Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
Giờ sẽ nói đến “Diễn giải kinh nhóm tám về xấu xa”:
3.1. Thật vậy, một số người nói [bôi nhọ] với tâm ý xấu xa.
Quả vậy, một số người có tâm ý chân thật cũng nói [bôi nhọ].
Bậc Hiền trí không tiếp cận lời nói [bôi nhọ] đã khởi lên,
Bởi vậy, bậc Hiền trí không có sự cứng cỏi ở bất cứ đâu.
Thật vậy, một số người nói [bôi nhọ] với tâm ý xấu xa: Một số ngoại đạo, với tâm ý xấu xa, với tâm ý tồi bại, với tâm ý chống đối, với tâm ý đối chọi, với tâm ý hằn học, với tâm ý thù hằn, với tâm ý căm hờn, với tâm ý thù hận, nói [bôi nhọ], gièm pha đức Thế Tôn và hội chúng Tỳ-khưu với việc không có thật.
“Thật vậy, một số người nói [bôi nhọ] với tâm ý xấu xa” là như thế.
Quả vậy, một số người có tâm ý chân thật cũng nói [bôi nhọ]: Là những người đang tin tưởng, đang tin cậy, đang hướng đến, có tâm ý chân thật, có suy nghĩ chân thật, có tâm ý ngay thật, có suy nghĩ ngay thật, có tâm ý đúng đắn, có suy nghĩ đúng đắn, có tâm ý xác đáng, có suy nghĩ xác đáng, có tâm ý không sái quấy, có suy nghĩ không sái quấy đối với những kẻ ngoại đạo ấy; họ nói [bôi nhọ], gièm pha đức Thế Tôn và hội chúng Tỳ-khưu với việc không có thật.
“Quả vậy, một số người có tâm ý chân thật cũng nói [bôi nhọ]” là như thế.
Bậc Hiền trí không tiếp cận lời nói [bôi nhọ] đã khởi lên: Lời nói [bôi nhọ] ấy là đã được sanh ra, đã được sanh khởi, đã được hạ sanh, đã được phát sanh, đã được xuất hiện, là tiếng nói từ những người khác, là sự sỉ vả, sự gièm pha về đức Thế Tôn và hội chúng Tỳ-khưu với việc không có thật.
“Lời nói [bôi nhọ] đã khởi lên” là như thế.
Bậc Hiền trí không tiếp cận.
Bậc Hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí, tức là tuệ, là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến; được thành tựu với trí ấy bậc Hiền trí đạt đến bản thể hiền trí. ... (nt)… đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới [tham ái và tà kiến], vị ấy là Hiền trí. Người nào tiếp cận lời nói [bôi nhọ], người ấy tiếp cận lời nói [bôi nhọ] bởi hai lý do: Người đã làm tiếp cận lời nói [bôi nhọ] do tình trạng [vị ấy] là người đã làm; hoặc là, trong khi bị nói [bôi nhọ], trong khi bị gièm pha, [vị ấy] bị bực tức, tức giận, phản kháng, rồi bày tỏ sự bực tức, sự sân hận, sự không bằng lòng rằng: “Tôi không có làm.” Người nào tiếp cận lời nói [bôi nhọ], người ấy tiếp cận lời nói [bôi nhọ] bởi hai lý do này. Bậc Hiền trí không tiếp cận lời nói [bôi nhọ] bởi hai lý do: Không phải là người đã làm, bậc Hiền trí không tiếp cận lời nói [bôi nhọ] do tình trạng không phải là người đã làm; hoặc là, trong khi bị nói [bôi nhọ], trong khi bị gièm pha, [vị ấy] không bị bực tức, không tức giận, không phản kháng, không bày tỏ sự bực tức, sự sân hận, sự không bằng lòng rằng: “Tôi không có làm.” Bậc Hiền trí không tiếp cận, không đi đến gần, không nắm lấy, không bám víu, không chấp chặt lời nói [bôi nhọ] bởi hai lý do này.
“Bậc Hiền trí không tiếp cận lời nói [bôi nhọ] đã khởi lên” là như thế.
Bởi vậy, bậc Hiền trí không có sự cứng cỏi ở bất cứ đâu.
Bởi vậy: Là do điều ấy, bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, đối với bậc Hiền trí, trạng thái tâm hằn học, bản tánh cứng cỏi là không có và năm sự cứng cỏi của tâm[1] cũng là không có. Ba sự cứng cỏi cũng là không có: Sự cứng cỏi của luyến ái, sự cứng cỏi của sân hận, sự cứng cỏi của si mê là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.
Ở bất cứ đâu: Ở bất cứ đâu, về bất cứ điều gì, ở bất cứ chỗ nào, thuộc nội phần, hoặc ngoại phần, hoặc thuộc nội phần và ngoại phần.
“Bởi vậy, bậc Hiền trí không có sự cứng cỏi ở bất cứ đâu” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Thật vậy, một số người nói [bôi nhọ] với tâm ý xấu xa.
Quả vậy, một số người có tâm ý chân thật cũng nói [bôi nhọ].
Bậc Hiền trí không tiếp cận lời nói [bôi nhọ] đã khởi lên,
Bởi vậy, bậc Hiền trí không có sự cứng cỏi ở bất cứ đâu.”
3.2. Bị dẫn dắt bởi lòng mong muốn, đã đi theo sự ưa thích,
Trong khi tự mình làm cho [các quan điểm trở nên] đầy đủ,
Làm thế nào có thể vượt trội quan điểm của chính mình?
Bởi vì người biết thế nào thì sẽ nói thế ấy.
Làm thế nào có thể vượt trội quan điểm của chính mình: Những kẻ ngoại đạo sau khi giết chết nữ du sĩ Sundarī rồi vu khống cho các vị Sa-môn, những người con trai dòng Sakya [nghĩ rằng]: “Như vậy chúng ta sẽ đoạt lại lợi lộc, danh vọng, sự trọng vọng, sự kính nể này.” Với quan điểm như vậy, với sự chấp nhận như vậy, với sự ưa thích như vậy, với quan niệm như vậy, với ý định như vậy, với chủ tâm như vậy; họ đã không có thể bước qua quan điểm của mình, sự chấp nhận của mình, sự ưa thích của mình, quan niệm của mình, ý định của mình, chủ tâm của mình. Sau đó, chính sự mất danh vọng đã quay trở về với họ. “Làm thế nào có thể vượt trội quan điểm của chính mình” là như vậy.
Hoặc là, người nào có học thuyết như vầy: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại”, người ấy làm thế nào có thể vượt trội, có thể vượt quá, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi quan điểm của mình, sự chấp nhận của mình, sự ưa thích của mình, quan niệm của mình, ý định của mình, chủ tâm của mình? Điều ấy có nguyên nhân là gì? Đối với người ấy, quan điểm ấy như thế là được đầy đủ, được thọ trì, được nắm lấy, được bám víu, được chấp chặt, được bám chặt, được hướng đến. “Làm thế nào có thể vượt trội quan điểm của chính mình” còn là như vậy.
Hoặc là, người nào có học thuyết như vầy: “Thế giới là không thường còn, thế giới là có giới hạn, thế giới là không có giới hạn, mạng sống và thân thể là một, mạng sống và thân thể là khác, chúng sanh[2] hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại”, người ấy làm thế nào có thể vượt trội, có thể vượt quá, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi quan điểm của mình, sự chấp nhận của mình, sự ưa thích của mình, quan niệm của mình, ý định của mình, chủ tâm của mình? Điều ấy có nguyên nhân là gì? Đối với người ấy, quan điểm ấy như thế là được đầy đủ, được thọ trì, được nắm lấy, được bám víu, được chấp chặt, được bám chặt, được hướng đến.
“Làm thế nào có thể vượt trội quan điểm của chính mình” còn là như vậy.
Bị dẫn dắt bởi lòng mong muốn, đã đi theo sự ưa thích.
Bị dẫn dắt bởi lòng mong muốn: Bị đưa đi, bị dẫn đi, bị lôi đi, bị mang đi bởi quan điểm của mình, bởi sự chấp nhận của mình, bởi sự ưa thích của mình, bởi quan niệm của mình. Giống như người bị đưa đi, bị dẫn đi, bị lôi đi, bị mang đi bằng phương tiện voi, bằng phương tiện ngựa, bằng phương tiện bò, bằng phương tiện cừu, bằng phương tiện lạc đà; tương tự như vậy, là người bị đưa đi, bị dẫn đi, bị lôi đi, bị mang đi bởi quan điểm của mình, bởi sự chấp nhận của mình, bởi sự ưa thích của mình, bởi quan niệm của mình. “Bị dẫn dắt bởi lòng mong muốn” là như thế.
Đã đi theo sự ưa thích: Đã đi theo, đã thiết lập, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến quan điểm của mình, sự chấp nhận của mình, sự ưa thích của mình, quan niệm của mình.
“Bị dẫn dắt bởi lòng mong muốn, đã đi theo sự ưa thích” là như thế.
Trong khi tự mình làm cho [các quan điểm trở nên] đầy đủ: Tự mình làm cho đủ, làm cho hoàn hảo, làm cho không thiếu sót, làm cho cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý. [Nghĩ rằng:] “Bậc Đạo sư này là đấng Toàn tri” rồi tự mình làm cho đủ, làm cho hoàn hảo, làm cho không thiếu sót, làm cho cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý. [Nghĩ rằng:] “Giáo pháp này khéo được thuyết giảng, tập thể này đã thực hành tốt đẹp, quan điểm này là tốt lành, lối thực hành này đã khéo được quy định, đạo lộ này dẫn dắt ra khỏi”; rồi tự mình làm cho đủ, làm cho hoàn hảo, làm cho không thiếu sót, làm cho cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý, làm sanh ra, làm sanh khởi, làm hạ sanh, làm phát sanh.
“Trong khi tự mình làm cho [các quan điểm trở nên] đầy đủ” là như thế.
Bởi vì người biết thế nào thì sẽ nói thế ấy: Người biết thế nào thì sẽ nói, sẽ thuyết, sẽ phát ngôn, sẽ giảng giải, sẽ diễn tả thế ấy. Người biết thế nào về: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại” thì sẽ nói, sẽ thuyết, sẽ phát ngôn, sẽ giảng giải, sẽ diễn tả thế ấy. Người biết thế nào về: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại” thì sẽ nói, sẽ thuyết, sẽ phát ngôn, sẽ giảng giải, sẽ diễn tả thế ấy.
“Bởi vì người biết thế nào thì sẽ nói thế ấy” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Bị dẫn dắt bởi lòng mong muốn, đã đi theo sự ưa thích,
Trong khi tự mình làm cho [các quan điểm trở nên] đầy đủ,
Làm thế nào có thể vượt trội quan điểm của chính mình?
Bởi vì người biết thế nào thì sẽ nói thế ấy.”
3.3. Người nào, dầu không được hỏi đến, mà nói với những người khác về giới và phận sự của bản thân, người nào tự chính mình nói về bản thân, các bậc thiện xảo đã nói kẻ ấy là không có Thánh pháp.
Người nào... về giới và phận sự của bản thân.
Người nào: Người nào là người như thế, được gắn bó như thế, được định đặt như thế, có biểu hiện như thế, đã đạt đến địa vị ấy, đã thành tựu phẩm chất ấy; hoặc là vị Sát-đế-lỵ, hoặc là vị Bà-la-môn, hoặc là thương nhân, hoặc là kẻ nô lệ, hoặc là người tại gia, hoặc là vị xuất gia, hoặc là vị thiên nhân, hoặc là người nhân loại.
Giới và phận sự: Có việc là giới và còn là phận sự, có việc là phận sự mà không phải là giới.
Việc nào là giới và còn là phận sự? Ở đây, vị Tỳ-khưu là người có giới, sống thu thúc với sự thu thúc trong Giới bổn (Pātimokkha), thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học. Việc nào, trong trường hợp ấy, là sự tự chế ngự, sự thu thúc, sự không vi phạm; cái này là giới. Cái nào là sự thọ trì, cái ấy là phận sự. Giới với ý nghĩa thu thúc, phận sự với ý nghĩa thọ trì. Việc này được gọi là giới và còn là phận sự.
Việc nào là phận sự mà không phải là giới? Tám pháp từ khước: Pháp của vị ngụ ở rừng, pháp của vị chuyên đi khất thực, pháp của vị chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, pháp của vị chỉ sử dụng ba y, pháp của vị đi khất thực tuần tự theo từng nhà, pháp của vị không ăn vật thực dâng sau, pháp của vị chuyên về oai nghi ngồi (không nằm), pháp của vị ngụ ở chỗ đã được chỉ định; việc này được gọi là phận sự mà không phải là giới. Việc thọ trì sự tinh tấn được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Hãy sẵn lòng để cho còn lại chỉ da, gân, xương; hãy để cho thịt và máu ở thân xác khô cạn. Việc nào có thể đạt được với sức mạnh của người nam, với sức lực của người nam, với tinh tấn của người nam, với nỗ lực của người nam; khi còn chưa đạt được việc ấy thì sẽ không ngừng lại sự tinh tấn.” Việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy được gọi là phận sự mà không phải là giới.
Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Khi mũi tên tham ái chưa được nhổ lên, ta sẽ không ăn, ta sẽ không uống, ta không đi ra khỏi trú xá, ta cũng sẽ không nằm xuống một bên hông”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy cũng được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ không lìa khỏi tư thế kiết-già này cho đến khi nào tâm của ta còn chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ không đứng dậy khỏi chỗ ngồi này, ta sẽ không bước khỏi đường kinh hành, ta sẽ không rời khỏi trú xá, ta sẽ không rời khỏi nhà một mái, ta sẽ không rời khỏi tòa lâu đài, ta sẽ không rời khỏi tòa nhà dài, ta sẽ không rời khỏi hang động, ta sẽ không rời khỏi thạch thất, ta sẽ không rời khỏi cốc liêu, ta sẽ không rời khỏi nhà mái nhọn, ta sẽ không rời khỏi chòi canh, ta sẽ không rời khỏi ngôi nhà tròn, ta sẽ không rời khỏi căn lều, ta sẽ không rời khỏi hội trường, ta sẽ không rời khỏi mái che, ta sẽ không rời khỏi gốc cây này cho đến khi nào tâm của ta còn chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ đem lại, ta sẽ hoàn tất, ta sẽ chứng đắc, ta sẽ chạm đến, ta sẽ chứng ngộ Thánh pháp ngay trong buổi sáng này”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ đem lại, ta sẽ hoàn tất, ta sẽ chứng đắc, ta sẽ chạm đến, ta sẽ chứng ngộ Thánh pháp ngay trong buổi trưa này… (nt)… trong buổi chiều… trước bữa ăn… sau bữa ăn… vào canh đầu… vào canh giữa… vào canh cuối… vào hậu bán nguyệt… vào tiền bán nguyệt… vào mùa mưa… vào mùa lạnh… vào mùa nóng… ở chặng đầu của tuổi thọ… ở chặng giữa của tuổi thọ… ở chặng cuối của tuổi thọ”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy cũng được gọi là phận sự mà không phải là giới.
Người: Là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, người nam, cá nhân, mạng sống, người còn sanh tử, loài người, người đi theo nghiệp, sinh vật, nhân loại.
“Người nào... về giới và phận sự của bản thân” là như thế.
Dầu không được hỏi đến, mà nói với những người khác.
Với những người khác: Với các vị Sát-đế-lỵ, với các vị Bà-la-môn, với các thương buôn, với các kẻ nô lệ, với các người tại gia, với các vị xuất gia, với chư thiên, với loài người.
Không được hỏi đến: Không được hỏi, không được vấn, không được yêu cầu, không được thỉnh cầu, không được đặt niềm tin.
Mà nói: Phát biểu về giới, hoặc về phận sự, hoặc về giới và phận sự của bản thân rằng: “Tôi thành tựu về giới”, hoặc “tôi thành tựu về phận sự”, hoặc “tôi thành tựu về giới và phận sự”; phát biểu, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về xuất thân, về dòng dõi, về con nhà gia thế, về vẻ đẹp của làn da, về tài sản, về học vấn, về công việc, về tài nghệ, về kiến thức, về sự học hỏi, về tài biện giải, hoặc về sự việc này khác rằng: “Tôi xuất gia từ gia tộc thượng lưu”, hoặc “tôi xuất gia từ gia tộc lớn”, hoặc “tôi xuất gia từ gia tộc có nhiều của cải”, hoặc “tôi xuất gia từ gia tộc có của cải quý giá”, hoặc “tôi được biết tiếng, có danh vọng trong số các hàng tại gia và xuất gia”, hoặc “tôi có lợi lộc về y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh”, hoặc “tôi là vị trì Luật”, hoặc “tôi là vị chuyên về Kinh”, hoặc “tôi là vị thuyết Pháp”, hoặc “tôi là vị ngụ ở rừng”, hoặc “tôi là vị ngụ ở gốc cây”, hoặc “tôi là vị chuyên đi khất thực”, hoặc “tôi là vị chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ”, hoặc “tôi là vị chỉ sử dụng ba y”, hoặc “tôi là vị đi khất thực tuần tự theo từng nhà”, hoặc “tôi là vị không ăn vật thực dâng sau”, hoặc “tôi là vị chuyên về oai nghi ngồi” (không nằm), “tôi là vị ở chỗ đã được chỉ định”, hoặc “tôi đạt Sơ thiền”, hoặc “tôi đạt Nhị thiền”, hoặc “tôi đạt Tam thiền”, hoặc “tôi đạt Tứ thiền”, hoặc “tôi đạt sự thể nhập Không vô biên xứ”, hoặc “tôi đạt sự thể nhập Thức vô biên xứ”, hoặc “tôi đạt sự thể nhập Vô sở hữu xứ”, hoặc “tôi đạt sự thể nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ.”
“Dầu không được hỏi đến, mà nói với những người khác” là như thế.
Các bậc thiện xảo đã nói kẻ ấy là không có Thánh pháp.
Các bậc thiện xảo: Là các bậc thiện xảo về uẩn, thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về pháp tùy thuận sanh khởi, thiện xảo về sự thiết lập niệm, thiện xảo về chánh cần, thiện xảo về nền tảng của thần thông, thiện xảo về quyền, thiện xảo về lực, thiện xảo về giác chi, thiện xảo về Đạo, thiện xảo về Quả, thiện xảo về Niết-bàn. Các bậc thiện xảo ấy đã nói như vầy: “Việc ấy là pháp của các kẻ không phải Thánh, việc ấy không phải là pháp của các bậc Thánh, việc ấy là pháp của các kẻ ngu, việc ấy không phải là pháp của các bậc sáng suốt, việc ấy là pháp của các kẻ phi chân nhân, việc ấy không phải là pháp của các bậc chân nhân”; các vị đã nói như vậy, các vị thuyết như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.
“Các bậc thiện xảo đã nói kẻ ấy là không có Thánh pháp” là như thế.
Người nào tự chính mình nói về bản thân.
Bản thân: Nói đến tự ngã.
Tự chính mình nói: Tự chính mình phát biểu về bản thân rằng: “Tôi thành tựu về giới”, hoặc “tôi thành tựu về phận sự”, hoặc “tôi thành tựu về giới và phận sự”; phát biểu, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về xuất thân, về dòng dõi, về con nhà gia thế, về vẻ đẹp của làn da, về tài sản, về học vấn, [về công việc] về tài nghệ, về kiến thức, về sự học hỏi, về tài biện giải; hoặc về sự việc này khác rằng: “Tôi xuất gia từ gia tộc thượng lưu”, hoặc “tôi xuất gia từ gia tộc lớn”, hoặc “tôi xuất gia từ gia tộc có nhiều của cải”, hoặc “tôi xuất gia từ gia tộc có của cải quý giá”, hoặc “tôi được biết tiếng, có danh vọng trong số các hàng tại gia và xuất gia”, hoặc “tôi có lợi lộc về y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh”, hoặc “tôi là vị chuyên về Kinh”, hoặc “tôi là vị trì Luật”, hoặc “tôi là vị thuyết Pháp”, hoặc “tôi là vị ngụ ở rừng”, hoặc “tôi là vị chuyên đi khất thực”, hoặc “tôi là vị chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ”, hoặc “tôi là vị chỉ sử dụng ba y”, hoặc “tôi là vị đi khất thực tuần tự theo từng nhà”, hoặc “tôi là vị không ăn vật thực dâng sau”, hoặc “Tôi là vị chuyên về oai nghi ngồi” (không nằm), hoặc “tôi là vị ở chỗ đã được chỉ định”, hoặc “tôi đạt Sơ thiền”, hoặc “tôi đạt Nhị thiền”, hoặc “tôi đạt Tam thiền”, hoặc “tôi đạt Tứ thiền”, hoặc “tôi đạt sự thể nhập Không vô biên xứ”, hoặc “tôi đạt sự thể nhập Thức vô biên xứ”, hoặc “tôi đạt sự thể nhập Vô sở hữu xứ”, hoặc “tôi đạt sự thể nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ.”
“Người nào tự chính mình nói về bản thân” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Người nào, dầu không được hỏi đến, mà nói với những người khác về giới và phận sự của bản thân, người nào tự chính mình nói về bản thân, các bậc thiện xảo đã nói kẻ ấy là không có Thánh pháp.”
3.4. Và vị Tỳ-khưu an tịnh, có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt,
Không khoe khoang về các giới rằng: “Tôi là thế này”,
Đối với vị nào không có các sự kiêu ngạo ở bất cứ đâu ở thế gian,
Các bậc thiện xảo nói vị ấy là có Thánh pháp.
Và vị Tỳ-khưu an tịnh, có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt.
An tịnh: Trạng thái được yên lặng của luyến ái là an tịnh, trạng thái được yên lặng của sân hận là an tịnh, trạng thái được yên lặng của si mê là an tịnh, trạng thái được an tịnh, trạng thái được yên lặng, trạng thái được vắng lặng, trạng thái được thiêu hủy, trạng thái được tịch diệt, trạng thái được tách lìa, trạng thái được tịch tịnh của giận dữ, của thù hằn, của gièm pha, của ác ý, của ganh tỵ, của bỏn xẻn, của xảo trá, của lừa gạt, của bướng bỉnh, của hung hăng, của ngã mạn, của cao ngạo, của đam mê, của xao lãng, của tất cả ô nhiễm, của tất cả uế hạnh, của mọi sự lo lắng, của mọi sự bực bội, của mọi sự nóng nảy, của tất cả các pháp tạo tác bất thiện là an tịnh, yên tịnh, vắng lặng, tịch diệt, tịch tịnh. “An tịnh” là như thế.
Vị Tỳ-khưu: Tỳ-khưu do trạng thái đã phá vỡ bảy pháp: Thân kiến được phá vỡ, hoài nghi được phá vỡ, sự bám víu vào giới và phận sự được phá vỡ, luyến ái được phá vỡ, sân hận được phá vỡ, si mê được phá vỡ, ngã mạn được phá vỡ; các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai của vị này được phá vỡ.
[Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya] vị đã tự mình thực hành theo đường lối, đã đi đến sự tịch diệt hoàn toàn [ô nhiễm], đã vượt khỏi sự nghi ngờ, đã lìa bỏ [hai thái cực] phi hữu và hữu, đã được hoàn mãn, có sự tái sanh đã được cạn kiệt; vị ấy là ‘Tỳ-khưu’.”[3]
Và vị Tỳ-khưu an tịnh, có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt: Do trạng thái đã được tịch diệt luyến ái, vị ấy có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt; do trạng thái đã được tịch diệt sân hận, vị ấy có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt; do trạng thái đã được tịch diệt si mê, vị ấy có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt; do trạng thái đã được tịch diệt sự giận dữ, thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, lừa gạt, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, cao ngạo, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện, vị ấy có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt.
“Và vị Tỳ-khưu an tịnh, có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt” là như thế.
Không khoe khoang về các giới rằng: “Tôi là thế này.”
Tôi là thế này: Từ “itihan” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.[4]
Không khoe khoang về các giới: Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó là có sự khoe khoang, có sự phô trương; vị ấy khoe khoang rằng: “Tôi thành tựu về giới”, hoặc “Tôi thành tựu về phận sự”, hoặc “Tôi thành tựu về giới và phận sự”; khoe khoang, phô trương về xuất thân, về dòng dõi, về con nhà gia thế, về vẻ đẹp của làn da,… (nt)… “Tôi đạt sự thể nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ.” Vị không khoe khoang, không phô trương như vậy là đã tránh khỏi sự khoe khoang, đã xa lánh, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.
“Không khoe khoang về các giới rằng: Tôi là thế này” là như thế.
Các bậc thiện xảo nói vị ấy là có Thánh pháp.
Các bậc thiện xảo: Là các bậc thiện xảo về uẩn, thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về pháp tùy thuận sanh khởi, thiện xảo về sự thiết lập niệm, thiện xảo về chánh cần, thiện xảo về nền tảng của thần thông, thiện xảo về quyền, thiện xảo về lực, thiện xảo về giác chi, thiện xảo về Đạo, thiện xảo về Quả, thiện xảo về Niết-bàn, các bậc thiện xảo ấy nói như vầy: “Việc ấy là pháp của các bậc Thánh, việc ấy không phải là pháp của các kẻ không phải Thánh; việc ấy là pháp của các bậc sáng suốt, việc ấy không phải là pháp của các kẻ ngu; việc ấy là pháp của bậc chân nhân, việc ấy không phải là pháp của các các kẻ phi chân nhân”; các vị nói như vậy, thuyết như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.
“Các bậc thiện xảo nói vị ấy là có Thánh pháp” là như thế.
Đối với vị nào không có các sự kiêu ngạo ở bất cứ đâu ở thế gian.
Đối với vị nào: Đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.
Các sự kiêu ngạo. Có bảy sự kiêu ngạo: Kiêu ngạo do luyến ái, kiêu ngạo do sân hận, kiêu ngạo do si mê, kiêu ngạo do ngã mạn, kiêu ngạo do tà kiến, kiêu ngạo do ô nhiễm, kiêu ngạo do nghiệp. Đối với vị ấy, các sự kiêu ngạo này là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.
Ở bất cứ đâu: Ở bất cứ đâu, về bất cứ điều gì, ở bất cứ chỗ nào, thuộc nội phần, hoặc ngoại phần, hoặc thuộc nội phần và ngoại phần.
Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.
“Đối với vị nào không có các sự kiêu ngạo ở bất cứ đâu ở thế gian” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Và vị Tỳ-khưu an tịnh, có trạng thái đã được hoàn toàn diệt tắt,
Không khoe khoang về các giới rằng: ‘Tôi là thế này’,
Đối với vị nào không có các sự kiêu ngạo ở bất cứ đâu ở thế gian,
Các bậc thiện xảo nói vị ấy là có Thánh pháp.”
3.5. Các quan điểm của người nào là được xếp đặt, được tạo tác,
Được chú trọng, [thì các quan điểm ấy] là không trong sạch,
[Người ấy] nhìn thấy điều nào có lợi ích cho bản thân,
Thì nương vào điều ấy, vào sự an tịnh bị thay đổi, thuận theo điều kiện.
Các quan điểm của người nào là được xếp đặt, được tạo tác.
Sự xếp đặt: Có hai sự xếp đặt: Xếp đặt do tham ái và xếp đặt do tà kiến. ... (nt)… điều này là xếp đặt do tham ái. ... (nt)… điều này là xếp đặt do tà kiến. Đây là hai sự xếp đặt.
Được tạo tác: Được tạo tác là được tạo lập, được tác thành, được thành lập. “Được tạo tác” là như thế; hoặc là, không thường còn, được tạo tác, được sanh lên thuận theo điều kiện, có sự hoại, có sự diệt, có sự suy giảm, có sự chấm dứt. “Được tạo tác” còn là như thế.
Của người nào: Của người có tà kiến.
Các quan điểm: Nói đến sáu mươi hai tà kiến.
“Các quan điểm của người nào là được xếp đặt, được tạo tác” là như thế.
Được chú trọng, [thì các quan điểm ấy] là không trong sạch.
Được chú trọng: Có hai sự chú trọng: Chú trọng do tham ái và chú trọng do tà kiến. ... (nt)… điều này là chú trọng do tham ái. ... (nt)… điều này là chú trọng do tà kiến. Đối với vị ấy, sự chú trọng do tham ái chưa được dứt bỏ, sự chú trọng do tà kiến chưa được buông bỏ. Đối với vị ấy, do trạng thái chưa được dứt bỏ đối với sự chú trọng do tham ái, do trạng thái chưa được buông bỏ đối với sự chú trọng do tà kiến; vị ấy sống, chú trọng tham ái hoặc tà kiến. Có tham ái là ngọn cờ, có tham ái là biểu hiện, có tham ái là chủ đạo, có tà kiến là ngọn cờ, có tà kiến là biểu hiện, có tà kiến là chủ đạo; vị ấy sống, bị vây quanh bởi tham ái hoặc bởi tà kiến. “Được chú trọng” là như thế.
Là: Hiện hữu, được tìm thấy, có, được tồn tại.
Không trong sạch: Không trong sạch là không trong trắng, không thanh tịnh, bị ô nhiễm, liên quan phiền não.
“Được chú trọng, [thì các quan điểm ấy] là không trong sạch” là như thế.
[Người ấy] nhìn thấy điều nào có lợi ích cho bản thân.
Điều nào... cho bản thân: Điều nào... liên quan đến bản thân. Bản thân: Nói đến việc đi theo tà kiến [của bản thân]. Do quan điểm của bản thân, [người ấy] nhìn thấy hai sự lợi ích: Lợi ích ở đời hiện tại và lợi ích ở đời vị lai.
Lợi ích ở đời hiện tại do quan điểm là lợi ích nào? Vị thầy có quan điểm nào thì các đệ tử có cùng quan điểm ấy. Các đệ tử trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường, nể nang vị thầy có quan điểm ấy. Và do điều đó, [vị thầy] nhận được y phục, vật thực, chỗ trú ngụ và vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Điều này là lợi ích ở đời hiện tại do quan điểm.
Lợi ích ở đời vị lai do quan điểm là lợi ích nào? Là người có sự mong đợi kết quả ở vị lai rằng: “Quan điểm này đủ để đưa đến bản thể loài rồng, hoặc đưa đến bản thể nhân điểu, hoặc đưa đến bản thể dạ-xoa, hoặc đưa đến bản thể a-tu-la, hoặc đưa đến bản thể càn-thát-bà, hoặc đưa đến bản thể Đại Thiên vương, hoặc đưa đến bản thể Thiên chủ, hoặc đưa đến bản thể Phạm thiên, hoặc đưa đến bản thể thiên nhân. Quan điểm này đủ để đưa đến sự trong sạch, đưa đến sự thanh tịnh, đưa đến sự hoàn toàn trong sạch, đưa đến sự thoát khỏi, đưa đến sự giải thoát, đưa đến sự hoàn toàn thoát khỏi. Do quan điểm này, họ trở nên trong sạch, họ trở nên thanh tịnh, họ trở nên hoàn toàn trong sạch, họ được thoát khỏi, họ được giải thoát, họ được hoàn toàn thoát khỏi. Do quan điểm này, ta sẽ trở nên trong sạch, ta sẽ trở nên thanh tịnh, ta sẽ trở nên hoàn toàn trong sạch, ta sẽ được thoát khỏi, ta sẽ được giải thoát, ta sẽ được hoàn toàn thoát khỏi.” Điều này là lợi ích ở đời vị lai do quan điểm. Do quan điểm của bản thân, [người ấy] nhìn thấy, nhận thấy, quan sát, suy xét, khảo sát hai sự lợi ích này.
“[Người ấy] nhìn thấy điều nào có lợi ích cho bản thân” là như thế.
Thì nương vào điều ấy, vào sự an tịnh bị thay đổi, thuận theo điều kiện. Có ba sự an tịnh: Sự an tịnh tột cùng, sự an tịnh tạm thời, sự an tịnh theo quy ước.
Sự an tịnh tột cùng là điều nào? Sự an tịnh tột cùng nói đến bất tử, Niết-bàn, là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn. Đây là sự an tịnh tột cùng.
Sự an tịnh tạm thời là điều nào? Đối với vị đã thể nhập Sơ thiền, các pháp che lấp [thiền định] được an tịnh. Đối với vị thể nhập Nhị thiền, tầm và tứ được an tịnh. Đối với vị thể nhập Tam thiền, hỷ được an tịnh. Đối với vị thể nhập Tứ thiền, lạc và khổ được an tịnh. Đối với vị thể nhập Không vô biên xứ, sắc tưởng, bất bình tưởng, dị biệt tưởng được an tịnh. Đối với vị thể nhập Thức vô biên xứ, Không vô biên xứ tưởng được an tịnh. Đối với vị thể nhập Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ tưởng được an tịnh. Đối với vị thể nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ tưởng được an tịnh. Đây là sự an tịnh tạm thời.
Sự an tịnh theo quy ước là điều nào? Sự an tịnh theo quy ước nói đến sáu mươi hai tà kiến, các điều này là sự an tịnh của tà kiến. Thêm nữa, sự an tịnh theo quy ước là sự an tịnh được đề cập ở ý nghĩa này.
Thì nương vào điều ấy, vào sự an tịnh bị thay đổi, thuận theo điều kiện: Thì [người ấy] nương tựa, dựa dẫm, bám vào, đến gần, bám chặt, hướng đến sự an tịnh bị thay đổi, sự an tịnh bị khuấy động, sự an tịnh bị di động, sự an tịnh bị chuyển động, sự an tịnh bị dao động, sự an tịnh bị đụng chạm, sự an tịnh được sắp đặt, sự an tịnh được xếp đặt, không thường còn, bị tạo tác, được sanh lên thuận theo điều kiện, có sự hoại, có sự diệt, có sự suy giảm, có sự chấm dứt.
“Thì nương vào điều ấy, vào sự an tịnh bị thay đổi, thuận theo điều kiện” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Các quan điểm của người nào là được xếp đặt, được tạo tác,
Được chú trọng, [thì các quan điểm ấy] là không trong sạch,
[Người ấy] nhìn thấy điều nào có lợi ích cho bản thân,
Thì nương vào điều ấy, vào sự an tịnh bị thay đổi, thuận theo điều kiện.”
3.6. Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua
Sau khi suy xét về điều đã được nắm bắt trong số các pháp [tà kiến].
Vì thế, trong số các sự chấp chặt ấy, loài người
Rời bỏ và nắm giữ tà kiến [này đến tà kiến khác].
Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua.
Các sự chấp chặt vào tà kiến: Sự chấp chặt và bám víu rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại” là sự chấp chặt vào tà kiến. Sự chấp chặt và bám víu rằng: “Thế giới là không thường còn, thế giới là có giới hạn, thế giới là không có giới hạn, mạng sống và thân thể là một, mạng sống và thân thể là khác, chúng sanh hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại” là sự chấp chặt vào tà kiến. “Các sự chấp chặt vào tà kiến” là như thế.
Quả thật không dễ vượt qua: Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua, khó vượt qua, khó vượt lên, khó vượt khỏi, khó vượt qua hẳn, khó vượt qua khỏi.
“Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua” là như thế.
Sau khi suy xét về điều đã được nắm bắt trong số các pháp.
Trong số các pháp: Trong số sáu mươi hai tà kiến.
Sau khi suy xét: Sau khi đã suy xét, sau khi đã suy cứu, sau khi đã suy gẫm, sau khi đã suy nghiệm, sau khi đã cân nhắc, sau khi đã xác định, sau khi đã minh định, sau khi đã làm rõ rệt.
Điều đã được nắm bắt: Là sự nắm lấy có giới hạn, sự nắm lấy từng phần, sự nắm lấy phần quan trọng nhất, sự nắm lấy một khối, sự nắm lấy theo số lượng, sự nắm lấy tổng thể ở các sự chấp chặt rằng: “Điều này là sự thật, là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, có bản thể thật, không bị sai lệch”, được nắm lấy, được bám víu, được chấp chặt, được bám chặt, được hướng đến.
“Sau khi suy xét về điều đã được nắm bắt trong số các pháp” là như thế.
Vì thế, trong số các sự chấp chặt ấy, loài người.
Vì thế: Bởi điều ấy, bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy.
Loài người: Là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, người nam, cá nhân, mạng sống, người còn sanh tử, con người, người đi theo nghiệp, sinh vật, nhân loại.
Trong số các sự chấp chặt ấy: Trong số các sự chấp chặt vào tà kiến ấy.
“Vì thế, trong số các sự chấp chặt ấy, loài người” là như thế.
Rời bỏ và nắm giữ tà kiến.
Rời bỏ: Rời bỏ bởi hai lý do: Rời bỏ do sự can ngăn của người khác, hoặc là trong khi không thành tựu rồi rời bỏ.
Rời bỏ do sự can ngăn của người khác là thế nào? Người khác can ngăn rằng: “Vị Đạo sư ấy không phải là đấng Toàn tri, pháp không khéo được thuyết giảng, tập thể không thực hành tốt đẹp, quan điểm không tốt lành, lối thực hành không khéo được quy định, đạo lộ không dẫn dắt ra khỏi; ở đây không có sự trong sạch, hay sự thanh tịnh, hay sự hoàn toàn trong sạch, hay sự thoát khỏi, hay sự giải thoát, hay sự hoàn toàn thoát khỏi; ở đây không có những người được trong sạch, hay được thanh tịnh, hay được hoàn toàn trong sạch, hay được thoát khỏi, hay được giải thoát, hay được hoàn toàn thoát khỏi; họ thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.” “Người khác can ngăn” là như vậy. Trong khi bị can ngăn như vậy rồi rời bỏ vị Đạo sư, rời bỏ giáo lý, rời bỏ tập thể, rời bỏ quan điểm, rời bỏ lối thực hành, rời bỏ đạo lộ. “Rời bỏ do sự can ngăn của người khác” là như vậy.
Trong khi không thành tựu rồi rời bỏ là thế nào? Trong khi không thành tựu giới rồi rời bỏ giới, trong khi không thành tựu phận sự rồi rời bỏ phận sự, trong khi không thành tựu giới và phận sự rồi rời bỏ giới và phận sự.
Và nắm giữ tà kiến: Nắm lấy vị thầy, nắm lấy giáo lý, nắm lấy tập thể, nắm lấy quan điểm, nắm lấy lối thực hành, nắm lấy đạo lộ, rồi bám víu, chấp chặt.
“Rời bỏ và nắm giữ tà kiến” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua
Sau khi suy xét về điều đã được nắm bắt trong số các pháp [tà kiến].
Vì thế, trong số các sự chấp chặt ấy, loài người
Rời bỏ và nắm giữ tà kiến [này đến tà kiến khác].”
3.7. Quả thật, đối với vị đã rũ sạch thì không có quan điểm được xếp đặt liên quan đến hữu và phi hữu ở bất cứ đâu ở thế gian. Vị đã rũ sạch sau khi dứt bỏ xảo trá và ngã mạn, thì bởi điều gì mà vị ấy có thể đi [tái sanh] khi vị ấy không có sự vướng bận?
Quả thật, đối với vị đã rũ sạch thì không có quan điểm được xếp đặt liên quan đến hữu và phi hữu ở bất cứ đâu ở thế gian.
Vị đã rũ sạch: Việc rũ sạch được gọi là tuệ. Tuệ là sự nhận biết, sự chọn lựa, sự khám phá, sự chọn lựa pháp, sự quan sát, sự suy xét, sự phân biệt, sự thông thái, sự thông thạo, sự khôn khéo, sự thông suốt, sự cân nhắc, sự khảo sát, sự hiểu biết rộng rãi, sự thông minh, pháp dẫn đầu, sự thấy rõ, sự nhận biết rõ, vật xuyên thủng; tuệ là tuệ quyền, tuệ lực, tuệ là vũ khí, tuệ là lâu đài, tuệ là ánh sáng, tuệ là hào quang, tuệ là báu vật, là sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến.
Vì lý do gì mà việc rũ sạch được gọi là tuệ? Nhờ vào tuệ ấy, uế hạnh về thân được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; uế hạnh về khẩu được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; uế hạnh về ý được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; sự luyến ái được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; sân hận… si mê… giận dữ… thù hằn… gièm pha… ác ý được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; ganh tỵ được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; lừa gạt được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; bướng bỉnh được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; hung hăng… ngã mạn… cao ngạo… đam mê… xao lãng được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; tất cả ô nhiễm… tất cả uế hạnh… mọi sự lo lắng… mọi sự bực bội… mọi sự nóng nảy… tất cả các pháp tạo tác bất thiện được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch. Vì lý do ấy mà việc rũ sạch được gọi là tuệ.
Hoặc là, nhờ vào chánh kiến, tà kiến được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; nhờ vào chánh tư duy, tà tư duy được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; nhờ vào chánh ngữ, tà ngữ được rũ bỏ…; nhờ vào chánh nghiệp, tà nghiệp được rũ bỏ…; nhờ vào chánh mạng, tà mạng được rũ bỏ…; nhờ vào chánh tinh tấn, tà tinh tấn được rũ bỏ…; nhờ vào chánh niệm, tà niệm được rũ bỏ…; nhờ vào chánh định, tà định được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch; nhờ vào chánh trí, tà trí được rũ bỏ…; nhờ vào chánh giải thoát, tà giải thoát được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch.
Hoặc là, nhờ vào đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện được rũ bỏ, được rũ sạch, được tẩy sạch, được gột sạch. Bậc A-la-hán đã tiến đến, đã tiến gần, đã đến gần, đã tiến vào, đã đạt đến, đã tròn đủ, đã thành tựu các pháp cần được rũ sạch này; vì thế, bậc A-la-hán là vị đã được rũ sạch. Vị ấy có luyến ái đã được rũ bỏ, có điều ác đã được rũ bỏ, có ô nhiễm đã được rũ bỏ, có sự bực bội đã được rũ bỏ. “Vị đã rũ sạch” là như thế.
Ở bất cứ đâu: Ở bất cứ đâu, về bất cứ điều gì, ở bất cứ chỗ nào, thuộc nội phần, hoặc ngoại phần, hoặc thuộc nội phần và ngoại phần.
Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.
Được xếp đặt: Có hai sự xếp đặt: Xếp đặt do tham ái và xếp đặt do tà kiến. ... (nt)… điều này là xếp đặt do tham ái. ... (nt)… điều này là xếp đặt do tà kiến.
Ở hữu và phi hữu: Ở dục giới, sắc giới, vô sắc giới, ở sự hiện hữu của nghiệp, ở sự hiện hữu lần nữa; ở sự hiện hữu của nghiệp là dục giới, ở sự hiện hữu lần nữa là dục giới, ở sự hiện hữu của nghiệp là sắc giới, ở sự hiện hữu lần nữa là sắc giới, ở sự hiện hữu của nghiệp là vô sắc giới, ở sự hiện hữu lần nữa là vô sắc giới; ở sự hiện hữu được lặp đi lặp lại, ở cảnh giới tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự tiếp nối tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự sanh ra của bản ngã được lặp đi lặp lại.
Quả thật, đối với vị đã rũ sạch thì không có quan điểm được xếp đặt liên quan đến hữu và phi hữu ở bất cứ đâu ở thế gian: Đối với vị đã rũ sạch, quan điểm đã được sắp đặt, [đã được xếp đặt] đã được tác thành, đã được thành lập liên quan đến hữu và phi hữu ở bất cứ đâu ở thế gian thì không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.
“Quả thật, đối với vị đã rũ sạch thì không có quan điểm được xếp đặt liên quan đến hữu và phi hữu ở bất cứ đâu ở thế gian” là như thế.
Vị đã rũ sạch sau khi dứt bỏ xảo trá và ngã mạn.
Xảo trá: Nói đến hành vi tráo trở. Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó, sau khi làm uế hạnh bằng thân, sau khi làm uế hạnh bằng lời nói, sau khi làm uế hạnh bằng ý, vì nguyên nhân che đậy việc ấy mà hoạch định ước muốn xấu xa; [vị ấy] ước muốn rằng: “Chớ ai biết về ta”, tư duy rằng: “Chớ ai biết về ta”, nói lời rằng: “Chớ ai biết về ta”, nỗ lực bằng thân rằng: “Chớ ai biết về ta.” Sự xảo trá nào có hình thức như vậy là trạng thái xảo trá, sự cố tình không nhớ, sự tráo trở, gian lận, thay đổi, tránh né, cất giấu, che giấu, che đậy, che lấp, không phơi bày, không làm rõ, khéo che đậy việc làm ác; điều này được gọi là xảo trá.
Ngã mạn: Ngã mạn theo một loại: Là sự kiêu hãnh của tâm. Ngã mạn theo hai loại: Ngã mạn do tâng bốc bản thân và ngã mạn do khinh bỉ người khác. Ngã mạn theo ba loại: [Nghĩ rằng:] “Ta là tốt hơn” là ngã mạn, [nghĩ rằng:] “Ta là ngang bằng” là ngã mạn, [nghĩ rằng:] “Ta là thua kém” là ngã mạn. Ngã mạn theo bốn loại: Do lợi lộc rồi sanh khởi ngã mạn, do danh vọng rồi sanh khởi ngã mạn, do khen ngợi rồi sanh khởi ngã mạn, do sung sướng rồi sanh khởi ngã mạn. Ngã mạn theo năm loại: [Nghĩ rằng:] “Ta đạt được các sắc hợp ý” rồi sanh khởi ngã mạn, [nghĩ rằng:] “Ta đạt được các thinh… các hương… các vị… các xúc hợp ý” rồi sanh khởi ngã mạn. Ngã mạn theo sáu loại: Do sự thành tựu của mắt rồi sanh khởi ngã mạn, do sự thành tựu của tai… do sự thành tựu của mũi… do sự thành tựu của lưỡi… do sự thành tựu của thân… do sự thành tựu của ý rồi sanh khởi ngã mạn. Ngã mạn theo bảy loại: Ngã mạn, cao ngạo, cao ngạo dựa trên ngã mạn, tự ti, tăng thượng mạn, ngã mạn về bản thân, ngã mạn do hiểu biết sai trái. Ngã mạn theo tám loại: Do lợi lộc rồi sanh khởi ngã mạn, do không có lợi lộc rồi sanh khởi tự ti, do danh vọng rồi sanh khởi ngã mạn, do không có danh vọng rồi sanh khởi tự ti, do lời khen rồi sanh khởi ngã mạn, do lời chê rồi sanh khởi tự ti, do sung sướng rồi sanh khởi ngã mạn, do khổ rồi sanh khởi tự ti. Ngã mạn theo chín loại: [Nghĩ rằng:] “Ta là tốt hơn so với người tốt hơn” là ngã mạn, “ta là ngang bằng so với người tốt hơn” là ngã mạn, “ta là thua kém so với người tốt hơn” là ngã mạn, “ta là tốt hơn so với người ngang bằng” là ngã mạn, “ta là ngang bằng so với người ngang bằng” là ngã mạn, “ta là thua kém so với người ngang bằng” là ngã mạn, “ta là tốt hơn so với người thua kém” là ngã mạn, “ta là ngang bằng so với người thua kém” là ngã mạn, “ta là thua kém so với người thua kém” là ngã mạn. Ngã mạn theo mười loại: Ở đây một người nào đó sanh khởi ngã mạn về xuất thân, hoặc về dòng dõi, hoặc về con nhà gia thế; hoặc về vẻ đẹp của làn da; hoặc về tài sản; hoặc về học vấn; hoặc về công việc; hoặc về tài nghệ; hoặc về kiến thức; hoặc về sự học hỏi; hoặc về tài biện giải; hoặc về sự việc này khác. Ngã mạn nào có hình thức như vậy là biểu hiện của ngã mạn, trạng thái của ngã mạn, sự kiêu hãnh, sự hãnh diện, sự giương lên [như ngọn cờ], sự tự nâng lên, sự mong muốn nổi bật của tâm; điều này được gọi là ngã mạn.
Vị đã rũ sạch sau khi dứt bỏ xảo trá và ngã mạn: Vị đã rũ sạch sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu xảo trá và ngã mạn.
“Vị đã rũ sạch sau khi dứt bỏ xảo trá và ngã mạn” là như thế.
Bởi điều gì mà vị ấy có thể đi [tái sanh] khi vị ấy không có sự vướng bận?
Sự vướng bận: Có hai sự vướng bận: Sự vướng bận do tham ái và sự vướng bận do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự vướng bận do tham ái. ... (nt)… điều này là sự vướng bận do tà kiến. Đối với vị ấy, sự vướng bận do tham ái đã được dứt bỏ, sự vướng bận do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự vướng bận do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự vướng bận do tà kiến, thì vị không có sự vướng bận có thể đi [tái sanh] bởi sự luyến ái gì, có thể đi [tái sanh] bởi sự sân hận gì, có thể đi [tái sanh] bởi sự si mê gì, có thể đi [tái sanh] bởi sự ngã mạn gì, có thể đi [tái sanh] bởi tà kiến gì, có thể đi [tái sanh] bởi sự phóng dật gì, có thể đi [tái sanh] bởi hoài nghi gì, có thể đi [tái sanh] bởi các pháp tiềm ẩn gì; [làm thế nào có thể là] “kẻ bị luyến ái”, hoặc là “kẻ bị sân hận”, hoặc là “kẻ bị si mê”, hoặc là “kẻ bị trói buộc”, hoặc là “kẻ bị bám víu”, hoặc là “kẻ bị tán loạn”, [hoặc là “kẻ không dứt khoát”] hoặc là “kẻ cứng cỏi”? [Đối với vị ấy] các pháp tạo tác ấy là đã được dứt bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với các pháp tạo tác, thì bởi điều gì vị ấy có thể đi đến cảnh giới tái sanh [trở thành] “người địa ngục”, hoặc là “loài thú”, hoặc là “thân phận ngạ quỷ”, hoặc là “loài người”, hoặc là “thiên nhân”, hoặc là “người hữu sắc”, hoặc là “người vô sắc”, hoặc là “người hữu tưởng”, hoặc là “người vô tưởng”, hoặc là “người phi tưởng phi phi tưởng”? Không có nhân, không có duyên, không có lý do, mà bởi điều ấy vị ấy có thể đi [tái sanh].
“Bởi điều gì mà vị ấy có thể đi [tái sanh] khi vị ấy không có sự vướng bận?” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Quả thật, đối với vị đã rũ sạch thì không có quan điểm được xếp đặt liên quan đến hữu và phi hữu ở bất cứ đâu ở thế gian. Vị đã rũ sạch sau khi dứt bỏ xảo trá và ngã mạn, thì bởi điều gì mà vị ấy có thể đi [tái sanh] khi vị ấy không có sự vướng bận?”
3.8. Quả thật, kẻ có sự vướng bận tiếp cận sự tranh luận về các pháp,
Bởi điều gì, bằng cách nào, có thể nói về vị không có sự vướng bận?
Bởi vì điều nắm giữ và được rời bỏ là không có đối với vị ấy;
Vị ấy đã rũ bỏ mọi tà kiến ở ngay tại nơi đây.
Quả thật, kẻ có sự vướng bận tiếp cận sự tranh luận về các pháp.
Vướng bận: Có hai sự vướng bận: Sự vướng bận do tham ái và sự vướng bận do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự vướng bận do tham ái. ... (nt)… điều này là sự vướng bận do tà kiến. Đối với kẻ ấy, sự vướng bận do tham ái chưa được dứt bỏ, sự vướng bận do tà kiến chưa được buông bỏ. Do trạng thái chưa được dứt bỏ đối với sự vướng bận do tham ái, do trạng thái chưa được buông bỏ đối với sự vướng bận do tà kiến, kẻ ấy tiếp cận sự tranh luận về các pháp [nói rằng]: “[Ngươi là] ‘kẻ bị luyến ái’, hoặc là ‘kẻ bị sân hận’, hoặc là ‘kẻ bị si mê’, hoặc là ‘kẻ bị trói buộc’, hoặc là ‘kẻ bị bám víu’, hoặc là ‘kẻ bị tán loạn’, hoặc là ‘kẻ không dứt khoát’, hoặc là ‘kẻ cứng cỏi’.” [Đối với kẻ ấy] các pháp tạo tác ấy chưa được dứt bỏ. Do trạng thái chưa được dứt bỏ đối với các pháp tạo tác, kẻ ấy tiếp cận sự tranh luận về cảnh giới tái sanh [nói rằng]: “[Ngươi sẽ trở thành] ‘người địa ngục’, hoặc là ‘loài thú’, hoặc là ‘thân phận ngạ quỷ’, hoặc là ‘loài người’, hoặc là ‘thiên nhân’, hoặc là ‘người hữu sắc’, hoặc là ‘người vô sắc’, hoặc là ‘người hữu tưởng’, hoặc là ‘người vô tưởng’, hoặc là ‘người phi tưởng phi phi tưởng’”, kẻ ấy tiếp cận sự tranh luận, đi đến gần, nắm lấy, bám víu, chấp chặt.
“Quả thật, kẻ có sự vướng bận tiếp cận sự tranh luận về các pháp” là như thế.
Bởi điều gì, bằng cách nào có thể nói về vị không có sự vướng bận?
Vướng bận: Có hai sự vướng bận: Sự vướng bận do tham ái và sự vướng bận do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự vướng bận do tham ái. ... (nt)… điều này là sự vướng bận do tà kiến. Đối với vị ấy, sự vướng bận do tham ái đã được dứt bỏ, sự vướng bận do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự vướng bận do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự vướng bận do tà kiến, thì [kẻ có sự vướng bận] có thể nói bởi sự luyến ái gì, có thể nói bởi sự sân hận gì, có thể nói bởi sự si mê gì, có thể nói bởi sự ngã mạn gì, có thể nói bởi tà kiến gì, có thể nói bởi sự phóng dật gì, có thể nói bởi hoài nghi gì, có thể nói bởi các pháp tiềm ẩn gì về vị không có sự vướng bận [rằng]: “[Ngươi là] ‘kẻ bị luyến ái’, hoặc là ‘kẻ bị sân hận’, hoặc là ‘kẻ bị si mê’, hoặc là ‘kẻ bị trói buộc’, hoặc là ‘kẻ bị bám víu’, hoặc là ‘kẻ bị tán loạn’, hoặc là ‘kẻ không dứt khoát’, hoặc là ‘kẻ cứng cỏi’?” [Đối với vị ấy] các pháp tạo tác ấy là đã được dứt bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với các pháp tạo tác, thì bởi điều gì có thể nói về cảnh giới tái sanh [của vị ấy] là: “[Ngươi sẽ trở thành] ‘người địa ngục’,… (nt)… hoặc là ‘người phi tưởng phi phi tưởng’?” Không có nhân, không có duyên, không có lý do mà bởi điều ấy có thể nói, có thể thuyết, có thể phát ngôn, có thể giảng giải, có thể diễn tả [về vị ấy].
“Bởi điều gì, bằng cách nào có thể nói về vị không có sự vướng bận?” là như thế.
Bởi vì điều nắm giữ và được rời bỏ là không có đối với vị ấy: Không có thường kiến rằng: “Có tự ngã.” Không có đoạn kiến rằng: “Không có tự ngã.”[5] Không có điều đã được nắm lấy rằng: “Có tự ngã.” Không có điều cần được giải thoát rằng: “Không có tự ngã.” Người nào có điều đã được nắm lấy thì người ấy có điều cần được giải thoát, người nào có điều cần được giải thoát thì người ấy có điều đã được nắm lấy. Trong khi vượt qua hẳn việc nắm giữ và việc giải thoát, bậc A-la-hán vượt qua khỏi sự tiến tu và sự thối thất. Vị ấy đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành, đã đi qua cuộc hành trình, đã đi đến nơi. Việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.
“Bởi vì điều nắm giữ và được rời bỏ là không có đối với vị ấy” là như thế.
Vị ấy đã rũ bỏ mọi tà kiến ở ngay tại nơi đây. Đối với vị ấy, sáu mươi hai tà kiến là đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ. Vị ấy đã rũ bỏ, đã giũ bỏ, đã giũ đi, đã giũ sạch, đã từ bỏ, đã dứt bỏ, đã xua đi, đã làm chấm dứt, đã làm cho không còn hiện hữu mọi tà kiến ở ngay tại nơi đây.
“Vị ấy đã rũ bỏ mọi tà kiến ở ngay tại nơi đây” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Quả thật, kẻ có sự vướng bận tiếp cận sự tranh luận về các pháp,
Bởi điều gì, bằng cách nào, có thể nói về vị không có sự vướng bận?
Bởi vì điều nắm giữ và được rời bỏ là không có đối với vị ấy;
Vị ấy đã rũ bỏ mọi tà kiến ở ngay tại nơi đây.”
“Diễn giải kinh nhóm tám về xấu xa” - Phần thứ ba.
Chú thích:
[1] Năm sự cứng cỏi của tâm: Dịch theo sự hiệu đính của Tam tạng Miến Điện, Thái Lan và PTS. Năm sự cứng cỏi của tâm (cetokhīlā): Là 5 bản tánh cứng cỏi của tâm đối với đức Phật, Giáo pháp, Tăng chúng, việc học tập, và các vị đồng Phạm hạnh (NidA. II. 469). Năm sự cứng cỏi của tâm là: Nghi ngờ bậc Đạo sư; nghi ngờ Giáo pháp; nghi ngờ Hội chúng; nghi ngờ việc học tập; bị bực tức, không hoan hỷ, có trạng thái tâm hằn học, có bản tánh cứng cỏi đối với các vị đồng Phạm hạnh (M. 16, Cetokhilasuttaṃ). (ND)
[2] Từ tathāgata ở đây được Chú giải giải thích là satta, nghĩa là “chúng sanh, sinh vật, loài hữu tình” (NidA. I. 194), chứ không phải là danh hiệu “Như Lai” của đức Thế Tôn. (ND)
[3] Suttanipātapāḷi (Kinh tập), TTPV, tập 29, trang 157, câu kệ 517. (ND)
[4] Ở đây, itihanti được hiểu là “iti ahaṃ ti” và tương đương với nghĩa Việt là: “Tôi là thế này”. (ND)
[5] Ở đây có trường hợp chơi chữ giữa attaṃ, nirattaṃ (điều nắm giữ, được rời bỏ) và attā, nirattā (có tự ngã, không có tự ngã). Có thể phân tích hai từ attaṃ và nirattaṃ như sau: 1. Atta là quá khứ phân từ của ādadāti, còn niratta (nir-atta) là từ phản nghĩa; 2. Atta là quá khứ phân từ của ādiyati, còn niratta là quá khứ phân từ của nirassati. (ND)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.