Viện Nghiên Cứu Phật Học

6. DIỄN GIẢI KINH UPASĪVA

(UPASĪVASUTTANIDDESO)

6.1. [Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Thưa vị dòng Sakya, một mình con, không nương tựa [nơi nào], con không có khả năng vượt qua dòng lũ lớn. Thưa bậc Toàn Nhãn, xin Ngài hãy nói về đối tượng, được nương tựa vào nơi ấy, con có thể vượt qua dòng lũ này.”
Thưa vị dòng Sakya, một mình con [đối với] dòng lũ lớn. 
Một mình: Người là bạn của con không có, hoặc pháp là bạn của con không có; sau khi nương tựa vào người ấy hoặc nương tựa vào pháp, con có thể vượt qua, có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi dòng lũ [ngũ] dục, dòng lũ của hữu, dòng lũ tà kiến, dòng lũ vô minh lớn lao. “Một mình” là như thế. 
Vị dòng Sakya: Đức Thế Tôn là vị dòng Sakya, “người đã xuất gia từ gia tộc Sakya” là vị dòng Sakya. Hoặc là, “người sở hữu tài sản, giàu có, có tài sản lớn” là vị dòng Sakya. Vị ấy sở hữu các tài sản này, tức là: Tài sản về đức tin, tài sản về giới, tài sản về hổ thẹn [tội lỗi], tài sản về ghê sợ [tội lỗi], tài sản về kiến thức, tài sản về xả thí, tài sản về trí tuệ, tài sản về thiết lập niệm,… (nt)… tài sản về Niết-bàn, “người sở hữu tài sản, giàu có, có tài sản lớn với nhiều tài sản và bảo vật này” là vị dòng Sakya. Hoặc là, “vị có đủ sức, có năng lực, có tiềm năng, có khả năng, dũng cảm, anh hùng, quả cảm, không nhút nhát, không có sự kinh hãi, không có sự sợ sệt, không có sự trốn chạy, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa” là vị dòng Sakya. 
“Thưa vị dòng Sakya, một mình con [đối với] dòng lũ lớn” là như thế.
Tôn giả Upasīva nói rằng. 
Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)… 
Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)… 
Upasīva: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi. 
“Tôn giả Upasīva nói rằng” là như thế.
Không nương tựa [nơi nào], con không có khả năng vượt qua. 
Không nương tựa [nơi nào]: Không nương tựa vào người, hoặc không nương tựa vào pháp, con không có khả năng, con không thể ra sức, con không thể nào, con không có năng lực để vượt qua, để vượt lên, để vượt khỏi, để vượt qua hẳn, để vượt qua khỏi dòng lũ [ngũ] dục, dòng lũ của hữu, dòng lũ tà kiến, dòng lũ vô minh lớn lao. 
“Không nương tựa [nơi nào], con không có khả năng vượt qua” là như thế.
Thưa bậc Toàn Nhãn, xin Ngài hãy nói về đối tượng. 
Về đối tượng: Về nơi nâng đỡ, về nơi nương tựa, về nơi nương nhờ. 
Xin Ngài hãy nói: Xin Ngài hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ.
Thưa bậc Toàn Nhãn: Toàn nhãn nói đến trí toàn giác. Đức Thế Tôn đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã đạt đến, đã đầy đủ, đã thành tựu với trí toàn giác ấy.
2. “Đối với Ngài, không có bất cứ điều gì ở nơi đây là không được nhìn thấy, không được nhận thức, hoặc không thể biết được. Điều nào có thể biết được, Ngài đã biết rõ tất cả; vì thế đức Như Lai là bậc Toàn Nhãn.” 
“Thưa bậc Toàn Nhãn, xin Ngài hãy nói về đối tượng” là như thế.
Được nương tựa vào nơi ấy, con có thể vượt qua dòng lũ này. 
Được nương tựa vào nơi ấy: Được nương tựa vào người ấy hoặc được nương tựa vào pháp, con có thể vượt qua, có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi dòng lũ [ngũ] dục, dòng lũ của hữu, dòng lũ tà kiến, dòng lũ vô minh lớn lao. 
“Được nương tựa vào nơi ấy, con có thể vượt qua dòng lũ này” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
[Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Thưa vị dòng Sakya, một mình con, không nương tựa [nơi nào], con không có khả năng vượt qua dòng lũ lớn. Thưa bậc Toàn Nhãn, xin Ngài hãy nói về đối tượng, được nương tựa vào nơi ấy, con có thể vượt qua dòng lũ này.”
6.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] trong khi xem xét về Vô sở hữu xứ, có niệm, nương tựa vào [ý niệm] ‘không có’, ngươi hãy vượt qua dòng lũ. Sau khi dứt bỏ các dục, đã xa lánh hẳn các điều nghi hoặc, ngươi hãy quán sát sự cạn kiệt của tham ái, đêm và ngày.”
Trong khi xem xét về Vô sở hữu xứ, có niệm. Vị Bà-la-môn ấy là người có sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ một cách bình thường, nhưng không biết sự an tịnh chính là nơi nương tựa [không nghĩ rằng]: “Cái này là nơi nương tựa của tôi.” Và đức Thế Tôn chỉ dạy cho vị ấy về sự nương tựa và thêm nữa chỉ đường lối dẫn dắt ra khỏi. Vị có niệm, sau khi thể nhập sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ, sau khi xuất ra từ nơi ấy, tại chỗ đó trong khi xem xét các pháp tâm và sở hữu tâm được sanh lên là vô thường,… là khổ,… là cơn bệnh,… là mụt ghẻ,… là mũi tên,… là tai ương,… là tật nguyền,… là không sai khiến được,… là tiêu hoại,… là tai họa,… là bất hạnh,… là sợ hãi,… là nguy cơ,… là thay đổi,… là mảnh mai,… là không bền,… là không nơi nương tựa,… là không nơi trú ẩn,… là không nơi nương nhờ,… là trạng thái không nơi nương nhờ,… là trống rỗng,… là rỗng không,… là trống không,… là vô ngã,… là bất lợi,… là có bản chất biến đổi, là không có cốt lõi,… là gốc gác của tai ương,… là kẻ giết hại,… là vật hư hỏng,… là có sự rò rỉ,… là bị tạo tác,… là mồi nhử của Ma vương,… là có bản chất sanh ra,… là có bản chất già,… là có bản chất bệnh,… là có bản chất chết,… là có bản chất sầu-bi-khổ-ưu-não,… là có bản chất ô nhiễm,… là nhân sanh khởi,… là sự biến hoại,… là sự hứng thú,… là sự bất lợi,… là sự thoát ra, trong khi xem xét, trong khi nhận thấy, trong khi quan sát, trong khi suy xét, trong khi khảo sát. 
Có niệm: Niệm là sự tùy niệm, là niệm hiện tiền… (nt)… chánh niệm; điều này được gọi là niệm. Vị đã tiến đến,… (nt)… đã thành tựu với niệm này, vị này được gọi là có niệm. 
“Trong khi xem xét về Vô sở hữu xứ”, có niệm là như thế.
Đức Thế Tôn nói: Này Upasīva. 
Upasīva: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên. 
Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.” 
“Đức Thế Tôn nói: Này Upasīva” là như thế.
Nương tựa vào [ý niệm] “không có”, ngươi hãy vượt qua dòng lũ: “Không có gì” là sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ. Vì lý do gì mà “không có gì” là sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ? Vị có niệm, sau khi thể nhập sự chứng đạt về Thức vô biên xứ, sau khi xuất ra từ nơi ấy, rồi làm cho không hiện hữu, làm cho hoàn toàn không còn hiện hữu, làm cho biến mất chính cái thức ấy, và nhìn thấy “không có gì”; vì lý do ấy mà “không có gì” là sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ. Sau khi nương tựa vào điều ấy, sau khi nương nhờ, sau khi tạo ra nơi nâng đỡ, ngươi hãy vượt qua, hãy vượt lên, hãy vượt khỏi, hãy vượt qua hẳn, hãy vượt qua khỏi dòng lũ [ngũ] dục, dòng lũ của hữu, dòng lũ tà kiến, dòng lũ vô minh. 
“Nương tựa vào [ý niệm] ‘không có’, ngươi hãy vượt qua dòng lũ” là như thế.
Sau khi dứt bỏ các dục, đã xa lánh hẳn các điều nghi hoặc. 
Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục. 
Sau khi dứt bỏ: Sau khi biết toàn diện về các vật dục, sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu các ô nhiễm dục. “Sau khi dứt bỏ các dục” là như thế. 
Đã xa lánh hẳn các điều nghi hoặc: Nghi hoặc nói đến hoài nghi, sự nghi ngờ về khổ,… (nt)… trạng thái sửng sốt, sự bối rối của tâm. Vị đã xa lánh, đã tránh khỏi, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc với sự nghi hoặc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn. “Đã xa lánh hẳn các điều nghi hoặc” là như vậy. Hoặc là, vị đã xa lánh, đã tránh khỏi, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc với ba mươi hai việc nói phù phiếm, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn. “Đã xa lánh hẳn các điều nghi hoặc” còn là như vậy. 
“Sau khi dứt bỏ các dục, đã xa lánh hẳn các điều nghi hoặc” là như thế.
Ngươi hãy quán sát sự cạn kiệt của tham ái, đêm và ngày. 
Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp. 
Đêm: Nói đến ban đêm, ngày: Là ban ngày. Ngày và đêm, ngươi hãy nhìn xem, hãy quán sát, hãy nhận thấy, hãy quan sát, hãy suy xét, hãy khảo sát sự cạn kiệt của tham ái, sự cạn kiệt của luyến ái, sự cạn kiệt của sân hận, sự cạn kiệt của si mê, sự cạn kiệt của cảnh giới tái sanh, sự cạn kiệt của việc tái sanh, sự cạn kiệt của việc nối liền tái sanh, sự cạn kiệt của hữu, sự cạn kiệt của luân hồi, sự cạn kiệt của việc luân chuyển. 
“Ngươi hãy quán sát sự cạn kiệt của tham ái, đêm và ngày” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
[Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] trong khi xem xét về Vô sở hữu xứ, có niệm, nương tựa vào [ý niệm] ‘không có’, ngươi hãy vượt qua dòng lũ. Sau khi dứt bỏ các dục, đã xa lánh hẳn các điều nghi hoặc, ngươi hãy quán sát sự cạn kiệt của tham ái, đêm và ngày.”
6.3. [Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục, đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác,  đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất, phải chăng vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa?”
Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục. 
Ở tất cả: Tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, từ “sabbesu” này là lối nói của sự bao gồm. 
Ở các dục. 
Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục. 
Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục: Là vị nào có sự luyến ái đã được xa lìa, có sự luyến ái đã được tách lìa, có sự luyến ái đã được từ bỏ, có sự luyến ái đã được tẩy trừ, có sự luyến ái đã được giải thoát, có sự luyến ái đã được dứt bỏ, có sự luyến ái đã được buông bỏ ở tất cả các dục bởi sự đè nén. 
“Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục” là như thế.
Tôn giả Upasīva nói rằng. 
Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)…
Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)… 
Upasīva: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi. 
“Tôn giả Upasīva nói rằng” là như thế.
Đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ, sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác: Sau khi từ bỏ, sau khi phế bỏ, sau khi buông bỏ, sau khi vượt quá, sau khi vượt qua hẳn, sau khi vượt qua khỏi sáu sự chứng đắc ở bên dưới, đã nương tựa, đã nương nhờ, đã bám vào, đã đến gần, đã tiến vào, đã bám chặt, đã hướng đến sự chứng đắc về Vô sở hữu xứ. 
“Đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác” là như thế.
Đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất: Sự giải thoát do tưởng nói đến bảy sự chứng đắc do tưởng.  Liên quan đến các sự chứng đắc do tưởng, trong số đó, sự giải thoát với sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ là cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng và cao quý. Với sự giải thoát thiên về cảnh giới cao nhất, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý, vị ấy đã thiên về [Vô sở hữu xứ], đã thiên về nơi ấy, [đã thiên về nó] đã đi theo nó, đã phát triển theo nó, đã xem trọng nó, đã uốn cong theo nó, đã chiều theo nó, đã xuôi theo nó, đã hướng đến nó, đã xem nó là chủ đạo. 
“Đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất” là như thế.
Phải chăng vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa? 

Phải chăng vị ấy có thể trụ lại: Các cụm từ “evannu kho”, “na nu kho”, “kinnu kho”, “kathannu kho” là câu hỏi do ngờ vực, câu hỏi do nhầm lẫn, câu hỏi vì lưỡng lự, câu hỏi do không dứt khoát. “Phải chăng vị ấy có thể trụ lại” là như thế.

Ở nơi ấy: Ở Vô sở hữu xứ.

Không đi tiếp nữa: Không đi tiếp nữa là không rời ra, không rời đi, không bị biến mất, không bị suy giảm. Hoặc là, không bị luyến ái, không bị sân hận, không bị si mê, không bị ô nhiễm.

“Phải chăng vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục, đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác, đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất, phải chăng vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa?”

6.4. [Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva,] vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục, đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác, đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất, vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa.”

Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục.

Ở tất cả: Tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, từ “sabbesu” này là lối nói của sự bao gồm.

Ở các dục.

Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục.

Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục: Là vị nào có sự luyến ái đã được xa lìa,… (nt)… có sự luyến ái đã được buông bỏ ở tất cả các dục bởi sự đè nén.

“Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Upasīva.

Upasīva: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Upasīva” là như thế.

Đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ, sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác: Sau khi từ bỏ, sau khi phế bỏ, sau khi buông bỏ, sau khi vượt quá, sau khi vượt qua hẳn, sau khi vượt qua khỏi sáu sự chứng đắc ở bên dưới, đã nương tựa, đã nương nhờ, đã bám vào, đã đến gần, đã tiến vào, đã bám chặt, đã hướng đến sự chứng đắc về Vô sở hữu xứ.

“Đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác” là như thế.

Đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất: Sự giải thoát do tưởng nói đến bảy sự chứng đắc do tưởng. Liên quan đến các sự chứng đắc do tưởng, trong số đó, sự giải thoát với sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ là cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng và cao quý. Với sự giải thoát thiên về cảnh giới cao nhất, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý, vị ấy đã thiên về [Vô sở hữu xứ], đã thiên về nơi ấy, đã thiên về nó,… (nt)… đã xem nó là chủ đạo.

“Đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất” là như thế.

Vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa.

Có thể trụ lại: Có thể trụ lại sáu mươi ngàn kiếp.

Ở nơi ấy: Ở Vô sở hữu xứ.

Không đi tiếp nữa: Không đi tiếp nữa là không rời ra, không rời đi, không bị biến mất, không bị suy giảm. Hoặc là, không bị luyến ái, không bị sân hận, không bị si mê, không bị ô nhiễm.

“Vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục, đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác, đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất, vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa.”

6.5. [Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Nếu vị ấy trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa, thậm chí một số năm, thưa bậc Toàn Nhãn, ngay tại chỗ ấy, vị ấy có thể có sự mát mẻ, được giải thoát, có phải thức của vị thuộc hạng như thế ấy có thể diệt tắt?”

Nếu vị ấy trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa: Nếu vị ấy trụ lại sáu mươi ngàn kiếp.

Ở nơi ấy: Ở Vô sở hữu xứ.

Không đi tiếp nữa: Không đi tiếp nữa là không rời ra, không rời đi không bị biến mất, không bị suy giảm. Hoặc là, không bị luyến ái, không bị sân hận, không bị si mê, không bị ô nhiễm.

“Nếu vị ấy trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa” là như thế.

Thậm chí một số năm, thưa bậc Toàn Nhãn.

Thậm chí một số năm: Thậm chí một số năm là nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp.

Thưa bậc Toàn Nhãn: Toàn nhãn nói đến trí toàn giác. ... (nt)… vì thế, đức Như Lai là bậc Toàn Nhãn.

“Thậm chí một số năm, thưa bậc Toàn Nhãn” là như thế.

Ngay tại chỗ ấy, vị ấy có thể có sự mát mẻ, được giải thoát, có phải thức của vị thuộc hạng như thế ấy có thể diệt tắt? Là hỏi về trạng thái thường còn và đoạn diệt của vị đã đạt đến Vô sở hữu xứ rằng: “Ngay tại nơi ấy, vị ấy có thể đạt được trạng thái mát mẻ, [trở thành] thường còn, bền vững, trường tồn, không có bản chất biến đổi, có thể trụ lại một cách vĩnh cửu y như thế ấy, hay là thức của vị ấy có thể diệt tắt, có thể bị đứt lìa, có thể bị hư hoại, có thể bị tiêu hoại, có thể không hiện hữu, rồi thức nối liền tái sanh cho sự hiện hữu lần nữa có thể hạ sanh ở dục giới, hoặc ở sắc giới, hoặc ở vô sắc giới?” Hoặc là, hỏi về sự viên tịch Niết-bàn và sự nối liền tái sanh của vị đã sanh lên Vô sở hữu xứ rằng: “Ngay tại nơi ấy, vị ấy có thể viên tịch Niết-bàn ở cảnh giới Niết-bàn không còn dư sót, hay là thức của vị ấy có thể diệt tắt, rồi thức nối liền tái sanh có thể hạ sanh tiếp tục ở dục giới, hoặc ở sắc giới, hoặc ở vô sắc giới?”

Của vị thuộc hạng như thế ấy: Của vị thuộc hạng như thế ấy là của vị giống như thế ấy, của vị được tồn tại thế ấy, của vị có kiểu cách ấy, của vị có biểu hiện ấy, của vị đã sanh lên Vô sở hữu xứ.

“Ngay tại chỗ ấy, vị ấy có thể có sự mát mẻ, được giải thoát, có phải thức của vị thuộc hạng như thế ấy có thể diệt tắt?” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Nếu vị ấy trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa, thậm chí một số năm, thưa bậc Toàn Nhãn, ngay tại chỗ ấy, vị ấy có thể có sự mát mẻ, được giải thoát, có phải thức của vị thuộc hạng như thế ấy có thể diệt tắt?”

6.6. [Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] giống như ngọn lửa đã bị dập tắt bởi lực đẩy của làn gió, thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng; tương tự như vậy, vị Hiền trí đã được giải thoát khỏi danh thân[1] thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng.”

Giống như ngọn lửa đã bị dập tắt bởi lực đẩy của làn gió.

Ngọn lửa: Nói đến chóp đỉnh của ngọn lửa.

Làn gió: Gió hướng Đông, gió hướng Tây, gió hướng Bắc, gió hướng Nam, gió có bụi, gió không có bụi, gió mát, gió nóng, gió ít, gió nhiều, hắc phong, gió ở thượng tầng khí quyển, gió do cánh chim, gió của loài linh điểu, gió do lá thốt nốt, gió từ cây quạt.

Đã bị dập tắt bởi lực đẩy của làn gió: Đã bị dập tắt, đã bị hất tung, đã bị dời đi, đã bị dẹp đi, đã bị đè nén, đã bị áp chế bởi lực đẩy của làn gió.

“Giống như ngọn lửa đã bị dập tắt bởi lực đẩy của làn gió” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Upasīva.

Upasīva: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Upasīva” là như thế.

Thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng.

Đi đến sự chấm dứt: Đi đến sự chấm dứt là đi đến sự biến mất, di chuyển đến sự biến mất, được diệt tận, được vắng lặng, được tịch tịnh.

Không đạt đến danh xưng: [Gió] không đạt đến danh xưng, không đạt đến sự chỉ định, không đạt đến sự tính toán, không đạt đến sự quy định rằng: “Gió thổi theo hướng Đông, hoặc gió thổi theo hướng Tây, hoặc gió thổi theo hướng Bắc, hoặc gió thổi theo hướng Nam, hoặc gió thổi lên, hoặc gió thổi xuống, hoặc gió thổi ngang, hoặc gió thổi theo hướng phụ”; không có nhân, không có duyên, không có lý do, mà bởi điều ấy gió có thể đi đến danh xưng.

“Thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng” là như thế.

Tương tự như vậy, vị Hiền trí đã được giải thoát khỏi danh thân.

Tương tự như vậy: Là phương thức của sự so sánh.

Vị Hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí,… (nt)… đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới [tham ái và tà kiến], vị ấy là bậc Hiền trí.

Đã được giải thoát khỏi danh thân: Vị Hiền trí ấy đã được giải thoát khỏi sắc thân[2] một cách bình thường ngay trước đó, đã được dứt bỏ do việc vượt qua một cách tạm thời bằng sự dứt bỏ bởi sự đè nén. Vị Hiền trí ấy, nhờ vào đức Thế Tôn, đã đạt được bốn Thánh đạo; do trạng thái đã đạt được bốn Thánh đạo, danh thân và sắc thân được biết toàn diện; do trạng thái đã biết toàn diện về danh thân và sắc thân, [vị ấy] được tự do, được giải thoát, được giải thoát tốt đẹp khỏi danh thân và sắc thân bằng việc giải thoát khỏi chấp thủ một cách tuyệt đối.

“Tương tự như vậy, vị Hiền trí đã được giải thoát khỏi danh thân” là như thế.

Thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng.

Thời đi đến sự chấm dứt: Là viên tịch Niết-bàn ở cảnh giới Niết-bàn không còn dư sót.

Không đạt đến danh xưng: Vị đã viên tịch Niết-bàn ở cảnh giới Niết-bàn không còn dư sót thì không đạt đến danh xưng, không đạt đến sự chỉ định, không đạt đến sự tính toán, không đạt đến sự quy định là: “Sát-đế-lỵ”, hay “Bà-la-môn”, hay “thương buôn”, hay “nô lệ”, hay “tại gia”, hay “xuất gia”, hay “thiên nhân”, hay “loài người”, hay “người hữu sắc”, hay “người vô sắc”, hay “người hữu tưởng”, hay “người vô tưởng”, hay “người phi tưởng phi phi tưởng”; không có nhân, không có duyên, không có lý do, mà bởi điều ấy vị ấy có thể đi đến danh xưng.

“Thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] giống như ngọn lửa đã bị dập tắt bởi lực đẩy của làn gió, thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng; tương tự như vậy, vị Hiền trí đã được giải thoát khỏi danh thân thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng.”

6.7.           Có phải vị ấy đi đến sự chấm dứt hay vị ấy không có [hiện hữu],

Hay là vị ấy thật sự ở vào trạng thái trường tồn, vô bệnh?

Thưa bậc Hiền trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho con,

Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.

Có phải vị ấy đi đến sự chấm dứt hay vị ấy không có [hiện hữu]: Vị ấy đi đến sự chấm dứt hay là không có hiện hữu, vị ấy đã được tịch diệt, đã được đoạn diệt, đã được hoại diệt.

“Có phải vị ấy đi đến sự chấm dứt hay vị ấy không có [hiện hữu]” là như thế.

Hay là vị ấy thật sự ở vào trạng thái trường tồn, vô bệnh: Hay là vị ấy thường còn, bền vững, trường tồn, không có bản chất biến đổi, có thể trụ lại một cách vĩnh cửu y như thế ấy.

“Hay là vị ấy thật sự ở vào trạng thái trường tồn, vô bệnh” là như thế.

Thưa bậc Hiền trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho con.

Điều ấy: Là điều mà con hỏi, điều mà con yêu cầu, điều mà con thỉnh cầu, điều mà con đặt niềm tin.

Bậc Hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí,… (nt)… đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới [tham ái và tà kiến], vị ấy là bậc Hiền trí.

Xin Ngài hãy giảng rõ tường tận: Xin Ngài hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ một cách tường tận.

“Xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho con” là như thế.

Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể: Bởi vì pháp này đã được biết, đã được cân nhắc, đã được xác định, đã được rõ rệt, đã được minh định bởi Ngài đúng theo bản thể.

“Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Có phải vị ấy đi đến sự chấm dứt hay vị ấy không có [hiện hữu],

Hay là vị ấy thật sự ở vào trạng thái trường tồn, vô bệnh?

Thưa bậc Hiền trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho con,

Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.”

6.8. [Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva,] đối với vị đã đi đến sự chấm dứt thì không có sự ước lượng. Với điều nào người ta có thể nói về vị ấy, thì điều ấy không còn có đối với vị ấy. Khi tất cả các pháp đã được bứng lên hoàn toàn, ngay cả nền tảng của lời nói cũng được bứng lên hoàn toàn.”

Đối với vị đã đi đến sự chấm dứt thì không có sự ước lượng. Đối với vị đã đi đến sự chấm dứt: Đối với vị đã viên tịch Niết-bàn ở cảnh giới Niết-bàn không còn dư sót, sự ước lượng về sắc là không có, sự ước lượng về thọ là không có, sự ước lượng về tưởng là không có, sự ước lượng về các sự tạo tác là không có, sự ước lượng về thức là không có. Không có là không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Đối với vị đã đi đến sự chấm dứt thì không có sự ước lượng” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Upasīva.

Upasīva: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Upasīva” là như thế.

Với điều nào người ta có thể nói về vị ấy, thì điều ấy không còn có đối với vị ấy: Với sự luyến ái nào người ta có thể nói, với sự sân hận nào người ta có thể nói, với sự si mê nào người ta có thể nói, với sự ngã mạn nào người ta có thể nói, với tà kiến nào người ta có thể nói, với sự phóng dật nào người ta có thể nói, với hoài nghi nào người ta có thể nói, với các pháp tiềm ẩn nào mà người ta có thể nói [về vị ấy] rằng: “Kẻ bị luyến ái”, hoặc “kẻ bị sân hận”, hoặc “kẻ bị si mê”, hoặc “kẻ bị trói buộc”, hoặc “kẻ bị bám víu”, hoặc “kẻ bị tán loạn”, hoặc “kẻ không dứt khoát”, hoặc “kẻ cứng cỏi”, các pháp tạo tác ấy đã được dứt bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với các pháp tạo tác, với cảnh giới tái sanh nào người ta có thể nói [về vị ấy] là: “Người địa ngục”, hoặc “loài thú”, hoặc “thân phận ngạ quỷ”, hoặc “loài người”, hoặc “thiên nhân”, hoặc “người hữu sắc”, hoặc “người vô sắc”, hoặc “người hữu tưởng”, hoặc “người vô tưởng”, hoặc “người phi tưởng phi phi tưởng”; không có nhân, không có duyên, không có lý do, mà bởi điều ấy người ta có thể nói, có thể thuyết, có thể phát ngôn, có thể giảng giải, có thể diễn tả [về vị ấy].

“Với điều nào người ta có thể nói về vị ấy, thì điều ấy không còn có đối với vị ấy” là như thế.

Khi tất cả các pháp đã được bứng lên hoàn toàn: Khi tất cả các pháp, khi tất cả các uẩn, khi tất cả các xứ, khi tất cả các giới, khi tất cả các cảnh giới tái sanh, khi tất cả các sự tái sanh, khi tất cả các sự nối liền tái sanh, khi tất cả các hữu, khi tất cả các sự luân hồi, khi tất cả các sự luân chuyển đã được bứng lên, đã được bứng lên hoàn toàn, đã được lấy lên, đã được lấy lên hoàn toàn, đã được nhổ lên, đã được nhổ lên hoàn toàn, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Khi tất cả các pháp đã được bứng lên hoàn toàn” là như thế.

Ngay cả nền tảng của lời nói cũng được bứng lên hoàn toàn: Nền tảng của lời nói đề cập đến các ô nhiễm, các uẩn và các sự tạo tác. Đối với vị ấy, thì lời nói, nền tảng của lời nói, sự diễn đạt, nền tảng của sự diễn đạt, sự mô tả, nền tảng của sự mô tả, sự quy định, nền tảng của sự quy định đã được bứng lên, đã được bứng lên hoàn toàn, đã được lấy lên, đã được lấy lên hoàn toàn, đã được nhổ lên, đã được nhổ lên hoàn toàn, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Ngay cả nền tảng của lời nói cũng được bứng lên hoàn toàn” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] đối với vị đã đi đến sự chấm dứt thì không có sự ước lượng. Với điều nào người ta có thể nói về vị ấy, thì điều ấy không còn có đối với vị ấy. Khi tất cả các pháp đã được bứng lên hoàn toàn, ngay cả nền tảng của lời nói cũng được bứng lên hoàn toàn.”

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… [vị ấy] đã ngồi xuống, chắp tay lên, cúi lạy đức Thế Tôn [nói rằng]: “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”

“Diễn giải kinh Upasīva” là thứ sáu.

Chú thích

1 Xem chú thích 3 ở trang 439. (ND)

2  Bảy sự kiêu ngạo (sattasaññāsamāpattiyo): Là sự chứng đắc 4 tầng thiền sắc giới và 3 tầng thiền đầu thuộc vô sắc giới. (ND)

3 Danh thân (nāmakāya): Tập hợp các yếu tố thuộc về tâm. (ND)

4 Sắc thân (rūpakāya): Tập hợp các yếu tố thuộc về sắc. (ND)

 


 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.