Viện Nghiên Cứu Phật Học

6. CÂU HỎI CỦA THANH NIÊN UPASĪVA
(Upasīvamāṇavapucchā)

 

6.1. [Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Thưa vị dòng Sakya, một mình con, không nương tựa [nơi nào], con không có khả năng vượt qua dòng lũ lớn. Thưa bậc Toàn Nhãn, xin Ngài hãy nói về đối tượng, được nương tựa vào nơi ấy, con có thể vượt qua dòng lũ này.”

6.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] trong khi xem xét về Vô sở hữu xứ, có niệm, nương tựa vào [ý niệm] ‘không có’, ngươi hãy vượt qua dòng lũ. Sau khi dứt bỏ các dục, đã xa lánh hẳn các điều nghi hoặc, ngươi hãy quán sát sự cạn kiệt của tham ái, đêm và ngày.”

6.3. [Tôn giả Upasīva nói rằng:]: “Vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục, đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác,[1] đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất, phải chăng vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa?”

6.4. [Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] vị nào đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các dục, đã nương tựa vào Vô sở hữu xứ sau khi từ bỏ pháp [chứng đắc] khác, đã hướng đến sự giải thoát do tưởng cao nhất, vị ấy có thể trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa.”

6.5. [Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Nếu vị ấy trụ lại ở nơi ấy, không đi tiếp nữa, thậm chí một số năm, thưa bậc Toàn Nhãn, ngay tại chỗ ấy, vị ấy có thể có sự mát mẻ, được giải thoát, có phải thức của vị thuộc hạng như thế ấy có thể diệt tắt?”

6.6. [Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] giống như ngọn lửa đã bị dập tắt bởi lực đẩy của làn gió, thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng; tương tự như vậy, vị Hiền trí đã được giải thoát khỏi danh thân [tập hợp các yếu tố thuộc về tâm], thời đi đến sự chấm dứt, không đạt đến danh xưng.

6.7. [Tôn giả Upasīva nói rằng:] “Có phải vị ấy đi đến sự chấm dứt hay vị ấy không có [hiện hữu], hay là vị ấy thật sự ở vào trạng thái trường tồn, vô bệnh? Thưa bậc Hiền Trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho con, bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.”

6.8. [Đức Thế Tôn nói: “Này Upasīva] đối với vị đã đi đến sự chấm dứt thì không có sự ước lượng. Với điều nào người ta có thể nói về vị ấy thì điều ấy không còn có đối với vị ấy. Khi tất cả các pháp đã được bứng lên hoàn toàn, ngay cả nền tảng của lời nói cũng được bứng lên hoàn toàn.”

Dứt “Câu hỏi của thanh niên Upasīva.”

Chú thích:

[1] Pháp [chứng đắc] khác: Nói đến sáu loại chứng đắc thấp hơn (SnA. II. 593-594), tức là sự chứng đắc bốn tầng thiền sắc giới và hai tầng thiền Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ thuộc vô sắc giới. (ND)

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.