Viện Nghiên Cứu Phật Học

5. DIỄN GIẢI KINH NHÓM TÁM VỀ TỐI THẮNG
(PARAMAṬṬHAKASUTTANIDDESO)

 

Giờ phần “Diễn giải kinh nhóm tám về tối thắng” được nói đến:

5.1. Trong khi sống theo các tà kiến, [nghĩ rằng:] “[Điều này] là tối thắng”,

Con người làm nổi trội điều ấy ở thế gian,

Rồi đã nói tất cả những điều khác là “thấp hèn” so với điều ấy,

Vì thế không vượt qua khỏi các sự tranh cãi.

Trong khi sống theo các tà kiến, [nghĩ rằng:] “[Điều này] là tối thắng”: Có một số Sa-môn và Bà-la-môn là những người theo tà kiến. Các vị ấy chấp nhận, tiếp thu, nắm lấy, bám víu, chấp chặt rằng: “Điều này là tối thắng, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý” rồi trú, cư trú, lưu trú theo tà kiến của riêng mình. Giống như những người tại gia trú trong các ngôi nhà, những người có tội lỗi trú trong các tội lỗi, những người có ô nhiễm trú trong các ô nhiễm; tương tự y như thế, có một số Sa-môn và Bà-la-môn là những người theo tà kiến. Các vị ấy chấp nhận, tiếp thu, nắm lấy, bám víu, chấp chặt rằng: “Điều này là tối thắng, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý” rồi trú, cư trú, lưu trú theo tà kiến của riêng mình.

“Trong khi sống theo các tà kiến, [nghĩ rằng:] ‘[Điều này] là tối thắng’” là như thế.

Con người làm nổi trội điều ấy ở thế gian.

Điều ấy: Là điều nào đó.

Làm nổi trội: Là làm cho nổi trội, làm thành tối thắng, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý. Làm cho nổi trội, làm thành tối thắng, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý rằng: “Bậc Đạo sư này là đấng Toàn tri.” Làm cho nổi trội, làm thành tối thắng, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý, làm sanh khởi, làm phát sanh ra rằng: “Giáo pháp này khéo được thuyết giảng, tập thể này đã thực hành tốt đẹp, quan điểm này là tốt lành, lối thực hành này đã khéo được quy định, đạo lộ này dẫn dắt ra khỏi.”

Con người: Là chúng sanh, đàn ông,… (nt)… nhân loại.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh,… (nt)… ở thế gian của các xứ.

“Con người làm nổi trội điều ấy ở thế gian” là như thế.

Rồi đã nói tất cả những điều khác là “thấp hèn” so với điều ấy: Quăng bỏ, ném bỏ, vất bỏ tất cả các học thuyết khác ngoại trừ bậc Đạo sư, giáo lý, tập thể, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ của bản thân, rồi đã nói như vầy: “Vị Đạo sư ấy không là đấng Toàn tri, pháp không khéo được thuyết giảng, tập thể đã thực hành không tốt đẹp, quan điểm không tốt lành, lối thực hành không khéo được quy định, đạo lộ không dẫn dắt ra khỏi; ở nơi ấy không có sự trong sạch, hay sự thanh tịnh, hay sự hoàn toàn trong sạch, hay sự thoát khỏi, hay sự giải thoát, hay sự hoàn toàn thoát khỏi; ở đây không có những người được trong sạch, hay được thanh tịnh, hay được hoàn toàn trong sạch, hay được thoát khỏi, hay được giải thoát, hay được hoàn toàn thoát khỏi; họ thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.” Họ thuyết như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.

“Rồi đã nói tất cả những điều khác là ‘thấp hèn’ so với điều ấy” là như thế.

Vì thế không vượt qua khỏi các sự tranh cãi.

Vì thế: Là do điều ấy, bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy.

Các sự tranh cãi: Các sự cãi cọ về quan điểm, các sự cãi lộn về quan điểm, các sự cãi vã về quan điểm, các sự tranh cãi về quan điểm, các sự gây gổ về quan điểm.

Không vượt qua khỏi: Trong khi không vượt quá, không vượt qua hẳn, không vượt qua khỏi.

“Vì thế không vượt qua khỏi các sự tranh cãi” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Trong khi sống theo các tà kiến, [nghĩ rằng:] ‘[Điều này] là tối thắng’,

Con người làm nổi trội điều ấy ở thế gian,

Rồi đã nói tất cả những điều khác là ‘thấp hèn’ so với điều ấy,

Vì thế không vượt qua khỏi các sự tranh cãi.”

5.2. [Người ấy] nhìn thấy điều nào có lợi ích cho bản thân ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, ở giới và phận sự, hoặc ở điều đã được cảm giác, sau khi nắm bắt chính cái ấy ở điều ấy; người ấy nhìn thấy mọi điều khác đều là hèn kém.

[Người ấy] nhìn thấy điều nào có lợi ích cho bản thân ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, ở giới và phận sự, hoặc ở điều đã được cảm giác.

Điều nào... cho bản thân: Điều nào... liên quan đến bản thân. Bản thân: Nói đến việc đi theo tà kiến [của bản thân]. Do quan điểm của bản thân, [người ấy] nhìn thấy hai sự lợi ích: Lợi ích ở đời hiện tại và lợi ích ở đời vị lai.

Lợi ích ở đời hiện tại do quan điểm là lợi ích nào? Vị thầy có quan điểm nào thì các đệ tử có cùng quan điểm ấy. Các đệ tử trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường vị thầy có quan điểm ấy. Và do điều đó, [vị thầy] nhận được y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Điều này là lợi ích ở đời hiện tại do quan điểm.

Lợi ích ở đời vị lai do quan điểm là lợi ích nào? Là người có sự mong đợi kết quả ở vị lai rằng: “Quan điểm này đủ để đưa đến bản thể loài rồng, hoặc đưa đến bản thể nhân điểu, hoặc đưa đến bản thể dạ-xoa, hoặc đưa đến bản thể a-tu-la, hoặc đưa đến bản thể càn-thát-bà, hoặc đưa đến bản thể Đại Thiên vương, hoặc đưa đến bản thể Thiên chủ, hoặc đưa đến bản thể Phạm thiên, hoặc đưa đến bản thể thiên nhân. Quan điểm này đủ để đưa đến sự trong sạch, đưa đến sự thanh tịnh, đưa đến sự hoàn toàn trong sạch, đưa đến sự thoát khỏi, đưa đến sự giải thoát, đưa đến sự hoàn toàn thoát khỏi. Do quan điểm này, họ trở nên trong sạch, họ trở nên thanh tịnh, họ trở nên hoàn toàn trong sạch, họ được thoát khỏi, họ được giải thoát, họ được hoàn toàn thoát khỏi. Do quan điểm này, ta sẽ trở nên trong sạch, ta sẽ trở nên thanh tịnh, ta sẽ trở nên hoàn toàn trong sạch, ta sẽ được thoát khỏi, ta sẽ được giải thoát, ta sẽ được hoàn toàn thoát khỏi.” Điều này là lợi ích ở đời vị lai do quan điểm. Do quan điểm của bản thân, [người ấy] nhìn thấy hai sự lợi ích này.

Cũng nhờ vào sự trong sạch do điều đã được thấy, [người ấy] nhìn thấy hai sự lợi ích… Cũng nhờ vào sự trong sạch do điều đã được nghe, [người ấy] nhìn thấy hai sự lợi ích… Cũng nhờ vào sự trong sạch do giới, [người ấy] nhìn thấy hai sự lợi ích… Cũng nhờ vào sự trong sạch do phận sự, [người ấy] nhìn thấy hai sự lợi ích… Cũng nhờ vào sự trong sạch do điều đã được cảm giác, [người ấy] nhìn thấy hai sự lợi ích: Lợi ích ở đời hiện tại và lợi ích ở đời vị lai.

Lợi ích ở đời hiện tại nhờ vào sự trong sạch do điều đã được cảm giác là lợi ích nào? Vị thầy có quan điểm nào thì các đệ tử có cùng quan điểm ấy. ... (nt)… Điều này là lợi ích ở đời hiện tại nhờ vào sự trong sạch do điều đã được cảm giác.

Lợi ích ở đời vị lai nhờ vào sự trong sạch do điều đã được cảm giác là lợi ích nào? [Là người có sự mong đợi kết quả ở vị lai rằng:] “Quan điểm này đủ để đưa đến bản thể loài rồng,… (nt)…” Điều này là lợi ích ở đời vị lai nhờ vào sự trong sạch do điều đã được cảm giác. Cũng nhờ vào sự trong sạch do điều đã được cảm giác, [người ấy] nhìn thấy, nhận thấy, quan sát, suy xét, khảo sát hai sự lợi ích này.

“[Người ấy] nhìn thấy điều nào có lợi ích cho bản thân ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, ở giới và phận sự, hoặc ở điều đã được cảm giác” là như thế.

Người ấy sau khi nắm bắt chính cái ấy ở điều ấy.

Chính cái ấy: Là việc đi đến tà kiến ấy.

Ở điều ấy: Là ở quan điểm của mình, ở sự chấp nhận của mình, ở sự ưa thích của mình, ở quan niệm của mình.

Sau khi nắm bắt: Sau khi chấp nhận, sau khi tiếp thu, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt rằng: “Điều này là tối thắng, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý.”

“Người ấy sau khi nắm bắt chính cái ấy ở điều ấy” là như thế.

Nhìn thấy mọi điều khác đều là hèn kém: Là nhìn xem, nhìn thấy, nhận thấy, quan sát, suy xét, khảo sát bậc Đạo sư, giáo lý, tập thể, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ khác đều là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.

“Nhìn thấy mọi điều khác đều là hèn kém” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“[Người ấy] nhìn thấy điều nào có lợi ích cho bản thân ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, ở giới và phận sự, hoặc ở điều đã được cảm giác, sau khi nắm bắt chính cái ấy ở điều ấy; người ấy nhìn thấy mọi điều khác đều là hèn kém.”

5.3. Hơn nữa, các bậc thiện xảo gọi điều ấy là sự trói buộc, người nương tựa vào điều ấy nhìn thấy điều khác là thấp hèn. Chính vì thế, vị Tỳ-khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự.

Hơn nữa, các bậc thiện xảo gọi điều ấy là sự trói buộc.

Các bậc thiện xảo: Các bậc thiện xảo về uẩn, thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về tùy thuận sanh khởi, thiện xảo về việc thiết lập niệm, thiện xảo về chánh cần, thiện xảo về nền tảng của thần thông, thiện xảo về quyền, thiện xảo về lực, thiện xảo về yếu tố đưa đến giác ngộ, thiện xảo về Đạo, thiện xảo về Quả, thiện xảo về Niết-bàn; các bậc thiện xảo ấy nói như vầy: “Điều này là sự trói buộc, điều này là sự vướng mắc, điều này là sự cột trói, điều này là sự vướng bận”; các vị nói như vậy, thuyết như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.

“Hơn nữa, các bậc thiện xảo gọi điều ấy là sự trói buộc” là như thế.

Người nương tựa vào điều ấy nhìn thấy điều khác là thấp hèn.

Nương tựa vào điều ấy: Là nương tựa, nương tựa vào, bám vào, đến gần, bám chặt, hướng đến bậc Đạo sư, giáo lý, tập thể, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ ấy.

Nhìn thấy điều khác là thấp hèn: Là nhìn xem, nhìn thấy, nhận thấy, quan sát, suy xét, nhận xét, khảo sát bậc Đạo sư, giáo lý, tập thể, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ khác là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.

“Người nương tựa vào điều ấy nhìn thấy điều khác là thấp hèn” là như thế.

Chính vì thế, vị Tỳ-khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự.

Vì thế: Là do điều ấy, bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, không nên nương tựa, không nên nắm lấy, không nên bám víu, không nên chấp chặt vào điều đã được thấy hoặc sự trong sạch do điều đã được thấy, vào điều đã được nghe hoặc sự trong sạch do điều đã được nghe, vào điều đã được cảm giác hoặc sự trong sạch do điều đã được cảm giác, vào giới hoặc sự trong sạch do giới, vào phận sự hoặc sự trong sạch do phận sự.

“Chính vì thế, vị Tỳ-khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, vào điều đã được nghe, vào điều đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

Hơn nữa, các bậc thiện xảo gọi điều ấy là sự trói buộc, người nương tựa vào điều ấy nhìn thấy điều khác là thấp hèn. Chính vì thế, vị Tỳ-khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, vào điều đã được nghe, vào điều đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự.”

5.4. Cũng không nên hình thành quan điểm [nào nữa] ở thế gian dựa vào trí [chứng đắc] hoặc dựa vào giới và phận sự.

Không nên tự nhủ bản thân là “ngang bằng”,

Không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc là có sự đặc biệt.

Cũng không nên hình thành quan điểm [nào nữa] ở thế gian dựa vào trí [chứng đắc] hoặc dựa vào giới và phận sự: Không nên hình thành, không nên làm sanh ra, không nên làm sanh khởi, không nên làm hạ sanh, không nên làm phát sanh ra quan điểm [nào nữa] dựa vào trí của tám sự chứng đạt [về thiền], hoặc dựa vào trí của năm thắng trí, hoặc dựa vào trí sái quấy, hoặc dựa vào giới, hoặc dựa vào phận sự, hoặc dựa vào giới và phận sự.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh,… (nt)… ở thế gian của các xứ.

“Cũng không nên hình thành quan điểm [nào nữa] ở thế gian dựa vào trí [chứng đắc] hoặc dựa vào giới và phận sự” là như thế.

Không nên tự nhủ bản thân là “ngang bằng.” Không nên tự nhủ bản thân rằng: “Ta là ngang bằng” dựa vào sự xuất thân, dựa vào dòng dõi, dựa vào con nhà gia thế, dựa vào vẻ đẹp của làn da, dựa vào tài sản, dựa vào học vấn, dựa vào công việc, dựa vào tài nghệ, dựa vào kiến thức, dựa vào sự học hỏi, dựa vào tài biện giải, hoặc dựa vào sự việc này khác.

“Không nên tự nhủ bản thân là ‘ngang bằng’” là như thế.

Không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc là có sự đặc biệt. Không nên tự nhủ bản thân rằng: “Ta là thua kém” dựa vào sự xuất thân, dựa vào dòng dõi,… (nt)… hoặc dựa vào sự việc này khác. Không nên tự nhủ bản thân rằng: “Ta là tốt hơn” dựa vào sự xuất thân, dựa vào dòng dõi,… (nt)… hoặc dựa vào sự việc này khác.

“Không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc là có sự đặc biệt” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Cũng không nên hình thành quan điểm [nào nữa] ở thế gian dựa vào trí [chứng đắc] hoặc dựa vào giới và phận sự.

Không nên tự nhủ bản thân là ‘ngang bằng’,

Không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc là có sự đặc biệt.”

5.5. Sau khi dứt bỏ điều đã nắm giữ, không còn chấp thủ,

Vị ấy không tạo lập sự nương tựa dầu là ở trí.

Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm,

Vị ấy không quay trở lại bất cứ tà kiến nào nữa.

Sau khi dứt bỏ điều đã nắm giữ, không còn chấp thủ.

Sau khi dứt bỏ điều đã nắm giữ: Sau khi dứt bỏ tà kiến đã nắm giữ. Sau khi dứt bỏ điều đã nắm giữ là sau khi dứt bỏ sự nắm lấy đã nắm giữ. Sau khi dứt bỏ điều đã nắm giữ là sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu điều đã bị nắm lấy, đã bị bám víu, đã bị chấp chặt, đã bị bám chặt, đã bị hướng đến do tác động của tham ái, do tác động của tà kiến. “Sau khi dứt bỏ điều đã nắm giữ” là như thế.

Không còn chấp thủ: Trong khi không còn chấp thủ, không còn nắm lấy, không còn bám víu, không còn chấp chặt vào bốn điều chấp thủ.

“Sau khi dứt bỏ điều đã nắm giữ, không còn chấp thủ” là như thế.

Vị ấy không tạo lập sự nương tựa dầu là ở trí: Là không tạo lập, không làm sanh ra, không làm sanh khởi, không làm hạ sanh, không làm phát sanh ra sự nương tựa vào tham ái hoặc sự nương tựa vào tà kiến dựa vào trí của tám sự chứng đạt [về thiền], hoặc dựa vào trí của năm thắng trí, hoặc dựa vào trí sái quấy.

“Vị ấy không tạo lập sự nương tựa dầu là ở trí” là như thế.

Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm: Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, đã bị chia rẽ, đã bị phân thành hai, đã bị sanh làm hai, có quan điểm khác biệt, có sự chấp nhận khác biệt, có sự ưa thích khác biệt, có quan niệm khác biệt, đã nương tựa vào những quan điểm khác biệt; giữa những người đi đến sự thiên vị vì mong muốn, đi đến sự thiên vị vì sân hận, đi đến sự thiên vị vì si mê, đi đến sự thiên vị vì sợ hãi, vị ấy không đi đến sự thiên vị vì mong muốn, không đi đến sự thiên vị vì sân hận, không đi đến sự thiên vị vì si mê, không đi đến sự thiên vị vì sợ hãi; không đi đến do tác động của luyến ái, không đi đến do tác động của sân hận, không đi đến do tác động của si mê, không đi đến do tác động của ngã mạn, không đi đến do tác động của tà kiến, không đi đến do tác động của phóng dật, không đi đến do tác động của hoài nghi, không đi đến do tác động của pháp tiềm ẩn, không bị đưa đi, không bị dẫn đi, không bị lôi đi, không bị mang đi bởi các pháp có tính chất phe nhóm.

“Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm” là như thế.

Vị ấy không quay trở lại bất cứ tà kiến nào nữa: Đối với vị ấy, sáu mươi hai tà kiến là đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ. Vị ấy không quay trở lại, không quay về lại bất cứ tà kiến nào nữa.

“Vị ấy không quay trở lại bất cứ tà kiến nào nữa” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi dứt bỏ điều đã nắm giữ, không còn chấp thủ, Vị ấy không tạo lập sự nương tựa dầu là ở trí.

Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm,

Vị ấy không quay trở lại bất cứ tà kiến nào nữa.”

5.6. Đối với vị nào, ở đây, không có nguyện vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời khác,

Đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào

Sau khi suy xét về điều đã được nắm bắt trong số các pháp [tà kiến].

Đối với vị nào, ở đây, không có nguyện vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời khác.

Đối với vị nào: Đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.

Thái cực: Xúc là một thái cực, nhân sanh ra xúc là thái cực thứ hai. Quá khứ là một thái cực, vị lai là thái cực thứ hai. Cảm thọ lạc là một thái cực, cảm thọ khổ là thái cực thứ hai. Danh là một thái cực, sắc là thái cực thứ hai. Sáu nội xứ là một thái cực, sáu ngoại xứ là thái cực thứ hai. Sự chấp thân này là một thái cực, nhân sanh ra sự chấp thân này là thái cực thứ hai.

Nguyện vọng: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.

Về hữu và phi hữu: Về dục giới, sắc giới, vô sắc giới, về sự hiện hữu của nghiệp, về sự hiện hữu lần nữa; về sự hiện hữu của nghiệp là dục giới, về sự hiện hữu lần nữa là dục giới, về sự hiện hữu của nghiệp là sắc giới, về sự hiện hữu lần nữa là sắc giới, về sự hiện hữu của nghiệp là vô sắc giới, về sự hiện hữu lần nữa là vô sắc giới; về sự hiện hữu được lặp đi lặp lại, về cảnh giới tái sanh được lặp đi lặp lại, về sự tiếp nối tái sanh được lặp đi lặp lại, về sự sanh ra của bản ngã được lặp đi lặp lại.

Đời này: Là bản ngã của bản thân. Đời khác: Là bản ngã của người khác. Đời này là sắc-thọ-tưởng-hành-thức của bản thân; đời khác là sắc-thọ-tưởng-hành-thức của người khác. Đời này là sáu nội xứ; đời khác là sáu ngoại xứ. Đời này là thế giới loài người; đời khác là thế giới chư thiên. Đời này là dục giới; đời khác là sắc giới, vô sắc giới. Đời này là dục giới, sắc giới; đời khác là vô sắc giới.

Đối với vị nào, ở đây, không có nguyện vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời khác: Đối với vị nào, nguyện vọng, tham ái về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này và đời khác là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Đối với vị nào, ở đây, không có nguyện vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời khác” là như thế.

Đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào.

Các sự chấp chặt: Có hai sự chấp chặt: Sự chấp chặt do tham ái và sự chấp chặt do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự chấp chặt do tham ái. ... (nt)… điều này là sự chấp chặt do tà kiến.

Đối với vị ấy: Đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.

Đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào: Đối với vị ấy, bất cứ các sự chấp chặt nào là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào” là như thế.

Sau khi suy xét về điều đã được nắm bắt trong số các pháp.

Trong số các pháp: Là trong số sáu mươi hai tà kiến.

Sau khi suy xét: Sau khi đã suy xét, sau khi đã suy gẫm, sau khi đã suy nghiệm, sau khi đã cân nhắc, sau khi đã xác định, sau khi đã minh định, sau khi đã làm rõ rệt.

Điều đã được nắm bắt: Là sự nắm lấy có giới hạn, sự nắm lấy từng phần, sự nắm lấy phần quan trọng nhất, sự nắm lấy một khối, sự nắm lấy theo số lượng, sự nắm lấy tổng thể rằng: “Điều này là sự thật, là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, là xác đáng, là không bị sai lệch”; điều đã được nắm lấy, đã được bám víu, đã được chấp chặt, đã được bám chặt, đã được hướng đến như thế là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Sau khi suy xét về điều đã được nắm bắt trong số các pháp” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Đối với vị nào, ở đây, không có nguyện vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời khác,

Đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào

Sau khi suy xét về điều đã được nắm bắt trong số các pháp [tà kiến].”

5.7. Tưởng được xếp đặt liên quan đến điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc   đã được cảm giác ở nơi đây, dầu là nhỏ nhoi, cũng không có đối với vị ấy; vị Bà-la-môn ấy không nắm giữ tà kiến, bởi điều gì có thể sắp xếp vị ấy ở thế gian này đây?

Tưởng được xếp đặt liên quan đến điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác ở nơi đây, dầu là nhỏ nhoi, cũng không có đối với vị ấy.

Đối với vị ấy: Đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Đối với vị ấy, tà kiến liên quan đến điều đã được thấy hoặc sự trong sạch do điều đã được thấy, liên quan đến điều đã được nghe hoặc sự trong sạch do điều đã được nghe, liên quan đến điều đã được cảm giác hoặc sự trong sạch do điều đã được cảm giác, có sự dẫn đầu của tưởng, có sự sắp xếp của tưởng, đã được lập nên, đã được thiết lập, đã được sắp đặt, đã được xếp đặt, đã được tạo tác, đã được tác thành, đã được thành lập do tưởng, do sự chiếm lấy của tưởng; [tà kiến ấy] là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

“Tưởng được xếp đặt liên quan đến điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác ở nơi đây, dầu là nhỏ nhoi, cũng không có đối với vị ấy” là như thế.

Vị Bà-la-môn ấy không nắm giữ tà kiến.

Bà-la-môn: Bà-la-môn do trạng thái đã loại trừ bảy pháp: Sự nhận thức sai trái về thân được loại trừ,… (nt)... Không nương nhờ, tự tại; vị ấy được gọi là Bà-la-môn.

Vị Bà-la-môn ấy không nắm giữ tà kiến: Vị Bà-la-môn ấy trong khi không nắm giữ, trong khi không nắm lấy, trong khi không bám víu, trong khi không chấp chặt tà kiến.

“Vị Bà-la-môn ấy không nắm giữ tà kiến” là như thế.

Bởi điều gì có thể sắp xếp vị ấy ở thế gian này đây.

Sắp đặt: Có hai sự sắp đặt: Sự sắp đặt do tham ái và sự sắp đặt do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự sắp đặt do tham ái. ... (nt)… điều này là sự sắp đặt do tà kiến. Đối với vị ấy, sự sắp đặt do tham ái đã được dứt bỏ, sự sắp đặt do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự sắp đặt do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự sắp đặt do tà kiến, thì có thể sắp đặt bởi luyến ái gì, có thể sắp đặt bởi sân hận gì, có thể sắp đặt bởi si mê gì, có thể sắp đặt bởi ngã mạn gì, có thể sắp đặt bởi tà kiến gì, có thể sắp đặt bởi phóng dật gì, có thể sắp đặt bởi hoài nghi gì, có thể sắp đặt bởi các pháp tiềm ẩn gì [nghĩ rằng]: “[Vị này là] ‘kẻ bị luyến ái’, hoặc là ‘kẻ bị sân hận’, hoặc là ‘kẻ bị si mê’, hoặc là ‘kẻ bị trói buộc’, hoặc là ‘kẻ bị bám víu’, hoặc là ‘kẻ bị tán loạn’, hoặc là ‘kẻ không dứt khoát’, hoặc là ‘kẻ cứng cỏi’”? [Đối với vị ấy], các pháp tạo tác ấy là đã được dứt bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với các pháp tạo tác, thì bởi điều gì có thể sắp đặt về cảnh giới tái sanh [của vị ấy rằng]: “[Vị này sẽ trở thành] ‘người địa ngục’, hoặc là ‘loài thú’, hoặc là ‘thân phận ngạ quỷ’, hoặc là ‘loài người’, hoặc là ‘thiên nhân’, hoặc là ‘người hữu sắc’, hoặc là ‘người vô sắc’, hoặc là ‘người hữu tưởng’, hoặc là ‘người vô tưởng’, hoặc là ‘người phi tưởng phi phi tưởng’”? Không có nhân, không có duyên, không có lý do, mà bởi điều ấy có thể sắp đặt, có thể sắp xếp, có thể đạt đến việc sắp xếp.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.

“Bởi điều gì có thể sắp xếp vị ấy ở thế gian này đây” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Tưởng được xếp đặt liên quan đến điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác ở nơi đây, dầu là nhỏ nhoi, cũng không có đối với vị ấy; vị Bà-la-môn ấy không nắm giữ tà kiến, bởi điều gì có thể sắp xếp vị ấy ở thế gian này đây?”

5.8. [Các bậc A-la-hán] không sắp đặt, không chú trọng

Luôn cả các pháp [tà kiến] đối với các vị ấy đều không được chấp nhận.

Vị Bà-la-môn không bị dẫn dắt đi bởi giới và phận sự,

Là bậc Tự tại, đã đi đến bờ kia, không quay trở lại.

[Các bậc A-la-hán] không sắp đặt, không chú trọng.

Sắp đặt: Có hai sự sắp đặt: Sự sắp đặt do tham ái và sự sắp đặt do tà kiến.

Điều nào là sự sắp đặt do tham ái? Cho đến vật đã được tạo lập ranh giới, đã được tạo lập biên giới, đã được tạo lập giới hạn, đã được tạo lập hạn định, đã thuộc sở hữu, đã chấp là của ta bởi cái gọi là tham ái rằng: Cái này là của tôi, cái ấy là của tôi, chừng này là của tôi, cho đến chừng này là của tôi; các sắc, các thinh, các hương, các vị, các xúc, các vật trải, các vật đắp, các tôi trai, tớ gái, các con dê, cừu, các con gà, heo, voi, bò, ngựa, lừa, ruộng, đất, vàng, bạc, làng mạc, thị trấn, kinh thành, quốc độ, xứ sở, khu trại, nhà kho của tôi, và luôn cả toàn thể đại địa cầu, đều được chấp là của ta do tác động của tham ái, được giải rộng ra cho đến một trăm lẻ tám ái; điều này là sự sắp đặt do tham ái.

Điều nào là sự sắp đặt do tà kiến? Thân kiến có hai mươi nền tảng, tà kiến có mười nền tảng, hữu biên kiến có mười nền tảng, quan điểm nào có hình thức như vậy là sự đi đến tà kiến, có sự nắm giữ của tà kiến, có sự hiểm trở của tà kiến, có sự bóp méo của tà kiến, có sự xáo động của tà kiến, có sự ràng buộc của tà kiến, là sự nắm lấy, sự chấp nhận, sự chấp chặt, sự bám víu, con đường xấu, con đường sai trái, bản thể sai trái, ngoại giáo, sự nắm lấy đường lối trái nghịch, sự nắm lấy điều sai lệch, sự nắm lấy điều trái khuấy, sự nắm lấy điều sai trái, sự nắm lấy điều không xác đáng cho là xác đáng, cho đến sáu mươi hai tà kiến; điều này là sự sắp đặt do tà kiến.

Đối với các vị ấy, sự sắp đặt do tham ái đã được dứt bỏ, sự sắp đặt do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự sắp đặt do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự sắp đặt do tà kiến, các vị ấy không sắp đặt, không làm sanh ra, không làm sanh khởi, không làm hạ sanh, không làm phát sanh ra sự sắp đặt do tham ái hoặc sự sắp đặt do tà kiến. “Không sắp đặt” là như thế.

Không chú trọng.

Chú trọng: Có hai sự chú trọng: Chú trọng do tham ái và chú trọng do tà kiến. ... (nt)… điều này là chú trọng do tham ái. ... (nt)… điều này là chú trọng do tà kiến. Đối với các vị ấy, sự chú trọng do tham ái đã được dứt bỏ, sự chú trọng do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự chú trọng do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự chú trọng do tà kiến; các vị sống, chú trọng không phải là tham ái hoặc không phải là tà kiến; không có tham ái là ngọn cờ, không có tham ái là biểu hiện, không có tham ái là chủ đạo, không có tà kiến là ngọn cờ, không có tà kiến là biểu hiện, không có tà kiến là chủ đạo; các vị sống, được vây quanh không bởi tham ái hoặc không bởi tà kiến.

“Không sắp đặt, không chú trọng” là như thế.

Luôn cả các pháp [tà kiến] đối với các vị ấy đều không được chấp nhận.

Các pháp: Nói đến sáu mươi hai tà kiến.

Đối với các vị ấy: Đối với các vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt ấy.

Không được chấp nhận: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại” là không được chấp nhận. “Thế giới là không thường còn, thế giới là có giới hạn, thế giới là không có giới hạn, mạng sống và thân thể là một, mạng sống và thân thể là khác, chúng sanh hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại” là không được chấp nhận.

“Luôn cả các pháp [tà kiến] đối với các vị ấy đều không được chấp nhận” là như thế.

Vị Bà-la-môn không bị dẫn dắt đi bởi giới và phận sự.

Không: Là sự phủ định.

Bà-la-môn: Bà-la-môn do trạng thái đã loại trừ bảy pháp: ... (nt)… Không nương nhờ, tự tại, vị ấy được gọi là Bà-la-môn.

Vị Bà-la-môn không bị dẫn dắt đi bởi giới và phận sự: Vị Bà-la-môn không bị đưa đi, không bị dẫn đi, không bị lôi đi, không bị mang đi bởi giới, hoặc bởi phận sự, hoặc bởi giới và phận sự.

“Vị Bà-la-môn không bị dẫn dắt đi bởi giới và phận sự” là như thế.

Là bậc Tự tại, đã đi đến bờ kia, không quay trở lại.

Bờ kia: Nói đến bất tử, Niết-bàn, là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn. Vị ấy đã đi đến bờ kia, đã đạt đến bờ kia, đã đi đến điểm cuối, đã đạt đến điểm cuối, đã đi đến đỉnh, đã đạt đến đỉnh [có sự giảng rộng], việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy. “Đã đi đến bờ kia” là như thế.

Không quay trở lại: Các ô nhiễm nào được dứt bỏ do đạo Nhập lưu, vị ấy không đi đến nữa, không quay trở lại, không quay về lại các ô nhiễm ấy. Các ô nhiễm nào được dứt bỏ do đạo Nhất lai, vị ấy không đi đến nữa, không quay trở lại, không quay về lại các ô nhiễm ấy. Các ô nhiễm nào được dứt bỏ do đạo Bất lai, vị ấy không đi đến nữa, không quay trở lại, không quay về lại các ô nhiễm ấy. Các ô nhiễm nào được dứt bỏ do đạo A-la-hán, vị ấy không đi đến nữa, không quay trở lại, không quay về lại các ô nhiễm ấy. “Đã đi đến bờ kia, không quay trở lại” là như thế.

Bậc Tự tại: Bậc A-la-hán tự tại với năm biểu hiện: Tự tại về đối tượng ước muốn và không ước muốn, tự tại với ý nghĩa “đã từ bỏ”, tự tại với ý nghĩa “đã vượt qua”, tự tại với ý nghĩa “đã giải thoát”, tự tại với việc diễn giải điều ấy.

Bậc A-la-hán tự tại về đối tượng ước muốn và không ước muốn nghĩa là thế nào? Bậc A-la-hán là tự tại về lợi lộc, tự tại về không lợi lộc, tự tại về danh vọng, tự tại về không danh vọng, tự tại về lời khen, tự tại về lời chê, tự tại về hạnh phúc, tự tại về khổ đau; nếu người ta thoa một cánh tay với dầu thơm, nếu người ta đẽo một cánh tay với cái rìu, thì không có sự luyến ái về việc ấy, không có sự bất bình về việc ấy; vị đã lìa bỏ sự ưa chuộng và bất bình, đã vượt qua khỏi sự hưng phấn và chán nản, đã vượt qua hẳn sự chiều chuộng và chống đối; bậc A-la-hán tự tại về đối tượng ước muốn và không ước muốn nghĩa là như vậy.

Bậc A-la-hán tự tại với ý nghĩa “đã từ bỏ” nghĩa là thế nào? Đối với bậc A-la-hán, sự luyến ái đã được từ bỏ, đã được tẩy trừ, đã được giải thoát, đã được dứt bỏ, đã được buông bỏ; sự sân hận, si mê, giận dữ, thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, lừa gạt, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, cao ngạo, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện đã được từ bỏ, đã được tẩy trừ, đã được giải thoát, đã được dứt bỏ, đã được buông bỏ; bậc A-la-hán tự tại với ý nghĩa “đã từ bỏ” nghĩa là như vậy.

Bậc A-la-hán tự tại với ý nghĩa “đã vượt qua” nghĩa là thế nào? Bậc A-la-hán đã vượt qua dòng lũ [ngũ] dục, đã vượt qua dòng lũ của hữu, đã vượt qua dòng lũ tà kiến, đã vượt qua dòng lũ vô minh, đã vượt qua mọi nẻo đường luân hồi, đã vượt lên, đã vượt ra khỏi, đã vượt quá, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi. Vị ấy đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành, việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy; bậc A-la-hán tự tại với ý nghĩa “đã vượt qua” nghĩa là như vậy.

Bậc A-la-hán tự tại với ý nghĩa “đã giải thoát” nghĩa là thế nào? Đối với bậc A-la-hán, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sự luyến ái; tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sự sân hận; tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sự si mê; tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sự giận dữ, thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, lừa gạt, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, cao ngạo, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện; bậc A-la-hán tự tại với ý nghĩa “đã giải thoát” nghĩa là như vậy.

Bậc A-la-hán tự tại với việc diễn giải điều ấy nghĩa là thế nào? Bậc A-la-hán, khi giới hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có giới”; khi tín hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có tín”; khi tấn hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có tấn”; khi niệm hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có niệm”; khi định hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta được định tĩnh”; khi tuệ hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có tuệ”; khi minh hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có ba minh”; khi thắng trí hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có sáu thắng trí”; bậc A-la-hán tự tại với việc diễn giải điều ấy nghĩa là như vậy.

“Là bậc Tự tại, đã đi đến bờ kia, không quay trở lại” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“[Các bậc A-la-hán] không sắp đặt, không chú trọng

Luôn cả các pháp [tà kiến] đối với các vị ấy đều không được chấp nhận.

Vị Bà-la-môn không bị dẫn dắt đi bởi giới và phận sự,

Là bậc Tự tại, đã đi đến bờ kia, không quay trở lại.”

“Diễn giải kinh nhóm tám về tối thắng” - Phần thứ năm.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.