vỗ tay theo nhịp, đánh chiêng, đánh trống, biểu diễn thời trang, trò chơi với banh sắt, trò tung hứng tre, lễ bốc mộ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò mộng, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cút, đấu gậy, đánh bốc, đấu vật, tập trận, dàn quân, đóng quân, xem sự điều quân, hoặc là như thế; có mắt buông lung còn là như vậy.
Có mắt nhìn xuống là thế nào? Ở đây, một vị Tỳ-khưu nào đó không buông thả con mắt, không có trạng thái buông thả ở mắt [không nghĩ rằng]: “Nên thấy điều chưa thấy, nên bỏ qua điều đã thấy”, rồi không từ tu viện này đến tu viện khác, không từ vườn hoa này đến vườn hoa khác, không từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, không từ thị trấn này đến thị trấn khác, không từ thành phố này đến thành phố khác, không từ quốc độ này đến quốc độ khác, không từ xứ sở này đến xứ sở khác, không đeo đuổi cuộc du hành lâu dài, cuộc du hành bất định để nhìn ngắm cảnh sắc; có mắt nhìn xuống là như vậy.
Hoặc là, vị Tỳ-khưu, khi đã vào đến xóm nhà, khi đi dọc theo con đường thì đi thu thúc: Vị ấy đi mà không nhìn voi, không nhìn ngựa, không nhìn xe, không nhìn người đi bộ, không nhìn các phụ nữ, không nhìn các nam nhân, không nhìn các cậu trai, không nhìn các cô gái, không nhìn các cửa tiệm, không nhìn mặt tiền của các căn nhà, không nhìn lên, không nhìn xuống, không nhìn xem hướng chính hướng phụ; có mắt nhìn xuống còn là như vậy.
Hoặc là, vị Tỳ-khưu, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, không có sự nắm giữ hình tướng, không có sự nắm giữ chi tiết. Do nguyên nhân nào mà vị ấy, trong khi sống, có nhãn quyền không được thu thúc, khiến các sự tham đắm, ưu phiền, các ác bất thiện pháp có thể xâm nhập, vị ấy thực hành sự thu thúc đối với điều ấy, hộ trì nhãn quyền, tiến hành sự thu thúc ở nhãn quyền; có mắt nhìn xuống còn là như vậy.
Hoặc hơn nữa, giống như một số Tôn giả Sa-môn và Bà-la-môn, sau khi thọ thực các bữa ăn được bố thí do đức tin, rồi các vị ấy sống, không đeo đuổi việc xem trình diễn có hình thức như vầy; tức là múa, hát, đờn,… (nt)… xem sự điều quân, hoặc là như thế; vị ấy tránh xa việc xem trình diễn có hình thức như thế ấy; có mắt nhìn xuống còn là như vậy.
Và không buông thả bàn chân: Buông thả bàn chân là thế nào? Ở đây, một vị Tỳ-khưu nào đó buông thả bàn chân, có trạng thái buông thả ở bàn chân, từ tu viện này đến tu viện khác, từ vườn hoa này đến vườn hoa khác, từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, từ thị trấn này đến thị trấn khác, từ thành phố này đến thành phố khác, từ quốc độ này đến quốc độ khác, từ xứ sở này đến xứ sở khác, sống, đeo đuổi cuộc du hành lâu dài, cuộc du hành bất định; buông thả bàn chân là như vậy.
Hoặc là, vị Tỳ-khưu, thậm chí ở bên trong tu viện của hội chúng, cũng buông thả bàn chân, có trạng thái buông thả ở bàn chân, không phải vì sự lợi ích là nguyên nhân, không phải vì công việc là nguyên nhân, bị phóng túng, có tâm không được vắng lặng, rồi từ gian phòng này đi đến gian phòng khác, từ trú xá này đi đến trú xá khác, từ nhà một mái này đi đến nhà một mái khác, từ tòa lâu đài này đi đến tòa lâu đài khác, từ tòa nhà dài này đi đến tòa nhà dài khác, từ hang động này đi đến hang động khác, từ thạch thất này đến thạch thất khác, từ cốc liêu này đi đến cốc liêu khác, từ nhà mái nhọn này đi đến nhà mái nhọn khác, từ chòi canh này đi đến chòi canh khác, từ ngôi nhà tròn này đi đến ngôi nhà tròn khác, từ căn lều này đi đến căn lều khác, từ nhà kho này đến nhà kho khác, từ hội trường này đi đến hội trường khác, từ mái che này đi đến mái che khác, từ gốc cây này đi đến gốc cây khác. Hoặc nữa, các vị Tỳ-khưu ngồi nơi nào thì [vị ấy] đi đến nơi ấy, tại đó trở thành người thứ hai của một vị, trở thành người thứ ba của hai vị, trở thành người thứ tư của ba vị, tại đó nói huyên thuyên việc nói nhảm nhí như là: Chuyện về vua chúa, chuyện về trộm cướp,… (nt)… chuyện về sự hiện hữu và không hiện hữu là như vầy; buông thả bàn chân còn là như vậy.
Và không buông thả bàn chân: Vị Phật Độc Giác ấy đã tránh khỏi, đã xa lánh, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã rời ra, đã thoát khỏi, không bị ràng buộc với việc buông thả bàn chân, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn, có sự thích thú trong việc thiền tịnh, được thích thú trong việc thiền tịnh, gắn bó với sự vắng lặng của tâm thuộc nội phần, có thiền không bị xa rời, thành tựu minh sát, là người gia tăng việc ngụ ở các ngôi nhà trống vắng, chứng thiền, thích thú với thiền, gắn bó với trạng thái đơn độc, chú trọng mục đích của mình.
“Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân [đi đó đây]” là như thế.
Có giác quan được bảo vệ, có tâm ý được hộ trì.
Có giác quan được bảo vệ: Vị Phật Độc Giác ấy, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, không có sự nắm giữ hình tướng, không có sự nắm giữ chi tiết. Do nguyên nhân nào mà vị ấy, trong khi sống, có nhãn quyền không được thu thúc, khiến các sự tham đắm, ưu phiền, các ác bất thiện pháp có thể xâm nhập, vị ấy thực hành sự thu thúc đối với điều ấy, hộ trì nhãn quyền, tiến hành sự thu thúc ở nhãn quyền; sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… sau khi ngửi hương bằng mũi,… (nt)… sau khi nếm vị bằng lưỡi,… (nt)… sau khi xúc chạm bằng thân,… (nt)… sau khi nhận thức pháp bằng ý, không có sự nắm giữ hình tướng, không có sự nắm giữ chi tiết. Do nguyên nhân nào mà vị ấy, trong khi sống, có ý quyền không được thu thúc, khiến các sự tham đắm, ưu phiền, các ác bất thiện pháp có thể xâm nhập, vị ấy thực hành sự thu thúc đối với điều ấy, hộ trì ý quyền, tiến hành sự thu thúc ở ý quyền. “Có giác quan được bảo vệ” là như thế.
Có tâm ý được hộ trì: Có tâm ý được gìn giữ.
“Có giác quan được bảo vệ, có tâm ý được hộ trì” là như thế.
Không bị nhiễm dục vọng, không bị thiêu đốt [bởi phiền não]: Bởi vì điều này đã được Tôn giả Mahāmoggallāna nói đến: “Này chư Đại đức, tôi sẽ thuyết về đề tài ‘bị nhiễm dục vọng’ và đề tài ‘không bị nhiễm dục vọng.’ Xin chư Đại đức hãy lắng nghe bài giảng, hãy khéo chú ý, tôi sẽ thuyết.” “Thưa Đại đức, xin vâng.” Các vị Tỳ-khưu ấy đã đáp lại Tôn giả Mahāmoggallāna. Tôn giả Mahāmoggallāna đã nói điều này:
“Này chư Đại đức, bị nhiễm dục vọng là thế nào? Này chư Đại đức, ở đây, vị Tỳ-khưu, sau khi thấy cảnh sắc bằng mắt, thì hướng đến các sắc có vẻ đáng yêu, bất mãn với các sắc có vẻ không đáng yêu, sống có niệm ở thân không được thiết lập, có tâm nhỏ nhoi, và vị ấy không nhận biết đúng theo thực thể về sự giải thoát của tâm, về sự giải thoát của tuệ ấy, là nơi mà các ác bất thiện pháp ấy đã sanh khởi đến vị này được diệt tận, không còn dư sót; sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… sau khi nhận thức pháp bằng ý, thì hướng đến các pháp có vẻ đáng yêu, bất mãn với các pháp có vẻ không đáng yêu, sống có niệm ở thân không được thiết lập, có tâm nhỏ nhoi, và vị ấy không nhận biết đúng theo thực thể về sự giải thoát của tâm, về sự giải thoát của tuệ ấy, là nơi mà các ác bất thiện pháp ấy đã sanh khởi đến vị này được diệt tận, không còn dư sót. Này chư Đại đức, vị Tỳ-khưu này được gọi là vị bị nhiễm dục vọng ở các sắc được nhận thức bởi mắt… (nt)… bị nhiễm dục vọng ở các pháp được nhận thức bởi ý. Này chư Đại đức, trong khi vị Tỳ-khưu sống như vậy, nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ mắt, Ma vương chẳng những đạt được thời cơ mà Ma vương còn đạt được đối tượng; nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ tai… (nt)… nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ ý, Ma vương chẳng những đạt được thời cơ mà Ma vương còn đạt được đối tượng.
Này chư Đại đức, cũng giống như ngôi nhà bằng sậy, hoặc ngôi nhà bằng cỏ, khô rang, ráo nhựa, hơn năm không mưa, nếu có người đàn ông từ hướng Đông đi đến gần ngôi nhà ấy với cây đuốc cỏ cháy rực, thì ngọn lửa chẳng những đạt được thời cơ mà ngọn lửa còn đạt được đối tượng; nếu có người đàn ông từ hướng Tây đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ hướng Bắc đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ hướng Nam đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ hướng dưới đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ hướng trên đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ bất cứ nơi nào đi đến gần ngôi nhà ấy với cây đuốc cỏ cháy rực, thì ngọn lửa chẳng những đạt được thời cơ mà ngọn lửa còn đạt được đối tượng; tương tự như vậy, này chư Đại đức, trong khi vị Tỳ-khưu sống như vậy, nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ mắt, thì Ma vương chẳng những đạt được thời cơ mà Ma vương còn đạt được đối tượng; nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ tai… (nt)… tiếp cận vị ấy từ ý, thì Ma vương chẳng những đạt được thời cơ mà Ma vương còn đạt được đối tượng.
Này chư Đại đức, trong khi vị Tỳ-khưu sống như vậy, các sắc đã thống trị vị Tỳ-khưu, không phải vị Tỳ-khưu đã thống trị các sắc; các thinh đã thống trị vị Tỳ-khưu, không phải vị Tỳ-khưu đã thống trị các thinh; các hương đã thống trị vị Tỳ-khưu, không phải vị Tỳ-khưu đã thống trị các hương; các vị đã thống trị vị Tỳ-khưu, không phải vị Tỳ-khưu đã thống trị các vị; các xúc đã thống trị vị Tỳ-khưu, không phải vị Tỳ-khưu đã thống trị các xúc; các pháp đã thống trị vị Tỳ-khưu, không phải vị Tỳ-khưu đã thống trị các pháp. Này chư Đại đức, vị Tỳ-khưu này được gọi là vị bị thống trị bởi sắc, bị thống trị bởi thinh, bị thống trị bởi hương, bị thống trị bởi vị, bị thống trị bởi xúc, bị thống trị bởi pháp; các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai đã thống trị vị ấy. Này chư Đại đức, bị nhiễm dục vọng là như vậy.
Và này chư Đại đức, không bị nhiễm dục vọng là thế nào? Này chư Đại đức, ở đây, vị Tỳ-khưu sau khi thấy cảnh sắc bằng mắt, thì không hướng đến các sắc có vẻ đáng yêu, không bất mãn với các sắc có vẻ không đáng yêu, sống có niệm ở thân đã được thiết lập, có tâm vô lượng, và vị ấy nhận biết đúng theo thực thể về sự giải thoát của tâm, về sự giải thoát của tuệ ấy, là nơi mà các ác bất thiện pháp ấy đã sanh khởi đến vị này được diệt tận, không còn dư sót; sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… sau khi nhận thức pháp bằng ý, thì không hướng đến các pháp có vẻ đáng yêu, không bất mãn với các pháp có vẻ không đáng yêu, sống có niệm ở thân đã được thiết lập, có tâm vô lượng, và vị ấy nhận biết đúng theo thực thể về sự giải thoát của tâm, về sự giải thoát của tuệ ấy, là nơi mà các ác bất thiện pháp ấy đã sanh khởi đến vị này được diệt tận, không còn dư sót. Này chư Đại đức, vị Tỳ-khưu này được gọi là vị không bị nhiễm dục vọng ở các sắc được nhận thức bởi mắt… (nt)… không bị nhiễm dục vọng ở các pháp được nhận thức bởi ý. Này chư Đại đức, trong khi vị Tỳ-khưu sống như vậy, nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ mắt, thì Ma vương chẳng những không đạt được thời cơ mà Ma vương còn không đạt được đối tượng; nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ tai… (nt)… tiếp cận vị ấy từ ý thì Ma vương chẳng những không đạt được thời cơ mà Ma vương còn không đạt được đối tượng.
Này chư Đại đức, cũng giống như ngôi nhà mái nhọn, hoặc giảng đường của ngôi nhà mái nhọn xây bằng đất sét nén chặt, có lớp vữa tô còn ướt, nếu có người đàn ông từ hướng Đông đi đến gần ngôi nhà ấy với cây đuốc cỏ cháy rực, thì ngọn lửa chẳng những không đạt được thời cơ mà ngọn lửa còn không đạt được đối tượng; nếu có người đàn ông từ hướng Tây đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ hướng Bắc đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ hướng Nam đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ hướng dưới đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ hướng trên đi đến gần ngôi nhà ấy… (nt)… từ bất cứ nơi nào đi đến gần ngôi nhà ấy với cây đuốc cỏ cháy rực, thì ngọn lửa chẳng những không đạt được thời cơ mà ngọn lửa còn không đạt được đối tượng; tương tự như vậy, này chư Đại đức, trong khi vị Tỳ-khưu sống như vậy, nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ mắt, thì Ma vương chẳng những không đạt được thời cơ mà Ma vương còn không đạt được đối tượng; nếu Ma vương tiếp cận vị ấy từ tai… (nt)… tiếp cận vị ấy từ ý thì Ma vương chẳng những không đạt được thời cơ mà Ma vương còn không đạt được đối tượng.
Này chư Đại đức, trong khi vị Tỳ-khưu sống như vậy, vị Tỳ-khưu đã thống trị các sắc, không phải các sắc đã thống trị vị Tỳ-khưu; vị Tỳ-khưu đã thống trị các thinh, không phải các thinh đã thống trị vị Tỳ-khưu; vị Tỳ-khưu đã thống trị các hương, không phải các hương đã thống trị vị Tỳ-khưu; vị Tỳ-khưu đã thống trị các vị, không phải các vị đã thống trị vị Tỳ-khưu; vị Tỳ-khưu đã thống trị các xúc, không phải các xúc đã thống trị vị Tỳ-khưu; vị Tỳ-khưu đã thống trị các pháp, không phải các pháp đã thống trị vị Tỳ-khưu. Này chư Đại đức, vị Tỳ-khưu này được gọi là vị thống trị sắc, vị thống trị thinh, vị thống trị hương, vị thống trị vị, vị thống trị xúc, vị thống trị pháp, là vị thống trị, không bị thống trị bởi bất cứ các ô nhiễm nào, là vị đã thống trị các ác bất thiện pháp ấy, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai. Này chư Đại đức, không bị nhiễm dục vọng là như vậy.”
Không bị nhiễm dục vọng, không bị thiêu đốt [bởi phiền não]: Trong khi không bị thiêu đốt bởi sự bực bội sanh lên do luyến ái, trong khi không bị thiêu đốt bởi sự bực bội sanh lên do sân hận, trong khi không bị thiêu đốt bởi sự bực bội sanh lên do si mê.
“Không bị nhiễm dục vọng, không bị thiêu đốt [bởi phiền não], nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân [đi đó đây],
Có giác quan được bảo vệ, có tâm ý được hộ trì,
Không bị nhiễm dục vọng, không bị thiêu đốt [bởi phiền não],
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
10. Sau khi trút bỏ các hình tướng tại gia,
Giống như cây san hô có lá che phủ,
Sau khi đã ra đi, mặc vải màu ca-sa,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].
Sau khi trút bỏ các hình tướng tại gia: Các hình tướng tại gia nói đến đầu tóc, bộ râu,… (nt)… có đường biên rộng, hoặc là như thế.
Sau khi trút bỏ các hình tướng tại gia: Sau khi cởi bỏ, sau khi cởi bỏ hoàn toàn, sau khi quăng bỏ, sau khi chấm dứt các hình tướng tại gia.
“Sau khi trút bỏ các hình tướng tại gia” là như thế.
Giống như cây san hô có lá che phủ: Giống như cây san hô ấy, cây koviḷāra có chùm lá rậm rạp, có bóng râm dày đặc, tương tự y như vậy, vị Phật Độc Giác ấy có mang đầy đủ bình bát và y.
“Giống như cây san hô có lá che phủ” là như thế.
Sau khi đã ra đi, mặc vải màu ca-sa: Vị Phật Độc Giác ấy sau khi cắt đứt mọi sự vướng bận của đời sống tại gia, sau khi cắt đứt sự vướng bận về vợ con, sau khi cắt đứt sự vướng bận về thân quyến, sau khi cắt đứt sự vướng bận về bạn bè và thân hữu, sau khi cắt đứt sự vướng bận về việc tích trữ, sau khi cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, rời nhà xuất gia, sống không nhà, sau khi đi đến trạng thái không có gì, một mình du hành, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng.
“Sau khi đã ra đi, mặc vải màu ca-sa, nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một]” là như thế.
Vì thế, vị Phật Độc Giác ấy đã nói rằng:
“Sau khi trút bỏ các hình tướng tại gia,
Giống như cây san hô có lá che phủ,
Sau khi đã ra đi, mặc vải màu ca-sa,
Nên sống một mình tựa như sừng của loài tê ngưu [chỉ có một].”
Dứt phẩm thứ ba.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.