Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
8.1. [Tôn giả Hemaka nói rằng:]
“Những người nào trước đây đã giải thích cho con
Khác với lời dạy của đức Gotama [nói rằng]:
‘Đã là như vầy, sẽ là như vầy’,
Mọi điều ấy đều do nghe lời đồn đãi,
Mọi điều ấy đều là sự tăng trưởng của suy nghĩ,
Con đã không thích thú về điều ấy.”
Những người nào trước đây đã giải thích cho con.
Những người nào: Là vị Bà-la-môn Bāvari và những người khác là thầy của vị ấy; những vị ấy đã giải thích, đã chỉ dạy, đã chỉ bảo, đã thông báo, đã ấn định, đã khai mở, đã chia sẻ, đã làm rõ, đã bày tỏ về quan điểm của mình, về sự chấp nhận của mình, về sự ưa thích của mình, về quan niệm của mình, về ý định của mình, về chủ tâm của mình.
“Những người nào trước đây đã giải thích cho con” là như thế.
Tôn giả Hemaka nói rằng.
Rằng: Từ “icca” này là sự nối liền các câu văn,… (nt)… tính chất tuần tự của các câu văn.
Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)…
Hemaka: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi.
“Tôn giả Hemaka nói rằng” là như thế.
Khác với lời dạy của đức Gotama: Khác với lời dạy của đức Gotama là khác hẳn lời dạy của đức Gotama, trước cả lời dạy của đức Gotama, trước tiên so với lời dạy của đức Gotama, so với lời dạy của đức Phật, so với lời dạy của đấng Chiến Thắng, so với lời dạy của đức Như Lai, so với lời dạy của vị Chúa của chư thiên, so với lời dạy của bậc A-la-hán.
“Khác với lời dạy của đức Gotama” là như thế.
Đã là như vầy, sẽ là như vầy: Nghe nói đã là như vầy, nghe nói sẽ là như vầy.
“Đã là như vầy, sẽ là như vầy” là như thế.
Mọi điều ấy đều do nghe lời đồn đãi: Họ đã thuyết giảng mọi điều ấy do nghe lời đồn đãi, do nghe nói như thế, do sự truyền thừa, do sự thành tựu của việc thu thập kiến thức, do nhân suy nghĩ, do nhân suy luận, do suy đoán theo biểu hiện, do sự suy xét và chấp nhận về quan điểm, không được chính bản thân biết rõ, không được tự thân quán xét lại.
“Mọi điều ấy đều do nghe lời đồn đãi” là như thế.
Mọi điều ấy đều là sự tăng trưởng của suy nghĩ: Mọi điều ấy đều là sự tăng trưởng của suy nghĩ, sự tăng trưởng của suy tư, sự tăng trưởng của tư duy, sự tăng trưởng của suy tư về dục, sự tăng trưởng của suy tư về sân hận, sự tăng trưởng của suy tư về hãm hại, sự tăng trưởng của suy tư về thân quyến, sự tăng trưởng của suy tư về xứ sở, sự tăng trưởng của suy tư về chư thiên, sự tăng trưởng của suy tư liên quan đến sự trắc ẩn đối với người khác, sự tăng trưởng của suy tư liên quan đến lợi lộc, sự trọng vọng, sự nổi tiếng, sự tăng trưởng của suy tư liên quan đến việc không bị khi dễ.
“Mọi điều ấy đều là sự tăng trưởng của suy nghĩ” là như thế.
Con đã không thích thú về điều ấy: Con đã không thích thú, đã không tìm đến, đã không đạt đến, đã không tiếp nhận điều ấy.
“Con đã không thích thú về điều ấy” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
[Tôn giả Hemaka nói rằng:]
“Những người nào trước đây đã giải thích cho con
Khác với lời dạy của đức Gotama [nói rằng]:
‘Đã là như vầy, sẽ là như vầy’,
Mọi điều ấy đều do nghe lời đồn đãi,
Mọi điều ấy đều là sự tăng trưởng của suy nghĩ,
Con đã không thích thú về điều ấy.”
8.2. Và xin Ngài hãy nói ra cho con về giáo pháp,
Về sự diệt trừ tham ái, thưa bậc Hiền trí;
Sau khi hiểu pháp ấy, con có niệm, trong khi sống,
Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.
Và xin Ngài hãy nói ra cho con về giáo pháp.
Ngài: [Vị Hemaka] nói với đức Thế Tôn.
Xin Ngài hãy nói về giáo pháp. Về giáo pháp: Xin Ngài hãy nói ra, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, [gồm có] bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, Niết-bàn và sự thực hành đưa đến Niết-bàn.
“Và xin Ngài hãy nói ra cho con về giáo pháp” là như thế.
Về sự diệt trừ tham ái, thưa bậc Hiền trí.
Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp. Sự diệt trừ tham ái là sự dứt bỏ tham ái, sự vắng lặng tham ái, sự buông bỏ tham ái, sự tịch tịnh tham ái, là bất tử, Niết-bàn.
Bậc Hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí,… (nt)… đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới [tham ái và tà kiến], vị ấy là bậc Hiền trí.
“Về sự diệt trừ tham ái, thưa bậc Hiền trí” là như thế.
Sau khi hiểu pháp ấy, con có niệm, trong khi sống: Sau khi làm cho pháp ấy được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt)… vị ấy được gọi là có niệm.
Trong khi sống: Là trong khi thực hành, trong khi trú ngụ, trong khi sinh hoạt, trong khi vận hành, trong khi bảo hộ, trong khi nuôi dưỡng, trong khi bảo dưỡng.
“Sau khi hiểu pháp ấy, con có niệm, trong khi sống” là như thế.
Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian. Sự vướng mắc nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.
Sự vướng mắc: Sự vướng mắc với ý nghĩa gì? … (nt)… được trải rộng, được lan rộng” là vướng mắc.
Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.
Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc này là ở ngay tại thế gian. Có niệm, con có thể vượt qua, có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi sự vướng mắc này ở ngay tại thế gian.
“Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
“Và xin Ngài hãy nói ra cho con về giáo pháp,
Về sự diệt trừ tham ái, thưa bậc Hiền trí;
Sau khi hiểu pháp ấy, con có niệm, trong khi sống,
Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”
8.3. Ở đây, sự xua đi mong muốn và luyến ái ở các vật có vẻ đáng yêu đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, này Hemaka, là vị thế Niết-bàn, bất hoại.
Ở đây,... đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức.
Đã được thấy: Đã được thấy bằng mắt.
Đã được nghe: Đã được nghe bằng tai.
Đã được cảm giác: Đã được ngửi bằng mũi, đã được nếm bằng lưỡi, đã được xúc chạm bằng thân.
Đã được nhận thức: Đã được nhận thức bằng ý.
“Ở đây,... đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức” là như thế.
Ở các vật có vẻ đáng yêu, này Hemaka: Và cái gì ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng? Mắt ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng, tai ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng, mũi ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng, lưỡi ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng, thân ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng, ý ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; các sắc ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng, các thinh ở thế gian… các hương ở thế gian… các vị ở thế gian… các xúc ở thế gian… các pháp ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; nhãn thức ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng, nhĩ thức ở thế gian… tỷ thức ở thế gian… thiệt thức ở thế gian… thân thức ở thế gian… ý thức ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; nhãn xúc ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng, nhĩ xúc ở thế gian… tỷ xúc ở thế gian… thiệt xúc ở thế gian… thân xúc ở thế gian… ý xúc ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; thọ sanh ra từ nhãn xúc ở thế gian… thọ sanh ra từ nhĩ xúc ở thế gian… thọ sanh ra từ tỷ xúc ở thế gian… thọ sanh ra từ thiệt xúc ở thế gian… thọ sanh ra từ thân xúc ở thế gian… thọ sanh ra từ ý xúc ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; sắc tưởng ở thế gian… thinh tưởng ở thế gian… hương tưởng ở thế gian… vị tưởng ở thế gian… xúc tưởng ở thế gian… pháp tưởng ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; sắc tư ở thế gian… thinh tư ở thế gian… hương tư ở thế gian… vị tư ở thế gian… xúc tư ở thế gian… pháp tư ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; sắc ái ở thế gian… thinh ái ở thế gian… hương ái ở thế gian… vị ái ở thế gian… xúc ái ở thế gian… pháp ái ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; sắc tầm ở thế gian… thinh tầm ở thế gian… hương tầm ở thế gian… vị tầm ở thế gian… xúc tầm ở thế gian… pháp tầm ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng; sắc tứ ở thế gian… thinh tứ ở thế gian… hương tứ ở thế gian… vị tứ ở thế gian… xúc tứ ở thế gian… pháp tứ ở thế gian là có vẻ đáng yêu có vẻ vừa lòng.
“Ở các vật có vẻ đáng yêu, này Hemaka” là như thế.
Sự xua đi mong muốn và luyến ái.
Mong muốn và luyến ái: Là sự mong muốn về dục, sự luyến ái về dục, niềm vui về dục, sự tham ái về dục, sự yêu mến về dục, sự nồng nhiệt về dục, sự mê mẩn về dục, sự bám chặt vào dục, sự lôi cuốn của dục, sự gắn bó với dục, sự chấp thủ ở dục, sự che lấp do mong muốn về dục liên quan đến ngũ dục.
Sự xua đi mong muốn và luyến ái: Sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái, sự vắng lặng mong muốn và luyến ái, sự buông bỏ mong muốn và luyến ái, sự tịch tịnh mong muốn và luyến ái là bất tử, Niết-bàn.
“Sự xua đi mong muốn và luyến ái” là như thế.
Vị thế Niết-bàn, bất hoại.
Vị thế Niết-bàn: Vị thế Niết-bàn là vị thế nương tựa, là vị thế trú ẩn, là vị thế nương nhờ, là vị thế không sợ hãi.
Bất hoại: Là thường còn, bền vững, trường tồn, không có bản chất biến đổi.
“Vị thế Niết-bàn, bất hoại” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Ở đây, sự xua đi mong muốn và luyến ái ở các vật có vẻ đáng yêu đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, này Hemaka, là vị thế Niết-bàn, bất hoại.”
8.4. Sau khi hiểu thông điều này, những người nào có niệm,
Đã nhận thức được giáo pháp, đã được diệt tắt,
Và những người ấy luôn luôn yên tịnh,
Họ đã vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.
Sau khi hiểu thông điều này, những người nào có niệm.
Điều này: Là bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn.
Sau khi hiểu thông: Sau khi hiểu thông, sau khi hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt. Sau khi hiểu thông, sau khi hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; sau khi hiểu thông, sau khi hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Những người nào: Là các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.
Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Do trạng thái đã phát triển sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân là có niệm… (nt)… các vị ấy được gọi là có niệm.
“Sau khi hiểu thông điều này, những người nào có niệm” là như thế.
Đã nhận thức được giáo pháp, đã được diệt tắt.
Đã nhận thức được giáo pháp: Đã nhận thức được giáo pháp, đã biết giáo pháp, đã cân nhắc giáo pháp, đã xác định giáo pháp, đã rõ rệt giáo pháp, đã minh định giáo pháp. Đã nhận thức được giáo pháp, đã biết giáo pháp, đã cân nhắc giáo pháp, đã xác định giáo pháp, đã rõ rệt giáo pháp, đã minh định giáo pháp rằng: “Tất cả các hành là vô thường”;… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Đã được diệt tắt: Do trạng thái đã được tịch diệt đối với luyến ái là đã được tịch diệt; do trạng thái đã được tịch diệt đối với sân hận là đã được tịch diệt; do trạng thái đã được tịch diệt đối với si mê là đã được tịch diệt; do trạng thái đã được an tịnh, do trạng thái đã được yên lặng, do trạng thái đã được vắng lặng, do trạng thái đã được thiêu hủy, do trạng thái đã được tịch diệt, do trạng thái đã được tách lìa, do trạng thái đã được tịch tịnh đối với sự giận dữ… (nt)… đối với sự thù hằn,… (nt)… đối với tất cả các pháp tạo tác bất thiện là được an tịnh, được yên tịnh, được vắng lặng, được tịch diệt, được tịch tịnh.
“Đã nhận thức được giáo pháp, đã được diệt tắt” là như thế.
Và những người ấy luôn luôn yên tịnh.
Yên tịnh: Do trạng thái đã được vắng lặng, do trạng thái đã được tịch diệt đối với luyến ái là được yên tịnh,… (nt)… sân hận,… si mê,… sự giận dữ,… sự thù hằn, do trạng thái đã được an tịnh, do trạng thái đã được yên lặng, do trạng thái đã được yên tịnh, do trạng thái đã được thiêu hủy, do trạng thái đã được tịch diệt, do trạng thái đã được tách lìa, do trạng thái đã được tịch tịnh đối với tất cả các pháp tạo tác bất thiện là được an tịnh, được yên tịnh, được vắng lặng, được tịch diệt, được tịch tịnh; yên tịnh là như thế.
Những người ấy: Là các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.
Luôn luôn: Luôn luôn là mọi lúc, mọi thời, thường khi, luôn khi, thường xuyên, liên tục, không gián đoạn, tiếp nối liên tục, sanh lên tuần tự [như sóng nước], không lưa thưa, không đứt khoảng, không ngừng lại, được liền lặn, trước bữa ăn, sau bữa ăn, vào canh đầu, vào canh giữa, vào canh cuối, vào hậu bán nguyệt, vào tiền bán nguyệt, vào mùa mưa, vào mùa lạnh, vào mùa nóng, ở chặng đầu của tuổi thọ, ở chặng giữa của tuổi thọ, ở chặng cuối của tuổi thọ.
“Và những người ấy luôn luôn yên tịnh” là như thế.
Họ đã vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.
Sự vướng mắc: Sự vướng mắc với ý nghĩa gì? … (nt)… được trải rộng, được lan rộng” là vướng mắc.
Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh,… (nt)… ở thế gian của các xứ.
Đã vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc này là ở ngay tại thế gian. Các vị đã vượt qua, đã vượt lên, đã vượt ra khỏi, đã vượt quá, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi sự vướng mắc này ở ngay tại thế gian.
“Họ đã vượt qua sự vướng mắc ở thế gian” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi hiểu thông điều này, những người nào có niệm,
Đã nhận thức được giáo pháp, đã được diệt tắt,
Và những người ấy luôn luôn yên tịnh,
Họ đã vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”
Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”
“Diễn giải kinh Hemaka” được hoàn tất.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.