Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
4.1. [Tôn giả Mettagū nói rằng:] “Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này. Tôi nghĩ rằng Ngài là bậc đã đạt được sự hiểu biết, có bản thân đã được tu tập. Từ đâu mà các khổ này đã được khởi lên, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức?”
4.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū] quả thật ngươi đã hỏi Ta về nguồn sanh khởi của khổ. Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như điều Ta nhận biết. Các khổ phát khởi đều có căn nguyên là mầm tái sanh, bất kể loại nào ở thế gian, với nhiều hình thức.
4.3. Thật vậy, kẻ nào, [do] không có sự hiểu biết, rồi tạo ra mầm tái sanh, là kẻ ngu, [sẽ] đi đến khổ lần này rồi lần khác. Vì thế, người có sự quán xét về sự sanh ra và phát khởi của khổ, trong khi biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.”
4.4. [Tôn giả Mettagū nói rằng:] “Điều nào chúng tôi đã hỏi Ngài, Ngài đã giải thích cho chúng tôi. Chúng tôi hỏi Ngài điều khác, vậy xin Ngài hãy trả lời điều ấy. Làm thế nào các bậc sáng trí vượt qua dòng lũ, sanh và già, sầu muộn và than vãn? Thưa bậc Hiền Trí, xin Ngài hãy giảng rõ tường tận điều ấy cho tôi, bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.”
4.5. [Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū] Ta sẽ giải thích cho ngươi giáo pháp, về pháp đã được thấy, không phải do nghe nói lại. Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống, có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”
4.6. “Và tôi thích thú về điều ấy,
Thưa bậc Đại Ẩn Sĩ, về giáo pháp tối thượng.
Sau khi hiểu pháp ấy, vị có niệm, trong khi sống,
Có thể vượt qua sự vướng mắc ở thế gian.”
4.7. [Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū] bất cứ điều gì mà ngươi tự mình nhận biết, bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa, ngươi hãy xua đi sự vui thích, sự chấp chặt, và tâm thức liên quan đến các pháp ấy; không nên trụ lại ở hữu.
4.8. An trú như vậy, có niệm, không xao lãng, vị Tỳ-khưu trong khi sống, sau khi từ bỏ các vật đã được chấp là của ta, là vị hiểu biết, ngay tại nơi này, có thể dứt bỏ khổ đau, sanh, già, sầu muộn và than vãn.”
4.9. [Tôn giả Mettagū nói rằng:] “Tôi thích thú lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ, thưa Ngài Gotama, trạng thái không liên quan đến mầm tái sanh đã khéo được trình bày, bởi vì đức Thế Tôn đương nhiên đã dứt bỏ khổ, bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.
4.10. Những người nào, thưa bậc Hiền Trí, được Ngài giáo huấn không ngừng nghỉ, luôn cả những người ấy chắc chắn có thể dứt bỏ khổ đau. Vì thế, thưa bậc Long Tượng, sau khi gặp Ngài, con[1] xin kính lễ Ngài. Mong sao đức Thế Tôn sẽ giáo huấn con không ngừng nghỉ.”
4.11. [Đức Thế Tôn nói: “Này Mettagū] vị Bà-la-môn nào mà ngươi có thể biết rõ là bậc đã đạt được sự hiểu biết, không còn vướng bận, không bị dính mắc ở dục và hữu, vị ấy đương nhiên đã vượt qua dòng lũ này và đã vượt qua đến bờ kia, không còn sự cứng cỏi [của tâm], không còn nghi ngờ.
4.12. Và người nào ở nơi này, có sự hiểu biết, là bậc đã đạt được sự hiểu biết, sau khi tháo gỡ sự quyến luyến này ở hữu và phi hữu, người ấy có tham ái đã được xa lìa, không còn phiền muộn, không có mong cầu, Ta nói rằng, người ấy đã vượt qua sanh và già.”
Dứt “Câu hỏi của thanh niên Mettagū.”
Chú thích:
[1] Từ đoạn này trở đi, nhân xưng đại danh từ “tôi” của các vị Bà-la-môn sẽ được ghi là “con” theo ý kiến chủ quan của người dịch nghĩ rằng, đến lúc này, các vị Bà-la-môn đã có niềm tin với đức Phật nên có sự khiêm nhường hơn so với trước đây khi mới gặp. (ND)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.