Viện Nghiên Cứu Phật Học

3. DIỄN GIẢI KINH PUṆṆAKA
(PUṆṆAKASUTTANIDDESO)

 

3.1.        

[Tôn giả Puṇṇaka nói rằng:]
“Với ý định hỏi câu hỏi, tôi đã đi đến
Bậc không dục vọng, bậc có sự nhìn thấy gốc rễ [của các pháp]: 
Nương tựa vào điều gì, các vị ẩn sĩ, loài người,
Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần,
Đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian’.
Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.”

Bậc không dục vọng, bậc có sự nhìn thấy gốc rễ [của các pháp].

Dục vọng: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với đức Phật Thế Tôn, dục vọng tham ái ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai. Vì thế, đức Phật là bậc không dục vọng. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với dục vọng mà trở thành không dục vọng, đức Thế Tôn không xao động vì lợi lộc, không xao động vì không lợi lộc, không xao động vì danh vọng, không xao động vì không danh vọng, không xao động vì lời khen, không xao động vì lời chê, không xao động vì hạnh phúc, không xao động vì khổ đau, không dao động, không run rẩy, không chấn động. “Không dục vọng” là như thế.

Bậc có sự nhìn thấy gốc rễ [của các pháp]: Đức Thế Tôn có sự nhìn thấy gốc rễ, có sự nhìn thấy nhân, có sự nhìn thấy căn nguyên, có sự nhìn thấy nguồn xuất phát, có sự nhìn thấy nguồn sanh khởi, có sự nhìn thấy nguồn phát khởi, có sự nhìn thấy yếu tố nuôi dưỡng, có sự nhìn thấy đối tượng, có sự nhìn thấy duyên khởi, có sự nhìn thấy nhân sanh khởi.

Ba gốc rễ của bất thiện: Tham là gốc rễ của bất thiện, sân là gốc rễ của bất thiện, si là gốc rễ của bất thiện. Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Ba pháp này, này các Tỳ-khưu, là căn nguyên đưa đến sanh khởi các nghiệp. Ba điều nào? Tham là căn nguyên đưa đến sanh khởi các nghiệp, sân là căn nguyên đưa đến sanh khởi các nghiệp, si là căn nguyên đưa đến sanh khởi các nghiệp. Này các Tỳ-khưu, không phải do nghiệp sanh lên bởi tham, do nghiệp sanh lên bởi sân, do nghiệp sanh lên bởi si, mà chư thiên được biết đến, loài người được biết đến, hoặc thậm chí bất cứ cảnh giới an vui nào khác. Quả thật, này các Tỳ-khưu, do nghiệp sanh lên bởi tham, do nghiệp sanh lên bởi sân, do nghiệp sanh lên bởi si, mà địa ngục được biết đến, loài thú được biết đến, thân phận ngạ quỷ được biết đến, hoặc thậm chí bất cứ cảnh giới khổ đau nào khác: Ở địa ngục, ở loài thú, ở thân phận ngạ quỷ tùy theo sự tái sanh của bản thân. Đây là ba gốc rễ của bất thiện”, đức Thế Tôn biết và thấy như thế. “Đức Thế Tôn có sự nhìn thấy gốc rễ… (nt)… có sự nhìn thấy nhân sanh khởi” là như vậy.

Ba gốc rễ của thiện: Vô tham là gốc rễ của thiện, vô sân là gốc rễ của thiện, vô si là gốc rễ của thiện. Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Ba pháp này,… (nt)... Này các Tỳ-khưu, không phải do nghiệp sanh lên bởi vô tham, do nghiệp sanh lên bởi vô sân, do nghiệp sanh lên bởi vô si, mà địa ngục được biết đến, loài thú được biết đến, thân phận ngạ quỷ được biết đến, hoặc thậm chí bất cứ cảnh giới khổ đau nào khác. Quả thật, này các Tỳ-khưu, do nghiệp sanh lên bởi vô tham, do nghiệp sanh lên bởi vô sân, do nghiệp sanh lên bởi vô si, mà chư thiên được biết đến, nhân loại được biết đến, hoặc thậm chí bất cứ cảnh giới an vui nào khác: Ở chư thiên và ở loài người tùy theo sự tái sanh của bản thân. Đây là ba gốc rễ của thiện”, đức Thế Tôn biết và thấy như thế. “Đức Thế Tôn có sự nhìn thấy gốc rễ… (nt)… có sự nhìn thấy nhân sanh khởi” là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, bất cứ những pháp nào là bất thiện, dự phần vào bất thiện, thuộc về nhóm bất thiện, tất cả những pháp ấy có gốc rễ ở vô minh, có vô minh là nơi hội tụ; do sự tiêu diệt vô minh, tất cả những pháp ấy đi đến sự tiêu diệt”, đức Thế Tôn biết và thấy như thế. “Đức Thế Tôn có sự nhìn thấy gốc rễ… (nt)… có sự nhìn thấy nhân sanh khởi” còn là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, bất cứ những pháp nào là thiện, dự phần vào thiện, thuộc về nhóm thiện, tất cả những pháp ấy có gốc rễ ở sự không xao lãng, có sự không xao lãng là nơi hội tụ; sự không xao lãng được xem là hàng đầu trong số các pháp ấy”, đức Thế Tôn biết và thấy như thế. “Đức Thế Tôn có sự nhìn thấy gốc rễ… (nt)… có sự nhìn thấy nhân sanh khởi” còn là như vậy.

Hoặc là, đức Thế Tôn biết và thấy rằng: “Vô minh là gốc rễ của các hành, các hành là gốc rễ của thức, thức là gốc rễ của danh sắc, danh sắc là gốc rễ của sáu xứ, sáu xứ là gốc rễ của xúc, xúc là gốc rễ của thọ, thọ là gốc rễ của ái, ái là gốc rễ của thủ, thủ là gốc rễ của hữu, hữu là gốc rễ của sanh, sanh là gốc rễ của lão, tử”, đức Thế Tôn biết và thấy như thế. “Đức Thế Tôn có sự nhìn thấy gốc rễ… (nt)… có sự nhìn thấy nhân sanh khởi” còn là như vậy.

Hoặc là, đức Thế Tôn biết và thấy rằng: “Mắt là gốc rễ của các bệnh ở mắt, tai là gốc rễ của các bệnh ở tai, mũi là gốc rễ của các bệnh ở mũi, lưỡi là gốc rễ của các bệnh ở lưỡi, thân là gốc rễ của các bệnh ở thân, ý là gốc rễ của các nỗi khổ thuộc về tâm”, đức Thế Tôn biết và thấy như thế. “Đức Thế Tôn có sự nhìn thấy gốc rễ, có sự nhìn thấy nhân, có sự nhìn thấy căn nguyên, có sự nhìn thấy nguồn xuất phát, có sự nhìn thấy nguồn sanh khởi, có sự nhìn thấy nguồn phát khởi, có sự nhìn thấy yếu tố nuôi dưỡng, có sự nhìn thấy đối tượng, có sự nhìn thấy duyên khởi, có sự nhìn thấy nhân sanh khởi” còn là như vậy.

“Bậc không dục vọng, bậc có sự nhìn thấy gốc rễ [của các pháp]” là như thế.

Tôn giả Puṇṇaka nói rằng.

Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)…

“Tôn giả Puṇṇaka nói rằng” là như thế.

Với ý định hỏi câu hỏi, tôi đã đi đến: Là người có nhu cầu với câu hỏi, tôi đã đi đến; có ý muốn hỏi câu hỏi, tôi đã đi đến; có ý muốn nghe câu hỏi, tôi đã đi đến. “Với ý định [hỏi] câu hỏi, tôi đã đi đến” là như vậy. Hoặc là, có sự đi đến, sự tiến đến, sự đến gần, sự ngồi gần của những người có ý định về câu hỏi, của những người có ý muốn hỏi câu hỏi, của những người có ý muốn nghe câu hỏi. “Với ý định [hỏi] câu hỏi, tôi đã đi đến” còn là như vậy. Hoặc là, Ngài có sự hiểu biết về câu hỏi, Ngài cũng có năng lực, có tiềm lực, có khả năng để thuyết giảng, để giải thích điều được hỏi bởi tôi, Ngài hãy dời di gánh nặng này.

“Với ý định [hỏi] câu hỏi, tôi đã đi đến” còn là như vậy.

Nương tựa vào điều gì, các vị ẩn sĩ, loài người.

[Nương tựa vào điều gì]: Đã nương nhờ, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến điều gì.

Các vị ẩn sĩ: Bất cứ những ai đã xuất gia theo đời sống xuất gia của vị ẩn sĩ: Các đạo sĩ khổ hạnh, các đạo sĩ lõa thể, các đạo sĩ bện tóc, các đạo sĩ hành xác đều có tên gọi là ẩn sĩ.

Loài người: Nói đến người nhân loại.

“Nương tựa vào điều gì, các vị ẩn sĩ, loài người” là như thế.

Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần.

Các Sát-đế-lỵ: Bất cứ những người nào thuộc dòng dõi Sát-đế-lỵ.

Các Bà-la-môn: Bất cứ những người nào xưng hô với từ “ông.”

Đối với các thiên thần: Đối với các môn đồ của các đạo sĩ khổ hạnh, các đạo sĩ khổ hạnh là thiên thần; đối với các môn đồ của các đạo sĩ lõa thể, các đạo sĩ lõa thể là thiên thần; đối với các môn đồ của các đạo sĩ bện tóc, các đạo sĩ bện tóc là thiên thần; đối với các môn đồ của các du sĩ ngoại đạo, các du sĩ ngoại đạo là thiên thần; đối với các môn đồ của các kẻ nổi loạn, các kẻ nổi loạn là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của loài voi, các con voi là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của loài ngựa, các con ngựa là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của loài bò, các con bò là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của loài chó, các con chó là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của loài quạ, các con quạ là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của thần Vāsudeva, Vāsudeva là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của thần Baladeva, Baladeva là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của thần Puṇṇabhadda, Puṇṇabhadda là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của thần Maṇibhadda, Maṇibhadda là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của thần lửa, ngọn lửa là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của loài rồng, các con rồng là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của loài linh điểu, các linh điểu là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của dạ-xoa, các dạ-xoa là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của a-tu-la, các a-tu-la là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của càn-thát-bà, các càn-thát-bà là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của các vị Đại Thiên vương, các vị Đại Thiên vương là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của Mặt trăng, Mặt trăng là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của Mặt trời, Mặt trời là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của Thiên chủ Inda, Thiên chủ Inda là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của đấng Brahmā, đấng Brahmā là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh của thiên nhân, vị thiên nhân là thiên thần; đối với những kẻ tu theo hạnh thờ phượng các phương hướng, các phương hướng là thiên thần; những ai là đối tượng xứng đáng cúng dường của những người nào đó thì đối với những người ấy, họ là thiên thần.

“Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần” là như thế.

Đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian.

Lễ hiến tế: Nói đến phẩm vật cúng dường:[1] Y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước, vải vóc, xe thuyền, tràng hoa, vật thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc.

Đã chuẩn bị lễ hiến tế: Những người nào tìm kiếm, tìm tòi, tầm cầu vật hiến tế là y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước, vải vóc, xe thuyền, tràng hoa, vật thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc; những người ấy chuẩn bị lễ hiến tế. Những người nào sửa soạn vật hiến tế là y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước,… (nt)… giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc; những người ấy chuẩn bị lễ hiến tế. Những người nào ban tặng, hiến dâng, xả thí vật hiến tế là y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước,… (nt)… giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc; những người ấy chuẩn bị lễ hiến tế.

Đông đảo: Các vật hiến tế là đông đảo, hoặc những người dâng hiến cuộc lễ hiến tế là đông đảo, hoặc các đối tượng xứng đáng cúng dường là đông đảo.

“Các vật hiến tế ấy là đông đảo” là thế nào? Là có nhiều các vật hiến tế ấy: Y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước, vải vóc, xe thuyền, tràng hoa, vật thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc. “Các vật hiến tế là đông đảo” là như vậy. “Những người dâng hiến cuộc lễ hiến tế là đông đảo” là thế nào? Là có nhiều người dâng hiến cuộc lễ hiến tế ấy: Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các người tại gia, các vị xuất gia, chư thiên và loài người. “Những người dâng hiến cuộc lễ hiến tế là đông đảo” là như vậy. “Các đối tượng xứng đáng cúng dường là đông đảo” là thế nào? Là có nhiều các đối tượng xứng đáng cúng dường ấy: Các vị Sa-môn, các vị Bà-la-môn, những kẻ lang thang cơ cực, những người nghèo khổ và những kẻ hành khất. “Các đối tượng xứng đáng cúng dường là đông đảo” là như vậy.

Tại nơi này, ở thế gian: Ở thế giới loài người.

“Đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian” là như thế.

Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.

Câu hỏi: Có ba loại câu hỏi: Câu hỏi để làm sáng tỏ điều chưa thấy, câu hỏi để trao đổi điều đã thấy, câu hỏi để cắt đứt sự nhầm lẫn.

Câu hỏi để làm sáng tỏ điều chưa thấy là loại nào? Thông thường, đối với tướng trạng chưa được biết, chưa được thấy, chưa được cân nhắc, chưa được xác định, chưa được rõ rệt, chưa được minh định, thì người ta hỏi câu hỏi để biết, để thấy, để cân nhắc, để xác định, để phân biệt về điều ấy. Đây là câu hỏi để làm sáng tỏ điều chưa thấy.

Câu hỏi để trao đổi điều đã thấy là loại nào? Thông thường, đối với tướng trạng đã được biết, đã được thấy, đã được cân nhắc, đã được xác định, đã được rõ rệt, đã được minh định, thì người ta hỏi câu hỏi nhằm mục đích trao đổi cùng với các vị sáng suốt khác. Đây là câu hỏi để trao đổi điều đã thấy.

Câu hỏi để cắt đứt sự nhầm lẫn là loại nào? Thông thường, người bị rơi vào sự ngờ vực, bị rơi vào sự nhầm lẫn, bị sanh lên sự lưỡng lự rằng: “Phải chăng như vầy là đúng, phải chăng là không đúng, là cái gì đây, là thế nào đây?” người ấy hỏi câu hỏi nhằm mục đích cắt đứt sự nhầm lẫn. Đây là câu hỏi để cắt đứt sự nhầm lẫn. Đây là ba loại câu hỏi.

Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi của loài người, câu hỏi của phi nhân, câu hỏi của vị [Phật] đã được hóa hiện ra.

Câu hỏi của loài người là loại nào? Loài người đi đến gặp đức Phật Thế Tôn và hỏi câu hỏi: Các vị Tỳ-khưu hỏi, các vị Tỳ-khưu-ni hỏi, các nam cư sĩ hỏi, các nữ cư sĩ hỏi, các vị vua hỏi, các vị Sát-đế-lỵ hỏi, các vị Bà-la-môn hỏi, các thương buôn hỏi, các kẻ nô lệ hỏi, các người tại gia hỏi, các vị xuất gia hỏi. Đây là câu hỏi của loài người.

Câu hỏi của phi nhân là loại nào? Các phi nhân đi đến gặp đức Phật Thế Tôn và hỏi câu hỏi: Các loài rồng hỏi, các loài linh điểu hỏi, các dạ-xoa hỏi, các a-tu-la hỏi, các càn-thát-bà hỏi, các vị Đại Thiên vương hỏi, các Thiên chủ hỏi, các Phạm thiên hỏi, các thiên nhân hỏi. Đây là câu hỏi của phi nhân.

Câu hỏi của vị [Phật] do thần thông biến hóa ra là loại nào? Đức Thế Tôn hóa hiện ra hình dáng [vị Phật] được tạo thành bởi ý, có tất cả các bộ phận thân thể lớn nhỏ, có giác quan không bị khiếm khuyết. Vị [Phật] do thần thông biến hóa ra ấy đi đến gặp đức Phật Thế Tôn và hỏi câu hỏi, đức Thế Tôn trả lời. Đây là câu hỏi của vị [Phật] đã được hóa hiện ra. Đây là ba loại câu hỏi.

Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về lợi ích của bản thân, câu hỏi về lợi ích của người khác, câu hỏi về lợi ích của cả hai. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về lợi ích trong đời này, câu hỏi về lợi ích trong đời sau, câu hỏi về lợi ích tối thượng. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về lợi ích của sự không tội lỗi, câu hỏi về lợi ích của sự không ô nhiễm, câu hỏi về lợi ích của sự trong sạch. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về quá khứ, câu hỏi về vị lai, câu hỏi về hiện tại. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về nội phần, câu hỏi về ngoại phần, câu hỏi về nội phần và ngoại phần. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về thiện, câu hỏi về bất thiện, câu hỏi về vô ký. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về uẩn, câu hỏi về giới, câu hỏi về xứ. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về thiết lập niệm, câu hỏi về chánh cần, câu hỏi về nền tảng của thần thông. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về quyền, câu hỏi về lực, câu hỏi về giác chi. Còn có ba loại câu hỏi khác nữa: Câu hỏi về Đạo, câu hỏi về Quả, câu hỏi về Niết-bàn.

Tôi hỏi Ngài: Tôi hỏi Ngài, tôi yêu cầu Ngài, tôi thỉnh cầu Ngài, tôi đặt niềm tin ở Ngài, xin Ngài hãy thuyết giảng cho tôi. “Tôi hỏi Ngài” là như thế.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ. “Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Puṇṇaka nói rằng:]
“Với ý định hỏi câu hỏi, tôi đã đi đến
Bậc không dục vọng, bậc có sự nhìn thấy gốc rễ [của các pháp]:
‘Nương tựa vào điều gì, các vị ẩn sĩ, loài người,
Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần,
Đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian.’
Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.”

3.2.         [Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka]
               Bất cứ những ai, các vị ẩn sĩ, loài người,
               Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần,
               Đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian,
               Này Puṇṇaka, trong khi mong ước bản thể này,
               Bị phụ thuộc vào tuổi già, họ đã chuẩn bị lễ hiến tế.”

Bất cứ những ai, các vị ẩn sĩ, loài người.

Bất cứ những ai: Tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, cụm từ “ye keci” này là lối nói của sự bao gồm.

Các vị ẩn sĩ: Bất cứ những ai đã xuất gia theo đời sống xuất gia của vị ẩn sĩ: Các đạo sĩ khổ hạnh, các đạo sĩ lõa thể, các đạo sĩ bện tóc, các đạo sĩ hành xác đều có tên gọi là ẩn sĩ.

Loài người: Nói đến người nhân loại.

“Bất cứ những ai, các vị ẩn sĩ, loài người” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Puṇṇaka.

Puṇṇaka: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Puṇṇaka” là như thế.

Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần.

Các Sát-đế-lỵ: Bất cứ những người nào thuộc dòng dõi Sát-đế-lỵ.

Các Bà-la-môn: Bất cứ những người nào xưng hô với từ “ông.”

Đối với các thiên thần: Đối với các môn đồ của các đạo sĩ khổ hạnh, các đạo sĩ khổ hạnh là thiên thần;… (nt)… đối với những kẻ tu theo hạnh thờ phượng các phương hướng, các phương hướng là thiên thần; những ai là đối tượng xứng đáng cúng dường của những người nào đó thì đối với những người ấy, họ là thiên thần.

“Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần” là như thế.

Đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian.

Lễ hiến tế: Nói đến phẩm vật cúng dường: Y phục, đồ ăn khất thực,… (nt)… giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc.

Đã chuẩn bị lễ hiến tế: Những người nào tìm kiếm, tìm tòi, tầm cầu vật hiến tế… (nt)… giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc, những người ấy chuẩn bị lễ hiến tế.

Đông đảo: Các vật hiến tế là đông đảo, hoặc là những người dâng hiến cuộc lễ hiến tế là đông đảo, hoặc là các đối tượng xứng đáng cúng dường là đông đảo. … (nt)… “Các đối tượng xứng đáng cúng dường là đông đảo” là như vậy.

Tại nơi này, ở thế gian: Ở thế giới loài người.

“Đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian” là như thế.

Này Puṇṇaka, trong khi mong ước bản thể này.

Trong khi mong ước: Trong khi mong ước đạt được sắc, trong khi mong ước đạt được thinh, trong khi mong ước đạt được hương, trong khi mong ước đạt được vị, trong khi mong ước đạt được xúc, trong khi mong ước đạt được con trai, trong khi mong ước đạt được vợ, trong khi mong ước đạt được tài sản, trong khi mong ước đạt được danh vọng, trong khi mong ước đạt được quyền uy, trong khi mong ước đạt được bản thân ở gia tộc giàu có dòng dõi Sát-đế-lỵ, trong khi mong ước đạt được bản thân ở gia tộc giàu có dòng dõi Bà-la-môn, trong khi mong ước đạt được bản thân ở gia tộc giàu có của gia chủ, trong khi mong ước đạt được bản thân ở chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương, trong khi mong ước đạt được bản thân ở chư thiên cõi Đạo-lợi… (nt)… ở chư thiên cõi Dạ-ma… (nt)… ở chư thiên cõi Đẩu-suất… (nt)… ở chư thiên cõi Hóa Lạc… (nt)… ở chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại… (nt)… ở chư thiên thuộc Phạm Chúng thiên, trong khi ước muốn, trong khi ưng thuận, trong khi ước nguyện, trong khi mong cầu, trong khi nguyện cầu. “Trong khi mong ước” là như thế.

Này Puṇṇaka,... bản thể này: Trong khi mong ước sự tái sanh của bản thân tại nơi này, trong khi mong ước sự tái sanh của bản thân ở gia tộc giàu có dòng dõi Sát-đế-lỵ tại nơi này,… (nt)… trong khi mong ước sự tái sanh của bản thân ở chư thiên thuộc Phạm Chúng thiên tại nơi này, trong khi ước muốn, trong khi ưng thuận, trong khi ước nguyện, trong khi mong cầu, trong khi nguyện cầu.

“Này Puṇṇaka, trong khi mong ước bản thể này” là như thế.

Bị phụ thuộc vào tuổi già, họ đã chuẩn bị lễ hiến tế.

[Bị phụ thuộc vào tuổi già:] Là bị lệ thuộc vào sự già, bị lệ thuộc vào sự bệnh, bị lệ thuộc vào sự chết, bị lệ thuộc vào sầu-bi-khổ-ưu-não. Bởi vì họ bị lệ thuộc vào sự sanh, cho nên họ bị lệ thuộc vào sự già; bởi vì họ bị lệ thuộc vào sự già, cho nên họ bị lệ thuộc vào sự bệnh; bởi vì họ bị lệ thuộc vào sự bệnh, cho nên họ bị lệ thuộc vào sự chết; bởi vì họ bị lệ thuộc vào sự chết, cho nên họ bị lệ thuộc vào sầu-bi-khổ-ưu-não; bởi vì họ bị lệ thuộc vào sầu-bi-khổ-ưu-não, cho nên họ bị lệ thuộc vào cảnh giới tái sanh; bởi vì họ bị lệ thuộc vào cảnh giới tái sanh, cho nên họ bị lệ thuộc vào sự tái sanh; bởi vì họ bị lệ thuộc vào sự tái sanh, cho nên họ bị lệ thuộc vào sự nối liền tái sanh; bởi vì họ bị lệ thuộc vào sự nối liền tái sanh, cho nên họ bị lệ thuộc vào sự hiện hữu; bởi vì họ bị lệ thuộc vào sự hiện hữu, cho nên họ bị lệ thuộc vào sự luân hồi; bởi vì họ bị lệ thuộc vào sự luân hồi, cho nên họ bị lệ thuộc vào sự luân chuyển, bị bám vào, bị đến gần, bị bám chặt, bị hướng đến.

“Bị phụ thuộc vào tuổi già, họ đã chuẩn bị lễ hiến tế” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka]
Bất cứ những ai, các vị ẩn sĩ, loài người,
Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần,
Đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian,
Này Puṇṇaka, trong khi mong ước bản thể này,
Bị phụ thuộc vào tuổi già, họ đã chuẩn bị lễ hiến tế.”

3.3. [Tôn giả Puṇṇaka nói rằng:] “Bất cứ những ai, các vị ẩn sĩ, loài người, các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần, đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian, thưa đức Thế Tôn, có phải những người ấy không xao lãng ở đường lối tế lễ, thưa Ngài, thì họ đã vượt qua sanh và già? Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.”

Bất cứ những ai, các vị ẩn sĩ, loài người. Bất cứ những ai: … (nt)...

Thưa đức Thế Tôn, có phải những người ấy không xao lãng ở đường lối tế lễ.

Có phải: Các cụm từ “evannu kho”, “na nu kho”, “kinnu kho”, “kathannu kho” là câu hỏi do ngờ vực, câu hỏi do nhầm lẫn, câu hỏi vì lưỡng lự, câu hỏi do không dứt khoát. “Có phải” là như thế.

Những người ấy: Nói đến những người dâng hiến cuộc lễ hiến tế.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.” “Thưa đức Thế Tôn, có phải những người ấy” là như thế.

Không xao lãng ở đường lối tế lễ: Lễ hiến tế nói đến đường lối tế lễ. Giống như Thánh đạo là đường lối của Thánh nhân, Thiên đạo là đường lối của Thiên nhân, Brahmā đạo là đường lối của đấng Brahmā; tương tự y như thế, lễ hiến tế nói đến đường lối tế lễ.

Không xao lãng: Những người nào không xao lãng ở đường lối tế lễ, có sự thực hành nghiêm trang, có sự thực hành liên tục, có sự thực hành không ngừng nghỉ, có thói quen không biếng nhác, không buông bỏ mong muốn, không buông bỏ bổn phận, đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo; những người ấy là không xao lãng ở đường lối tế lễ. Những người nào tìm kiếm, tìm tòi, tầm cầu vật hiến tế là y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước, vải vóc, xe thuyền, tràng hoa, vật thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc, có sự thực hành nghiêm trang,… (nt)… xem nó là chủ đạo; những người ấy là không xao lãng ở đường lối tế lễ. Những người nào sửa soạn vật hiến tế là y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước, vải vóc, xe thuyền, tràng hoa, vật thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc, có sự thực hành nghiêm trang,… (nt)… xem nó là chủ đạo, những người ấy là không xao lãng ở đường lối tế lễ. Những người nào ban tặng, hiến dâng, xả thí vật hiến tế là y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước,… (nt)… giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc, có sự thực hành nghiêm trang,… (nt)… xem nó là chủ đạo; những người ấy là không xao lãng ở đường lối tế lễ.

“Thưa đức Thế Tôn, có phải những người ấy không xao lãng ở đường lối tế lễ” là như thế.

Thưa Ngài, thì họ đã vượt qua sanh và già: Họ đã vượt qua, đã vượt lên, đã vượt khỏi, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi sanh-già-chết.

Thưa Ngài: Từ “mārisa” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.

“Thưa Ngài, thì họ đã vượt qua sanh và già” là như thế.

Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.

Tôi hỏi Ngài: Tôi hỏi Ngài, tôi yêu cầu Ngài, tôi thỉnh cầu Ngài, tôi đặt niềm tin ở Ngài, xin Ngài hãy thuyết giảng cho tôi. “Tôi hỏi Ngài” là như thế.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ.

“Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Puṇṇaka nói rằng:] “Bất cứ những ai, các vị ẩn sĩ, loài người, các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, đối với các thiên thần, đã chuẩn bị lễ hiến tế đông đảo tại nơi này, ở thế gian, thưa đức Thế Tôn, có phải những người ấy không xao lãng ở đường lối tế lễ, thưa Ngài, thì họ đã vượt qua sanh và già? Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.”

3.4. [Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka] những kẻ mong ước, khen ngợi, nguyện cầu, cúng tế, những kẻ nguyện cầu các dục bởi vì lợi lộc; Ta nói rằng: ‘Những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, bị luyến ái với sự luyến ái vào hữu, đã không vượt qua sanh và già.’”

Những kẻ mong ước, khen ngợi, nguyện cầu, cúng tế.

Những kẻ mong ước: Chúng mong ước đạt được sắc, mong ước đạt được thinh, mong ước đạt được hương, mong ước đạt được vị, mong ước đạt được xúc, mong ước đạt được con trai, mong ước đạt được vợ, mong ước đạt được tài sản, mong ước đạt được danh vọng, mong ước đạt được quyền uy, mong ước đạt được bản thân ở gia tộc giàu có dòng dõi Sát-đế-lỵ,… (nt)… ở gia tộc giàu có dòng dõi Bà-la-môn, mong ước đạt được bản thân ở gia tộc giàu có của gia chủ,… (nt)… ở chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương, mong ước đạt được bản thân ở chư thiên thuộc Phạm Chúng thiên, chúng ước muốn, chúng ưng thuận, chúng ước nguyện, chúng mong cầu. “Những kẻ mong ước” là như thế.

Khen ngợi: Chúng khen ngợi lễ hiến tế, hoặc chúng khen ngợi quả báo, hoặc chúng khen ngợi các đối tượng xứng đáng cúng dường. Chúng khen ngợi lễ hiến tế thế nào? Chúng khen ngợi, tán dương, ca tụng, ca ngợi vật thí được trong sạch, vật thí được hợp ý, vật thí là cao quý, vật thí là hợp thời, vật thí đã làm thành được phép, vật thí đã được chọn lọc, vật thí không bị lỗi, vật thí thường kỳ, tâm trong lúc bố thí được tịnh tín; chúng khen ngợi lễ hiến tế như vậy.

Chúng khen ngợi quả báo thế nào? Chúng khen ngợi, tán dương, ca tụng, ca ngợi rằng: “Với căn nguyên từ nơi này, sẽ có sự đạt được sắc… (nt)… sẽ có sự đạt được bản thân ở chư thiên thuộc Phạm Chúng thiên”; chúng khen ngợi quả báo như vậy.

Chúng khen ngợi các đối tượng xứng đáng cúng dường thế nào? Chúng khen ngợi, tán dương, ca tụng, ca ngợi rằng: “Các đối tượng xứng đáng cúng dường được thành tựu về xuất thân; thành tựu về dòng họ, là các bậc Thầy tổ, nắm vững chú thuật, thông thạo về ba bộ Vệ-đà cùng các từ vựng và nghi thức, luôn cả âm từ với sự phân tích, và truyền thống là thứ năm, biết về cú pháp, về văn phạm, không thiếu về phần triết học và các tướng trạng của bậc Đại nhân, các vị đã xa lìa luyến ái hoặc đã thực hành để diệt trừ luyến ái, đã xa lìa sân hận hoặc đã thực hành để diệt trừ sân hận, đã xa lìa si mê hoặc đã thực hành để diệt trừ si mê, đã thành tựu đức tin, đã thành tựu giới, đã thành tựu định, đã thành tựu tuệ, đã thành tựu giải thoát, đã thành tựu sự biết và thấy về giải thoát.[2] Chúng khen ngợi các đối tượng xứng đáng cúng dường như vậy. “Những kẻ mong ước, khen ngợi” là như thế.

Nguyện cầu: Chúng nguyện cầu đạt được sắc, nguyện cầu đạt được thinh, nguyện cầu đạt được hương, nguyện cầu đạt được vị,… (nt)… nguyện cầu đạt được bản thân ở chư thiên thuộc Phạm Chúng thiên. “Những kẻ mong ước, khen ngợi, nguyện cầu” là như thế.

Cúng tế: Chúng cúng tế, ban tặng, hiến dâng, xả thí y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, cơm, nước, vải vóc, xe thuyền, tràng hoa, vật thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ trú ngụ, đèn đuốc.

“Những kẻ mong ước, khen ngợi, nguyện cầu, cúng tế” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Puṇṇaka.

Puṇṇaka: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Puṇṇaka” là như thế.

Những kẻ nguyện cầu các dục bởi vì lợi lộc: Chúng nguyện cầu các dục bởi vì việc đạt được sắc, chúng nguyện cầu các dục bởi vì việc đạt được thinh,… (nt)… chúng nguyện cầu các dục bởi vì việc đạt được bản thân ở chư thiên thuộc Phạm Chúng thiên.

“Những kẻ nguyện cầu các dục bởi vì lợi lộc” là như thế.

Ta nói rằng: “Những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, bị luyến ái với sự luyến ái vào hữu, đã không vượt qua sanh và già.”

Những kẻ ấy: Nói đến những người dâng hiến cuộc lễ hiến tế.

Do sự gắn bó vào tế lễ: Bị gắn bó, bị gắn vào, bị gắn chặt, bị gắn liền với các sự gắn bó vào lễ hiến tế, có sự thực hành theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo. “Những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ” là như thế.

Bị luyến ái với sự luyến ái vào hữu: Sự luyến ái vào hữu nói đến sự mong muốn về hữu ở các hữu, sự luyến ái về hữu, niềm vui về hữu, sự tham ái về hữu, sự yêu mến về hữu, [sự khao khát về hữu] sự nồng nhiệt về hữu, sự mê mẩn về hữu, sự bám chặt vào hữu. Do sự luyến ái vào hữu, chúng bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại ở các hữu.

“Những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, bị luyến ái với sự luyến ái vào hữu” là như thế.

Ta nói rằng: ... đã không vượt qua sanh và già: Ta nói, Ta chỉ dạy, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ rằng: “Những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, bị luyến ái với sự luyến ái vào hữu, đã không vượt qua, đã không vượt lên, đã không vượt khỏi, đã không vượt qua hẳn, đã không vượt qua khỏi sanh-già-chết. Chúng không đi ra ngoài, không rời ra, không vượt trội, không vượt qua, không vượt qua hẳn, không vượt qua khỏi sanh-già-chết, chúng quay cuồng bên trong sanh-già-chết, chúng quay cuồng bên trong con đường luân hồi. Chúng bị theo sau bởi sanh, bị đeo đuổi bởi già, bị thống trị bởi bệnh, bị hành hạ bởi chết, không nơi nương tựa, không nơi trú ẩn, không nơi nương nhờ, có trạng thái không nơi nương nhờ.”

“Ta nói rằng: ‘Những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, bị luyến ái với sự luyến ái vào hữu, đã không vượt qua sanh và già”’ là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka] những kẻ mong ước, khen ngợi, nguyện cầu, cúng tế, những kẻ nguyện cầu các dục bởi vì lợi lộc; Ta nói rằng: ‘Những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, bị luyến ái với sự luyến ái vào hữu, đã không vượt qua sanh và già.’”

3.5. [Tôn giả Puṇṇaka nói rằng:] “Thưa Ngài, nếu những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, đã không vượt qua sanh và già nhờ vào các lễ hiến tế, vậy giờ đây, thưa Ngài, người nào ở thế giới chư thiên và nhân loại đã vượt qua sanh và già? Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.”

Nếu những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, đã không vượt qua: Những kẻ ấy, những người dâng hiến cuộc lễ hiến tế, do sự gắn bó vào tế lễ, bị luyến ái với sự luyến ái vào hữu, đã không vượt qua, đã không vượt lên, đã không vượt khỏi, đã không vượt qua hẳn, đã không vượt qua khỏi sanh-già-chết. Chúng không đi ra ngoài, không rời ra, không vượt trội, không vượt qua, không vượt qua hẳn, không vượt qua khỏi sanh-già-chết, chúng quay cuồng bên trong sanh-già-chết, chúng quay cuồng bên trong con đường luân hồi. Chúng bị theo sau bởi sanh, bị đeo đuổi bởi già, bị thống trị bởi bệnh, bị hành hạ bởi chết, không nơi nương tựa, không nơi trú ẩn, không nơi nương nhờ, có trạng thái không nơi nương nhờ.

“Nếu những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, đã không vượt qua” là như thế.

Tôn giả Puṇṇaka nói rằng.

Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)…

“Tôn giả Puṇṇaka nói rằng” là như thế.

Thưa Ngài,... sanh và già nhờ vào các lễ hiến tế.

Nhờ vào các lễ hiến tế: Nhờ vào các lễ hiến tế dồi dào, nhờ vào các lễ hiến tế đa dạng, nhờ vào các lễ hiến tế đông đảo.

Thưa Ngài: Từ “mārisa” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.

“Thưa Ngài, ... sanh và già nhờ vào các lễ hiến tế” là như thế.

Vậy giờ đây, thưa Ngài, người nào ở thế giới chư thiên và nhân loại đã vượt qua sanh và già? Vậy giờ đây, người nào ở thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người đã vượt qua, đã vượt lên, đã vượt khỏi, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi sanh-già-chết.

Thưa Ngài: Từ “mārisa” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.

“Vậy giờ đây, thưa Ngài, người nào ở thế giới chư thiên và nhân loại đã vượt qua sanh và già?” là như thế.

Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.

Tôi hỏi Ngài: Tôi hỏi Ngài, tôi yêu cầu Ngài, tôi thỉnh cầu Ngài, tôi đặt niềm tin ở Ngài, xin Ngài hãy thuyết giảng điều này cho tôi; “tôi hỏi Ngài” là như thế.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ.

“Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Puṇṇaka nói rằng:] “Thưa Ngài, nếu những kẻ ấy, do sự gắn bó vào tế lễ, đã không vượt qua sanh và già nhờ vào các lễ hiến tế, vậy giờ đây, thưa Ngài, người nào ở thế giới chư thiên và nhân loại đã vượt qua sanh và già? Thưa đức Thế Tôn, tôi hỏi Ngài. Xin Ngài hãy trả lời tôi về điều này.”

3.6. [Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka] sau khi đã suy xét nơi này và nơi khác ở thế gian, vị nào không có sự xao động tại bất cứ nơi nào ở thế gian, là bậc an tịnh, không còn khói mù, không phiền muộn, không mong cầu; Ta nói rằng, vị ấy đã vượt qua sanh và già.”

Sau khi đã suy xét nơi này và nơi khác ở thế gian. Suy xét nói đến trí, tức là tuệ, là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến.

Nơi này và nơi khác: Nơi này nói đến bản thân của chính mình, nơi khác nói đến bản thân của người khác; nơi này nói đến sắc-thọ-tưởng-hành-thức của chính mình, nơi khác nói đến sắc-thọ-tưởng-hành-thức của người khác; nơi này nói đến sáu nội xứ, nơi khác nói đến sáu ngoại xứ; nơi này nói đến thế giới loài người, nơi khác nói đến thế giới chư thiên; nơi này nói đến dục giới, nơi khác nói đến sắc giới và vô sắc giới; nơi này nói đến dục giới và sắc giới, nơi khác nói đến vô sắc giới.

Sau khi đã suy xét nơi này và nơi khác ở thế gian: Sau khi đã suy xét nơi này và nơi khác là vô thường,… (nt)… là khổ,… (nt)… là cơn bệnh,… (nt)… là mụt ghẻ,… (nt)… là sự thoát ra, sau khi đã suy xét, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt.

“Sau khi đã suy xét nơi này và nơi khác ở thế gian” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Puṇṇaka.

Puṇṇaka: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Puṇṇaka” là như thế.

Vị nào không có sự xao động tại bất cứ nơi nào ở thế gian.

[Đối với] vị nào: Đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.

Sự xao động: Là sự xao động do tham ái, sự xao động do tà kiến, sự xao động do ngã mạn, sự xao động do ô nhiễm, sự xao động do [ngũ] dục. Đối với vị nào, các sự xao động này là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.

Tại bất cứ nơi nào: Tại bất cứ đâu, về bất cứ điều gì, tại bất cứ chỗ nào, thuộc nội phần, hoặc ngoại phần, hoặc thuộc nội phần và ngoại phần.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh… (nt)… ở thế gian của các xứ.

“Vị nào không có sự xao động tại bất cứ nơi nào ở thế gian” là như thế.

Là bậc an tịnh, không còn khói mù, không phiền muộn, không mong cầu, Ta nói rằng, vị ấy đã vượt qua sanh và già.

An tịnh: Do trạng thái đã được an tịnh đối với luyến ái là an tịnh; do trạng thái đã được an tịnh, do trạng thái đã được yên lặng, do trạng thái đã được vắng lặng, do trạng thái đã được thiêu hủy, do trạng thái đã được tịch diệt, do trạng thái đã được tách lìa, do trạng thái đã được tịch tịnh đối với sân hận… (nt)… đối với si mê… (nt)… đối với giận dữ… (nt)… đối với thù hằn… (nt)… đối với gièm pha… (nt)… đối với tất cả các pháp tạo tác bất thiện là an tịnh, yên tịnh, vắng lặng, tịch diệt, tịch tịnh. “An tịnh” là như thế.

Không còn khói mù: Uế hạnh về thân đã không còn bị bốc khói, đã được phá tan, đã được khô cạn, đã được khô héo, đã được làm cho chấm dứt; uế hạnh về khẩu… uế hạnh về ý đã không còn bị bốc khói, đã được phá tan, đã được khô cạn, đã được khô héo, đã được làm cho chấm dứt; sự luyến ái… sân hận… si mê đã không còn bị bốc khói, đã được phá tan, đã được khô cạn, đã được khô héo, đã được làm cho chấm dứt; giận dữ… thù hằn… gièm pha… ác ý… ganh tỵ… bỏn xẻn… xảo trá… lừa gạt… bướng bỉnh… hung hăng… ngã mạn… cao ngạo… đam mê… xao lãng… tất cả ô nhiễm… tất cả uế hạnh… mọi sự lo lắng… mọi sự bực bội… mọi sự nóng nảy… tất cả các pháp tạo tác bất thiện đã không còn bị bốc khói, đã được phá tan, đã được khô cạn, đã được khô héo, đã được làm cho chấm dứt. Hoặc là, sự giận dữ được gọi là khói mù:

“Này Bà-la-môn, đối với ngươi, ngã mạn chính là gánh nặng,
Sự giận dữ là khói mù, lời nói sai trái là đống tro,
Lưỡi là cái vá múc, trái tim là bệ thờ lửa,
Bản thân đã khéo được rèn luyện là ánh sáng của con người.”

Và hơn nữa, sự giận dữ sanh khởi theo mười biểu hiện: [Nghĩ rằng:] “Nó đã làm điều bất lợi cho ta”, giận dữ sanh khởi; [nghĩ rằng:] “Nó đang làm điều bất lợi cho ta”, giận dữ sanh khởi; [nghĩ rằng:] “Nó sẽ làm điều bất lợi cho ta”, giận dữ sanh khởi; [nghĩ rằng:] “Nó đã làm điều bất lợi… đang làm điều bất lợi… sẽ làm điều bất lợi cho người yêu quý, hợp ý của ta”, giận dữ sanh khởi; [nghĩ rằng:] “Nó đã làm điều có lợi… đang làm điều có lợi… sẽ làm điều có lợi cho người không yêu quý, không hợp ý của ta”, giận dữ sanh khởi; thêm nữa là sự giận dữ sanh khởi vô cớ. Sự tức tối nào của tâm có hình thức là sự tức giận, sự thù hận, sự đối chọi, sự căm giận, sự căm hờn, sự căm ghét, sự sân hận, sự khởi sân, sự sân nộ, sự độc ác của tâm, sự khởi sân của ý, sự giận dữ, biểu hiện giận dữ, trạng thái giận dữ, sự sân hận, biểu hiện sân hận, trạng thái sân hận, sự độc ác, biểu hiện độc ác, trạng thái độc ác, sự chống đối, sự đối chọi, sự tàn nhẫn, sự lỗ mãng, trạng thái không hoan hỷ của tâm; điều này được gọi là sự giận dữ.

Thêm nữa, trạng thái nhiều ít của sự giận dữ nên được biết đến: Có lúc sự giận dữ là ở mức độ làm xáo trộn tâm, nhưng chưa nhíu mày nhăn mặt; có lúc sự giận dữ là ở mức độ nhíu mày nhăn mặt, nhưng chưa nghiến hai hàm răng; có lúc sự giận dữ là ở mức độ nghiến hai hàm răng, nhưng chưa thốt ra lời nói thô lỗ; có lúc sự giận dữ là ở mức độ thốt ra lời nói thô lỗ, nhưng chưa nhìn trừng trừng; có lúc sự giận dữ là ở mức độ nhìn trừng trừng, nhưng chưa nắm lấy gậy gộc gươm đao; có lúc sự giận dữ là ở mức độ nắm lấy gậy gộc gươm đao, nhưng chưa giơ gậy gộc gươm đao lên; có lúc sự giận dữ là ở mức độ giơ gậy gộc gươm đao lên, nhưng chưa giáng gậy gộc gươm đao xuống; có lúc sự giận dữ là ở mức độ giáng gậy gộc gươm đao xuống, nhưng chưa làm việc băm chém; có lúc sự giận dữ là ở mức độ làm việc băm chém, nhưng chưa có sự tổn thương gãy vỡ; có lúc sự giận dữ là ở mức độ có sự tổn thương gãy vỡ, nhưng chưa có sự đứt lìa các phần cơ thể; có lúc sự giận dữ là ở mức độ có sự đứt lìa các phần cơ thể, nhưng chưa có sự đoạt lấy mạng sống; có lúc sự giận dữ là ở mức độ có sự đoạt lấy mạng sống, nhưng chưa đến mức buông bỏ tất cả, luôn cả việc tự sát. Khi nào sự giận dữ khiến cho giết chết người khác rồi giết chết mình, đến chừng ấy thì sự giận dữ [của người ấy] đã đạt đến mức quá lố, đã đạt đến mức tận cùng. Đối với người nào, sự giận dữ ấy đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; người ấy được gọi là không còn khói mù.

Do trạng thái đã dứt bỏ đối với sự giận dữ là “không còn khói mù.” Do trạng thái đã biết toàn diện về nền tảng của sự giận dữ là “không còn khói mù.” Do trạng thái đã biết toàn diện về nhân của sự giận dữ là “không còn khói mù.” Do trạng thái đã chặt đứt nhân của sự giận dữ là “không còn khói mù.”

Không phiền muộn: Sự luyến ái là phiền muộn, sân hận là phiền muộn, si mê là phiền muộn, giận dữ là phiền muộn, thù hằn là phiền muộn,… (nt)… tất cả các pháp tạo tác bất thiện là phiền muộn. Đối với người nào, các phiền muộn này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; người ấy được gọi là không phiền muộn.

Không mong cầu: Mong cầu nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với người nào, mong cầu tham ái này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; người ấy được gọi là không mong cầu.

Sanh: Sự sanh ra, sự sanh khởi, sự nhập thai, sự phát sanh, sự xuất hiện của các uẩn, sự đạt được các xứ ở từng chủng loại của các chúng sanh này khác.

Già: Sự suy tàn, trạng thái già nua, tình trạng răng long, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ suy giảm, sự hư hoại của những giác quan ở từng chủng loại của các chúng sanh này khác.

Là bậc an tịnh, không còn khói mù, không phiền muộn, không mong cầu, Ta nói rằng, vị ấy đã vượt qua sanh và già: Ta nói, Ta chỉ dạy, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ rằng: “Người nào là bậc an tịnh, không còn khói mù, không phiền muộn, không mong cầu, người ấy đã vượt qua, đã vượt lên, đã vượt khỏi, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi sanh-già-chết.”

“Là bậc an tịnh, không còn khói mù, không phiền muộn, không mong cầu, Ta nói rằng, vị ấy đã vượt qua sanh và già” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Puṇṇaka] sau khi đã suy xét nơi này và nơi khác ở thế gian, vị nào không có sự xao động tại bất cứ nơi nào ở thế gian, là bậc an tịnh, không còn khói mù, không phiền muộn, không mong cầu; Ta nói rằng, vị ấy đã vượt qua sanh và già.”

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… [vị ấy] đã ngồi xuống, chắp tay lên, cúi lạy đức Thế Tôn [nói rằng]: “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”

“Diễn giải kinh Puṇṇaka” được hoàn tất.

 

 

[1] Như vậy, ngoài ý nghĩa là “cuộc lễ hiến tế”, yaññaṃ còn có thêm ý nghĩa là “vật hiến tế”. (ND)

[2] Xem chú thích 6 ở trang 23. (ND)

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.