Viện Nghiên Cứu Phật Học

5. DIỄN GIẢI KINH DHOTAKA
(DHOTAKASUTTANIDDESO)

 

5.1. [Tôn giả Dhotaka nói rằng:] “Thưa đức Thế Tôn, con hỏi Ngài. Xin Ngài         hãy trả lời con về điều này. Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, con mong mỏi lời nói của Ngài. Sau khi lắng nghe lời tuyên bố của Ngài, con có thể học tập về sự tịch diệt cho bản thân.”

Thưa đức Thế Tôn, con hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời con về điều này.

Câu hỏi: Có ba loại câu hỏi: Câu hỏi để làm sáng tỏ điều chưa thấy, câu hỏi để trao đổi điều đã thấy, câu hỏi để cắt đứt sự nhầm lẫn. ... (nt)… Đây là ba loại câu hỏi. ... (nt)… câu hỏi về Niết-bàn.

Con hỏi Ngài: Con hỏi Ngài, con yêu cầu Ngài, con thỉnh cầu Ngài, con đặt niềm tin ở Ngài, xin Ngài hãy thuyết giảng cho con. “Con hỏi Ngài” là như thế.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

Xin Ngài hãy trả lời con về điều này: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ.

“Thưa đức Thế Tôn, con hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời con về điều này” là như thế.

Tôn giả Dhotaka nói rằng.

Rằng: Là sự nối liền các câu văn,… (nt)…

Tôn giả: Từ “āyasmā” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.

Dhotaka: Là tên của vị Bà-la-môn ấy, là sự ấn định, sự chỉ định, sự quy định, sự diễn tả, tên gọi, sự đặt tên, sự định danh, từ mô tả, tên hiệu, từ kêu gọi.

“Tôn giả Dhotaka nói rằng” là như thế.

Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, con mong mỏi lời nói của Ngài: Con chờ đợi, con mong mỏi, con ước muốn, con ưng thuận, con ước nguyện, con mong cầu, con nguyện cầu lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời chỉ dạy, lời khuyên bảo của Ngài.

Bậc Đại Ẩn Sĩ: Đức Thế Tôn là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu giới uẩn lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. ... (nt)… Đấng Nhân Ngưu ngự ở đâu?” là bậc Đại Ẩn Sĩ.

“Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, con mong mỏi lời nói của Ngài” là như thế.

Sau khi lắng nghe lời tuyên bố của Ngài: Sau khi lắng nghe, sau khi nghe được, sau khi tiếp thu, sau khi tiếp nhận, sau khi nhận định lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời khuyên bảo của Ngài.

“Sau khi lắng nghe lời tuyên bố của Ngài” là như thế.

Con có thể học tập về sự tịch diệt cho bản thân.

Sự học tập: Có ba sự học tập: Học tập về thắng giới, học tập về thắng tâm, học tập về thắng tuệ. ... (nt)… việc này là sự học tập về thắng tuệ.

Sự tịch diệt cho bản thân: Nhằm làm cho tịch diệt sự luyến ái của bản thân, nhằm làm cho tịch diệt sân hận, nhằm làm cho tịch diệt si mê, nhằm làm cho tịch diệt sự giận dữ, nhằm làm cho tịch diệt sự thù hằn… (nt)… nhằm sự yên lặng, nhằm sự yên tịnh, nhằm làm vắng lặng, nhằm làm cho tịch diệt, nhằm buông bỏ, nhằm tịch tịnh tất cả các pháp tạo tác bất thiện, nên học tập về thắng giới, nên học tập về thắng tâm, nên học tập về thắng tuệ. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, thì nên học tập; trong khi biết, thì nên học tập; trong khi thấy, thì nên học tập; trong khi quán xét lại, thì nên học tập; trong khi quyết định tâm, thì nên học tập; trong khi hướng đến đức tin, thì nên học tập; trong khi ra sức tinh tấn, thì nên học tập; trong khi thiết lập niệm, thì nên học tập; trong khi tập trung tâm, thì nên học tập; trong khi nhận biết bằng tuệ, thì nên học tập; trong khi biết rõ pháp cần được biết rõ, thì nên học tập; trong khi biết toàn diện pháp cần được biết toàn diện, thì nên học tập; trong khi dứt bỏ pháp cần được dứt bỏ, thì nên học tập; trong khi tu tập pháp cần được tu tập, thì nên học tập; trong khi chứng ngộ pháp cần được chứng ngộ, thì nên học tập, nên hành xử, nên hành theo, nên thọ trì và vận dụng.

“Con có thể học tập về sự tịch diệt cho bản thân” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Dhotaka nói rằng:] “Thưa đức Thế Tôn, con hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời con về điều này. Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, con mong mỏi lời nói của Ngài. Sau khi lắng nghe lời tuyên bố của Ngài, con có thể học tập về sự tịch diệt cho bản thân.”

5.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka] chính vì điều ấy ngươi hãy thực hiện sự nhiệt tâm, ngay tại nơi này, hãy là người có sự chín chắn, có niệm. Sau khi lắng nghe lời tuyên bố từ nơi đây, nên học tập về sự tịch diệt cho bản thân.”

Chính vì điều ấy ngươi hãy thực hiện sự nhiệt tâm: Ngươi hãy thực hiện sự nhiệt tâm, hãy thực hiện sự gắng sức, hãy thực hiện sự ráng sức, hãy thực hiện sự dõng mãnh, hãy thực hiện nghị lực, hãy thực hiện sự tinh tấn, hãy làm sanh ra, hãy làm sanh khởi, hãy lập nên, hãy thiết lập, hãy làm hạ sanh, hãy làm phát sanh sự mong muốn.

“Chính vì điều ấy ngươi hãy thực hiện sự nhiệt tâm” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Dhotaka. Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Dhotaka” là như thế.

Ngay tại nơi này, hãy là người có sự chín chắn, có niệm.

Tại nơi này: Ở quan điểm này, ở sự chấp nhận này, ở sự ưa thích này, ở sự nắm giữ này, ở Pháp này, ở Luật này, ở Pháp và Luật này, ở giáo lý này, ở Phạm hạnh này, ở lời dạy này của bậc Đạo sư, ở bản thân này, ở thế giới loài người này.

Người có sự chín chắn: Là người chín chắn, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt)… vị ấy được gọi là có niệm.

“Ngay tại nơi này, hãy là người có sự chín chắn, có niệm” là như thế.

Sau khi lắng nghe lời tuyên bố từ nơi đây: Sau khi lắng nghe, sau khi nghe được, sau khi tiếp thu, sau khi tiếp nhận, sau khi nhận định lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời khuyên bảo của Ta từ nơi đây.

“Sau khi lắng nghe lời tuyên bố từ nơi đây” là như thế.

Nên học tập về sự tịch diệt cho bản thân.

Sự học tập: Có ba sự học tập: Học tập về thắng giới, học tập về thắng tâm, học tập về thắng tuệ. ... (nt)… việc này là sự học tập về thắng tuệ.

Sự tịch diệt cho bản thân: Nhằm làm cho tịch diệt sự luyến ái của bản thân, nhằm làm cho tịch diệt sân hận, nhằm làm cho tịch diệt si mê, nhằm làm cho tịch diệt sự giận dữ, nhằm làm cho tịch diệt sự thù hằn… (nt)… nhằm sự yên lặng, nhằm sự yên tịnh, nhằm làm vắng lặng, nhằm làm cho tịch diệt, nhằm buông bỏ, nhằm tịch tịnh tất cả các pháp tạo tác bất thiện, nên học tập về thắng giới, nên học tập về thắng tâm, nên học tập về thắng tuệ. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, thì nên học tập; trong khi biết, thì nên học tập;… (nt) … trong khi chứng ngộ pháp cần được chứng ngộ, thì nên học tập, nên hành xử, nên hành theo, nên thọ trì và vận dụng.

“Nên học tập về sự tịch diệt cho bản thân” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka] chính vì điều ấy ngươi hãy thực hiện sự nhiệt tâm, ngay tại nơi này, hãy là người có sự chín chắn, có niệm. Sau khi lắng nghe lời tuyên bố từ nơi đây, nên học tập về sự tịch diệt cho bản thân.”

5.3. “Con nhìn thấy ở thế giới của chư thiên và loài người, vị Bà-la-môn không còn vướng bận, đang sinh hoạt [trong bốn oai nghi]. Vì thế, thưa bậc Toàn Nhãn, con xin kính lễ Ngài. Thưa vị dòng Sakya, xin Ngài hãy giải thoát cho con khỏi các nỗi nghi hoặc.”

Con nhìn thấy ở thế giới của chư thiên và loài người.

Chư thiên: Có ba hạng chư thiên: Chư thiên do chế định, chư thiên do tái sanh, chư thiên do thanh tịnh. Chư thiên do chế định là những ai? Chư thiên do chế định nói đến các vị vua, các hoàng tử và các hoàng hậu; những người này là chư thiên do chế định. Chư thiên do tái sanh là những ai? Chư thiên do tái sanh nói đến chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương, chư thiên cõi Đạo-lợi, chư thiên cõi Dạ-ma, chư thiên cõi Đẩu-suất, chư thiên cõi Hóa Lạc, chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại, chư thiên thuộc Phạm Chúng thiên, và chư thiên nào vượt lên trên cõi ấy; các vị này là chư thiên do tái sanh. Chư thiên do thanh tịnh là những ai? Chư thiên do thanh tịnh nói đến các đệ tử của đức Như Lai là các vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt, và các vị Phật Độc Giác; các vị này là chư thiên do thanh tịnh. Đức Thế Tôn là vị thiên nhân trong số chư thiên do chế định, trong số chư thiên do tái sanh, và trong số chư thiên do thanh tịnh, là vị thiên nhân vượt trội, là vị thiên nhân vượt trội của chư thiên, là con sư tử vượt trội của loài sư tử, là con voi vượt trội của loài voi, là người có đồ chúng vượt trội trong số các vị có đồ chúng, là bậc Hiền trí vượt trội trong số các bậc Hiền trí, là vị vua vượt trội trong số các vị vua.

Con nhìn thấy ở thế giới của chư thiên và loài người: Ở thế giới loài người, con nhìn thấy vị thiên nhân, con nhìn thấy vị thiên nhân vượt trội, con nhìn thấy vị thiên nhân vượt trội của chư thiên, con nhận thấy, con quan sát, con suy xét, con khảo sát.

“Con nhìn thấy ở thế giới của chư thiên và loài người” là như thế.

Vị Bà-la-môn không còn vướng bận, đang sinh hoạt [trong bốn oai nghi].

Không còn vướng bận: Luyến ái là vướng bận, sân hận là vướng bận, si mê là vướng bận, ngã mạn là vướng bận, tà kiến là vướng bận, ô nhiễm là vướng bận, uế hạnh là vướng bận. Đối với đức Phật, đối với đức Thế Tôn, các vướng bận này đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Thế Tôn là không còn vướng bận.

Vị Bà-la-môn: Đức Thế Tôn là vị Bà-la-môn do trạng thái đã loại trừ bảy pháp: Sự nhận thức sai trái về thân được loại trừ, sự hoài nghi được loại trừ, sự bám víu vào giới và phận sự được loại trừ, luyến ái được loại trừ, sân hận được loại trừ, si mê được loại trừ, ngã mạn được loại trừ; đối với Ngài, các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai là đã được loại trừ.

1. [Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya] sau khi loại trừ tất cả các điều ác, là người không còn vết nhơ, tốt lành, định tĩnh, có bản thân vững chãi, vị ấy đã vượt qua luân hồi, có sự toàn hảo, không nương nhờ, tự tại, vị ấy được gọi là Bà-la-môn.”

Đang sinh hoạt [trong bốn oai nghi]: Đang thực hành, đang trú ngụ, đang sinh hoạt, đang vận hành, đang bảo hộ, đang nuôi dưỡng, đang bảo dưỡng.

“Vị Bà-la-môn không còn vướng bận, đang sinh hoạt [trong bốn oai nghi]” là như thế.

Vì thế, thưa bậc Toàn Nhãn, con xin kính lễ Ngài.

Ngài: Nói đến đức Thế Tôn.

Con xin kính lễ: Con kính lễ bằng thân, hoặc con kính lễ bằng lời nói, hoặc con kính lễ bằng tâm, hoặc con kính lễ với sự thực hành thuận theo đạo lý, hoặc con kính lễ với sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, con thể hiện sự trọng vọng, con thể hiện sự cung kính, con sùng bái, con cúng dường.

Bậc Toàn Nhãn: Toàn nhãn nói đến trí toàn giác. Đức Thế Tôn đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã đạt đến, đã đầy đủ, đã thành tựu với trí toàn giác.

2. “Đối với Ngài, không có bất cứ điều gì ở nơi đây là không được nhìn thấy, không được nhận thức, hoặc không thể biết được. Điều nào có thể biết được, Ngài đã biết rõ tất cả; vì thế đức Như Lai là bậc Toàn Nhãn.”

“Vì thế, thưa bậc Toàn Nhãn, con xin kính lễ Ngài” là như thế.

Thưa vị dòng Sakya, xin Ngài hãy giải thoát cho con khỏi các nỗi nghi hoặc.

Vị dòng Sakya: Đức Thế Tôn là vị dòng Sakya, “người đã xuất gia từ gia tộc Sakya” là vị dòng Sakya. Hoặc là, “người sở hữu tài sản, giàu có, có tài sản lớn” là vị dòng Sakya. Vị ấy sở hữu các tài sản này, tức là: Tài sản về đức tin, tài sản về giới, tài sản về hổ thẹn [tội lỗi], tài sản về ghê sợ [tội lỗi], tài sản về kiến thức, tài sản về xả thí, tài sản về trí tuệ, tài sản về thiết lập niệm, tài sản về chánh cần, tài sản về nền tảng của thần thông, tài sản về quyền, tài sản về lực, tài sản về yếu tố đưa đến giác ngộ, tài sản về Đạo, tài sản về Quả, tài sản về Niết-bàn; “người sở hữu tài sản, giàu có, có tài sản lớn với các tài sản và bảo vật nhiều loại này” là vị dòng Sakya.

Hoặc là, “vị có đủ sức, có năng lực, có tiềm lực, có khả năng, dũng cảm, anh hùng, quả cảm, không nhút nhát, không có sự kinh hãi, không có sự sợ sệt, không có sự trốn chạy, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa” là vị dòng Sakya.

Nghi hoặc: Nói đến hoài nghi, sự nghi ngờ về khổ, nghi ngờ về nhân sanh khổ, nghi ngờ về sự diệt tận khổ, nghi ngờ về sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ, nghi ngờ về điểm khởi đầu, nghi ngờ về điểm kết thúc, nghi ngờ về điểm khởi đầu và điểm kết thúc, nghi ngờ về các pháp tùy thuận duyên khởi này; sự nghi ngờ nào có hình thức như vậy là biểu hiện nghi ngờ, trạng thái nghi ngờ, sự nhầm lẫn, sự hoài nghi, sự lưỡng lự, sự phân vân, sự ngờ vực, sự không nắm chắc, sự không quyết định, sự không quả quyết, sự không thể xác quyết, trạng thái sửng sốt, sự bối rối của tâm.

Thưa vị dòng Sakya, xin Ngài hãy giải thoát cho con khỏi các nỗi nghi hoặc: Xin Ngài hãy cứu thoát con, hãy giải thoát cho con, hãy giúp cho con được cứu thoát, hãy giúp cho con được giải thoát, hãy nâng con lên, hãy nâng bổng con lên, hãy nhấc con lên khỏi mũi tên nghi hoặc.

“Thưa vị dòng Sakya, xin Ngài hãy giải thoát cho con khỏi các nỗi nghi hoặc” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Con nhìn thấy ở thế giới của chư thiên và loài người, vị Bà-la-môn không còn vướng bận, đang sinh hoạt [trong bốn oai nghi]. Vì thế, thưa bậc Toàn Nhãn, con xin kính lễ Ngài. Thưa vị dòng Sakya, xin Ngài hãy giải thoát cho con khỏi các nỗi nghi hoặc.”

5.4.         Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát
               Bất cứ người nào ở thế gian có nỗi nghi hoặc, này Dhotaka.
               Nhưng trong khi hiểu được giáo pháp tối thượng,
               Như vậy ngươi có thể vượt qua dòng lũ này.

Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát: Ta không có thể giải thoát cho ngươi, giải phóng cho ngươi, giúp cho ngươi được giải thoát, giúp cho ngươi được giải phóng, nâng ngươi lên, nâng bổng ngươi lên, giúp cho ngươi được nhấc lên, giúp cho ngươi được nhấc bổng lên khỏi mũi tên nghi hoặc. “Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát” là như vậy.

Hoặc là, Ta không đi đến, không tự mình đi đến, không gắng sức, không tinh tấn, không thể hiện sự gắng sức, không thể hiện sự ráng sức, không thể hiện sự dõng mãnh, không thể hiện nghị lực, không thể hiện sự tinh tấn, không làm sanh ra, không làm sanh khởi, không làm hạ sanh, không làm phát sanh sự mong muốn đối với việc thuyết giảng giáo pháp cho người không có đức tin, không có nguyện vọng, biếng nhác, có sự tinh tấn thấp kém, không chịu thực hành. “Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát” còn là như vậy.

Hoặc là, không có kẻ nào khác là người giúp cho giải thoát. Nếu những người ấy có thể giúp cho [bản thân được] giải thoát thì họ có thể giúp cho [bản thân được] giải thoát bằng sức mạnh của mình, bằng năng lực của mình, bằng sự tinh tấn của mình, bằng sự nỗ lực của mình, bằng sức mạnh nam nhân của mình, bằng năng lực nam nhân của mình, bằng sự tinh tấn nam nhân của mình, bằng sự nỗ lực nam nhân của mình, trong khi họ tự thân thực hành sự thực hành đúng đắn, sự thực hành phù hợp, sự thực hành không trái ngược, sự thực hành đưa đến lợi ích, sự thực hành đúng pháp và thuận pháp. “Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát” còn là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này Cunda, thật vậy kẻ ấy, tự thân đã bị lún ở bãi lầy, sẽ nâng lên kẻ khác đã bị lún ở bãi lầy, sự kiện này không thể có được. Này Cunda, thật vậy kẻ ấy, tự thân không được thuần phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn tịch diệt, sẽ thuần phục, sẽ huấn luyện, sẽ giúp cho kẻ khác hoàn toàn tịch diệt, sự kiện này không thể có được.”

“Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát” còn là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

3. “Việc ác đã được làm bởi chính bản thân, bởi bản thân mà trở thành ô nhiễm. Việc ác đã không được làm bởi bản thân, bởi chính bản thân mà trở thành trong sạch. Trong sạch [hay] không trong sạch tùy thuộc vào bản thân, không ai có thể làm cho người khác trở thành trong sạch.”

“Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát” còn là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này Bà-la-môn, tương tự y như thế, Niết-bàn quả là có thật, con đường đưa đến Niết-bàn là có thật, Ta là người hướng dẫn là có thật, và hơn nữa các đệ tử của Ta, trong khi được Ta giáo huấn như vậy, trong khi được chỉ dạy như vậy, một số đệ tử đạt đến mục đích tột cùng là Niết-bàn, một số không đạt đến. Này Bà-la-môn, ở đây Ta làm được điều gì? Này Bà-la-môn, Như Lai là người chỉ đường. Chư Phật chỉ ra con đường. Chúng sanh, trong khi tự thân thực hành, thì có thể giải thoát.”

“Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát” còn là như vậy.

Cho bất cứ người nào ở thế gian có nỗi nghi hoặc, này Dhotaka: Cho người có nỗi nghi hoặc, có sự nghi ngờ, có sự bối rối, có sự lưỡng lự, có sự hoài nghi.

Cho bất cứ người nào: Cho bất cứ Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc thương buôn, hoặc nô lệ, hoặc người tại gia, hoặc vị xuất gia, hoặc vị thiên nhân, hoặc người nhân loại.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh… (nt)… ở thế gian của các xứ.

“Cho bất cứ người nào ở thế gian có nỗi nghi hoặc, này Dhotaka” là như thế.

Nhưng trong khi hiểu được giáo pháp tối thượng: Giáo pháp tối thượng nói đến bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn.

Tối thượng: Là giáo pháp cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý.

Trong khi hiểu được: Trong khi hiểu được là trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt.

“Nhưng trong khi hiểu được giáo pháp tối thượng” là như thế.

Như vậy ngươi có thể vượt qua dòng lũ này: Như thế ngươi có thể vượt qua, có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi dòng lũ [ngũ] dục, dòng lũ của hữu, dòng lũ tà kiến, dòng lũ vô minh.

“Như vậy ngươi có thể vượt qua dòng lũ này” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka] Ta sẽ không có khả năng về việc giúp cho giải thoát bất cứ người nào ở thế gian có nỗi nghi hoặc, này Dhotaka. Nhưng trong khi hiểu được giáo pháp tối thượng, như vậy ngươi có thể vượt qua dòng lũ này.”

5.5. [Tôn giả Dhotaka nói rằng:] “Thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy từ mẫn chỉ dạy pháp viễn ly để con có thể nhận thức được pháp ấy, theo đó, con ví như hư không, không bị xáo trộn, con có thể sống ở chính nơi này, được an tịnh, không nương nhờ.”

Thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy từ mẫn chỉ dạy.

Thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy chỉ dạy: Thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy chỉ dạy; thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy giúp đỡ; thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy thương tưởng. “Thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy chỉ dạy” là như thế.

Từ mẫn: Trong lúc có lòng từ mẫn, trong lúc có lòng trắc ẩn, trong lúc bảo vệ, trong lúc giúp đỡ, trong lúc có lòng thương tưởng.

“Thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy từ mẫn chỉ dạy” là như thế.

Pháp viễn ly để con có thể nhận thức được pháp ấy: Pháp viễn ly nói đến bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn.

Để con có thể nhận thức được pháp ấy: Để con có thể biết, có thể hiểu, có thể nhận thức, có thể thừa nhận, có thể thấu triệt, có thể chứng đắc, có thể chạm đến, có thể chứng ngộ pháp ấy.

“Pháp viễn ly để con có thể nhận thức được pháp ấy” là như thế.

Theo đó, con ví như hư không, không bị xáo trộn: Giống như hư không thì không bám víu, không nắm giữ, không bị trói buộc, không bị giữ lại, tương tự như vậy, con không bám víu, không nắm giữ, không bị trói buộc, không bị giữ lại. “Ví như hư không, không bị xáo trộn” là như vậy. Giống như hư không thì không bị nhuốm màu bởi màu nâu cánh kiến, hoặc bởi màu vàng nghệ, hoặc bởi màu chàm, hoặc bởi màu đỏ sậm, tương tự như vậy, con không bị luyến ái, không bị sân hận, không bị mê mờ, không bị ô nhiễm. “Ví như hư không, không bị xáo trộn” còn là như vậy. Giống như hư không thì không bực tức, không bất bình, không phản kháng, không làm tổn thương, tương tự như vậy, con không bực tức, không bất bình, không phản kháng, không làm tổn thương.

“Ví như hư không, không bị xáo trộn” còn là như vậy.

Con có thể sống ở chính nơi này, được an tịnh, không nương nhờ.

Ở chính nơi này, được an tịnh: Là trong khi được an tịnh ở chính nơi này, trong khi đang ngồi ở chính nơi này, trong khi đang ngồi ngay tại chỗ ngồi này, trong khi đang ngồi ngay tại hội chúng này. “Ở chính nơi này, được an tịnh” là như vậy. Hoặc là, được an tịnh, được yên tịnh, được vắng lặng, được tịch diệt, được tịch tịnh ở chính nơi này. “Ở chính nơi này, được an tịnh” còn là như vậy.

Không nương nhờ: Có hai sự nương tựa: Sự nương tựa vào tham ái và sự nương tựa vào tà kiến. ... (nt)… điều này là sự nương tựa vào tham ái. ... (nt)… điều này là sự nương tựa vào tà kiến. Sau khi dứt bỏ sự nương tựa vào tham ái, sau khi buông bỏ sự nương tựa vào tà kiến, không nương tựa vào mắt, không nương tựa vào tai, không nương tựa vào mũi, không nương tựa vào lưỡi, không nương tựa vào thân, không nương tựa vào ý, không nương nhờ các sắc,… các thinh,… các hương,… các vị,… các xúc,… các pháp,… gia tộc, đồ chúng, chỗ ngụ, lợi lộc, danh vọng, lời khen, hạnh phúc, y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, dục giới, sắc giới, vô sắc giới, cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, cõi hữu tưởng, cõi vô tưởng, cõi phi tưởng phi phi tưởng, cõi một uẩn, cõi bốn uẩn, cõi năm uẩn, quá khứ, vị lai, hiện tại, điều đã được thấy, điều đã được nghe, điều đã được cảm giác, điều đã được nhận thức, [không nương nhờ] tất cả các pháp, không nương tựa, không bám vào, không đến gần, không bám chặt, không hướng đến, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.

Con có thể sống: Con có thể thực hành, có thể trú ngụ, có thể sinh hoạt, có thể vận hành, có thể bảo hộ, có thể nuôi dưỡng, có thể bảo dưỡng.

“Con có thể sống ở chính nơi này, được an tịnh, không nương nhờ” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Thưa đấng Phạm Thiên, xin Ngài hãy từ mẫn chỉ dạy
Pháp viễn ly để con có thể nhận thức được pháp ấy,
Theo đó, con ví như hư không, không bị xáo trộn,
Con có thể sống ở chính nơi này, được an tịnh, không nương nhờ.”

5.6.         [Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka]
              Ta sẽ giải thích cho ngươi về sự an tịnh,
              Về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại;
              Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
              Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

Ta sẽ giải thích cho ngươi về sự an tịnh: Ta sẽ giải thích, Ta sẽ giải bày, Ta sẽ chỉ dạy, Ta sẽ chỉ bảo, Ta sẽ thông báo, Ta sẽ ấn định, Ta sẽ khai mở, Ta sẽ chia sẻ, Ta sẽ làm rõ, Ta sẽ bày tỏ về sự an tịnh của luyến ái, về sự an tịnh của sân hận, về sự an tịnh của si mê, về sự an tịnh của giận dữ, về sự an tịnh của thù hằn,… của gièm pha,… của ác ý,… của ganh tỵ,… của bỏn xẻn,… của xảo trá,… của lừa gạt,… của bướng bỉnh,… của hung hăng,… của ngã mạn,… của cao ngạo,… của đam mê,… của xao lãng,… của tất cả ô nhiễm,… của tất cả uế hạnh,… của mọi sự lo lắng,… của mọi sự bực bội,… của mọi sự nóng nảy,… của tất cả các pháp tạo tác bất thiện, về sự yên tịnh, về sự vắng lặng, về sự tịch diệt, về sự tịch tịnh.

“Ta sẽ giải thích cho ngươi về sự an tịnh” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Dhotaka.

Dhotaka: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Dhotaka” là như thế.

Về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại.

Về pháp đã được thấy: Về pháp đã được thấy, về pháp đã được biết, về pháp đã được cân nhắc, về pháp đã được xác định, về pháp đã được rõ rệt, về pháp đã được minh định; về pháp đã được thấy, về pháp đã được biết, về pháp đã được cân nhắc, về pháp đã được xác định, về pháp đã được rõ rệt, về pháp đã được minh định rằng: “Tất cả các hành là vô thường”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” “Về pháp đã được thấy” là như vậy.

Hoặc là, Ta sẽ giải thích về khổ ở khổ đã được thấy, Ta sẽ giải thích về tập ở nhân sanh khởi đã được thấy, Ta sẽ giải thích về diệt ở sự diệt tận đã được thấy, Ta sẽ giải thích về đạo ở đạo lộ đã được thấy. “Về pháp đã được thấy” còn là như vậy. Hoặc là, về [pháp đã được thấy là] pháp hoàn toàn hiển nhiên, không bị chi phối bởi thời gian, hãy đến và hãy thấy, có khả năng dẫn dắt về hướng [Niết-bàn], và nên được hiểu biết tự cá nhân bởi các bậc trí tuệ. “Về pháp đã được thấy” còn là như vậy.

Không phải do nghe nói lại: Ta sẽ thuyết giảng cho ngươi về pháp đã được chính bản thân biết rõ, đã được tự thân quán xét lại, không do nghe lời đồn đãi, không do nghe nói như thế, không do sự truyền thừa, không do sự thành tựu của việc thu thập kiến thức, không do nhân suy nghĩ, không do nhân suy luận, không do suy đoán theo biểu hiện, không do sự suy xét và chấp nhận về quan điểm.

“Về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại” là như thế.

Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống: Sau khi làm cho pháp ấy được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Vị có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt)… vị ấy được gọi là có niệm.

Trong khi sống: Là trong khi thực hành, trong khi trú ngụ, trong khi sinh hoạt, trong khi vận hành, trong khi bảo hộ, trong khi nuôi dưỡng, trong khi bảo dưỡng.

“Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống” là như thế.

Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt) … tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.

Sự vướng mắc: Sự vướng mắc với ý nghĩa gì?… (nt)… “được trải rộng, được lan rộng” là vướng mắc.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh,… (nt)… ở thế gian của các xứ.

Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc này là ở ngay tại thế gian. Vị có niệm có thể vượt qua, có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi sự vướng mắc này ở ngay tại thế gian.

“Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka]
Ta sẽ giải thích cho ngươi về sự an tịnh,
Về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại;
Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

5.7.        Và con thích thú về điều ấy,
              Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về sự an tịnh tối thượng;
              Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
              Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.

Và con thích thú về điều ấy.

Về điều ấy: Con vui thích, con thích thú, con vui mừng, con tùy hỷ, con ước muốn, con ưng thuận, con ước nguyện, con mong cầu, con nguyện cầu về lời nói, về lời phát biểu, về lời chỉ bảo, về lời chỉ dạy, về lời khuyên bảo của Ngài.

“Và con thích thú về điều ấy” là như thế.

Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về sự an tịnh tối thượng.

Bậc Đại Ẩn Sĩ: Đức Thế Tôn là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu giới uẩn lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. ... (nt)… Đấng Nhân Ngưu ngự ở đâu?” là bậc Đại Ẩn Sĩ.

Về sự an tịnh tối thượng: Sự an tịnh nói đến bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn.

Tối thượng: Là cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý.

“Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về sự an tịnh tối thượng” là như thế.

Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống: Sau khi làm cho pháp ấy được hiểu rõ,… (nt)…; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Vị có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt) … vị ấy được gọi là có niệm.

Trong khi sống: Là trong khi thực hành,… (nt)… trong khi bảo dưỡng.

“Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống” là như thế.

Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt) … tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.

Sự vướng mắc: Sự vướng mắc với ý nghĩa gì?… (nt)… được trải rộng, được lan rộng” là vướng mắc.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh,… (nt)… ở thế gian của các xứ.

Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc này là ở ngay tại thế gian. Vị có niệm có thể vượt qua, có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi sự vướng mắc này ở ngay tại thế gian.

“Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Và con thích thú về điều ấy,
Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về sự an tịnh tối thượng;
Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
Con có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

5.8. [Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka] bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa, sau khi hiểu điều này là ‘sự quyến luyến’ ở thế gian, ngươi chớ tạo ra tham ái ở hữu và phi hữu.”

Bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết: Bất cứ điều nào mà ngươi tự mình nhận biết, ngươi hiểu, ngươi nhận thức, ngươi thừa nhận, ngươi thấu triệt. “Bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Dhotaka.

Dhotaka: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Dhotaka” là như thế.

Bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa.

Bên trên là nói đến thời tương lai, bên dưới là nói đến thời quá khứ, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là thời hiện tại. Bên trên là thế giới chư thiên, bên dưới là thế giới địa ngục, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là thế giới loài người. Hoặc là, bên trên là các pháp thiện, bên dưới là các pháp bất thiện, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là các pháp vô ký. Bên trên là vô sắc giới, bên dưới là dục giới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là sắc giới. Bên trên là cảm thọ lạc, bên dưới là cảm thọ khổ, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là cảm thọ không khổ không lạc. Bên trên là từ lòng bàn chân trở lên, bên dưới là từ đỉnh ngọn tóc trở xuống, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là ở chính giữa.

“Bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa” là như thế.

Sau khi hiểu điều này là “sự quyến luyến” ở thế gian: Sau khi biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Điều này là sự quyến luyến, điều này là sự dính mắc, điều này là sự cột trói, điều này là sự vướng bận.”

“Sau khi hiểu điều này là ‘sự quyến luyến’ ở thế gian” là như thế.

Ngươi chớ tạo ra tham ái ở hữu và phi hữu.

Tham ái: Tham ái cảnh sắc, tham ái cảnh thinh,… (nt)… tham ái cảnh pháp.

Ở hữu và phi hữu: Ngươi chớ tạo ra, chớ làm sanh ra, chớ làm sanh khởi, chớ làm hạ sanh, chớ làm phát sanh, ngươi hãy dứt bỏ, hãy xua đi, hãy làm chấm dứt, hãy làm cho không còn hiện hữu tham ái ở dục giới, sắc giới, vô sắc giới, ở sự hiện hữu của nghiệp, ở sự hiện hữu lần nữa; ở sự hiện hữu của nghiệp là dục giới, ở sự hiện hữu lần nữa là dục giới; ở sự hiện hữu của nghiệp là sắc giới, ở sự hiện hữu lần nữa là sắc giới; ở sự hiện hữu của nghiệp là vô sắc giới, ở sự hiện hữu lần nữa là vô sắc giới; ở sự hiện hữu được lặp đi lặp lại, ở cảnh giới tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự tiếp nối tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự tái sanh của bản thân được lặp đi lặp lại.

“Ngươi chớ tạo ra tham ái ở hữu và phi hữu” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Dhotaka] bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa, sau khi hiểu điều này là ‘sự quyến luyến’ ở thế gian, ngươi chớ tạo ra tham ái ở hữu và phi hữu.”

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”

“Diễn giải kinh Dhotaka” là thứ năm.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.