Viện Nghiên Cứu Phật Học

4. DIỄN GIẢI KINH METTAGŪ
(METTAGŪSUTTANIDDESO)

 

4.1. [Tôn giả Mettagū nói rằng:] “Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này. Tôi nghĩ rằng, Ngài là bậc đã đạt được sự hiểu biết, có bản thân đã được tu tập. Từ đâu mà các khổ này đã được khởi lên, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức?”

Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.

Tôi hỏi: Có ba loại câu hỏi: Câu hỏi để làm sáng tỏ điều chưa thấy, câu hỏi để trao đổi điều đã thấy, câu hỏi để cắt đứt sự nhầm lẫn.

Câu hỏi để làm sáng tỏ điều chưa thấy là loại nào? Thông thường, đối với tướng trạng chưa được biết, chưa được thấy, chưa được cân nhắc, chưa được xác định, chưa được rõ rệt, chưa được minh định thì người ta hỏi câu hỏi để biết, để thấy, để cân nhắc, để xác định, với mục đích được rõ rệt, với mục đích minh định về điều ấy. Đây là câu hỏi để làm sáng tỏ điều chưa thấy.

Câu hỏi để trao đổi điều đã thấy là loại nào? Thông thường, đối với tướng trạng đã được biết, đã được thấy, đã được cân nhắc, đã được xác định, đã được rõ rệt, đã được minh định thì người ta hỏi câu hỏi nhằm mục đích trao đổi cùng với các vị sáng suốt khác. Đây là câu hỏi để trao đổi điều đã thấy.

Câu hỏi để cắt đứt sự nhầm lẫn là loại nào? Thông thường, người bị rơi vào sự ngờ vực, bị rơi vào sự nhầm lẫn, bị sanh lên sự lưỡng lự rằng: “Phải chăng như vầy là đúng, phải chăng là không đúng, là cái gì đây, là thế nào đây?” Người ấy hỏi câu hỏi nhằm mục đích cắt đứt sự nhầm lẫn. Đây là câu hỏi để cắt đứt sự nhầm lẫn. Đây là ba loại câu hỏi.

Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi của loài người, câu hỏi của phi nhân, câu hỏi của vị [Phật] đã được hóa hiện ra.

Câu hỏi của loài người là loại nào? Loài người đi đến gặp đức Phật Thế Tôn và hỏi câu hỏi: Các vị Tỳ-khưu hỏi, các vị Tỳ-khưu-ni hỏi, các nam cư sĩ hỏi, các nữ cư sĩ hỏi, các vị vua hỏi, các vị Sát-đế-lỵ hỏi, các vị Bà-la-môn hỏi, các thương buôn hỏi, các kẻ nô lệ hỏi, các người tại gia hỏi, các vị xuất gia hỏi. Đây là câu hỏi của loài người.

Câu hỏi của phi nhân là loại nào? Các phi nhân đi đến gặp đức Phật Thế Tôn và hỏi câu hỏi: Các loài rồng hỏi, các loài linh điểu hỏi, các dạ-xoa hỏi, các a-tu-la hỏi, các càn-thát-bà hỏi, các vị Đại Thiên vương hỏi, các Thiên chủ hỏi, các Phạm thiên hỏi, các thiên nhân hỏi. Đây là câu hỏi của phi nhân.

Câu hỏi của vị [Phật] do thần thông biến hóa ra là loại nào? Đức Thế Tôn hóa hiện ra hình dáng vị [Phật] được tạo thành bởi ý, có tất cả các bộ phận thân thể lớn nhỏ, có giác quan không bị khiếm khuyết. Vị [Phật] do thần thông biến hóa ra ấy đi đến gặp đức Phật Thế Tôn và hỏi câu hỏi, đức Thế Tôn trả lời. Đây là câu hỏi của vị [Phật] đã được hóa hiện ra. Đây là ba loại câu hỏi.

Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về lợi ích của bản thân, câu hỏi về lợi ích của người khác, câu hỏi về lợi ích của cả hai. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về lợi ích trong đời này, câu hỏi về lợi ích trong đời sau, câu hỏi về lợi ích tối thượng. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về lợi ích của sự không tội lỗi, câu hỏi về lợi ích của sự không ô nhiễm, câu hỏi về lợi ích của sự trong sạch. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về quá khứ, câu hỏi về vị lai, câu hỏi về hiện tại. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về nội phần, câu hỏi về ngoại phần, câu hỏi về nội phần và ngoại phần. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về thiện, câu hỏi về bất thiện, câu hỏi về vô ký. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về uẩn, câu hỏi về giới, câu hỏi về xứ. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về thiết lập niệm, câu hỏi về chánh cần, câu hỏi về nền tảng của thần thông. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về quyền, câu hỏi về lực, câu hỏi về giác chi. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về Đạo, câu hỏi về Quả, câu hỏi về Niết-bàn.

Tôi hỏi Ngài: Tôi hỏi Ngài, tôi yêu cầu Ngài, tôi thỉnh cầu Ngài, tôi đặt niềm tin ở Ngài, xin Ngài hãy thuyết giảng cho tôi. “Tôi hỏi Ngài” là như thế.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ.

“Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này” là như thế.

Tôn giả Mettagū nói rằng.

Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)…

“Tôn giả Mettagū nói rằng” là như thế.

Tôi nghĩ rằng Ngài là bậc đã đạt được sự hiểu biết, có bản thân đã được tu tập: Tôi nghĩ về Ngài rằng: “Là bậc đã đạt được sự hiểu biết”, Tôi nghĩ về Ngài rằng: “Là bậc có bản thân đã được tu tập”, [tôi nghĩ như vậy] tôi biết như vậy, tôi hiểu như vậy, tôi nhận thức như vậy, tôi thừa nhận như vậy, tôi thấu triệt như vậy.

Bậc đã đạt được sự hiểu biết, có bản thân đã được tu tập: Đức Thế Tôn là bậc đã đạt được sự hiểu biết nghĩa là thế nào? Sự hiểu biết nói đến trí ở bốn đạo, tuệ, tuệ quyền, tuệ lực,… (nt)… trạch pháp giác chi, sự thẩm xét, sự thấy rõ, chánh kiến. Với các sự hiểu biết ấy, đức Thế Tôn đã đi đến điểm cuối đối với sanh-già-chết, đã đạt đến điểm cuối, đã đi đến đỉnh, đã đạt đến đỉnh, đã đi đến tận cùng, đã đạt đến tận cùng, đã đi đến sự hoàn tất, đã đạt đến sự hoàn tất, đã đi đến nơi nương tựa, đã đạt đến nơi nương tựa, đã đi đến nơi trú ẩn, đã đạt đến nơi trú ẩn, đã đi đến nơi nương nhờ, đã đạt đến nơi nương nhờ, đã đi đến nơi không sợ hãi, đã đạt đến nơi không sợ hãi, đã đi đến bất hoại, đã đạt đến bất hoại, đã đi đến bất tử, đã đạt đến bất tử, đã đi đến Niết-bàn, đã đạt đến Niết-bàn. “Người đã đi đến điểm cuối của các sự hiểu biết” là bậc đã đạt được sự hiểu biết, hoặc “người đã đi đến điểm cuối nhờ vào các sự hiểu biết” là bậc đã đạt được sự hiểu biết, hoặc là bậc đã đạt được sự hiểu biết do trạng thái đã hiểu biết về bảy pháp: Sự nhận thức sai trái về thân đã được hiểu biết, sự hoài nghi đã được hiểu biết, sự bám víu vào giới và phận sự đã được hiểu biết, sự luyến ái… sân hận… si mê… ngã mạn đã được hiểu biết; đối với người này, các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai là đã được hiểu biết.

1. [Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya] vị đã suy gẫm toàn bộ các loại kiến thức thuộc về các Sa-môn, thuộc về các Bà-la-môn, vị đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các cảm thọ, vị đã vượt qua mọi kiến thức, vị ấy là ‘bậc đã đạt được sự hiểu biết.’”

Đức Thế Tôn là bậc đã đạt được sự hiểu biết nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn có bản thân đã được tu tập nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn có thân đã được tu tập, có giới đã được tu tập, có tâm đã được tu tập, có tuệ đã được tu tập, có việc thiết lập niệm đã được tu tập, có chánh cần đã được tu tập, có nền tảng của thần thông đã được tu tập, có quyền đã được tu tập, có lực đã được tu tập, có yếu tố đưa đến giác ngộ đã được tu tập, có đạo đã được tu tập, có ô nhiễm đã được dứt bỏ, có sự không xao động đã được thấu triệt, có sự diệt tận đã được chứng ngộ; đối với Ngài, khổ đã được biết toàn diện, tập đã được dứt bỏ, đạo đã được tu tập, diệt đã được chứng ngộ, điều cần được biết rõ đã được biết rõ, điều cần được biết toàn diện đã được biết toàn diện, điều cần được dứt bỏ đã được dứt bỏ, điều cần được tu tập đã được tu tập, điều cần được chứng ngộ đã được chứng ngộ, Ngài tương tự như biển cả, không nhỏ nhoi, vĩ đại, sâu thẳm, không thể đo lường, khó thâm nhập, có nhiều báu vật, Ngài có pháp hành xả ở sáu tình huống: Sau khi thấy cảnh sắc bằng mắt, không có ý ưa thích cũng không có ý ghét bỏ, hành xả, Ngài sống có niệm, có sự nhận biết rõ; sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… sau khi ngửi hương bằng mũi,… (nt)… sau khi nếm vị bằng lưỡi,… (nt)… sau khi xúc chạm bằng thân,… (nt)… sau khi nhận thức pháp bằng ý, không có ý ưa thích cũng không có ý ghét bỏ, hành xả, Ngài sống có niệm, có sự nhận biết rõ.

Sau khi thấy cảnh sắc bằng mắt, đối với sắc hợp ý, Ngài không khao khát, không vui mừng, không làm sanh khởi luyến ái; thân của Ngài trụ vững, tâm của Ngài trú ở nội phần, khéo được tồn tại, khéo được giải thoát. Trái lại, sau khi thấy cảnh sắc bằng mắt, đối với sắc không hợp ý, Ngài không khó chịu, không có tâm bực bội, không có ý lui sụt, không có ý tức giận; thân của Ngài trụ vững, tâm của Ngài trú ở nội phần, khéo được tồn tại, khéo được giải thoát. Sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… Sau khi ngửi hương bằng mũi,… (nt)… Sau khi nếm vị bằng lưỡi,… (nt)… Sau khi xúc chạm bằng thân,… (nt)… Sau khi nhận thức pháp bằng ý, Ngài không khao khát, không vui mừng, không làm sanh khởi luyến ái; thân của Ngài trụ vững, tâm của Ngài trú ở nội phần, khéo được tồn tại, khéo được giải thoát. Trái lại, sau khi nhận thức pháp bằng ý, đối với pháp không hợp ý, Ngài không khó chịu, không có tâm bực bội, không có ý lui sụt, không có ý tức giận; thân của Ngài trụ vững, tâm của Ngài trú ở nội phần, khéo được tồn tại, khéo được giải thoát.

Sau khi thấy cảnh sắc bằng mắt, đối với sắc hợp ý hay không hợp ý, thân của Ngài trụ vững, tâm của Ngài trú ở nội phần, khéo được tồn tại, khéo được giải thoát. Sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… Sau khi nhận thức pháp bằng ý, đối với pháp hợp ý hay không hợp ý, thân của Ngài trụ vững, tâm của Ngài trú ở nội phần, khéo được tồn tại, khéo được giải thoát.

Sau khi thấy cảnh sắc bằng mắt, Ngài không luyến ái ở vật đáng luyến ái, không sân hận ở vật đáng sân hận, không si mê ở vật đáng si mê, không bực tức ở vật đáng bực tức, không say đắm ở vật đáng say đắm, không bị ô nhiễm ở vật đáng bị ô nhiễm. Sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)... Sau khi nhận thức pháp bằng ý, Ngài không luyến ái ở vật đáng luyến ái, không sân hận ở vật đáng sân hận, không si mê ở vật đáng si mê, không bực tức ở vật đáng bực tức, không say đắm ở vật đáng say đắm, không bị ô nhiễm ở vật đáng bị ô nhiễm. Ở điều đã được nghe chỉ là điều đã được nghe, ở điều đã được thấy chỉ là điều đã được thấy, ở điều đã được cảm giác chỉ là điều đã được cảm giác, ở điều đã được nhận thức chỉ là điều đã được nhận thức, Ngài không bị lấm nhơ ở điều đã được thấy, không bị lấm nhơ ở điều đã được nghe, không bị lấm nhơ ở điều đã được cảm giác, không bị lấm nhơ ở điều đã được nhận thức. Về điều đã được thấy, Ngài không có sự đến gần, không có sự xa lánh, không nương tựa, không bị trói buộc, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn. Về điều đã được nghe… (nt)... Về điều đã được cảm giác… (nt)… Về điều đã được nhận thức, Ngài không có sự đến gần, không có sự xa lánh, không bị trói buộc, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.

Mắt của đức Thế Tôn hiện hữu, đức Thế Tôn nhìn cảnh sắc bằng mắt. Mong muốn và luyến ái của đức Thế Tôn không có, đức Thế Tôn có tâm khéo được giải thoát. Tai của đức Thế Tôn hiện hữu, đức Thế Tôn nghe âm thanh bằng tai. Mong muốn và luyến ái của đức Thế Tôn không có, đức Thế Tôn có tâm khéo được giải thoát. Mũi của đức Thế Tôn hiện hữu, đức Thế Tôn ngửi hương bằng mũi. Mong muốn và luyến ái của đức Thế Tôn không có, đức Thế Tôn có tâm khéo được giải thoát. Lưỡi của đức Thế Tôn hiện hữu, đức Thế Tôn nếm vị bằng lưỡi. Mong muốn và luyến ái của đức Thế Tôn không có, đức Thế Tôn có tâm khéo được giải thoát. Thân của đức Thế Tôn hiện hữu, đức Thế Tôn xúc chạm bằng thân. Mong muốn và luyến ái của đức Thế Tôn không có, đức Thế Tôn có tâm khéo được giải thoát. Ý của đức Thế Tôn hiện hữu, đức Thế Tôn nhận thức pháp bằng ý. Mong muốn và luyến ái của đức Thế Tôn không có, đức Thế Tôn có tâm khéo được giải thoát.

Mắt có sự thỏa thích ở sắc, thích thú ở sắc, vui thích ở sắc; mắt của đức Thế Tôn đã được rèn luyện, đã được bảo vệ, đã được hộ trì, đã được thu thúc; và Ngài thuyết pháp về sự thu thúc đối với mắt. Tai có sự thỏa thích ở âm thanh, thích thú ở âm thanh, vui thích ở âm thanh… (nt)… Mũi có sự thỏa thích ở hương, thích thú ở hương, vui thích ở hương. Lưỡi có sự thỏa thích ở vị nếm, thích thú ở vị nếm, vui thích ở vị nếm; lưỡi của đức Thế Tôn đã được rèn luyện, đã được bảo vệ, đã được hộ trì, đã được thu thúc; và Ngài thuyết pháp về sự thu thúc đối với lưỡi. Thân có sự thỏa thích ở xúc chạm, thích thú ở xúc chạm, vui thích ở xúc chạm… (nt)... Ý có sự thỏa thích ở pháp, thích thú ở pháp, vui thích ở pháp; ý của đức Thế Tôn đã được rèn luyện, đã được bảo vệ, đã được hộ trì, đã được thu thúc; và Ngài thuyết pháp về sự thu thúc đối với ý.

2. Người ta đưa [ngựa] đã được rèn luyện đến nơi tụ hội. Đức vua cỡi lên [ngựa] đã được rèn luyện. Người đã được rèn luyện chịu đựng lời mắng nhiếc là hạng nhất giữa loài người.

3. Quý báu thay những con lừa đã được thuần hóa, những con ngựa Sindhu thuần chủng và những con voi thuộc loài khổng tượng, người đã tự rèn luyện bản thân là quý báu hơn cả.

4. Bởi vì chẳng phải nhờ vào những cỗ xe ấy mà có thể đi đến nơi chưa đi đến [Niết-bàn], như là nhờ vào bản thân đã khéo được rèn luyện. Do nhờ đã được rèn luyện mà người đã được rèn luyện đi đến [Niết-bàn].

5. Các vị không lay động ở các trạng thái kiêu mạn, đã được thoát khỏi việc sanh ra lần nữa, đã đạt đến lãnh vực của các bậc đã được rèn luyện, các vị ấy là những người chiến thắng ở thế gian.

6. Vị nào có các giác quan đã được tu tập, ở nội phần, ở ngoại phần và ở toàn thể thế gian, sau khi thấu hiểu đời này và đời sau, vị có bản thân đã được tu tập chờ đợi thời điểm, vị ấy là đã được huấn luyện.

Đức Thế Tôn có bản thân đã được tu tập nghĩa là như vậy.

Tôi nghĩ rằng Ngài là bậc đã đạt được sự hiểu biết, có bản thân đã được tu tập. Từ đâu mà các khổ này đã được khởi lên?

Từ đâu mà: Các cụm từ “evannu kho”, “na nu kho”, “kinnu kho”, “kathannu kho” là câu hỏi do ngờ vực, câu hỏi do nhầm lẫn, câu hỏi vì hai nghĩa, câu hỏi do không dứt khoát. “Từ đâu mà” là như thế.

Các khổ: Là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ do sầu-bi-khổ-ưu-não, khổ ở địa ngục, khổ ở loài thú, khổ ở thân phận ngạ quỷ, khổ của loài người, khổ bắt nguồn từ việc nhập thai, khổ bắt nguồn từ việc trụ thai, khổ bắt nguồn từ việc ra khỏi thai, khổ gắn liền sau khi sanh ra, khổ do kẻ khác áp đặt sau khi sanh ra, khổ do sự ra sức của bản thân, khổ do sự ra sức của kẻ khác, khổ do [thọ] khổ, khổ do pháp tạo tác, khổ do sự biến đổi; bệnh ở mắt, bệnh ở tai trong, bệnh ở mũi, bệnh ở lưỡi, bệnh ở thân, bệnh ở đầu, bệnh ở lỗ tai, bệnh ở miệng, bệnh ở răng, ho, suyễn, sổ mũi, nhiệt, cảm sốt, đau bụng, xây xẩm, kiết lỵ, đau bụng bão, dịch tả, phong cùi, khối u, bệnh chàm, lao phổi, động kinh, mụt, nhọt, ghẻ ngứa, sảy, loét tay chân, máu và mật, bệnh tiểu đường, bệnh trĩ, ghẻ lở, loét hậu môn, bệnh phát khởi từ mật, bệnh phát khởi từ đàm, bệnh phát khởi từ gió, bệnh tổng hợp do mật-đàm-gió, bệnh sanh lên vì thay đổi thời tiết, bệnh sanh lên vì bốn oai nghi không đồng đều, bệnh thuộc dạng cấp tính, bệnh sanh lên vì quả của nghiệp, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, các xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát là khổ, cái chết của mẹ là khổ, cái chết của cha là khổ, cái chết của anh [em] trai là khổ, cái chết của chị [em] gái là khổ, cái chết của con trai là khổ, cái chết của con gái là khổ, sự tổn hại về thân quyến là khổ, [sự tổn hại vì bệnh tật là khổ] sự tổn hại về của cải là khổ, sự tổn hại về giới là khổ, sự tổn hại về kiến thức là khổ, đối với những pháp nào có sự khởi lên ban đầu được nhận biết, có sự diệt tận lúc biến mất được nhận biết, có quả thành tựu nương vào hành động, có hành động nương vào quả thành tựu, có sắc nương vào danh, có danh nương vào sắc, bị theo sau bởi sanh, bị đeo đuổi bởi già, bị thống trị bởi bệnh, bị hành hạ bởi chết, được thiết lập ở khổ, là không nơi nương tựa, là không nơi trú ẩn, là không nơi nương nhờ, có trạng thái không nơi nương nhờ; các điều này được gọi là khổ.

Vị ấy hỏi về nguồn gốc, hỏi về nhân, hỏi về căn nguyên, hỏi về nguồn xuất phát, hỏi về nguồn sanh khởi, hỏi về nguồn phát khởi, hỏi về yếu tố nuôi dưỡng, hỏi về đối tượng, hỏi về duyên khởi, hỏi về nhân sanh khởi của các khổ này: “Các khổ này khởi lên từ đâu, sanh ra từ đâu, sanh khởi từ đâu, hạ sanh từ đâu, phát sanh từ đâu, xuất hiện từ đâu, có cái gì là căn nguyên, có cái gì là nhân sanh khởi, có cái gì là mầm sanh khởi, có cái gì là nguồn sanh khởi?” Vị ấy chất vấn, yêu cầu, thỉnh cầu, đặt niềm tin.

“Từ đâu mà các khổ này đã được khởi lên?” là như thế.

Bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức.

Bất kể loại nào: Là tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, cụm từ “ye keci” này là lối nói của sự bao gồm.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.

Với nhiều hình thức: Các khổ có nhiều loại, có những kiểu cách khác nhau.

“Bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Mettagū nói rằng:] “Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này. Tôi nghĩ rằng Ngài là bậc đã đạt được sự hiểu biết, có bản thân đã được tu tập. Từ đâu mà các khổ này đã được khởi lên, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức?”

4.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū] quả thật ngươi đã hỏi Ta về nguồn sanh khởi của khổ. Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như điều Ta nhận biết. Các khổ phát khởi đều có căn nguyên là mầm tái sanh, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức.”

Quả thật ngươi đã hỏi Ta về nguồn sanh khởi của khổ.

Của khổ: Của khổ sanh, của khổ già, của khổ bệnh, của khổ chết, của khổ do sầu-bi-khổ-ưu-não.

Ngươi đã hỏi về nguồn sanh khởi: Ngươi hỏi về nguồn gốc, ngươi hỏi về nhân, ngươi hỏi về căn nguyên, ngươi hỏi về nguồn xuất phát, ngươi hỏi về nguồn sanh khởi, ngươi hỏi về nguồn phát khởi, ngươi hỏi về yếu tố nuôi dưỡng, ngươi hỏi về đối tượng, ngươi hỏi về duyên khởi, ngươi hỏi về nhân sanh khởi của khổ, ngươi yêu cầu, ngươi thỉnh cầu, ngươi đặt niềm tin.

“Quả thật ngươi đã hỏi Ta về nguồn sanh khởi của khổ” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Mettagū: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Mettagū” là như thế.

Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như điều Ta nhận biết.

Điều ấy: Ta sẽ tuyên thuyết về nguồn gốc, Ta sẽ tuyên thuyết về nhân, Ta sẽ tuyên thuyết về căn nguyên, Ta sẽ tuyên thuyết về nguồn xuất phát, Ta sẽ tuyên thuyết về nguồn sanh khởi, Ta sẽ tuyên thuyết về nguồn phát khởi, Ta sẽ tuyên thuyết về yếu tố nuôi dưỡng, Ta sẽ tuyên thuyết về đối tượng, Ta sẽ tuyên thuyết về duyên khởi, Ta sẽ tuyên thuyết về nhân sanh khởi của khổ, Ta sẽ chỉ dạy, Ta sẽ chỉ bảo, Ta sẽ thông báo, Ta sẽ ấn định, Ta sẽ khai mở, Ta sẽ chia sẻ, Ta sẽ làm rõ, Ta sẽ bày tỏ. “Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi” là như thế.

Theo như điều Ta nhận biết: Theo như điều Ta đang nhận biết, đang hiểu, đang nhận thức, đang thừa nhận, đang thấu triệt, không do nghe lời đồn đãi, không do nghe nói như thế, không do sự truyền thừa, không do sự thành tựu của việc thu thập kiến thức, không do nhân suy nghĩ, không do nhân suy luận, không do suy đoán theo biểu hiện, không do sự suy xét và chấp nhận về quan điểm, Ta sẽ thuyết giảng cho ngươi về pháp đã được chính bản thân biết rõ, đã được tự thân quán xét lại.

“Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như điều Ta nhận biết” là như thế.

Các khổ phát khởi đều có căn nguyên là mầm tái sanh.

Mầm tái sanh: Có mười mầm tái sanh: Tham ái là mầm tái sanh, tà kiến là mầm tái sanh, ô nhiễm [luyến ái, sân hận, v.v...] là mầm tái sanh, nghiệp [thiện, ác] là mầm tái sanh, uế hạnh [về thân, khẩu, ý] là mầm tái sanh, yếu tố nuôi dưỡng [bốn loại vật thực] là mầm tái sanh, bất bình là mầm tái sanh, bốn nguyên tố [đất, nước, lửa, gió] đã được chấp thủ là mầm tái sanh, sáu nội xứ là mầm tái sanh, sáu nhóm thức là mầm tái sanh; tất cả các khổ với ý nghĩa khó chịu đựng là mầm tái sanh; các điều này được gọi là mười mầm tái sanh.

Các khổ: Là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ do sầu-bi-khổ-ưu-não, khổ ở địa ngục,… (nt)… sự tổn hại về kiến thức là khổ, đối với những pháp nào có sự khởi lên ban đầu được nhận biết, có sự diệt tận lúc biến mất được nhận biết, có quả thành tựu nương vào hành động, có hành động nương vào quả thành tựu, có sắc nương vào danh, có danh nương vào sắc, bị theo sau bởi sanh, bị đeo đuổi bởi già, bị thống trị bởi bệnh, bị hành hạ bởi chết, được thiết lập ở khổ, là không nơi nương tựa, là không nơi trú ẩn, là không nơi nương nhờ, có trạng thái không nơi nương nhờ, các điều này được gọi là khổ. Các khổ này phát khởi, xuất phát, sanh ra, sanh khởi, hạ sanh, xuất hiện, có mầm tái sanh là căn nguyên, có mầm tái sanh là nhân, có mầm tái sanh là duyên, có mầm tái sanh là lý do.

“Các khổ phát khởi đều có căn nguyên là mầm tái sanh” là như thế.

Bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức.

Bất kể loại nào: Tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, cụm từ “ye keci” này là lối nói của sự bao gồm.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.

Với nhiều hình thức: Các khổ có nhiều loại, có những kiểu cách khác nhau.

“Bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū] quả thật ngươi đã hỏi Ta về nguồn sanh khởi của khổ. Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như điều Ta nhận biết. Các khổ phát khởi đều có căn nguyên là mầm tái sanh, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức.”

4.3. “Thật vậy, kẻ nào [do] không có sự hiểu biết rồi tạo ra mầm tái sanh, là kẻ ngu [sẽ] đi đến khổ lần này rồi lần khác. Vì thế, người có sự quán xét về sự sanh ra và phát khởi của khổ, trong khi biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.”

Thật vậy, kẻ nào [do] không có sự hiểu biết rồi tạo ra mầm tái sanh.

Kẻ nào: Kẻ nào là người như thế, được gắn bó như thế, được định đặt như thế, có biểu hiện như thế, đã đạt đến địa vị ấy, đã thành tựu phẩm chất ấy, hoặc là vị Sát-đế-lỵ, hoặc là vị Bà-la-môn, hoặc là thương nhân, hoặc là kẻ nô lệ, hoặc là người tại gia, hoặc là vị xuất gia, hoặc là vị thiên nhân, hoặc là người nhân loại.

[Do] không có sự hiểu biết: Không đạt đến kiến thức, không có trí, không có sự rành rẽ, có tuệ tồi.

Rồi tạo ra mầm tái sanh: Tạo ra tham ái là mầm tái sanh, tạo ra tà kiến là mầm tái sanh, tạo ra ô nhiễm là mầm tái sanh, tạo ra nghiệp là mầm tái sanh, tạo ra uế hạnh là mầm tái sanh, tạo ra yếu tố nuôi dưỡng là mầm tái sanh, tạo ra bất bình là mầm tái sanh, tạo ra bốn nguyên tố đã được chấp thủ là mầm tái sanh, tạo ra sáu nội xứ là mầm tái sanh, tạo ra sáu nhóm thức là mầm tái sanh, làm sanh ra, làm sanh khởi, làm hạ sanh.

“Thật vậy, kẻ nào [do] không có sự hiểu biết rồi tạo ra mầm tái sanh” là như thế.

Là kẻ ngu [sẽ] đi đến khổ lần này rồi lần khác.

[Đi đến khổ lần này rồi lần khác:] Là đi đến, tiếp cận, đi đến gần, nắm lấy, bám víu, chấp chặt vào khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ do sầu-bi-khổ-ưu-não lần này rồi lần khác.

Là kẻ ngu: Kẻ ngu là kẻ si mê, không có sự hiểu biết, không đạt đến kiến thức, không có trí, không có sự rành rẽ, có tuệ tồi.

“Là kẻ ngu [sẽ] đi đến khổ lần này rồi lần khác” là như thế.

Vì thế, trong khi biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.

Vì thế: Là bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, trong khi nhìn thấy rõ sự bất lợi như vậy ở các mầm tái sanh. “Vì thế” là như thế.

Trong khi biết: Trong khi nhận biết, trong khi hiểu biết, trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt; trong khi nhận biết, trong khi hiểu biết, trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; trong khi nhận biết, trong khi hiểu biết, trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Không nên tạo ra mầm tái sanh: Không nên tạo ra tham ái là mầm tái sanh, không nên tạo ra tà kiến là mầm tái sanh, không nên tạo ra ô nhiễm là mầm tái sanh, không nên tạo ra nghiệp là mầm tái sanh, không nên tạo ra uế hạnh là mầm tái sanh, không nên tạo ra yếu tố nuôi dưỡng là mầm tái sanh, không nên tạo ra bất bình là mầm tái sanh, không nên tạo ra bốn nguyên tố đã được chấp thủ là mầm tái sanh, không nên tạo ra sáu nội xứ là mầm tái sanh, không nên tạo ra sáu nhóm thức là mầm tái sanh, không nên làm sanh ra, không nên làm sanh khởi, không nên làm hạ sanh, không nên làm phát sanh.

“Vì thế, trong khi biết, không nên tạo ra mầm tái sanh” là như thế.

Của khổ: Của khổ sanh, của khổ già, của khổ bệnh, của khổ chết, của khổ do sầu-bi-khổ-ưu-não.

Người có sự quán xét về sự phát khởi: Có sự quán xét về nguồn gốc, có sự quán xét về nhân, có sự quán xét về căn nguyên, có sự quán xét về nguồn xuất phát, có sự quán xét về nguồn sanh khởi, có sự quán xét về nguồn phát khởi, có sự quán xét về yếu tố nuôi dưỡng, có sự quán xét về đối tượng, có sự quán xét về duyên khởi, có sự quán xét về nhân sanh khởi của khổ. Sự quán xét nói đến có sự nhận biết bằng tuệ, là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến. Người đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã đạt đến, đã tròn đủ, đã thành tựu sự quán xét bằng tuệ này, người ấy gọi là có sự quán xét.

“Người có sự quán xét về sự sanh ra và phát khởi của khổ” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Thật vậy, kẻ nào, [do] không có sự hiểu biết, rồi tạo ra mầm tái sanh, là kẻ ngu, [sẽ] đi đến khổ lần này rồi lần khác. Vì thế, người có sự quán xét về sự sanh ra và phát khởi của khổ, trong khi biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.”

4.4.         “Điều nào chúng tôi đã hỏi Ngài, Ngài đã giải thích cho chúng tôi.

Chúng tôi hỏi Ngài điều khác, vậy xin Ngài hãy trả lời điều ấy.

Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ,

Sanh và già, sầu muộn và than vãn?

Thưa bậc Hiền trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho tôi,

Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.”

Điều nào chúng tôi đã hỏi Ngài, Ngài đã giải thích cho chúng tôi: Điều nào chúng tôi đã hỏi Ngài, chúng tôi đã yêu cầu, chúng tôi đã thỉnh cầu, chúng tôi đã đặt niềm tin.

Ngài đã giải thích cho chúng tôi: [Điều ấy] đã được giải thích, đã được chỉ dạy, đã được chỉ bảo, đã được thông báo, đã được ấn định, đã được khai mở, đã được chia sẻ, đã được làm rõ, đã được bày tỏ.

“Điều nào chúng tôi đã hỏi Ngài, Ngài đã giải thích cho chúng tôi” là như thế.

Chúng tôi hỏi Ngài điều khác, vậy xin Ngài hãy trả lời điều ấy: Chúng tôi hỏi Ngài điều khác, chúng tôi yêu cầu Ngài điều khác, chúng tôi thỉnh cầu Ngài điều khác, chúng tôi đặt niềm tin nơi Ngài điều khác, chúng tôi hỏi Ngài thêm nữa.

Vậy xin Ngài hãy trả lời điều ấy: Vậy xin Ngài hãy nói, Ngài hãy chỉ dạy, Ngài hãy chỉ bảo, Ngài hãy thông báo, Ngài hãy ấn định, Ngài hãy khai mở, Ngài hãy chia sẻ, Ngài hãy làm rõ, Ngài hãy bày tỏ về điều ấy.

“Chúng tôi hỏi Ngài điều khác, vậy xin Ngài hãy trả lời điều ấy” là như thế.

Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ, sanh và già, sầu muộn và than vãn?

Làm thế nào: Các cụm từ “evannu kho”, “na nu kho”, “kinnu kho”, “kathannu kho” là câu hỏi do ngờ vực, câu hỏi do nhầm lẫn, câu hỏi vì hai nghĩa, câu hỏi do không dứt khoát. “Làm thế nào” là như thế.

Các bậc sáng trí: Các bậc sáng trí là các bậc sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

Dòng lũ: Dòng lũ [ngũ] dục, dòng lũ của hữu, dòng lũ tà kiến, dòng lũ vô minh.

Sanh: Sự sanh ra, sự sanh khởi, sự nhập thai, sự phát sanh, sự xuất hiện của các uẩn, sự đạt được các xứ ở từng chủng loại của các chúng sanh này khác.

Già: Sự suy tàn, trạng thái già nua, tình trạng răng long, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ suy giảm, sự hư hoại của những giác quan ở từng chủng loại của các chúng sanh này khác.

Sầu muộn: Sầu muộn là sự buồn rầu, trạng thái buồn phiền, sự sầu muộn ở nội tâm, sự buồn thảm ở nội tâm, sự nóng nảy ở nội tâm, sự bực tức ở nội tâm, nỗi ưu phiền do trạng thái bực bội của tâm, mũi tên sầu muộn của người bị tác động bởi sự tổn hại về thân quyến, bị tác động bởi sự tổn hại về của cải, bị tác động bởi sự tổn hại vì bệnh tật, bị tác động bởi sự suy giảm về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc sự rủi ro khác, hoặc bị tác động bởi sự khổ này hoặc sự khổ khác.

Than vãn: Sự than van, sự than trách, sự than thở, sự than vãn, trạng thái than van, trạng thái than trách, lời nói, nói lảm nhảm, nói huyên thuyên, nói kể lể, lối nói kể lể, trạng thái nói kể lể của người bị tác động bởi sự tổn hại về thân quyến, bị tác động bởi sự tổn hại về của cải, bị tác động bởi sự tổn hại vì bệnh tật, bị tác động bởi sự suy giảm về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc sự rủi ro khác, hoặc bị tác động bởi sự khổ này hoặc sự khổ khác.

Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ, sanh và già, sầu muộn và than vãn? Các bậc sáng trí vượt qua, vượt lên, vượt khỏi, vượt qua hẳn, vượt qua khỏi dòng lũ, sanh và già, khổ đau, sầu muộn và than vãn như thế nào?

“Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ, sanh và già, sầu muộn và than vãn?” là như thế.

Thưa bậc Hiền trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho tôi.

Điều ấy: Là điều tôi hỏi, điều tôi yêu cầu, điều tôi thỉnh cầu, điều tôi đặt niềm tin.

Bậc Hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí, tức là tuệ, là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến. Được thành tựu với trí ấy, đức Thế Tôn đạt đến bản thể hiền trí.

Ba hiền trí hạnh: Hiền trí hạnh về thân, hiền trí hạnh về khẩu, hiền trí hạnh về ý. Hiền trí hạnh về thân là điều nào? Sự dứt bỏ ba loại uế hạnh về thân là hiền trí hạnh về thân, ba loại thiện hạnh về thân là hiền trí hạnh về thân, trí ở đối tượng thân là hiền trí hạnh về thân, sự biết toàn diện về thân là hiền trí hạnh về thân, đạo đồng hành với sự biết toàn diện là hiền trí hạnh về thân, sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái ở thân là hiền trí hạnh về thân, sự chứng đạt tứ thiền có sự diệt của thân hành là hiền trí hạnh về thân; điều này là hiền trí hạnh về thân.

Hiền trí hạnh về khẩu là điều nào? Sự dứt bỏ bốn loại uế hạnh về khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, bốn loại thiện hạnh về khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, trí ở đối tượng khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, sự biết toàn diện về khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, đạo đồng hành với sự biết toàn diện là hiền trí hạnh về khẩu, sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái ở khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, sự chứng đạt nhị thiền có sự diệt của khẩu hành là hiền trí hạnh về khẩu, đạo đồng hành với sự biết toàn diện là hiền trí hạnh về khẩu, sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái ở khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, sự chứng đạt tam thiền có sự diệt của khẩu hành là hiền trí hạnh về khẩu;[1] điều này là hiền trí hạnh về khẩu.

Hiền trí hạnh về ý là điều nào? Sự dứt bỏ ba loại uế hạnh về ý là hiền trí hạnh về ý, ba loại thiện hạnh về ý là hiền trí hạnh về ý, trí ở đối tượng tâm là hiền trí hạnh về ý, sự biết toàn diện về tâm là hiền trí hạnh về ý, đạo đồng hành với sự biết toàn diện là hiền trí hạnh về ý, sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái ở tâm là hiền trí hạnh về ý, sự chứng đạt Diệt thọ tưởng có sự diệt của tâm hành là hiền trí hạnh về ý. Điều này là hiền trí hạnh về ý.

7. [Chư Phật] đã nói về bậc Hiền trí về thân, bậc Hiền trí về khẩu, bậc Hiền trí về ý, bậc không còn lậu hoặc, bậc Hiền trí thành tựu hiền trí hạnh là bậc có sự dứt bỏ tất cả.

8. [Chư Phật] đã nói về bậc Hiền trí về thân, bậc Hiền trí về khẩu, bậc Hiền trí về ý, bậc không còn lậu hoặc, bậc Hiền trí thành tựu hiền trí hạnh là bậc có điều ác đã được rửa sạch.

Được thành tựu ba pháp hiền trí hạnh này là sáu hạng hiền trí: Các bậc Hiền trí tại gia, các bậc Hiền trí xuất gia, các bậc Hiền trí Hữu học, các bậc Hiền trí Vô học, các bậc Hiền trí Độc Giác, các bậc Hiền trí của các bậc Hiền trí.

Các bậc Hiền trí tại gia là các hạng nào? Những người tại gia đã thấy Niết-bàn, đã nhận thức giáo pháp, là các bậc Hiền trí tại gia. Các bậc Hiền trí xuất gia là các hạng nào? Những vị xuất gia đã thấy Niết-bàn, đã nhận thức giáo pháp, là các bậc Hiền trí xuất gia. Bảy hạng Hữu học là các bậc Hiền trí Hữu học. Các vị A-la-hán là các bậc Hiền trí Vô học. Các vị Phật Độc Giác là các bậc Hiền trí Độc Giác. Các đức Như Lai, A-la-hán Chánh Đẳng Giác là các bậc Hiền trí của các bậc Hiền trí.

9. Không phải do trạng thái im lặng mà kẻ có bộ dạng khờ khạo, ngu dốt trở thành bậc Hiền trí. Nhưng người nào, tựa như người cầm lấy cái cân rồi chọn lấy vật quý giá, là người sáng suốt.

10. Người lánh xa hẳn các điều ác, người ấy là bậc Hiền trí, do việc ấy người ấy trở thành bậc Hiền trí. Người nào hiểu rõ cả hai thế giới [nội tâm và ngoại cảnh], do việc ấy được gọi là bậc Hiền trí.

11. Vị biết được bản chất của những kẻ xấu và của những người tốt, nội phần và ngoại phần, ở tất cả thế gian, vị được tôn vinh bởi chư thiên và nhân loại, vị đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới [tham ái và tà kiến], vị ấy là bậc Hiền trí.

Xin Ngài hãy giảng rõ tường tận: Xin Ngài hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ điều ấy một cách tường tận.

“Thưa bậc Hiền trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho tôi” là như thế.

Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể: Bởi vì pháp này đã được biết, đã được cân nhắc, đã được xác định, đã được rõ rệt, đã được minh định bởi Ngài đúng theo bản thể.

“Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Điều nào chúng tôi đã hỏi Ngài, Ngài đã giải thích cho chúng tôi.
Chúng tôi hỏi Ngài điều khác, vậy xin Ngài hãy trả lời điều ấy.
Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ,
Sanh và già, sầu muộn và than vãn?
Thưa bậc Hiền trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho tôi,
Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.”

4.5.         [Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū]
              Ta sẽ giải thích cho ngươi giáo pháp,
              Về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại.
              Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
              Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

Ta sẽ giải thích cho ngươi giáo pháp.

Giáo pháp: Ta sẽ giải thích, Ta sẽ chỉ dạy, Ta sẽ chỉ bảo, Ta sẽ thông báo, Ta sẽ ấn định, Ta sẽ khai mở, Ta sẽ chia sẻ, Ta sẽ làm rõ, Ta sẽ bày tỏ toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, [gồm có] bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, Niết-bàn, và sự thực hành đưa đến Niết-bàn.

“Ta sẽ giải thích cho ngươi giáo pháp” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Mettagū: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại.

Về pháp đã được thấy:[2] Về pháp đã được thấy, về pháp đã được biết, về pháp đã được cân nhắc, về pháp đã được xác định, về pháp đã được rõ rệt, về pháp đã được minh định; về pháp đã được thấy, về pháp đã được biết, về pháp đã được cân nhắc, về pháp đã được xác định, về pháp đã được rõ rệt, về pháp đã được minh định rằng: “Tất cả các hành là vô thường”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” “Về pháp đã được thấy” là như vậy.

Hoặc là, Ta sẽ giải thích về khổ ở khổ đã được thấy, Ta sẽ giải thích về tập ở nhân sanh khởi đã được thấy, Ta sẽ giải thích về diệt ở sự diệt tận đã được thấy, Ta sẽ giải thích về đạo ở đạo lộ đã được thấy.[3] “Về pháp đã được thấy” còn là như vậy. Hoặc là, về pháp đã được thấy là pháp hoàn toàn hiển nhiên, không bị chi phối bởi thời gian, hãy đến và hãy thấy, có khả năng dẫn dắt về hướng [Niết-bàn], và nên được hiểu biết tự cá nhân bởi các bậc trí tuệ. “Về pháp đã được thấy” còn là như vậy.

Không phải do nghe nói lại: Ta sẽ thuyết giảng cho ngươi về pháp đã được chính bản thân biết rõ, đã được tự thân quán xét, không do nghe lời đồn đãi, không do nghe nói như thế, không do sự truyền thừa, không do sự thành tựu của việc thu thập kiến thức, không do nhân suy nghĩ, không do nhân suy luận, không do suy đoán theo biểu hiện, không do sự suy xét và chấp nhận về quan điểm.

“Về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại” là như thế.

Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống: Sau khi làm cho pháp ấy được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Vị có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt)… vị ấy được gọi là có niệm.

Trong khi sống: Là trong khi thực hành, trong khi trú ngụ, trong khi sinh hoạt, trong khi vận hành, trong khi bảo hộ, trong khi nuôi dưỡng, trong khi bảo dưỡng.

“Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống” là như thế.

Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.

Sự vướng mắc: Sự vướng mắc với ý nghĩa gì? “Được trải rộng” là vướng mắc, “bao quát” là vướng mắc, “được lan rộng” là vướng mắc, “nó lôi kéo theo” là vướng mắc, “nó mang lại chất độc” là vướng mắc, “truyền bá chất độc” là vướng mắc, “gốc rễ của chất độc” là vướng mắc, “kết quả của chất độc” là vướng mắc, “sự thọ dụng độc hại” là vướng mắc. Hoặc hơn nữa, “tham ái ấy là bao quát ở sắc, ở thinh, ở hương, ở vị, ở xúc, ở gia tộc, ở đồ chúng, ở chỗ ngụ, ở lợi lộc, ở danh vọng, ở lời khen, ở hạnh phúc, ở y phục, ở đồ ăn khất thực, ở chỗ nằm ngồi, ở vật dụng là thuốc men chữa bệnh, ở dục giới, ở sắc giới, ở vô sắc giới, ở cõi dục, ở cõi sắc, ở cõi vô sắc, ở cõi hữu tưởng, ở cõi vô tưởng, ở cõi phi tưởng phi phi tưởng, ở cõi một uẩn, ở cõi bốn uẩn, ở cõi năm uẩn, ở quá khứ, ở vị lai, ở hiện tại, ở các pháp đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, được trải rộng, được lan rộng” là vướng mắc.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.

Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc này là ở ngay tại thế gian. Vị có niệm có thể vượt qua, có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi sự vướng mắc này ở ngay tại thế gian.

“Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū]
Ta sẽ giải thích cho ngươi giáo pháp,
Về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại.
Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

4.6.         Và tôi thích thú về điều ấy,
               Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về giáo pháp tối thượng.
               Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
               Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.

Và tôi thích thú về điều ấy.

Về điều ấy: Là lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời chỉ dạy, lời khuyên bảo của Ngài.

Tôi thích thú: Tôi vui thích, tôi vui mừng, tôi tùy hỷ, tôi ước muốn, tôi ưng thuận, tôi yêu cầu, tôi ước nguyện, tôi mong cầu, tôi nguyện cầu.

“Và tôi thích thú về điều ấy” là như thế.

Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về giáo pháp tối thượng.

Bậc Đại Ẩn Sĩ: Đức Thế Tôn là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu giới uẩn lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu định uẩn lớn lao… tuệ uẩn lớn lao… giải thoát uẩn lớn lao… giải thoát tri kiến uẩn[4] lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ.

 “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự phá tan khối tăm tối lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự phá vỡ điều trái khuấy lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự nhổ lên mũi tên tham ái lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự tháo tung mối rối rắm tà kiến lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự xô ngã ngọn cờ ngã mạn lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự vắng lặng pháp tạo tác lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự thoát khỏi dòng lũ lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự quăng bỏ gánh nặng lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự cắt đứt vòng quay luân hồi lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu việc dập tắt sự nóng nảy lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu việc tịch tịnh sự bực bội lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu việc nâng lên ngọn cờ giáo pháp lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu các sự thiết lập niệm lớn lao… các chánh cần lớn lao… các nền tảng của thần thông lớn lao… các quyền lớn lao… các lực lớn lao… các yếu tố đưa đến giác ngộ lớn lao… đạo lộ Thánh thiện tám chi phần lớn lao… lợi ích tối thượng lớn lao, bất tử, Niết-bàn” là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị được tầm cầu, được tìm tòi, được tìm kiếm bởi các chúng sanh có uy lực lớn lao [hỏi rằng]: Đức Phật ngự ở đâu? Đức Thế Tôn ngự ở đâu? Chúa của chư thiên ngự ở đâu? Đấng Nhân Ngưu ngự ở đâu?” là bậc Đại Ẩn Sĩ.

Về giáo pháp tối thượng: Giáo pháp tối thượng nói đến bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn.

Tối thượng: Là giáo pháp cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý.

“Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về giáo pháp tối thượng” là như thế.

Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống: Sau khi làm cho pháp ấy được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; sau khi làm cho được hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Tất cả các pháp là vô ngã”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Vị có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thọ trên các thọ,… (nt)… ở việc quan sát tâm trên tâm,… (nt)… ở việc quan sát pháp trên các pháp, vị ấy được gọi là có niệm.

Trong khi sống: Là trong khi thực hành, trong khi trú ngụ, trong khi sinh hoạt, trong khi vận hành, trong khi bảo hộ, trong khi nuôi dưỡng, trong khi bảo dưỡng.

“Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống” là như thế.

Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.

Sự vướng mắc: Sự vướng mắc với ý nghĩa gì?… (nt)… “được trải rộng, được lan rộng” là vướng mắc.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh,… (nt)… ở thế gian của các xứ.

Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian: Sự vướng mắc này là ở ngay tại thế gian. Vị có niệm có thể vượt qua, có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi sự vướng mắc này ở ngay tại thế gian.

“Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Và tôi thích thú về điều ấy,
Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về giáo pháp tối thượng.
Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”

4.7. [Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū] bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa, ngươi hãy xua đi sự vui thích, sự chấp chặt, và tâm thức liên quan đến các pháp ấy; không nên trụ lại ở hữu.”

Bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết: Bất cứ điều nào mà ngươi nhận biết, ngươi hiểu, ngươi nhận thức, ngươi thừa nhận, ngươi thấu triệt.

“Bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Mettagū: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Mettagū” là như thế.

Bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa.

Bên trên là nói đến thời tương lai, bên dưới là nói đến thời quá khứ, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là thời hiện tại.

Bên trên là thế giới chư thiên, bên dưới là thế giới địa ngục, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là thế giới loài người. Hoặc là, bên trên là các pháp thiện, bên dưới là các pháp bất thiện, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là các pháp vô ký.

Bên trên là vô sắc giới, bên dưới là dục giới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là sắc giới.

Bên trên là cảm thọ lạc, bên dưới là cảm thọ khổ, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là cảm thọ không khổ không lạc.

Bên trên là từ lòng bàn chân trở lên, bên dưới là từ đỉnh ngọn tóc trở xuống, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là ở chính giữa.

“Bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa” là như thế.

Ngươi hãy xua đi sự vui thích, sự chấp chặt, và tâm thức liên quan đến các pháp ấy; không nên trụ lại ở hữu.

Liên quan đến các pháp ấy: Liên quan đến các pháp đã được chỉ dạy, đã được chỉ bảo, đã được thông báo, đã được ấn định, đã được khai mở, đã được chia sẻ, đã được làm rõ, đã được bày tỏ.

Sự vui thích: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.

Sự chấp chặt: Có hai sự chấp chặt: Chấp chặt do tham ái và chấp chặt do tà kiến. Điều nào là chấp chặt do tham ái? Cho đến… (nt)… bởi cái gọi là tham ái rằng:… (nt)… điều này là chấp chặt do tham ái. Điều nào là chấp chặt do tà kiến? Thân kiến có hai mươi nền tảng,… (nt)… điều này là chấp chặt do tà kiến.

Ngươi hãy xua đi tâm thức: Ngươi hãy xóa đi, hãy đuổi đi, hãy xóa tan, hãy xua tan, hãy từ bỏ, hãy dứt bỏ, hãy xua đi, hãy làm chấm dứt, hãy làm cho không còn hiện hữu thức đi cùng với phúc hành, thức đi cùng với phi phúc hành, thức đi cùng với bất động hành.[5] “Ngươi hãy xua đi sự vui thích, sự chấp chặt, và tâm thức liên quan đến các pháp ấy” là như thế.

Không nên trụ lại ở hữu.

Hữu: Có hai sự hiện hữu: Sự hiện hữu do nghiệp và sự hiện hữu lần nữa liên quan đến việc nối liền tái sanh. Cái nào là sự hiện hữu do nghiệp? Phúc hành, phi phúc hành, bất động hành,[6] cái này là sự hiện hữu do nghiệp. Cái nào là sự hiện hữu lần nữa liên quan đến việc nối liền tái sanh? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức liên quan đến việc nối liền tái sanh, cái này là sự hiện hữu lần nữa liên quan đến việc nối liền tái sanh.

Không nên trụ lại ở hữu: Trong khi dứt bỏ, trong khi xua đi, trong khi làm chấm dứt, trong khi làm cho không còn hiện hữu sự vui thích, sự chấp chặt, thức đi cùng với các sự tạo tác, sự hiện hữu do nghiệp, và sự hiện hữu lần nữa liên quan đến việc nối liền tái sanh, không nên trụ lại ở sự hiện hữu do nghiệp, không nên trụ lại ở sự hiện hữu lần nữa liên quan đến việc nối liền tái sanh, không nên trụ vững.

“Ngươi hãy xua đi tâm thức liên quan đến các pháp này; không nên trụ lại ở hữu” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū] bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa, ngươi hãy xua đi sự vui thích, sự chấp chặt, và tâm thức liên quan đến các pháp ấy; không nên trụ lại ở hữu.”

4.8.         An trú như vậy, có niệm, không xao lãng,
               Vị Tỳ-khưu, trong khi sống, sau khi từ bỏ các vật đã được chấp là của ta,
               Là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau
               Sanh, già, sầu muộn và than vãn.

An trú như vậy, có niệm, không xao lãng.

An trú như vậy: Trong khi dứt bỏ, trong khi xua đi, trong khi làm chấm dứt, trong khi làm cho không còn hiện hữu sự vui thích, sự chấp chặt, thức đi cùng với các sự tạo tác, sự hiện hữu do nghiệp, và sự hiện hữu lần nữa liên quan đến việc nối liền tái sanh. “An trú như vậy” là như thế.

Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân… (nt)… vị ấy được gọi là có niệm.

Không xao lãng: Là có sự thực hành nghiêm trang, có sự thực hành liên tục, có sự thực hành không ngừng nghỉ, có thói quen không biếng nhác, không buông bỏ mong muốn, không buông bỏ bổn phận, không bị xao lãng trong các thiện pháp, [nghĩ rằng:] “Bằng cách nào ta có thể làm đầy đủ giới uẩn chưa được đầy đủ, hoặc có thể bảo vệ giới uẩn đã được đầy đủ tại chỗ kia, tại chỗ nọ bằng trí tuệ?” Điều này, trong trường hợp ấy, là sự mong muốn, sự cần cù, sự gắng sức, sự ráng sức, sự không thối chí, niệm, sự nhận biết rõ, sự nhiệt tâm, sự cần mẫn, sự quyết tâm, sự chuyên cần không bị xao lãng, sự không xao lãng trong các thiện pháp, [nghĩ rằng:] “Bằng cách nào ta có thể làm đầy đủ định uẩn… (nt)… tuệ uẩn… (nt)… giải thoát uẩn… (nt)… giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ, hoặc có thể bảo vệ giải thoát tri kiến uẩn đã được đầy đủ tại chỗ kia, tại chỗ nọ bằng trí tuệ?” Điều này, trong trường hợp ấy, là sự mong muốn, sự cần cù, sự gắng sức, sự ráng sức, sự không thối chí, niệm, sự nhận biết rõ, sự nhiệt tâm, sự cần mẫn, sự quyết tâm, sự chuyên cần không bị xao lãng, sự không xao lãng trong các thiện pháp, [nghĩ rằng:] “Bằng cách nào ta có thể biết toàn diện về khổ chưa được biết toàn diện, hoặc có thể dứt bỏ các ô nhiễm chưa được dứt bỏ, hoặc tu tập đạo chưa được tu tập, hoặc chứng ngộ diệt chưa được chứng ngộ?” Điều này, trong trường hợp ấy, là sự mong muốn, sự cần cù, sự gắng sức, sự ráng sức, sự không thối chí, niệm, sự nhận biết rõ, sự nhiệt tâm, sự cần mẫn, sự quyết tâm, sự chuyên cần không bị xao lãng, sự không xao lãng trong các thiện pháp.

“An trú như vậy, có niệm, không xao lãng” là như thế.

Vị Tỳ-khưu, trong khi sống, sau khi từ bỏ các vật đã được chấp là của ta.

Vị Tỳ-khưu: Là vị Tỳ-khưu phàm nhân tốt lành hoặc vị Tỳ-khưu là bậc Hữu học.

Trong khi sống: Là trong khi thực hành, trong khi trú ngụ, trong khi sinh hoạt, trong khi vận hành, trong khi bảo hộ, trong khi nuôi dưỡng, trong khi bảo dưỡng.

Các vật đã được chấp là của ta: Có hai trạng thái chấp là của ta: Trạng thái chấp là của ta do tham ái và trạng thái chấp là của ta do tà kiến. … (nt)… điều này là trạng thái chấp là của ta do tham ái. … (nt)… điều này là trạng thái chấp là của ta do tà kiến. Sau khi dứt bỏ trạng thái chấp là của ta do tham ái, sau khi buông bỏ trạng thái chấp là của ta do tà kiến, sau khi từ bỏ, sau khi phế bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi buông bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu các trạng thái chấp là của ta.

“Vị Tỳ-khưu, trong khi sống, sau khi từ bỏ các vật đã được chấp là của ta” là như thế.

Là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau, sanh, già, sầu muộn và than vãn.

Sanh: Sự sanh ra, sự sanh khởi, sự nhập thai, sự phát sanh, sự xuất hiện của các uẩn, sự đạt được các xứ ở từng chủng loại của các chúng sanh này khác.

Già: Sự suy tàn, trạng thái già nua, tình trạng răng long, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ suy giảm, sự hư hoại của những giác quan ở từng chủng loại của các chúng sanh này khác.

Sầu muộn: [Sầu muộn là sự buồn rầu]… (nt)… của người bị tác động bởi sự tổn hại về thân quyến,… (nt)...

Than vãn: Là sự… (nt)… của người bị tác động bởi sự tổn hại về thân quyến,… (nt)...

Tại nơi này: Ở quan điểm này,… (nt)… ở thế giới này.

Vị hiểu biết: Vị đã đạt đến kiến thức, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

Khổ đau: Là khổ sanh,… (nt)… khổ do ưu não.

Là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau, sanh, già, sầu muộn và than vãn: Vị đã đạt đến kiến thức, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ, có thể xua đi, có thể làm chấm dứt, có thể làm cho không còn hiện hữu sanh, già, sầu muộn, than vãn và khổ đau.

“Là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau, sanh, già, sầu muộn và than vãn” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“An trú như vậy, có niệm, không xao lãng,
Vị Tỳ-khưu, trong khi sống, sau khi từ bỏ các vật đã được chấp là của ta,
Là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau,
Sanh, già, sầu muộn và than vãn.”

4.9. Tôi thích thú lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ, thưa Ngài Gotama, trạng thái không liên quan đến mầm tái sanh đã khéo được trình bày, bởi vì đức Thế Tôn đương nhiên đã dứt bỏ khổ, bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.

Tôi thích thú lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ.

[Điều] này: Là lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời khuyên bảo của Ngài.

Tôi thích thú: Tôi vui thích, tôi thích thú, tôi vui mừng, tôi tùy hỷ, tôi ước muốn, tôi ưng thuận, tôi ước nguyện, tôi mong cầu, tôi nguyện cầu.

Của bậc Đại Ẩn Sĩ: Đức Thế Tôn là bậc Đại Ẩn Sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu giới uẩn lớn lao” là bậc Đại Ẩn Sĩ. … (nt)… “đấng Nhân Ngưu ngự ở đâu?” là bậc Đại Ẩn Sĩ.

“Tôi thích thú lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ” là như thế.

Thưa Ngài Gotama, trạng thái không liên quan đến mầm tái sanh đã khéo được trình bày.

Đã khéo được trình bày: Đã được trình bày khéo léo, đã được chỉ dạy khéo léo, đã được chỉ bảo khéo léo, đã được thông báo khéo léo, đã được ấn định khéo léo, đã được khai mở khéo léo, đã được chia sẻ khéo léo, đã được làm rõ khéo léo, đã được bày tỏ khéo léo. “Đã khéo được trình bày” là như thế.

Thưa Ngài Gotama, trạng thái không liên quan đến mầm tái sanh: Mầm tái sanh nói đến các ô nhiễm, các uẩn và các sự tạo tác. Sự dứt bỏ mầm tái sanh, sự vắng lặng mầm tái sanh, sự buông bỏ mầm tái sanh, sự tịch tịnh mầm tái sanh là bất tử, Niết-bàn.

“Thưa Ngài Gotama, trạng thái không liên quan đến mầm tái sanh đã khéo được trình bày” là như thế.

Bởi vì đức Thế Tôn đương nhiên đã dứt bỏ khổ.

Đương nhiên: Từ “addhā” này là lời nói nhất định, lời nói không ngờ vực, lời nói không nghi ngờ, lời nói không hai nghĩa, lời nói không gây ra sự lưỡng lự, lời nói bảo đảm, lời nói không sai trái, lời nói khẳng định.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

Đã dứt bỏ khổ: Ngài đã dứt bỏ, đã dứt trừ, đã xua đi, đã làm chấm dứt, đã làm cho không còn hiện hữu khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ do sầu-bi-khổ-ưu-não.

“Bởi vì đức Thế Tôn đương nhiên đã dứt bỏ khổ” là như thế.

Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể: Bởi vì pháp này đã được biết, đã được cân nhắc, đã được xác định, đã được rõ rệt, đã được minh định bởi Ngài đúng theo bản thể.

“Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Tôi thích thú lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ, thưa Ngài Gotama, trạng thái không liên quan đến mầm tái sanh đã khéo được trình bày, bởi vì đức Thế Tôn đương nhiên đã dứt bỏ khổ, bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.”

4.10. Những người nào, thưa bậc Hiền trí, được Ngài giáo huấn không ngừng nghỉ, luôn cả những người ấy chắc chắn có thể dứt bỏ khổ đau. Vì thế, thưa bậc Long Tượng, sau khi gặp Ngài, con[7] xin kính lễ Ngài. Mong sao đức Thế Tôn sẽ giáo huấn con không ngừng nghỉ.

Luôn cả những người ấy chắc chắn có thể dứt bỏ khổ đau.

Luôn cả những người ấy: Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các người tại gia, các vị xuất gia, chư thiên và loài người.

Có thể dứt bỏ khổ đau: Họ có thế dứt bỏ, có thể xua đi, có thể làm chấm dứt, có thể làm cho không còn hiện hữu khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ do sầu-bi-khổ-ưu-não.

“Luôn cả những người ấy chắc chắn có thể dứt bỏ khổ đau” là như thế.

Những người nào, thưa bậc Hiền trí, được Ngài giáo huấn không ngừng nghỉ.

Những người nào: Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các người tại gia, các vị xuất gia, chư thiên và loài người.

Ngài: Nói đến đức Thế Tôn.

Bậc Hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí,… (nt)… đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới [tham ái và tà kiến], vị ấy là bậc Hiền trí.

Giáo huấn không ngừng nghỉ: Là có thể giáo huấn không ngừng nghỉ, có thể giáo huấn một cách nghiêm trang, có thể giáo huấn thường xuyên, có thể giáo huấn, có thể chỉ dạy lần này đến lần khác.

“Những người nào, thưa bậc Hiền trí, được Ngài giáo huấn không ngừng nghỉ” là như thế.

Vì thế, thưa bậc Long Tượng,[8] sau khi gặp Ngài, con xin kính lễ Ngài.

Ngài: Nói đến đức Thế Tôn.

Con xin kính lễ: Con kính lễ bằng thân, hoặc con kính lễ bằng lời nói, hoặc con kính lễ bằng tâm, hoặc con kính lễ với sự thực hành thuận theo đạo lý, hoặc con kính lễ với sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, con thể hiện sự trọng vọng, con thể hiện sự cung kính, con sùng bái, con cúng dường.

Sau khi gặp: Là sau khi biết, sau khi thấu hiểu, sau khi gặp mặt, sau khi đi đến bên cạnh, con trực tiếp kính lễ Ngài.

Bậc Long Tượng: bậc Long Tượng là [nói đến] đức Thế Tôn. “Vị không làm điều tội lỗi” là bậc Long Tượng, “vị không đi đến” là bậc Long Tượng, “vị không trở về” là bậc Long Tượng. “Đức Thế Tôn không làm điều tội lỗi” là bậc Long Tượng nghĩa là thế nào? Điều tội lỗi nói đến các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai.

12. [Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya] vị không làm bất cứ điều tội lỗi nào ở thế gian, sau khi tháo gỡ tất cả các sự ràng buộc [và] các sự trói buộc, không bám víu vào bất cứ nơi đâu, đã được giải thoát, bậc Long Tượng, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc Tự Tại’.[9]

“Đức Thế Tôn không làm điều tội lỗi” là bậc Long Tượng nghĩa là như vậy.

“Đức Thế Tôn không đi đến” là bậc Long Tượng nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn không đi đến sự thiên vị vì mong muốn, không đi đến sự thiên vị vì sân hận, không đi đến sự thiên vị vì si mê, không đi đến sự thiên vị vì sợ hãi, không đi đến do tác động của luyến ái, không đi đến do tác động của sân hận, không đi đến do tác động của si mê, không đi đến do tác động của ngã mạn, không đi đến do tác động của tà kiến, không đi đến do tác động của phóng dật, không đi đến do tác động của hoài nghi, không đi đến do tác động của pháp tiềm ẩn, không bị đưa đi, không bị dẫn đi, không bị lôi đi, không bị mang đi bởi các pháp có tính chất phe nhóm. “Đức Thế Tôn không đi đến” là bậc Long Tượng nghĩa là như vậy.

 “Đức Thế Tôn không trở về” là bậc Long Tượng nghĩa là thế nào? Các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Nhập lưu, các ô nhiễm ấy không đi về lại, không quay trở lại, không quay về lại. Các ô nhiễm nào đã được dứt bỏ bởi đạo Nhất lai… bởi đạo Bất lai… bởi đạo A-la-hán, các ô nhiễm ấy không đi về lại, không quay trở lại, không quay về lại. “Đức Thế Tôn không trở về” là bậc Long Tượng nghĩa là như vậy.

“Vì thế, thưa bậc Long Tượng, sau khi gặp Ngài, con xin kính lễ Ngài” là như thế.

Mong sao đức Thế Tôn sẽ giáo huấn con không ngừng nghỉ: Mong sao đức Thế Tôn có thể giáo huấn con không ngừng nghỉ, có thể giáo huấn một cách nghiêm trang, có thể giáo huấn thường xuyên, có thể giáo huấn, có thể chỉ dạy lần này đến lần khác.

“Mong sao đức Thế Tôn sẽ giáo huấn con không ngừng nghỉ” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Những người nào, thưa bậc Hiền trí, được Ngài giáo huấn không ngừng nghỉ, luôn cả những người ấy chắc chắn có thể dứt bỏ khổ đau. Vì thế, thưa bậc Long Tượng, sau khi gặp Ngài, con xin kính lễ Ngài. Mong sao đức Thế Tôn sẽ giáo huấn con không ngừng nghỉ.”

4.11. Vị Bà-la-môn nào mà ngươi có thể biết rõ là bậc đã đạt được sự hiểu biết, không còn vướng bận, không bị dính mắc ở dục và hữu, vị ấy đương nhiên đã vượt qua dòng lũ này và đã vượt qua đến bờ kia, không còn sự cứng cỏi [của tâm], không còn nghi ngờ.

Vị Bà-la-môn nào mà ngươi có thể biết rõ là bậc đã đạt được sự hiểu biết.

Vị Bà-la-môn: Bà-la-môn do trạng thái đã loại trừ bảy pháp: Sự nhận thức sai trái về thân được loại trừ, sự hoài nghi được loại trừ, sự bám víu vào giới và phận sự được loại trừ, luyến ái được loại trừ, sân hận được loại trừ, si mê được loại trừ, ngã mạn được loại trừ. Đối với người này, các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai là đã được loại trừ.

13. [Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya] sau khi loại trừ tất cả các điều ác, là người không còn vết nhơ, tốt lành, định tĩnh, có bản thân vững chãi, vị ấy đã vượt qua luân hồi, có sự toàn hảo, không nương nhờ, tự tại, vị ấy được gọi là Bà-la-môn.”

Bậc đã đạt được sự hiểu biết: Sự hiểu biết nói đến trí ở bốn đạo,… (nt)… vị đã vượt qua mọi kiến thức, vị ấy là “bậc đã đạt được sự hiểu biết.”

Ngươi có thể biết rõ: Ngươi có thể biết rõ, có thể hiểu, có thể nhận thức, có thể thừa nhận, có thể thấu triệt.

“Vị Bà-la-môn nào mà ngươi có thể biết rõ là bậc đã đạt được sự hiểu biết” là như thế.

Không còn vướng bận, không bị dính mắc ở dục và hữu.

Không còn vướng bận: Luyến ái là vướng bận,[10] sân hận là vướng bận, si mê là vướng bận, ngã mạn là vướng bận, tà kiến là vướng bận, ô nhiễm là vướng bận, uế hạnh là vướng bận. Đối với vị nào, các vướng bận này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ, vị ấy được gọi là không còn vướng bận.

Dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. … (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. … (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục.

Hữu: Có hai sự hiện hữu: Sự hiện hữu do nghiệp và sự hiện hữu lần nữa liên quan đến việc nối liền tái sanh. … (nt)… cái này là sự hiện hữu lần nữa liên quan đến việc nối liền tái sanh.

Không còn vướng bận, không bị dính mắc ở dục và hữu: Người không còn vướng bận, không bị dính mắc, không bị máng vào, không bị vướng vào, không bị giữ lại ở dục và hữu, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, đang sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.

“Không còn vướng bận, không bị dính mắc ở dục và hữu” là như thế.

Vị ấy đương nhiên đã vượt qua dòng lũ này.

Đương nhiên: Từ “addhā” này là lời nói nhất định,… (nt)… lời nói khẳng định.

Dòng lũ: Dòng lũ [ngũ] dục, dòng lũ của hữu, dòng lũ tà kiến, dòng lũ vô minh.

Đã vượt qua: Đã vượt qua, đã vượt lên, đã vượt khỏi, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi.

“Vị ấy đương nhiên đã vượt qua dòng lũ này” là như thế.

Và đã vượt qua đến bờ kia, không còn sự cứng cỏi [của tâm], không còn nghi ngờ.

Đã vượt qua: Đã vượt qua dòng lũ [ngũ] dục, đã vượt qua dòng lũ của hữu, đã vượt qua dòng lũ tà kiến, đã vượt qua dòng lũ vô minh, đã vượt qua mọi nẻo đường luân hồi, đã vượt lên, đã vượt ra khỏi, đã vượt quá, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi. Vị ấy đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành, đã hoàn mãn cuộc hành trình, đã hoàn mãn hướng đi, đã đi đến điểm cuối cùng, đã hộ trì Phạm hạnh, đã đạt đến kiến tối thượng, đã tu tập đạo lộ, đã dứt bỏ ô nhiễm, đã thấu triệt sự không xao động, đã chứng ngộ diệt đế. Đối với vị ấy, khổ đã được biết toàn diện, tập đã được dứt bỏ, đạo đã được tu tập, diệt đã được chứng ngộ, điều cần được biết rõ đã được biết rõ, điều cần được biết toàn diện đã được biết toàn diện, điều cần được dứt bỏ đã được dứt bỏ, điều cần được tu tập đã được tu tập, điều cần được chứng ngộ đã được chứng ngộ. Vị ấy đã hất tung rào chắn [vô minh], đã san lấp mương rãnh [luân hồi tái sanh], đã nhổ lên cột trụ [tham ái], không còn chốt cửa, là Thánh thiện, đã hạ xuống ngọn cờ [ngã mạn], đã đặt xuống gánh nặng, đã tháo khỏi ách, đã dứt bỏ hẳn ngũ dục, đã thành tựu sáu căn, có một sự bảo hộ [niệm], có bốn sự nâng đỡ,[11] đã xua đi sự độc đoán, có sự tầm cầu đã được hoàn toàn cởi bỏ, có tâm tư không bị xáo trộn, có thân hành đã được an tịnh, có tâm khéo được giải thoát, có tuệ khéo được giải thoát, có sự toàn hảo, đã được hoàn mãn, là con người tối thượng, con người tột đỉnh, đã đạt được sự thành đạt tột đỉnh.

Vị ấy không tích lũy [nghiệp] cũng không loại trừ, tồn tại sau khi đã loại trừ [ô nhiễm]; không dứt bỏ [ô nhiễm] cũng không chấp thủ, tồn tại sau khi đã dứt bỏ; không tự kết nối [tham ái] cũng không tháo gỡ, tồn tại sau khi đã tháo gỡ; không dập tắt [lửa phiền não] cũng không đốt cháy, tồn tại sau khi đã dập tắt; tồn tại với trạng thái đã được thành tựu về giới uẩn của bậc Vô học, tồn tại với trạng thái đã được thành tựu về định uẩn của bậc Vô học,… (nt)… về tuệ uẩn của bậc Vô học,… (nt)… về giải thoát uẩn của bậc Vô học,… (nt)… về giải thoát tri kiến uẩn[12] của bậc Vô học; tồn tại sau khi đã thấu suốt chân lý, tồn tại sau khi đã vượt qua hẳn dục vọng, tồn tại sau khi đã trấn áp lửa phiền não, tồn tại do không xoay vòng [ở luân hồi], tồn tại sau khi đã thọ trì lời giảng, tồn tại do thân cận với giải thoát, tồn tại với sự thanh tịnh của từ, tồn tại với sự thanh tịnh của bi… (nt)… của hỷ… (nt)… của xả, tồn tại với sự thanh tịnh tột cùng, tồn tại với sự thanh tịnh của trạng thái không còn tham ái, tà kiến, và ngã mạn, tồn tại với trạng thái đã được giải thoát, tồn tại với trạng thái đã được hài lòng, tồn tại trong giai đoạn cuối của các uẩn, tồn tại trong giai đoạn cuối của các giới, tồn tại trong giai đoạn cuối của các xứ, tồn tại trong giai đoạn cuối của cảnh giới tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự nối liền tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự hiện hữu, tồn tại trong giai đoạn cuối của luân hồi, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự luân chuyển, tồn tại trong sự hiện hữu cuối cùng, tồn tại trong thân xác cuối cùng, với việc duy trì thân xác cuối cùng, là vị A-la-hán.

14. “Đối với vị ấy, đây là lần cuối cùng, thân xác này là sau chót, việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.”

Và đã vượt qua đến bờ kia: Bờ kia nói đến bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn. Vị ấy đã đi đến bờ kia, đã đạt đến bờ kia, đã đi đến điểm cuối, đã đạt đến điểm cuối, đã đi đến đỉnh, đã đạt đến đỉnh, đã đi đến tận cùng, đã đạt đến tận cùng, đã đi đến sự hoàn tất, đã đạt đến sự hoàn tất, đã đi đến nơi nương tựa, đã đạt đến nơi nương tựa, đã đi đến nơi trú ẩn, đã đạt đến nơi trú ẩn, đã đi đến nơi nương nhờ, đã đạt đến nơi nương nhờ, đã đi đến nơi không sợ hãi, đã đạt đến nơi không sợ hãi, đã đi đến bất hoại, đã đạt đến bất hoại, đã đi đến bất tử, đã đạt đến bất tử, đã đi đến Niết-bàn, đã đạt đến Niết-bàn. Vị ấy đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành,… (nt)… việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy. “Và đã vượt qua đến bờ kia” là như thế.

Không còn sự cứng cỏi [của tâm]: Luyến ái là sự cứng cỏi, sân hận là sự cứng cỏi, si mê là sự cứng cỏi, giận dữ là sự cứng cỏi, thù hằn là sự cứng cỏi,… (nt)… tất cả các pháp tạo tác bất thiện là các sự cứng cỏi. Đối với người nào, các sự cứng cỏi này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; người ấy được gọi là không còn sự cứng cỏi [của tâm].

Không còn nghi ngờ: Nghi ngờ về khổ, nghi ngờ về nhân sanh khổ, nghi ngờ về sự diệt tận khổ, nghi ngờ về sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ, nghi ngờ về điểm khởi đầu, nghi ngờ về điểm kết thúc, nghi ngờ về điểm khởi đầu và điểm kết thúc, nghi ngờ về các pháp tùy thuận duyên khởi này; sự nghi ngờ nào có hình thức như vậy là biểu hiện nghi ngờ, trạng thái nghi ngờ, sự nhầm lẫn, sự hoài nghi, sự lưỡng lự, sự phân vân, sự ngờ vực, sự không nắm chắc, sự không quyết định, sự không quả quyết, sự không thể xác quyết, trạng thái sửng sốt, sự bối rối của tâm. Đối với vị nào, các nghi ngờ này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; vị ấy được gọi là không còn nghi ngờ.

“Và đã vượt qua đến bờ kia, không còn sự cứng cỏi [của tâm], không còn nghi ngờ” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Vị Bà-la-môn nào mà ngươi có thể biết rõ là bậc đã đạt được sự hiểu biết, không còn vướng bận, không bị dính mắc ở dục và hữu, vị ấy đương nhiên đã vượt qua dòng lũ này và đã vượt qua đến bờ kia, không còn sự cứng cỏi [của tâm], không còn nghi ngờ.”

4.12. Và người nào ở nơi này có sự hiểu biết, là bậc đã đạt được sự hiểu biết, sau khi tháo gỡ sự quyến luyến này ở hữu và phi hữu, người ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng, người ấy đã vượt qua sanh và già.

Và người nào ở nơi này có sự hiểu biết, là bậc đã đạt được sự hiểu biết.

Có sự hiểu biết: Có sự hiểu biết là đã đạt đến kiến thức, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

Người nào: Người nào là người như thế,… (nt)… hoặc là vị thiên nhân, hoặc là người nhân loại.

Bậc đã đạt được sự hiểu biết: Các sự hiểu biết nói đến trí ở bốn đạo, tuệ, tuệ quyền, tuệ lực, trạch pháp giác chi, sự thẩm xét, sự thấy rõ, chánh kiến. Với các sự hiểu biết ấy, [vị ấy] đã đi đến điểm cuối đối với sanh-già-chết, đã đạt đến điểm cuối, đã đi đến đỉnh, đã đạt đến đỉnh, đã đi đến tận cùng, đã đạt đến tận cùng, đã đi đến sự hoàn tất, đã đạt đến sự hoàn tất, đã đi đến nơi nương tựa, đã đạt đến nơi nương tựa, đã đi đến nơi trú ẩn, đã đạt đến nơi trú ẩn, đã đi đến nơi nương nhờ, đã đạt đến nơi nương nhờ, đã đi đến nơi không sợ hãi, đã đạt đến nơi không sợ hãi, đã đi đến bất hoại, đã đạt đến bất hoại, đã đi đến bất tử, đã đạt đến bất tử, đã đi đến Niết-bàn, đã đạt đến Niết-bàn. “Người đã đi đến điểm cuối của các sự hiểu biết” là bậc đã đạt được sự hiểu biết, hoặc “người đã đi đến điểm cuối nhờ vào các sự hiểu biết” là bậc đã đạt được sự hiểu biết, hoặc do trạng thái đã hiểu biết về bảy pháp: Sự nhận thức sai trái về thân đã được hiểu biết, sự hoài nghi đã được hiểu biết, sự bám víu vào giới và phận sự đã được hiểu biết, sự luyến ái… sân hận… si mê… ngã mạn đã được hiểu biết; đối với người này, các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai là đã được hiểu biết.

15. [Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya] vị đã suy gẫm toàn bộ các loại kiến thức thuộc về các Sa-môn, thuộc về các Bà-la-môn, vị đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các cảm thọ, vị đã vượt qua mọi kiến thức, vị ấy là ‘bậc đã đạt được sự hiểu biết.’”

Người: Là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, người nam, cá nhân, mạng sống, người còn sanh tử, con người, người đi theo nghiệp, sinh vật, nhân loại.

Ở nơi này: Ở quan điểm này,… (nt)… ở thế giới loài người này.

“Và người nào ở nơi này có sự hiểu biết, là bậc đã đạt được sự hiểu biết” là như thế.

Sau khi tháo gỡ sự quyến luyến này ở hữu và phi hữu.

Ở hữu và phi hữu: Ở dục giới, sắc giới, vô sắc giới, ở sự hiện hữu của nghiệp, ở sự hiện hữu lần nữa; ở sự hiện hữu của nghiệp là dục giới, ở sự hiện hữu lần nữa là dục giới, ở sự hiện hữu của nghiệp là sắc giới, ở sự hiện hữu lần nữa là sắc giới, ở sự hiện hữu của nghiệp là vô sắc giới, ở sự hiện hữu lần nữa là vô sắc giới; ở sự hiện hữu được lặp đi lặp lại, ở cảnh giới tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự tiếp nối tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự tái sanh của bản thân được lặp đi lặp lại.

Sự quyến luyến: Có bảy sự quyến luyến: Quyến luyến do luyến ái, quyến luyến do sân hận, quyến luyến do si mê, quyến luyến do ngã mạn, quyến luyến do tà kiến, quyến luyến do ô nhiễm, quyến luyến do uế hạnh.

Sau khi tháo gỡ: Sau khi cởi bỏ hoặc sau khi tháo gỡ các sự quyến luyến; hoặc là sau khi tháo rời hoặc sau khi tháo gỡ các sự quyến luyến, các vật đã bị buộc trói, đã bị trói buộc, đã bị cột trói, các vật đã bị máng vào, đã bị vướng vào, đã bị giữ lại, các sự trói chặt. Giống như người thực hiện sự tháo gỡ, phá vỡ cái kiệu khiêng, cỗ xe, xe tải, hoặc xe kéo đã được ráp lại; tương tự như vậy, sau khi cởi bỏ hoặc sau khi tháo gỡ các sự quyến luyến, hoặc là sau khi tháo rời, sau khi tháo gỡ các sự quyến luyến, các vật đã bị buộc trói, đã bị trói buộc, đã bị cột trói, các vật đã bị máng vào, đã bị vướng vào, đã bị giữ lại, các sự trói chặt.

“Sau khi tháo gỡ sự quyến luyến này ở hữu và phi hữu” là như thế.

Người ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng, người ấy đã vượt qua sanh và già.

Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp. Đối với người nào, các tham ái này là đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ, người ấy được gọi là có tham ái đã được xa lìa, có tham ái đã được tách lìa, có tham ái đã được từ bỏ, có tham ái đã được tẩy trừ, có tham ái đã được giải thoát, có tham ái đã được dứt bỏ, có tham ái đã được buông bỏ, có luyến ái đã được xa lìa, có luyến ái đã được tách lìa, có luyến ái đã được từ bỏ, có luyến ái đã được dứt bỏ, có luyến ái đã được buông bỏ, không còn khao khát, được tịch tịnh, có trạng thái mát mẻ, có sự cảm thọ lạc, sống với trạng thái cao thượng tự thân. “Người ấy có tham ái đã được xa lìa” là như thế.

Không còn phiền muộn: Luyến ái là phiền muộn, sân hận là phiền muộn, si mê là phiền muộn, giận dữ là phiền muộn, thù hằn là phiền muộn,… (nt)… tất cả các pháp tạo tác bất thiện là phiền muộn. Đối với người nào, các phiền muộn này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ, người ấy được gọi là không còn phiền muộn.

Không có mong cầu: Sự mong cầu nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với người nào, các sự mong cầu này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ, người ấy được gọi là không có mong cầu.

Sanh: Sự sanh ra, sự sanh khởi, sự nhập thai, sự phát sanh, sự xuất hiện của các uẩn, sự đạt được các xứ ở từng chủng loại của các chúng sanh này khác.

Già: Sự suy tàn, trạng thái già nua, tình trạng răng long, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ suy giảm, sự hư hoại của những giác quan ở từng chủng loại của các chúng sanh này khác.

Người ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng, người ấy đã vượt qua sanh và già: Ta nói, Ta chỉ dạy, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ rằng: “Người nào có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, và không có mong cầu, người ấy, quả thật, đã vượt qua, đã vượt lên, đã vượt khỏi, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi sanh-già-chết.”

“Người ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng, người ấy đã vượt qua sanh và già” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Và người nào ở nơi này, có sự hiểu biết, là bậc đã đạt được sự hiểu biết, sau khi tháo gỡ sự quyến luyến này ở hữu và phi hữu, người ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng, người ấy đã vượt qua sanh và già.”

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”

“Diễn giải kinh Mettagū” là thứ tư.

 

 

[1] “Đạo đồng hành với sự biết toàn diện là hiền trí hạnh về khẩu, sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái ở khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, sự chứng đạt tam thiền có sự diệt của khẩu hành là hiền trí hạnh về khẩu.” Đoạn văn này chỉ khác ở đoạn văn liền trước đó ở chỗ “nhị thiền” và “tam thiền.” Tam tạng của Miến Điện và Thái Lan không có đoạn này. Hai đoạn văn tương tự ở trang 51 và 279 trong tập này cũng không có đoạn này. (ND)

[2] Về pháp đã được thấy (diṭṭhe dhamme): Chú giải của Suttanipāta (Kinh tập) ghi rằng: “Diṭṭhe dhammeti diṭṭhe dukkhādidhamme, imasmiṃyeva vā attabhāve” (Paramatthajotikā, PTS. II. 590), nghĩa là “về pháp khổ, (tập, diệt, đạo) đã được thấy, hoặc ngay ở bản ngã này”. (ND)

[3] Ở đây nói đến bốn chân lý cao thượng (tứ diệu đế): Khổ, tập (nhân sanh khổ), diệt (sự diệt tận khổ), đạo (sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ).

[4] Xem chú thích 6 ở trang 23. (ND)

[5] Thức đi cùng với phúc hành là 13 tâm thiện (8 tâm thiện dục giới, 5 tâm sắc giới); thức đi cùng với phi phúc hành là 12 tâm bất thiện (8 tâm tham, 2 tâm sân, 2 tâm si); thức đi cùng với bất động hành là 4 tâm vô sắc giới (NidA. II. 26).

[6] Xem chú thích về “phúc hành, phi phúc hành, bất động hành” ở trang 77. (ND)

[7] Xem chú thích 2 ở trang 438. (ND)

[8] “Thưa bậc Long Tượng” được dịch từ chữ nāga theo văn bản Miến Điện và PTS. (ND)

[9] Suttanipātapāḷi (Kinh tập), TTPV, tập 29, trang 159, câu kệ 525. (ND)

[10] Akiñcanaṃ: Được ghi nghĩa là “không còn vướng bận” dựa vào sự giải thích của Chú giảirāga-kiñcananti rāgapalibodhaṃ”, thay vì nghĩa “không có gì, vô sở hữu” như đã gặp ở các nơi khác. (ND)

[11] Bốn sự nâng đỡ (caturāpassena): “Vị Tỳ-khưu sau khi suy xét rồi thọ dụng, sau khi suy xét rồi chịu đựng, sau khi suy xét rồi tránh xa, sau khi suy xét rồi xua đuổi” (D. 33, Saṅgītisuttaṃ).

[12] Xem chú thích 6 ở trang 23. (ND)

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.