Viện Nghiên Cứu Phật Học

8. DIỄN GIẢI KINH VỀ PASŪRA
(PASŪRASUTTANIDDESO)

 

Giờ phần “Diễn giải kinh về Pasūra” được nói đến:

8.1. Họ [những kẻ theo tà kiến] nói rằng: “Chính ở đây là trong sạch.”

Họ đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác.

Nương tựa vào nơi nào, họ nói sự tốt đẹp về nơi ấy,

Phần đông đã đi theo những chân lý riêng biệt.

Họ nói rằng: “Chính ở đây là trong sạch”: Họ nói, họ thuyết, họ phát ngôn, họ giảng giải, họ diễn tả về sự trong sạch, về sự thanh tịnh, về sự hoàn toàn trong sạch, về sự thoát khỏi, về sự giải thoát, về sự hoàn toàn thoát khỏi ở chính nơi đây. Họ nói, họ thuyết, họ phát ngôn, họ giảng giải, họ diễn tả về sự trong sạch, về sự thanh tịnh, về sự hoàn toàn trong sạch, về sự thoát khỏi, về sự giải thoát, về sự hoàn toàn thoát khỏi rằng: “Thế giới là thường còn, thế giới là không thường còn, thế giới là có giới hạn, thế giới là không có giới hạn, mạng sống và thân thể là một, mạng sống và thân thể là khác, chúng sanh hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”

“Họ nói rằng: ‘Chính ở đây là trong sạch’” là như thế.

Họ đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác: Họ quăng bỏ, ném bỏ, vất bỏ tất cả các học thuyết khác, ngoại trừ bậc Đạo sư, giáo lý, tập thể, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ của bản thân. Họ đã nói như vầy: “Bậc Đạo sư ấy không là đấng Toàn tri, giáo pháp ấy không khéo được thuyết giảng, tập thể ấy đã không thực hành tốt đẹp, quan điểm ấy không tốt đẹp, lối thực hành ấy đã không khéo được quy định, đạo lộ ấy không dẫn dắt ra khỏi, ở nơi ấy không có sự trong sạch, hay sự thanh tịnh, hay sự hoàn toàn trong sạch, hay sự thoát khỏi, hay sự giải thoát, hay sự hoàn toàn thoát khỏi; ở nơi ấy không có những người được trong sạch, hay được thanh tịnh, hay được hoàn toàn trong sạch, hay được thoát khỏi, hay được giải thoát, hay được hoàn toàn thoát khỏi, họ là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi”, họ nói như vậy, họ thuyết như vậy, họ phát ngôn như vậy, họ giảng giải như vậy, họ diễn tả như vậy.

“Họ đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác” là như thế.

Nương tựa vào nơi nào, họ nói sự tốt đẹp về nơi ấy.

Nương tựa vào nơi nào: Vào bậc Đạo sư, vào giáo lý, vào tập thể, vào quan điểm, vào lối thực hành, vào đạo lộ nào mà họ đã nương tựa, đã nương nhờ, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến.

Về nơi ấy: Là về quan điểm của mình, về sự chấp nhận của mình, về sự ưa thích của mình, về quan niệm của mình.

Họ nói sự tốt đẹp: Là có học thuyết tốt đẹp, có học thuyết lịch sự, có học thuyết sáng suốt, có học thuyết vững chắc, có học thuyết đúng đắn, có học thuyết thực tiễn, có học thuyết rõ rệt, có học thuyết gương mẫu, có học thuyết giá trị dựa theo quan niệm của mình.

“Nương tựa vào nơi nào, họ nói sự tốt đẹp về nơi ấy” là như thế.

Phần đông đã đi theo những chân lý riêng biệt: Phần đông các Sa-môn và Bà-la-môn đã đi theo, đã thiết lập, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến những chân lý riêng biệt của cá nhân. Họ đã đi theo, đã thiết lập, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại”; họ đã đi theo, đã thiết lập, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”

“Phần đông đã đi theo những chân lý riêng biệt” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Họ [những kẻ theo tà kiến] nói rằng: ‘Chính ở đây là trong sạch.’

Họ đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác.

Nương tựa vào nơi nào, họ nói sự tốt đẹp về nơi ấy.

Phần đông đã đi theo những chân lý riêng biệt.”

8.2. Mong muốn tranh luận, những kẻ ấy sau khi chen vào hội chúng,

Từng đôi, chúng đánh giá lẫn nhau là ngu dốt.

Dựa dẫm vào người khác, chúng nói lời bàn cãi,

Mong muốn lời ca ngợi, chúng nói [học thuyết] là thiện xảo.

Mong muốn tranh luận, những kẻ ấy sau khi chen vào hội chúng.

Mong muốn tranh luận, những kẻ ấy: Những kẻ ấy có sự mong muốn tranh luận, có mục đích tranh luận, có chủ tâm tranh luận, có sự chú trọng tranh luận, có sự tầm cầu tranh luận trong khi đi đến.

Sau khi chen vào hội chúng: Là sau khi chen vào, sau khi xen vào, sau khi lặn sâu vào, sau khi đi vào hội chúng Sát-đế-lỵ, hội chúng Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, hội chúng Sa-môn.[1]

“Mong muốn tranh luận, những kẻ ấy sau khi chen vào hội chúng” là như thế.

Từng đôi, chúng đánh giá lẫn nhau là ngu dốt.

Từng đôi: Là hai người, hai người gây nên sự cãi cọ, hai người gây nên sự cãi lộn, hai người gây nên cuộc nói chuyện nhảm nhí, hai người gây nên sự tranh cãi, hai người gây nên sự tranh tụng, hai người tranh luận, hai người chuyện trò. Chúng đánh giá, nhìn thấy, nhận thấy, quan sát, suy xét, khảo sát lẫn nhau là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi.

“Từng đôi, chúng đánh giá lẫn nhau là ngu dốt” là như thế.

Dựa dẫm vào người khác, chúng nói lời bàn cãi: Những người ấy nương tựa, dựa dẫm, bám vào, đến gần, bám chặt, hướng đến bậc Đạo sư, giáo lý, tập thể, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ khác.

Lời bàn cãi: Nói đến sự cãi cọ, sự cãi lộn, sự cãi vã, sự tranh cãi, sự gây gổ. Hoặc là, lời bàn cãi: Lời nói ấy là vô bổ. Chúng nói lời bàn cãi, nói lời cãi cọ, nói lời cãi lộn, nói lời cãi vã, nói lời tranh cãi, nói lời gây gổ, chúng thuyết, chúng phát ngôn, chúng giảng giải, chúng diễn tả.

“Dựa dẫm vào người khác, chúng nói lời bàn cãi” là như thế.

Mong muốn lời ca ngợi, chúng nói [học thuyết] là thiện xảo.

Mong muốn lời ca ngợi: Là có sự mong muốn lời ca ngợi, có mục đích về lời ca ngợi, có chủ tâm về lời ca ngợi, có sự chú trọng về lời ca ngợi, có sự tầm cầu về lời ca ngợi trong khi đi đến.

Chúng nói là thiện xảo: Là có học thuyết thiện xảo, có học thuyết sáng suốt, có học thuyết vững chắc, có học thuyết đúng đắn, có học thuyết thực tiễn, có học thuyết rõ rệt, có học thuyết gương mẫu, có học thuyết giá trị dựa theo quan niệm của mình.

“Mong muốn lời ca ngợi, chúng nói [học thuyết] là thiện xảo” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Mong muốn tranh luận, những kẻ ấy sau khi chen vào hội chúng,

Từng đôi, chúng đánh giá lẫn nhau là ngu dốt.

Dựa dẫm vào người khác, chúng nói lời bàn cãi,

Mong muốn lời ca ngợi, chúng nói [học thuyết] là thiện xảo.”

8.3. Kẻ gắn bó với sự phát biểu ở giữa hội chúng,

Trong khi ước muốn lời ca ngợi, thì trở nên lo lắng.

Hơn nữa, khi bị bác bỏ thì trở nên xấu hổ,

Vì sự chê bai, kẻ ấy bị bực tức, có sự tìm kiếm điểm thiếu sót.

Kẻ gắn bó với sự phát biểu ở giữa hội chúng: Kẻ gắn bó, gắn vào, gắn chặt, gắn liền, kết gắn với sự phát biểu của bản thân ở hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc ở hội chúng Bà-la-môn, hoặc ở hội chúng gia chủ, hoặc ở hội chúng Sa-môn để phát biểu.

“Kẻ gắn bó với sự phát biểu ở giữa hội chúng” là như thế.

Trong khi ước muốn lời ca ngợi, thì trở nên lo lắng.

Trong khi ước muốn lời ca ngợi: Trong khi ước muốn là trong khi ước nguyện, trong khi mong cầu, trong khi nguyện cầu lời ca ngợi, sự tán dương, sự nổi tiếng, sự rạng danh.

Thì trở nên lo lắng: Ngay trước cuộc nói chuyện thì có nỗi nghi hoặc, có sự lo lắng rằng: “Phải chăng sẽ có sự chiến thắng cho ta? Phải chăng sẽ có sự thất bại cho ta? Ta sẽ thực hiện việc chỉ trích như thế nào? Ta sẽ thực hiện việc bào chữa như thế nào? Ta sẽ tạo sự đề cao như thế nào? Ta sẽ tạo sự gây ấn tượng như thế nào? Ta sẽ tạo sự gút mắc như thế nào? Ta sẽ tạo sự gỡ rối như thế nào? Ta sẽ tạo sự cắt ngang như thế nào? Ta sẽ tạo sự kết nối như thế nào?” Ngay trước cuộc nói chuyện thì có nỗi nghi hoặc, có sự lo lắng là như vậy.

“Trong khi ước muốn lời ca ngợi, thì trở nên lo lắng” là như thế.

Hơn nữa, khi bị bác bỏ thì trở nên xấu hổ: Những người nào là các vị xem xét câu hỏi, các hội đoàn, các thành viên, các kiểm tra viên, những người ấy bác bỏ. Họ bác bỏ vì ý nghĩa: “Điều đã nói xa rời ý nghĩa.” Họ bác bỏ vì văn tự: “Điều đã nói xa rời văn tự.” Họ bác bỏ vì ý nghĩa và văn tự: “Điều đã nói xa rời ý nghĩa và văn tự.” Họ bác bỏ rằng: “Ý nghĩa đã được ông trình bày sai, văn tự đã được ông trích dẫn tồi, nghĩa và văn tự đã được ông trình bày sai và trích dẫn tồi, ông đã không thực hiện việc chỉ trích, ông đã thực hiện tồi việc bào chữa, ông đã không tạo sự đề cao, ông đã làm dở việc gây ấn tượng, ông đã không tạo sự gút mắc, ông đã làm dở việc gỡ rối, ông đã không tạo sự cắt ngang, ông đã làm dở việc kết nối. Điều đã thuyết là không suông sẻ, đã được thuyết dở, đã được phát ngôn dở, đã được đối đáp tồi, đã được thốt ra tồi, đã bị nói vụng về.”

Hơn nữa, khi bị bác bỏ thì trở nên xấu hổ: Khi bị chối từ thì trở nên xấu hổ, bị dằn vặt, bị đụng chạm, bị bệnh hoạn, bị ưu phiền.

“Hơn nữa, khi bị bác bỏ thì trở nên xấu hổ” là như thế.

Vì sự chê bai, kẻ ấy bị bực tức, có sự tìm kiếm điểm thiếu sót: Vì sự chê bai, vì sự chê trách, vì sự không nổi tiếng, vì sự không ca tụng, nên bị bực tức, tức giận, phản kháng bày tỏ sự bực tức, sự sân hận, sự không bằng lòng. “Vì sự chê bai, kẻ ấy bị bực tức” là như thế.

Có sự tìm kiếm điểm thiếu sót: Có sự tìm kiếm điểm thiếu sót là có sự tìm kiếm chỗ thủng, có sự tìm kiếm khuyết điểm, có sự tìm kiếm sự lầm lỡ, có sự tìm kiếm sự vấp ngã, có sự tìm kiếm sự đụng chạm, có sự tìm kiếm kẽ hở.

“Vì sự chê bai, kẻ ấy bị bực tức, có sự tìm kiếm điểm thiếu sót” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Kẻ gắn bó với sự phát biểu ở giữa hội chúng,

Trong khi ước muốn lời ca ngợi, thì trở nên lo lắng.

Hơn nữa, khi bị bác bỏ thì trở nên xấu hổ,

Vì sự chê bai, kẻ ấy bị bực tức, có sự tìm kiếm điểm thiếu sót.”

8.4. Họ đã nói rằng cuộc tranh luận của người này là hèn mọn,

Những vị xem xét câu hỏi đã bác bỏ.

Người có cuộc tranh luận thấp hèn than vãn, sầu muộn,

Phàn nàn rằng: “Kẻ ấy đã vượt hẳn tôi.”

Họ đã nói rằng cuộc tranh luận của người này là hèn mọn: Cho rằng cuộc tranh luận của người này là thấp hèn, hèn kém, hèn mọn, bị bỏ qua, không được hoàn hảo; các vị đã nói như vậy, thuyết như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.

“Họ đã nói rằng cuộc tranh luận của người này là hèn mọn” là như thế.

Những vị xem xét câu hỏi đã bác bỏ: Những người nào là các vị xem xét câu hỏi, các hội đoàn, các thành viên, các kiểm tra viên, những người ấy bác bỏ. Họ bác bỏ vì ý nghĩa: “Điều đã nói xa rời ý nghĩa.” Họ bác bỏ vì văn tự: “Điều đã nói xa rời văn tự.” Họ bác bỏ vì ý nghĩa và văn tự: “Điều đã nói xa rời ý nghĩa và văn tự.” Họ bác bỏ rằng: “Ý nghĩa của ông được trình bày sai, văn tự của ông được trích dẫn tồi, ý nghĩa và văn tự của ông được trình bày sai và được trích dẫn tồi, ông đã không thực hiện việc chỉ trích, ông đã thực hiện tồi việc bào chữa, ông đã không tạo sự đề cao, ông đã làm dở việc gây ấn tượng, ông đã không tạo sự gút mắc, ông đã làm dở việc gỡ rối, ông đã không tạo sự cắt ngang, ông đã làm dở việc kết nối. Điều đã thuyết là không suông sẻ, đã được thuyết dở, đã được phát ngôn dở, đã được đối đáp tồi, đã được thốt ra tồi, đã bị nói vụng về.”

“Những vị xem xét câu hỏi đã bác bỏ” là như thế.

Người có cuộc tranh luận thấp hèn than vãn, sầu muộn.

Than vãn [rằng]: “Ta đã suy tính cách khác, đã suy nghĩ cách khác, đã suy luận cách khác, đã học tập cách khác, đã suy xét cách khác. Kẻ ấy có phe cánh đông hơn, có hội chúng đông hơn, có tùy tùng đông hơn. Hội chúng này là phe nhóm, không hợp nhất. Hãy có cuộc thuyết giảng và nói chuyện ở hội chúng hợp nhất, ta sẽ bẻ gãy lại”, lời nói nào có hình thức như vậy là nói lảm nhảm, nói huyên thuyên, nói kể lể, lối nói kể lể, trạng thái nói kể lể. “Than vãn” là như thế.

Sầu muộn: Sầu muộn rằng: “Chiến thắng thuộc về kẻ ấy”, sầu muộn rằng: “Thất bại thuộc về ta”, sầu muộn rằng: “Lợi lộc thuộc về kẻ ấy”, sầu muộn rằng: “Thất lợi thuộc về ta”, sầu muộn rằng: “Danh vọng thuộc về kẻ ấy”, sầu muộn rằng: “Không danh vọng thuộc về ta”, sầu muộn rằng: “Khen ngợi thuộc về kẻ ấy”, sầu muộn rằng: “Chê bai thuộc về ta”, sầu muộn rằng: “Hạnh phúc thuộc về kẻ ấy”, sầu muộn rằng: “Đau khổ thuộc về ta.” Sầu muộn rằng: “Kẻ ấy được trọng vọng, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được y phục, vật thực, chỗ trú ngụ và vật dụng là thuốc men chữa bệnh; ta không được trọng vọng, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không nhận được y phục, vật thực, chỗ trú ngụ và vật dụng là thuốc men chữa bệnh”; rồi mệt mỏi, than vãn, đấm ngực khóc lóc, đi đến sự mê muội. “Than vãn, sầu muộn” là như thế.

Cuộc tranh luận thấp hèn: Cuộc tranh luận thấp hèn là cuộc tranh luận hèn mọn, cuộc tranh luận bị bỏ qua, cuộc tranh luận không được hoàn hảo.

“Người có cuộc tranh luận thấp hèn than vãn, sầu muộn” là như thế.

Phàn nàn rằng: “Kẻ ấy đã vượt hẳn tôi.” “Kẻ ấy đã vượt trội, đã vượt khỏi, là đã vượt quá, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi tôi trong lúc tranh luận với tôi bằng cuộc tranh luận.” “Kẻ ấy đã vượt hẳn tôi” là như vậy. Hoặc là, “Trong lúc tranh luận với tôi bằng cuộc tranh luận, sau khi ngự trị, sau khi đè bẹp, sau khi trấn áp, sau khi chà đạp tôi, kẻ ấy sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng.” “Kẻ ấy đã vượt hẳn tôi” còn là như vậy.

Phàn nàn: Đề cập đến lời nói, việc nói lảm nhảm, việc nói huyên thuyên, việc nói kể lể, lối nói kể lể, trạng thái nói kể lể.

“Phàn nàn rằng: ‘Kẻ ấy đã vượt hẳn tôi’” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Họ đã nói rằng cuộc tranh luận của người này là hèn mọn,

Những vị xem xét câu hỏi đã bác bỏ.

Người có cuộc tranh luận thấp hèn than vãn, sầu muộn,

Phàn nàn rằng: ‘Kẻ ấy đã vượt hẳn tôi.’”

8.5. Những sự tranh cãi này đã sanh khởi giữa các vị Sa-môn.

Ở những việc này có sự hưng phấn và chán nản.

Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, nên xa lánh sự bàn cãi,

Bởi vì không có lợi ích nào khác ngoài việc đạt được lời ca ngợi.

Những sự tranh cãi này đã sanh khởi giữa các vị Sa-môn.

Các vị Sa-môn: Bất cứ những vị nào đã đi đến hạnh du sĩ, đã thành tựu hạnh du sĩ bên ngoài giáo pháp này. Các sự cãi cọ về quan điểm, các sự cãi lộn về quan điểm, các sự cãi vã về quan điểm, các sự tranh cãi về quan điểm, các sự gây gổ về quan điểm này đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện giữa các vị Sa-môn.

“Những sự tranh cãi này đã sanh khởi giữa các vị Sa-môn” là như thế.

Ở những việc này có sự hưng phấn và chán nản: Là có chiến thắng và thất bại, có lợi lộc và không lợi lộc, có danh vọng và không danh vọng, có ca ngợi và chê bai, có hạnh phúc và khổ đau, có hỷ tâm và ưu tâm, có ưa thích và không ưa thích, có ưa chuộng và bất bình, có hưng phấn và chán nản, có chiều chuộng và chống đối; do chiến thắng tâm được hưng phấn, do thất bại tâm bị chán nản; do có lợi lộc tâm được hưng phấn, do không có lợi lộc tâm bị chán nản; do có danh vọng tâm được hưng phấn, do không có danh vọng tâm bị chán nản; do lời ca ngợi tâm được hưng phấn, do lời chê bai tâm bị chán nản; do hạnh phúc tâm được hưng phấn, do khổ đau tâm bị chán nản; do hỷ tâm tâm được hưng phấn, do ưu tâm tâm bị chán nản; do kiêu hãnh tâm được hưng phấn, do mặc cảm tâm bị chán nản.

“Ở những việc này có sự hưng phấn và chán nản” là như thế.

Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, nên xa lánh sự bàn cãi.

Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này: Sau khi nhìn thấy, sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt điều bất lợi này ở các sự cãi cọ về quan điểm, ở các sự cãi lộn về quan điểm, ở các sự cãi vã về quan điểm, ở các sự tranh cãi về quan điểm, ở các sự gây gổ về quan điểm. “Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này” là như thế.

Nên xa lánh sự bàn cãi: Sự bàn cãi nói đến sự cãi cọ, sự cãi lộn, sự cãi vã, sự tranh cãi, sự gây gổ. Hoặc là, sự bàn cãi: Lời nói ấy là vô bổ. Không nên tạo ra sự bàn cãi, không nên tạo ra sự cãi cọ, không nên tạo ra sự cãi lộn, không nên tạo ra sự cãi vã, không nên tạo ra sự tranh cãi, không nên tạo ra sự gây gổ; nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu sự cãi cọ, cãi lộn, cãi vã, tranh cãi, gây gổ; nên tránh khỏi, xa lánh, tránh xa, đi ra ngoài, rời ra, thoát khỏi, không bị ràng buộc với sự cãi cọ, cãi lộn, tranh luận, tranh cãi, gây gổ, nên sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.

“Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, nên xa lánh sự bàn cãi” là như thế.

Bởi vì không có lợi ích nào khác ngoài việc đạt được lời ca ngợi: Ngoài việc đạt được lời ca ngợi, không có lợi ích nào khác, lợi ích cho bản thân hay lợi ích cho người khác hoặc lợi ích cho cả hai, lợi ích liên quan đời này hay lợi ích liên quan đời sau, lợi ích hời hợt hay lợi ích thâm sâu, lợi ích được giấu kín hay lợi ích được che đậy, lợi ích tiềm tàng hoặc lợi ích hiển hiện, lợi ích có tội lỗi hay lợi ích không ô nhiễm, lợi ích trong trắng hay lợi ích tối thượng là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại.

“Bởi vì không có lợi ích nào khác ngoài việc đạt được lời ca ngợi” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Những sự tranh cãi này đã sanh khởi giữa các vị Sa-môn.

Ở những việc này có sự hưng phấn và chán nản.

Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, nên xa lánh sự bàn cãi,

Bởi vì không có lợi ích nào khác ngoài việc đạt được lời ca ngợi.”

8.6. Hoặc hơn nữa, kẻ được ca ngợi ở nơi ấy,

Sau khi đã nói lên lời tranh luận ở giữa hội chúng,

Kẻ ấy cười về điều ấy, kiêu hãnh vì điều ấy,

Sau khi đã đạt được mục đích ấy theo như ý định đã có.

Hoặc hơn nữa, kẻ được ca ngợi ở nơi ấy.

Ở nơi ấy: Được ca ngợi, được tán dương, được nổi tiếng, được rạng danh bởi quan điểm của mình, bởi sự chấp nhận của mình, bởi sự ưa thích của mình, bởi quan niệm của mình.

“Hoặc hơn nữa, kẻ được ca ngợi ở nơi ấy” là như thế.

Sau khi đã nói lên lời tranh luận ở giữa hội chúng: Sau khi đã nói lên, sau khi đã nêu ra lời tranh luận; sau khi đã nói lên, sau khi đã nêu ra, sau khi đã kiện toàn, sau khi đã tăng cường, sau khi đã giảng giải, sau khi đã làm rõ, sau khi đã diễn tả, sau khi đã nắm vững lời biện luận của mình ở giữa hội chúng Sát-đế-lỵ, hội chúng Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, hội chúng Sa-môn.

“Sau khi đã nói lên lời tranh luận ở giữa hội chúng” là như thế.

Kẻ ấy cười về điều ấy, kiêu hãnh vì điều ấy: Kẻ ấy với thắng lợi ấy trở nên vui sướng, vui vẻ, thích thú, hoan hỷ, có tâm tư được trọn vẹn; hoặc là trong lúc cười nhe răng, kẻ ấy cười.

Kiêu hãnh vì điều ấy: Kẻ ấy được kiêu hãnh với thắng lợi ấy. Sự kiêu hãnh, sự giương lên [như ngọn cờ], sự tự nâng lên, sự mong muốn nổi bật của tâm.

“Kẻ ấy cười về điều ấy, kiêu hãnh vì điều ấy” là như thế.

Sau khi đã đạt được mục đích ấy theo như ý định đã có: Sau khi đã đạt được, sau khi đã đến nơi, sau khi đã đạt đến, sau khi đã tìm thấy, sau khi đã tiếp nhận thắng lợi ấy.

Theo như ý định đã có: Theo như ý định đã có là theo như tâm ý đã có, theo như tâm tư đã có, theo như tâm thức đã có.

“Sau khi đã đạt được mục đích ấy theo như ý định đã có” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Hoặc hơn nữa, kẻ được ca ngợi ở nơi ấy,

Sau khi đã nói lên lời tranh luận ở giữa hội chúng,

Kẻ ấy cười về điều ấy, kiêu hãnh vì điều ấy,

Sau khi đã đạt được mục đích ấy theo như ý định đã có.”

8.7. Cái nào là sự kiêu hãnh, cái ấy đối với kẻ ấy là vùng đất tiêu diệt.

Hơn nữa, kẻ ấy nói một cách ngã mạn và cao ngạo.

Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, không nên tranh cãi,

Bởi vì các bậc thiện xảo nói sự trong sạch là không do việc ấy.

Cái nào là sự kiêu hãnh, cái ấy đối với kẻ ấy là vùng đất tiêu diệt.

Cái nào: Cái nào là sự hãnh diện, sự giương lên [như ngọn cờ], sự tự nâng lên, sự mong muốn nổi bật của tâm; “cái nào là sự kiêu hãnh” là như thế.

Cái ấy đối với kẻ ấy là vùng đất tiêu diệt: Cái ấy là vùng đất tiêu diệt, vùng đất phá hại, vùng đất hành hạ, vùng đất đụng chạm, vùng đất bất hạnh, vùng đất nguy cơ đối với kẻ ấy.

“Cái nào là sự kiêu hãnh, cái ấy đối với kẻ ấy là vùng đất tiêu diệt” là như thế.

Hơn nữa, kẻ ấy nói một cách ngã mạn và cao ngạo: Nhân vật ấy nói một cách ngã mạn và nói một cách cao ngạo.

“Hơn nữa, kẻ ấy nói một cách ngã mạn và cao ngạo” là như thế.

Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, không nên tranh cãi: Sau khi nhìn thấy, sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt điều bất lợi này ở các sự cãi cọ về quan điểm, ở các sự cãi lộn về quan điểm, ở các sự cãi vã về quan điểm, ở các sự tranh cãi về quan điểm, ở các sự gây gổ về quan điểm. “Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này” là như thế.

Không nên tranh cãi: Không nên tạo ra sự cãi cọ, không nên tạo ra sự cãi lộn, không nên tạo ra sự cãi vã, không nên tạo ra sự tranh cãi, không nên tạo ra sự gây gổ; nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu sự cãi cọ, cãi lộn, cãi vã, tranh cãi, gây gổ; nên tránh khỏi, xa lánh, tránh xa, đi ra ngoài, rời ra, thoát khỏi, không bị ràng buộc với sự cãi cọ, cãi lộn, cãi vã, tranh cãi, gây gổ, nên sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.

“Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, không nên tranh cãi” là như thế.

Bởi vì các bậc thiện xảo nói sự trong sạch là không do việc ấy.

Các bậc thiện xảo: Những bậc thiện xảo về uẩn, thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về tùy thuận duyên khởi, thiện xảo về việc thiết lập niệm, thiện xảo về chánh cần, thiện xảo về nền tảng của thần thông, thiện xảo về quyền, thiện xảo về lực, thiện xảo về yếu tố đưa đến giác ngộ, thiện xảo về Đạo, thiện xảo về Quả, thiện xảo về Niết-bàn, [các bậc thiện xảo ấy] không nói, không thuyết, không phát ngôn, không giảng giải, không diễn tả rằng sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi là do sự cãi cọ về quan điểm, do sự cãi lộn về quan điểm, do sự cãi vã về quan điểm, do sự tranh cãi về quan điểm, do sự gây gổ về quan điểm.

“Bởi vì các bậc thiện xảo nói sự trong sạch là không do việc ấy” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Cái nào là sự kiêu hãnh, cái ấy đối với kẻ ấy là vùng đất tiêu diệt.

Hơn nữa, kẻ ấy nói một cách ngã mạn và cao ngạo.

Sau khi nhìn thấy luôn cả điều này, không nên tranh cãi,

Bởi vì các bậc thiện xảo nói sự trong sạch là không do việc ấy.”

8.8. Giống như vị dũng sĩ, được chu cấp với thức ăn của nhà vua,

Đi đến, la hét, ước muốn có dũng sĩ đối địch.

Này dũng sĩ, ngươi hãy đi đến nơi kẻ [dũng sĩ đối địch] ấy,

Quả thật trước đây đã không còn [ô nhiễm] gì để mà chiến đấu.

Giống như vị dũng sĩ, được chu cấp với thức ăn của vua.

Vị dũng sĩ: Vị dũng sĩ là vị anh hùng, quả cảm, không nhút nhát, không kinh hãi, không sợ sệt, không trốn chạy.

Được chu cấp với thức ăn của vua: Được chu cấp, được nuôi dưỡng, được cung cấp, được tăng trưởng nhờ vào vật thực cứng của nhà vua, nhờ vào vật thực mềm của nhà vua.

“Giống như vị dũng sĩ, được chu cấp với thức ăn của nhà vua” là như thế.

Đi đến, la hét, ước muốn có dũng sĩ đối địch: Vị ấy đi đến, tiếp cận, đi đến gần, vừa kêu la, vừa la lên, vừa la hét, trong khi ước muốn, trong khi ưng thuận, trong khi ước nguyện, trong khi mong cầu, trong khi nguyện cầu có dũng sĩ đối địch, có người nam đối địch, có kẻ thù đối địch, có võ sĩ đối địch.

“Đi đến, la hét, ước muốn có dũng sĩ đối địch” là như thế.

Này dũng sĩ, ngươi hãy đi đến nơi kẻ [dũng sĩ đối địch] ấy: Kẻ theo tà kiến ấy hiện ở nơi nào, thì ngươi hãy đi đến nơi ấy, hãy tiến đến nơi ấy, hãy đến gần nơi ấy, hãy tiến về nơi ấy. Kẻ ấy là dũng sĩ đối địch, người nam đối địch, kẻ thù đối địch, võ sĩ đối địch của ngươi.

“Này dũng sĩ, ngươi hãy đi đến nơi kẻ [dũng sĩ đối địch] ấy” là như thế.

Quả thật trước đây đã không còn [ô nhiễm] gì để mà chiến đấu: Quả thật trước đây ở gốc cây Bồ-đề, những ô nhiễm có hành động đối kháng, có hành động đối nghịch, có hành động chống đối, có hành động đối lập là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

Để mà chiến đấu: Tức là nhằm mục đích chiến đấu, nhằm mục đích cãi cọ, nhằm mục đích cãi lộn, nhằm mục đích cãi vã, nhằm mục đích tranh cãi, nhằm mục đích gây gổ.

“Quả thật trước đây đã không còn [ô nhiễm] gì để mà chiến đấu” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Giống như vị dũng sĩ, được chu cấp với thức ăn của nhà vua,

Đi đến, la hét, ước muốn có dũng sĩ đối địch.

Này dũng sĩ, ngươi hãy đi đến nơi kẻ [dũng sĩ đối địch] ấy,

Quả thật trước đây đã không còn [ô nhiễm] gì để mà chiến đấu.”

8.9. Những kẻ nào sau khi tiếp thu tà kiến, rồi tranh cãi và nói rằng: “Chỉ mỗi điều này là chân lý.” Ngươi hãy nói với những kẻ ấy rằng: “Khi cuộc tranh luận sanh khởi, người đối kháng với ngươi ở đây thật sự không có.”

Những kẻ nào sau khi tiếp thu tà kiến, rồi tranh cãi: Những kẻ nào sau khi chấp nhận, sau khi nắm lấy, sau khi tiếp thu, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt bất cứ tà kiến nào thuộc về sáu mươi hai tà kiến rồi tranh cãi, rồi gây ra sự cãi cọ, gây ra sự cãi lộn, gây ra sự cãi vã, gây ra sự tranh cãi, gây ra sự gây gổ rằng: “Ngươi không biết Pháp và Luật này, ta biết Pháp và Luật này, ngươi sẽ biết gì về Pháp và Luật này? Ngươi thực hành sai trái, ta thực hành đúng đắn, có lợi ích cho ta, không có lợi ích cho ngươi, điều nên nói trước đã nói sau, điều nên nói sau đã nói trước, lề thói của ngươi đã bị đảo lộn, học thuyết của ngươi đã bị lên án, ngươi bị phản đối, ngươi hãy hành xử cho việc thoát ra khỏi lời nói [của mình], hoặc ngươi hãy gỡ rối nếu ngươi có khả năng.”

“Những kẻ nào sau khi tiếp thu tà kiến, rồi tranh cãi” là như thế.

Và nói rằng: “Chỉ mỗi điều này là chân lý”: Họ nói, họ thuyết, họ phát ngôn, họ giảng giải, họ diễn tả rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại”; họ nói, họ thuyết, họ phát ngôn, họ giảng giải, họ diễn tả rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”

“Và nói rằng: Chỉ mỗi điều này là chân lý” là như thế.

Ngươi hãy nói với những kẻ ấy rằng: “Khi cuộc tranh luận sanh khởi, người đối kháng với ngươi ở đây thật sự không có”: Ngươi hãy nói với những kẻ theo tà kiến ấy về sự tranh luận bằng sự tranh luận, về sự chỉ trích bằng sự chỉ trích, về sự bào chữa bằng sự bào chữa, về sự đề cao bằng sự đề cao, về sự gây ấn tượng bằng sự gây ấn tượng, về sự gút mắc bằng sự gút mắc, về sự gỡ rối bằng sự gỡ rối, về sự cắt ngang bằng sự cắt ngang, về sự kết nối bằng sự kết nối. Ngươi hãy nói với những kẻ ấy rằng: “Những người ấy là các dũng sĩ đối địch, các người nam đối địch, các kẻ thù đối địch, các võ sĩ đối địch đối với ngươi.”

“Khi cuộc tranh luận sanh khởi, người đối kháng với ngươi ở đây thật sự không có”: Khi cuộc tranh luận đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện, những người nào thật sự là những người đối kháng, những người đối nghịch, những người chống đối, những người đối lập có thể tạo ra sự cãi cọ, có thể tạo ra sự cãi lộn, có thể tạo ra sự cãi vã, có thể tạo ra sự tranh cãi, có thể tạo ra sự gây gổ; những người ấy là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Ngươi hãy nói với những kẻ ấy rằng: ‘Khi cuộc tranh luận sanh khởi, người đối kháng với ngươi ở đây thật sự không có’” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Những kẻ nào sau khi tiếp thu tà kiến, rồi tranh cãi và nói rằng: ‘Chỉ mỗi điều này là chân lý.’ Ngươi hãy nói với những kẻ ấy rằng: ‘Khi cuộc tranh luận sanh khởi, người đối kháng với ngươi ở đây thật sự không có.’”

8.10. Hơn nữa, sau khi tiêu diệt đạo binh [ô nhiễm], những vị nào sống không           chống đối quan điểm [này] bằng các quan điểm [khác], này Pasūra, ngươi có thể đạt được gì ở những vị ấy, là những vị ở đây không có điều gì được nắm bắt là tối thắng.

Hơn nữa, sau khi tiêu diệt đạo binh [ô nhiễm], những vị nào sống: Đạo binh nói đến đạo binh của Ma vương; uế hạnh về thân là đạo binh của Ma vương; uế hạnh về khẩu là đạo binh của Ma vương; uế hạnh về ý là đạo binh của Ma vương; tham lam là đạo binh của Ma vương; sân hận là đạo binh của Ma vương; si mê là đạo binh của Ma vương; giận dữ là đạo binh của Ma vương; thù hằn là đạo binh của Ma vương; gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, lừa gạt, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, cao ngạo, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện là đạo binh của Ma vương.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Các dục là đạo binh thứ nhất của ngươi, thứ nhì nói đến sự không thích thú,… (nt)… và vị đã chiến thắng thì đạt được sự an lạc.”[2]

Vào lúc tất cả các đạo binh của Ma vương và tất cả các ô nhiễm có hành động đối kháng đã bị đánh bại và đã bị khuất phục, đã bị đổ vỡ, đã bị tan rã, không còn hiện diện, nhờ vào bốn Thánh đạo; vì thế, được gọi là “sau khi tiêu diệt đạo binh [ô nhiễm].”

Những vị nào: Là các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.

Sống: Các vị sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng.

“Hơn nữa, sau khi tiêu diệt đạo binh [ô nhiễm], những vị nào sống” là như thế.

Không chống đối quan điểm [này] bằng các quan điểm [khác]: Đối với những vị nào, sáu mươi hai tà kiến đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ, những vị ấy không chống đối, không chống báng, không đụng chạm, không công kích, không phản công quan điểm [này] bằng các quan điểm [khác].

“Không chống đối quan điểm [này] bằng các quan điểm [khác]” là như thế.

Này Pasūra, ngươi có thể đạt được gì ở những vị ấy: Ngươi có thể đạt được dũng sĩ đối địch, người nam đối địch, kẻ thù đối địch, võ sĩ đối địch gì ở các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt ấy?

“Này Pasūra, ngươi có thể đạt được gì ở những vị ấy” là như thế.

Là những vị ở đây không có điều gì được nắm bắt là tối thắng: Đối với các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt, điều được nắm lấy, được bám víu, được chấp chặt, được bám chặt, được hướng đến rằng: “Điều này là tối thắng, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý” thì không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Là những vị ở đây không có điều gì được nắm bắt là tối thắng” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Hơn nữa, sau khi tiêu diệt đạo binh [ô nhiễm], những vị nào sống không chống đối quan điểm [này] bằng các quan điểm [khác], này Pasūra, ngươi có thể đạt được gì ở những vị ấy, là những vị ở đây không có điều gì được nắm bắt là tối thắng.”

8.11. Giờ ngươi đã đi đến sự suy xét,

Trong khi dùng ý suy nghĩ về các tà kiến.

Ngươi đã gặp gỡ đối đầu với vị đã rũ sạch,

Ngươi quả không có khả năng để đi cùng.

Giờ ngươi đã đi đến sự suy xét.

Giờ: Từ “atha” này gọi là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.

Đã đi đến sự suy xét: Trong khi suy nghĩ, trong khi suy tư, trong khi tư duy rằng: “Phải chăng sẽ có sự chiến thắng cho ta? Phải chăng sẽ có sự thất bại cho ta? Ta sẽ thực hiện việc chỉ trích như thế nào? Ta sẽ thực hiện việc bào chữa như thế nào? Ta sẽ tạo sự đề cao như thế nào? Ta sẽ tạo việc gây ấn tượng như thế nào? Ta sẽ tạo sự gút mắc như thế nào? Ta sẽ tạo sự gỡ rối như thế nào? Ta sẽ tạo sự cắt ngang như thế nào? Ta sẽ tạo sự kết nối như thế nào?” Trong khi suy nghĩ, trong khi suy tư, trong khi tư duy như vậy, ngươi đã đi đến, ngươi đã đi đến gần, ngươi đã đạt đến, ngươi đã đi đến gặp gỡ ta.

“Giờ ngươi đã đi đến sự suy xét” là như thế.

Trong khi dùng ý suy nghĩ về các tà kiến.

Ý: Tức là tâm, ý, ý thức, trái tim, chất xám; ý, ý xứ, ý quyền, thức, thức uẩn, từ đó ý thức giới sanh lên. Trong khi nghĩ đến, trong khi nghĩ về tà kiến bằng tâm rằng: “Thế giới là thường còn”, hoặc “thế giới là không thường còn”,… (nt)… hoặc “chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết.”

“Trong khi dùng ý suy nghĩ về các tà kiến” là như thế.

Ngươi đã gặp gỡ đối đầu với vị đã rũ sạch, ngươi quả không có khả năng để đi cùng.

Việc rũ sạch: Được gọi là tuệ. Tuệ là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến. Vì lý do gì mà việc rũ sạch được gọi là tuệ? Nhờ vào tuệ ấy, uế hạnh về thân được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; uế hạnh về khẩu… (nt)… tất cả các pháp tạo tác bất thiện được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch. Hoặc là, nhờ vào chánh kiến, tà kiến được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; nhờ vào chánh tư duy, tà tư duy… (nt)… nhờ vào chánh giải thoát, tà giải thoát được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch. Hoặc là, nhờ vào đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch. Đức Thế Tôn đã tiến đến, đã tiến gần, đã đi đến gần, đã tiến đến gần, đã đạt đến, đã tròn đủ, đã thành tựu các pháp cần được rũ sạch này, vì thế đức Thế Tôn là vị đã được rũ sạch. Vị ấy có luyến ái đã được rũ bỏ, có điều ác đã được rũ bỏ, có ô nhiễm đã được rũ bỏ, có sự bực bội đã được rũ bỏ. “Vị đã rũ sạch” là như thế.

Ngươi đã gặp gỡ đối đầu với vị đã rũ sạch, ngươi quả không có khả năng để đi cùng: Du sĩ ngoại đạo Pasūra không có khả năng để đi đến gặp gỡ đối đầu, để nắm lấy sự cạnh tranh, để đàm luận, để thảo luận, để đạt đến sự đàm luận cùng với đức Phật, với đức Thế Tôn. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Du sĩ ngoại đạo Pasūra là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi; còn đức Thế Tôn ấy là cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng và cao quý. Giống như con thỏ không có khả năng để đi đến gặp gỡ đối đầu, để nắm lấy sự cạnh tranh cùng với con voi về khối lượng; giống như con chó rừng không có khả năng để đi đến gặp gỡ đối đầu, để nắm lấy sự cạnh tranh cùng với con sư tử, vua của loài thú; giống như con bê còn nhỏ đang bú mẹ không có khả năng để đi đến gặp gỡ đối đầu, để nắm lấy sự cạnh tranh cùng với con bò đực về mức độ di chuyển; giống như con quạ không có khả năng để đi đến gặp gỡ đối đầu, để nắm lấy sự cạnh tranh cùng với con nhơn điểu là loài linh thú; giống như hạng người hạ tiện không có khả năng để đi đến gặp gỡ đối đầu, để nắm lấy sự cạnh tranh cùng với đức vua là vị Chuyển Luân Vương; giống như loài địa tinh không có khả năng để đi đến gặp gỡ đối đầu, để nắm lấy sự cạnh tranh cùng với vị Inda, vua của chư thiên; tương tự như vậy, du sĩ ngoại đạo Pasūra không có khả năng để đi đến gặp gỡ đối đầu, để nắm lấy sự cạnh tranh, để đàm luận, để thảo luận, để đạt đến sự đàm luận cùng với đức Phật, với đức Thế Tôn, bậc đã rũ sạch. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Du sĩ ngoại đạo Pasūra là có tuệ thấp hèn, có tuệ hèn kém, có tuệ thấp kém, có tuệ thấp thỏi, có tuệ tồi tệ, có tuệ nhỏ nhoi; còn đức Thế Tôn ấy có tuệ vĩ đại, có tuệ rộng lớn, có tuệ vi tiếu, có tuệ tốc hành, có tuệ sắc bén, có tuệ thấu suốt, bậc thiện xảo trong việc chia chẻ bằng tuệ, có trí đã được phát triển, đã đạt đến tuệ phân tích, đã đạt được bốn pháp tự tin, có sự duy trì mười lực, là bậc Nhân Ngưu, bậc Nhân Sư, bậc Nhân Tượng, bậc Nhân Kiệt, bậc Nhân Đạo, bậc có trí vô biên, có oai lực vô biên, có danh vọng vô biên, giàu có [về trí tuệ], có tài sản lớn [về trí tuệ], sở hữu tài sản [về trí tuệ], là bậc Hướng Đạo, bậc Hướng Dẫn, bậc Đoạn Nghi, bậc Truyền Đạt, bậc Truyền Thụ, bậc Khơi Mở, bậc Khởi Tín.

Chính đức Thế Tôn ấy là vị làm sanh khởi đạo lộ chưa được sanh khởi, là vị làm sanh ra đạo lộ chưa được sanh ra, là vị tuyên thuyết đạo lộ chưa được tuyên thuyết, là vị biết về đạo lộ, là vị hiểu rõ về đạo lộ, là vị rành rẽ về đạo lộ. Và hơn nữa, những người đi theo đạo lộ, là các đệ tử của Ngài, hiện nay đang an trú và sau này sẽ thành tựu [đạo lộ ấy].

Chính đức Thế Tôn ấy biết [đúng bản thể] điều cần phải biết, thấy [đúng bản thể] điều cần phải thấy, là bậc có bản thể của mắt, có bản thể của trí, có bản thể của pháp, có bản thể của Phạm thiên, là vị công bố, là vị tuyên thuyết, là vị chỉ dẫn mục đích, là vị ban cho bất tử, là bậc Pháp Chủ, là đức Như Lai. Đối với đức Thế Tôn ấy, không có việc không biết, không thấy, không hiểu rõ, không chứng ngộ, không chạm đến bằng tuệ. Tất cả các pháp liên quan đến quá khứ, tương lai, hiện tại với mọi biểu hiện đều đi đến phạm vi ở trong tầm trí tuệ của đức Phật Thế Tôn. Bất cứ điều gì có thể biết, nghĩa là có pháp cần phải biết, có lợi ích cho mình, hoặc có lợi ích cho người khác, hoặc có lợi ích cho cả hai, hoặc có lợi ích liên quan đời này, hoặc có lợi ích liên quan đời sau, hoặc có lợi ích hời hợt, hoặc có lợi ích sâu sắc, hoặc có lợi ích được giấu kín, hoặc có lợi ích được che đậy, hoặc có lợi ích tiềm tàng, hoặc có lợi ích hiển hiện, hoặc có lợi ích không tội lỗi, hoặc có lợi ích không ô nhiễm, hoặc có lợi ích trong sạch, hoặc có lợi ích là lợi ích tối thượng; tất cả [các] điều ấy đều vận hành ở bên trong trí của đức Phật. Tất cả thân nghiệp của đức Phật Thế Tôn đều vận hành theo trí. Tất cả khẩu nghiệp đều vận hành theo trí. Tất cả ý nghiệp đều vận hành theo trí.

Đức Phật Thế Tôn có trí không bị chướng ngại về quá khứ, có trí không bị chướng ngại về vị lai, có trí không bị chướng ngại về hiện tại. Điều-có-thể-biết là chừng nào thì trí là chừng ấy, trí là chừng nào thì điều-có-thể-biết là chừng ấy. Trí có điều-có-thể-biết là giới hạn, điều-có-thể-biết có trí là giới hạn; vượt qua điều-có-thể-biết thì trí không vận hành, vượt qua trí thì không có hành trình của điều-có-thể-biết; các pháp ấy có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau. Giống như hai nắp đậy của cái hộp được gắn liền đúng đắn, nắp đậy bên dưới không lệch nắp trên, nắp đậy bên trên không lệch nắp dưới, chúng có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau; tương tự như vậy, điều-có-thể-biết và trí của đức Phật Thế Tôn có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau. Điều-có-thể-biết là chừng nào thì trí là chừng ấy, trí là chừng nào thì điều-có-thể-biết là chừng ấy. Trí có điều-có-thể-biết là giới hạn, điều-có-thể-biết có trí là giới hạn; vượt qua điều-có-thể-biết thì trí không vận hành, vượt qua trí thì không có hành trình của điều-có-thể-biết; các pháp ấy có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau. Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả các pháp.

Tất cả các pháp được gắn liền với sự hướng tâm, được gắn liền với sự mong muốn, được gắn liền với sự chú tâm, được gắn liền với sự khởi tâm của đức Phật Thế Tôn. Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả chúng sanh. Và đức Thế Tôn biết tính tình, biết tiềm năng, biết nết hạnh, biết khuynh hướng của tất cả chúng sanh. Ngài nhận biết các chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, có khả năng và không có khả năng. Thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người, chuyển vận ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ những loài cá và rùa nào, thậm chí luôn cả cá ông và cá voi, chuyển vận ở bên trong đại dương; tương tự như vậy, thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người, chuyển vận ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ những loài có cánh nào, thậm chí luôn cả loài nhân điểu là loài linh thú, chuyển vận ở phạm vi thuộc bầu trời; tương tự như vậy, những vị nào tương đương với vị Sāriputta về tuệ, những vị ấy cũng chuyển vận ở phạm vi thuộc Phật trí.

Phật trí thâm nhập tuệ của chư thiên và loài người, ngự trị và còn trụ lại. Những vị Sát-đế-lỵ sáng suốt, những vị Bà-la-môn sáng suốt, những gia chủ sáng suốt, những vị Sa-môn sáng suốt, tinh tế, quen thuộc với học thuyết của những người khác như người cung thủ có thể bắn trúng cọng tóc, nghĩ rằng họ hành xử với sự thành tựu của tuệ trong khi bẻ đôi các tà kiến. Sau khi chuẩn bị các câu hỏi, họ đi đến gặp đức Như Lai rồi hỏi các điều bí mật và đã được che giấu. Được đức Thế Tôn giảng giải và trả lời, các câu hỏi ấy trở nên rõ ràng. Những người ấy đều quy thuận với đức Thế Tôn. Khi ấy, chính đức Thế Tôn, trong trường hợp ấy, chói sáng rực rỡ; điều ấy là nhờ vào tuệ.

“Ngươi đã gặp gỡ đối đầu với vị đã rũ sạch, ngươi quả không có khả năng để đi cùng” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Giờ ngươi đã đi đến sự suy xét,

Trong khi dùng ý suy nghĩ về các tà kiến.

Ngươi đã gặp gỡ đối đầu với vị đã rũ sạch,

Ngươi quả không có khả năng để đi cùng.”

“Diễn giải kinh về Pasūra” - Phần thứ tám.

 

Chú thích:

[1] Đã dịch theo sự hiệu đính của Tam tạng Miến Điện, Thái Lan và PTS. (ND)

[2] Xem đầy đủ ở câu kệ 4.6, trang 81. (ND)

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.